Friday, June 19, 2009

Từ tấm gương can đảm của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền

Trần Phong Vũ

* Từ tấm gương can đảm của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền tới tâm sự
rướm máu của người tín hữu giáo dân, tên Nguyễn Văn Chất
* Bài học lớn cho hôm nay

Trước khi dẫn vào bài viết:
Sau ngày cộng sản thôn tính miền nam, thống nhất lãnh thổ Việt nam về một mối , dù muốn hay không, cũng như các tôn giáo bạn và các khối lực dân tộc khác, tập thể Công Giáo đã không tránh khỏi những tác động về nhiều mặt. Trong tình huống ấy, giữa các giám mục và nói chung, trong giáo hội, đã nảy sinh ít nhất hai khuynh hướng ứng xử khác nhau:

1/ Bám trụ trên nền tảng Tin Mừng, với thiện chí và tâm tình ngay thẳng, chân thành cộng tác với tân chế độ trong tinh thần yêu thương, liên đới để cùng nhau xây dựng lại quê hương đổ nát. Nhưng sau một thời gian, vì thiện chí không được đáp ứng, trái lại càng ngày nhà cầm quyền mới càng để lộ rõ chủ trương chèn ép, bách hại tôn giáo, nên đã dứt khoát tỏ bày thái độ cương quyết sống và bảo vệ đức tin, cho dẫu có vì thế mà phải gánh chịu thương đau.

2/ Chấp nhận thỏa hiệp cách này hay cách khác với chế độ để sống còn, mà mục tiêu trước mắt là tránh những tai hại, những đổ vỡ về nhân sự, về cơ cấu, tổ chức.
(Ở đây người viết không muốn nói tới một khuynh hướng ứng xử thứ ba gồm những thành phần 'ăn theo' nhà nước, tự biến thành con cờ trong Mặt trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng, gồm một nhúm giáo dân và giáo sĩ quy tụ chung quanh Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước, hậu thân của Ủy Ban Liên Lạc Toàn Quốc Những Người Công Giáo Yêu Nước, Yêu Hòa Bình, từng có mặt tại miền bắc Việt Nam sau tháng 7 năm 1954).

Đi sâu vào hệ quả của hai cung cách ứng xử kể trên để mổ xẻ, nhận định hoặc phê phán không phải là trọng tâm bài viết này.

Với những chứng từ giới hạn có được trong tầm tay, người viết muốn giới thiệu tới những lớp người trẻ hôm nay hai khuôn mặt biểu trưng cho một lập trường, một tấm lòng thiết tha yêu mến và trung thành với Hội Thánh giữa những năm tháng dài huyết hãn trên quê hương. Một thuộc hàng Giáo Phẩm và một thuộc hàng tín hữu giáo dân.
Đó là đức cha Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục giáo phận Huế và người tín hữu giáo dân mang tên Nguyễn Văn Chất. Cả hai tuy ở trong những cảnh ngộ, điều kiên, địa vị khác nhau và nay đã ra người thiên cổ, đã trở về cùng Thiên Chúa, nhưng lời nói, hành vi và thái độ sống vẫn còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người.


TỔNG GIÁM MỤC NGUYỄN KIM ĐIỀN,
MỘT NIỀM TIN SẮT SON, KHÔNG DỜI ĐỔI

Trước khi bàn về con người, tư duy, thái độ và hành động của đức cha Nguyễn Kim Điền, tổng giám mục (TGM) Huế, nhân vật số ba trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) thời bấy giờ -sau đức hồng y Trịnh Như Khuê cai quản tổng giáo phận (TGP) Hànội và đức cha Nguyễn Văn Bình, TGP Sàigòn-, chúng ta cần biết qua vài nét về thân thế và sự nghiệp của ngài.

Đôi giòng tiểu sử

• Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền sinh ngày 13-3-1921 tại Gia Định, là người con thứ tư trong một gia đình gồm 7 anh chị em.
• Ngày 21-9-1947 thụ phong Linh Mục tại Sài Gòn, làm Giáo Sư rồi Giám Đốc Chủng Viện Thánh Giuse.
• Năm 1955, gia nhập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu của Thánh Charles de Foucauld, qua Phi Châu sống tập thể với các tu sĩ Dòng tại sa mạc Sahara.
• Hai năm sau trở về Việt Nam và lần lượt phục vụ tại Sài Gòn, Lâm Đồng, Cần Thơ, sinh hoạt mục vụ với người nghèo trong các xóm lao động, đạp xích lô để tự túc.
• Ngày 28-12-1960 được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Cần Thơ (39 tuổi). Lễ tấn phong tại Sài Gòn ngày 22-01-1961.
• Ngày 30-9-1964, làm Giám Quản TGP Huế thay thế Đức TGM Phêrô Ngô Đình Thục.
• Ngày 11-3-1968, chính thức được Tòa thánh đặt vào chức vụ TGM Huế.
• Sau 30-4-1975, ngài bày tỏ một thái độ tuyệt đối trung thành với Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, quyết liệt phản đối chính sách tiêu diệt tôn giáo, cách riêng đối với Giáo Hội Công Giáo, của CSVN.
• Ngày 8-11-1985, cảm thấy cái chết có thể đến với ngài bất cứ lúc nào nên ngài đă viết di chúc ngắn để lại cho các Linh Mục: "khuyên các cha hăy trung thành với Hội Thánh và đoàn kết với nhau, sống trọn vẹn bổn phận của chủ chăn nhân hiền..."
• Ngày 25-3-1988, ngài viết một bức thư gởi cho ông Nguyễn Văn Linh, sau khi ông nay được bầu làm Tổng Bí Thư đảng CSVN và tuyên bố chính sách "đổi mới"... Nội dung bức thư đòi xóa bỏ lệnh quản chế, được phục hồi quyền công dân, được tự do đi lại để thi hành nhiệm vụ Tổng Giám Mục đối với giáo dân và thăm viếng các Giáo Phận khác thuộc Tổng Giáo Phận Huế.
• Cuối tháng 5/1988, ngài đau nặng, xin vào điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trăi, Chợ Lớn. Có hai vị Giám Mục đă đến thăm và khuyên ngài nên xin vào bệnh viện Chợ Rẫy để có thể xét nghiệm và làm hồ sơ xin đi chữa bệnh tại Roma. Lúc đó cũng có tin Tòa Thánh đă can thiệp xin cho ngài qua Roma chữa bệnh nên ngài đồng ý qua bệnh viện Chợ Rẫy.
• Khoảng 13 gờ trưa 8/6/1988, ngài qua đời trong cô đơn tại đây. Có những nguồn dư luận cho rằng, Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã bị đầu độc!

Vui mừng, phấn khởi, sẵn sàng hợp tác

Là một người xuất thân dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, trước và sau khi nhận chức linh mục, đức cha Nguyễn Kim Điền luôn noi gương thày mình, sống thân cận với giới cần lao nghèo khó. Nhiều chứng từ còn lưu lại cho biết ngài từng hành nghề đạp xích lô trong nhiều năm trên đường phố Sàigòn, Chợ Lớn để sinh sống. Vì thế, về mặt lý thuyết thuần túy, chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít không có điều gì úy kỵ đối với người mục tử hiền hòa, khiêm tốn và khả ái này. Năm 1967, nhân dịp tham dự hội nghị Caritas Internationalis ở Rôma, đáp câu hỏi của một nhà báo Ý muốn biết quan điểm của ngài đối với người cộng sản Việt Nam, đức cha đã thẳng thắn trả lới: "Là giám mục Công giáo, tôi không theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi coi những người cộng sản Việt Nam như anh em tôi" .
Câu trả lời trên đây mang ý nghĩa gì?

Trong tinh thần vâng phục, đức cha dứt khoát không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, vì giáo huấn của Giáo Hội dạy như thế. Đó là chuyện tất nhiên. Nhưng, trong mối tương quan giữa người với người, giáo lý yêu thương của Chúa Giêsu nhắc nhở ngài phải coi mọi người, nhất là người Việt nam, như anh em, cho dẫu họ là cộng sản .

Chính do não trạng trên đây mà ngay từ những ngày đầu khi cộng quân tiến vào cố đô, vị chủ chăn Tổng Giáo Phận Huế đã bày tỏ thiện chí và một thái độ chân thành, cởi mở, sẵn sàng cộng tác với chế độ mới để cùng nhau xây dựng lại quê hương sau những năm dài chinh chiến. Bên trong ngài thiết tha kêu gọi hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi úy kỵ đối với nhà cầm quyền mới. Bên ngoài, ngài công khai nói lên lòng tín thác nơi thành tâm, thiện chí (được thể hiện qua Hiến Pháp cũng như qua những văn kiện công khai) của giới hữu quyền 'cách mạng' lúc bấy giờ.

Vì TGP Huế nằm ở cực bắc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, nên cũng là nơi đoàn quân xâm lược phương bắc kiểm soát được đầu tiên vào ngày 26-3, trước khi kết thúc cuộc trường chinh thôn tính trọn miền nam Việt Nam vào ngày 30-4-1975.

Trong Tâm Thư đề ngày 01 tháng 4 năm 1975 gửi các linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân trong TGP, đức cha Nguyễn Kim Điền viết:

"Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ ba mươi năm nay. Thời gian sống trong hãi hùng, lo âu qua rồi. Thời gian đồng bào chúng ta nghi kỵ, chia rẽ, hận thù nhau, có khi đến chém giết nhau đã qua rồi. Chúng ta hãy cùng cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân quý giá này.....

Giờ đây đã đến lúc chúng ta hoan hỉ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của Chánh quyền Cách mạng để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, no ấm và hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, yêu thương và phục vụ người khác, giúp đỡ và chia sẻ cơm áo với đồng bào, không phải chia sớt những gì mình dư thừa, mà còn trao nhượng những gì mình chỉ có vừa đủ, theo tinh thần bác ái của Chúa Giêsu mà mọi người thiện chí và mọi chính quyền trên thế giới quyết tâm thực thi mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn.....

Giờ đây, chúng ta hãy khoan dung, tha thứ mọi lỗi lầm, đừng nghi ngờ, thù hận ai và gây sợ hãi cho ai. Nhưng trái lại, phải hiểu tốt, thông cảm và nhìn nhận thiện chí của người khác, để tất cả mọi người sống thoải mái, vui tươi, hạnh phúc của những công dân trong chế độ dân chủ, thịnh vượng và hòa bình..."

Trong bài phát biểu 8 ngày sau đó nhân buổi lễ ra mắt Ủy Ban Mặt Trận Nhân Dân thành phố Huế (09-4-1975), Đức TGM nói: "Ở đời này, không có gì quý hơn mạng sống con người.....Độc lập hôm nay là một sự thực cho cố đô Huế. Còn tự do thì Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã long trọng bảo đảm cho toàn thể đồng bào, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo."

Sau khi tỏ bày niềm vui mừng của người Công Giáo Việt Nam khi thấy mọi quyền năng căn bản của con người -hàm súc trong những nghị quyết, những văn kiện của nhà nước-, được đảm bảo, ngài cam kết:

"Người Công Giáo nguyện tích cực góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt để cùng với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng, hòa bình, trong đó chúng tôi có cơ hội chu toàn bổn phận đối với Tổ Quốc và đối với Thiên Chúa".

Chúng ta đọc được thành tâm thiện chí và tâm trạng vui mừng thật sự của đức cha Điền trong những lời phát biểu trên đây. Nhưng, qua ngôn từ, người cầm đầu TGP Huế vẫn không quên đưa ra những lời ràng buộc, và ẩn sâu trong đó gói trọn ước mơ của tuyệt đại đa số đồng bào Việt Nam –trong số có tập thể công giáo dân- về một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng để người Công Giáo có cơ hội chu toàn bổn phận đối với Tổ Quốc và Thiên Chúa.

Trong hai năm thử nghiệm, những khó khăn bắt đầu ló dạng

Trong suốt hai năm trường, từ tháng 4-75 đến tháng 4-77, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong Tổng Giáo Phận, đức cha Điền luôn tìm mọi cơ hội để chứng tỏ với nhà nước thiện chí của người công dân Công Giáo muốn đóng góp công sức cùng các giới đồng bào trong công cuộc tái thiết xứ sở.

Theo lời thuật lại của một số người thân cận với đức TGM Nguyễn Kim Điền trong thời gian ấy thì không phải chỉ trong lúc xuất hiện nơi công cộng, mà ngay cả trong những tiếp xúc riêng tư, đức cha luôn khuyên bảo mọi người đừng bao giờ quên mình là người Công Giáo, là con cái Chúa, trong khi phán đoán, đối xử với người chung quanh, nhất là đối với những viên chức nhà nước. Điều ngài thường tâm niệm và công khai nhắc nhở các linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân là đừng bao giờ nuôi thành kiến xấu về bất cứ ai. Mọi phán đoán hãy để cho Thiên Chúa, hãy cố gắng nhẫn nhục, sống hòa hợp với mọi người, mọi giới trong tinh thần yêu thương, liên đới như lời Chúa dạy. Đức Cha tin rằng, sớm hay muộn, nếu mình cứ kiên nhẫn, luôn bày tỏ thiện chí, sẽ có ngày người ta sẽ hiểu.

Nhưng, mọi chuyện đã không diễn ra suông sẻ như ngài hằng thành tâm mong ước.
Càng ngày càng phát hiện nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt phụng tự, từ trung ương cho tới các địa phương. Trong khi trên lý thuyết, xuyên qua những văn kiện, sắc lệnh, nghị định, kể cả Hiến Pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa với những điều 67, 69, 70, 71 công nhận những quyền tự do phổ quát và quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân, thì trên thực tế những hành vi chà đạp cách trắng trợn lên những quyền này diễn ra từng ngày, từng giờ tại khắp các địa phương. Dĩ nhiên không phải chỉ trong phạm vi TGP Huế. Nhiều giáo đường, tu viện bị trưng dụng hoặc bị cấm hành lễ. Việc tuyển chọn và đào tạo tu sinh tại các chủng viện cũng như việc bổ nhiệm, di chuyển của các linh mục, tu sĩ bị hạn chế gắt gao, khiến cho giáo dân ở những vùng sâu, vùng xa, nhất là tại những vùng kinh tế mới không có Thánh Lễ, không được lãnh nhận các bí tích Thánh.

Khi vấn đề được nghiêm chỉnh đặt ra với Ủy ban Nhân dân tỉnh thì nơi đây lại quy trách cho chính quyền trung ương hoặc địa phương. Và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lập đi lập lại, tạo nên một không khí căng thẳng trong mối tương quan giữa cán bộ nhà nước và tập thể đồng bào Công giáo ở nhiều nơi trong TGP. Từng bước một, nhà nước lần hồi tạo sức ép để cưỡng bách chiếm dụng các trường ốc, tu viện và các cơ sở xã hội vốn là sở hữu của giáo phận, trong khi vẫn không ngừng kiểm soát gắt gao những sinh hoạt phụng tự, từ sự di chuyển của linh mục, tu sĩ tới các buổi hội họp của các đoàn thể giáo dân.

Cũng trong thời gian ấy, nhiều biến cố quan trọng đã nổ ra ở trong nam. Sau vụ các lực lượng an ninh nhà nước tấn công nhà thờ Vinh Sơn, bắt giam một số linh mục, tu sĩ hồi tháng 2-1976, đầu năm 1977, công an vũ trang lại mở cuộc bao vậy các chùa chiền thuộc hệ phái Phật giáo Ấn Quang, bắt bớ một số tăng sĩ cùng tín đồ!






Những tiếng nói của lương tâm

Là chủ chăn, là người có trách nhiệm trực tiếp đối với đời sống tâm linh của giáo dân trong Tổng Giáo Phận Huế, Đức Cha Nguyễn Kim Điền đã nhân cơ hội này mạnh mẽ lên tiếng. Một mặt để tỏ bày tình liên đới với Giáo Hội bạn, mặt khác để nói lên quan điểm của ngài trước những hành vi chèn ép tôn giáo, vi phạm nhân quyền của nhà nước. Ngày 15 tháng 4 năm 1977, nhằm hù dọa và cũng để trấn áp dư luận, Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên đã tổ chức một cuộc họp với thành phần tham dự gồm đông đảo các nhà lãnh đạo các tôn giáo, trong số có đức TGM Nguyễn Kim Điền. Cuộc họp nhằm thông báo và giải thích chủ trương, chánh sách của đảng và nhà nước cộng sản chung quanh vụ bao vây và bắt giữ 6 tăng sĩ thuộc hệ phái Phật Giáo Ấn Quang ở Sàigòn trước đó ít hôm.


Được yêu cầu phát biểu cảm tưởng trong dịp này, vị chủ chăn TGP Huế đã minh nhiên nói lên quan điểm của ngài về hai vấn đề quan trọng:

Thứ nhất là quyền tự do tôn giáo
và thứ hai là quyền được đối xử bình đẳng của người công dân .
Trước khi dẫn vào những nhận định rốt ráo về tình trạng tự do tôn giáo và quyền bình đẳng của người công dân bị tước đoạt, ngài tóm tắt mục đích và nội dung cuộc họp do MTTQ Bình Trị Thiên triệu tập. Mở đầu phần phát biểu, đức cha nói:

"Tôi vừa được nghe vụ bắt bớ 6 vị lãnh đạo Phật Giáo qua tin tức mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế và đại diện Mặt Trận vừa cho hay ngày hôm nay. Tôi cũng vừa nghe ông Trần Văn Long, đại diện chính phủ tại thành phố HCM cho biết là chính quyền phải áp dụng biện pháp mạnh đối với Phật giáo. Tôi cũng vừa được nghe ý kiến của những vị tham dự buối họp hôm nay phát biểu về chuyện vừa xảy ra và theo ý kiến của những vị này chúng ta có bổn phận phải làm cho nhân dân sáng tỏ vấn đề....

Cá nhân tôi...tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật giáo những kinh nghiệm mà trước đây chúng tôi đã phải chịu trong vụ Vinh Sơn (chính quyền đã bố ráp nhà thờ Vinh Sơn tại thành phố HCM và một số tu sĩ Công giáo cũng như tín đồ đã bị bắt, bị buộc tội là chống chính phủ). Chúng tôi chắc chắn là không có ai trong buổi họp này có thể chấp nhận hành động của chính phủ được diễn tả trong bản thông cáo của chính phủ. Chúng tôi không thể không đau khổ khi những việc như vậy xảy ra cho những người có tín ngưỡng. Làm thế nào để diễn tả tâm trạng của chúng ta? Chỉ những người nào đã trải qua những kinh nghiệm tương tự mới có thể biết sự đau khổ như thế nào...

Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích cho chúng ta nghe, chỉ là một sự kiện đơn độc. Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi nếu quả thực có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn thì chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thỏa mãn với chính phủ về chánh sách tự do tín ngưỡng".

( Xin mở dấu ngoặc để nói thêm là trong một hoàn cảnh, một điều kiện nhất định nào đó, nhà nước có thể để cho những cá nhân phát biểu ý nghĩ của mình, dĩ nhiên là trong một phạm vi riêng rẽ, có giới hạn –giới hạn về số người và về thành phần hiện diện-. Mục đích là để làm giảm tình trạng căng thẳng có thể dẫn tới những phản ứng giây chuyền gây nguy hiểm cho chế độ, và cũng có thể mang ẩn ý là tạo cơ hội để lộ ra những khuôn mặt chống đối, nhất là những khuôn mặt tiêu biểu, có ảnh hưởng trong hai tôn giáo lớn là Phật Giáo và Công giáo, hầu chuẩn bị biện pháp ứng phó sau này. Nhưng nếu những ý kiến phát biểu này lại được ghi lại rồi phổ biến rộng rãi trong dư luận như đức cha Điền đã làm sau đó thì đấy là điều cấm kỵ đối với đảng và nhà nước cộng sản. Cho nên người ta không ngạc nhiên là chỉ trong vòng 100 ngày sau khi văn bản ghi lại nội dung những lời phát biểu của đức cha trong cuộc họp do MTTQ Bình Trị Thiên triệu tập ngày 15-4-77 và trong dịp trao đổi ý kiến để đóng góp cho bản dự thảo "Đề cương báo cáo của đảng bộ Bình Trị Thiên" một tuần sau, được phát tán trong quần chúng thì Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố HCM đã gửi tới đức TGM Nguyễn Văn Bình một văn kiện dài với tiêu đề "Nhận Định Về Hai Bản Văn ghi lại Lời Phát Biểu của TGM Nguyễn Kim Điền". Mục tiêu của văn kiện nhằm phản bác và mạt sát những ý kiến thẳng thắn của đức cha Điền hầu chặn đứng ảnh hưởng tai hại (dĩ nhiên là tai hại đối với đảng và nhà nước) trong dư luận đồng bào trong cũng như ngoài Công Giáo).

Trở lại với lời phát biểu của đức TGM Nguyễn Kim Điền tại MTTQ Bình Trị Thiên. Sau phần nhập đề với những ý nghĩ thẳng thắn kể trên, Đức Cha đã công khai nói lên những cảm nghĩ tiêu cực của ngài đối với hai vấn đề (1) quyền tự do tín ngưỡng và (2) quyền bình đẳng của người công dân.

Về điểm một, ngài nói:

"Sau ngày giải phóng, tôi được nghe chính phủ tuyên bố về chánh sách tự do tín ngưỡng, tôi rất sung sướng và phấn khởi... Nhưng hai năm đã qua, tôi không còn cảm thấy sung sướng nữa, vì thực ra tự do tôn giáo không có".

Để dẫn chứng là quyền tự do tín ngưỡng đã bị xâm phạm, đức cha cho hay:
"Những buổi hành lễ đã bị hạn chế và các tu sĩ Thiên Chúa Giáo không được phép di chuyển để phục vụ nhân dân Thiên Chúa. Thí dụ, họ không được đến những vùng kinh tế mới để làm lễ. Nhiều nhà thờ đã bị chiếm và những nhà thờ khác không được phép làm lễ..."

Qua vấn đề thứ hai là quyền bình đẳng của người công dân, vị chủ chăn TGP Huế nói:

"Suốt trong hai năm qua, xin quý vị cho tôi được phát biểu ý kiến một cách ngay thẳng: người Công giáo chúng tôi không thấy thoả mãn một tí nào. Họ làm gì, họ ở đâu cũng cảm thấy bị chèn ép, bị lấn lướt. Tại nhà trường, sinh viên, học sinh đã phải nghe những lời phỉ báng Công giáo, giáo sư đã nhục mạ Công giáo... Đối với những công nhân, viên chức, giáo sư, cán bộ xã hội Công giáo, mặc dầu họ là những công dân tốt, họ cũng không được phép tiếp tục những công việc của họ, chỉ vì họ là người Thiên Chúa Giáo. Nếu là một người Công giáo thì bị từ chối công việc. Khi muốn biết lý do tại sao như vậy, họ sẽ được nói riêng là nếu họ bỏ đạo Thiên Chúa hoặc đừng đi nhà thờ nữa, họ sẽ không còn gặp khó khăn! "

Chẵn một tuần sau, nhân buổi họp để thu góp ý kiến cho bản dự thảo "Đề Cương báo cáo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên" ngày 22-4-77, khi được yêu cầu phát biểu, đức cha Nguyễn Kim Điền đã nhân cơ hội này khai triển thêm những suy tư của ngài về vấn đề tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng . Theo đức cha thì

"nếu có tự do tín ngưỡng thì năng xuất của đồng bào Công Giáo sẽ lên cao lắm. Thực thỉ có chính sách tự do tín ngưỡng bằng văn bản đó (có 5 sắc lệnh và thông tư về tôn giáo). Nhưng trong thực tế vẫn có những khẩu lệnh đi ngược lại với chính sách".

Sau khi nhắc lại lịch sử 2000 năm Giáo Hội Công Giáo với những cuộc bách hại kinh hoàng từ thời đế quốc La Mã qua những triều Minh Mạng, Tự Đức ở xứ ta để minh chứng không có sức mạnh nào có thể triệt hạ được niềm tin Kitô giáo, Ngài nói:
"Đạo ở trong lòng, cho dù bề ngoài không còn di tích gì nữa nhưng còn trong lòng, không ai động đến được. Có thể giết xác nhưng không thể giết được lòng. Quan niệm của nguời Công giáo là như vậy.
Hôm qua có môt vị phát biểu đã nghe Hồ Chủ Tịch thường căn dặn cán bộ trí thức rằng: 'Lao động trí óc mà không lao động chân tay, hoặc lao động chân tay mà không lao động trí óc thì là một người bán thân bất toại'. Câu nói đó rất chí lý và sáng suốt. Thì cũng vậy, con người chỉ thoải mái về vật chất mà không thoải mái về tín ngưỡng thì cũng là con người bán thân bất toại vậy. Nhưng không phải tự họ muốn mà là bị ép buộc bán thân bất toại. Như thế ích gì cho tổ quốc?

Nhấn mạnh vế yếu tính đạo Công giáo là đạo không hệ tại ở giàu sang vật chất mà là một đạo nghèo, đức cha Nguyễn Kim Điền nói:
"Có những người nghĩ là Công giáo tồn tại nhờ dựa trên kinh tế, trên thế lực. Không phải vậy mà ngược lại. Đấng lập đạo Công Giáo nói: 'Con chồn có hang, con chim có tổ. Ta không có chỗ gối đầu'. Và người còn chủ trương một điều mà trên đời không mấy ai chấp nhận là 'Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó'. Thật vậy, khi nào vinh sang, có nhiều của cải là lúc Công giáo yếu nhất, ngược lại Công Giáo càng nghèo khó, túng thiếu bao nhiêu thì càng mạnh bấy nhiêu".

Kết thúc phần phát biểu, vì hiểu rõ ý đồ của đảng và nhà nước sẽ tìm mọi thủ đoạn để chiếm dụng những nơi thờ phượng, nên người lãnh đạo giáo dân TGP Huế minh xác:
"Về nhà thờ thì dù lớn nhỏ, xấu tốt thì cũng đã dâng cho Thiên Chúa rồi, không thể xâm phạm được, cũng như không thể xâm phạm lăng của Hồ Chủ Tịch vậy".

Áp dụng ngón đòn 'gậy ông đập lưng ông', trước phản ứng của đảng và nhà nước cộng sản xuyên qua việc gửi tới đức cha Nguyễn Văn Bình, TGM Sàigon vào đầu tháng 8-77 "Bản Nhận Định Về Hai Bản Văn Ghi Lại Lời Phát Biểu Của TGM Nguyễn Kim Điền", ngày 27-10-77, ngài công khai gửi tới Ủy Ban MTTQ Bình Trị Thiên một văn thư với lý do biểu kiến là để đáp lại những lời cáo buộc trong bản nhận định, nhưng dụng ý chính là đề xác định thêm một lần nữa trước công luận quan điểm của ngài đối với tệ trạng tự do tín ngưỡng và quyền bình đẳng của người công dân không được bảo đảm.

Thay vì hai bản văn ghi lại lời phát biểu ngày 14 và 22-4 chỉ được phổ biến 'chui', trong văn thư ngày 27-10 đức cha Nguyễn Kim Điền đã đề nghị nhà cầm quyền công khai hóa bức thư giải thích này cho giáo dân toàn giáo phận, cho đồng bào ngoài CG, không những tại địa phương Huế mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kể cả những cơ quan truyền thông ngoại quốc từng nói tới nội dung hai bản văn phát biểu hồi tháng 4-77 của ngài. (Và dĩ nhiên lời đề nghị này của đức cha chẳng bao giờ được nhà nước nghe theo).

Trong suốt năm 1978, bằng những phương tiện thông tin tuyên truyền trong tay, nhân danh việc thống nhất chương trình giáo dục của đảng và nhà nước, giới hữu quyền liên hệ tại Huế, tại Sàigòn và khắp các địa phương, liên tiếp đưa tin là sẽ có những biện pháp mới nhắm vào các cơ sở đào tạo những tu sinh thuộc mọi tôn giáo. Ngày 16-3-1979, Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên chính thức công bố Quyết định số 284-QĐ-/NC nói là để "giúp Giáo Hội Thiên Chúa tổ chức lại các trường tôn giáo theo đúng tinh thần Nghị Quyết 297/CP của Hội Đồng Chính Phủ". Bản sao Nghị định đã được thông báo cho tòa Tổng Giám Mục Huế. Trong điều 2, Nghị định ghi rõ như sau:

"Trường phải nhằm đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo tốt, đủ trình độ và tư cách phục vụ đồng bào có đạo ngày nay là những người chủ tập thể của đất nước đang xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Sau khi được tổ chức lại đúng theo tinh thần Nghị Quyết 297/CP, và được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh chấp thuận, trường sẽ được coi tương đương như một trường đại học chuyên nghiệp, do hệ đại học chuyên nghiệp quản lý, có chiếu cố tính chất nhà trường là một trường tôn giáo"

Điều 3, Nghị định nhấn mạnh:
"Chậm nhất đến ngày 15-4-1979 mọi phương án mới về tổ chức và nội dung giảng dạy của nhà trường và về quy hoạch đào tạo v.v...phải được xây dựng xong trình Ủy Ban Nhân Dân tỉnh xét để đến tháng 6-1979 trường mới sẽ chính thức thay thế các trường cũ".

Đọc kỹ những điều trên đây, với suy luận bình thường ai cũng nhận ra những lắt léo, cạm bẫy hàm chứa trong đó. Ngoài ẩn ý mặc nhiên chiếm dụng hệ thống chủng viện của Giáo Hội ở địa phương, đảng và nhà nước muốn trực tiếp thọc sâu bàn tay can thiệp vào vấn đề nhân sự cũng như việc thiết lập học trình cho các chủng viện, điều mà những năm sau này ai cũng biết

Sau khi nhận được Nghị Định kể trên, ngày 17-5-1979, đức TGM Nguyễn Kim Điền đã gửi tới Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên một văn thư phúc đáp.

Tiếp theo phần viện dẫn những đòi buộc theo Giáo lý Thánh kinh (Ơn Thiên Triệu làm linh mục hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa và Hội Thánh), theo Giáo luật (GL các số 1358-1371 quy định việc thiết lập hệ thống tiểu và đại chủng viện), và Giáo lý Công đồng Vaticanô II (quyền đào tạo chủng sinh, vấn đề truyền chức, thuyên chuyển linh mục của Hội Thánh), vị lãnh đạo tinh thần TGP Huế nhấn mạnh:

"Những nguyên tắc và quy luật trên là kinh nghiệm ngàn đời của Hội Thánh nói chung, và của giáo phận Huế từ mấy trăm năm qua, nói riêng. Vậy, nếu phải tổ chức các chủng viện Công giáo theo Quyết Định của Ủy Ban số 284-QĐ/NC thì các chủng viện ấy sẽ đi ngược lại những điều trên".

Cùng với Quyết Định số 284-QĐ/NC ngày 16-3-79 đề ra chính sách tổng quát nhằm xâm nhập hệ thống giáo dục tại các chủng viện Công Giáo Huế, ngày 13-12-1979, Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên tiến thêm một bước bằng cách công bố Quyết Định 2342-QĐ/UB trắng trợn cướp đoạt tiểu chủng viện Hoan Thiện mà dưới mắt đảng và nhà nước cộng sản, cơ sở đào tạo chủng sinh này của TGP Huế chỉ là một 'trường học tư thục' mà thôi.

Tham chiếu chỉ thị "số 221 của Ban bí thư Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về công tác cải tạo nền giáo dục của Mỹ Ngụy nói chung và việc cải tạo trường tư nói riêng", Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên quyết định:

"Điều 1: Nay công lập hóa trường Trung học Tư thục Hoan Thiện ở số 11 Đống Đa thuộc thành phố Huế để sử dụng vào mục đích giáo dục".

Trong văn thư phúc đáp Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên và bản sao gửi Mặt Trận Tổ Quốc đơn vị tỉnh, đức cha Nguyễn Kim Điền đã nhân danh người cầm đầu TGP Huế xác định:

"Tiểu chủng viện Hoan Thiện ở số 11 Đống Đa Huế, tự bản chất là một chủng viện Công giáo tức là nơi thường trú của các tu sinh để tu học hầu trở thành linh mục, điều mà mọi người xưa nay luôn luôn công nhận".

Theo lời thuật lại của linh mục Phan Văn Lợi thì ngay từ năm 1977, đức TGM Huế đã có một hành vi tự quyết liên quan tới việc khai giảng đại chủng viện tại TGP năm ấy mặc dầu không được phép, khiến nhà cầm quyền cộng sản phải bối rối .
Điều cần biết là ngay tại Sàigòn, trong thời gian ấy, đức TGM Nguyễn Văn Bình cũng được tống đạt những văn thư tương tự của Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM. Có điều cách phản ứng của ngài không giống như cách phản ứng của người cầm đầu TGP Huế.

Giai đoạn quyết liệt: đối đầu với con cái lạc đường.

Trước tháng 4 năm 1975, do sự thúc đẩy của đảng và nhà nước, một nhóm nhỏ linh mục ở miền bắc đã cho ra đời một tổ chức có cái tên khá dài là "Ủy Ban Liên Lạc Toàn Quốc Những Người CGVN Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình" (UBLLTQ/NNCGVN/YTQ/YHB). Sau 30-4-1975, tổ chức này tìm hết cách để xâm nhập sinh hoạt của tập thể Công Giáo ở miền nam vĩ tuyến 17 nhưng không thành công bao nhiêu. Một phần vì thiếu sự hỗ trợ tích cực của đảng và nhà nước trong giai đoạn đầu còn đang phải đối phó với những khó khăn nội tại. Phần khác vì gặp phải thái độ lãnh đạm của tuyệt đại đa số quần chúng giáo dân miền nam.

Đầu thập niên 80, đã có những dấu hiệu cho thấy nhóm giáo sĩ được giáo dân gọi mỉa mai là nhóm 'linh mục quốc doanh' mà người chủ chốt là Nguyễn Thế Vịnh, bắt đầu có những nỗ lực nhằm bành trướng hoạt động và ảnh hưởng của Ủy Ban trên toàn lãnh thổ. Hạ bán niên 1983, linh mục Nguyễn Thế Vịnh với tư cách Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc được giao phó kiêm nhiệm vai trò Chủ Tịch "Ban Trù Bị Đại Hội Toàn Quốc Những Người CGVN" được dự tính tổ chức vào tháng 11 năm ấy.

Được tin trên, ngày 19-10-1983, đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đã gửi cho linh mục Nguyễn Thế Vịnh một lá thư. Với tâm tình của một chủ chăn luôn trung thành với những giáo huấn của Hội Thánh, ngài thiết tha kêu gọi linh mục Vịnh hãy cẩn trọng xét lại tư cách và việc làm của Ủy Ban. Đức cha nêu lên ba điểm căn bản để yêu cầu hủy bỏ ý định triệu tập đại hội nhằm "mở rộng và đổi mới" hoạt động của Ủy Ban với mục đích được thông báo rộng rãi là để "phù hợp và đáp ứng tình hình và nhiệm vụ cách mạng của dất nước ta trong giai đoạn hiện tại".

Trong hai điểm đầu, đức cha nhắc lại đặc tính Duy Nhất – Thánh Thiện – Tông Truyền của Giáo Hội Công Giáo để nhấn mạnh tới khía cạnh không thuận tình lý về sự có mặt của một tổ chức mang danh Giáo Hội, nhưng lại nằm ngoài Hội Đồng Giám Mục, cơ cấu nền tảng của Giáo Hội Việt Nam vốn có căn bản pháp lý từ lâu và ngay đến chế độ đương thời cũng không dám minh nhiên phủ nhận. Ngài viết:

"...theo tinh thần Công Đồng Chung Vaticanô II và Giáo luật 1983 thì Hội Đồng Giám Mục mỗi quốc gia có nhiệm vụ hướng dẫn mọi sinh hoạt Công giáo trong quốc gia ấy. Do đó, trong HĐGMVN có các Ủy Ban đặc trách về Phụng tự, về Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và về Giáo Dân, nghĩa là sinh hoạt của toàn bộ Dân Chúa ở Việt Nam. Vậy phải chăng là thừa và còn dẫm chân lên nhau, nếu Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo không đứng vào trong tổ chức chính thức của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, mà lại thành lập thêm một Ủy Ban riêng rẽ?"

Sang điểm thứ ba, đức cha Điền viết:

"Ai cũng biết Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo ở Trung Quốc đã biến thành giáo hội tự trị, tách lìa khỏi Giáo Hội tông truyền Rôma. Ai cũng biết lực lượng bành trướng từ phương Bắc đã và đang tìm cách phá hoại đất nước chúng ta. Vậy, nếu không cảnh giác, người Công Giáo chúng ta có thể làm công cụ cho họ phá hoại Hội Thánh Công Giáo, điều mà nhà nước ta không muốn, Hội Thánh không muốn và chính chúng ta cũng không ai muốn".

Bằng văn thư công khai nhắc lại sự kiện trên đây, hiển nhiên đức cha Điền đã không ngần ngại tỏ bày mối ưu tư là những vận động gọi là đổi mới và mở rộng của nhóm LMQD có thể dẫn tới hậu quả tai hại là biến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thành một Giáo Hội tự trị, xa lìa tính cách tông truyền và thông hiệp với Giáo Hội hoàn vũ, điều đã từng xảy ra cho Giáo Hội Trung Quốc.

Cuối thư, đức cha đề nghị Ủy Ban nên thông qua mọi hoạt động cũng như mọi chương trình, dự tính với Hội Đồng Giám Mục, để "Nếu xét thấy thật có nhu cầu cấp bách, thì HĐGM sẽ xin họp bất thường ngay để cứu xét".

Ngoài linh mục Nguyễn Thế Vịnh, bản sao lá thư cũng được người cầm đầu tổng giáo phận Huế gửi tới đức Hồng Y Chủ Tịch HĐGMVN, các đức TGM và GM của từng giáo phận trên toàn quốc 'để tường'.

Và như chúng ta đã biết, bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của đức cha Nguyễn Kim Điền, cái gọi là "Đại Hội Toàn Quốc Những Người Công Giáo Việt Nam" do UBLLTQ/NNCGVN/YTQ/YHB dự trù với sự thúc đẩy trong hậu trường của đảng và nhà nước đã được triệu tập vào tháng 11-1983. Sau đại hội, danh xưng mới của Ủy Ban Liên lạc được đổi thành UB/ĐKCG/YNVN (một thời gian sau, vì một lý do nào đó, từ 'Yêu Nước' được cắt bỏ). Cũng từ đấy tổ chức này đã trở thành một tập hợp được bản tin Tin Nhà mệnh danh là 'Nhóm trung gian gây nhiễu' đã tuân theo chỉ thị của đảng và nhà nước tạo ra nhiều khó khăn cho Giáo Hội Việt Nam.

Cũng từ sau đại hội kể trên, một bầu không khí hoang mang, lo sợ bao trùm trên tập thể giáo sĩ và giáo dân miền nam. Với sự hỗ trợ, thúc đẩy tận tình của đảng và nhà nước qua Mặt Trận Tổ Quốc -cơ quan đỡ đầu của UBĐKCGYN-, nhóm linh mục quốc doanh trong nam gồm những khuôn mặt tiêu biểu như 'tứ nhân bang' Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, cộng thêm Thiện Cẩm, bắt đầu len lỏi vào từng giáo phận để chiêu dụ giáo sĩ giáo dân thành lập các Ủy Ban địa phương mà mục tiêu không úp mở là gây ảnh hưởng nhằm chi phối mọi sinh hoạt trong các giáo phận theo đường lối, chủ trương của nhà nước.

Tờ Công Giáo và Dân Tộc đương nhiên trở thành cơ quan thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho chủ trương này. Trong tình huống ấy, các giám mục cai quản các giáo phận đã phải tự chọn cho mình một thái độ ứng xử dựa theo tiếng nói lương tâm của mỗi vị
Riêng tại tổng giáo phận Huế, bằng văn thư và bằng những lời huấn dụ nghiêm khắc, đức cha Nguyễn Kim Điền đã công khai cấm các linh mục thuộc quyền ngài tham gia UBĐK. Hành động quyết liệt này của người lãnh đạo tinh thần TGP Huế đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với đảng và nhà nước CSVN lúc ấy.

Nếu hiểu được rằng thực chất UBĐKCGYN chỉ là một bộ phận của MT Tổ Quốc, một con cờ do chế độ đẻ ra nhằm mục đích khống chế Giáo Hội Công Giáo, người ta sẽ thấy được mối âu lo của đảng và nhà nước đối với phản ứng của đức cha Điền. Vấn đề có chiêu dụ được một số giáo sĩ và giáo dân Huế gia nhập Ủy Ban hay không, không phải là vấn đề quan trọng.

Điều quan trọng mang tính chất chiến lược ở đây khiến chế độ phải âu lo là sự lây lan, ảnh hưởng từ thái độ dứt khoát, bất khoan nhượng của đức TGM Nguyễn Kim Điền qua các giáo phận khác, nhất là với TGP Sàigòn. Do đó, bằng mọi cách, với mọi thủ đoạn, đảng và nhà nước phải ra tay. Và phương lược họ chọn là đánh thẳng vào người cầm đầu TGP Huế. Cấp bách là để mong dập tắt mồi lửa đối kháng nhen nhúm nơi một nhân vật thuộc hàng giáo phẩm Công Giáo cấp cao. Thứ đến để dằn mặt và cũng để đo lường phản ứng của những vị khác trong Giáo Hội.

Ngày 05-4-1984, đức cha Điền nhận được giấy 'mời làm việc' của Sở Công An Bình trị Thiên. Và những buổi 'làm việc' như vậy kéo dài suốt trong 120 ngày liên tiếp và chỉ tạm kết thúc vào ngày 15-10 năm ấy.

Từ Thư Chung ngày 17-10-84 đến Di Chúc ngày 08-11-85

Hai ngày sau khi kết thúc chuỗi thời gian dài 'làm việc', nhằm ngày 17-10-1984, với tư cách chủ chăn, đức TGM Nguyễn Kim Điền đã gửi một Thư Chung tới toàn thể
linh mục đoàn, các tu sĩ nam nữ và giáo dân trong tổng giáo phận, trước hết là để cám ơn mọi người đã kiên trì cầu nguyện cho ngài "được vững tâm trong nhiệm vụ 'làm chứng'", và thứ đến là để tường trình cho cộng đoàn Dân Chúa rõ chi tiết nội dung các buổi 'làm việc' của ngài với sở công an Bình trị Thiên trong 120 ngày vừa qua.

Những gì gói ghém trong Thư Chung đã hé mở cho người ngoại cuộc thấy được một số vấn đề hàm ngụ trong đó. Trước tiên nó cho thấy bản chất tay sai chế độ của cái gọi là "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nươc Việt Nam" điều mà cho đến ngày nay, vì một căn nguyên nào đó, vẫn còn có một thiểu số lên tiếng biện hộ cho tổ chức này. Đọc lại những lời lẽ của viên công an thẩm vấn đức cha Điền: "UBĐKCGYNVN được pháp luật cho phép và bảo trợ... nếu chống là chống lại pháp luật và chính sách của nhà nước..." chúng ta còn có cách hiểu nào khác hơn về tính chất nô bộc, tiếp tay chế độ làm hại Giáo Hội của Ủy Ban, mà cụ thể chỉ là một nhóm nhỏ dăm, bảy giáo sĩ có chức có quyền trong đó?

Bằng cái nhìn thực tế dưới con mắt người đời, dường như tất cả mọi nỗ lực bệnh đỡ lập trường, quan điểm Giáo Hội của đức cha Nguyễn Kim Điền đều đã bị thất bại. Điều này cũng có nghĩa là đảng và nhà nước CSVN đã thắng thế trong mưu toan triệt hạ lần hồi ảnh hưởng vốn có từ bao đời nay của Giáo Hội Công Giáo. Nguyên lý gói ghém trong câu tục ngữ của người bình dân Việt Nam "Một Cánh Én đơn lẻ không làm nổi Mùa Xuân" đã không có luật trừ cho ai.

Kể từ đấy, mọi sinh hoạt trong đạo, từ vấn đề tuyển sinh, đào tạo, phong chức, dạy giáo lý cho tới việc in ấn, phổ biến sách báo Công Giáo, cũng như việc thuyên chuyển, đi lại của các linh mục, tu sĩ đều bị giới hạn. Rồi từ giới hạn tiến sang giai đoạn cấm đoán gắt gao. Hệ thống tiểu và đại chủng viện một phần bị công lập hóa, nói khác đi là bị chiếm dụng, phần còn lại bị cưỡng chế phải thay đổi học trình theo quan điểm nhà nước . Ủy Ban Đoàn kết Công Giáo Yêu Nước tuy trên thực tế chưa bám rễ được vào những sinh hoạt của TGP, nhưng bằng những thủ đoạn vừa hăm dọa, vừa mua chuộc, hủ hóa, nhà cầm quyền cộng sản đã cấy được vào hàng ngũ giáo sĩ một số tay chân, tạo ra những nghi kỵ, chia rẽ trong nội bộ, giữa giám mục với nhau, giữa giám mục với linh mục v.v...

Tuy vậy, với cái nhìn xuyên suốt qua cặp mắt tâm linh, tự thân quan điểm, lập trường và thái độ quyết liệt đối đầu với chế độ bằng niềm tin son sắt của ngưởi cầm đầu TGP Huế, đã mang một giá trị không ai có thể phủ nhận. Nó tương tự như sự chọn lựa bị người đời coi là thiếu khôn ngoan của các tiền nhân tử đạo, khi sẵn sàng chấp nhận phân thây hơn là phải quá khóa. Nói theo thánh Phaolô thì đấy là sự điên rồ của niềm tin Thập Giá. Và như thế, không thể lấy sự thành bại, mất còn để phân định giá trị hơn thua.

Lúc ấy, và cả ngay bây giờ –thời điểm sau 30 năm Giáo Hội Công Giáo bị áp đặt dưới chế độ cộng sản-, vẫn còn đó không ít người nghĩ rằng: nếu các vị chủ chăn cùng có chung một tấm lòng, một tiếng nói, một lập trường để có được những phản ứng, những hành vi quyết liệt bảo vệ đức tin như đức cha Nguyễn Kim Điền, thì hẳn rằng tình hình đã đổi khác. Đổi khác như thế nào chỉ có Thiên Chúa mới có câu trả lời đích đáng. Dù tin tưởng nơi sự an bài của Đấng trên cao, dù luôn tín thác vào sức mạnh và ơn soi dẫn, thánh hóa, biến đổi của Chúa Thánh Thần, chúng ta vẫn không thể không tiếc xót và cảm thương mỗi khi nghĩ tới những thao thức, trăn trở trong suốt 13 năm trường của vị chủ chăn tổng giáo phận Huế.

Trước những áp lực càng ngày càng nhiều khiến cho mọi sinh hoạt của tổng giáo phận mỗi lúc mỗi thêm co rút lại, nhìn về Sàigòn và các giáo phận khác để càng nhận ra sự cô đơn của mình, đã có lúc đức TGM Nguyễn Kim Điền không khỏi cảm thấy tuyệt vọng. Trong tình huống ấy, vào thời điểm cuối năm 1985, vị chủ chăn TGP Huế đã hình dung ra trước mắt thảm cảnh lao tù đang chờ đợi ngài.

Trong tâm thư gửi các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc quyền ngày 19-10-1985, sau khi nhắc lại lời phát biểu của ngài tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1971 , đức cha Điền viết:
"Hạnh phúc thay! Hôm nay, chính tôi được Chúa gọi để chịu tù ngục, chịu chết vì bênh vực nhân quyền, công lý và hòa bình!"

Cần phải trở về với cảnh ngộ cay nghiệt mà người dân Việt Nam trên cả ba miền đất nước, trong đó có tập thể tín hữu Công Giáo, phải cắn răng gánh chịu, nhất là trường hợp đức cha Điền phải đương đầu với những ngón đòn hiểm độc trong cô đơn suốt thời khoảng từ 1977 đến 1985, chúng ta mới cảm thông được tâm trạng của ngài như thế nào khi viết câu trên đây trong lá thư gửi đoàn chiên mà ngài có trách nhiệm coi sóc. Nó mang âm hưởng những lời tuyên xưng đức tin của các tiền nhân tử đạo ngày xưa. Nhớ lại phản ứng quyết liệt cùng những lời lẽ cương trực của mình trước những đợt thẩm vấn của công an thành phố Huế, trong đó khi bị cáo buộc: căn cứ vào giáo luật để chống lại UBĐK, một tổ chức do đảng và nhà nước bảo trợ là chống lại chính đảng và nhà nước, ngài đã ghi lại như sau:

"...nếu luật pháp đi ngược với ý Trời, chà đạp các quyền của con người, trong đó quyền tối thượng là tự do tín ngưỡng, thì như trong biên bản 'làm việc' với công an Bình trị Thiên ngày 15-10-1984, tôi đã khẳng định: Như các Thánh Tông Đồ xưa và các thánh Tử Đạo trải qua các đời, tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn tuân luật pháp của con người".

Ý thức trước những gì sẽ xảy ra, ngài viết:

"Dĩ nhiên, hậu quả sẽ là tù ngục và chết chóc. Hậu quả đó chủ chăn của anh chị em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm giám mục, mà 22 năm được phục vụ giáo phận Huế. Khi tôi bị bắt rồi, thì xin anh chị em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể là chính tôi. Giờ đây chỉ còn một việc là tôi tha thiết xin anh chị em cám ơn Chúa cho tôi, đồng thời tăng thêm và tiếp tục cầu nguyện cho tôi được tuyệt đối trung thành với Chúa và Hội Thánh cho đến hơi thở cuối cùng".

Chẵn 20 ngày sau, ngày 08-11-1985, vị chủ chăn TGP Huế công bố một Di Chúc gói ghém trọn vẹn nỗi lòng của một mục tử nhân lành luôn trung thành với Thiên Chúa và Hội Thánh. Nội dung bản di chúc nói lên thật nhiều điều. Trước hết, nó bộc hiện tâm tình thiết tha với sứ mạng làm chứng cho niềm tin, cho sự thật của ngài. Trước ngưỡng cửa của thảm cảnh lao tù, chết chóc, con chim đầu đàn của TGP Huế vẫn một lòng khuyến khích linh mục đoàn dưới quyền ngài hãy can đảm chu toàn bổn phận chủ chăn, luôn can đảm và trung thành với Giáo Hội trong mọi cảnh ngộ khó khăn, nguy hiểm trước mặt.

Thứ đến, nó hé mở cho người đọc thấy đời sống đơn sơ, đạm bạc của một vị giám mục xuất thân từ dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu. Khi sống ngài không thu tích một chút gì cho riêng mình. Và khi chuẩn bị cho cái chết, ngài vẫn một niềm tín thác vào sự an bài của Thiên Chúa.

Cảm nhận của đức TGM Nguyễn Kim Điền là có thể ngài sẽ bị đảng và nhà nước tống ngục, bị hành hạ và có thể lãnh án chết bất cứ lúc nào khơi nguồn từ những kinh nghiệm bản thân trong 120 ngày 'làm việc' với công an, bị hăm dọa, đe noi bằng những lời lẽ dành cho kẻ tội đồ. Trên thực tế, chế độ đã không công khai bắt bớ ngài vì sợ 'bứt giây' có thể 'động rừng'.
Nhưng không phải vì thế mà họ buông tha cho một người đã cả gan dám một mình đương đầu với chế độ. Thay vì tống ngục có thể tạo nên những phản ứng của tập thể giáo dân Huế vốn không phải là những người dễ dàng khuất phục, nhất là khi thấy vị chủ chăn gương mẫu của họ lâm nạn, guồng máy công an nhà nước bắt đấu xiết chặt thêm mạng lưới dò xét, rình rập chung quanh khuôn viên tòa TGM Huế, khiến cho đức cha Điền bị đẩy vào thảm trạng ở tù ngay trong chính nơi cư trú của mình.

Vụ lục soát, vây bắt Sơ Bề Trên Tu Hội Mến Thánh Giá Thừa Sai Trương Thị Lý và Sơ Trương Thị Nông ngày 17-10-1985 là tín hiệu cuối khiến vị chủ chăn TGP Huế nghĩ rằng mình cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay tàn độc của kẻ dữ, và do đó ngài viết Di Chúc kể trên. Hai Sơ Lý và Nông bị kết tội một cách mơ hồ là làm gián điệp (!), chỉ vì mang trong mình một số thư tín của đức cha Điền. Linh mục Trần Văn Quý, thư ký tòa TGM cũng bị gọi đi 'làm việc' nhiều lần. Sau khi biết rõ căn nguyên, ngày 03-7-1986, đức cha Điền đã gửi tới nhà cầm quyền văn thư số 7/86-TTGMH nhận tất cả trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh là cả hai Sơ thuộc Tu Hội Mến Thánh Giá và cha Trần Văn Quý đều vô tội. Văn thư kết luận:

"Tôi sử dụng quyền làm người của tôi khi tôi viết thư, đưa bản tin. Tôi thi hành nhiệm vụ tôn giáo giám mục của tôi, khi tôi gửi thăm Đức Giáo Hoàng và trao cho ngài một số tin tôn giáo trong phạm vi trách nhiệm của tôi. Nếu việc đem tin này đưa đến hậu quả bị quy trách pháp lý do chính quyền, do tòa án nhân dân nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của tôi, thì tôi xin được coi: đây là một bắt bớ tôn giáo, một vi phạm nhân quyền và tôi rất lấy làm vinh dự, nhận lãnh tất cả các biện pháp xử lý vì tôn giáo, vì nhân quyền".

Cho nên sự ra đi đột ngột của đức TGM Nguyễn Kim Điền ở bệnh viện Chợ Rẫy, Sàigòn ngày 08-6-88 (và những nghi vấn chung quanh sự ra đi ấy), chỉ là một chuyện gần như tất nhiên. Ngót 20 tháng trước, chính nạn nhân là đức cha Điền đã tiên liệu về cái hồi kết cục bi thảm này. Có khác chăng là nó đã đến trễ hơn sự tiên liệu của ngài.


BẢN CHẤT KIÊN CƯỜNG, THÁNH THIỆN
& TÂM SỰ RƯỚM MÁU CỦA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN
MANG TÊN MICAE NGUYỄN VĂN CHẤT (tức CHUYÊN)

Phải nói ngay rằng nhân vật Micae Nguyễn Văn Chất được lựa chọn để nói tới trong bài viết này chỉ là một khuôn mặt tiêu biểu cho hàng vạn –và có thể hàng triệu- những Micae Nguyễn Văn Chất khác trong số hơn 7 triệu tín hữu Công Giáo Việt Nam đã sống chết với niềm tin của mình trong 30 năm dưới chế độ cộng sản. Sự khác biệt có chăng chỉ là ở mức độ và cách thế chọn lựa để sống và bảo vệ niềm tin của mình.

Nguyễn Văn Chất không đấu tranh vì lý do chính trị thuần túy. Anh nhìn những người cộng sản, nói đúng hơn là anh nhìn tà thuyết Mác-xít Lê-nin-nít qua nhãn quan tôn giáo. Anh không trực diện đấu tranh chống chế độ, dù anh nhìn thấu những sai trái, lầm lạc, xấu xa của chế độ này. Người tín hữu giáo dân Micae Nguyễn Văn Chất đã chọn lựa một phương thế, một đối tượng đấu tranh tưởng rằng dễ dàng nhưng thật ra thiên nan vạn nan. Anh bám trụ ngay trong lòng Hội Thánh để tranh đấu, và đối tượng tranh đấu anh chọn không ai khác hơn là chính các Đấng Bậc Chủ Chăn của mình.

Đôi giòng về tiểu sử Nguyễn Văn Chất

Đọc tiểu sử của anh, người ta dễ dàng lẫn với tiểu sử của những anh Mít, anh Xoài nào đó trong những xứ đạo Việt Nam.
Ra đời năm 1943 tại họ đạo Tam Tòa (Đồng Mỹ, Đồng Sơn, Đồng Hới) thuộc tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Văn Chất là một trong mười người con (5 trai, 5 gái) của ông bà Nguyễn Văn Hướng. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, vì biết mình không thể sống dưới chế độ độc tài vô thần cộng sản, ông Nguyễn Văn Hướng đưa gia đình cùng với đám đông bà con, lối xóm di cư vào Đà nẵng sinh sống. Tại đây, ông từng giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Tam Tòa di cư, một cơ chế mới được đức cố Giám Mục Phrêrô Phạm Ngọc Chi thành lập sau này.

Cũng như những thanh niên cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp trung học, anh Chất gia nhập quân lực VNCH. Sau đó anh làm việc tại cơ quan MACV thuộc tòa lãnh sự Mỹ ở Đà nẵng cho đến khi miền nam bị bắc quân thôn tính và bị bắt đi học tập 'cải tạo'. Lần đầu anh ở tù bảy năm và sau mỗi Tờ Trình anh được mời đi 'làm việc' với công an rồi ở tù tiếp. Chính những tháng năm ở tù cùng với những thời khoảng được tha về đã giúp Nguyễn Văn Chất nhận thức được tích cách tàn độc của chủ nghĩa cộng sản cùng những hệ quả ghê gớm của nó đối với đời sống Giáo Hội mà cụ thể là những tệ trạng anh thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai về những gì đã và đang xảy ra lúc bấy giờ trong sinh hoạt nhà thờ, tại các chủng viện và nhất là trong đời sống của các giáo sĩ.

Và, như đã nói, Nguyễn Văn Chất không làm chính trị, không trực diện đối đầu chế độ cộng sản. Với tấm lòng của một tín hữu Chúa Kitô, anh dốc tâm góp phần tích cực vào việc củng cố và xây dựng Giáo Hội của Ngài bằng cách thẳng thắn và can đảm giãi bày cùng các giám mục những suy tư, trăn trở của anh trước tình trạng tha hóa trong Giáo Hội mà nguyên ủy là do nọc độc vô thần của chế độ cộng sản tạo nên. Để thực hiện tâm nguyện này, giữa những thời khoảng bị bắt đi tù 'cải tạo', anh liên tiếp thực hiện những Tờ Trình để gửi lên các giám mục Việt Nam, bất chấp những nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình.

Trong các Tờ Trình I và II, anh trưng dẫn những bằng chứng cụ thể để phản ảnh cho các đức giám mục, nói chung HĐGMVN thấy tình trạng xuống cấp trong đời sống luân lý của các linh mục. Hầu hết những chuyện tiêu cực này anh đều là người chứng kiến để có thể ghi lại với không gian, thời gian và danh tính rõ ràng. Anh cũng đề cập những nguy cơ ẩn giấu trong chương trình giảng dạy tại các chủng viện.

Ngoài ra anh không ngần ngại tố giác những hành vi vô đạo của chế độ qua chính sách khuyến khích phá thai thả dàn và chủ trương cướp đoạt tài sản dân lành. Riêng Tờ Trình III một tư liệu khá dài với trên dưới 25 ngàn chữ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, tóm lược những sự kiện xảy ra sau khi hoàn tất Tờ Trình II. Phần thứ hai nêu lên những đòi hỏi không thể bỏ qua để Giáo Hội có được một đường lối lãnh đạo hữu hiệu.

Mùa thu năm 1996, Nguyễn Văn Chất và vợ con qua định cư ở Portland, Oregon, Hoa Kỳ theo chương trình HO. Tại đây anh viết thêm hai Tờ Trình nữa để gửi về HĐGM trong nước và được đức ông Nguyễn Văn Phương thuộc bộ Truyền Giáo ở Vatican viết thư ngợi khen và khích lệ .

Anh mất ngày 27-8-2003 tại Oregon, kết thúc một cuộc đời trăn trở vì những ưu tư cho tiền đồ Giáo Hội và Quê Hương.

Một niềm tin thiết thạch, không dời đổi

Có thể xác quyết mà không sợ sai lầm rằng người tín hữu giáo dân Nguyễn Văn Chất đã được phú bẩm một niềm tin như trẻ thơ, như những tín hữu quê mùa, mộc mạc dưới thời Minh Mạng, Tự Đức, những người đã đón nhận Tin Mừng cách đơn sơ, chơn chất, không cần so đo, lý luận. Với một niềm tin như thế, tâm hồn anh luôn an bình và rộng mở để tiếp nhận mọi biến cố trong đời một cách lạc quan, tin tưởng. Bị công an bắt bớ vào ngày Thứ Tư 21-6-1995 (sau nhiều phen mòn mỏi bóc lịch trong tù trước đó), anh thản nhiên ghi lại: "Bị bắt vảo ngày Thứ Tư là một an ủi không nhỏ cho bản thân con và gia đình con. Chúng con rất sùng kính Thánh Cả Giuse, các con trai con gái đều nhận Ngài làm Bổn Mạng".

Và cũng với niềm tin như thế, khi được trả tự do nhằm ngày Thứ Tư 06-11 năm ấy, Nguyễn Văn Chất đã từ chối đề nghị được chở từ trại giam về nhà bằng xe, chỉ để có nhiều thì giờ trong khi đi bộ 'vừa đi vừa kinh nguyện tạ ơn Chúa'.

Kiên định bởi niềm tin son sắt, gắn bó này anh luôn xác tín là Chúa lúc nào cũng quan phòng, gìn giữ anh, vợ con anh. Sau khi viết xong Tờ Trình II, anh quyết định rời Đà Nẵng đi nam để gửi tận tay các đức cha Nha Trang, Long Khánh, Cần Thơ, Long Xuyên, trước nỗi âu lo của người phối ngẫu được anh mô tả là 'sợ hãi như tựa lưng vào mũi nhọn, có thể ngã bệnh', anh vẫn quyết định lên đường. Anh viết:

"Con chỉ biết phải ra đi, không biết làm sao hơn. Con xin Chúa đừng đặt con trước tình trạng quá khó khăn. Chúa thấy rõ mọi sự: Con lên đường ngày Thứ Hai thì Chúa Nhật trước đó ba của vợ con ở Đồng Nai ra thăm và ở lại với gia đình con gần một tuần. Con trở về Đà Nẵng ngày Thứ Bảy Tuần thánh thì ông rời đó mới chỉ trước mấy giờ".

Tiếp theo, Nguyễn Văn Chất đã tường thuật lại chuyến đi nam êm thắm và trót lọt với những tình cờ xảy ra như phép lạ. Người tài xế xe đò chưa hề quen biết, ban đầu đã dứt khoát chối từ lời yêu cầu cho xe nghỉ ngơi ở ngã ba Thành để anh có thì giờ ghé TGM Nha Trang. Nhưng khi tới ngã ba bỗng dưng đổi ý. Anh ta lặng lẽ rời quốc lộ đưa anh tới tận cửa TGM để gửi đức Nguyễn Văn Hòa Tờ Trình II. Anh viết: "Ra khỏi TGM, vừa bước lên xe, tài xế cười nói với con: 'Ngoài tôi ra chỉ có Thánh Thần mới chiều anh như thế. Gia đình tôi Bắc 54, rất sùng đạo, tên Thánh tôi là Phanxicô Xaviê'".

Khi công an cộng sản tới soát nhà, nhìn cặp mặt sợ hãi, âu lo của vợ, anh lên tiếng trấn an: "Việc làm cho Giáo Hội bị lộ, anh sẽ bị bắt, nhưng có Chúa, em đừng lo". Anh nói tiếp: "Nếu Chúa muốn, Ngài sẽ che chở. Ngài ở với gia đình thì tốt hơn anh".

Anh ghi lại lời cầu nguyện mỗi lần bị gọi đi hỏi cung như sau:
"Lạy Chúa! Lạy Mẹ! Lạy Thách Cả Giuse!. Xin mở miệng con, cho con ơn khôn ngoan. Xin cho anh em công an có cảm tình với con, vì như vậy họ sẽ nhận biết Chúa. Con biết việc làm của con khiến cho người ta không thể nào có cảm tình với con được. Nhưng nếu Chúa muốn, điều đó sẽ xảy ra".

Và điều đó đã thực sự xảy ra. Ở một đoạn khác trong Tờ Trình III, Nguyễn Văn Chất viết:
"Thời gian sau này, càng gặp gỡ người ta càng có cảm tình và thương mến con. Phần con, con cũng cảm thấy rất mến các anh ấy. Chúa đã nhậm lời con cầu xin, đã cho con nghe họ nói, và vì danh Chúa con xin ghi lại đây: 'Càng tiếp xúc với anh, chúng tôi càng nhận ra anh là người đạo đức, thương người…..'"

Một tấm gương kiên cường, dũng cảm.

Thật khó có đủ ngôn từ để mô tả thái độ kiên cường, can đảm của Nguyễn Văn Chất. Điều cần biết là anh không hề nuôi ảo tưởng. Trái lại, sống trong lòng chế độ cộng sản, anh ý thức rất rõ việc mình làm. Hậu quả của nó có thể đẩy anh vào tù bất cứ lúc nào. Điều này được chứng tỏ qua lời tâm sự sau đây của anh trong Tờ Trình III: "Viết xong hai Tờ Trình trước đây, con có xin hai linh mục mà con rất đỗi kính mến ở Đà nẵng đọc. Một trong hai vị nói với con: 'Rồi con sẽ bị bắt thôi! Người ta nói trong hàng Giáo Phẩm có người của họ'…"

Đối diện với người thẩm cung, Nguyễn Văn Chất cũng can đảm kiên định thái độ không sợ hãi của anh. Trước câu hỏi là anh có biết việc làm của anh đi ngược lại đường lối của đảng, nhà nước, và như vậy là phạm pháp? anh khảng khái trả lời: "Tôi biết việc làm của tôi đi ngược lại đường lối của đảng và nhà nước, nhưng vì danh Chúa và lợi ích cho Giáo Hội, tôi đã làm. Tôi cũng hiểu rằng nó có thể bị bại lộ và tôi sẽ vào tù!".

Để thấy rõ lòng yêu mến Giáo Hội và tấm gương can trường của Nguyễn Văn Chất, cần đọc thêm những chứng từ của anh trong Tờ Trình III thuật lại nội dung những cuộc đối thoại giữa anh và những công an thẩm vấn trong phần kế tiếp.

Vài chứng từ của tù nhân Nguyễn Văn Chất

" Hỏi: Tại sao anh lại phản đối việc cán bộ nhà nước giảng dạy ở chủng viện và việc các linh mục tham gia các sinh hoạt chính trị trong các tổ chức mặt trận (TCMT) và các hội đồng tỉnh (HĐT)? Yêu cầu anh phát biểu lại về các việc này. Anh không thể giữ quan điểm đó. (Câu hỏi này được đặt ra nhiều lần, bởi nhiều người).
Trả lời: Không chỉ Phúc âm mà khoa quan điểm quản trị, ngay cả sự khôn ngoan thông thường của bất cứ ai cũng không cho phép tình trạng làm tôi hai chủ trong hàng ngũ nhân sự của mình. Hậu quả đó nơi Giáo Hội đã quá rõ ràng. Càng không có trường hợp nào trên thế gian này chấp nhận một học trình có nội dung triệt tiêu nhau: Giáo Hội không thể chấp nhận loại chủng viện vừa đào tạo linh mục trung thành với Phúc âm vừa là cán bộ của một chế độ vô thần. Tôi không thể nào phát biểu lại cách nào khác về hai vấn đề này.

Hỏi: Vậy có nghĩa là các giám mục không trung thành với Phúc âm và không còn khôn ngoan sao?

Trả lời: Không hẳn vậy. Chỉ vì các ngài quá đạo đức, hiền lành, các ngài chủ trương dĩ hòa vi quý và mong muốn sự an bình, thuận hòa với nhà nước. Nhưng hậu quả giờ đây đã quá rõ và trách nhiệm mục tử đòi buộc các ngài phải tuyệt đối trung thành với Phúc âm.

Hỏi: Thế nào là thuyết vô thần? Tại sao anh gọi cộng sản là công cụ của địa ngục để phá Giáo Hội?

Trà Lời: Vì CS phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài nơi đời sống con người. 'Thay Trời làm mưa'; không ai nói như vậy cả! Không chỉ người Công Giáo mà mọi người có tín ngưỡng cũng như theo đạo Ông Bà đều gọi đó là lối nói 'phạm thượng', mua sự trừng phạt của Thượng Đế. Tôi có nói rằng CS là công tác của hỏa ngục – tổ chức Công Giáo & Dân Tộc là tổ chức của nhà nước.

Trong quyển lịch phụng vụ năm 1993 của tổ chức này ở trang 80, chúng tuyên truyền phá hoại Giáo Hội bằng cách cho rằng các giám mục không xứng đáng đại diện cho Chúa Giêsu. Ở trang 273, lại phát biểu rằng những người chết cho chế độ cộng sản vô thần cũng cần được tôn vinh như các Thánh Tử Đạo của GH. Ở trang 197, nhóm này kết án: 'GH dành giật chân lý và là cớ gây ra chiến tranh hận thù đẫm máu trên thế giới'.

Người Công giáo gọi đó là công việc của hỏa ngục để phá GH, nhất là khi những luận điệu đó lại được lồng vào trong những bài 'suy niệm Phúc âm' trá hình… Ngoài ra, nhà nước còn chủ trương chiếu những phim mang rõ mục đích tuyên truyền xuyên tạc và sỉ nhục hàng giáo sĩ của GHCG, chủ trương chống CG…

Hỏi: Anh nói chế độ CS sẽ sụp đổ và các linh mục yêu nước sẽ vào tù. Dựa vào đâu anh dám phát biểu rõ ràng như vậy? Lịch sử nào sẽ kết án GH thân với chế độ?

Trả lời: Tôi chỉ nói 'một mai khi chế độ CS sụp đổ', vì không có chế độ nào tồn tại muôn đời. Khi chế độ CS sụp đổ thì các linh mục tham gia các TCMT và các HĐT hẳn sẽ phải vào tù vì đây là công tác chính trị, cũng như các linh mục tuyên úy trước, tuy không làm chính trị mà cũng phải vào tù. Còn về lich sử tôi muốn nói là lịch sử xét chung, nhất là lịch sử GH và lịch sử VN sau này.

Hỏi: Phim 'Tiếng chim hót trong lồng' là phim nước ngoài, tại sao anh phát biểu 'Người CG xem phim đó không khỏi nguyền rủa CS?' Tại sao Tòa Thánh và cả HĐGM không phản đối mà cá nhân anh phản đối ghê gớm vậy?

Trả lời: Phim đó của nhóm Tin lành chủ trương chống phá GHCG viết và dựng phim. Chính phủ chủ trương chiếu rất nhiều lần và lựa dịp có phái đoàn Tòa Thánh sang VN để chiếu. Vừa rồi đài Hànội chiếu và phát hình đi cả nước khi bắt đầu vào mùa chay của GH. Cũng dịp đó có phái đoàn TT sang VN. Mục đích đó mang tích cách xuyên tạc để bôi nhọ hàng giáo sĩ, nhất là hàng Giáo phẩm của GH.

Có những LM, ngay cả một vài GM, HY yếu đuối sa ngã vào dịp tội, nhưng không có chuyện các GM có con, bề trên biết vẫn phong HY. Ai bôi nhọ cha mẹ các anh, các anh không khỏi căm giận. Chúng tôi kính trọng các GM hơn cả cha mẹ của mình, có vậy GH mới tồn tại. Nhà nước chủ trương bôi nhọ các ngài, chúng tôi căm giận là điều tất nhiên. Bao giờ nhà nước còn giữ chủ trương đó, nhà nước còn gặp thái độ không thể hòa hợp được với chế độ của người CG trung thành với GH.

Vatican và HĐGM không lên tiếng phản đối, trước hết vì có cả hàng trăm cuốn sách và phim ảnh mang mục đích xuyên tạc, phá hoại GH, Vatican không sức đâu mà cải chính…..Phần tôi phải lên tiếng phản đối là để các GM thấy rõ việc cho các LM tham gia các công tác chính trị là một việc làm không thể chấp nhận được.

Hỏi: Tại sao anh lên án chế độ là độc tài, bất công và nêu ra các hiện tượng tiêu cực nơi chính quyền? Anh phải cam đoan việc đó có thật, chúng tôi sẽ đến tận nơi để xác minh. Anh phải chịu trách nhiệm nếu anh không nói đúng sự thật. Ngoài ra, nhà nước chưa hề có văn thư nào bắt buộc dân chúng hay cán bộ phá thai, dựa vào đâu anh phát biểu rằng nhà nước bắt phá thai?

Trả lời: Tôi cam đoan tất cả là sự thật. Việc nhà cửa tôi biết rất rõ vì tôi cũng đã từng mất nhà và xin lại được. Tôi biết hiện còn trên 500 ngôi nhà không có hy vọng trả lại …Nay mai nếu chế độ này không còn nữa, tất cả các anh cũng lại bị tịch thu nhà cửa, để đất nước rơi vào cảnh trả thù đau khổ mãi sao? (Họ không trả lời). Việc phá thai nhà nước không có văn thư bắt buộc, nhưng nếu các anh đã có hai con và vợ lại mang thai thì các anh phải xử thế nào với đứa con thứ ba nếu muốn tồn tại trong đơn vị? (Họ cũng không trả lời). Việc phá thai đối với mọi tôn giáo, ngay cả với đạo Ông Bà, là điều vô đạo đức không thể chấp nhận. Tôi đã nêu lên các sự kiện đó với HĐGM cũng chỉ để các ngài thấy được trách nhiệm của các ngài về việc GH tham gia vào công tác chính trị đang làm tổn hại danh Chúa và tổn hại cho công cuộc truyền giáo của GH".

Sau khi ghi lại mẩu đối thoại với viên công an thẩm vấn như trên, tác giả Tờ Trình III viết: "Con đã phải cho công an biết cả tên và địa chỉ người chị của con đã rửa tội trên 500 thai nhi. Sau khi đi minh xác các nơi về, họ nói với con: 'Chúng tôi đã đến các nơi đó, nhất là về vấn đề phá thai, thật kinh khủng quá!'"

Trong một dịp làm cung khác với viên thiếu tá công an tên Vũ Minh Sơn và người thứ hai tên Dương, Nguyễn Văn Chất ghi lại như sau:

Hỏi: Bảy năm tù trước kia, vợ con anh đã quá khổ. Mấy ngày qua, vợ anh có gặp tôi, các con anh đang bệnh, vợ anh cũng vậy. Tại sao anh lại đặt mình và gia đình vào tình cảnh này?

Trả lời: Chúa Giêsu đã nói: 'Ai yêu mến vợ con hơn Ta thì không xứng đáng là môn đệ Ta. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai bỏ mạng sống vì danh Ta thi sẽ nhận lại được'

Hỏi: Tại sao anh không để qua Mỹ rồi làm việc này, vì gia đình anh đã có hộ chiếu?
Trả lời: Chắc gì tôi đã đi Mỹ được, nếu tôi gặp tai nạn chết trước khi đi thì sao?Hơn nữa, Chúa Giêsu đã nói: 'Đừng chào hỏi ai dọc đường', nghĩa là đừng chần chừ, đừng phí bỏ thời gian của Chúa ban cho.

Hỏi: Anh giải thích thế nào về sự kiện: một vị giám mục anh đã gửi Tờ Trình cho, đọc xong lại nộp cho chúng tôi để chúng tôi bắt anh?

Trả lời: Dễ giải thích lắm. Ngày xưa, Chúa Giêsu chọn 12 Tông Đồ. Ngài nhìn các ông và nói: 'Thày chọn các con gồm 12 người và một người trong các con đã phản Thày'. Nếu quả thật một vị GM tự biến mình thành phản đồ, tôi không hề thất vọng. Chỉ tội cho vị đó và nhất là quá đau khổ cho giáo phận đó. Còn tôi, tôi đã viết ở cuối Tờ Trình II: 'Con không tiếp tục công việc này nữa. Nhưng con sẽ cầu nguyện cho các GM trong mọi hoàn cảnh mà Chúa và Đức Mẹ gửi đến cho con'. Tôi đã viết như vậy với suy nghĩ rằng tôi sẽ gặp khó khăn. Tôi cũng đã thưa với đức GM chủ tịch: 'Con biết con có thể bị bắt, muộn lắm là trước khi lên máy bay đi Mỹ, nhưng con chấp nhận'.

Hỏi: Anh cầu nguyện nhiều lắm?

Trả lời: Tôi cầu nguyện luôn mãi, cho Đức Thánh Cha, cho Giáo Hội, nhất là cho các vị phụ tá của Ngài ở Vatican và trên khắp thế giới được dồi dào ơn Chúa, khôn ngoan, can đảm để lãnh đạo GH của Chúa cho nên, cách riêng đối với hàng Giáo phẩm VN. Tôi nói thật là tôi cũng cầu nguyện cho các anh, nhất là những anh em được giao phó nhiệm vụ làm việc với tôi.

Hỏi: Anh nên suy nghĩ lại. HĐGM có lên tiếng can thiệp, chúng tôi cũng không thể trả tự do cho anh nếu anh không phát biểu lại. Chẳng lẽ chúng tôi bắt anh lầm? Hãy suy nghĩ lại. Điều Chúa Giêsu nói 'Của César…' đã 2000 năm rồi, nay cuộc sống con người đã thay đối. Vì vậy anh nên phát biểu lại.

Trả lời: Chúa Giêsu nói: 'Các ngươi chỉ có một Thày, ngoài ra các ngươi là anh em với nhau'. Nghĩa là con người ai cũng có sai lầm, duy chỉ có Ngài là chân lý. Mà đã là chân lý thì mãi mãi là chân lý cho đến tận thế. Về vấn đề mà anh muốn nói, Ngài còn khẳng định: 'Làm tôi hai chủ sẽ yêu chủ này ghét chủ kia, kính chủ này khinh chủ nọ'.

Khoa quản trị cũng công nhận đó là chân lý. Ngoài ra, ngày xưa Chúa không những nói vậy, Ngài còn hứa sẽ ban Chúa Thánh thần xuống nhắc lại Lời Ngài và giải thích rõ hơn. Chính hôm nay Chúa TT đang nói với GH, như tôi đã viết trong Tờ Trình II: 'GH biết rất nhiều về công việc của nhân loại nhưng GH không tham gia việc chính trị, GH chỉ có một công việc duy nhất để thực hiện, đó là tiếp tục công việc làm chứng cho Sư Thật của Chúa Giêsu Kitô'.

Thêm vào đó, hậu quả của những công việc chính trị nơi đời sống GH đã quá rõ… Nhà nước bao nhiêu năm nay rõ ràng đã xem GH như mục tiêu chính để châm chọc qua các công tác văn hóa. Hai mươi năm nay có năm nào nhà nước tổ chức thi học kỳ I cho các trường văn hóa mà không cố ý nhằm vào ngày 25-12 –Ngày Đại Lễ Giáng Sinh- để buộc học sinh và giáo viên CG không được nghỉ?… Chúa đã cho tôi thấy rõ như vậy , bây giờ tôi nói ngược lại là tôi sỉ nhục Ngài và GH, và cũng bằng việc làm đó tôi tự giết linh hồn tôi. Tôi ở tù còn an tâm hơn ở Mỹ mà không làm được việc này.

Những góp ý xây dựng Hội Thánh

Trong đoạn mở đầu phần hai Tờ Trình III, người tín hữu giáo dân Nguyễn Văn Chất nhìn nhận là Giáo Hội đang gặp khó khăn nguy hiểm. Nhưng theo anh, sự khó khăn nguy hiểm này chưa phải là căn nguyên chính đưa tới những hiện tượng suy thoái đáng lo buồn trong GH. Anh quả quyết là sự thiếu nhất trí, thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các thành phần trong Giáo HộI, nhất là sự có mặt của những LM 'yêu nước' đã tạo nên những khe hở khiến cho kẻ thù xâm nhập, lấn lướt để phá hoại GH.

Anh viết:
"…Satan và tay chân của chúng đang cố tình phá hoại GH bằng nỗ lực vô hiệu hóa công tác lãnh đạo: xúi giục thái độ mục vụ tiêu cực và những quyết định lệch lạc ngay từ HĐGM, các GM giáo phận, đến LM giáo xứ… Đấy chính là nguyên do phát sinh những hiện tượng suy đồi trong GH hiện nay: 1/ Gương xấu tràn lan được dung dưỡng trong hàng ngũ LM. 2/ Chia rẽ nguy hiểm trong GH –ngay cả HĐGM…"

Để giúp GH vượt qua những gian nguy thử thách, tác giả Tờ Trình III nhấn mạnh: điều tiên quyết là GH phải trở nên MỘT trong Chúa Kitô nơi đường lối khôn ngoan của Ngài. Muốn thế, hàng Giáo Phẩm phải cậy dựa vào ơn Chúa, thống nhất lập trường để có một đường lối chung từ trên xuống dưới. Anh viết: "Bằng cách đó mới chấm dứt được tình trạng quá phi lý và đáng tiếc: mỗi giáo phận một chủ trương mà phần nhiều nặng tính tiêu cực, dựa vào thế gian, vào chính mình hơn là vào Thiên Chúa. Có nhiều giáo phận trong đó mỗi giáo xứ một đường lối".

Anh cũng đề nghị các GM nên trao đổi gặp gỡ thường xuyên để học hỏi, rút kinh nghiệm hầu bồi bổ cho những thiếu sót của nhau. Trong phạm vi giáo phận, các GM cần khuyến khích các linh mục cũng làm như vậy.

Trong lãnh vực đào tạo, tác giả Tờ Trình III đã nêu lên những nhận xét rốt ráo về những hiện tượng phi lý đang diễn ra trong các chủng viện do áp lực của nhà nước CS. Để có một ý niệm cụ thể về nguy cơ này, chúng ta hãy đọc qua đoạn trích sau đây trong Tờ Trình III của Nguyễn Văn Chất:

"Không ai có thể chấp nhận một chương trình học tập có nội dung triệt tiêu lẫn nhau. Có thể nói rằng chưa hề có một tổ chức nào chấp nhận một loại trường lớp có nội dung vừa để xây dựng vừa để phá hoại mục tiêu của tổ chức. Không ai mời kẻ nghịch hằng muốn tru diệt mình làm công tác giáo dục tư tưởng cho nhân viên của mình. HĐGM đang chấp nhận điều kiện quá phi lý đó đối với chủng viện. Đây là một cớ vấp phạm ghê gớm cho mọi thành phần con cái GH về đức tin và quyền năng quan phòng của Thiên Chúa. Phải chăng vì Chúa bất lực nên GH mới chấp nhận những điều kiện phi lý là dựa vào vô thần để phát triển GH! Kinh nguyện GH dạy đọc: 'Lạy Chúa! Xin hạ kẻ nghịch của Hội Thánh xuống', nhưng các Đấng lại mời cán bộ CS vào dạy tại chủng viện!
Chủng viện không phải là nơi để tiêu diệt tinh thần chứng nhân bảo vệ Sư Thật. Con đã đề cập điều này trong Tờ Trình II của con cách vắn tắt: Hai năm về trước (1994), trước khi trở thành chủng sinh của chủng viện Huế, những người thường trú ở Đà Nẵng đều được bộ phận Công An Bảo Vệ Chính Trị tỉnh mời xuống, có người tới ba lần. Hai lần đầu không nói gì, lần thứ ba họ nói: 'Các anh phải biết quê hương của các anh là Việt Nam, không phải Vatican. Như thế các anh biết các anh phải trung thành với ai'. Có người còn được nhắc thêm: 'Không phải Chúa chọn các anh vào chủng viện mà cho làm LM, nhưng là chính chúng tôi'. Phản ảnh đó đủ để các đức giám mục nhận thấy là chính nhà nước đang dạy dỗ những gì ở chủng viện.

Con người vốn yếu đuối và rất dễ bị ám thị. Câu chuyện Tăng Sâm giết người xứng đáng là một nhắc nhở cần thiết. Không ai am tường con bằng mẹ. Mặc dù vậy, sau ba lần nghe người ta nói Tăng Sâm giết người, bà mẹ của ông đã hốt hoảng nhảy qua cửa sổ bỏ chạy. Đặt các chủng sinh trong tình trạng nô lệ tư tưởng của vô thần, không chỉ ba lần nhưng cả ngàn lần phải nghe mãi những luận điệu chống phá GH trong suốt bao nhiêu năm ở chủng viện, trong tình trạng chỉ biết ngoan ngoãn tiếp thu hay bị đưổi, đó chẳng phải là nguy hiểm sao?'

Nguyễn Văn Chất cũng công khai chỉ ra những tác hại ghê gớm do những LM mà anh gọi là 'lm yêu nước' gây ra cho GH. Anh thẳng thắn đề cập danh tính của những giáo sĩ từng có những hành vi phản GH, dựa vào thế quyền đi ngược lại giáo huấn của GH, ngày nay đã trở thành những Đấng Bậc cầm đầu giáo phận!

Người viết những giòng này đã trăn trở nhiều với câu hỏi là qua nội dung những Tờ Trình của Nguyễn Văn Chất có nên công khai hóa hành vi và danh tính những Đấng Bậc này không, khi mà tuồng như ở trong nước ngày nay nó đã trở thành chuyện nhân gian. Một phần vì tự thân câu chuyện đã được đồn thổi rộng rãi trong dư luận quần chúng. Phần khác vì kẻ thù của GH sau khi tạo ra những sản phẩm xấu xa như thế, bằng cách này hay cách khác thường cố tình hé mở cho mọi người thấy với thâm ý để triệt hạ uy tín GH. Ngoài ra, chính HĐGM cũng đã biết nhờ những Tờ Trình của Nguyễn Văn Chất cùng những tiết lộ do lòng thiết tha yêu mến GH của nhiều tín hữu giáo dân khác, và biết đâu các ngài cũng muốn những tệ trạng như thế được công khai hóa hầu giúp các ngài dễ dàng hành sử quyền GM của mình?

Ngoài tệ trạng suy đồi trầm trọng về đời sống luân lý của giáo sĩ, cụ thể tại TGP Huế, đưa tới những hiện tượng tiêu cực: giáo dân hè nhau ném đá linh mục, nữ tu đóng cửa nhà thờ không cho chủ chăn vào dâng lễ khiến nhà nước phải can thiệp, tác giả Tờ Trình III còn khẩn thiết kêu cầu HĐGM quan tâm và tìm cách ngăn chặn những hành vi coi thường giáo luật đang diễn ra ngay trong các khuôn viên giáo đường mà nguyên do chỉ vì nọc độc của nhóm thiểu số 'linh mục yêu nước' gây ra.

Tác giả Tờ Trình III cũng nói tới trách nhiệm tinh thần của các GM trước mặt Thiên Chúa và lịch sử GH vì đã không nhân danh Tin Mừng để lên tiếng về những bất công xã hội chung quanh. Trách nhiệm này càng nặng hơn khi các ngài dung túng hoặc làm ngơ cho các linh mục dưới quyền tham gia chính trị.
"Con đã phát biểu khá nhiều và xin được nói rõ thêm một lần nữa về 'ông chủ' cuối cùng rất tai hạ là nhà nước vô thần cộng sản.

Bao nhiêu bất công ghê gớm đang xảy ra trong xã hội hiện nay: bất công về nhà cửa khiến hàng vạn gia đình đời cha, đời con… không chỗ ở; bất công về đất đai khiến hàng vạn mẫu đất, nhất là ở các đô thị, bị đem cho ngoại quốc thuê dài hạn 30-50 năm… Tiền bạc đó để ở đâu và đất đai đó được sử dụng như thế nào? Giáo Hội không thể trả lời với lịch sử và công luận mai sau rằng mình vô can trong những chuyện đó, nếu HĐGM không chấm dứt tất cả mọi sinh hoạt chính trị của các LM ngay bây giờ, vì hầu hết các Hội Đồng tỉnh đều có mặt LM, mà trên danh nghĩa, các vị này là đại diện của GHCG…"

VÀI NHẬN ĐỊNH TRƯỚC KHI KẾT THÚC

Cơn hồng thủy 30-4-1975 chẵn ba mươi năm trước, nếu đã để lại những vết hằn ô nhục trên khuôn diện quê hương dân tộc, khó có thể bôi xóa trong sớm chiều, thì với GHCGVN nó cũng tạo nên những cơn sóng ngầm gây chấn động tới tận cốt lõi lối sống và cách thể hiện niềm tin nơi ngót tám triệu tín hữu trong nước, bắt đầu từ hàng giáo sĩ, giáo phẩm. Không phải chờ đến khi xuất hiện chủ nghĩa vô thần cộng sản, tôn giáo, nói chung và GHCG, nói riêng mới phải đương đầu với những thủ đoạn ngăn cấm, bách hại. Dưới thời phong kiến, những tín hữu của Chúa Giêsu cũng đã trải qua nhiều cuộc cấm cách thô bạo với những vụ săn đuổi, tàn sát đẫm máu. Hoàn cảnh đau thương của con cái Chúa trong những thế kỷ đầu của GH hoàn vũ và các triều đại Minh Mạng, Tự Đức trên đất nước ta là những bằng chứng hiển nhiên.

Nhưng nếu đem so sánh thì tính cách thâm hiểm, tàn độc mà cộng sản áp dụng để khống chế người Công Giáo ngày nay vượt xa ngày trước rất nhiều. Riêng chế độ cộng sản Việt Nam, nhờ học được những bài học từ Liên Sô, Bắc Kinh và các đồng minh Đông Âu , những thủ đoạn mà những người cầm đầu Bắc Bộ Phủ nhằm vào tập thể Công Giáo đã đạt tới mức thượng thừa. Họ không giết chóc, bắt bớ bừa bãi. Điều này không có nghĩa là họ khá hơn thời Văn Thân. Giản dị là vì họ thừa hiểu những biện pháp gây đổ máu hàng loạt không những không diệt được niềm tin của người tín hữu Công Giáo mà còn là cái cớ làm cho niềm tin ấy càng trở nên kiên vững khó trị hơn.

Với sách lược 'mềm nắn, rắn buông', tùy từng trường hợp, từng đối tượng khi thì áp dụng những thủ đoạn hù dọa, khủng bố tinh thần bằng những buổi 'làm việc' mà thực chất chỉ là những cuộc thẩm vấn mang tính đe noi, khi thì mơn trớn, mua chuộc, kể cả hủ hóa bằng tiền tài, vật chất cộng thêm những kiểu hứa hẹn 'xin – cho'… sau ba mươi năm, mọi lực đề kháng trong GH dường như đều bị cộng sản triệt tiêu dần dần. Những ai không vì những thủ đoạn trên mà đánh mất mình thì trước sau sẽ bị trù giập, bị nghiền nát dưới sức ép của đảng và nhà nước. Đấy là trường hợp đức cha Nguyễn kim Điền cùng đông đảo giáo sĩ như các linh mục Vinh, Vàng, Hiệu, Lý, Lợi, Giải v.v…

Ngày nay, sau 30 năm chìm nổi dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản, trên danh nghĩa GHCGVN vẫn còn tồn tại. Ở một khía cạnh nào đó, và với một cách nhìn dựa trên những tiêu chuẩn đời thường, diện mạo GH lại còn được coi là sáng sủa bề thế hơn ba thập niên trước. Những ngôi thánh đường tân lập đồ sộ hơn. Những cuộc rước xách, lễ lạc nặng phần trình diễn tưng bừng vui nhộn hơn, trong khi hàng giáo sĩ, giáo phẩm tấp nập đi ra nước ngoài như đi chợ.

Nhưng trên thực tế, điều gì đã xảy ra cho Giáo Hội?

Trước hết, tình trạng tha hóa trong hàng ngũ linh mục như nhận định của Nguyễn Văn Chất trong Tờ Trình III không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng. Gần đây dư luận những người về thăm quê hương thường nói tới một tệ trạng mới là chuyện chạy chọt, đút lót để được nhà nước bật đèn xanh cho phép chịu chức linh mục! Và chuyện gì sẽ đến sau đó khi người ta phải dùng tới sức mạnh của đồng tiền để mua bán chức thánh?

Điều tác giả Tờ trình III nhận định về chương trình giảng dạy trong chủng viện và trách nhiệm Ngôn Sứ của các Đấng Bậc trong GH trước những tệ trạng xã hội ngày một gia tăng tuồng như vẫn còn là một câu hỏi nhức nhối trong lương tâm những người tín hữu nặng lòng với tiền đồ Hội thánh và Quê Hương. Và như thế, phải chăng những bài học về tấm gương cao cả của cố TGM Nguyễn Kim Điền cùng những khuyến cáo do người tín hữu giáo dân Nguyễn Văn Chất đặt ra nhiều năm trước vẫn còn mang giá trị thời sự?


PHỤ LỤC

Thư Chung ngày 17-10-1984

Thân gửi anh em linh mục của tôi trong Chúa Kitô,
Các tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em giáo hữu giáo phận Huế thân mến,

Tháng Đức Mẹ Môi Khôi đang đến ngày 17, tôi vui mừng biết rằng anh chị em đang sốt sắng mỗi ngày lần chuỗi dâng kính Đức Mẹ, Mẹ Hội Thánh, Mẹ chỉ bảo đàng lành. Trong các buổi đó, anh chị em đặc biệt cầu nguyện cho tôi.
Tôi chắc rằng chính nhờ những lời cầu nguyện kiên trì và sốt mến của anh chị em từ bảy tháng nay mà tôi được vững tâm trong nhiệm vụ 'làm chứng'. Như anh chị em đã biết, từ 05-4-1984 đến nay, trong hai lần tôi đi 'làm việc' tại Sở Công An Bình Trị Thiên, ước tính khoảng 120 ngày, thì nội dung vấn đề có thể nói chính yếu là "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam".

Trong buổi thẩm vấn cuối cùng, ngày 15-10-1984, để đúc kết chuỗi ngày dài 'làm việc', tôi đã được dồn vào mấy câu hỏi tổng kết về thái độ của tôi đối với "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam". Đáp câu hỏi có nội dung: Căn cứ vào đâu mà chống đối tổ chức Ủy Ban… ? Tôi nói:
- Tôi căn cứ vào Tuyên Cáo của Thánh Bộ Giáo Sĩ ngày 08-3-1982, (dựa theo Giáo luật cũ và mới của Tòa Thánh).

Anh chị em biết giáo sĩ, linh mục có những luật lệ riêng biệt trong Hội Thánh: không được hành xử một số quyền chung như mọi người… và cấm làm một số nghề nghiệp không xứng hợp với chức thánh của mình… Giáo luật cũ hay mới đều ghi rõ các khoản luật đó. Thánh Bộ Giáo Sĩ nhắc lại gần đây một điều rất quan trọng và thời sự là: "cấm các giáo sĩ, các linh mục làm chính trị, không được thành lập và tham gia các hiệp hội có tính cách nghiệp đoàn chính trị v.v…"

Người phỏng vấn tôi lại căn cứ vào Nghị quyết 297/CP, phần II, số 6c: "Những tài liệu tôn giáo từ các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài gửi cho các tổ chức tôn giáo nếu có điều gì trái pháp luật, chính sách của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì các tổ chức tôn giáo không được phổ biến và thực hiện", và nói đại để: Tuyên cáo Thánh Bộ Giáo Sĩ, và kể cả Giáo luật mới cũng chưa được nhà nước kiểm duyệt, huống chi là đi ngược với chính sách nhà nước, nếu đem thi hành là vi phạm… Tôi đã thẳng thắn trả lời:

- Tôi phải tuân giữ luật Giáo Hội của tôi, nên tôi chẳng làm cách khác.
Người thẩm vấn bảo tôi giải thích ý nghĩa câu trên, tôi nói:
- Tức là tôi không thể chấp hành luật pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam như phân tích trên.
Người thẩm vấn hỏi tiếp, đại ý là: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam được pháp luật cho phép và bảo trợ… nếu chống là chống lại pháp luật và chính sách của Nhà nước. Tôi đáp (nguyên văn được ghi vào biên bản):
- Tôi xác định khi luật pháp thế trần nghịch với luật Thiên Chúa và Hội Thánh, thì cũng như các Thánh Tông Đồ xưa và các Thánh Tử Đạo của mọi thế hệ: tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (xem Công vụ Tông đồ 5, 29).
Người thẩm vấn bảo tôi cắt nghĩa thêm câu đó cho rõ, tôi nói:
- Có nghĩa là tôi không thể chấp hành những luật pháp chính sách nào của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nghịch lại quyền lợi của Thiên Chúa và Hội Thánh.
Tôi đã ký biên bản đúc kết đó sáng 15-10-1984, và từ chiều hôm đó, tôi được tạm nghỉ 'làm việc'.



Anh chị em thân mến,

Tôi xin thông báo cho anh chị em rõ vụ việc của tôi là như vậy, để một lần nữa cám ơn anh chị em "đã cầu nguyện cho tôi biết nói khi phải mở miệng… và dạn dĩ thông báo Màu Nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả…" (Êphêsô 6, 19-20)
Tại Milêô, Phaolô trên đường về Giêrusalem, đã nói với các niên trưởng Êphêsô: "Tôi không biết được những gì sẽ xảy đến cho tôi, trừ ra là Thánh Thần… chứng thật cho tôi rằng: xiềng sích lao tù đang chờ tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi không quan tâm, miễn sao là tôi chạy cho xong quãng đường đời… và hoàn tất sứ vụ Đức Kitô ủy thác…" (Công vụ Tông đồ 20, 23-24)

Thưa các anh em linh mục,
Tuy muôn lần bất xứng, nhưng tôi cũng xin dám mượn những lời ấy để nói với anh em, xin anh em tiếp tục cầu nguyện cho tôi… và xin nhắc để "anh em hãy thận trọng về chính phận mình cũng như về số phận đàn chiên trên đó Thánh Thần đã đặt anh em chăn giắt, Hội Thánh của Thiên Chúa đã được Người mua bằng chính Máu Con của Người" (Công vụ Tông đồ 20, 28).

Thưa quý tu sĩ và anh chị em giáo hữu,
Tuy là chủ chăn, nhưng tôi không còn có thể đi thăm viếng từng cộng đoàn, từng họ đạo… để nói lời khích lệ nữa. Tuy nhiên, anh chị em biết là giám mục của anh chị em đang thấy trước mặt mình mỗi ngày từng ngôi nhà thờ, và canh cánh trong lòng từng Họ Đạo, từng Cộng Đoàn: tôi hằng cầu nguyện và hiến tế với anh chị em… Xin nhắc anh chị em "hãy sống xứng với ơn gọi của mình" (Êphêsô 4, 1). Hãy 'hăm hở duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần" (Êphêsô 4, 3). Còn về tương lai, anh chị em hãy "phấn chấn lên trong Chúa, trong mãnh lực quyền phép của Người" (Êphêsô 6, 10).

Anh chị em thân mến,
Tôi xin giao phó anh chị em cho Chúa, cho Lời ân sủng của Người (Công vụ Tông đồ 20, 32), và cho lòng từ mẫu của Đức Mẹ La Vang. "Nguyện chúc bình an và lòng mến cùng với lòng tin do từ Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô" (Ephêsô 6, 23) ở với tất cả mọi người anh chị em.

Tòa Tổng Giám Mục Huế, lễ Thánh Ignatiô thành Antiôkia
Ngày 17 tháng 10 năm 1984
Ký tên: Philiphê Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám Mục Huế


Hội Thánh Công Giáo
Tòa Tổng Giám Mục Huế
Việt Nam



DI CHÚC

Tôi cám đội ơn Chúa đã thương chọn tôi làm con Chúa, linh mục và giám mục trong Hội Thánh của Người, cho dù tôi bất xứng.

Tôi không muốn có ước muốn riêng nào về sự chết và cuộc tẩn liệm hay chôn cất xác tôi. Sao cũng được, tùy Thánh Ý Chúa và sự liệu định của anh em linh mục gái phận, vì tôi chẳng đáng chi cả.

Tôi không có gì để nhắn nhủ anh em linh mục Huế cách đặc biệt, trừ ra xin phép được khuyên các ngài hãy can đảm tỏ ra trung thành với Hội thánh trong mọi hoàn cảnh, sống đoàn kết trong linh mục đoàn và sống trọn vẹn bổn phận chủ chăn nhân hiền.

Tôi cám ơn linh mục trong giáo phận đã nhẫn nại chịu đựng tôi và tận tâm cộng tác với tôi. Những ai mà tôi vô tình hay vì bổn phận đã làm mất lòng thì xin tha lỗi cho tôi. Phần tôi, tôi không buồn phiền một ai cả. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi.

Về tiền bạc, tôi không mắc nợ ai. Nếu như ai có thấy đang thiếu tôi vật gì, thì tôi vui lòng tha hết cho.

Các vật dụng, sách vở và tiền mặt tôi đang có thì tôi trối lại hết cho tòa Tổng Giám Mục Huế.
Một lần nữa, tôi cám đội ơn Chúa và xin tạm biệt mọi người, hẹn nhau trên nhà Cha.

Huế, ngày 08-11-1985
Philiphê Nguyễn kim Điền
Ký tên và đóng dấu


1- Cảm nghĩ của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền
đại diện Giáo phận Thừa Thiên-Huế-Quảng Trị về vụ Vinh Sơn, xảy ra
ngày 12-13/02/1976 tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kính thưa Quý Vị,
1/ Theo tin tức của báo chí và đài phát thanh trong nước cho biết về vụ VINH SƠN, xảy ra từ 19 giờ ngày 12 đến 8 giờ 30 ngày 13-02-1976, tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi rất xúc động và đau xót. Không bao giờ chúng tôi chấp nhận một hành động phạm pháp như vậy.

2/ Ngay từ đầu, Chánh quyền Cách mạng sáng suốt và tế nhị đã tách rời sự việc xảy ra này với sinh hoạt tôn giáo, tránh được những hiểu lầm và hậu quả có thể do đó mà ra. Chúng tôi chắc rằng đồng bào thân yêu cũng sáng suốt, không ai lại có thể nghĩ vụ Vinh Sơn là chủ trương của tôn giáo.

3/ Nhân dịp này, chúng ta lại có thêm một bằng chứng hùng biện nữa cho thấy Chánh quyền Cách mạng đã sáng suốt chủ trương Chánh sách "Hòa hợp Dân tộc" trong việc Thống nhất Nước nhà. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng đều nhận là việc thống nhất ý chí và tình thương giữa đồng bào với nhau là một công tác khó khăn nhưng cấp thiết mà mỗi người chúng ta phải thực thi cho kỳ được trong lúc này. Ý thức bổn phận trước mắt đó, đồng bào công giáo chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt Chánh sách "Hòa hợp Dân tộc" của Chánh quyền Cách mạng, chính mình thực thi và động viên mọi người cùng thực thi tình ĐẠI ĐOÀN KẾT, để chóng hoàn thành Thống nhất Tổ quốc về mọi mặt, nhất là về mặt nhân tâm.

4/ Sau cùng, chúng tôi minh xác lại lập trường của đồng bào công giáo Thừa Thiên-Huế-Quảng Trị chúng tôi là luôn luôn nỗ lực tối đa để phục vụ Tổ quốc và Thiên Chúa, bằng làm thật tốt bổn phận công dân yêu Nước và bổn phận công giáo phượng thờ Thiên Chúa. Hai bổn phận này, đối với chúng tôi, vẫn là một không thể tách rời nhau, như không thể tách rời xác với hồn của một con người vậy.

Chúng tôi xin hết lời và cảm ơn Quý vị.
Huế, ngày 28 tháng 02 năm 1976
T.M. Đồng bào Công giáo
Thừa Thiên - Huế - Quảng Trị
Ph. Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám mục

(phát biểu trong buổi họp mở rộng gồm các Vị Đại diện Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Huế, các đoàn thể quần chúng, các Giáo hội Phật giáo, Tin lành, Cao đài và Công giáo Thừa Thiên-Huế, tại Trụ sở UB MTDTGP thành phố Huế, chiều ngày 28-02-1976).

*

Thư của đức ông Nguyễn Văn Phương
Gửi anh Nguyễn Văn Chất (Chuyên)

'Rôma ngày 14-12-1996
Kính gửi Ông Nguyễn Văn Chất (Chuyên),
Portland, OR. 97220

Kính Ông,
Cha Gioakim Lê Quang Hiền đã trao cho tôi Tờ Trình III của Ông. Tôi đã đọc kỹ và đã chuyển đến Đức Cha Nguyễn Minh Nhật.

Tôi xin chân thành chia sẻ những tư tưởng của Ông và cảm mến qua tâm tư Ông đối với Giáo Hội và HĐGMVN. Cầu xin Chúa cho những gì Ông trình bày góp phần cảnh giác các Giám Mục trong bổn phận mục tử của các Ngài.

Hết lòng cám ơn và cầu chúc Ông tiếp tục ưu tư và phục vụ GHVN trong cương vị giáo dân và trong môi trường mới.

Kính chúc Ông và gia đình được nhiều sức khoẻ và muôn hồng ân Chúa.
Lm Barnabê Nguyễn Văn Phương ký tên
Via della Scrofa, 70
00186 Roma, Italia
(Được biết Đ/Ô Nguyễn Văn Phương cũng là thành viên trong các phái đoàn TT qua VN trước đây).



Nguyễn Minh Triết khinh thường
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh!


* Chủ tịch CSVN nói gì với Dân biểu Ed Royce, với CNN?
* Các báo Nhân Dân, Tuổi Trẻ tường thuật lời ông Triết nói với CNN
* Phản ứng tức thời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
* Báo chí CSVN "thêm thắt", bịa chuyện "không đúng sự thật"?

Trần Phong Vũ

Cuộc Mỹ du hạ tuần tháng 6-2007 của chủ tịch Nhà Nước CSVN Nguyễn Minh Triết đã để lại trong dư luận quốc tế, cách riêng trong tập thể người Việt, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Tạm gác ra một bên tính cách "cố đấm ăn xôi" của chế độ Hànội, chỉ vì muốn đạt được một số mục tiêu nhằm củng cố vai trò thống trị, đã đẩy người cầm đầu nhất nước vào thế phải chấp nhận những tủi nhục ê chề.

Trước ngày tới Mỹ, phải liên tiếp nghe những tin xấu loan ra từ phía Nhà Trắng: Từ những cuộc tiếp xúc long trọng và thân thiện của TT Bush dành cho những đại diện các tổ chức người Việt đấu tranh cho tự do, dân chủ Việt Nam tới những lời tuyên bố quyết liệt của người lãnh đạo hành pháp Mỹ tại thủ đô Tiệp Khắc, tại buổi lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm 100 triệu nạn nhân cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn liên quan tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Chưa hết. Nguyễn Minh triết còn phải nghe những lời đồn trong dư luận là cuộc viếng thăm có khả năng bị phía Hoa Kỳ đơn phương hủy bỏ.

Khi đặt chân xuống đất Mỹ, với thân danh chủ tịch nước, lại không được quốc gia chủ nhà đón tiếp với nghi thức trang trọng thường dành cho một nguyên thủ quốc gia. Sau đó, dù đã đề phìng,vẫn phải đối đầu với những cuộc biểu tình chống đối, khôn g phải của dân địa phương, mà lại là chính đồng bào Việt Nam của mình với con số lên tới hàng ngàn người.

Bài viết này chỉ giới hạn vào một lời chống chế của ông Triết khi trả lời những câu cật vấn của bà Chủ tịch Quốc hội, một số Dân biểu Hoa Kỳ, trong số có Dân biểu Ed Royce và sau đó, của phái viên Thông tấn xã CNN liên quan tới cách hành sử thiếu văn minh của chế độ đối với linh mục Nguyễn Văn Lý mà cao điểm là "phiên tòa bịt miệng" ngài ở Huế hôm 30-3-2007. Ngày 04-7-2007, nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước ở Hànội đăng lại nội dung bài phỏng vấn. Tờ Tuổi Trẻ trong số ấn hành hai ngày sau đó cũng đăng lại nguyên văn bài này.

Tất cả những thông tin kể trên đã được loan truyền mau chóng và rộng rãi khắp thế giới qua báo chí, phát thanh, truyền hình và phương tiện truyền thông hiện đại là internet. Người ta đặc biệt chú ý tới câu ông Triết trả lời phái viên CNN liên quan tới trường hợp cha Lý "bị xâm phạm nhân quyền". Dưới đây là trích đoạn hai câu trả lời của ông Triết với phái viên CNN theo trình thuật trên hai tờ Nhân Dân (ngày 04-7) và Tuổi Trẻ (ngày 06-7).

"PV: Tổng thống Mỹ đã có đưa ra những trường hợp cụ thể những ai bị xúc phạm nhân quyền không?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tổng thống thống nhất, chúng tôi chỉ bàn với nhau, không nên nói những vấn đề cụ thể.

PV: Tôi đưa vấn đề này ra vì trong hội nghị tháng 5, tháng 6 ở Pháp, Tổng thống Bush có đưa ra việc Nguyễn Văn Lý[1][1] bị vi phạm nhân quyền?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: 'Ông ta vi phạm pháp luật Việt Nam: Ðây hoàn toàn là vấn đề pháp luật không phải là vấn đề tôn giáo. Việc xét xử ông ta được Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi"".

Nội dung câu trả lời của ông Triết đã đặt HĐGMVN (và dĩ nhiên là cả Tòa Thánh Vatican) vào thế bắt buộc không thể im lặng Vì im lặng không phản ứng là gián tiếp xác nhận "HĐGMVN và Vatican đồng tình" với chế độ độc tài độc đảng CSVN trong tiến trình đàn áp, khống chế và truy tố linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa "bịt miệng" cha tạI Huế. Vì thế, lập tức sau khi bài phỏng vấn xuất hiện trên tờ Tuổi Trẻ, đức cha Nguyễn Văn Hòa với tư cách Chủ tịch HĐGMVN đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Thư đề ngày 07-7-2007, trong đó có câu:

"Nhân đọc trong báo " Tuổi Trẻ ", số ra ngày 6 tháng 7 năm 2007, tại trang 3, liên quan đến vụ xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý,

"Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định như sau :

"Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết 'Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi' là không đúng sự thật."

Vì đầu thư không in hiệu tòa Giám Mục của đức cha Chủ tịch và bên dưới thiếu chữ ký của ngài ngoài danh tính Nguyễn Văn Hòa nên có lúc đã gây nên những tranh luận về tích cách xác thực của lá thư. Một ngày sau, nhờ một lá thư khác do HY Phạm Minh Mẫn viết gửi tuần báo Công Giáo & Dân Tộc cùng các cơ quan truyền thông Công Giáo, trong đó đoạn 3, mục (4) có đề cập phản ứng của đức cha Nguyễn Văn Hòa nên cũng như đa số, chúng tôi tạm tin lá thư là thật. Xin đọc lá thư Chủ Nhiệm trên DĐGD số này để thấy rõ thêm vấn đề.

I Nguyễn Minh Triết có thực sự nói như thế không?

Câu hỏi này đã được nhiều người đặt ra khi đọc nguyên văn tiếng Anh bài phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Minh triết của phái viên thông tấn CNN, trong đó không thấy có câu trả lời nào như vậy. Nhưng sau khi suy nghĩ và tìm hiểu đến tận căn vấn đề, hầu hết đều tin chắc chắn rằng chủ tịch nhà nước CSVN quả đã có thái độ khinh nhờn HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican khi đưa ra câu trả lời trên đây.

Để lý giải cho sự kiện tréo cẳng ngỗng này, chúng ta có thể dựa vào mấy điểm sau đây:

* Trước hết, nội dung câu trên không chỉ được ông Triết trả lời riêng cho một mình phái viên CNN. Ông đã từng trả lời y hệt như vậy trước đó với bà chủ tịch Quốc hội và một nhóm Dân biểu Mỹ. Ngay sau đó, người có mặt trong cuộc gặp gỡ ông Triết là Dân biểu Ed Royce nhắc lại câu trả lời của ông Triết và đã được báo chí địa phương và sau đó là nhật báo Người Việt ở quận Cam, nam California loan tải nguyên văn. Lập tức linh mục Trần Công Nghị đã vội vã săn tìm Dân Biểu Royce để mong hỏi cho ra lẽ.

* Thứ hai, với một lời tuyên bố nặng ký mang tính cách sinh tử như vậy, nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước CSVN, tiếp đến tuần báo Tuổi Trẻ, không thể tự ý gồng mình bịa đặt ra được. Trở lại vấn đề tại sao trong nguyên văn bản Anh ngữ của CNN không có ghi câu trả lời này, người ta nghĩ tới trường hợp vì một lý do bí ẩn, khó hiểu nào đó, người thông dịch hoặc chính người phỏng vấn đã cố tình bỏ qua. Một câu hỏi khác có thể được nêu lên là tại sao hai tờ báo của chế độ là tờ Nhân Dân và tờ Tuổi Trẻ lại ghi rõ câu này với nội dung rập khuôn như nhau và cùng ghi xuất xứ là của CNN? Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho vấn nạn này là cả hai tờ báo đã được phái đoàn Nguyễn Minh Triết hoặc chính ông ta trao tay cho nguyân văn bản Việt ngữ nội dung cuộc phỏng vấn kể trên.

Trong một vài văn bản khác, người ta còn được biết sau câu trả lời có tính xác quyết trên đây, khi bị người hỏi cật vấn tiếp, Nguyễn Minh triết đã dẫn giải sự đồng tình về cách hành sử của chế độ đối với cha Lý của HĐGMVN và Vatican qua sự im lặng của những cơ chế này! Lại thêm một vấn đề gây thắc mắc và cần được bàn giải thêm.

II. Tính cách nghiệm trọng

hàm ẩn trong câu trả lời của ông Nguyễn Minh Triết:

Dù thờ ơ đến mấy, không ai không nhận ra tính cách nghiêm trọng trong câu trả lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bối cảnh, đối tượng câu trả lời là siêu cường Hoa Kỳ, với những nhân vật đại diện cao cấp của nhân dân Hiệp Chủng Quốc là bà Chủ tịch Quốc Hội và các Dân biểu Hoa Kỳ và cơ quan Thông Tấn uy tín nhất thế giới là hãng CNN (Và rất có thể còn cả với Tổng Thống, Phó TT và nhiều nhân vật quan trọng khác trong chính phủ Mỹ). Đích nhắm tới của câu trả lời là để trút trách nhiệm của đảng và nhà nước CSVN trong cách hành sử man rợ chung quanh vụ án xử linh mục Nguyễn Văn Lý hôm 30-5-2007, một vụ án chưa hết gây xúc động trong dư luận thế giới qua bức hình chụp người mục tử này bị công an cộng sản bịt miệng trước pháp đình không cho cha cất tiếng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có dụng ý trút trách nhiệm cho ai? Rõ ràng không phải cho một cá nhân hay một tập thể bình thường,mà là cho một cơ chế tối cao trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là Hội Đồng Giám Mục. Hơn thế, lại bao gồm luôn cả cơ cấu lãnh đạo Giáo Hội toàn thế giới Công Giáo là Tòa Thánh Vatican.

Tính nghiêm trong của nó còn tăng thêm nhiều lần khi ngôn ngữ trút bỏ trách nhiệm này được công bố bằng giấy trắng mực đen trên hai tờ báo lớn ở Việt Nam là nhật báo Nhân Dân và tuàn báo Tuổi Trẻ, những tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất nước. Vì thế đức cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐGMVN đã phải chính thức lên tiếng.

III. Sự chờ đợi của người tín hữu CG và công luận, nói chung

Điều mọi người, bao gồm những cơ quan truyền thông trong và ngoài Giáo Hội CG, nóng lòng chờ đợi là được đọc văn thư của ông Nguyễn Minh Triết trả lời lá thư của đức cha Nguyễn Văn Hòa ngày 07-7-2007. Cho đến khi bài viết này chuẩn bị gửi đi layout và chuyển qua nhà in (đêm Thú Hai 23-7-07, trễ hơn lệ thương ba ngày) vẫn chưa có âm hao gì về văn thư chờ đợi kể trên mặc dù tính từ ngày lá thư của đức cha Hòa gửi ông Triết đến nay đã bước qua những ngày đầu của tuần lễ thư ba rồi!

Có hai giả thiết sau đây được đặt ra.

1/ Ông Chủ tịch nước sẽ trả lời thư của đức cha Chủ tịch HĐGMVN, dù có muộn màng, hoặc đã trả lời rồi mà chưa được công bố. Trong trường hợp ấy, nội dung hồi âm có thể: (a) Ông Triết minh nhiên nhận trách nhiệm về những gì ông đã trả lời CNN và các đại diện dân cử Hoa Kỳ. Với tình hình hiện nay,khả năng này xét trên nhiều khía cạnh khó có thể xảy ra; (b) Ông Triết sẽ cố gắng bằng cách nào đó để tìm cách tránh né vấn đề nhằm mục tiêu nhất thời là xoa dịu sự bất bình của HĐGMVN và Tòa Thánh cũng như thắc mắc của công luận. Kết quả ra sao hoàn toàn tùy thuộc vào lời lẽ và những biện luận trong thư hồi âm của ông Triết.

2/ Vì một bí ẩn nào đó, ông Triết sẽ cho "chìm xuồng" luôn nội vụ,không chính thức gủi văn thư hồi âm thư của đức cha Hoà, bỏ ngỏ cho dư luận muốn hiểu sao thì hiểu! Nếu giả thiết này xảy ra thì rõ rầng là ông Triết đã minh nhiên tỏ thái độ xem thường HĐGMVN, nhất là Vatican, cơ quan tối cao của Giáo Hội CG hoàn vũ. Lúc ấy, sự chờ đợi của công luận –nhất là các tín hữu Công Giáo, cách riêng những người làm truyền thông CG-, sẽ đổi chiều. Người ta sẽ chờ sự lên tiếng tiếp theo của HĐGMVN, kể cả người mang tước hiêu cao nhất trong GHCGVN là đức HY Phạm Minh Mẫn. Giản dị là với một lá thư quan trọng xuất phát từ một cơ cấu tối cao của GHCG dựa trên thực chứng được trình bày bằng giấy trắng mực đen trên báo chỉ trong nước, trong đó có tờ Nhân Dân, tiếng nói chính thức của đảng và nhà nước CSVN, thì lẽ nào lại không có hồi âm?

Theo cách nhìn của đức cha Chủ tịch HĐGMVN qua lá thư gửi Chủ tịch nước thì đối tượng phản ứng tiếp của ngài không ai khác hơn là ông Nguyễn Minh Triết. Với đức HY Mẫn thì đối tượng lại là báo chỉ "ở đây", tức hai tờ Nhân Dân va Tuổi Trẻ, những tờ báo ngài cho là đã "thêm thắt không đúng sự thật" tức là đã xuyên tạc câu trả lời CNN của ông Triết.

Sau hết, vào những ngày cuối trung tuần tháng 7 vừa qua, người ta cũng được đọc trên mạng lưới Talawas một bài phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói là của phái viên PVB thuộc một mạng lưới khác xuất sứ từ trong nước, trong đó có câu hỏi đáp nguyên văn sau đây::

"PVB: Thưa ngài Chủ tịch, trong bản đăng trên báo Nhân dân, chẳng hạn ngài cho biết, sau khi phóng viên CNN đưa cho ngài xem tấm hình của linh mục Nguyễn Văn Lý bị nhân viên an ninh của ta bịt miệng vì la ó trong phòng xử, ngài nói rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam và Vatican đồng ý với việc này. Nhưng sau đó ông Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tuyên bố rằng ngài nói không đúng sự thật.

"Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Tôi nói không đúng sự thật chỗ nào nhỉ? Khi toà xử, kết án ông Lý rồi đem nhốt tù, không thấy Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng hay Va-ti-căng phản đối gì thì tức là họ đồng tình với việc làm đúng đắn của Đảng và nhà nước ta chứ còn gì nữa. Ở đời tôi ghét nhất là nói dối. Tôi cũng như Thủ tướng Dũng rất ghét những điều gian dối."

Dù nghĩ rằng bài phỏng vấn có trích đoạn kể trên là không thật, có thể chỉ là một trò "đùa giai" của những người làm truyền thông vô trách nhiệm, bịa đặt, -cho dù để mỉa mai- nhưng vô tình đã gây nên tâm trạng hoài nghị nơi độc giả như nhận định của đức HY Mẫn trong lá thư gửi tuần báo CG & DT và các cơ quan truyền thông CG gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nêu ra để các giới liên hệ góp phần giải tỏa ngõ hầu chặn đứng những ngộ nhận tại hại do những lời đồn đại đang làm vẩn đục công luận vốn đã và đang tạo nên bầu khí thiếu lành mạnh và trong sáng hiện nay.

[1] Trước danh tính linh mục Nguyễn Văn Lý, phái viên CNN bao giờ cũng lịch sự dùng danh xưng "Father – Cha", nhưng cả hai tờ báo CS đều chỉ viết trống không họ tên ngài. Đối chiếu với nguyên bản tiếng Anh, người ta cũng chú ý tới sự xoay chuyển cách đặt lại câu hỏi bằng Anh ngữ một cách cố tình của nhà báo khi chuyển qua Việt ngữ. Trong bài viết này, người viết cũng không muốn bàn tới cách cắt xén, thêm thắt của báo chí ở Hànội và Sàigòn khi chuyển ngữ bài CNN phỏng vấn ông Nguyễn Minh Triết, vì không ai lạ đấy chính là sở trường của những người làm truyền thông cộng sản

[1][1] Trước danh tính linh mục Nguyễn Văn Lý, phái viên CNN bao giờ cũng lịch sự dùng danh xưng "Father – Cha", nhưng cả hai tờ báo CS đều chỉ viết trống không họ tên ngài. Đối chiếu với nguyên bản tiếng Anh, người ta cũng chú ý tới sự xoay chuyển cách đặt lại câu hỏi bằng Anh ngữ một cách cố tình của nhà báo khi chuyển qua Việt ngữ. Trong bài viết này, người viết cũng không muốn bàn tới cách cắt xén, thêm thắt của báo chí ở Hànội và Sàigòn khi chuyển ngữ bài CNN phỏng vấn ông Nguyễn Minh Triết, vì không ai lạ đấy chính là sở trường của những người làm truyền thông cộng sản

Thursday, June 18, 2009

Bài Quan điểm của Diễn Đàn Giáo Dân

TỐNG CỰU NGHINH TÂN
Ông Bush ra đi – Ông Obama kế nhiệm
Chuyện đã qua và chuyện sắp tới

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng Thống Dân Chủ Barrack Obama ngày Thứ Ba 20-01-2009, ông George W. Bush, vị Tổng Thống HK thứ 43 thuộc đảng Cộng Hòa đã trở về tư thất ở Dallas bang Texas để khởi đầu nếp sống thường nhân của ông. Và lịch sử sau này sẽ phê phán những việc ông đã làm cho xứ sở này trong hai nhiệm kỳ 8 năm vừa qua.

Với ông Obama, sau chiến thắng vẻ vang trên đường tiến vào Nhà Trắng để trở thành vị Tổng Thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nhiều khó khăn đang mở ra trước mặt ông. Không phải chỉ là những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh gây ra, mà còn là những vấn đề nhức óc khác ông sẽ phải đương đầu. Lợi thế của ông là hiện đảng Dân Chủ đang kiểm soát cả hai viện Quốc Hội. Lợi thế khác của ông -dù mang tính tiêu cực- là, ít nữa về mặt kinh tế tài chánh, cùng với thế giới ông kế thừa một tình trạng suy thoái đến tận đáy (theo kiểu nói VN: cạn ao bèo đến đất), để rồi dù có phục hồi được ít hay nhiều vẫn có thể được coi là thành thích của nhiệm kỳ đầu ở cương vị TT của ông. Nhưng không phải vì thế mà ông có thể tháo gỡ dễ dàng được những nan đề trước mặt.

Đứng trên cương vị những công dân có niềm tin Kitô giáo, chúng ta thử duyệt lại cách khái quát quan điểm, lập trường của cựu Tổng Thống George W. Bush, những việc ông đã làm và những di sản ông để lại nhằm bảo vệ và củng cố nếp sống tinh thần cho người dân Hiệp Chủng Quốc, và trên bình diện cao hơn là cho cộng đồng nhân loại. Xuyên qua những lời tuyên bố quá độ trong thời gian tranh cử của liên danh Obama - Biden, nhất là những chuyển động tại quốc hội mà đảng Dân chủ đang ở thế thượng phong cùng với đường lối, chính sách đã và đang được phác họa trước và sau ngày 20-01-2009 giúp chúng ta thấy gì để hy vọng và âu lo trong 4 năm cầm quyền sắp tới của tân Tổng Thống Barrack Obama?

Tám năm cầm quyền của TT Bush:



Trái với ông Bill Clinton, ông George W. Bush không phải là vị Tổng Thống may mắn. Cái không may đầu tiên của ông là ông đã thay thế một người tiền nhiệm gặp quá nhiều vận hên. Sự thịnh vượng và ổn định của nước Mỹ trong hai nhiệm kỳ của ông Clinton không hoàn toàn do tài kinh bang tế thế của ông mà là do ảnh hưởng giây chuyền của tình hình thế giới sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ.

Khi ông Bush lên kế nhiệm ông Clinton, nước Mỹ bắt đầu đi vào một chu kỳ khác. Chu kỳ suy thoái chung trên toàn thế giới. Trong thời gian ấy lại phải liên tiếp đương đầu với hai cuộc chiến: cuộc chiến A Phú Hãn, cuộc chiến Iraq và vụ khủng bố 9-11. Cạnh đó là những cuộc đối đầu dai dẳng với Iran, Bắc Hàn và cuối nhiệm kỳ 2 là cuộc khủng hoảng tài chánh mang tính toàn cầu, trong đó vô hình chung, Mỹ Quốc trở thành kẻ đứng mũi chịu sào.

Trong bài diễn văn cuối cùng từ giã nhân dân Mỹ quốc, ông Bush đã khiêm tốn nhìn nhận những khó khăn của đất nước và chân thành cầu chúc cho người kế nhiệm của ông thành công trong sứ mạng điều khiển con thuyền quốc gia. Ông có những lý do chính đáng để công khai lên tiếng bảo vệ những thành quả mà guồng máy chính quyền do ông lãnh đạo đã ghi được trong 8 năm ở ngôi vị người cầm đầu cơ quan hành pháp tối cao của Mỹ quốc. Đối với tình trạng suy thoái chung, kể cả những khuyết điểm và nhược điểm, thì cá nhân ông Bush –bao gồm cả đảng Cộng Hòa của ông-, phải gánh chịu do định luật: trăm dâu đổ đầu tằm!

Tuy vậy, một cách khách quan, không ai có thể phủ nhận được công lao của cựu TT George W. Bush trong việc bảo vệ an ninh cho xứ sớ này mà những ám ảnh, những đe dọa thường xuyên sau vụ khủng bố 9-11 khiến cho người dân không khỏi âu lo, sợ hãi. Thực tế là đã không có một cuộc khủng bố nào xảy ra trên toàn nước Mỹ trong những năm qua như nhiều người dự đoán sau vụ 9-11. Ông Bush cũng là người quan tâm nhiều tới lãnh vực giáo dục. "No child left behind" –không trẻ em nao bị bỏ bê- đã trở thành phương châm cho chính sách giáo dục của chính quyền Bush trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Riêng về mặt tinh thần, tâm linh, trong suốt 8 năm cầm quyền, cựu Tổng Thống George W. Bush luôn trung thành với những chuẩn mức về luân lý, đạo đức đã được lưu truyền trong suốt chiều dài hơn hai trăm năm dựng nước. Chính ông đã góp phần tích cực vào việc giới hạn phần nào tệ trạng sát hại thai nhi trên đất tnước này qua những quyết định can đảm, bất chấp sự chống đối của dư luận do xu thế thời thượng thích chạy theo lối sống buông thả, vô luân của con người, nhất là giới trẻ, hôm nay.

Cho dù là một người sống đạo theo truyền thống Tin Lành, nhưng cựu TT George W. Bush luôn tỏ ra gần gũi với Giáo hội Công giáo. Trong hai nhiệm kỳ làm chủ nhân tòa Nhà Trắng, rất nhiều lần ông đã gặp gỡ và tham khảo ý kiến trực tiếp với cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI và công khai chia sẻ với các ngài về quan niệm đạo đức, bảo vệ sự sống của con người, đặc biệt trong những lần người cầm đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ viếng thăm Hiệp Chủng Quốc.

Vào những ngày cuối cùng trước khi chuyển giao quyền hành cho tân Tổng Thống Barrack Obama, ông Bush đã công khai biểu tỏ một cử chỉ cao đẹp và đầy ý nghĩa. Bản tin ngày 13-01-2009 của hãng Thông Tấn Công Giáo CAN cho hay, một tuần trước khi giã từ Nhà Trắng trở lại đời sống thường nhân, ông George W, Bush vị Tổng Thống thứ 43 của HK đã chính thức chọn ngày 16-01 hàng năm làm NGÀY TỰ DO TÔN GIÁO và coi đấy như biểu tượng cho nếp sống tinh thần của người dân Hiệp Chủng Quốc. Dịp này ông đã nhắc lại ý nghĩa lịch sử của Nghị Quyết Virginia năm 1786 về Tự Do Tôn Giáo cũng như Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhằm bảo đảm cho mọi công dân được thọ hưởng quyền lựa chọn tín ngưỡng mà mình tin theo, bên cạnh những nhân quyền cơ bản khác.

Nhắc lại tình cảnh khốn cùng của những nạn nhân từng phải sống lưu vong vì chính sách kỳ thị tôn giáo trong quá khứ đã tìm đến với nước Mỹ, vị Tổng Thống thứ 43 nhấn mạnh tới truyền thống yêu chuộng tự do của thế hệ cha ông đã gầy dựng nên Hiệp Chủng Quốc. Ông nói: Nhân dân Hoa Kỳ luôn sát cánh và là bạn của những người bị áp chế vì bất đồng về lý do tôn giáo cũng như hết thảy những ai có niềm tin trên toàn thế giới, nhất là những ai chỉ vì muốn bảo vệ niềm tin mà phải sống kiếp lưu vong. Ông nhấn mạnh: "Tự do không thể được coi như một thứ ân huệ do nhà nước ban phát, cũng không phải là một thứ quyền lợi chỉ dành riêng cho người dân Mỹ quốc. Hơn thế, tự do là quyền năng tiên thiên của mỗi cá nhân, không phân biệt phái tính hay trẻ già, dành cho tất cả mọi con người trên mặt đất, trong đó quyền được tự do tôn giáo là quyền năng quan trọng nhất".

Lên tiếng về sự kiện này, Đức Cha Charles Chaput Tổng Giám Mục Denver cho rằng Tổng Thống Bush đã thâm cảm được uớc nguyện sâu xa của mọi tầng lớp tín hữu khi công bố ngày 16 tháng 1, 2009 là Ngày Tự Do Tôn Giáo. Ngài cầu mong tất cả những vị kế nhiệm ông cũng sẽ dành cho tự do tôn giáo một sự trân trọng và sự bảo đảm như thế.

Tân TT Barrack Obama và những nan đề trước mặt

Xét chung, tuyệt đại đa số người dân Mỹ cho rằng vấn đề lớn nhất vị Tổng thống thứ 44 phải quan tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông là vấn đề kinh tế. Quả vậy, cuộc khủng hoảng tài chánh dẫn tới tình trạng phá sản của hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, địa ốc, kỹ nghệ xe hơi, kéo theo con số thất nghiệp ngày càng tăng tốc đến mức báo động, đã đặt ra cho chính quyền mới do ông Barrack Obama lãnh đạo trách nhiệm bằng mọi cách phải vực dậy nền kinh tế đang trên bờ vực thẳm hiện nay.

Phải nói ngay rằng chính vì điều này mà ông Obama, một người Mỹ da màu đầu tiên được vinh dự bước vào tòa Nhà Trắng. Nói cách khác, chính vì khẩu hiệu "THAY ĐỔI" (CHANGE) của ứng cử viên đảng Dân chủ đưa ra trong suốt thời gian vận động tranh cử khiến người dân Mỹ nghĩ rằng ông sẽ có cây đũa thần đem lại cơm ăn áo mặc cho họ và vì thế đã dồn phiếu cho ông.

Nhưng, sau khi đắc cử, xuyên qua đường lối, chính sách và cung cách chọn lựa, sắp xếp nhân sự của tân TT Barrack Obama, nhất là trong khóa họp Quốc Hội vừa qua, một Đạo Luật Tự Do Lựa Chọn (Phá Thai) (viết tắt là FOCA) đã được giới thiệu, người ta có cảm tưởng: đảng Dân Chủ và trực tiếp là tập thể lãnh đạo bộ phận hành pháp tối cao của nước Mỹ trong 4 năm tới, được sự yểm trợ của khổi dân cử chiếm đa số ở Quốc hội, nghĩ rằng 53% cử tri dồn phiếu cho ông Obama biểu thị một cuộc trưng cầu dân ý về một chuyện gì khác hơn là chuyện thay đổi thiết thực liên quan tới vấn đề cơm ăn, áo mặc.

Nói trắng ra là tuồng như người ta cố tình gán cho kết quả cuộc bầu cử ngày 04-11-2008 ý nghĩa của một cuộc trưng cầu mang màu sắc ý thức hệ nhằm hủy diệt nền văn minh sự sống núp dưới chiêu bài tôn trọng điều gọi là Quyền Tự Do Lựa Chọn, bất chấp những hệ quả man rợ của luật này xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con người, cụ thể là phẩm giá của người phụ nữ và quyền được sinh ra, được làm người của hàng triệu thai nhi hàng năm.

Cảm tưởng trên đây đã bộc bạch công khai trong Bản Tuyên Ngôn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sau hội nghị mùa thu, được Hồng Y Chủ Tịch Francis George công bố hôm 12-11 vừa qua.

Sau khi chào mừng và mong đợi làm việc với tân Tổng Thống Barrak Obama cùng các vị dân cử của Quốc Hội mới vì lợi ích chung của mọi người, Tuyên Ngôn của các Giám Mục Công Giáo Mỹ đã vạch rõ những hệ quả khốc hại một khi đạo luật về Tự Do Lựa Chọn được thông qua[1], các Giám Mục nhận định:

"Phá thai là một thủ tục y khoa giết người, và những hậu quả tâm lý và tinh thần khắc sâu trong nỗi ưu phiền và trầm cảm của nhiều người, cả nữ lẫn nam. Các giám mục đều đồng tâm, bởi vì trên hết, các ngài phải ngay thẳng.

Cuộc bầu cử mới đây đã được quyết định chính yếu do mối quan tâm về kinh tế, lo lắng mất việc làm và nhà ở cũng như an ninh tài chánh cho các gia đình, ở đây và khắp thế giới. Nếu cuộc bầu cử bị xuyên tạc về ý thức hệ xem như đó là một cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự đoàn kết mà Tổng Thống vừa đắc cử và tất cả mọi người Mỹ mong muốn vào giai đoạn khủng hoảng này sẽ không thể nào đạt được. Sự phá thai không những giết chết những em bé chưa sinh ra; nó còn phá hủy trật tự hiến pháp và thiện ích chung, chỉ được đảm bảo khi nào sự sống của mỗi con người được luật pháp bảo vệ. Những chính sách ủng hộ phá thai, những mệnh lệnh hành pháp và lập pháp sẽ thường xuyên hung hăng gạt ra ngoài xã hội hàng chục triệu người Mỹ, và nhiều người coi đó như một sự xâm phạm quyền tự do hành đạo của họ".

Trước khi kết thúc, bản tuyên ngôn viết:

"Chúng tôi cầu nguyện cho Tổng Thống đắc cử Obama và gia đình của ông cùng những ai đang cộng tác với ông để đảm bảo một sự chuyển tiếp êm thắm trong chính quyền. Nhiều vấn đề cần được sự chú ý lập tức bởi "người canh gác" của chúng ta vừa đắc cử (TV 127). Xin Chúa chúc lành cho Tổng Thống và quốc gia chúng ta".

Bài này được viết tới dòng cuối khi tân TT Barrack Obama vừa kết thúc ngày làm việc thứ nhất của ông vớI tư cách người cầm đầu cơ quan hành pháp tối cao của nước Mỹ. Duyệt qua nội dung bài diễn văn ông Obama đọc sau khi tuyên thệ nhậm chức lúc 12 giờ trưa hôm Thứ Ba 20-01-2009 (giờ HTĐ), người ta thấy hơn một lần ông đã đề cập tới Kinh Thánh.

Ông nói:

"Chúng ta vẫn là một quốc gia non trẻ, nhưng như Kinh Thánh nói, đã tới lúc bỏ sang một bên những điều nông nổi. Đã đến lúc tái xác nhận tinh thần kiên nhẫn của chúng ta, nhằm chọn lựa một lịch sử tốt đẹp hơn, nhằm hướng tới món quà quý giá, ý tưởng cao đẹp vốn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc".

Một câu hỏi được đặt ra là tân TT Barrack Obama có thật sự tin khi ông nhắc lại nhưng tư tưởng cao đẹp hàm ẩn trong Lời Chúa về những quyền năng thiêng liêng mà con người có quyền được hưởng hay không? Và khi nhấn mạnh hai chữ mọi người ông có bao hàm luôn cả những thai nhi còn nằm trong lòng mẹ không?

Ở một đoạn khác trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách vị Tổng Thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc, ông tuyên bố:

"Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội, thì các người hãy nghe đây: tinh thần của chúng ta mạnh hơn của các người, các người không thể bẻ gãy ý chí của chúng ta, các người không thể tồn tại lâu hơn chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các người".

Ai cũng hiểu rằng lời cảnh cáo trên đây của tân Tổng Thống Mỹ Barrack Obama nhắm vào những thế lực chủ trương khủng bố sát hại người vô tộI, để từ đấy, nhân danh sức mạnh và lòng dũng cảm của người dân Hiệp Chủng Quốc, ông xác định ý chí kiên trì, sắt thép, không khoan nhượng của một siêu cường hàng đầu quyết thắng kẻ thù. Điều người ta tự hỏi là không hiểu trong đáy thẳm tâm tư, ông có cảm nhận rằng kẻ khủng bố, kẻ giết người vô tội không chỉ là những thế lực cuồng tín từng sản sinh ra những tên liều mạng ôm bom tự sát, những gã phi công điên cuồng, mù quáng đã lao phản lực cơ vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ năm trước, gây nên những cái chết thảm khốc cho hàng ngàn thường dân vô tội?!!!… hay còn là những bàn tay đồ tể được che phủ dưới những tấm áo trắng trong các bệnh viện phá thai, để từng phút từng giây lấy đi hơi thở và sự sống của hàng trăm ngàn trẻ thơ, không cho chúng được thấy ánh sáng mặt trời?!!!

Lên tiếng gần đây, đức Hồng Y Laghi nói:

"Người ta phải đợi xem ông ta hành động liên quan như thế nào đến việc quan tâm đối với những cam kết căn bản – điều mà đối với chúng ta vô cùng quan trọng – để bảo vệ con người và sự sống thiêng liêng của con người từ lúc thụ thai cho đến lúc nằm yên trong lòng mộ."

Là những tín hữu luôn trung thành với giáo huấn của Giáo hội Công giáo, mỗi người chúng ta hãy kiên tâm chờ đợi và đừng quên sức mạnh của Lời Cầu Nguyện cùng Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng trao ban Sự Sống.


[1] Mời đọc lại nguyên văn Tuyên Ngôn đăng trên nguyệt san DĐGD số kép 85-86 phát hành tháng 12-2008/01-2009 nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu.