Saturday, March 6, 2010

CSVN và ván bài sinh tử trong biến cố Đồng Chiêm

CSVN VÀ VÁN BÀI SINH TỬ

TRONG BIẾN CỐ ĐỒNG CHIÊM

 

Thạch Trung

 

Với hiểu biết và suy nghĩ chủ quan, trong bài này người viết cố gắng trả lời những vấn nạn được dư luận đồng bào trong và ngoài nước đặt ra lâu nay, nhất là sau vụ CSVN công khai xúc phạm Thánh Giá tại Núi Thờ, Đồng Chiêm:

1.- Tại sao một hành vi nghiêm trọng như vậy lại xảy ra vào thời điểm này?

2.- Vì đâu và do căn nguyên sâu xa nào HY Phạm Minh Mẫn (TGP Sàigòn), TGM Nguyễn Như Thể (TGP Huế) và nói chung, HĐGMVN đều giữ thái độ của những kẻ bàng quan trước cảnh khốn cùng mà phần chi thể của Giáo Hội Việt Nam ở miền Bắc đã và đang phải gánh chịu?

3.- Biến cố Đồng Chiêm và hiện tượng chia rẽ trong hàng Giáo Phẩm được đánh giá ra sao trước diễn đàn công luận trong và ngoài nước? Những đánh giá thẳng thắn và nghiêm túc này liệu sẽ có tác dụng gì đối với hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam?

4.- Phép lạ nào sẽ xảy ra nếu giáo dân, giáo sĩ và hàng giáo phẩm trên cả ba miền đất nước đều đồng tâm nhất trí trong tinh thần "chị ngã em nâng" và trong tinh thần hiệp nhất, liên đới, yêu thương của Con Cái Chúa?

 

Sơ lược biến cố Đồng Chiêm:

 

Như phường đạo tặc sợ ánh sáng mặt trời, vào lúc 2 giờ sáng hôm 06-01-2010, giữa lúc bà con đang yên giấc, nhà nước cộng sản đã huy động khoảng 600 công an, cảnh sát vũ trang, với chó nghiệp vụ và cơ giới bao vây Núi Thờ (còn có tên là Núi Chẽ) thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm, cách Hànội khoảng 50 cây số. Giữa đêm hôm khuya khoắt, họ bắt đầu vận dụng xe ủi, cưa máy đập nát cây Thánh Giá, biểu tượng tối cao của niêm tin Kitô Giáo. Khi bà con giáo dân hay tin tìm tới phản kháng thì bị công an, cảnh sát dùng vũ lực gây thương tích trầm trọng cho hai phụ nữ   thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm.

 

Những diễn biến sau đó về phía nhà nước ra sao, phản ứng tức thời của tòa Giám Mục Hànội, 9 Giám Mục cai quản 9 Giáo phận miền Bắc, những bài giảng thuyết của các linh mục –đặc biệt bài giảng của Cha Phạm Minh Triệu trong Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngay buổi chiều ngày 06-01 tại Giáo xứ Đồng Chiêm- và không khí im lặng ngột ngạt của HĐGMVN, của hai TGM Sàigòn và Huế như thế nào, cho đến nay mọi người đều đã rõ.

 

1.- Tại sao một hành vi nghiêm trọng như vậy lại xảy ra vào thời điểm này?

 

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên đây, chúng ta cần nhìn vào những nguy cơ sinh tử mà đảng và nhà nước CSVN đang phải đối diện. Theo nhận định của chúng tôi, có thể nói là chưa bao giờ nhà cầm quyền Hànội bị đẩy vào thế yếu như hiện nay. Trên rất nhiều phương diện càng ngày họ càng bị dồn vào bước đường cùng, có khả năng dẫn tới nguy cơ sụp đổ. Chắc chắn có người không chia sẻ nhận định mang tính chủ quan này.

 

Vì thế sẽ có ý kiến phản biện đặt ra, và được tóm gọn vảo mấy câu hỏi chính: Nếu bảo rằng Hànội đang đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu vong thì tại sao trong thời gian gần đây họ lại tỏ ra rất chủ động khi mạnh tay với những phong trào đối kháng, điển hình là những bản án nặng nề dành cho những khuôn mặt tranh đấu như cựu trung tá Trần Anh Kim, LS Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, các ông Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa… và những đòn dằn mặt đối với những nhà trí thức uy tín như các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thanh Giang, luật gia lão thành Trần Lâm??? Nhất là tại sao vào những ngày đầu năm dương lịch vừa qua họ dám có hành vi xâm phạm trắng trợn tới biểu tượng thánh thiêng, cao cả nhất của người Công Giáo là cây Thánh Giá trên Núi Thờ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm?

 

Theo quan điểm của người viết những giòng này thì đây là một chọn lựa sống chết "chẳng đặng đừng" của đảng và nhà nước CSVN khi họ nhận ra những chỉ dấu cho thấy thế nhân dân đã hoàn toàn vuột khỏi tầm tay chế độ. Ba chỉ dấu cụ thể được nhìn thấy trước mắt: thứ nhất là những vụ đình công hàng loạt trong các xí nghiệp từ Nam ra Bắc liên tiếp xảy ra trong mấy năm qua với sự tham dự của hàng chục ngàn công nhân; thứ đến là cảnh cả trăm, cả ngàn dân oan từ khắp các miền nông thôn hàng ngày kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hànội, về các đường phố Sàigòn "nằm vạ" để khiếu kiện đòi hỏi công lý, cơm ăn áo mặc; và thứ ba là những cuộc tập hợp để cầu nguyện của hàng ngàn, hàng vạn tín hữu Công Giáo ở tòa Khâm Sứ, ở giáo xứ Thái Hà, Hànội và Tam Tòa thuộc giáo phận Vinh. Đây là những sự kiện hiếm thấy trong những chế độ độc tài, chuyên chính cộng sản. Trong khi ấy, những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong và ngoài đảng cũng bắt đầu gióng lên những tiếng nói mạnh mẽ trước những hành vi sai trái của chế độ Hànội. Dù vậy, với những thủ đoạn gian manh, tàn độc, đảng và nhà nước cộng sản vẫn có trăm phương nghìn kế để tạm thời thoát hiểm hoặc để lấp liếm cho qua.

 

Nhưng khi bộ mặt thật "mãi quốc cầu vinh" của 15 tay đầu sỏ cầm đầu chế độ bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời qua những hành vi bán đất, dâng biển, chuyển nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng, nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh ngư dân bị hải quân Trung Quốc hà hiếp, bóc lột, bắt bớ trong khi hành nghề trên hải phận vốn của mình, (chưa kể tới những hệ lụy lớn lao liên quan trực tiếp tới quốc thể, sự thuần nhất dân tộc và an ninh quốc gia do hành vi mở cửa cho hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân Tàu cộng không chuyên môn ồ ạt kéo qua biên giới làm việc, lập làng riêng, lấy vợ Việt Nam, dưới cái dù hợp đồng khai thác Bô-Xít ở Cao nguyên như lời tiết lộ của luật sư Trần Lâm…) thì quả thật Hànội đã bị xô vào bước đường cùng với nguy cơ sụp đổ đã bày ra trước mắt.

Bất chấp mọi, gian lao, trở ngại -
kể cả khủng bố, bách hại,
khách hành hương lũ lượt đổ về Đồng Chiêm.

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy: sự tan vỡ giây chuyền của hệ thống chư hầu Cộng sản Đông Âu cuối thế kỷ trước khởi sự bằng những cuộc tập hợp đông đảo của giới lao động trong Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan và những Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương một cách ôn hòa, bất bạo động do linh mục Jerzy Popieluszko, linh hướng Công Đoàn khởi xướng. Tiếp theo là những quy tụ cả triệu người khởi đi từ cuộc viếng thăm quê hương Ba Lan lần thứ nhất tháng 6-1979 của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Cho nên khi sự kiện hàng ngàn giáo dân thuộc các giáo phận miền Bắc hưởng ứng lời mời gọi của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt kéo về cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ, sau đó là giáo xứ Thái Hà cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã khiến nhà nước CSVN phải giật mình và tìm hết cách ngăn chặn, kể cả những vận động ngấm ngầm trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, từ thượng tầng là Vatican tới Sàigòn, Huế và nói chung HĐGMVN.


Từ con số 5000, 10.000 giáo dân lũ lượt đổ về cầu nguyện tại khu vực Nhà Chung, Hànội sang vụ thử lửa ở giáo xứ Tam Tòa thuộc giáo phận Vinh tháng 9-2009, các lực lượng an ninh vũ trang CS đã phải đương đầu với con số giáo dân tập trung cầu nguyện ngày càng tăng cao, có lúc lên tới 250 ngàn người trong khuôn viên TGM Vinh ở Xã Đoài tràn cả ra các con lộ chung quanh. Sự kiện bất bình thường này báo động cho guống máy đảng và nhà nước CSVN phải có biện pháp mạnh tức thời, nếu không, một ngày không xa, không chỉ ngừng lại ở con số ngàn mà sẽ có hàng triệu giáo dân, giáo sĩ khắp nước đồng loạt tựu về những nơi thờ tự để cầu nguyện cho tự do và công lý. Trong trường hợp ấy chuyện gỉ sẽ xảy ra ai cũng có thể đoán biết.

 

Biện pháp mạnh do các đỉnh cao trí tuệ ở Hànội chọn là liều lĩnh huy động lực lượng công an, cảnh sát vũ trang tới phá nát cây Thánh Giá trên Núi Thờ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm. Tiếp theo đó là những động thái đồng loạt có tính toán nhằm khủng bố tinh thần giáo dân, giáo sĩ như ngăn đường, đắp ụ trên những con lộ chính, với sự canh gác nghiêm nhặt của nhân viên an ninh

Để ngăn ngừa những buổi cầu nguyện,
CA đắp ụ, chặn đường giáo dân
đổ về Giáo xứ Đồng Chiêm

để ngăn cản những cuộc tập trung đông đảo giáo dân, bao gồm những đoàn hành hương từ các nơi kéo về cầu nguyện và hiệp thông với Đồng Chiêm. Anh Nguyễn Hữu Vinh và chủng sinh Nguyễn Văn Tặng thuộc DCCT đã bị họ đả thương trí mạng tại những đoạn đường dẫn vào vùng đất này. Cùng lúc, hàng chục ống loa được thiết trí tứ phìa với âm thanh cực mạnh hướng vào nhà thờ Đồng Chiêm, ngày đêm ra rả những bài ca tuyên truyền, những bản tin bóp méo sự thật, những bài viết bôi nhọ các giáo sĩ, giáo phẩm…

 

Tất cả đều không ngoài mục tiêu dằn mặt những đối tượng cầm đầu trong Tổng Giáo Phận Hànội, (mà họ cho là tác nhân tạo nên những biến động ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà và Tam Tòa mấy năm gần đây) nhằm ngăn chặn sự lây lan của phong trào quần chúng đấu tranh ôn hòa trong tập thể tín hữu Công giáo thuộc 25 giáo phận trên cả ba miền đất nước mà cho đến thời điểm bấy giờ tuồng như mới chỉ khoanh vùng trong Tổng Giáo Phận Hànội. Dĩ nhiên, trước khi xuống tay, họ cần có một cam kết, một bảo đảm nào đó của những thành phần lãnh đạo tôn giáo trên quy mô toàn quốc, điển hình là HĐGMVN, nhất là hai thực lực có quần chúng tín hữu đông đảo là Tổng Giáo Phận Sàigòn và Huế mà từ trước tới nay thường có cung cách cư xử "nhẹ nhàng"[1] với đảng và nhà nước CSVN.

 

2.- Vai trò Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

và hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế

 

Thiết tưởng đã đến lúc cần phải nói thẳng, nói thật một lần để trả lời câu hỏi thầm trong công luận lâu nay. Đó là: vì sao và do căn nguyên sâu xa nào khiến HY Phạm Minh Mẫn (TGP Sàigòn), TGM Nguyễn Như Thể (TGP Huế) và nói chung, HĐGMVN do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm chủ tịch, đều giữ thái độ của những kẻ bàng quan trước cảnh khốn cùng mà phần chi thể của Hội Thánh Việt Nam ở miền Bắc đã và đang phải gánh chịu lâu nay, nhất là trong vụ Đồng Chiêm, khi Thánh Giá đã bị đảng và nhà nước CSVN công khai xúc phạm nghiêm trọng?

 

Trả lời câu hỏi này cũng giúp làm sáng tỏ thêm cái căn nguyên sâu xa khiến nhà cầm quyền Hànội dám liều lĩnh vọng động tại Đồng Chiêm. Đặt giả thiết: khi Thánh Giá trên núi Thờ bị cộng sản triệt hạ, khi những giáo dân Đồng Chiêm (bao gồm cả ông Nguyễn Hữu Vinh, thày  Nguyễn Văn Tặng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, những sinh viên Công Giáo tới hành hương Núi Thờ) bị lực lượng an ninh nhà nước khủng bố, gây thương tích trầm trọng, nếu cả hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế với sự đồng thuận của HĐGMVN cùng thống nhất quan điểm và hành động như Tổng Giáo Phận Hànội, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

 

(Tưởng cần mở dấu ngoặc để nói cho rõ là việc "thống nhất quan điểm và hành động" ở đây không hề bao hàm tính bạo động hay khuynh đảo. Nó chỉ có nghĩa là cùng bày tỏ công khai quyết tâm bảo vệ những gì được coi là cốt lõi của niềm tin Kitô Giáo, như khi các Thánh Tích, nhân quyền, nhân phẩm và sinh mạng con người bị xâm hại. Quyết tâm này hơn một lần đã được thể hiện trong những buổi tập hợp để cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình một cách bất bạo động trước khi xảy ra vụ Đồng Chiêm).

 

Nhưng, điều đáng buồn là giả thuyết đặt ra cho đến lúc này vẫn chỉ là giả thuyết!

 

Cả HĐGMVN và hàng Giáo phẩm thuộc hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế vẫn tiếp tục sắm vai trò "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại"!!! (Khi phải mang một câu tục ngữ trong đời thường hàm ý chê bai, chỉ trích lối sống ích kỷ giữa người với người trong mối liên hệ xóm giềng để áp dụng vào chuyện linh thánh liên quan tới tình liên-đới-hiệp-nhất-Con-Cái-Chúa giữa những chi thể lãnh đạo trong GHCG, là một tín hữu, người viết không khỏi xót xa và ngại ngần).


                                                                     

HY Mẫn với những buổi thăm viếng,
"đối thoại" bằng cách cụng ly và ôm hôn các lãnh tụ Đỏ

 


Điều đáng buồn hơn nữa là để biện minh, có vị Giám mục đã lợi dụng một bài giảng tại Giáo đô La Mã nhân chuyến viếng thăm Ad Linima hồi tháng 6 năm rồi, để cắt xén lời Tiên Tri Giêrêmia hòng lý giải cho sự im hơi lặng tiếng của chính bản thân và của hàng Giám Mục, nói chung![2] Chưa hết, trong Thư Chúc Xuân Canh Dần đưa lên mạng ngày 14-02-2010 (nhưng đề ngày 25-12-2009!?), HY Phạm Minh Mẫn đã nhân danh Tổng Giáo Phận Sàigòn gửi lời Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần đến tập thể giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ trong Tổng Giáo Phận và đặc biệt đưa ra những nhận định về chuyện "áp đạt" theo kiểu "thói đời" để từ đấy khuyến cáo cần "đối thoại", "hợp tác" hơn là "đối đầu" (!!!)[3].


Sau khi xảy ra biến cố Đồng Chiêm, cũng trên trang báo điện tử của HĐGMVN còn có bài thanh minh thanh nga về chuyện "Lên tiếng hay không lên tiếng" cũng vẫn với cung giọng được gói ghém trong bài giảng thuyết và Thư Chúc Xuân kể trên. Và ngay sau đó đã gặp phản ứng gay gắt của giáo dân và giáo sĩ khắp nơi.

 

Dù khó nói nhưng vì những đòi buộc của lương tâm, người tín hữu công dân trước sự an nguy của Giáo Hội và Quê Hương không thể không nói. Quả thật người viết bài này đã không giấu được ý nghĩ là giữa "Ông Nhà Nước" và các nhà lãnh đạo cao cấp trong HĐGMVN, hai tòa TGM Sàigòn, Huế đã có những cuộc thương thảo, và có thể cả những cuộc "đi đêm" với nhau, ít nữa là trước khi nổ ra biến cố Thánh Giá bị triệt hạ ở núi Thờ, Đồng Chiêm.

 

Cái "Ông Nhà nước" cần –rất cần- đặc biệt trong thời điểm này, là sự gục đầu câm lặng "sống chết mặc bay" của các Đấng Bậc bên ngoài Tổng Giáo Phận Hànội, khi "Ông" ra tay đánh phủ đầu Tổng Giáo Phận này vừa để trừng phạt, răn đe vì đã dám liên tiếp kêu gọi cả trăm ngàn tín hữu kéo về giáo đường đòi tự do, công lý, và nhất là để chặn đứng khả năng bùng nổ của cao trào cả triệu giáo dân trên khắp ba miền đất nước xuống đường cầu nguyện, dẫn tới nguy cơ kéo theo sự nhập cuộc của toàn dân, gồm tín đồ Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các hệ phái Tin Lành. Và điều này chính là mối lo tâm phúc của những kẻ đã lộ nguyên hình là phường mãi quốc cầu vinh. Nếu không có được sự đồng tình ấy của HĐGM và hai Tổng Giáo Phận kia, cầm bằng đảng và nhà nước CSVN sẽ tự đào hố chôn mình! (Chúng tôi sẽ có dịp trở lại để bàn thêm về vấn đề này trong phần cuối trước khi kết thúc bài viết).

 

Trong khi ấy, thế yếu của một thiểu số các Đấng Bậc (khiến các ngài "ngậm bồ hòn làm ngọt" cam tâm nhận những điều kiện nhục nhã do "Ông Nhà Nước" đưa ra để nhẫn tâm phản bội vai trò Ngôn Sứ, quay lưng lại với anh em mình) có nhiều thứ cấp khác nhau.

 

* Nhẹ nhất là thái độ ù lì, thụ động, nhắm mắt nghe động tĩnh từ các Tòa Tổng, thiếu hẳn cái dũng và tinh thần độc lập, tự quyết phải có của người Ngôn Sứ, nên đã gục đầu khép mình trong cơ chế XIN/CHO để có được "củ cà rốt" hơn là phải nhận lãnh "cây gậy" (Củ cà rốt ở đây là gì? Đó là một vài ân huệ vật chất do đảng và nhà nước bố thí. Điển hình như những gì Đức Cha Nhơn nhận được gần đây khiến ngài hy sinh luôn cả Giáo Hoàng Học Viện, biểu tượng cao cả nhất của nền giáo dục Công Giáo!).

 

* Nặng hơn một chút: vì rơi vào cảnh ngộ "mở miệng mắc quai" (do những lỗi lầm quá khứ, tự mình gây ra hoặc bị gài bẫy mà mắc phải), nên thường xuyên bị ám ảnh bởi sợi giây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu trên cổ. Vì thế dù không muốn cũng đành phải cúi đầu cam phận làm kẻ tôi đòi, đặt đâu ngồi đó.

 

* Cuối cùng, tệ nhất là những phần tử ngay từ đầu đã "bán linh hốn cho những thế lực của sự ác", coi Thánh chức Linh mục, Giám mục như một phương tiện, một bậc thang để kiếm tìm danh lợi, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của người đời! Chuyện một số Giám Mục Ba Lan bị phanh phui là làm tay sai cho mật vụ nhả nước chống phá và làm hại Giáo Hội sau ngày chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ,  là một minh họa cụ thể.

Những vành tang trắng
cho Đồng Chiêm

3.- Biến cố Đồng Chiêm trên bàn cân công luận

 

Biến cố Đồng Chiêm hôm 06-01-2010, trong đó Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng, cao cả nhất của người tín hữu Công giáo bị xâm phạm nghiêm trọng đã trở thành bàn cân và là thước đo phản ứng của công luận trong và ngoài nước, không phân biệt giáo sĩ, giáo dân hay khác tín ngưỡng. Vượt lên trên và ra khỏi những dè dặt thường lệ, người tín hữu của Chúa Giêsu trong Giáo Hội Công Giáo và cũng là người công dân của đất nước Việt Nam hôm nay đã thật sự trưởng thành và đã can đảm đứng lên nhận lấy trách nhiệm của mình. Họ đã cảm nghiệm sâu sắc những hệ quả tai hại do thái độ quỵ lụy và vâng lời "tối mặt" của người giáo dân đối với hàng giáo sĩ thời trước cũng như dưới chế độ vô thần cộng sản qua lời cảnh báo của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng cố Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hànội trong Hồi Ký toàn tập của ngài[4].

 

Vì thế, sau biến cố Đồng Chiêm, những tiếng nói cương trực của giáo sĩ cũng như giáo dân, dù ở quốc nội hay hải ngoại đã nhất loạt cất lên và được hầu hết những cơ quan truyền thông của người Công giáo chuyển tải. Bằng chứng là ngoài những trang Web của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, của một số giáo phận, các đoàn thể sinh viên trên khắp ba miền đất nước, tờ báo điện tử VietCatholic ở hải ngoại vốn thu hút được sự tín nhiệm của hầu hết các Giám Mục trong nước do tính "mềm mỏng, ôn hòa" trước đây, ngày nay cũng đã trở thành nơi chuyên chở tiếng nói của những người không có tiếng nói trong Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Nơi đây người ta đọc được những bài viết sắc bén của những giáo dân như anh Nguyễn Hữu Vinh hoặc của những giáo sĩ như cha Nguyễn Ngọc Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô và các cha Dòng Chúa Cứu Thế.

 

Hiển nhiên, sau biến cố Đồng Chiêm đã có một sự chuyển hướng mạnh mẽ về thái độ và tinh thần trách nhiệm của tập thể tín hữu Công Giáo Việt Nam cả trong cũng như bên ngoài đất nước. Thấu hiểu và cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa hàm ẩn trong những câu tục ngữ quen thuộc của tiền nhân "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" hoặc "Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh" –dĩ nhiên ở đây ứng dụng vào cảnh vực tôn giáo-, ngưòi tín hữu công dân trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào thời điểm vô cùng nghiêm trọng này ý thức rằng: trách nhiệm bảo vệ sự thuần nhất, tinh tuyền của Hội Thánh và bổn phận đối với sự an nguy, còn mất của quốc gia, dân tộc không của riêng ai mà thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp.

 

Cũng vì thế, trước những vấn đề hệ trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thân mệnh Giáo Hội và Tổ Quốc, nếu những người ở cương vị cầm đầu trong đạo ngoài đời có hành vi phản quốc, hà hiếp bóc lột lương dân hoặc tỏ ra im lặng đồng lõa, sắm vai "chó câm" như lời thống trách nghiêm khắc và nặng nề của đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong tác phẩm "Muối Cho Đời của ngài"[5], thì họ -chính họ- với tư cách người tín hữu công dân, phải lên tiếng một cách can đảm, thẳng thắn như một đòi buộc không thể khước từ.

Chỉ cần đọc lại những bài viết của cha Nguyễn Ngọc Tỉnh  trong mấy tháng gần đây như bài "Cứ phải nói dù không biết nói", trên DĐGD số 96 phát hành tháng 11-2009, bài "Đôi điều suy nghĩ nhân đọc Thư Chúc Xuân Canh Dần 2010", bài "Chỉ cần 'nắm' các Giám mục thôi" cùng với lá thư của giáo sư nhà báo Lê Thiên gửi Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN, và thư của ông Nguyễn Tuấn Hoan gửi HY Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn trên số Tân Xuân này, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự chuyển hướng mang tính quyết định ấy.

 

Nói tới tính quyết định trong trường hợp này là nói tới sự phân chia rạch ròi giữa đen và trắng, giữa phải và trái. (Điều cần lưu ý là chuyện HĐGMVN, hai vị TGM Sàigòn và Huế im lặng không lên tiếng trong những biến cố xảy ra tại Tổng Giáo Phận Hànội trước đây, như các vụ cầu nguyện đòi đất đai tài sản và qua đó đòi phục hồi công lý cùng những quyền căn bản cho con người tại tòa Khâm sứ, tại Giáo xứ Thái Hà, Hànội, tại Giáo xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh, và gần đây nhất là biến cố Thánh Giá bị xúc phạm ở Giáo xứ Đồng Chiêm, đã được chính các ngài mặc nhiên nhìn nhận như một đường lối, chính sách. Chỉ cần đọc lại bài giảng của Giám mục Bùi Văn Đọc ở nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành Rôma ngày 23-6-2009, bài "Lên tiếng hay không lên tiếng" xuất hiện trên trang Web của HĐGM gần đây, và Thư Chúc Xuân Canh Dần của HY Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigon là đủ rõ).

 

Như vậy, đây không còn là chuyện suy đoán mà là một chuyện có thực. Về phía quần chúng tín hữu, những tiếng nói thẳng thắn, dứt khoát được cất lên khắp nơi, ở trong cũng như ngoài nước mà điển hình là những bài viết của giáo sĩ cũng như giáo dân đã được nói tới nhằm phản bác thái độ im hơi lặng tiếng kể trên của các Giám mục, cũng là một chuyện có thực.

 

Chân lý trong một sự việc, một vấn đề chỉ có một, không thể có hai.

Trong trường hợp này, chân lý ở đâu?

 

Bằng tất cả lương tâm công chính của Con Cái Chúa, luôn đặt hết lòng tin vào một Giáo Hội Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền, một Giáo Hội được xây dựng trên một niềm tin vàng đá, chuyên nhất, bất khả nhượng, không thể du di hay tương đối hóa trước áp lực của những thế lực trần gian, satan, hỏa ngục, người viết dứt khoát không tin rằng chân lý lại có thể đứng về phía những "Pharisiêu thời đại", những thành phần ưu tuyển nhưng đã và đang bẻ cong Lời Chúa –tệ hơn nữa là cắt đầu, xén đuôi Lời Chúa- biện minh cho thái độ ngậm miệng, đồng lõa với cường quyền bạo lực để chối bỏ anh em mình, chối bỏ những nạn nhân đang bị hà hiếp, bóc lột, trấn áp trên quê hương.

 

Câu hỏi kế tiếp là khi những tiếng nói của chân lý, của sự thật đã cất cao thì chuyện gì sẽ xảy ra, nó có tác dụng gì đối với hàng Giáo Phẩm Công Giáo trong nước?

 

a/ Với hàng Giáo Phẩm miển Bắc và một số vị thuộc hai Giáo phận miền Nam và miền Trung đã công khai bày tỏ tình hiệp thông trước nỗi đau của tập thể tín hữu Đồng Chiêm, phản ứng quyết liệt của công luận trong và ngoài nước có giá trị như một sự nâng đỡ, một lời khích lệ giúp các vị vững tin hơn để tiếp tục dấn bước trên con đưởng phục vụ Dân Chúa và sự thật.

 

b/ Đối với những vị vì ngay tình hoặc vì quá câu nệ vào tinh thần vâng phục, hoặc cũng vì quen sống thụ động nên đã tỏ ra thờ ơ lâu nay, thì những tiếng nói thẳng thắn của một số giáo sĩ  và đông đảo giáo dân như đã trình bày trên đây sẽ có tác dụng giúp các ngài sớm nhận ra đâu là trách nhiệm và bổn phận đích thực của người mục tử trong cương vị là Ngôn sứ của Chúa Giêsu.

 

c/ Với những thành phần vì tự mình hoặc do cạm bẫy của những thế lực gian ác mà sa đà vào những vập phạm cách nào đó trong đời sống thiêng liêng của người mục tử đã hiến dâng đời mình phụng sự Thiên Chúa, thì những tiếng nói công chính của những Con Cái trung thành với Hội Thánh mang giá trị như một lời cảnh báo để các ngài có thêm nghị lực và can đảm vượt lên trên được chính mình, trên những cái gọi là danh dự theo thói thường người đởi, ngõ hầu dứt khoát trở về cương vị đích thực của mình, cho dẫu có vì thế mà bị bôi xóa dưói mắt thế nhân.


4/ Sau chót, với những phần tử đã tự nguyện đánh mất mình, lâu nay núp dưới áo mão và danh hiệu chủ chăn chỉ để kiếm tìm danh lợi thế trần, quay lưng lại với Hội Thánh, tiếp tay những thế lực của sự ác để thao túng và gây hại cho Giáo Hội như đức cha Phaolô Trọng cố Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Hànội đã chỉ ra trong Hồi Ký "Chứng Từ Của Một Giám Mục, thì đây chính là cơ hội giúp mọi người thấy rõ, không phải để loại trừ, nhưng để gia tăng lời cầu nguyện xin ơn hoán cải giúp các ngài.



Gm Nhơn, Hy Mẫn, Tgm Thể "xếp hàng dọc" chờ bắt tay kẻ

đã từng có hành vi lật lọngđối với đức Tgm Ngô Quang Kiệt!


 

4.- Phép lạ nào sẽ xảy ra, nếu…

 

Chuyện chưa xảy ra và người ta mong mỏi sẽ xảy ra nên mới có chữ "nếu": nếu có sự đồng thuận, nhất trí của HĐGMVN và hai tổng giáo phận Sàigòn và Huế, trong đó từ hàng giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân đều sẵn sàng chia vui, sẻ buồn, đồng cam, cộng khổ[6] với đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội, 9 Giám mục, Linh mục đoàn, toàn thể tu sĩ nam nữ, giáo dân miền Bắc và các cha Dòng Chúa Cứu Thế trong biến cố Đồng Chiêm thì đảng và nhà nước CSVN sẽ phải gánh lấy hậu quả khốc liệt của kẻ "gieo gió" thế tất phải "gặt bão" như số phận của chế độ cộng sản Ba Lan hai thập niên trước.

 

Phép lạ 1,-

Khi được sự khích lệ của HĐGM, cách riêng hai TGM Sàigòn và Huế, biến cố Đồng Chiêm có nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Thánh Giá không bị xúc phạm, tu sĩ, giáo dân không bị đả thương bởi lũ côn đồ.

 

Phép lạ 2.-

Biến cố Đồng Chiêm vẫn xảy ra nhưng có sự đồng tâm, đồng cảm trong tinh thần liên đới yêu thương giữa những chi thể trong Hội Thánh Việt Nam: Đức cha Nguyễn Văn Nhơn với tư cách chủ tịch HĐGMVN, HY Phạm Minh Mẫn và TGM Nguyễn Như Thể với tư cách TGM hai TGP Sàigòn, Huế có chung một lập trường, một tiếng nói như Tổng Giáo Phận Hànội, thì chuyện kế tiếp sẽ khác, -rất khác-, để đón chờ những phép lạ 3, 4, 5 vv và vv…


Khi ấy, ngay sau tin Thánh Giá ở Núi Thờ, Đồng Chiêm bị xúc phạm, tu sĩ, giáo dân bị khủng bố, bị đả thương được loan ra, HĐGMVN, tiếng nói của cả ba Tổng giáo phận Hànội, Sàigòn, Huế sẽ cấp thời nhất loạt cất lên, cho dẫu để "đối thoại". Nhưng điều quan trọng là những cuộc "đối thoại như vậy sẽ không phải là những thương lượng, trao đổi riêng tư trong bóng tối mà là những cuộc "đối thoại" công khai, nghiêm chỉnh, thẳng thắn giữa một giáo-quyền-thống-nhất và những thành phần đầu não của chế độ CSVN trong tinh thần ôn hòa, tương kính, bình đẳng và lễ nhượng. Đặt giả thuyết nếu nhà nước giữ nguyên thói lươn lẹo như đã từng xảy ra trong quá khứ[7] thì cũng với sự nhất trí và tinh thần "đối thoại" bình đẳng, HĐGM và ba vị TGM sẽ mạnh dạn đưa ra những phản biện một cách minh bạch, công khai và thẳng thắn.

 

Với phản ứng nhanh nhạy, với những tiếng nói giữa thanh thiên bạch nhật không úp mở, không giấu diếm, che đậy như thế, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, ngay lập tức, mọi lời tuyên  bố, mọi văn kiện, mọi thỏa thuận, mọi động thái giữa các phe liên hệ trong biến cố Đồng Chiêm (hay bất cứ biến cố nào liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo, đến nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam, dù ở thành thị hay những vùng sâu, vùng xa), sẽ được loan truyền rộng rãi, mau chóng, không chỉ ở quốc nội hay các cộng đồng người Việt nước ngoài, mà còn được báo giới, chính giới quốc tế biết đến. Trong điều kiện ấy, sẽ có hai hệ quả tích cực xảy ra: thứ nhất, sự thật sẽ được phơi bày trọn vẹn, không bị cắt xén hay xuyên tạc, bóp méo, nguyện vọng chính đáng của GHCGVN sẽ được dư luận biết rõ cách chính xác; thứ đến, theo lẽ thường đảng và nhà nước sẽ hết đường dùng những thủ đoạn gian dối, quanh co để chối tội.

 

Nhưng, giả dụ vẫn xảy ra trường hợp tồi tệ là CSVN, vì sức ép của công luận phải tạm thời đưa ra lời hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề then chốt, (cụ thể như chuyện đất đai, tài sản của Giáo Hội, của tư nhân và quan trọng hơn là vấn để tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng), nhưng sau đó lại tìm cách chạy làng.

 

Đây là lúc rất cần tới uy tín của các Đấng-Bậc-Làm-Thày trong Giáo Hội. Kinh nghiệm quá khứ gần đây cho thấy chỉ với một lời mời gọi của Đức Cha Ngô Quang Kiệt trong lá thư gửi toàn thể giáo dân trong các Giáo phận miền Bắc ngày 15-12-2007, hàng ngàn hàng vạn giáo dân cùng với linh mục tu sĩ đã lũ lượt đổ về tòa Khâm Sứ, sau đó là giáo xứ Thái Hà để cầu nguyện. Cũng chỉ với uy tín của Đức Tổng Kiệt qua tiếng nói của Đức Cha Cao Đình Thuyên, Giám Mục Giáo phận Vinh hồi tháng 8 năm 2009, cả trăm ngàn tín hữu đã tụ tập về Xã Đoài để công khai bày tỏ thái độ đối kháng cách ôn hòa trước hành vi bạo ngược của nhà nước đối với giáo xứ Tam Tòa.

 

Tổ chức chặt chẽ và tinh thần kỷ luật trong GHCG là một thực tế không ai phủ nhận.

 

Tiếng nói có uy quyền tuyệt đối của hàng Giáo phẩm CGVN đối với tập thể tín hữu cũng là điều hiển nhiên.

 

Chính vì biết rõ điều này nên ngay từ những ngày đầu sau năm 1954 khi đã làm chủ miền Bắc, đảng và nước CSVN đã tìm trăm phương nghìn kế đề truy diệt niềm tin Kitô Giáo. Nhưng khi nhận ra là không thể truy diệt được, họ xoay qua những thủ đoạn âm độc: vừa răn đe vừa mua chuộc, hủ hóa bằng cách áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" để "nắm" các GM. Các tổ chức "Công Giáo Quốc Doanh" mang danh Ủy ban này Ủy ban nọ trực thuộc sự lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc lần lượt ra đời ở Bắc, ở Nam trước và sau năm 54 cũng nằm trong chính sách thâm độc kể trên. Người CS tỏ ra am tường rất rõ ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn của người xưa qua nắm đũa để nguyên và nắm đũa bị xé lẻ.

 

Dù không muốn và dù hết sức đau lòng và tủi hổ, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế phũ phàng là cho đến nay GHCGVN đã tự đánh mất sức mạnh tiên thiên của mình. Nguyên do đúng như nhận định của Đức cố Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng trong Hồi Ký của Ngài là "Giám Mục đoàn: yếu, chia rẽ từng miền, từng địa phương…" (xin đọc lại đoạn trích liên hệ ở phần chú thích trong bài viết này). Như thế khác gì bó đũa không còn nguyên vẹn mà đã bị chia năm sẻ bảy để cho kẻ xấu mặc tình bẻ gẫy!!!

 

Hình ảnh một "phép lạ Đông Âu" tại Việt Nam

 

Để có được phép lạ vĩ đại này, trước hết và trên hết, GHCGVN, cụ thể là hàng Giáo phẩm cao cấp phải sớm trở về với cái căn tính cố hữu của một cơ cấu có tổ chức, có kỷ luật, đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng trong tinh thần liên đới, yêu thương của Con Cái Chúa. Được như thế, cuộc đấu tranh chống lại sự ác, phục vụ con người, bảo vệ tự do tôn giáo, nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam chắc chắn sẽ "bất chiến tự nhiên thành".

 

Thử hình dung một ngày nào đó, những buổi cầu nguyện tương tự như ở tòa Khâm sứ, ở Thái Hà cuối 2007, đầu 2008 và ở Tam Tòa tháng 9-2009, vượt ra khỏi ranh giới Tổng giáo phận Hànội để đồng loạt diễn ra tại Huế, tại La Vang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Sàigòn, Gia Định, các tỉnh miền Tây với sự tham dự của hàng ngàn, hàng chục, hàng trăm ngàn giáo dân vào một thời điểm nhất định trong tuần, trong tháng (dù vẫn chỉ trong khuôn khổ tinh thần ôn hòa, tuyệt đối bất bạo động) thì thử hỏi có thứ khí giới nào mạnh hơn?

 

 Dĩ nhiên không loại trừ khả năng tín đồ của các tôn giáo bạn như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo và các hệ phái Tin Lành sẽ cùng đứng lên. Lúc ấy, mọi sinh hoạt của xã hội sẽ bị tê liệt hoàn toàn và những kẻ sống bằng quyền uy, bằng công an, cảnh sát trị và sức mạnh vật chất sẽ chỉ còn hai con đường để chọn lựa. Một là thành khẩn trở về với dân tộc, từ bỏ quyền lực, giải tán đảng cộng sản, trả lại cho người dân quyền định đoạt vận mệnh đất nước. Hai là bị đẩy vào chân tường để tự hủy diệt trước sức mạnh của quần chúng.

 

Liệu có một Thiên An Môn Việt Nam?

 

Ngay từ khi có những cuộc tập trung đông đảo hàng chục ngàn giáo dân để cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình, đòi hỏi tự do tín ngưỡng, nhiều người không khỏi lo sợ một cuộc tắm máu kiểu "Thiên An Môn" sẽ xảy ra. Đây là nỗi âu lo chính đáng. Nhưng, đối chiếu hoàn cảnh Trung Quốc và Việt Nam, nhất là nhìn vào thời điểm cuối thập niên 80 thế kỷ trước (lúc xảy ra vụ Thiên An Môn) và thời điểm hiện nay (đầu năm 2010), chúng ta có nhiều lý do để không tin là đảng và nhà nước CSVN dám vọng động, liều mình lập lại trò đàn áp man rợ của quan thày Bắc Kinh hơn 20 năm trước.

 

Trước hết, so về dân số giữa hai bên. Năm 1989, dân số Trung Quốc đã vượt trên 1 tỷ, trong khi dân số Việt Nam vào cuối thập niên đầu của thiên niên thứ ba vẫn chưa vượt quá con số 90 triệu đầu người. Cho dù nâng gọn số người Việt lên là 100 triệu thì cũng chưa đạt được 1/10 số người Hoa ở lục địa. Theo số liệu được ghi lại về đám đông tham gia cuộc biểu dương lực lượng ở Thiên An Môn khi ấy khoảng trên dưới 100 ngàn, tuy là một đám đông đáng kể nhưng so với một nước Tàu mênh mông to rộng lại đông dân vào bậc nhất thế giới, thật không thấm vào đâu. Nhưng với một, hai trăm ngàn giáo dân Việt Nam tập trung cầu nguyện thì quả là con số không thể xem thường nếu đem so với dân số toàn quốc chưa đầy 90 triệu.

 

Như trong điểm 4 đã trình bày, nếu HĐGMVN, hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế cùng có chung một quan điểm, một tiếng nói với Tổng Giáo Phận Hànội thì những buổi tập trung cầu nguyện định kỳ của giáo dân có khả năng vượt xa con số chục hay trăm ngàn để lên tới số triệu. Ngoài yếu tố cách biệt quá xa về dân số, về tỷ lệ đám đông tụ tập đối kháng nhà nước, phải kể tới bước nhảy vọt với tốc độ phi mã về tin học trong vòng mười năm trở lại đây. Nếu sự kiện này là một yếu tố bất lợi cho đảng và nhà nước cộng sản trong chủ trương bưng bít, khống chế tư tưởng và kiểm soát mọi sinh hoạt của người dân thì nó lại là cơ hội bằng vàng cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, Với đám đông quần chúng thì nhờ được nghe, được đọc để thấy những chuyển biến của thế giới bên ngoài, người dân càng ngày càng vượt qua được nỗi sợ hãi thâm căn cố để, để dám cất lên tiếng nói của lương tâm, lẽ phải[8].

 

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là nội bộ đảng và guồng máy cai trị của nhà nước CSVN hiện nay khác xa với vài ba thập niên trước. Cái gọi là kỷ luật và sự nhất trí trong hệ thống đảng và bộ máy cầm quyền trong những thập niên trước ngày nay không còn nữa. Tình trạng tham nhũng, thích hưởng thụ đẫn tới những cuộc đấu đá để tranh ăn đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong nội bộ đảng từ trên xuống dưới.

 

Tất cả những sự kiện kể trên cho phép chúng ta tin rằng một vụ đàn áp đẫm máu kiểu Thiên An Môn sẽ không có khả năng xảy ra. Mà cho dù 15 tay đầu sỏ cầm đầu chế độ có muốn thì có điều gì bảo đảm là quân đội sẽ tuân lệnh khi chính bộ sậu này đã để lộ nguyên hình là những kẻ bán nước cầu vinh.

 

Thạch Trung

Những ngày áp Tết Nguyên Đán

Canh Dần - 2010

 

 



[1] Theo cách nói của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cố Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hànội khi bàn về quan điểm, lập trường của các Giám Mục ở miền nam vĩ tuyến 17 trong Hồi Ký của ngài.

[2] Xin tìm đọc bài "Cứ phải nói dù không biết nói" của LM Nguyễn Ngọc Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô trên DĐGD số 96 phát hành tháng 11-2009, trang 6.

[3] Thiết tưởng cần chính danh từ "đối đầu" ở đây. Khi tranh đấu cho các quyền tự do, dân chủ, nhất là quyền tự do tôn giáo, có lẽ không ai muốn dùng từ này, vì nó mang tính cực đoan, thiếu tinh thần từ bi, bác ái. Có chăng là từ "đề kháng" mà hơn một lần linh mục Nguyễn Văn Lý đã đề cập. Người ta tự hỏi: khi lên tiếng cổ võ chuyện "đối thoại", "hợp tác" với một nhà nước gian manh, lươn lẹo như CSVN mà không chấp nhận thái độ cảnh giác để biết "đề kháng" khi cần thiết, không hiểu HY Mẫn có biết tới mô thức "collaborer en résistant- hợp tác trong tinh thần (cảnh giác) đề kháng" do đức cố GH Gioan Phaolô II chủ trương không? Còn nhớ trong tuyên ngôn 10 điểm của cha Lý công bố lần đầu năm 1994 và được tái công bố năm 2000, người mục tử từng nêu cao châm ngôn "Tự Do Hay Là Chết" đã có những lời tâm sự rướm máu như sau: "Tôi không dám gọi Đức Giám mục nào, LM nào là "quốc doanh", vì tôi nghĩ các ngài có thể cũng hết lòng trăn trở kể cả trongnước mắt để làm cách nào cho Giáo Hội mở mang dễ hoạt động. Nhưng tôi thành thực nghĩ rằng: Những gì các ngài thu được trước mắt sẽ còn di lụy lâu dài trong lịch sử, làm méo mó hình ảnh một Giáo Hội hiên ngang xây dựng Nước Trời, tự do rao giảng tiếng nói lương tâm, mạnh dạn phê phán mọi bất công, sai lầm bất cứ từ đâu đến. Thay vào đó chỉ tạo nên hình ảnh một Giáo Hội yếu nhược, quỵ lụy ngày càng rõ nét chạy theo một vài quyền lợi vật chất trước mắt, chỉ biết "cộng tác" (collaborer) mà thiếu hẳn tinh thần "đề kháng" (résistant), làm nản lòng đại bộ phận Dân Chúa và các người thiện chí trước đây vốn khâm phục Giáo Hội Công Giáo Việt Nam!...

[4] "Giáo dân kính mến các cha là thế. Sự quí mến đó có giúp gì cho các cha trong con đường nhân đức thiêng liêng hay chỉ giúp làm nảy tính kiêu kỳ, xa cách, ủy mị, biếng nhác việc bổn phận, tạo nên một lớp người lạ thường, kỳ dị? Cách đối xử với các ngài cũng lạ thường. Chào cha lại phải thêm những tiếng: 'con xin phép lạy cha'. Lúc ra về: 'Con xin phép về, để cha nghỉ', dường như cha chỉ có nghỉ ngơi, nằm võng chẳng phải làm việc gì. Một nếp sống tồn tại qua nhiều thế hệ.

Tưởng rằng cuộc 'tổng quét' mà cộng sản thực hiện ở mọi tầng lớp xã hội có thể lật đổ được cách sống đó. Xem ra trái lại! Cũng như một số người hách dịch quan liêu nơi các cán bộ xã hội - thì các linh mục vào cuối thế kỷ ở Việt Nam, vẫn thừa tự nếp sống quan liêu, hách dịch chẳng kém xưa." (Trích Hồi Ký toàn tập "Chứng Từ Của Một Giám Mục" do nguyệt san DĐGD tái bản ở hải ngoại tháng 01-2009, trang 25-26)

Nhìn vào tình trạng chia rẽ trong hàng Giáo Phẩm, nơi trang 256 Hồi Ký toàn tập, Đức Cha Phaolô thẳng thắn đưa ra nhận định: "Giám Mục đoàn, yếu (...) Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương (…) Vị thì chỉ lo cho quyền lợi của Giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung; vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại. Đức Giám Mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị Giáo phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang."

 

[5] "......Ngày nay người ta nói nhiều về vai trò ngôn sứ của Giáo Hội… Giáo-Hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm các kẻ có quyền… Là giám mục, tôi thấy có nhiệm vụ phải làm chuyện đó… Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao  để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột....." ("Muối Cho Đời", trang 85-86, bản dịch của Phạm Hồng Hồng Lam & Trần Hoành, Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại xuất bản 2007)

 

[6] Trong Lời Mở Đầu, "Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay" của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II ghi rằng: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ." (Trích trang 727 Văn kiện Công đồng do Giáo Hoàng Học Viện Piô XII ấn hành tháng 7-1972). Suy tư kể trên không có gì mới mẻ, bởi vì đức bác ái và tình liên đới Công giáo vốn bắt rễ sâu xa trong Kinh Thánh. Giữa con người với con người bình thường đã như thế thì giữa chủ chăn với chủ chăn, giữa chủ chăn vời đàn chiên hẳn cũng không khác. Đâu đây vẫn âm vang một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho HĐGMVN và hai vị cầm đầu hai Tổng Giáo Phận Sàigòn và Huế trước nỗi khốn khó của những anh chị em mình tại Tổng Giáo Phận Hànội lâu nay, cách riêng trong biến cố Đồng Chiêm: Thánh Giá bị đập nát, giáo dân, tu sĩ bị đả thương trầm trọng, Linh mục, Giám mục bị xỉ nhục, gây khó dễ…

[7] Như những lời hứa hẹn của Nguyễn Tấn Dũng trong dịp bất ngờ tới thăm đức Tổng Kiệt giữa lúc cao trào giáo dân cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình đang lên đầu năm 2008 và những gì xảy ra sau đó

[8] Qua những buổi hội luận trong các diễn đàn Paltalk và qua những cuộc phỏng vấn của các chương trình Việt ngữ trên các đài RFI, RFA, VOA, BBC, chúng ta đã nghe được cả trăm, cả ngàn tiếng nói của người dân thường trong nước, ở thành thị cũng như ở nông thôn, phần đông là giối trẻ, gửi qua làn sóng bên cạnh tiếng nói của những nhà đấu tranh dân chủ.