Sunday, May 23, 2010

Chung Quanh Biến Cố Thay Bậc Đổi Ngôi ở Tổng Giáo Phận Hà Nội

CHUNG QUANH BIẾN CỐ

"THAY BẬC ĐỔI NGÔI" Ở TGP HÀNỘI

Trần Phong Vũ

 

"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!"
(Kim Vân Kiều, Nguyễn Du)

 

 

Một lời cần thưa trước :  Câu thơ trên đây trích trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du diễn tả tâm trạng âu lo, kinh hãi, tuyệt vọng của nàng Kiều sau khi phải bán mình chuộc tội cho cha, dấn thân vào cuộc đời luân lạc, đầy chông gai cạm bẫy, không có ngày mai. Nó cũng là nỗi lòng chán ngán, rối bời pha lẫn ăn năn của thi hào họ Nguyễn sau khi khuất thân hợp tác với tân triều trong thân phận «hàng thần lơ láo». Là người tín hữu Công Giáo, cá nhân chúng tôi cũng không khỏi ưu tư khi nghĩ về thân mệnh Giáo Hội tôi trước biến cố «thay bậc đổi ngôi» dị thường ở Tổng Giáo Phận Hànội trong tháng 5-2010. Dĩ nhiên, trong mối ưu tư ấy cũng không khỏi pha lẫn tâm trạng xao xuyến, sợ hãi, kinh mang khi nhìn về con đường trước mặt.


Nhưng có một điều cần nói ngay: cho dù âu lo, sợ hãi, niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài trong tim óc chúng tôi không hề vì thế mà suy suyển. Giản dị vì nó được hình thành và lớn lên theo chiều thẳng đứng khởi nguyên từ chính Đấng là cội nguồn của niềm tin, chứ không hệ tại ở chiều ngang là những trung gian của Ngài.


Không cần phải chờ tới những lời chuẩn nhận công khai, tương tự như lời «Ban Phép Lành» trong diễn từ của Đức Cha Nguyễn Chí Linh[1], từ lâu chúng tôi đã thấu hiểu vai trò, sứ mạng, bổn phận và QUYỀN của người Tín Hữu Giáo Dân trong Giáo Hội ngày nay, ít nữa là sau khi thấm nhuần tinh thần Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và lời dạy của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong «Tông Huấn Ngưới Tín Hữu Giáo Dân - Christifideles Laici» công bố ngày 30-12-1988 của ngài.

Trong tinh thần ấy, chúng tôi viết bài này.

 

 

I.- Từ dư luận tới sự thật:


Tạm lấy mốc tháng tư (lại tháng Tư!) làm khởi điểm cho những biến cố trọng đại trải dài qua trung tuần tháng 5-2010. Những ngày đầu tháng tư có hai sự kiện nổi bật: hội nghị các Giám Mục thuộc HĐGMVN tại Vũng Tàu từ ngày 04 đến ngày 08 và việc Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt bất thần trở về Hànội ngày 09.


Và một làn khói hỏa mù lan tỏa trong dư luận. Có những tin đồn mãi vẫn là tin đồn. Nhưng cũng có rất nhiều tin đồn đã trở thành sự thật. Sự thật một trăm phần trăm, dù đã bị trang mạng chính thức của HĐGMVN phủ nhận như bài «Sự Kiện , thông tin và những góc nhìn», được cho hay là sản phẩm chữ nghĩa của GM Nguyễn Văn Khảm với mục tiêu chỉ trích những bài viết trên mạng Nữ Vương Công Lý.


Trong một bài giảng gần đây, chính GM Khảm đã công khai lên tiếng «xỉ vả» tờ điện báo này không tiếc lời (Cho đến những ngày đầu hạ tuần tháng 5, NVCL vẫn còn lưu trữ Video thu bài giảng của GM Phụ tá TGP Sàigòn).


Trong số những tin đồn, được loan báo công khai trên NVCL và nhiều website Công giáo khác, đến nay đã trở thành sự thật hiển nhiên là tin GM Nguyễn Văn Nhơn, GM Đàlạt kiêm chủ tịch HĐGMVN được cử làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị. Tuy chưa nói ra nhưng ngay lúc ấy, ai cũng hiểu là Đức Tổng Giuse sẽ bị «hy sinh» để cho Đức Cha Nhơn thay thế.


Điều kỳ dị là không chỉ mạng lưới HĐGM gián tiếp cải chính mà ngay cả đương sự cũng chối dài vì tin này làm ngài «ngạc nhiên»! (trong khi cả bàn dân thiên hạ ai cũng hiểu là trong tiến trình bổ nhiệm, bao giờ TT cũng thông báo để hỏi vị tân cử có bằng lòng nhận vai trò mới hay không!?).


Ngày Thứ Tư 12-5-2010, văn phòng TGM Hànội ra thông báo cho hay Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã từ giã giáo phận lên đường đi ngoại quốc chữa bệnh! Điều dư luận ngỡ ngàng vì trước khi ĐC Nhơn về nhận chức TGM Phó Hànội, mạng NVCL đã đưa tin này (và tin này đã chính xác 100%) cùng với tin ngày 13-5, Đức Tổng Kiệt sẽ rời chức vụ!


Qua ngày hôm sau, Thứ Năm 13-5 người ta đọc được trên các mạng lưới của GHCG văn bản chính thức của Vatican chấp đơn từ chức của Đức Tổng Kiệt và tin ĐC Nhơn sẽ thay thế ngài điều hành TGM Hànội. Như thế cả hai tin do NVCL đưa ra đều đã trở thành hiện thực. Câu hỏi chưa có trả lời là tại sao Đức TGM Giuse lại phải ra đi một cách vội vã, bất bình thường như vậy?

 

II.- Bước khởi đầu cho một định mệnh:


Hôm Thứ Sáu 07-5-2010, Đức GM Nguyễn Văn Nhơn từ giã giáo phận Đàlạt ra Hànội chính thức nhận chức vụ mới là Tổng Giám Mục Phó. Nhiều tin đồn chen lẫn với những sự thật qua những chứng từ, hình ảnh kèm theo chung quanh Thánh Lễ chào mừng vị tân cử trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Hànội.


* Về tin đồn: (1) Tòa Giám Mục Bùi Chu phải chi tiền để giáo dân lên Hànội dự lễ. (2) Trong số giáo dân ngồi chật Thánh Đường đã có không ít người của nhà nước choán chỗ trước. (3) Có công an nhà nước sắm vai giáo dân tiếp tay các chủng sinh tích cực thu gom biểu ngữ, hình Đức Tổng Kiệt trong nhà thờ trước giờ lễ.


* Về những sự thật có thể đọc/nhìn tận mắt, nghe tận tai:


(1) Đoán biết những phản ứng (dĩ nhiên là chính đáng) của giáo dân yêu quý Đức Tổng Kiệt, tòa TGM ra thông báo :"Để thánh lễ được trang nghiêm, trật tự và sốt sáng, xin anh chị em không mang những gì không cần thiết cho thánh lễ và tránh mọi thái độ, cử chỉ, hay lời nói có thể ảnh hưởng đến bầu khí thánh thiêng của phụng vụ".


(2) Thay vì cửa trước, đoàn GM, LM đồng tế đã dùng cửa hông và cửa sau để vào và ra khỏi Thánh Đường trước và sau Thánh lễ.


(3) Rất nhiều đại chủng sinh áo chùng đen chen lẫn những người lạ mặc thường phục làm nhiệm vụ giữ trật tự, thu gom băng-rôn, hình ảnh từ tay giáo dân tới dự lễ trong Thánh Đường và lúc đoàn GM, LM đồng tế di chuyển bên ngoài.


(4) Đông đảo giáo dân không vào được bên trong, nghiêm chỉnh tụ tập bên ngoài tiền đình nhà thờ để tham dự Thánh lễ qua hệ thống âm thanh. Rất nhiều băng-rôn được trương cao với nội dung:


-- «Chúng con luôn đồng hành với Đức Tổng Giuse kính yêu»,

-- «Tha thiết xin Đức TGM Giuse ở lại với đoàn chiên của ngài».

-- «Chúng con chỉ có Đức Cha Giuse

    là Tổng Giám Mục»,

-- «Chúng con cần chủ chăn hết lòng

    với đoàn chiên»,

-- «Đức Cha Giuse, Ngài mãi mãi là

     TGM của chúng con»,

-- «Đức TGM Giuse: Chứng Nhân

    của Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình»,

-- «Chúng con yêu mến Đức TGM Giuse»,

-- «Chúng con yêu mến ngài,

     chúng con mãi mãi bên ngài»,

-- «Hoan hô các Đức GM miền Bắc

    luôn đồng hành với Đức Tổng Giuse»,

-- «Vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

   Tôn vinh Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt»,

-- «Chúng con ghi nhớ lời Đức Tổng: TDTG là Quyền»...


Ngoài ra là những tấm ảnh đức TGM Giuse phóng lớn trên vải, trên giấy được đông đảo giáo dân cầm tay đưa lên cao khi các Giám Mục từ hông Thánh đường trở về Nhà chung. Nhiều giáo dân nam nữ chít ngang đầu tấm khăn hoặc đội những mũ giấy viết những hàng chữ bày tỏ lòng yêu mến Đức TGM của họ.


(5) Trước Thánh Lễ, khi giới thiệu Đức Cha Nhơn là TGM Phó Hànội với giáo dân, Đức Tổng Kiệt nói: «Từ nay ngài không chỉ đồng cảm hay đồng hành với anh chị em nhưng sẽ đồng sinh đồng tử với anh chị em, với giáo phận».


(6) Với tư cách Phó Chủ Tịch HĐGMVN, trong diễn từ chúc mừng hai vi Tổng và Phó TGM, Đức Cha Nguyễn Chí Linh nói:

 «Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.


Nhưng nếu suy nghĩ một cách lạc quan, chúng ta cũng có thể rút ra những kết luận rất tích cực từ biến cố này. Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại.


Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn.


Điểm tích cực thứ hai là dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một. Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn".

 

III.- Câu chuyện "định mệnh" và

những bất ngờ có tính toán:


Thứ Năm, ngày 13-5-2010, đúng như nguồn tin của mạng lưới NVCL đã cho biết từ đầu tháng 5, Vatican đã chính thức thông báo tin Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức "vì lý do sức khoẻ" và bổ nhiệm Phó TGM Nguyễn Văn Nhơn lên thay thế ngài. Đồng thời TT cũng cho biết đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Cao Đình Thuyên, Giám mục Vinh vì đã quá tuổi hồi hưu và người kế vị ngài sẽ là linh mục Nguyễn Thái Hợp hiện là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình ở Sàigòn. Độc giả tìm đọc những văn kiện liên hệ trên DĐGD số này.


(Như vậy là chỉ trong một ngày Giáo Hội Công Giáo miền Bắc Việt Nam mất đi hai vị chủ chăn được giáo dân hết lòng yêu mến, quý trọng coi như thần tượng của mình, không những vì lòng đạo đức, thánh thiện và tài năng lãnh đạo mà còn là vì các ngài đã can đảm thi hành chức năng Ngôn Sứ trong nỗ lực đứng hẳn về phía những người thấp cổ bé miệng để tranh đấu cho tự do �trong đó có tự do tôn giáo-, cho công lý và nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam. Người viết sẽ có dịp trở lại trường hợp hai vị tân cựu GM Vinh trong một bài khác).


Như đã nói, điều gây xúc động lớn cho mọi người, nhất là tập thể giáo dân, linh mục và giám mục đoàn thuộc Tổng giáo phận Hànội, là sự kiện Đức Tổng Kiệt đã bị đẩy ra khỏi Hà nội ngày hôm trước, giữa đêm hôm khuya khoắt, dẫn tới một điều nghịch thường là người tiền nhiệm đã không có mặt để dự lễ bàn giao chức vụ cho vị tân cử như thông lệ, trong những cuộc chuyển quyền xưa nay, dù trong đạo hay ngoài đời!


Chúng tôi không có những bằng chứng trong tay, nhưng vẫn theo những nguồn dư luận nghe được từ trong nước thì sở dĩ xảy ra những chuyện ngược đời như vậy vì đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã đánh hơi là sẽ có một cuộc tập hợp đông đảo giáo dân lên tới hàng nhiều chục ngàn người tại Nhà Thờ Chính Tòa Hànội, với khả năng có sự hiện diện của nhiều linh mục, kể cả giám mục, trong buổi lễ bàn giao chức vị Tổng Giám Mục ngày 13-5-2010 để bày tỏ thái độ.


Và phải chăng đấy chính là nguyên do sâu xa khiến họ phải áp lực lên một vài vị quyền cao chức trọng trong HĐGMVN để ép Đức Tổng Kiệt phải đi khỏi Hànội sớm hơn dự tính ban đầu!


Nguồn dư luận này phát xuất từ đâu và mức độ chính xác như thế nào chúng ta không có khả năng và điều kiện để biết. Tuy nhiên chỉ nhớ lại những gì đã diễn ra trong buổi lễ đón tân TGM Phó Nguyên Văn Nhơn tại Nhà Thờ Chính Tòa Hànội hôm 07-5 vừa qua, khách bàng quan có thể nắm bắt được những dữ kiện đế đánh giá nguồn tin.


Đọc bản thông báo của văn phòng tòa TGM trước Thánh Lễ và chứng kiến cảnh hàng ngàn giáo dân dàn hàng với băng-rôn, biểu ngữ, băng đội đầu, hình Đức Tổng Kiệt kèm theo những hộp đựng Thỉnh Nguyện Thư bên hông và tiền đình Nhà Thờ Chính Tòa hôm ấy, những người có mặt đã phải tự hỏi đây là một buổi lễ nghênh đón vị TGM Phó tân cử hay là một hình thức tẩy chay ngài?


Từ câu hỏi này người ta không thể không nghĩ tới những gì sẽ xảy ra trong ngày 13-5 là ngày vị lãnh đạo tinh thần mà toàn thể giáo dân TGP Hànội yêu thương, quý trọng sẽ phải ra đi!


Là những kẻ sống bằng âm mưu và thủ đoạn, những kẻ chủ trương "cứu cánh biện minh cho phương tiện" "thà giết oan cả trăm, cả ngàn người chứ không thể tha lầm, dù chỉ một người" đảng và nhà nước cộng sản không thể không nghĩ tới những bất trắc có thể xảy ra nếu Đức Tổng Kiệt có mặt trong buổi lễ bàn giao chính thức hôm Thứ Năm ngày 13-5-2010 như đã dự liệu.


Do đó để tránh một cuộc đàn áp đưa tới nhiều hệ quả khó lường, kể cả đổ máu, họ đã phải áp dụng tiểu xảo "tiên hạ thủ vi cường" bằng cách đẩy ngài đi khỏi Hànội một ngày trước đó.

 

IV.- Chuyện "thay bậc đổi ngôi"
ở Hànội trước bàn cân công luận:


1.- Với hàng giáo sĩ:

Về phản ứng của hàng Giáo Phẩm, tức các Giám Mục, một cách dè dặt người viết tạm coi những lời khẳng quyết của Đức Cha Nguyễn Chí Linh với tư cách Phó Chủ Tịch HĐGMVN ngỏ lời trước hai vị lãnh đạo TGP Hànội hôm 07-5 (xin coi lại đoạn I trong bài) như một chứng tích cho thấy cơ cấu này đã bắt đầu có những cách nhìn và suy nghĩ đi theo chiều thuận, hứa hẹn sẽ có những chuyện bất ngờ mở đường cho GHCGVN tiến vào một chu kỳ mới, với những triển vọng mới sau đại lễ đánh dấu 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam.


Tuy nhiên, cần chờ những bước tới trong HĐGM chúng ta mới có đủ dữ kiện cụ thể để nhận định thêm. Riêng trong hàng linh mục đã có những chứng liệu rõ ràng cho thấy phản ứng tích cực của các ngài. Những gì cộng đoàn giáo sĩ, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, từ cha Giám Tỉnh Phạm Trung Thành trở xuống, đã và đang làm, là một bằng cớ hiển nhiên.


Những bài viết của các giáo sĩ trong nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền, của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh[2], một linh mục già Dòng Thánh Phanxicô và cha Anrê Đỗ Xuân Quế thuộc Dòng Thánh Đa Minh ở Việt Nam là một bằng cớ khác.


Sáng sớm Thứ Ba ngày 11-5, mở Email, chúng tôi nhận được bài "Một Vài Mối Lo Ngại Khác" của cha Đỗ Xuân Quế. Ngay trong dòng đầu ngài viết:


"Qua nhiều bài trên mạng và tin tức gần xa, nhiều người tỏ ra rất lo ngại về việc thay bậc đổi ngôi ở Tổng Giáo Phận Hà Nội. Xem chừng họ không còn tin tưởng ở một đường lối ngoại giao từ bao đời nay vẫn được tiếng là khôn ngoan, khéo léo và hữu hiệu. Từ sự không tin tưởng này, họ bị kéo sang một sự không tin tưởng khác. Đó là không tin ở sự hiểu biết của Vatican về tình hình Giáo hội tại Việt Nam."


Tiếp theo, vị linh mục già thánh thiện, uy tín thuộc Dòng Đa Minh Việt Nam, người đã viết nhiều tác phẩm giá trị về GHCG và cùng với cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh có chân trong Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã trưng dẫn những chứng liệu ngài nhận được từ những nguồn khả tín chứng minh là Vatican hoàn toàn không biết gì về thực trạng Việt Nam cũng như Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam khiến:


"Họ rất hoang mang lo lắng khi được biết hiện có một "Vũ ngọc Nhạ" ngay tai Vatican" "Người ta nghi ngại rằng các sự việc đang xẩy ra cho Giáo Hội Việt Nam là do viên chức này xếp đặt và đạo diễn….


Rồi từ đó người ta lại nghi ngại thêm là trong HĐGMVN có một "Tam Ca Áo Tím". Bộ Ba này rất ăn ý với nhau, có uy lực trong HĐGM và đã ảnh hưởng nhiều đến các suy nghĩ và quyết định của Hôi Đồng. Phần đông các giám mục đều là những con người hiền lành, thích sư yên ả. Vì thế, xem ra "Ba Anh Em Mình" như có diều kiện thuận lợi để thao tác, nếu không muốn nói là thao túng".


Một "Vũ Ngọc Nhạ" bên cạnh Vatican và "Tam ca Áo Tím" trong HĐGM mà cha Quế nói tới ở đây là những ai, chúng tôi sẽ có dịp nhận định ở một bài viết khác. Trong phạm vi giới hạn của bài này, khi trích dẫn những lời chứng trên đây của vị linh mục già Dòng Thánh Đa Minh, người viết muốn nói tới những phản ứng có thật, và rất quyết liệt, dứt khoát của hàng giáo sĩ Việt Nam chung quanh kịch bản liên hệ tới những "thay bậc đổi ngôi" ở TGP Hànội hiện nay.


2.- Với giáo dân Hànội:

Những tin tức, những bài phân tích, nhận định và bình luận kèm theo hình ảnh trên NET, trên báo chí những ngày qua, chúng ta đã có những suy nghĩ và cái nhìn chân xác không thể phủ nhận về cơn sốt đang trào dâng như nước vỡ bờ trong tâm tình người tín hữu Công Giáo ở TGP Hànội.


Để độc giả có được những chứng từ cụ thể nói lên tâm tình này, chúng tôi đề nghị quý vị tìm vào mạng lưới của Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (Radio France Internationale � RFI) phần Tạp Chí "Việt Nam Trong Giòng Thời Sự" ngày 10-5 để nghe phần ghi âm bản tường trình đặc sắc của phái viên đài này, trong đó có những câu trả lời trực tiếp của hai giáo dân TGP Hànội là bà Nguyễn Thanh Mai và ông Nguyễn Phong Thắng.


Sau đây là một vài trích đoạn ngắn trong bản tường trình của phái viên đài RFI:


"Trả lời RFI, ngày Thứ Sáu, bà Nguyễn Thanh Mai một giáo dân giáo xứ Hàm Long, Hànội đã dự Thánh Lễ hôm đó, kể lại:


"…Đức Tổng giới thiệu Đức Cha Nhơn,... rồi cũng nói một câu rằng: chúng ta cầu nguyện cho Ngài và mong sao Ngài dám đồng sinh đồng tử với giáo dân Hà Nội. Cái câu đấy tôi nghĩ là câu tuyệt vời. Khi Ngài nói câu đấy thì giáo dân từ trong ra ngoài vỗ tay rầm rầm rầm rầm lên (…)


Tôi rất buồn và cũng lại lấy làm ái ngại cho Đức Cha Nhơn, khi giảng xong Ngài lẳng lặng lên Bàn Thánh, không một lời, không một tiếng vỗ tay nào hết. Giáo dân im lặng. Thì đấy là một phản ứng của giáo dân Hà Nội".


Phái viên đài RFI ghi nhận tiếp:


"Những nghi vấn vẫn dai dẳng, bởi lẽ trước hết, tuy việc bổ nhiệm Giám Mục là do Tòa Thánh quyết định, nhưng trên thực tế coi như phải có sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam. Như để khẳng định điều này, thông tấn xã Việt Nam trong bản tin đề ngày 07-5. mà sau đó được các báo khác đăng lại, viết rằng, 'theo Ban Tôn Giáo Chính Phủ, được sự đồng ý của Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam, ngày 22 tháng Tư, Giáo Hoàng Bêđêđictô 16 đã bổ nhiệm Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục giáo phận Đà Lạt, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam làm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Hà Nội với quyền kế vị'.


Điểm thứ hai, chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung đã không hề che giấu ý muốn đẩy Đức TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi chức vụ này kể từ khi Ngài mạnh mẽ lên tiếng đòi Công Lý và Sự Thật trong công cuộc tranh chấp về đất đai giữa Giáo Hội và Nhà Nước Việt Nam, trong bối cảnh mà Vatican và Việt Nam đang cố gắng cải thiện quan hệ để tiến tới thiết lập bang giao.


Nhiều người tin rằng, Đức Cha Kiệt đã bị Tòa Thánh hy sinh cho mục tiêu đó. Nhiều giáo dân vẫn không ngớt đặt nghi vấn về lý do bổ nhiệm Đức Cha Nhơn như lời bà Nguyễn Thanh Mai:


"Ngài đang ở vị trí cao nhất là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mà nỡ gì mà Ngài phải rời bỏ vị trí đó để đi ra Hà Nội để làm phó một Đức Tổng trẻ hơn, tức là kém Ngài gần 20 tuổi, đúng ra là kém Ngài tới 14, 15 tuổi. Chính cái việc làm đó giáo dân có quyền đặt những câu hỏi. Đấy là điểm thứ nhất.


Điểm thứ hai là lâu nay ở Đức Cha Nhơn, người ta thấy thiếu sự đồng hành với giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội. Thiếu sự đồng hành, bởi vì những vụ xảy ra ở phía Bắc thì không thấy Đức Cha Nhơn lên tiếng. Cho nên, người ta thấy rằng, Ngài không có sự đồng hành với giáo dân thì người ta e ngại rằng khi Ngài ra đây, Ngài cũng sẽ không đồng hành với giáo dân.


Vì thế khi Đức Cha Kiệt nói câu đầu tiên là chúng ta hãy cầu nguyện cho Ngài để Ngài dám đồng sinh đồng tử với giáo dân Hà Nội, thì, tôi thấy câu này có một ý nghĩa và giáo dân đã hiểu đúng là Đức Tổng đã hiểu được lòng của giáo dân. Cho nên người ta vỗ tay rầm rầm lên, vỗ tay không ngớt (...)


Ở ngoài Bắc này không còn ai nữa hay sao, không còn ai xứng đáng nữa hay sao, mà phải cử cụ già 72 tuổi sắp đến tuổi về hưu ra ngoài này. Cái này là cái mà tất cả giáo dân ở Hà Nội, ai cũng đặt câu hỏi, ai cũng có quyền nghi ngờ điều đó. Mà khi người ta đã nghi ngờ điều đó thì người ta dồn hết tâm tư tình cảm lên Đức Tổng (...)


Giáo dân chúng tôi ở ngoài Bắc, chúng tôi sống trong môi trường rất là bị o ép. Nói thật với anh rằng chế độ cộng sản này, họ không ưa gì tôn giáo. Chúng tôi không được quyền tự do tôn giáo. Từ ngày Đức Tổng lên, Đức Tổng có sự đồng hành, là người can đảm, dám nói lên sự thật là Tôn Giáo là Tự Do.


Tôn Giáo là cái quyền phải được tôn trọng. Cái đấy đúng với tâm tư tình cảm của giáo dân miền Bắc. Cho nên khi Ngài nói ra điều đó thì tự nhiên nó đúng với tâm tư suy nghĩ của giáo dân. Họ cảm thấy được bảo vệ, có người bênh vực mình. Cái thứ hai là hình ảnh của Đức Tổng. Khi Đức Tổng được bổ nhiệm, Đức Tổng rất gần gũi với giáo dân. Chẳng hạn như ngài đi thăm hỏi từ những cụ già cho đến các em thơ hoặc những người nghèo khó..."


Bản tường trình của đài RFI ghi nhận tiếp:


"Còn về phần ông Nguyễn Phong Thắng, một giáo dân ở Nam Định thuộc tổng giáo phận Hànội cũng chia sẻ suy nghĩ nói trên và ông còn khẳng định là Đức Cha Kiệt không những chỉ là người hùng của giáo dân Hà Nội mà còn nhận được sự ủng hộ của dư luận bên ngoài, nhất là giới trí thức ở Việt Nam. Ông nói:


"Cái việc mà Đức Tổng lên tiếng là cái việc rất cần thiết. Chúng tôi vẫn cứ đùa với nhau, chúng tôi nói là giáo hội chúng ta là cái giáo hội đã bị câm lặng quá lâu. Đến bây giờ, với Ơn Chúa và Đức Tổng, như bên ngoài, giới trí thức gọi Ngài là người hùng. Họ còn cho đấy là vị anh hùng chân chính chứ không phải như "anh hùng rơm, anh hùng rác" như "người ta" phong.


Tiếng nói của Ngài thì người ta cũng đặt vấn đề là không biết Ngài đang đòi cái gì cho địa phận Hà Nội, cho những người Công Giáo Hà Nội của Ngài, hay Ngài đang đòi cho giáo hội Việt Nam. Nhưng mà sau đó thì họ bảo vậy thì người ta chỉ những miếng đất thì Ngài đã lấy. Như vậy không phải Ngài đòi đất. Như vậy Ngài đòi cái gì? Ngài đang đòi cái phẩm giá, cái quyền làm người của cả cái dân tộc này. Cái đó là cái lớn hơn. Cho nên giới trí thức Việt Nam, giới trí thức chân chính quay quanh Ngài tương đối lớn.


Tôi nghĩ chuyện đó là chuyện tự hào cho những người Công Giáo chúng tôi. Nhất là tôi là người ở tổng giáo phận Hà Nội thì đi đâu cũng thế, người ta hỏi tôi về chuyện của Ngài. Những anh em bên lương họ cũng hỏi về Ngài. Tôi thấy điều đó là điều rất có giá trị, rất đáng tự hào cho chúng tôi. Những người Công Giáo bây giờ được ai cũng hỏi đến mà hỏi đến là bởi vì việc làm của Đức Tổng, cái đòi hỏi của Đức Tổng, sự lên tiếng đó.


Từ trước đến giờ, trong lòng chế độ này, chẳng một ai dám lên tiếng. Và Ngài lên tiếng một cách rất công khai, rất đàng hoàng. Điều đó, tạ ơn Chúa và cảm ơn cả Đức Tổng nữa, làm chúng tôi ngẩng cao mặt lên được. Thực ra cái giá trị của nó rất là lớn. Ví dụ như qua cái vụ lời phát biểu của Đức Tổng họ cắt xén đi, bây giờ là toàn dân, không phải chỉ những người Công Giáo, mà toàn dân bây giờ họ biết rõ và họ không tin cái hệ thống truyền thông của Việt Nam nữa.


Chỉ qua một việc ấy thôi thì cái giá trị lớn nhất là làm thay đổi về mặt suy nghĩ của họ; người ta có mong muốn một điều gì đấy thì bắt đầu phải suy nghĩ trong lòng mọi người. Dù có phải trả giá tới giá nào thì vẫn còn quá rẻ so với cái thành công mà mọi người gặt được. Bởi vì mọi người thấy rõ rằng bây giờ không ai còn tin vào hệ thống tuyên truyền, chẳng ai tin nữa... ".


Bản tường trình nhận định tiếp:


"Ánh hào quang của Đức Cha Kiệt quá lớn cho nên có lẽ là Đức Cha Nhơn với tư cách người sẽ lên làm Tổng Giám Mục đang trong một tình thế đặc biệt khó khăn, nhất là vì nhiều giáo dân muốn Ngài cũng phải "đồng sinh đồng tử" với họ như Đức Cha Kiệt. Theo lời của bà Thanh Mai:


"Đầu tiên cảm nghĩ của chúng tôi là chúng tôi cứ yêu mến Đức Tổng và chúng tôi tha thiết mong Ngài ở lại. Chúng tôi mong sao Ngài có sức khỏe để Ngài ở lại cùng đồng hành. Còn đối với Đức Cha Nhơn, để yêu mến Cha hay không còn phải xem lại thời gian Cha làm Đức Cha Phó ở đây, sau đó là kế vị ở đây, Cha có dám "đồng sinh đồng tử" như lời Đức Tổng nói không? Và với giáo dân chúng tôi hay không? Nếu như đúng như lời Đức Tổng nói là chúng ta cầu nguyện cho Ngài để cho Ngài dám "đồng sinh đồng tử" với giáo dân. Mà Đức Cha Nhơn làm được điều đó thì chúng tôi cũng sẵn sàng yêu mến Cha như đối với Đức Tổng thôi.


Còn nếu như mà Ngài vẫn im lặng như thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều chuyện ở phía Bắc mà Ngài im lặng không một lời lên tiếng, thì có đến nước ấy chúng tôi có thể sẽ không thể nào đồng thuận được, không tỏ lòng yêu mến được. Tôi nghĩ rất nhiều người ở đây, có người nói rằng, nếu như Ngài cứ im lặng như thế thì chúng ta sẵn sàng tẩy chay Ngài, không đi dự những buổi lễ do Ngài làm lễ nữa. Có thể rất dễ xảy ra điều đó nếu như Ngài không dám "đồng sinh đồng tử"..."





"Còn ông Nguyễn Phong Thắng thì tin tưởng với

thời gian thì giáo dân sẽ bớt nghi ngại vị Tổng Giám Mục mới và Đức Cha Nhơn cũng sẽ phải tiếp nối sự nghiệp của Đức Cha Kiệt, người đã xây dựng giáo phận Hà Nội thành một khối thống nhất, đồng tâm nhất trí:


"Cá nhân Đức Tổng hay là cá nhân người giúp việc cho Đức Tổng hoặc là người kế nhiệm Đức Tổng, thì cái việc đó là việc của Chúa Thánh Thần. Tất cả anh em tín hữu chúng tôi có một niềm tin xác tín thì chúng tôi tin vào chính Chúa Kitô. Và chúng tôi chỉ tin chúng tôi được chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô thì chính Chúa có trách nhiệm cái việc mà Chúa đã bỏ ra để cứu chuộc chúng tôi.


Còn việc các Ngài thì các Ngài cũng là công cụ của Chúa để mà làm việc cho Chúa thì cũng có người làm việc tốt, người làm việc không tốt. Ai làm thì người ấy chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Với con mắt trần thế thì tôi nghĩ là không thể đánh giá được. Bởi vì nếu quay lại nhìn xem khi Đức Tổng Kiệt ra đây thì họ cũng nghi kỵ Đức Tổng  Kiệt. Nhưng với tài đức của Ngài  và với sự thánh thiện và tình yêu trải khắp của Ngài, chỉ trong một thời gian ngắn thôi.


Xin nói thật là giáo phận Hà Nội lúc bấy giờ, tất cả giáo dân chúng tôi và cả hàng ngũ giáo sĩ  nữa, tôi cảm thấy rất rời rạc. Nó không có sự gắn kết phải có. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, thì có lẽ, cả Việt Nam này không có một giáo phận nào có một sự liên đới chặt chẽ, một sự đoàn kết, một sự đông đặc yêu thương nhau chặt chẽ như giáo phận Hà Nội.


Tất cả các linh mục, tu sĩ từ trên xuống dưới, từ giáo dân chúng tôi lên cho đến Đức Tổng, chúng tôi như một khối thống nhất chắc chắn. Các nơi khác khó có thể có.


Tôi nghĩ việc ấy thực sự bị ảnh hưởng ở một con người và con người đó mang gương mặt của Chúa tương đối đậm nét, phản ánh  Chúa Kitô một cách thật đậm nét, mới dính kết chúng tôi lại như thế. Tất cả những thành phần dân Chúa, dù là có những ý kiến rất khác nhau nhưng có Ngài thì bây giờ chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau, chúng tôi mến Chúa hơn yêu thương nhau hơn. Nếu mà Đức Tổng Phó ra thì Ngài không thể khác được".


Sau lời phát biểu của ông Thắng, phái viên đài RFI kết luận:

"Nhưng dù gì đi nữa thì những sự thay đổi nhân sự ở tòa Tổng Giám Mục Hà Nội rõ ràng đang khoét sâu sự cách biệt giữa một bộ phận giáo dân và tu sĩ với các vị mục tử trong những vụ đấu tranh đòi lại đất đai tài sản, bảo vệ nơi thờ tự. Và nói chung là đấu tranh đòi tự do tôn giáo. Nhiều giáo dân muốn các vị mục tử cũng phải đứng mũi chịu sào "đồng sinh đồng tử" với họ như Đức Cha Kiệt đã làm."

 

Gánh nặng trách nhiệm của tân TGM Hànội:


Trước thời gian chuyện thay bậc đồi ngôi ở TGP Hànội ngã ngũ hôm13-5-2010, trong một bài viết, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã lên tiếng cảnh giác rằng: Bất cứ một Giám Mục nào ra Hànội thay thế Đức Tổng Giuse trong hoàn cảnh này cũng sẽ phải đối diện với những thách đố sinh tử, khó vượt qua. Lý do giản dị vì chính nhà nước là tác nhân đẩy Đức Tổng Kiệt khỏi TGP Hànội, thì một ai đó kế nghiệp ngài cũng sẽ mặc nhiên bị gán cho là người của nhà nước, hay ít nhất cũng thân thiện nhà nước.


Nếu là một vị thân nhà nước, không theo con đường  của người tiền nhiệm, mà đi ngược lại nguyện vọng của giáo dân, thì đương nhiên sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong mối giao hảo với giáo dân. Trong trường hợp này bộ mặt đương sự và nói chung HĐGMVN sẽ càng ngày càng xấu đi.


Trường hợp những vị coi như không có tì vết, nếu được đề cử về Hànội cũng sẽ bị những cặp mắt theo dõi và phê phán của công luận khi chuyện ra đi của Đức TGM Giuse là do đảng và nhà nước CSVN chủ động đã trở thành chuyện hiển nhiên mà chính họ cũng không thèm che giấu.


(Cũng vì ý nghĩ này nên trong hai bài viết vào hai thời điểm khác nhau, cả hai linh mục già Dòng Thánh Phanxicô và Dòng Thánh Đa Minh là các cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh và cha Anrê Đỗ Xuân Quế đều giãi bày niềm mơ ước mang nhiều thiện chí và tâm huyết của các ngài về một kịch bản: trong Lễ Nhậm Chức TGM/TGP Hànội, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn sẽ chính thức tuyên bố gửi đơn từ chức lên Tòa Thánh. Dĩ nhiên điều mơ ước ấy vẫn mãi chỉ là ước mơ!).


Trong vị thế trên đe dưới búa như vậy, muốn lấy lại niềm tin của giáo dân thì dù ai cũng chỉ có một chọn lựa duy nhất là phải quên mình, chấp nhận thương đau, dứt khoát đi theo con đường độc đạo mà Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi.


Để có một phiên bản minh họa rõ nét cho con đường này, người viết xin trích dẫn vài đoạn trong bài "Hànội và cuộc Hôn Nhân Dị Mộng" của tác giả Bảo Giang. Sau nhiều trang với những tình tiết nói về những căn nguyên dẫn tới chuyện GM Nguyễn Văn Nhơn được đưa về làm Phó cho Đức Tổng Kiệt mà tác giả ví như một "nàng dâu" về nhà chồng, tác giả nói qua tiểu sự Đức Cha Nhơn, tiếp đó nhấn mạnh tới những "thành tích" sau đây:


"Những điểm nổi bật trong vai trò Giám Mục Chủ tịch HĐGMVN:

1.- Giữ yên lặng tuyệt đối trước cuộc tranh đấu đòi công lý của giáo dân trong vụ việc đòi Công Lý và Sự Thật ở TKS, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý…

2.- Giữ yên lặng tuyệt đối khi tám giáo dân Thái Hà bị bắt và bị dưa ra trước tòa án bất lương tại Hà Nội.

3.- Hoàn toàn giữ yên lặng khi hai vị Linh Mục bị đánh bất tỉnh trong vụ nhà thờ Tam Tòa.

4.- Thay mặt HĐGMVN trả lời thư của Nguyễn Thế Thảo yêu cầu thuyên chuyển TGM Ngô quang Kiệt ra khỏi Hà Nội bằng một hình thức vô thưởng vô phạt: "TGM Ngô Quang Kiệt không làm điều gỉ trái Giáo Luật".


Lạ thật, Nguyễn thế Thảo có khiếu nại TGM Kiệt vi phạm điều khoản nào của Giáo Luật đâu mà trả lời như thế nhỉ?


5.- Chủ xướng hoặc ra lệnh cho ban biên tập Web HĐGM viết bài: "Lên tiếng hay không lên tiếng" như là tiếng nói chính thức của HĐGMVN trong vụ Thánh Giá Đồng Chiêm. Bài viết này được đánh gíá như một quả bom nguyên tử dội xuống trên cánh Đồng Chiêm, nơi Thánh Gíá bị nhà nước đập phá và con chiên bổn đạo vì Thánh Gía mà bị đánh đập tàn nhẫn.


Nó đã kết thúc sự mong chờ được HĐGM hỗ trợ trong việc đi tìm Công Lý của đàn chiên. Nó cũng được coi là trái bom cuối cùng thả xuống Hà Nội để báo cho vị TGM ở đây biết rằng: Đừng chờ Hội Đồng sẽ lên tiếng và đứng về phía Ngài…


6.- Vào giữa lúc chuyện khai thác Bauxite như vạc dầu sôi trên toàn quốc, mọi thành phần, mọi giới đều lên tiếng phản đối kế hoạch tàn ác này của nhà nước Việt cộng. Nhưng theo tin trên đài, Giám Mục Nhơn đã tổ chức đón rước Nguyễn Tấn Dũng tại toà Giám Mục Đà Lạt với lễ nhạc của vùng thượng và thiếu nhi đàn chào nhân dịp Dũng đi tham quan vùng khai thác Bauxite Đắc Nông, Viêc đón tiếp này ra sao, không ai biết rõ, nhưng nó đã gây ra rất nhiều phản cảm, bất lợi cho chính Giám Mục Nhơn. Nhất là sau khi Ngài đã hoàn toàn yên lặng về vụ Việt cộng cưỡng chiếm Giáo Hoàng Học Viện."


Tiếp theo, tác giả viết:

"Bạn nghĩ thử xem, người có tính cách và hướng đi như thế, lại thêm phần tuổi tác quá cao. Giám Mục Nhơn, đã bước sang tuổi 73, chỉ vài năm nữa là đến tuổi về hưu theo giáo luật. Vậy đây có phải là nhân tuyển thích hợp để cho TGM Hà Nội và Hội Đồng LM Hà Nội đệ trình, kiến nghị sang Rôma để xin Ngài về làm Phó cho Hà Nội hay không? Hay đây là người được nhà nước Việt cộng tuyển chọn, rồi dùng những cánh tay nối dải trong Hội Đồng tung tin, vận động, kiến nghị Rôma phê chuẩn như là một bước tiến trong nổ lực bình thường hoá bang giao với Việt cộng?


Với tôi, dẫu câu trả lời ra sao chăng nữa đều không quan trọng. Nhưng việc trả lời cho câu hỏi kế là cần thiết: Thử hỏi "nàng dâu" đã bước vào cái tuổi 73, chả còn gì để phải nói đến chữ hương sắc. Bởi lẽ, da đã mồi, tóc đã rụng. Hàm răng thì còn lại năm bảy cái đang lung lay (làm răng gỉả thì không tính). Mắt đã mờ, tay chân run rẩy, sức đã cùng, lực sắp tàn mới bắt đầu làm "nàng dâu" thì không biết là bà sẽ làm được những gì để giúp cho giang sơn nhà chồng?


Theo tôi, có ít nhất hai trưòng hợp xảy ra:

 

* Bà là người có đức độ, nhân nghĩa và tài năng. Trước hết, đã hy sinh thân phận của mình. Can đảm chấp nhận mọi sỉ vả của đời với một mục đích duy nhất. Kiên tâm giữ phận nàng dâu, quyết tâm phục vụ và bảo vệ, không phải chỉ cho chàng mà còn cho cả giang sơn nhà chàng được an toàn.


Khi chàng lâm bệnh, bà thay chàng quán xuyến công việc ở ngoài để chàng có thời gian tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi hồi sức. Lúc chàng khỏe, bà như một nội tướng giúp chàng đứng vững tựa núi thái sơn để dẫn giang sơn về một mối trên đưòng Công Lý, bảo vệ Sự Thật đem lại an bình thịnh vượng cho mọi ngưòi.


Bà là người trân trọng một lời hứa với chàng. Bà chấp nhận về làm nàng dâu với điều kiện, chỉ có cái chết, chàng mới rời nhiệm sở. Nghĩa là, chỉ ở trong một trường hợp duy nhất, nếu chàng mệnh chung. "nàng dâu" mới tiếp nhận lấy ấn tín của Chàng và tiếp bước theo đường vương đạo của chàng đã đề ra. Nàng sẽ hối thúc cả giang sơn hưóng về đường Công Lý để khai mở ra Sự Thật và an bình cho muôn dân để làm trọn ý nguyện của Chàng. Nói cách khác, bà chỉ là cánh tay của chàng, chỉ xin nguyện tận tụy theo hưóng đi của chàng cho đến chết mới thôi.


Nếu chúng ta có được "nàng dâu" ở trong trưòng hợp này thì…. Hỡi toàn thể đồng bào Hà Nội. Hãy cởi áo mình ra mà trải trên đường, hãy dơ cao những cành thiên tuế ở trong tay lên và cùng nhau đi đón rước "nàng dâu" này về cho Hà Nội. Hởi Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm hãy vui mừng lên.


Dẫu hôm nay còn nước mắt nhưng ngày của Công Lý, ngày của Tự Do, ngày của Nhân Quyền không còn ở xa tầm tay ta với. Bởi vì, chúng ta không bao giờ mất chàng "hòang tử" yêu qúy của Hà Nội hôm nay. Đã thế, Đức Vua còn ban cho chúng ta một "tân nương" vẹn toàn tài đức, trung hậu, một lòng thờ chồng cho đến chết mới thôi. Tạ ơn trời. Tạ ơn đất.!.…

 

* Bà là một phù thủy và sẽ tạo ra một gánh nặng khôn lường cho chàng rể và cho cả giang sơn nhà chồng. Trước hết, ngoài mặt, vì mưu đồ muốn chiếm đoạt lấy cái giang sơn nhà chồng. Bà bất chấp mọi thủ đoạn, điều gì cũng hứa. Bà đóng gỉả vai nhân nghĩa đạo hạnh, khiêm cung, đáng tôn quý. Hoặc gỉả tươi cười như cao thượng để đón nhận mọi lời xỉ vả, thị phi, oan ức của ngưòi đời dành cho bà, mà không một lời phàn nàn oán than.


Sau lưng, bà rắp tâm thi hành qủy kế của kẻ đạo diễn dấu mặt. Trước tiên, bất chấp đạo lý, tiếp cận chàng rể và hạ thủ không lưu tình bằng cách cho chàng ngấm thuốc độc hay đẩy ra khỏi giang sơn của chàng bằng cuộc đảo chính không đổ máu. Bà vồ lấy cái gậy và từng bước quy thuận kẻ dấu mặt (nhà nước?), rồi chặt chém, loại bỏ dần những thành phấn trung kiên đã giúp chàng tạo nên đường Công Lý. Cuối cùng, dập vùì trăm họ vào bóng đêm của thần bất lương theo lệ qùy gối Xin-Cho…


Nếu gặp trường hợp này thì... hỡi đồng bào Hà Nội, tất cả hãy cùng nhau đứng dậy đi. Ít nhất một lần. Hãy hô to lên rằng: Giáo lý của chúng tôi là bước đi theo Đấng là Đường, là Chân Lý, là Sự Sống (Yn 14:10). Chúng tôi không thể qùy gối trước thần bất lương, vô tôn giáo.


Nói xong, hãy theo kế 'nhà trống vườn hoang' mà đón tiếp "nàng dâu" này. Sau đó, trở về nhà, tự giữ lấy thân mà suy niệm lại lời Chúa: "Các ngươi hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt các ngươi, vì sẽ có nhiều kẻ đội danh ta đến nói rằng: Đức Kitô, Chính là Ta" (Mt 24:5)

 Lạ nhi? Cả hai trường hợp đều có thể xảy ra mà tại sao sớm thấy trong mắt anh, trong mắt em, trong mắt người Hà Nội khi nghe tin Hà Nội có "nàng dâu" lại không có niềm vui?


Trái lại, nước mắt đã và còn nhiều hơn mưa?

Thật khó trả lời! Phần tôi, câu chuyện này rơi vào cuối tháng tư. Tôi nhớ đến cái hình ảnh của chiếc xe tăng T54 vào dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975. Ngay sự việc nó ủi đổ cánh cổng đã mở sẵn ấy đã không nói lên cái bản ngã làm người, nên dân Việt phải chìm trong thảm họa suốt 35 năm qua cũng không có gì lạ!


Kế đến, sau đó ít ngày, bọn Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ , Vương Đình Bích.… đến túm áo Đức Tổng Nguyễn Vằn Thuận đẩy ngài ra khỏi Sài Gòn. Rồi quăng valy, đầy Đức Khâm Sứ Henry Lemaitre ra sân bay nữa, là người Công Giáo trung thành với đức tin bắt đầu chịu cảnh một cổ hai tròng, trở thành những công dân hạng hai vì bản lý lịch. Riêng kẻ bán Chúa, bán Cha thì bước lên đài danh vọng, quyền lực.


Lúc này cũng đã vào những ngày cuối tháng tư, tháng tư của 35 năm sau. Xe hơi mới, chở "nàng dâu" có bảo chứng của nhà nước lăn bánh qua cổng mà vào Tòa Giám Mục Hà Nội thì người dân Hà Nội nói riêng, và ngừơi dân công giáo Việt Nam nói chung sẽ ra sao nhỉ? Có phải là được giải phóng thêm lần nữa không?


Có phải người ta sẽ khiêng Đức TGM Ngô Quang Kiệt và khiêng luôn niềm tin Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình ra khỏi Hà Nội với Ngài? Rồi thay vào đó có thể là gíáo điều mới đơn giản hơn. Mến Chúa là phải yêu bác, yêu đảng, yêu luôn xã hội chủ nghĩa và yêu luôn nền văn hóa bất lương của đảng?


Phen này chắc là được giải phóng tất tần tật rồi! Có tội là tội cho 200,000 thánh tiền nhân đã phí máu xương để giữ niềm tin cho con cháu hôm nay. Và tội cho những dòng máu đào của những ngưòi anh em đã chảy ra vì bảo vệ Niềm Tin, Công Lý, Sự Thật ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và Đồng Chiêm thôi


Mà thôi, Hà Nội ơi. Ủ rũ mà chi? Thế thời đã thế! Dẫu gì thì cũng phải một lần đứng dậy đi. Hãy đứng dậy mà nhìn chàng rể là Đức Kitô đang vác Thánh Gía lên Núi Sọ khi xưa. Bạn còn nhớ trong lúc đau đớn đến cùng cực về thể xác, Ngài vẫn dừng chân lại để yên ủi bạn không? Bạn còn nhớ "Chàng Rể" ấy nói gì không? Ngài đã không dối bạn lại cho nàng dâu sắp đến, nhưng là bảo dân thành khi xưa là: "Đừng khóc thương ta làm chi, Một khóc thương ngươi và con cái các ngươi."  (Lc23:28)

 

V.- Thay cho lời kết:

Trước khi bày tỏ vài suy nghĩ cuối để thay cho lời kết thúc bài viết này, tôi bị ám ảnh bởi những lời sau cùng của tác giả Bảo Giang trong bài viết cô đọng và súc tích của ông:

"Sao bài viết về đón dâu mà không có niềm vui ?

- Vâng, không có nước mắt đã là may mắn rồi!

- Còn việc mua bán đổi chác mà người ta đang bàn luận thì sao? Tôi cho rằng mảnh đất mà kẻ cướp đảo bới lên để làm công viên cây xanh vào đêm 19-9-2008 sẽ là quà hứa cho nàng dâu đem về Hà Nội. Món quà cưới này có hai chủ đích: Trả ơn cho ban lãnh đạo HĐGMVN, đặc biệt là "cô dâu" có công đưa chàng rể ra khỏi Hà Nội. Giúp vốn cho nàng dâu có câu chuyện làm qùa để lấy lòng giáo dân Hà Nội.


- Mảnh đất ấy có đáng để hy sinh một vị mục tử mẫu mực, cương nghị, nhân hậu và là Niềm Tin vững mạnh của toàn dân trên đường đi tìm Công Lý, Sự Thật không?

- Tôi không biết, nhưng có lẽ nó được giá hơn là 30 đồng bạc!"

 

Đóng lại bài viết với lời tiên tri có phần cay đắng nhưng đầy khả năng hiện thực trên đây cùa tác giả Bảo Giang, tự dưng tôi muốn nối theo giòng tư tưởng của ông để nghĩ tới những món quà lớn hơn, lớn hơn nhiều, mà "người ta" có thể nghĩ ra để làm quà cho "tân nương". Giản dị vì "người ta" vừa thắng một canh bạc bip vĩ đại qua nội ứng của một vài khuôn mặt "được sai đi" để phục vụ Công Lý, Sự Thật, nhưng nay đã lộ nguyên hình là những kẻ phản bội!


Từ niềm tin, từ lòng yêu mến Giáo Hội Công Giáo của tôi, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nghĩ, nói, viết ra những điều làm buồn lòng các Đấng Bậc. Đã một thời có dư luận từng gán ghép cho những tín hữu suy nghĩ, nói năng viết lách như tôi là những kẻ "chống Cha" và từ đó dễ dàng biến thành "chống Chúa".


Chẳng biết Chúa trên cao nghĩ thế nào, nhưng quả thật đã có những "Bậc Làm Thày Dạy Chân Lý" gián tiếp "lý đoán" như thế! Quả thật sự kiện này, trong thoáng chộc đôi khi có làm bận lòng tôi. Nhưng hôm nay, Sự Thật đã hoàn toàn giải thoát tôi khỏi mối bận tâm ấy. Giữa đêm đen vẫn không thiếu những nháng lửa hy vọng.


Hôm 07-5, trước mặt hai vị Tổng và Phó TGM Hànội, nhân danh HĐGMVN, Đức Cha Linh đã công nhiên nhìn nhận rằng:


"việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi". Rằng:."Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam…". Rằng: "mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành". Rằng: "Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn…". Và rằng: "dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một.


Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn".

 

Bước đầu chập chững cho một viễn cảnh dám nói thẳng nói thật với nhau vừa được khơi mở để hy vọng một ngày nào đó không còn những "Phạm Xuân Ẩn" núp bóng Vatican và những "Tam Ca Áo Tím" trong HĐGMVN nữa!

Vấn đề còn lại là: người nói có dám và có được cái quyết tâm giữ lời không?

 

Nam California, ngày 13-5-2010,

một ngày tang của trên 3 triệu giáo dân 9 GP thuộc TGP Hànội, một ngày không vui của 7 triệu tín hữu CGVN trong và ngoài nước.

Saturday, March 6, 2010

CSVN và ván bài sinh tử trong biến cố Đồng Chiêm

CSVN VÀ VÁN BÀI SINH TỬ

TRONG BIẾN CỐ ĐỒNG CHIÊM

 

Thạch Trung

 

Với hiểu biết và suy nghĩ chủ quan, trong bài này người viết cố gắng trả lời những vấn nạn được dư luận đồng bào trong và ngoài nước đặt ra lâu nay, nhất là sau vụ CSVN công khai xúc phạm Thánh Giá tại Núi Thờ, Đồng Chiêm:

1.- Tại sao một hành vi nghiêm trọng như vậy lại xảy ra vào thời điểm này?

2.- Vì đâu và do căn nguyên sâu xa nào HY Phạm Minh Mẫn (TGP Sàigòn), TGM Nguyễn Như Thể (TGP Huế) và nói chung, HĐGMVN đều giữ thái độ của những kẻ bàng quan trước cảnh khốn cùng mà phần chi thể của Giáo Hội Việt Nam ở miền Bắc đã và đang phải gánh chịu?

3.- Biến cố Đồng Chiêm và hiện tượng chia rẽ trong hàng Giáo Phẩm được đánh giá ra sao trước diễn đàn công luận trong và ngoài nước? Những đánh giá thẳng thắn và nghiêm túc này liệu sẽ có tác dụng gì đối với hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam?

4.- Phép lạ nào sẽ xảy ra nếu giáo dân, giáo sĩ và hàng giáo phẩm trên cả ba miền đất nước đều đồng tâm nhất trí trong tinh thần "chị ngã em nâng" và trong tinh thần hiệp nhất, liên đới, yêu thương của Con Cái Chúa?

 

Sơ lược biến cố Đồng Chiêm:

 

Như phường đạo tặc sợ ánh sáng mặt trời, vào lúc 2 giờ sáng hôm 06-01-2010, giữa lúc bà con đang yên giấc, nhà nước cộng sản đã huy động khoảng 600 công an, cảnh sát vũ trang, với chó nghiệp vụ và cơ giới bao vây Núi Thờ (còn có tên là Núi Chẽ) thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm, cách Hànội khoảng 50 cây số. Giữa đêm hôm khuya khoắt, họ bắt đầu vận dụng xe ủi, cưa máy đập nát cây Thánh Giá, biểu tượng tối cao của niêm tin Kitô Giáo. Khi bà con giáo dân hay tin tìm tới phản kháng thì bị công an, cảnh sát dùng vũ lực gây thương tích trầm trọng cho hai phụ nữ   thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm.

 

Những diễn biến sau đó về phía nhà nước ra sao, phản ứng tức thời của tòa Giám Mục Hànội, 9 Giám Mục cai quản 9 Giáo phận miền Bắc, những bài giảng thuyết của các linh mục –đặc biệt bài giảng của Cha Phạm Minh Triệu trong Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngay buổi chiều ngày 06-01 tại Giáo xứ Đồng Chiêm- và không khí im lặng ngột ngạt của HĐGMVN, của hai TGM Sàigòn và Huế như thế nào, cho đến nay mọi người đều đã rõ.

 

1.- Tại sao một hành vi nghiêm trọng như vậy lại xảy ra vào thời điểm này?

 

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên đây, chúng ta cần nhìn vào những nguy cơ sinh tử mà đảng và nhà nước CSVN đang phải đối diện. Theo nhận định của chúng tôi, có thể nói là chưa bao giờ nhà cầm quyền Hànội bị đẩy vào thế yếu như hiện nay. Trên rất nhiều phương diện càng ngày họ càng bị dồn vào bước đường cùng, có khả năng dẫn tới nguy cơ sụp đổ. Chắc chắn có người không chia sẻ nhận định mang tính chủ quan này.

 

Vì thế sẽ có ý kiến phản biện đặt ra, và được tóm gọn vảo mấy câu hỏi chính: Nếu bảo rằng Hànội đang đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu vong thì tại sao trong thời gian gần đây họ lại tỏ ra rất chủ động khi mạnh tay với những phong trào đối kháng, điển hình là những bản án nặng nề dành cho những khuôn mặt tranh đấu như cựu trung tá Trần Anh Kim, LS Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, các ông Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa… và những đòn dằn mặt đối với những nhà trí thức uy tín như các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thanh Giang, luật gia lão thành Trần Lâm??? Nhất là tại sao vào những ngày đầu năm dương lịch vừa qua họ dám có hành vi xâm phạm trắng trợn tới biểu tượng thánh thiêng, cao cả nhất của người Công Giáo là cây Thánh Giá trên Núi Thờ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm?

 

Theo quan điểm của người viết những giòng này thì đây là một chọn lựa sống chết "chẳng đặng đừng" của đảng và nhà nước CSVN khi họ nhận ra những chỉ dấu cho thấy thế nhân dân đã hoàn toàn vuột khỏi tầm tay chế độ. Ba chỉ dấu cụ thể được nhìn thấy trước mắt: thứ nhất là những vụ đình công hàng loạt trong các xí nghiệp từ Nam ra Bắc liên tiếp xảy ra trong mấy năm qua với sự tham dự của hàng chục ngàn công nhân; thứ đến là cảnh cả trăm, cả ngàn dân oan từ khắp các miền nông thôn hàng ngày kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hànội, về các đường phố Sàigòn "nằm vạ" để khiếu kiện đòi hỏi công lý, cơm ăn áo mặc; và thứ ba là những cuộc tập hợp để cầu nguyện của hàng ngàn, hàng vạn tín hữu Công Giáo ở tòa Khâm Sứ, ở giáo xứ Thái Hà, Hànội và Tam Tòa thuộc giáo phận Vinh. Đây là những sự kiện hiếm thấy trong những chế độ độc tài, chuyên chính cộng sản. Trong khi ấy, những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong và ngoài đảng cũng bắt đầu gióng lên những tiếng nói mạnh mẽ trước những hành vi sai trái của chế độ Hànội. Dù vậy, với những thủ đoạn gian manh, tàn độc, đảng và nhà nước cộng sản vẫn có trăm phương nghìn kế để tạm thời thoát hiểm hoặc để lấp liếm cho qua.

 

Nhưng khi bộ mặt thật "mãi quốc cầu vinh" của 15 tay đầu sỏ cầm đầu chế độ bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời qua những hành vi bán đất, dâng biển, chuyển nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng, nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh ngư dân bị hải quân Trung Quốc hà hiếp, bóc lột, bắt bớ trong khi hành nghề trên hải phận vốn của mình, (chưa kể tới những hệ lụy lớn lao liên quan trực tiếp tới quốc thể, sự thuần nhất dân tộc và an ninh quốc gia do hành vi mở cửa cho hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân Tàu cộng không chuyên môn ồ ạt kéo qua biên giới làm việc, lập làng riêng, lấy vợ Việt Nam, dưới cái dù hợp đồng khai thác Bô-Xít ở Cao nguyên như lời tiết lộ của luật sư Trần Lâm…) thì quả thật Hànội đã bị xô vào bước đường cùng với nguy cơ sụp đổ đã bày ra trước mắt.

Bất chấp mọi, gian lao, trở ngại -
kể cả khủng bố, bách hại,
khách hành hương lũ lượt đổ về Đồng Chiêm.

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy: sự tan vỡ giây chuyền của hệ thống chư hầu Cộng sản Đông Âu cuối thế kỷ trước khởi sự bằng những cuộc tập hợp đông đảo của giới lao động trong Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan và những Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương một cách ôn hòa, bất bạo động do linh mục Jerzy Popieluszko, linh hướng Công Đoàn khởi xướng. Tiếp theo là những quy tụ cả triệu người khởi đi từ cuộc viếng thăm quê hương Ba Lan lần thứ nhất tháng 6-1979 của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Cho nên khi sự kiện hàng ngàn giáo dân thuộc các giáo phận miền Bắc hưởng ứng lời mời gọi của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt kéo về cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ, sau đó là giáo xứ Thái Hà cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã khiến nhà nước CSVN phải giật mình và tìm hết cách ngăn chặn, kể cả những vận động ngấm ngầm trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, từ thượng tầng là Vatican tới Sàigòn, Huế và nói chung HĐGMVN.


Từ con số 5000, 10.000 giáo dân lũ lượt đổ về cầu nguyện tại khu vực Nhà Chung, Hànội sang vụ thử lửa ở giáo xứ Tam Tòa thuộc giáo phận Vinh tháng 9-2009, các lực lượng an ninh vũ trang CS đã phải đương đầu với con số giáo dân tập trung cầu nguyện ngày càng tăng cao, có lúc lên tới 250 ngàn người trong khuôn viên TGM Vinh ở Xã Đoài tràn cả ra các con lộ chung quanh. Sự kiện bất bình thường này báo động cho guống máy đảng và nhà nước CSVN phải có biện pháp mạnh tức thời, nếu không, một ngày không xa, không chỉ ngừng lại ở con số ngàn mà sẽ có hàng triệu giáo dân, giáo sĩ khắp nước đồng loạt tựu về những nơi thờ tự để cầu nguyện cho tự do và công lý. Trong trường hợp ấy chuyện gỉ sẽ xảy ra ai cũng có thể đoán biết.

 

Biện pháp mạnh do các đỉnh cao trí tuệ ở Hànội chọn là liều lĩnh huy động lực lượng công an, cảnh sát vũ trang tới phá nát cây Thánh Giá trên Núi Thờ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm. Tiếp theo đó là những động thái đồng loạt có tính toán nhằm khủng bố tinh thần giáo dân, giáo sĩ như ngăn đường, đắp ụ trên những con lộ chính, với sự canh gác nghiêm nhặt của nhân viên an ninh

Để ngăn ngừa những buổi cầu nguyện,
CA đắp ụ, chặn đường giáo dân
đổ về Giáo xứ Đồng Chiêm

để ngăn cản những cuộc tập trung đông đảo giáo dân, bao gồm những đoàn hành hương từ các nơi kéo về cầu nguyện và hiệp thông với Đồng Chiêm. Anh Nguyễn Hữu Vinh và chủng sinh Nguyễn Văn Tặng thuộc DCCT đã bị họ đả thương trí mạng tại những đoạn đường dẫn vào vùng đất này. Cùng lúc, hàng chục ống loa được thiết trí tứ phìa với âm thanh cực mạnh hướng vào nhà thờ Đồng Chiêm, ngày đêm ra rả những bài ca tuyên truyền, những bản tin bóp méo sự thật, những bài viết bôi nhọ các giáo sĩ, giáo phẩm…

 

Tất cả đều không ngoài mục tiêu dằn mặt những đối tượng cầm đầu trong Tổng Giáo Phận Hànội, (mà họ cho là tác nhân tạo nên những biến động ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà và Tam Tòa mấy năm gần đây) nhằm ngăn chặn sự lây lan của phong trào quần chúng đấu tranh ôn hòa trong tập thể tín hữu Công giáo thuộc 25 giáo phận trên cả ba miền đất nước mà cho đến thời điểm bấy giờ tuồng như mới chỉ khoanh vùng trong Tổng Giáo Phận Hànội. Dĩ nhiên, trước khi xuống tay, họ cần có một cam kết, một bảo đảm nào đó của những thành phần lãnh đạo tôn giáo trên quy mô toàn quốc, điển hình là HĐGMVN, nhất là hai thực lực có quần chúng tín hữu đông đảo là Tổng Giáo Phận Sàigòn và Huế mà từ trước tới nay thường có cung cách cư xử "nhẹ nhàng"[1] với đảng và nhà nước CSVN.

 

2.- Vai trò Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

và hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế

 

Thiết tưởng đã đến lúc cần phải nói thẳng, nói thật một lần để trả lời câu hỏi thầm trong công luận lâu nay. Đó là: vì sao và do căn nguyên sâu xa nào khiến HY Phạm Minh Mẫn (TGP Sàigòn), TGM Nguyễn Như Thể (TGP Huế) và nói chung, HĐGMVN do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm chủ tịch, đều giữ thái độ của những kẻ bàng quan trước cảnh khốn cùng mà phần chi thể của Hội Thánh Việt Nam ở miền Bắc đã và đang phải gánh chịu lâu nay, nhất là trong vụ Đồng Chiêm, khi Thánh Giá đã bị đảng và nhà nước CSVN công khai xúc phạm nghiêm trọng?

 

Trả lời câu hỏi này cũng giúp làm sáng tỏ thêm cái căn nguyên sâu xa khiến nhà cầm quyền Hànội dám liều lĩnh vọng động tại Đồng Chiêm. Đặt giả thiết: khi Thánh Giá trên núi Thờ bị cộng sản triệt hạ, khi những giáo dân Đồng Chiêm (bao gồm cả ông Nguyễn Hữu Vinh, thày  Nguyễn Văn Tặng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, những sinh viên Công Giáo tới hành hương Núi Thờ) bị lực lượng an ninh nhà nước khủng bố, gây thương tích trầm trọng, nếu cả hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế với sự đồng thuận của HĐGMVN cùng thống nhất quan điểm và hành động như Tổng Giáo Phận Hànội, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

 

(Tưởng cần mở dấu ngoặc để nói cho rõ là việc "thống nhất quan điểm và hành động" ở đây không hề bao hàm tính bạo động hay khuynh đảo. Nó chỉ có nghĩa là cùng bày tỏ công khai quyết tâm bảo vệ những gì được coi là cốt lõi của niềm tin Kitô Giáo, như khi các Thánh Tích, nhân quyền, nhân phẩm và sinh mạng con người bị xâm hại. Quyết tâm này hơn một lần đã được thể hiện trong những buổi tập hợp để cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình một cách bất bạo động trước khi xảy ra vụ Đồng Chiêm).

 

Nhưng, điều đáng buồn là giả thuyết đặt ra cho đến lúc này vẫn chỉ là giả thuyết!

 

Cả HĐGMVN và hàng Giáo phẩm thuộc hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế vẫn tiếp tục sắm vai trò "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại"!!! (Khi phải mang một câu tục ngữ trong đời thường hàm ý chê bai, chỉ trích lối sống ích kỷ giữa người với người trong mối liên hệ xóm giềng để áp dụng vào chuyện linh thánh liên quan tới tình liên-đới-hiệp-nhất-Con-Cái-Chúa giữa những chi thể lãnh đạo trong GHCG, là một tín hữu, người viết không khỏi xót xa và ngại ngần).


                                                                     

HY Mẫn với những buổi thăm viếng,
"đối thoại" bằng cách cụng ly và ôm hôn các lãnh tụ Đỏ

 


Điều đáng buồn hơn nữa là để biện minh, có vị Giám mục đã lợi dụng một bài giảng tại Giáo đô La Mã nhân chuyến viếng thăm Ad Linima hồi tháng 6 năm rồi, để cắt xén lời Tiên Tri Giêrêmia hòng lý giải cho sự im hơi lặng tiếng của chính bản thân và của hàng Giám Mục, nói chung![2] Chưa hết, trong Thư Chúc Xuân Canh Dần đưa lên mạng ngày 14-02-2010 (nhưng đề ngày 25-12-2009!?), HY Phạm Minh Mẫn đã nhân danh Tổng Giáo Phận Sàigòn gửi lời Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần đến tập thể giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ trong Tổng Giáo Phận và đặc biệt đưa ra những nhận định về chuyện "áp đạt" theo kiểu "thói đời" để từ đấy khuyến cáo cần "đối thoại", "hợp tác" hơn là "đối đầu" (!!!)[3].


Sau khi xảy ra biến cố Đồng Chiêm, cũng trên trang báo điện tử của HĐGMVN còn có bài thanh minh thanh nga về chuyện "Lên tiếng hay không lên tiếng" cũng vẫn với cung giọng được gói ghém trong bài giảng thuyết và Thư Chúc Xuân kể trên. Và ngay sau đó đã gặp phản ứng gay gắt của giáo dân và giáo sĩ khắp nơi.

 

Dù khó nói nhưng vì những đòi buộc của lương tâm, người tín hữu công dân trước sự an nguy của Giáo Hội và Quê Hương không thể không nói. Quả thật người viết bài này đã không giấu được ý nghĩ là giữa "Ông Nhà Nước" và các nhà lãnh đạo cao cấp trong HĐGMVN, hai tòa TGM Sàigòn, Huế đã có những cuộc thương thảo, và có thể cả những cuộc "đi đêm" với nhau, ít nữa là trước khi nổ ra biến cố Thánh Giá bị triệt hạ ở núi Thờ, Đồng Chiêm.

 

Cái "Ông Nhà nước" cần –rất cần- đặc biệt trong thời điểm này, là sự gục đầu câm lặng "sống chết mặc bay" của các Đấng Bậc bên ngoài Tổng Giáo Phận Hànội, khi "Ông" ra tay đánh phủ đầu Tổng Giáo Phận này vừa để trừng phạt, răn đe vì đã dám liên tiếp kêu gọi cả trăm ngàn tín hữu kéo về giáo đường đòi tự do, công lý, và nhất là để chặn đứng khả năng bùng nổ của cao trào cả triệu giáo dân trên khắp ba miền đất nước xuống đường cầu nguyện, dẫn tới nguy cơ kéo theo sự nhập cuộc của toàn dân, gồm tín đồ Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các hệ phái Tin Lành. Và điều này chính là mối lo tâm phúc của những kẻ đã lộ nguyên hình là phường mãi quốc cầu vinh. Nếu không có được sự đồng tình ấy của HĐGM và hai Tổng Giáo Phận kia, cầm bằng đảng và nhà nước CSVN sẽ tự đào hố chôn mình! (Chúng tôi sẽ có dịp trở lại để bàn thêm về vấn đề này trong phần cuối trước khi kết thúc bài viết).

 

Trong khi ấy, thế yếu của một thiểu số các Đấng Bậc (khiến các ngài "ngậm bồ hòn làm ngọt" cam tâm nhận những điều kiện nhục nhã do "Ông Nhà Nước" đưa ra để nhẫn tâm phản bội vai trò Ngôn Sứ, quay lưng lại với anh em mình) có nhiều thứ cấp khác nhau.

 

* Nhẹ nhất là thái độ ù lì, thụ động, nhắm mắt nghe động tĩnh từ các Tòa Tổng, thiếu hẳn cái dũng và tinh thần độc lập, tự quyết phải có của người Ngôn Sứ, nên đã gục đầu khép mình trong cơ chế XIN/CHO để có được "củ cà rốt" hơn là phải nhận lãnh "cây gậy" (Củ cà rốt ở đây là gì? Đó là một vài ân huệ vật chất do đảng và nhà nước bố thí. Điển hình như những gì Đức Cha Nhơn nhận được gần đây khiến ngài hy sinh luôn cả Giáo Hoàng Học Viện, biểu tượng cao cả nhất của nền giáo dục Công Giáo!).

 

* Nặng hơn một chút: vì rơi vào cảnh ngộ "mở miệng mắc quai" (do những lỗi lầm quá khứ, tự mình gây ra hoặc bị gài bẫy mà mắc phải), nên thường xuyên bị ám ảnh bởi sợi giây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu trên cổ. Vì thế dù không muốn cũng đành phải cúi đầu cam phận làm kẻ tôi đòi, đặt đâu ngồi đó.

 

* Cuối cùng, tệ nhất là những phần tử ngay từ đầu đã "bán linh hốn cho những thế lực của sự ác", coi Thánh chức Linh mục, Giám mục như một phương tiện, một bậc thang để kiếm tìm danh lợi, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của người đời! Chuyện một số Giám Mục Ba Lan bị phanh phui là làm tay sai cho mật vụ nhả nước chống phá và làm hại Giáo Hội sau ngày chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ,  là một minh họa cụ thể.

Những vành tang trắng
cho Đồng Chiêm

3.- Biến cố Đồng Chiêm trên bàn cân công luận

 

Biến cố Đồng Chiêm hôm 06-01-2010, trong đó Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng, cao cả nhất của người tín hữu Công giáo bị xâm phạm nghiêm trọng đã trở thành bàn cân và là thước đo phản ứng của công luận trong và ngoài nước, không phân biệt giáo sĩ, giáo dân hay khác tín ngưỡng. Vượt lên trên và ra khỏi những dè dặt thường lệ, người tín hữu của Chúa Giêsu trong Giáo Hội Công Giáo và cũng là người công dân của đất nước Việt Nam hôm nay đã thật sự trưởng thành và đã can đảm đứng lên nhận lấy trách nhiệm của mình. Họ đã cảm nghiệm sâu sắc những hệ quả tai hại do thái độ quỵ lụy và vâng lời "tối mặt" của người giáo dân đối với hàng giáo sĩ thời trước cũng như dưới chế độ vô thần cộng sản qua lời cảnh báo của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng cố Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hànội trong Hồi Ký toàn tập của ngài[4].

 

Vì thế, sau biến cố Đồng Chiêm, những tiếng nói cương trực của giáo sĩ cũng như giáo dân, dù ở quốc nội hay hải ngoại đã nhất loạt cất lên và được hầu hết những cơ quan truyền thông của người Công giáo chuyển tải. Bằng chứng là ngoài những trang Web của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, của một số giáo phận, các đoàn thể sinh viên trên khắp ba miền đất nước, tờ báo điện tử VietCatholic ở hải ngoại vốn thu hút được sự tín nhiệm của hầu hết các Giám Mục trong nước do tính "mềm mỏng, ôn hòa" trước đây, ngày nay cũng đã trở thành nơi chuyên chở tiếng nói của những người không có tiếng nói trong Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Nơi đây người ta đọc được những bài viết sắc bén của những giáo dân như anh Nguyễn Hữu Vinh hoặc của những giáo sĩ như cha Nguyễn Ngọc Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô và các cha Dòng Chúa Cứu Thế.

 

Hiển nhiên, sau biến cố Đồng Chiêm đã có một sự chuyển hướng mạnh mẽ về thái độ và tinh thần trách nhiệm của tập thể tín hữu Công Giáo Việt Nam cả trong cũng như bên ngoài đất nước. Thấu hiểu và cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa hàm ẩn trong những câu tục ngữ quen thuộc của tiền nhân "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" hoặc "Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh" –dĩ nhiên ở đây ứng dụng vào cảnh vực tôn giáo-, ngưòi tín hữu công dân trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào thời điểm vô cùng nghiêm trọng này ý thức rằng: trách nhiệm bảo vệ sự thuần nhất, tinh tuyền của Hội Thánh và bổn phận đối với sự an nguy, còn mất của quốc gia, dân tộc không của riêng ai mà thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp.

 

Cũng vì thế, trước những vấn đề hệ trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thân mệnh Giáo Hội và Tổ Quốc, nếu những người ở cương vị cầm đầu trong đạo ngoài đời có hành vi phản quốc, hà hiếp bóc lột lương dân hoặc tỏ ra im lặng đồng lõa, sắm vai "chó câm" như lời thống trách nghiêm khắc và nặng nề của đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong tác phẩm "Muối Cho Đời của ngài"[5], thì họ -chính họ- với tư cách người tín hữu công dân, phải lên tiếng một cách can đảm, thẳng thắn như một đòi buộc không thể khước từ.

Chỉ cần đọc lại những bài viết của cha Nguyễn Ngọc Tỉnh  trong mấy tháng gần đây như bài "Cứ phải nói dù không biết nói", trên DĐGD số 96 phát hành tháng 11-2009, bài "Đôi điều suy nghĩ nhân đọc Thư Chúc Xuân Canh Dần 2010", bài "Chỉ cần 'nắm' các Giám mục thôi" cùng với lá thư của giáo sư nhà báo Lê Thiên gửi Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN, và thư của ông Nguyễn Tuấn Hoan gửi HY Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn trên số Tân Xuân này, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự chuyển hướng mang tính quyết định ấy.

 

Nói tới tính quyết định trong trường hợp này là nói tới sự phân chia rạch ròi giữa đen và trắng, giữa phải và trái. (Điều cần lưu ý là chuyện HĐGMVN, hai vị TGM Sàigòn và Huế im lặng không lên tiếng trong những biến cố xảy ra tại Tổng Giáo Phận Hànội trước đây, như các vụ cầu nguyện đòi đất đai tài sản và qua đó đòi phục hồi công lý cùng những quyền căn bản cho con người tại tòa Khâm sứ, tại Giáo xứ Thái Hà, Hànội, tại Giáo xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh, và gần đây nhất là biến cố Thánh Giá bị xúc phạm ở Giáo xứ Đồng Chiêm, đã được chính các ngài mặc nhiên nhìn nhận như một đường lối, chính sách. Chỉ cần đọc lại bài giảng của Giám mục Bùi Văn Đọc ở nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành Rôma ngày 23-6-2009, bài "Lên tiếng hay không lên tiếng" xuất hiện trên trang Web của HĐGM gần đây, và Thư Chúc Xuân Canh Dần của HY Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigon là đủ rõ).

 

Như vậy, đây không còn là chuyện suy đoán mà là một chuyện có thực. Về phía quần chúng tín hữu, những tiếng nói thẳng thắn, dứt khoát được cất lên khắp nơi, ở trong cũng như ngoài nước mà điển hình là những bài viết của giáo sĩ cũng như giáo dân đã được nói tới nhằm phản bác thái độ im hơi lặng tiếng kể trên của các Giám mục, cũng là một chuyện có thực.

 

Chân lý trong một sự việc, một vấn đề chỉ có một, không thể có hai.

Trong trường hợp này, chân lý ở đâu?

 

Bằng tất cả lương tâm công chính của Con Cái Chúa, luôn đặt hết lòng tin vào một Giáo Hội Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền, một Giáo Hội được xây dựng trên một niềm tin vàng đá, chuyên nhất, bất khả nhượng, không thể du di hay tương đối hóa trước áp lực của những thế lực trần gian, satan, hỏa ngục, người viết dứt khoát không tin rằng chân lý lại có thể đứng về phía những "Pharisiêu thời đại", những thành phần ưu tuyển nhưng đã và đang bẻ cong Lời Chúa –tệ hơn nữa là cắt đầu, xén đuôi Lời Chúa- biện minh cho thái độ ngậm miệng, đồng lõa với cường quyền bạo lực để chối bỏ anh em mình, chối bỏ những nạn nhân đang bị hà hiếp, bóc lột, trấn áp trên quê hương.

 

Câu hỏi kế tiếp là khi những tiếng nói của chân lý, của sự thật đã cất cao thì chuyện gì sẽ xảy ra, nó có tác dụng gì đối với hàng Giáo Phẩm Công Giáo trong nước?

 

a/ Với hàng Giáo Phẩm miển Bắc và một số vị thuộc hai Giáo phận miền Nam và miền Trung đã công khai bày tỏ tình hiệp thông trước nỗi đau của tập thể tín hữu Đồng Chiêm, phản ứng quyết liệt của công luận trong và ngoài nước có giá trị như một sự nâng đỡ, một lời khích lệ giúp các vị vững tin hơn để tiếp tục dấn bước trên con đưởng phục vụ Dân Chúa và sự thật.

 

b/ Đối với những vị vì ngay tình hoặc vì quá câu nệ vào tinh thần vâng phục, hoặc cũng vì quen sống thụ động nên đã tỏ ra thờ ơ lâu nay, thì những tiếng nói thẳng thắn của một số giáo sĩ  và đông đảo giáo dân như đã trình bày trên đây sẽ có tác dụng giúp các ngài sớm nhận ra đâu là trách nhiệm và bổn phận đích thực của người mục tử trong cương vị là Ngôn sứ của Chúa Giêsu.

 

c/ Với những thành phần vì tự mình hoặc do cạm bẫy của những thế lực gian ác mà sa đà vào những vập phạm cách nào đó trong đời sống thiêng liêng của người mục tử đã hiến dâng đời mình phụng sự Thiên Chúa, thì những tiếng nói công chính của những Con Cái trung thành với Hội Thánh mang giá trị như một lời cảnh báo để các ngài có thêm nghị lực và can đảm vượt lên trên được chính mình, trên những cái gọi là danh dự theo thói thường người đởi, ngõ hầu dứt khoát trở về cương vị đích thực của mình, cho dẫu có vì thế mà bị bôi xóa dưói mắt thế nhân.


4/ Sau chót, với những phần tử đã tự nguyện đánh mất mình, lâu nay núp dưới áo mão và danh hiệu chủ chăn chỉ để kiếm tìm danh lợi thế trần, quay lưng lại với Hội Thánh, tiếp tay những thế lực của sự ác để thao túng và gây hại cho Giáo Hội như đức cha Phaolô Trọng cố Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Hànội đã chỉ ra trong Hồi Ký "Chứng Từ Của Một Giám Mục, thì đây chính là cơ hội giúp mọi người thấy rõ, không phải để loại trừ, nhưng để gia tăng lời cầu nguyện xin ơn hoán cải giúp các ngài.



Gm Nhơn, Hy Mẫn, Tgm Thể "xếp hàng dọc" chờ bắt tay kẻ

đã từng có hành vi lật lọngđối với đức Tgm Ngô Quang Kiệt!


 

4.- Phép lạ nào sẽ xảy ra, nếu…

 

Chuyện chưa xảy ra và người ta mong mỏi sẽ xảy ra nên mới có chữ "nếu": nếu có sự đồng thuận, nhất trí của HĐGMVN và hai tổng giáo phận Sàigòn và Huế, trong đó từ hàng giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân đều sẵn sàng chia vui, sẻ buồn, đồng cam, cộng khổ[6] với đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội, 9 Giám mục, Linh mục đoàn, toàn thể tu sĩ nam nữ, giáo dân miền Bắc và các cha Dòng Chúa Cứu Thế trong biến cố Đồng Chiêm thì đảng và nhà nước CSVN sẽ phải gánh lấy hậu quả khốc liệt của kẻ "gieo gió" thế tất phải "gặt bão" như số phận của chế độ cộng sản Ba Lan hai thập niên trước.

 

Phép lạ 1,-

Khi được sự khích lệ của HĐGM, cách riêng hai TGM Sàigòn và Huế, biến cố Đồng Chiêm có nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Thánh Giá không bị xúc phạm, tu sĩ, giáo dân không bị đả thương bởi lũ côn đồ.

 

Phép lạ 2.-

Biến cố Đồng Chiêm vẫn xảy ra nhưng có sự đồng tâm, đồng cảm trong tinh thần liên đới yêu thương giữa những chi thể trong Hội Thánh Việt Nam: Đức cha Nguyễn Văn Nhơn với tư cách chủ tịch HĐGMVN, HY Phạm Minh Mẫn và TGM Nguyễn Như Thể với tư cách TGM hai TGP Sàigòn, Huế có chung một lập trường, một tiếng nói như Tổng Giáo Phận Hànội, thì chuyện kế tiếp sẽ khác, -rất khác-, để đón chờ những phép lạ 3, 4, 5 vv và vv…


Khi ấy, ngay sau tin Thánh Giá ở Núi Thờ, Đồng Chiêm bị xúc phạm, tu sĩ, giáo dân bị khủng bố, bị đả thương được loan ra, HĐGMVN, tiếng nói của cả ba Tổng giáo phận Hànội, Sàigòn, Huế sẽ cấp thời nhất loạt cất lên, cho dẫu để "đối thoại". Nhưng điều quan trọng là những cuộc "đối thoại như vậy sẽ không phải là những thương lượng, trao đổi riêng tư trong bóng tối mà là những cuộc "đối thoại" công khai, nghiêm chỉnh, thẳng thắn giữa một giáo-quyền-thống-nhất và những thành phần đầu não của chế độ CSVN trong tinh thần ôn hòa, tương kính, bình đẳng và lễ nhượng. Đặt giả thuyết nếu nhà nước giữ nguyên thói lươn lẹo như đã từng xảy ra trong quá khứ[7] thì cũng với sự nhất trí và tinh thần "đối thoại" bình đẳng, HĐGM và ba vị TGM sẽ mạnh dạn đưa ra những phản biện một cách minh bạch, công khai và thẳng thắn.

 

Với phản ứng nhanh nhạy, với những tiếng nói giữa thanh thiên bạch nhật không úp mở, không giấu diếm, che đậy như thế, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, ngay lập tức, mọi lời tuyên  bố, mọi văn kiện, mọi thỏa thuận, mọi động thái giữa các phe liên hệ trong biến cố Đồng Chiêm (hay bất cứ biến cố nào liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo, đến nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam, dù ở thành thị hay những vùng sâu, vùng xa), sẽ được loan truyền rộng rãi, mau chóng, không chỉ ở quốc nội hay các cộng đồng người Việt nước ngoài, mà còn được báo giới, chính giới quốc tế biết đến. Trong điều kiện ấy, sẽ có hai hệ quả tích cực xảy ra: thứ nhất, sự thật sẽ được phơi bày trọn vẹn, không bị cắt xén hay xuyên tạc, bóp méo, nguyện vọng chính đáng của GHCGVN sẽ được dư luận biết rõ cách chính xác; thứ đến, theo lẽ thường đảng và nhà nước sẽ hết đường dùng những thủ đoạn gian dối, quanh co để chối tội.

 

Nhưng, giả dụ vẫn xảy ra trường hợp tồi tệ là CSVN, vì sức ép của công luận phải tạm thời đưa ra lời hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề then chốt, (cụ thể như chuyện đất đai, tài sản của Giáo Hội, của tư nhân và quan trọng hơn là vấn để tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng), nhưng sau đó lại tìm cách chạy làng.

 

Đây là lúc rất cần tới uy tín của các Đấng-Bậc-Làm-Thày trong Giáo Hội. Kinh nghiệm quá khứ gần đây cho thấy chỉ với một lời mời gọi của Đức Cha Ngô Quang Kiệt trong lá thư gửi toàn thể giáo dân trong các Giáo phận miền Bắc ngày 15-12-2007, hàng ngàn hàng vạn giáo dân cùng với linh mục tu sĩ đã lũ lượt đổ về tòa Khâm Sứ, sau đó là giáo xứ Thái Hà để cầu nguyện. Cũng chỉ với uy tín của Đức Tổng Kiệt qua tiếng nói của Đức Cha Cao Đình Thuyên, Giám Mục Giáo phận Vinh hồi tháng 8 năm 2009, cả trăm ngàn tín hữu đã tụ tập về Xã Đoài để công khai bày tỏ thái độ đối kháng cách ôn hòa trước hành vi bạo ngược của nhà nước đối với giáo xứ Tam Tòa.

 

Tổ chức chặt chẽ và tinh thần kỷ luật trong GHCG là một thực tế không ai phủ nhận.

 

Tiếng nói có uy quyền tuyệt đối của hàng Giáo phẩm CGVN đối với tập thể tín hữu cũng là điều hiển nhiên.

 

Chính vì biết rõ điều này nên ngay từ những ngày đầu sau năm 1954 khi đã làm chủ miền Bắc, đảng và nước CSVN đã tìm trăm phương nghìn kế đề truy diệt niềm tin Kitô Giáo. Nhưng khi nhận ra là không thể truy diệt được, họ xoay qua những thủ đoạn âm độc: vừa răn đe vừa mua chuộc, hủ hóa bằng cách áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" để "nắm" các GM. Các tổ chức "Công Giáo Quốc Doanh" mang danh Ủy ban này Ủy ban nọ trực thuộc sự lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc lần lượt ra đời ở Bắc, ở Nam trước và sau năm 54 cũng nằm trong chính sách thâm độc kể trên. Người CS tỏ ra am tường rất rõ ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn của người xưa qua nắm đũa để nguyên và nắm đũa bị xé lẻ.

 

Dù không muốn và dù hết sức đau lòng và tủi hổ, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế phũ phàng là cho đến nay GHCGVN đã tự đánh mất sức mạnh tiên thiên của mình. Nguyên do đúng như nhận định của Đức cố Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng trong Hồi Ký của Ngài là "Giám Mục đoàn: yếu, chia rẽ từng miền, từng địa phương…" (xin đọc lại đoạn trích liên hệ ở phần chú thích trong bài viết này). Như thế khác gì bó đũa không còn nguyên vẹn mà đã bị chia năm sẻ bảy để cho kẻ xấu mặc tình bẻ gẫy!!!

 

Hình ảnh một "phép lạ Đông Âu" tại Việt Nam

 

Để có được phép lạ vĩ đại này, trước hết và trên hết, GHCGVN, cụ thể là hàng Giáo phẩm cao cấp phải sớm trở về với cái căn tính cố hữu của một cơ cấu có tổ chức, có kỷ luật, đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng trong tinh thần liên đới, yêu thương của Con Cái Chúa. Được như thế, cuộc đấu tranh chống lại sự ác, phục vụ con người, bảo vệ tự do tôn giáo, nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam chắc chắn sẽ "bất chiến tự nhiên thành".

 

Thử hình dung một ngày nào đó, những buổi cầu nguyện tương tự như ở tòa Khâm sứ, ở Thái Hà cuối 2007, đầu 2008 và ở Tam Tòa tháng 9-2009, vượt ra khỏi ranh giới Tổng giáo phận Hànội để đồng loạt diễn ra tại Huế, tại La Vang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Sàigòn, Gia Định, các tỉnh miền Tây với sự tham dự của hàng ngàn, hàng chục, hàng trăm ngàn giáo dân vào một thời điểm nhất định trong tuần, trong tháng (dù vẫn chỉ trong khuôn khổ tinh thần ôn hòa, tuyệt đối bất bạo động) thì thử hỏi có thứ khí giới nào mạnh hơn?

 

 Dĩ nhiên không loại trừ khả năng tín đồ của các tôn giáo bạn như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo và các hệ phái Tin Lành sẽ cùng đứng lên. Lúc ấy, mọi sinh hoạt của xã hội sẽ bị tê liệt hoàn toàn và những kẻ sống bằng quyền uy, bằng công an, cảnh sát trị và sức mạnh vật chất sẽ chỉ còn hai con đường để chọn lựa. Một là thành khẩn trở về với dân tộc, từ bỏ quyền lực, giải tán đảng cộng sản, trả lại cho người dân quyền định đoạt vận mệnh đất nước. Hai là bị đẩy vào chân tường để tự hủy diệt trước sức mạnh của quần chúng.

 

Liệu có một Thiên An Môn Việt Nam?

 

Ngay từ khi có những cuộc tập trung đông đảo hàng chục ngàn giáo dân để cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình, đòi hỏi tự do tín ngưỡng, nhiều người không khỏi lo sợ một cuộc tắm máu kiểu "Thiên An Môn" sẽ xảy ra. Đây là nỗi âu lo chính đáng. Nhưng, đối chiếu hoàn cảnh Trung Quốc và Việt Nam, nhất là nhìn vào thời điểm cuối thập niên 80 thế kỷ trước (lúc xảy ra vụ Thiên An Môn) và thời điểm hiện nay (đầu năm 2010), chúng ta có nhiều lý do để không tin là đảng và nhà nước CSVN dám vọng động, liều mình lập lại trò đàn áp man rợ của quan thày Bắc Kinh hơn 20 năm trước.

 

Trước hết, so về dân số giữa hai bên. Năm 1989, dân số Trung Quốc đã vượt trên 1 tỷ, trong khi dân số Việt Nam vào cuối thập niên đầu của thiên niên thứ ba vẫn chưa vượt quá con số 90 triệu đầu người. Cho dù nâng gọn số người Việt lên là 100 triệu thì cũng chưa đạt được 1/10 số người Hoa ở lục địa. Theo số liệu được ghi lại về đám đông tham gia cuộc biểu dương lực lượng ở Thiên An Môn khi ấy khoảng trên dưới 100 ngàn, tuy là một đám đông đáng kể nhưng so với một nước Tàu mênh mông to rộng lại đông dân vào bậc nhất thế giới, thật không thấm vào đâu. Nhưng với một, hai trăm ngàn giáo dân Việt Nam tập trung cầu nguyện thì quả là con số không thể xem thường nếu đem so với dân số toàn quốc chưa đầy 90 triệu.

 

Như trong điểm 4 đã trình bày, nếu HĐGMVN, hai Tổng Giáo Phận Sàigòn, Huế cùng có chung một quan điểm, một tiếng nói với Tổng Giáo Phận Hànội thì những buổi tập trung cầu nguyện định kỳ của giáo dân có khả năng vượt xa con số chục hay trăm ngàn để lên tới số triệu. Ngoài yếu tố cách biệt quá xa về dân số, về tỷ lệ đám đông tụ tập đối kháng nhà nước, phải kể tới bước nhảy vọt với tốc độ phi mã về tin học trong vòng mười năm trở lại đây. Nếu sự kiện này là một yếu tố bất lợi cho đảng và nhà nước cộng sản trong chủ trương bưng bít, khống chế tư tưởng và kiểm soát mọi sinh hoạt của người dân thì nó lại là cơ hội bằng vàng cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, Với đám đông quần chúng thì nhờ được nghe, được đọc để thấy những chuyển biến của thế giới bên ngoài, người dân càng ngày càng vượt qua được nỗi sợ hãi thâm căn cố để, để dám cất lên tiếng nói của lương tâm, lẽ phải[8].

 

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là nội bộ đảng và guồng máy cai trị của nhà nước CSVN hiện nay khác xa với vài ba thập niên trước. Cái gọi là kỷ luật và sự nhất trí trong hệ thống đảng và bộ máy cầm quyền trong những thập niên trước ngày nay không còn nữa. Tình trạng tham nhũng, thích hưởng thụ đẫn tới những cuộc đấu đá để tranh ăn đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong nội bộ đảng từ trên xuống dưới.

 

Tất cả những sự kiện kể trên cho phép chúng ta tin rằng một vụ đàn áp đẫm máu kiểu Thiên An Môn sẽ không có khả năng xảy ra. Mà cho dù 15 tay đầu sỏ cầm đầu chế độ có muốn thì có điều gì bảo đảm là quân đội sẽ tuân lệnh khi chính bộ sậu này đã để lộ nguyên hình là những kẻ bán nước cầu vinh.

 

Thạch Trung

Những ngày áp Tết Nguyên Đán

Canh Dần - 2010

 

 



[1] Theo cách nói của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cố Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hànội khi bàn về quan điểm, lập trường của các Giám Mục ở miền nam vĩ tuyến 17 trong Hồi Ký của ngài.

[2] Xin tìm đọc bài "Cứ phải nói dù không biết nói" của LM Nguyễn Ngọc Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô trên DĐGD số 96 phát hành tháng 11-2009, trang 6.

[3] Thiết tưởng cần chính danh từ "đối đầu" ở đây. Khi tranh đấu cho các quyền tự do, dân chủ, nhất là quyền tự do tôn giáo, có lẽ không ai muốn dùng từ này, vì nó mang tính cực đoan, thiếu tinh thần từ bi, bác ái. Có chăng là từ "đề kháng" mà hơn một lần linh mục Nguyễn Văn Lý đã đề cập. Người ta tự hỏi: khi lên tiếng cổ võ chuyện "đối thoại", "hợp tác" với một nhà nước gian manh, lươn lẹo như CSVN mà không chấp nhận thái độ cảnh giác để biết "đề kháng" khi cần thiết, không hiểu HY Mẫn có biết tới mô thức "collaborer en résistant- hợp tác trong tinh thần (cảnh giác) đề kháng" do đức cố GH Gioan Phaolô II chủ trương không? Còn nhớ trong tuyên ngôn 10 điểm của cha Lý công bố lần đầu năm 1994 và được tái công bố năm 2000, người mục tử từng nêu cao châm ngôn "Tự Do Hay Là Chết" đã có những lời tâm sự rướm máu như sau: "Tôi không dám gọi Đức Giám mục nào, LM nào là "quốc doanh", vì tôi nghĩ các ngài có thể cũng hết lòng trăn trở kể cả trongnước mắt để làm cách nào cho Giáo Hội mở mang dễ hoạt động. Nhưng tôi thành thực nghĩ rằng: Những gì các ngài thu được trước mắt sẽ còn di lụy lâu dài trong lịch sử, làm méo mó hình ảnh một Giáo Hội hiên ngang xây dựng Nước Trời, tự do rao giảng tiếng nói lương tâm, mạnh dạn phê phán mọi bất công, sai lầm bất cứ từ đâu đến. Thay vào đó chỉ tạo nên hình ảnh một Giáo Hội yếu nhược, quỵ lụy ngày càng rõ nét chạy theo một vài quyền lợi vật chất trước mắt, chỉ biết "cộng tác" (collaborer) mà thiếu hẳn tinh thần "đề kháng" (résistant), làm nản lòng đại bộ phận Dân Chúa và các người thiện chí trước đây vốn khâm phục Giáo Hội Công Giáo Việt Nam!...

[4] "Giáo dân kính mến các cha là thế. Sự quí mến đó có giúp gì cho các cha trong con đường nhân đức thiêng liêng hay chỉ giúp làm nảy tính kiêu kỳ, xa cách, ủy mị, biếng nhác việc bổn phận, tạo nên một lớp người lạ thường, kỳ dị? Cách đối xử với các ngài cũng lạ thường. Chào cha lại phải thêm những tiếng: 'con xin phép lạy cha'. Lúc ra về: 'Con xin phép về, để cha nghỉ', dường như cha chỉ có nghỉ ngơi, nằm võng chẳng phải làm việc gì. Một nếp sống tồn tại qua nhiều thế hệ.

Tưởng rằng cuộc 'tổng quét' mà cộng sản thực hiện ở mọi tầng lớp xã hội có thể lật đổ được cách sống đó. Xem ra trái lại! Cũng như một số người hách dịch quan liêu nơi các cán bộ xã hội - thì các linh mục vào cuối thế kỷ ở Việt Nam, vẫn thừa tự nếp sống quan liêu, hách dịch chẳng kém xưa." (Trích Hồi Ký toàn tập "Chứng Từ Của Một Giám Mục" do nguyệt san DĐGD tái bản ở hải ngoại tháng 01-2009, trang 25-26)

Nhìn vào tình trạng chia rẽ trong hàng Giáo Phẩm, nơi trang 256 Hồi Ký toàn tập, Đức Cha Phaolô thẳng thắn đưa ra nhận định: "Giám Mục đoàn, yếu (...) Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương (…) Vị thì chỉ lo cho quyền lợi của Giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung; vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại. Đức Giám Mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị Giáo phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang."

 

[5] "......Ngày nay người ta nói nhiều về vai trò ngôn sứ của Giáo Hội… Giáo-Hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm các kẻ có quyền… Là giám mục, tôi thấy có nhiệm vụ phải làm chuyện đó… Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao  để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột....." ("Muối Cho Đời", trang 85-86, bản dịch của Phạm Hồng Hồng Lam & Trần Hoành, Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại xuất bản 2007)

 

[6] Trong Lời Mở Đầu, "Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay" của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II ghi rằng: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ." (Trích trang 727 Văn kiện Công đồng do Giáo Hoàng Học Viện Piô XII ấn hành tháng 7-1972). Suy tư kể trên không có gì mới mẻ, bởi vì đức bác ái và tình liên đới Công giáo vốn bắt rễ sâu xa trong Kinh Thánh. Giữa con người với con người bình thường đã như thế thì giữa chủ chăn với chủ chăn, giữa chủ chăn vời đàn chiên hẳn cũng không khác. Đâu đây vẫn âm vang một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho HĐGMVN và hai vị cầm đầu hai Tổng Giáo Phận Sàigòn và Huế trước nỗi khốn khó của những anh chị em mình tại Tổng Giáo Phận Hànội lâu nay, cách riêng trong biến cố Đồng Chiêm: Thánh Giá bị đập nát, giáo dân, tu sĩ bị đả thương trầm trọng, Linh mục, Giám mục bị xỉ nhục, gây khó dễ…

[7] Như những lời hứa hẹn của Nguyễn Tấn Dũng trong dịp bất ngờ tới thăm đức Tổng Kiệt giữa lúc cao trào giáo dân cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình đang lên đầu năm 2008 và những gì xảy ra sau đó

[8] Qua những buổi hội luận trong các diễn đàn Paltalk và qua những cuộc phỏng vấn của các chương trình Việt ngữ trên các đài RFI, RFA, VOA, BBC, chúng ta đã nghe được cả trăm, cả ngàn tiếng nói của người dân thường trong nước, ở thành thị cũng như ở nông thôn, phần đông là giối trẻ, gửi qua làn sóng bên cạnh tiếng nói của những nhà đấu tranh dân chủ.