VÀI NÉT VỀ
CUỘC ĐỜI LINH MỤC PHAN VĂN LỢI
MỘT
Một Chọn Lựa Tự Do
Nhưng Quyết Liệt
Không gian: Giang xá, một giáo xứ nghèo nàn heo hút
thuộc tỉnh Sơn tây, bắc phần Việt nam.
Thời gian: một buổi sáng âm u, trời mưa tầm tã tháng 5 năm 1981.
Bối cảnh đất nước: gần chẵn 6 năm sau ngày miền nam Việt nam bị cộng sản thôn tính, để như lời thơ uất nghẹn của Nguyễn Chí Thiện: đất nước đã "thu về một mối", nhưng không phải là một mối thanh bình, yên vui, tự do, hạnh phúc, mà là "Một mối hận thù, một mối đau thương!" (Hoa Địa Ngục I)
Sau những tháng ngày hoang mang, thảng thốt, mấy chục triệu người dân từ bắc chí nam bị xô đẩy vào tình trạng nghèo đói, khổ đau cùng cực. Tuyệt đại đa số dân chúng phải ăn bo bo, khoai sắn để cầm hơi vì cơm gạo mỗi ngày một khan hiếm! Lần lượt kẻ trước người sau, ngót một triệu quân dân cán chính thuộc chế độ cũ ở miền nam, trong đó bao gồm những nhà tu hành thuộc mọi tôn giáo và biết bao lương dân vô tội, bị lùa vào các nhà tù trá hình mệnh danh trại cải tạo. Một số đông đảo bị chế độ mới coi như kẻ thù nguy hiểm được đưa ra miền cực bắc kéo dài kiếp sống như đã chết trong các trại giam nằm sâu trong các tỉnh tiếp giáp biên thùy Hoa–Việt.
Trong số những tù nhân khốn khổ ấy nổi bật lên một khuôn mặt được coi là sáng giá trong hàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt nam trước tháng tư năm 1975. Đó là đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người từng được tòa thánh Vatican nâng lên hàng tổng giám mục phó với quyền thế vị tại một giáo phận lớn và quan trọng nhất nước là giáo phận Sàigòn, nhưng bị đảng và nhà cầm quyền cộng sản chống đối, sau đó bắt giam và quản thúc ngài tổng cộng trong 13 năm. Và giáo xứ Giang Xá, Sơn tây thuộc bắc phần Việt nam là một trong mấy chặng quản thúc ngắn trong hơn một thập niên đức cha Nguyễn Văn Thuận bị tù đày.
Chính tại nơi ấy, vào một buổi sáng trời mưa tầm tã -sáng 21 tháng 5 năm 1981- (không một giám mục, linh mục phụ tá, không cả giáo dân kể cả những người thân và bằng hữu của tiến chức tham dự), nhân danh Chúa Giêsu Kitô, đức tổng giám mục Phanxicô Xaviê đã âm thầm đặt tay truyền chức linh mục cho người thanh niên 30 tuổi vừa trải qua những ngày dài lặn lội từ cố đô Huế ra bắc chỉ vì lòng thiết tha khao khát được chia sẻ thiên chức tư tế của vị linh mục thượng phẩm đời đời. Người thanh niên trung thành, gan dạ và kiên trì vừa nói chính là thày Phêrô Phan Văn Lợi. Cũng từ phút giây ấy, cuộc đời người mục tử họ Phan đã gắn liền với những trôi nổi, thăng trầm của thân mệnh Giáo hội Công giáo và quê hương Việt nam.
Trong một bài thơ cảm tác mang tựa đề "Linh Mục Là Hy Lễ" của linh mục chui Phan Văn Lợi, người ta đọc được những dòng hồi tưởng đầy cảm động sau đây:
Con vẫn nhớ sáng mưa tầm tã ấy,
Trong chái giáo đường Giang xá tối tăm.
Vị chủ phong, kẻ tiến chức âm thầm,
Cầu Thần khí xuống hồng ân nhiệm lạ.
Trong im lặng, không ca đoàn rộn rã,
Vắng họ hàng, không bạn hữu vầy quanh,
Chẳng một ai được hưởng nhận phép lành,
Từ bàn tay đượm nồng dầu thánh hiến.
Lễ mở tay không một người chứng kiến,
Chẳng chén vàng, chẳng lễ phục tinh khôi.
Đâu tiếng ca khen, đâu yến tiệc mừng?
Đâu giọt lệ đầy hân hoan của mẹ?
....."
Bài thơ gói trọn tâm tình của người môn đệ Chúa Giêsu trong cảnh ngộ thương đau, ngang trái của giáo hội và quê hương Việt nam khốn khổ vào đầu thập niên 80. Tuy tác giả bài thơ không nói tới, nhưng hẳn rằng trong giây phút cực kỳ cảm động ấy, cả vị chủ phong và người tiến chức sẽ khó cầm lòng để cho những giọt lệ trào dâng. Những giọt lệ hân hoan cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, nhưng cũng là những giọt lệ chất nặng ưu tư khi nghĩ tới con đường gian khổ trước mặt.
*
HAI
Thời Thơ Ấu
Huế của những năm đầu thập niên 50 tuy chưa hết bàng hoàng giao động vì những thay bậc đổi ngôi liên tiếp từ sau đệ nhị thế chiến, nhưng vẫn còn vương vất cái dáng dấp kiêu sa, đài các cố hữu của một kinh thành thơ mộng và cổ kính. Hình ảnh trang nghiêm, vương giả của những thành quách rêu phong bao quanh thành nội, những lăng tẩm các vua triều Nguyễn, giòng Hương giang lặng lờ trôi xuôi dưới chân núi Ngự với cầu Trường tiền, tháp Linh mụ, đồi Thiên an, đàn Nam giao, Cồn hến, Vĩ dạ thôn vẫn còn là những mời gọi đầy quyến rũ đối với những người yêu mê xứ Huế.
Giữa những thắng cảnh, những địa danh lừng lẫy ấy là một xóm đạo hiền hòa mang tên Ngọc hồ, xã Hương hồ, huyện Hương trà, tỉnh Thừa thiên, một vùng quê khuất lấp, nghèo nàn, cách kinh thành Huế khoảng dăm bảy cây số, cửa ngõ dẫn lên rặng Trường sơn trùng điệp. Chính tại nơi quê nghèo ấy, cách đây vừa tròn năm chục năm, vào một ngày mùa xuân, nói cách chính xác là ngày 09 tháng 3 năm 1951, một cậu bé kháu khỉnh đã chào đời và được đặt tên là Phan Văn Lợi. Thân phụ mẫu của cậu Lợi là ông Phan Văn Danh và bà Nguyễn Thị Duyên. Cả hai bên nội ngoại đều xuất thân từ những giòng tộc đã may mắn được đón nhận ánh sáng tin mừng rất sớm. Mấy tháng sau cậu bé được cha mẹ chọn thánh cả Phêrô làm quan thày khi đưa tới thánh đường nhận phép rửa để trở thành con cái Giáo hội CG.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh sinh hoạt đạo hạnh của gia đình, ngay trong thời măng sữa cậu bé họ Phan đã may mắn được thừa hưởng từ cha mẹ, anh chị em và thân bằng quyến thuộc một nền giáo dục vững chắc phối hợp giữa văn hóa dân tộc cùng với niềm tin và văn minh Kitô giáo. Đến tuổi đi học, ngoài những giờ cắp sách đến trường, cậu Lợi thường theo thân mẫu tới giáo đường tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện hoặc những giờ học giáo lý. Đặc biệt trong những tháng 5 hàng năm, tháng Đức Mẹ, dù đang ở lứa tuổi ham chơi, cậu Lợi luôn có mặt trong các buổi dâng hoa mừng kính đức Trinh nữ Maria. Dưới ánh nến lung linh huyền ảo, hình ảnh những bé gái trong đoàn Thiếu nhi Thánh thể y phục trắng tinh, đầu đội tràng hoa nhiều màu sặc sỡ với tấm voan dài chấm gót, hai tay uốn éo đưa lên đưa xuống những lẵng hoa nhỏ, chân bước nhịp nhàng theo tiếng nhạc du dương trầm bổngï, miệng cất cao những bài ca tung hô Đức Mẹ đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong khối óc và trong trái tim cậu Lợi.
Và những thanh âm, hình ảnh thân thương, tràn đầy không khí đạo đức ấy đã trở thành những hạt giống quý giá ươm sâu trong tâm hồn cậu bé làm trổ sinh lòng sùng kính đặc biệt đức Trinh-Nữ-Maria-La-Vang nơi cậu nhiều năm sau này.
*
BA
Ơn Gọi Tu Trì
Ươm trồng từ giòng máu của những tiền nhân anh hùng tử đạo đã dùng chính máu mình để làm chứng cho niềm tin Kitô, nhờ những sinh hoạt đạo hạnh trong gia đình cũng như trong giáo xứ, ơn gọi đi tu đã đến với cậu Phan Văn Lợi ngay từ thuở ấu thơ. Năm 1961 chẵn mười tuổi, lúc vừa học hết chương trình tiểu học, cậu Lợi được gửi vào học Tiểu chủng viện Hoan Thiện tọa lạc số 11 đường Đống đa thuộc thành phố Huế. Liên tiếp trong tám năm trời tu học toàn thời gian tại đây, với trí thông tuệ bẩm sinh và lòng hiếu học, đạo đức sẵn có, chủng sinh Phêrô Phan Văn Lợi luôn đạt được điểm cao trong hầu hết các môn, từ toán học, sinh ngữ, lịch sử cho tới các môn giáo lý, thánh kinh.
Năm 1969, thày Phêrô được chuyển từ Tiểu chủng viện Hoan Thiện qua theo học Triết và sau đó là Thần học tại Đại chủng viện Xuân Bích cũng tại cố đô Huế. Đây là thời gian thày Lợi được chọn gia nhập nhóm Hy vọng do đức cha Thuận sáng lập, và đương nhiên trở thành nghĩa tử của ngài. Mọi người tin rằng nhờ ơn Chúa, qua trung gian bầu cử của đức Mẹ La Vang, nhờ lòng thiết tha yêu mến ơn gọi tu trì, thêm vào trí thông minh trác tuyệt, mai đây thày Phêrô sẽ là một mục tử xuất sắc về mọi phương diện và sẽ đóng góp nhiều công ích cho giáo hội cũng như xã hội.
Sau 14 năm trời miệt mài tu học, vào lúc thày Lợi sắp sửa chấm dứt niên khóa cuối cùng để chuẩn bị bước lên bàn thánh đón nhận thiên chức linh mục thì biến cố 30 tháng tư năm 1975 bất thần chụp xuống miền nam Việt nam. Thay vì tìm đường theo giòng người tị nạn trốn ra ngoại quốc để được yên thân, thoát khỏi cảnh đời huyết hãn, tối tăm trong chế độ phi nhân tàn độc cộng sản, thày Lợi chọn ở lại với khát vọng thiết tha, nồng cháy là sớm được trở thành mục tử để có cơ hội phục vụ dân Chúa trên chính quê hương của mình. Nhưng cũng như nhiều bạn đồng tu khác, ý nguyện của thày Phêrô Phan Văn Lợi đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước vì chính sách hà khắc và chủ trương truy diệt niềm tin tôn giáo của đảng và nhà nước cộng sản chuyên chính, vô thần!
Mặc dầu thày Phêrô kiên trì nấn ná ở lại trường, nhưng qua năm 76, 77 chế độ vẫn không chấp nhận cho thày chịu chức mặc dầu đã có sự can thiệp tích cực của đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền tổng giám mục giáo phận Huế lúc bấy giờ. Đến năm 1978, nhà nước cộng sản bắt đầu áp đặt những biện pháp kiểm soát gắt gao trên mọi sinh hoạt của Giáo hội, nhất là trong lãnh vực chiêu sinh, tuyển sinh cũng như vấn đề truyền chức và cắt cử linh mục, đặt để giám mục. Cùng với 17 đại chủng sinh thuộc các lớp thần học khác, thày Phêrô Phan Văn Lợi bị chính quyền toàn trị thẳng tay loại khỏi danh sách những thành phần có triển vọng được chịu chức, với lý do dễ hiểu là vì có hạnh kiểm xấu (!) trong lý lịch –dĩ nhiên là xấu theo lối nhìn của những người Mác-xít Lê-nin-nít, luôn coi tôn giáo, đặc biệt Công giáo là kẻ thù của chế độ, cần truy diệt!
Vì bị trục xuất khỏi Đại chủng viện Xuân bích, kể từ năm 1978 thày Lợi phải về sống với song thân lúc này đã dời cư về địa chỉ 90/13 Phan Chu Trinh thuộc giáo xứ Phủ cam, Huế. Trong suốt ba năm, từ 1978 đến 1981, mặc dầu miễn cưỡng phải sống đời thường, ý nguyện được chia sẻ thiên chức linh mục của chúa Giêsu vẫn nung nấu mãnh liệt trong tâm tư người con cưng của giáo xứ Ngọc hồ, xã Hương hồ, huyện Hương trà, tỉnh Thừa thiên thuở nào. Vì thế trong khi phải đi làm hàng ngày để giúp đỡ cha mẹ và đại gia đình trong việc mưu sinh giữa giai đoạn cực kỳ khó khăn vì tình trạng kinh tế đất nước bị tuột dốc thê thảm lúc bấy giờ, thày Lợi vẫn kiên trì tự giác giữ vững kỷ luật của người tu sĩ tại gia. Ngày đêm, thày tận dụng mọi cơ hội hiếm quý có được trong tầm tay, nỗ lực học hỏi thêm qua sách vở, qua những tiếp xúc thầm lén nhưng thường xuyên với những bạn bè cựu chủng sinh, với những linh mục giáo sư cũ để tự thăng tiến cho mình về mọi mặt, nhất là về tâm linh, tu đức.
Đầu tháng 5 năm 1981, được tin đức tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị nhà nước cộng sản đưa về quản thúc tại giáo xứ Giang xá thuộc tỉnh Sơn tây, bắc phần Việt nam, một ý định táo bạo bất chợt nảy sinh trong đầu thày Phêrô Phan Văn Lợi. Sau khi ngỏ ý cùng song thân, tâm sự với một số linh mục và bạn bè đáng tin cậy, vào một ngày thượng tuần tháng 5 năm ấy, người tu sinh họ Phan từ giã Phủ cam tìm đường ra bắc trong tâm tình thiết tha cầu nguyện xin ơn soi dẫn của Chúa Thánh thần, đồng thời phó thác trọn vẹn mọi an nguy cho Đức Mẹ Maria-La Vang.
Ra bắc, lặn lội tới giáo xứ Giang xá, Sơn tây, bắc phần, thày Phan Văn Lợi phải vất vả móc nối với giáo dân địa phương, tìm mọi phương thế để che mắt bọn cán bộ có nhiệm vụ giám sát đức cha Nguyễn Văn Thuận hầu có thể liên lạc được với ngài. Cha con nhận ra nhau sau bao năm cách biệt. Thày kể hết tâm tư, ước nguyện muốn được làm linh mục đồng thời cũng trình bày với ngài mọi chi tiết về đời sống và những năm dài tu học ở Huế, đặc biệt từ sau tháng tư năm 75. Sau ít ngày rà soát lại trình độ thần học, tu đức và bổ túc cho ứng viên những gì còn thiếu sót, vào một buổi sáng trời mưa tầm tã nhằm ngày 21 tháng 5 năm 1981, đức tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một tù nhân lương tâm của chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt nam, đã long trọng đặt tay truyền chức linh mục cho thày Phêrô Phan Văn Lợi.
Quả là một lễ truyền chức khác thường!
Không phải tại Vương cung Thánh đường Sàigòn. Cũng không phải ở nhà thờ chính tòa Phủ cam Huế. Nghi thức trọng đại có một không hai trong đời người mục tử của Chúa Giêsu mang tên Phêrô Phan Văn Lợi đã diễn ra một cách âm thầm, kín đáo, khuất lấp trong một xó tối tăm, xập xệ của nhà thờ Giang xá vào một thời điểm tàn mạt, bi đát nhất của quê hương đầu thập niên 80! Không có giám mục, linh mục phụ tá bên cạnh vị chủ phong! Cũng vắng bóng những giáo hữu, bạn bè, người thân của tiến chức tham dự, chứng kiến! Vỏn vẹn chỉ có hai nhân vật chính: giám mục chủ phong và linh mục dự phong! Một hình ảnh để đời chỉ có thể tìm thấy trong những xã hội mà mọi quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, bị trù giập, khống chế do những người tôn thờ chủ nghĩa cộng sản vô thần cai trị mà thôi!
*
BỐN
Bước Đường Gian Nan
Của Người Mục Tử Chui!
Nhận phép lành của vị tổng giám mục khả kính và cũng là cha linh hồn với tấm lòng hân hoan và biết ơn khôn tả, linh mục chui Phêrô Phan Văn Lợi bịn rịn giã từ Giang xá, Sơn tây, kín đáo tìm đường trở lại quê nhà. Giữa niềm hoan lạc vì vừa được chia sẻ chức tư tế của Chúa Giêsu -vị linh mục thượng phẩm đời đời-, từ đáy thẳm linh hồn, cha Lợi không khỏi băn khoăn xao xuyến nghĩ tới những năm tháng phiêu lưu, vô định trải dài phía trước. Hàng trăm câu hỏi không có câu trả lời dựng lên trong tâm trí cha.
Khi trở về Huế, nên công khai hay giấu diếm tông tích linh mục của mình? Công khai thì chắc chắn không thể yên thân. Mà giấu diếm thì làm sao và bằng phương thế nào có thể thực thi chức vụ thiêng liêng của người linh mục trong hoàn cảnh trên đe dưới búa hiện nay? Liệu đảng và nhà nước cộng sản vô thần sẽ có thái độ và hành động nào đối với một người có hành vi công khai chống lại những quy luật bất công, vô đạo của họ? Liệu giáo quyền có đủ can đảm đi ngược lại quyền lực của guồng máy cai trị của chế độ để chấp nhận cha vào hàng ngũ linh mục đoàn trong giáo phận hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra cho cá nhân cha, cho song thân, bạn bè, bà con lối xóm và cho giáo phận trong những tháng ngày trước mặt?
Trong tâm trạng rối bời như thế, linh mục chui Phêrô Phan Văn Lợi chỉ còn biết âm thầm phó thác và đặt hết niềm tin tưởng vào Đức Mẹ La Vang. Và ông đã liên lỉ cầu nguyện cùng Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh nữ Maria và các thánh tử đạo Việt nam, đặc biệt thánh Tôma Thiện, quan thày các chủng sinh Huế, trong suốt đoạn đường dài từ Giang xá, Sơn tây trở lại cố đô.
Trong vòng bốn tháng trời sau đó, cha Phan Văn Lợi tiếp tục sống trong nhà song thân và tiếp tục làm mục vụ chui! Chính nhờ cảnh ngộ trái ngang, o ép như thế mà cha bắt đầu sống và cảm nhận cách đặc biệt tính cách từ bỏ (kênôsis) và nghịch thường (paradox) của màu nhiệm thập giá trong đời linh mục. Những vần thơ trích trong bài "Linh Mục Là Hy Lễ" sau đây đã nói lên điều ấy.
"Dâng Thánh lễ trong then cài cửa kín,
Chưa một lần ban nhiệm tích thứ tha!
Tai chẳng hề nghe hai tiếng "thưa cha",
Cũng chẳng được bước lên tòa rao giảng?
Nhưng lạy Chúa, con không hề buồn chán,
Bởi hiểu rằng mọi cái bất thường trên,
Chúa tạo ra là để sáng tỏ thêm,
Ý nghĩa đời linh mục tư tế:
Là tận hiến thân mình làm hy lễ,
Như Chúa xưa, để cứu độ trần gian.
Giáo xứ con là thế giới trần hoàn,
Dự lễ con là cả triều thần thánh."
Ngoài những Thánh lễ không giáo dân hoặc đôi khi chỉ với song thân và một số rất giới hạn người quen biết tham dự, cha Lợi phụ giúp các dì phước và các cha trong việc giảng dạy giáo lý cho những người tân tòng trong giáo xứ và các vùng phụ cận. Để tránh sự nghi kỵ của các công nhân viên tai mắt nhà nước, tiếng thày thay thế cho tiếng cha được dùng trong cách xưng hô với linh mục Lợi hàng ngày giữa cha mẹ, anh em và những người thân thiết hiểu rõ trường hợp riêng của cha.
Nhưng rồi tai họa đầu tiên đã đến với người mục tử chui Phêrô Phan Văn Lợi! Cũng từ đấy đã biến ông thành đối tượng săn đuổi triền miên của đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản Việt nam trong suốt hai chục năm trường. Và chính điều này, như một an bài của Thiên mệnh, cùng với thời gian, năm tháng, càng làm sáng lên khuôn mặt rực rỡ của vị linh mục trẻ đã cương quyết thề hứa hiến trọn thân xác và tâm hồn mình cho sứ mạng phục vụ giáo hội và quê hương, dân tộc.
*
NĂM
Những Năm Tháng Tù Đày
Vào đêm 21 tháng 9 năm 1981, nhân lễ kính Thánh Tử Đạo Tôma Thiện, bổn mạng các chủng sinh Huế, cùng với một số chủng sinh tu tại gia thuộc giáo xứ Phủ cam, thày Lợi đã có sáng kiến dàn dựng một vở kịch ngắn giúp vui cho gia đình và bà con lối xóm trong xứ. Vở kịch mang tên "Dâng Con Cho Mẹ"[1][72], nội dung diễn lại một chi tiết có thật liên quan tới việc linh mục Tađêô Nguyễn văn Lý hướng dẫn đoàn giáo dân và thanh thiếu niên Công giáo thuộc tổng giáo phận Huế tham dự cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ La vang Quảng trị một tháng trước đó. (Vì cha Lý lúc ấy đang bị nhà nước theo dõi gắt gao bởi họ biết ông là cánh tay mặt của đức tổng giám mục Nguyễn kim Điền và cũng là người thường công khai lên tiếng chỉ trích chính sách khủng bố, chèn ép tôn giáo của đảng và nhà nước cộng sản.
Trong cuộc hành hương Thánh địa La vang năm ấy, mặc dầu bị công an nhà nước ngăn cản, linh mục Nguyễn Văn Lý vẫn kiên trì chống lại một cách thụ động bằng cách khi vắng mặt công an thì đoàn hành hương tiếp tục đi tới, nhưng khi bị ngăn chặn, hạch xách làm khó dễ thì tụ tập lại ngay trên tuyến đường Huế-Quảng trị, tất cả cùng quỳ gối hướng về La vang cầu nguyện và ca hát lớn tiếng). Chính việc đưa vào kịch bản chi tiết này đã dẫn tới hậu quả tệ hại là khoảng một tháng sau, công an nhà nước đã bắt 5 chủng sinh đi làm việc, trong số có thày Phan Văn Lợi. Sau đó tất cả đều bị truy tố ra tòa vì tội danh chống phá, xuyên tạc, làm hoen ố khuôn mặt chế độ. Vì mang lý lịch xấu đồng thời lại là người chủ động trong việc dàn dựng kịch bản "Dâng Con Cho Mẹ" nên thày Lợi bị kết án bốn năm tù ở. Riêng bốn thày còn lại bị mang án từ 2 năm đến 3 năm rưỡi.
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí!
Vào thời gian cha Phêrô Phan Văn Lợi sắp mãn hạn 4 năm tù của bản án thứ nhất thì do một chuyện tình cờ, đảng và nhà nước cộng sản phát giác thày Lợi đã chịu chức linh mục chui không thông qua biện pháp duyệt xét lý lịch để được sự chấp thuận của chế độ toàn trị. Do sự việc này, một lần nữa cha Lợi lại bị truy tố ra tòa và kết quả ông phải nhận bản án thứ hai thêm ba năm, tổng cộng là bảy năm, cho đến tháng 10 năm 1988 mới được phóng thích. Những năm tháng dài tù tội đó lại càng đóng ấn sâu đậm thêm bản chất từ bỏ và hiến dâng cách nghịch thường trong cuộc đời linh mục của cha. Một mẩu nhỏ của kiếp linh mục tù đày đã được phản ánh qua những vần thơ bi hùng trong bài "Linh Mục Là Hy Lễ" sau đây:
"Bốn tháng sau đẩy đưa con vào ngục!
Thế là hết: mọi chức năng linh mục!
Thánh lễ giờ: chấp nhận kiếp tù nhân.
Lễ phục con: là chiếc áo lam xanh,
Bàn thờ con: là nhà lao mang danh cải tạo!
Bánh con dâng: là đôi thùng trĩu nặng,
Là gánh đất đầy, là lửa nắng chan chan!
Là gió mùa đông xuyên thủng áo ngự hàn,
Là cảnh sống nhiều nhỏ nhen phức tạp.
Rượu con dâng: là mồ hôi nhỏ giọt,
Là sự hao mòn, mệt mỏi xác thân,
Là cùn mằn trí tuệ lẫn tâm can,
Nỗi nhung nhớ, bao tháng ngày no đói!"
Sau khi được phóng thích vào tháng 10 năm 1988, linh mục Phan Văn Lợi mặc nhiên bị nhà cầm quyền cộng sản chỉ định nơi cư trú là nhà song thân của cha ở Phủ cam cho đến nay. Trong thời khoảng hơn mười năm, người mục tử chui mang giòng máu kiên cường, miệt mài đấu tranh không mệt mỏi cho tự do của con cái Chúa và cho lẽ phải của Tin Mứng ấy, đã không ngừng bị tai mắt chế độ dòm chừng và tìm hết cách làm khó dễ.
Tháng 4 năm 1998, Sở công an thành phố Huế bắt cha Lợi đi "làm việc" liên tiếp trong mấy tuần lễ và buộc cho ông đủ thứ tội danh như chủ trương tờ Bạn Đường, in và phổ biến tài liệu giáo lý Công giáo không xin phép và nhất là tiếp tay phổ biến tờ TIN NHÀ (một tờ báo ấn hành định kỳ 3 tháng do các ông Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Hữu Tấn Đức, Nguyễn Văn tánh và một nhóm trí thức Công giáo xuất bản ở Paris, Pháp, trong đó đăng tải nhiều tài liệu bài vở của những nhân vật từng có thành tích chống chế độ như linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, nhà sinh học Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, cựu tướng Trần Độ, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, nhà địa chất Nguyễn Thanh Giang, các ông Lữ Phương, Hoàng Minh Chính v.v.
Đầu thập niên 90, nhóm anh em Tin Nhà đã lần lượt xuất bản ba tập Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan, tố cáo bộ mặt thật nhơ bẩn của chế độ Hànội). Sau đó công an nhà nước đã tới tư gia ông bà cố, tịch thu toàn bộ máy điện toán, máy in, những dĩa mềm cùng sách vở tài liệu của linh mục Phan Văn Lợi. Chi tiết về những buổi làm việc này đã được cha Lợi tường trình đầy đủ và đã được đăng tải trên tờ Tin Nhà số 34 phát hành tháng 7 năm 1998 [2][73]
Xuyên qua những buổi gọi là "làm việc" mà thực chất chỉ là những cuộc thẩm cung nhằm khủng bố, khống chế tinh thần do công an cộng sản chủ động được chính tội nhân bị thẩm cung là linh mục Phêrô Phan Văn Lợi ghi lại chi tiết và được công bố trên báo chí Việt ngữ ở hải ngoại sau đó, người ta nhận ra mấy điểm đặc biệt đáng chú ý sau đây. Trước hết nó phơi bày cho dư luận thấy rõ những trò gian dối, lọc lừa bỉ ối mà đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản Việt nam nhắm vào những thành phần bị chế độ coi là kẻ thù.
Khi mở cuộc thẩm cung một người mà họ muốn kết tội, những cán bộ công an cộng sản thường đưa ra những bằng chứng ngụy tạo gán vào miệng những nhân vật không có thực, nhưng với xảo thuật nửa úp nửa mở họ khiến cho người bị thẩm cung liên tưởng tới người này người nọ trong số những bằng hữu thân nhân của mình. Làm như vậy, những người cộng sản hy vọng với một mũi tên phóng ra, họ có thể hạ hai con chim cùng một lúc. Nói rõ hơn, nếu nạn nhân thiếu lập trường hoặc yếu bóng vía tin theo lời bịa đặt hù dọa của những công an phụ trách việc thẩm cung, họ sẽ nắm được bằng chứng để một mặt kết tội người bị thẩm cung, mặt khác tạo được sự nghi kỵ dẫn tới bất hòa, chia rẽ giữa những người họ muốn truy diệt.
Trong trường hợp linh mục Phan Văn Lợi bị công an bắt đi "làm việc" mấy tuần lễ liền trong năm 98, với hy vọng nắm bắt được bằng chứng để tống giam ông, bọn ưng khuyển tay sai của chế độ đã trắng trợn bịa đặt là có những linh mục bạn của cha Lợi khai báo là chính ông đã phổ biến cho các đương sự phó bản của tờ Tin Nhà cùng nhiều tài liệu thuộc loại quốc cấm khác. Nhưng, mọi toan tính của bọn công an chấp cung cha Lợi đã bị thất bại hoàn toàn trước tấm lòng đạo đức, ngay thẳng, cương trực và sự khôn ngoan, lanh lợi Chúa cho của người mục tử này. Thay vì tin lời công an để vô tình nhận tội và nghi ngờ oán hận các bạn linh mục của mình, cha Phan Văn Lợi đã cương quyết giữ vừng lập trường không dời đổi. Ông xác định là mình hoàn toàn vô tội, không làm gì sai trái hoặc vi phạm luật pháp.
Cha Lợi còn ngang nhiên tố ngược lại phía công an chấp cung bằng cách lên tiếng thách thức họ là nếu có linh mục nào đã tố cáo với nhà nước là ông phát tán tài liệu xấu thì xin cứ đưa nhân chứng đó ra để cùng ông đối chất. Bị dồn vào thế bí, bọn công an ưng khuyển của nhà nước đã phải thay đổi kế hoạch bằng những luận điệu giả đạo đức không ai có thể tin được. Chúng uốn lưỡi giải thích rằng sở dĩ không muốn đưa người đã tố cáo linh mục Lợi ra đối chất vì không nỡ nhìn thấy cảnh huynh đệ tương tàn trong hàng ngũ linh mục Công giáo (sic).
Cũng xuyên qua vụ này, người ta nhận ra sự thông minh, bén nhạy và tư cách khác thường của người mục tử họ Phan. Rõ ràng là nhờ niềm tin vững chắc nơi Thiên Chúa, nhờ thái độ tin tưởng tuyệt đối vào tư cách của các linh mục thành viên trong linh mục đoàn giáo phận Huế cũng như nhờ ý chí cương quyết và lập trường dứt khoát không lay chuyển, đã giúp cha Phêrô Phan Văn Lợi dễ dàng thoát ra khỏi cái bẫy độc ác muốn tạo nghi kỵ, vốn là nghề ruột của những người cộng sản. Cũng chính nhờ thế mà ông còn đứng vững được cho đến ngày nay.
*
SÁU
Hai Mươi Năm Tư Tế:
Những Vần Thơ Hồi Tưởng
21 tháng 5 năm 1981 – 21 tháng 5 năm 2001.
Đấy là thời điểm ghi dấu chẵn 20 năm cha Phêrô Phan Văn Lợi lãnh chức linh mục chui tại giáo đường Giang xá, Sơn tây. Những lời thơ bi tráng chất chứa trong bài "Hai Mươi Năm Tư Tế" đã vẽ lại những chặng đường gian nan, cay nghiệt mà người mục tử họ Phan đã trải qua kể từ ngày được hồng phúc chia sẻ thánh chức linh mục của Chúa Giêsu. Nội dung bài thơ cũng gói ghém tấm lòng chuyên nhất của một con người đã thề quyết dâng hiến trọn vẹn đời mình cho Giáo hội và tha nhân.
Ngay giây phút lặn lội tìm đường ra bắc, tới Giang xá, Sơn tây để lãnh nhận chức linh mục chui, tu sĩ Phêrô Phan Văn Lợi đã ý thức một cách rõ ràng tính cách bất bình thường trong chọn lựa của ông cũng như những sự việc sẽ xảy ra cho đời ông sau đó. Cho dù trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội, cha Lợi là linh mục của Ngài, nhưng trong thực tế ông sẽ không thể có đời sống bình thường như những anh em linh mục khác. Mở đầu cho những vần thơ hồi tưởng lại những thời khoảng đầy gian nan, thử thách nhưng cũng không thiếu hào hùng, ảo diệu ấy, tác giả viết.
"Thế là đã hai mươi năm,
Chúa chọn con làm tư tế
Một dặm dài dâu bể!
Đâu có bình thường như mọi anh em!
Giờ đây, trong lắng im,
Con hồi tưởng lại hồng ân của chúa,
Gẫm suy muôn nẻo lối kỳ diệu của Ngài".
Trong mắt và trong hồn người thơ, hồng ân cũng như mọi nẻo lối kỳ diệu mà Thiên Chúa ban tặng những ai dõi theo bước chân Ngài không phải là những vinh quang theo lề thói thế gian. Trong thẳm sâu của một tâm hồn linh mục đã tự nguyện hiến trọn đời mình và mọi ước mơ cho Thiên Chúa, dù trải qua hai mươi năm đầy dẫy những tang thương, dâu bể, cha Lợi vẫn coi đấy như những ân huệ của Ngài.
"Vừa ban cho con chức linh-mục-đời-đởi,
Trong âm thầm bí mật!
Chúa đã đưa con đi hưởng tuần trăng mật:
Bảy năm trời trong cảnh tù lao,
Cùng ngắm trăng thanh qua cửa cấm, cọc rào!
Đồng dạo bước trên rẫy khoai, đồi sắn.
Dâng lễ với Chúa lúc một hai giờ sáng,
Trên chiếc chiếu tù chỉ rộng bảy mươi phân!
Chia sẻ thân phận của Ngài nơi các tù nhân...
Sao quên được những giây phút hồng ân đầy lưu luyến!"
Tuần trăng mật của người mục tử họ Phan là bảy năm tù đày, với những ngày dài nhọc nhằn lao động, cuốc đất trồng khoai, trồng sắn, với những đêm khuya giam mình trong ngục tối hào lũy vây quanh. Nhưng ông vẫn không cảm thấy cô đơn, chán nản vì tin rằng từng phút từng giây Thiên Chúa vẫn đồng hành với ông, vẫn thường xuyên hiện diện bên ông, nhất là những khi âm thầm một mình nửa khuya dâng thánh lễ, tái diễn cuộc hy tế của Con Một Ngài trên bàn thờ thập giá. Và từ trong chốn thẳm sâu của tiềm thức, người thơ linh mục không hề oán than hờn tủi, trái lại luôn cảm nhận đấy là những phút giây thanh luyện hiếm quý cho cuộc đời tận hiến của ông.
"Ôi tuyệt diệu những khắc giờ thanh luyện,
Con đã chẳng bao giờ tiếc nuối, oán than!"
Nhìn lại chặng đường hai mươi năm tư tế với hơn một phần ba thời gian tù tội và hơn mười năm còn lại bị theo dõi và gây khó dễ trăm bề, người thơ linh mục Phêrô Phan Văn Lợi vẫn đầu cao mắt sáng với tâm hồn thanh thản, không trách than, tiếc nuối. Từ giã trại giam trở về với đời sống thường nhân, tác giả đã vẽ lại cảnh tù không ở tù của ông bằng những lời thơ châm biếm nhưng đầy ắp sự an bình sau đây.
"Trở lại đời thường trong xã hội, giữa thế gian,
Con vẫn mãi là thứ người bất hợp pháp!
Nhất cử, nhất động người ta đòi "xin phép"!
Mọi hành tung đều đáng theo dõi, nghi ngờ,
Người ta bắt con phải đợi phải chờ,
Người ta khuyên con phải nhất tâm "phấn đấu",
Biết "lập thành tích", xóa đi "quá khứ xấu"!..."
Vì tôn trọng nguyên tắc sống thẳng, nói thực, cha Lợi nhất quyết không "xin phép", không "phấn đấu" cũng không muốn đoạn tuyệt "quá khứ xấu" theo đòi buộc của bạo quyền. Và như thế ông chọn làm chui những việc mà sứ vụ linh mục phải làm, hơn là xin xỏ, cầu lụy chế độ độc tài toàn trị vô thần cộng sản.
"Ở với mẹ già con tìm đủ mọi cách làm mục vụ 'chui'!
Dạy học, dâng lễ, giảng cấm phòng 'chui'!
Bởi dạy học chui, dâng lễ chui, giảng cấm phòng chui và thực hiện những công trình biên soạn, sáng tác cũng chui nên linh mục Phan Văn Lợi không ngừng bị bọn công an chế độ săn đuổi, theo dõi ngày đêm, khiến cho nhiều thánh lễ đang diễn tiến "phải chấm dứt đột ngột!", nhiều buổi dạy cũng như nhiều công trình biên soạn phải bỏ dở vì "bị phá ngang xương!" Trong cảnh huống ấy, người thơ vẫn không hề tuyệt vọng. Trái lại vẫn cảm thấy được an ủi khi liên tưởng tới những đoạn đường dở dang, trở ngại mà chính Chúa Giêsu và các ngôn sứ mọi thời đại đã phải trải qua.
"Mọi cái đều dở dở dang dang,
Như cuộc đời Chúa dang dang dở dở!
Như số phận lao đao của ngàn ngôn sứ!"
Nghĩ tới thân phận các ngôn sứ, người thơ trạnh lòng nghĩ tới các linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, bạn đồng tâm đồng chí của ông và lý tưởng ông đang miệt mài theo đuổi. Bằng những lời thơ mộc mạc tác giả đã cho người đọc thấy nguyện vọng và ý chí cương quyết của ông trong khi cùng các linh mục Lý, Giải theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và quyền sống của con người.
"Kể từ hôm cùng anh em, con cất tiếng kêu gào,
Đòi lại tự do cho con người, cho con Chúa.
Thiên ân bẩm sinh bị bạo quyền tước đoạt,
Đương đầu với chế độ áp bức độc tài,
Công bố Lời Chân Lý, bản cáo trạng muôn nơi..."
Và kết quả là cùng với hai linh mục bạn, cha Phan Văn Lợi đã phải lãnh nhận tất cả những đòn thù của đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản.
"Những đòn thù nhắm đầu con giáng xuống!
Cắt điện thoại, phá điện thư, chặn đường đi nước bước!
Hăm dọa cộng đoàn con phục vụ thường xuyên,
Người ta biến con thành mục tử không chiên!
Kẻ tội đồ, không tội!
Người lữ khách không đường!"
Dù vậy tác giả vẫn chưa nguôi lòng tin, bất chấp mọi khủng bố, hăm dọa của kẻ thù kể cả chuyện bắt bớ giam cầm, bởi vì ông vẫn còn là linh mục của Chúa Giêsu.
"Nhưng con vẫn còn chức năng "tư tế":
Lo thờ phượng Chúa – một mình dâng thánh lễ,
Dâng tấm thân yếu hèn trên đĩa thánh gian lao!
Có thể lại nếm cảnh bắt bớ, tù lao!
Cho trọn vẹn con đường làm chứng".
Là linh mục, hơn thế là ngôn sứ, cha Lợi thấu hiểu những gì cha Lý, cha Giải kể cả giáo chúng Nguyệt biều, An truyền và chính bản thân ông đang trải cũng là tất cả những gì hai ngàn năm trước Chúa Giêsu đã kinh qua trong ba năm rao giảng và kết thúc bằng con đường thập giá. Từ mối cảm thông kỳ diệu ấy, người mục tử họ Phan đã kết thúc bài "Hai Mươi Năm Tư Tế" bằng những vần thơ hào hùng, sảng khoái sau đây.
"Nhưng con hiểu, kiếp sống lao đao lận đận,
Giúp thể hiện chức năng đời linh mục trọn vẹn thêm:
Ngôn sứ nào hào hùng hơn trong cảnh gian nan?
Tư tế lễ phẩm nào quý hơn khi dâng trên bàn thờ thập giá?
Thủ lãnh nào ảnh hưởng hơn giữa ba đào sóng cả?
Như trên đồi xưa Chúa đã dâng mình cứu rỗi thế gian,
Đâu phải khi thực hiện những phép lạ kinh hoàng,
Nhưng là lúc tự trầm trong đau khổ!"
*
BẢY
Lm Lý, Giải, Lợi:
Ba Khuôn Mặt, Một Tấm Lòng.
Vào những ngày chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh 2000, linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý công bố Lời Kêu Gọi Số 1 (cũng được mệnh danh là Tuyên Ngôn 2000) kỷ niệm 6 năm Tuyên Ngôn 10 Điểm, để khởi đầu giai đoạn đấu tranh mới cho tự do tôn giáo, và nói chung cho quyền sống, quyền làm người của toàn dân Việt nam, thì như một sự an bài của Thiên mệnh: các linh mục Lý, Giảiù và Lợi nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của lòng tin. Vì thế, trong cuộc vận động đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo hiện nay, nói đến linh mục Nguyễn Văn Lý là người ta không thể không liên tưởng tới các linh mục Nguyễn Hữa Giải, Phan Văn Lợi. Điều này chứng tỏ sự đồng tâm, đồng cảm và đồng tình giữa cha Lợi và các bạn linh mục của ông.
Đối với linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, tấm gương kiên trì, đạo hạnh và can đảm của đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền, cố tổng giám mục tổng giáo phận Huế đã trở thành một biểu tượng sáng ngời để cha Tađêô noi theo trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Tương tự như thế, những hành vi can trường quả cảm của vị linh mục quản xứ An truyền, người từng bị đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản Việt nam giam giữ, quản chế gần như hết nửa đời, chính là chiếc bóng lớn, chiếc bóng vĩ đại tạo nên lòng cảm phục và ngưỡng mộ nơi người mục tử xuất thân từ giáo xứ Ngọc Hồ. Nó gỉai thích lý do vì sao ngay từ đầu mùa cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cùng với linh mục Nguyễn Hữu Giải, cha Phan Văn Lợi luôn luôn chiếm giải quán quân trong việc dồn mọi cố gắng, mọi nỗ lực và nghị lực để yểm trợ tối đa việc làm của cha Nguyễn văn Lý.
Nhất cử nhất động của linh mục Lý tại Nguyệt biều cũng như tại An truyền, kể cả sau khi ông bị quản chế rồi bị chế độ tống ngục sau đó, đều được cha Lợi quan tâm theo dõi. Từng phút từng giây, với những phương tiện có được trong tầm tay do sự tiếp sức của anh em linh mục và giáo dân quanh vùng, ông đã tận dụng mọi khả năng và sự khôn ngoan Thiên Chúa phú ban để kịp thời gửi lên mạng lưới điện toán toàn cầu những Lời Kêu Gọi, những Lời Chứng, những Biên Bản của cha Nguyễn Văn Lý cũng như những tin tức về diễn biến của cuộc đấu tranh trong suốt nửa năm qua.
Có thể nói quyết mà không sợ sai lầm là dường như mọi lời nói, mọi việc làm của linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đều có sự đóng góp hoặc khích lệ dưới hình thức này hay hình thức khác của linh mục chui Phêrô Phan Văn Lợi. (Dĩ nhiên chúng ta cũng không quên những góp phần tích cực về phía cha hạt trưởng Nguyễn Hữu Giải).
Mặc dầu bị đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản Việt nam chỉ định nơi cư trú tại số 90/13 Phan Chu Trinh là nhà của song thân ở Phủ cam, Huế, nhưng trong suốt chiều dài cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo vừa qua, hầu như cùng một lúc ông đã phân thân có mặt ở khắp mọi nơi. Ở Hànội. Ở Sàigòn. Ở Paris. Ở Hoa thịnh đốn. Ở Little Sàigòn, thủ đô của người tị nạn. Cùng với những Lời Chứng, Lời Kêu Gọi, những Biên Bản kể tội ác cộng sản từng ngày của linh mục Nguyễn Văn Lý, tiếng nói của linh mục Phan Văn Lợi đã đến với mỗi người Việt nam trên khắp các nẻo đường thế giới, mang theo khối óc và nhịp đập trong trái tim của người mục tử đã tự nguyện hiến dâng đời mình cho Giáo hội Công giáo và quê hương Việt nam đau khổ vào một buổi sáng gió mưa tầm tã bên chái giáo đường Giang xá, Sơn tây cách đây vừa chẵn hai thập niên.
Nhân cách, thái độ cương trực và gương hy sinh của linh mục Phan Văn Lợi không chỉ được ghi nhận với tấm lòng cảm phục của những đồng bào, đồng đạo ủng hộ ông ở trong cũng như ngoài nước mà còn được bộc lộ một cách công khai, can đảm và thẳng thắn trước guồng máy cai trị của đảng và nhà nước cộng sản. Vào lúc cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo bước vào giai đoạn quyết liệt, Hànội đã khép chặt vòng vây quanh linh mục Nguyễn Văn Lý, ra quyết định quản chế ông thì các linh mục Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi cũng bị công an theo dõi gắt gao. Nhất cử nhất động của hai vị mục tử này đều có sự canh chừng, dòm ngó, theo dõi từng phút giây của tai mắt nhà cầm quyền. Riêng cha Phan Văn Lợi, ngày 7 tháng 3 năm 2001 đã nhận được giấy mời làm việc tại đồn công an Phước vĩnh số 64 đường Trần Phú, Huế vào ngày hôm sau.
Trong suốt buổi sáng ngày 8 tháng 3, trưởng đồn công an Trần Xuân và một công an viên là Nguyễn Trân đã tìm hết cách hạch hỏi cha Lợi đủ điều về chuyện đã rời khỏi nơi cư trú mấy ngày không khai báo. Buổi chiều, người thẩm vấn mới là Phạm Văn Trạch đã cùng Nguyễn Trân gợi chuyện để tìm hiểu sâu xa hơn về cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của linh mục Tađêo Nguyễn Văn Lý. Những câu trả lời khảng khái của cha Phan Văn Lợi trong dịp này đã cho người ta thấy thái độ can đảm, dứt khoát và nhất là tấm lòng yêu mến, kính phục và sự gắn bó của ông đối với vị linh mục quản xứ An truyền. Lên tiếng trả lời câu hỏi của công an viên nhà nước là ông nghĩ sao về những việc làm hiện nay của cha Nguyễn Văn Lý, linh mục Phan Văn Lợi đã nhìn thẳng vào mắt người thẩm vấn nghiêm giọng trả lời: "Tôi nhận thấy những gì linh mục Nguyễn Văn Lý đã nói, đã viết và đã làm để tranh đấu cho tự do tôn giáo đều hoàn toàn đúng. Và vì thế, tôi luôn luôn nhất trí ủng hộ cha Lý".
Qua buổi làm việc ngày 9 tháng 5 với Nguyễn Trân và một công an viên mới tên Trần Hồng Lam, cha Phan Văn Lợi tái xác nhận là ông hoàn toàn yểm trợ và tán đồng việc làm của cha Nguyễn Văn Lý về mọi mặt, trên căn bản tư tưởng cũng như hành động của vị quản xứ An truyền. Khi Trần Hồng Lam hỏi vặn, như thế phải chăng ông đồng lõa và đứng về phía linh mục Lý thì cha Lợi đã không ngần ngại xác định: "Đúng vậy! Không những tôi đồng tình với cha Lý mà còn tích cực hỗ trợ cha nữa".
Chưa hết, trong buổi thẩm cung ba ngày sau đó tại đồn công an thành phố ở số 42 đường Hùng Vương, Huế với hai tên trung tá cộng sản là Nguyễn Hòa và Phạm Đức Thuận, khi bị chất vấn là nghĩ thế nào về Lời Kêu Gọi Số 6 của linh mục Lý, trong đó cha Lý yêu cầu các nhà giáo dục trong nước bày tỏ thái độ bằng cách chấm dứt và tẩy chay việc giảng dạy chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít trong trường, với giọng nghiêm nghị linh mục Phan Văn Lợi đã mạnh dạn trả lời:
"Cha Lý yêu cầu như thế là phải. Vì chủ nghĩa Mác Lê là một học thuyết chủ trương đấu tranh giai cấp, khuyến khích đấu tố, gây hận thù giữa người với người, do đó đã là mầm mống của bao cuộc chiến tranh. Chủ nghĩa này còn là một học thuyết duy vật, ngăn cản con người hướng đến những gì là cao thượng, những gì thuộc về tâm linh, về Thượng Đế".
Gom lại tất cả những lời nói, việc làm cũng như những câu trả lời can đảm và dứt khoát của linh mục Phan Văn Lợi khi đối diện trước các cán bộ công an nhà nước, người ta có lý để nói rằng trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo được phát động từ nửa năm qua, cùng với các linh mục Lý, Giải, cha Lợi đã trở thành biểu tượng cho sự can đảm, lòng nhiệt thành và thái độ nhất quyết dấn thân làm thành trì bảo vệ lý tưởng công bằng và nhân ái trong xã hội Việt nam hôm nay. Nói cách khác, những mục tử này đã chia sẻ trọn vẹn cách nhìn và lối suy nghĩ của nhau đối với những vấn đề của quê hương và Giáo hội Công giáo trong bối cảnh bị đảng và chế độ độc tài toàn trị cộng sản chèn ép và khống chế từ mấy chục năm qua. Điều này cũng mở ra một cái nhìn tràn trề lạc quan và hy vọng khi hướng về tương lai. Cho dẫu guồng máy cai trị Hànội đã bắt giam linh mục Lý, và trong điều kiện tệ hại hơn, họ còn có thể hủy diệt mạng sống của ông, thì cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và quyền làm người của dân tộc Việt nam vẫn chưa kết thúc. Bởi lẽ giản dị là vẫn còn rất nhiều người khác sẵn sàng đứng lên nối tiếp con đường linh mục Nguyễn Văn Lý đã vạch ra, trong đó nổi bật lên những khuôn mặt vĩ đại của các linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi, những người đã từng hơn một lần ra tù vào khám, từng bị chế độ khủng bố, bạo hành nhiều phen, nhưng vẫn nhất quyết kiên trì theo đuổi lý tưởng đến cùng.
*
TÁM
Kẻ Thù Nguy Hiểm Nhất: Sự Sợ Hãi!
Trong bản tin gửi đi từ Huế ngày 29-2-2001 tường thuật chi tiết vụ cán bộ nhà nước cộng sản đến giáo xứ An truyền đọc lệnh quản chế hành chánh linh mục Nguyễn Văn Lý, có đoạn nói tới tình trạng linh mục Phan Văn Lợi bị công an của chế độ rình mò, gây khó dễ ngày đêm. Vì lo lắng cho sự an toàn sinh mạng của linh mục Lợi, có người hỏi là ông có gặp khó khăn nguy hiểm gì không thì cha Lợi bình thản trả lời như sau: "Đối với tôi, một khi đã đặt để trọn vẹn niềm tín thác nơi Thiên Chúa thì chỉ có một điều duy nhất được xem là khó khăn nguy hiểm: đó là sự sợ hãi!"
Ngoài ra, trong cuộc tiếp xúc với linh mục Phan văn Lợi qua đường giây điện thoại viễn liên hôm Thứ Năm 24-5-01 của ký giả Dương Phục, Giám đốc Little Sàigòn Radio, Houston, khi được hỏi là trước thực trạng linh mục Nguyễn Văn Lý bị cộng sản bắt và đang trong tình trạng hôn mê có thể nguy hiểm tới tính mạng vì tuyệt thực trong tù, cha có e ngại bị liên lụy và có thể bị nhà nước cộng sản trù dập không, thì với giọng trầm trầm toát ra vẻ bình tĩnh khác thường, ông nói: "Khi chọn con đường đấu tranh cho tự do tôn giáo, chúng tôi không bao giờ đặt ra vấn đề sỡ hãi trước viễn ảnh có thể bị tù tội hay bị thủ tiêu, giết chóc. Giản dị là chúng tôi đã tiên liệu và sẵn sàng đối diện với những điều tệ hại như thế có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Khi được hỏi là linh mục có muốn nhắn gửi điều gì với đồng bào và đồng đạo trong các cộng đồng Việt nam ở hải ngoại không, cha Phan Văn Lợi nói: "Cá nhân tôi cũng như tôi xin thay mặt cha Nguyễn Văn Lý nhờ quý đài chuyển lời cám ơn của chúng tôi đến tất cả mọi người thiện chí, thuộc mọi tôn giáo, vì tình yêu thương đã lo lắng cho sự an toàn sinh mạng của anh em chúng tôi. Nhưng xin mọi người hãy cầu nguyện, không phải chỉ cầu nguyện riêng cho cha Lý hay bản thân cá nhân tôi, mà hãy cầu cho tất cả đồng bào chúng ta thuộc mọi tôn giáo được sớm hưởng tự do và nhân quyền trên quê hương".
Người viết những giòng này muốn được dừng lại giây lát để cùng độc giả suy tư sâu hơn một chút chung quanh thái độ kiên cường và những câu trả lời có tính quyết liệt và dứt điểm trên đây của người mục tử họ Phan.
Giữa lúc linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, người khởi động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo vừa bị chế độ độc tài toàn trị cộng sản tống giam, sinh mạng đang như treo sợi chỉ mành và ngay bản thân cũng đang bị theo dõi, rình rập ngày đêm, khi lên tiếng nhấn mạnh không có điều gì đáng gọi là nguy hiểm ngoài sự sợ hãi, linh mục Phêrô Phan Văn Lợi không chỉ nói lên lòng can đảm dám đương đầu với mọi đe dọa tù đày, chết chóc bao phủ quanh ông. Nó còn chứng tỏ là khi cùng linh mục Nguyễn Hữu Giải quyết định đứng chung hàng ngũ với cha Nguyễn Văn Lý và giáo dân các giáo xứ Nguyệt biều, An truyền cương quyết đối đầu với đảng và nhà nước cộng sản trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, rõ ràng người mục tử họ Phan đã biết trước những gì sẽ xảy đến cho bản thân ông. Khi quyết liệt tuyên bố như vậy, linh mục Lợi hàm ý: một khi đã vượt thắng được chính mình, tức là vượt thắng được sự sợ hãi, khiếp nhược thì không có gì cản được bước chân ông tiến tới, cho dù nguy hiểm đến đâu, kể cả cái rào cản cuối cùng là cảnh lao tù và sự an toàn sinh mạng.
Ý tưởng này không phải nhất thời nảy sinh. Trái lại nó đã bám rễ sâu xa trong ông từ những ngày tháng tư năm 1975 khi quyết định chọn ở lại chia sẻ những gian nan, khốn khó cùng đồng bào, đồng đạo trong một chế độ cộng sản vô thần ác độc. Nó cũng đã ươm sâu trong tiềm thức ông vào những ngày đầu tháng 5 năm 1981 khi liều mình tới Giang xá nhận chức linh mục chui, kể cả những năm tháng dài lén lút tuyên rao Lời Hằng Sống, dù biết trước những đoạn đường chông gai, thử thách, tội tù đang chờ đợi trước mặt.
Bởi vì qua tù đày, qua thập giá, cũng như linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải và giáo chúng Nguyệt biều, An truyền, ông đã thấy trước ánh sáng hy vọng, viễn ảnh Phục Sinh. Đấy cũng là tâm trạng và thái độ của các tông đồ ngày xưa sau khi biết tin thày mình đã từ cõi chết sống lại. Từ tâm trạng hoang mang lo lắng sau khi Chúa Giêsu bị quan quyền đem đi xét xử và bị chết treo trên thập tự giá, lúc này Thần khí của sự bình an và sự sống đã đẩy xa các ông sự sợ hãi, giúp các ông vượt thắng mọi khó khăn trở ngại do kẻ thù giăng mắc để cùng nhau hân hoan bước tới.
Một cách nào đó, chúng ta có thể ví những câu trả lời trên đây của linh mục Phêrô Phan Văn Lợi và khẩu hiệu "Tự Do Hay Là Chết!" của linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý như là hai mặt của một đồng tiền, là sự gặp gỡ, đồng cảm của những tấm lòng mục tử đã thề quyết tận hiến đời mình cho Chúa Giêsu, Đấng đã đến trong thế gian với sứ vụ trọng đại là đem Tin Mừng cho người nghèo khó, tự do cho kẻ bị áp chế, lưu đày.
Trong một đoạn thơ ngắn có tiểu đề là "Ta Không Có Gì Để Sợ!", linh mục Phan Văn Lợi đã ghi lại những suy tư từng khắc sâu vào tâm khảm để trở thành châm ngôn, thành chuẩn mức cho đời ông như sau:
"Với Thiên Chúa là đấng phù trợ,
Ta thoát khỏi những ngại sợ đớn hèn:
Sợ việc tiến thân bị ngăn lối chặn đường.
Sợ quyền lực trần đời chẳng ban 'gíấy phép'
Sợ thế gian không 'thi ân, xem xét'
Sợ chẳng được đi ra nước ngoài,
Sợ những ai 'có vấn đề' với chế độ độc tài
Sợ những kẻ nắm quyền gây khó dễ
......"
Những chi tiết trình bày trên đây gợi nhớ tới những luận điệu lâu nay của một ký giả quen thuộc trong cộng đồng Việt ở hải ngoại chuyên dùng ngòi bút tiếp tay bộ máy tuyên truyền Hànội triệt hạ uy tín của linh mục Nguyễn Văn Lý và cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của ông ở quê nhà. Giữa lúc dư luận người tị nạn khắp nơi nhất loạt lên tiếng yểm trợ và bày tỏ thái độ đồng tình với cha Lý và giáo dân Nguyệt biều, An truyền thì cây bút này đã viết nhiều điều mang tính xuyên tạc, bôi bác.
Sau khi linh mục quản xứ An truyền bị nhà nước độc tài toàn trị cộng sản ra quyết định quản chế đồng thời mở chiến dịch bôi nhọ đời tư, vì muốn tỏ ra là kẻ thức thời hay còn vì một lý do thầm kín nào khác, đương sự đã huênh hoang tiên đoán là người mục tử này sắp bị bắt. Đến ngày 17-5-01 khi guồng máy cai trị cộng sản huy động một lực lượng công an vũ trang 600 người tới dùng roi điện áp đảo giáo dân An truyền và thằng thúc linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đem tống ngục, thì bằng những lý luận quá đơn giản, ông ký giả này lại tự khen tài đoán biết tương lai của mình đồng thời chê bai đám đông quần chúng và trí giả ủng hộ linh mục Nguyễn Văn Lý là không biết tiên liệu!
Chẳng cần phải là người có tài cao đoán, cũng không cần phải là người có kiến thức uyên thâm, với tầm hiểu biết và nhận định trung bình ai cũng có thể đoán biết những gì sẽ xảy đến cho linh mục Nguyễn Văn Lý khi ông quyết liệt đứng lên phát khởi cuộc đấu tranh lần này. Với quyết tâm TỰ DO HAY LÀ CHẾT, chính cha Lý đã phác họa minh bạch lộ trình mà bản thân ông và những người đồng tâm đồng chí với ông sẽ phải trải qua.
Chắc chắn nó không chỉ giới hạn trong những buổi thẩm cung ngụy trang là làm việc, những trò khủng bố, dọa nạt, theo dõi, làm khó dễ ngày đêm.Nó cũng không chỉ ngừng lại ở những biện pháp cấm đoán, quản chế theo luật rừng, những bản án tùy tiện dẫn đến cảnh lao lý tù đày. Vượt xa hơn, nó còn có thể là những chuyện ghê gớm hơn như chuyện giết chóc hay thủ tiêu! Người ta chưa quên là trước ngày linh Mục Lý bị bắt, ông đã công bố một tâm thư thành khẩn xin mọi người đừng tin những gì cộng sản có thể ngụy tạo để gán cho là lời nói hoặc thủ bút của ông, nếu một mai ông bị chúng bắt bớ, giam cầm hoặc giết hại (xin đọc nội dung tâm thư trong phần chứng từ). Tất cả những điều này đã cho thấy tính cách trơ trẽn ấu trĩ qua điều gọi là tiên liệu trên đây.
Theo dõi cuộc đời và lắng nghe những chứng từ của các linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi, sự liên tưởng khiến người viết nghĩ tới vài ba khuôn mặt lớn trong lịch sử cận đại của Giáo hội Công giáo. Đó là linh mục Maximilian Kolbe, nhân vật lừng danh tại lò sát sinh Auschwitz của Đức quốc xã ở Ba Lan trong thời đệ nhị thế chiến. Thứ hai là đức Gioan Phaolô II, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của thế giới Công giáo. Vàø khuôn mặt thứ ba là cha Jerzy Popieluszko, linh hướng của Công đoàn Đoàn kết Ba lan từ năm 1981 cho đến khi cha bị chế độ cộng sản Varsovie thảm sát ba năm sau đó, vào đêm 19-10-84. Điều trùng hợp hy hữu là cả ba đều là công dân của đất nước Ba lan, một đất nước chín mươi lăm phần trăm dân chúng là người Công giáo, và cũng là đất nước đã phải trực tiếp gánh chịu hai chế độ phi nhân khắc nghiệt nhất là chế độ phát xít Đức và chế độ cộng sản trong gần tròn một thế kỷ.
Nói tới linh mục Maximilian Kolbe là người ta nghĩ ngay tới thân phận đau thương của 6 triệu người Do thái đã chết thảm trong những lò hơi ngạt của Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai. Lòng can đảm phi thường và thái độ không hề hãi sợ cường quyền bạo lực của cha Maximilian Kolbe xuất phát từ tình yêu tha nhân xuyên qua tình yêu Thiên Chúa nơi ngài. Trong thời gian chưa bị mật vụ Đức cầm tù, lòng bao dung và gương cam đảm của vị linh mục này đã trở thành mẫu mực cho những thanh niên Ba lan đang bí mật hoạt động chống lại nhà cầm quyền phát xít.
Sau nhiều lần bị bắt, tháng 5 năm 1941, cha Maximilian bị đưa vào trại giam Autschwitz, nơi được mệnh danh là lò sát sinh của Đức quốc xã để trở thành tù nhân danh tiếng với số tù 16,670. Cha nổi danh và được nhiều người hâm mộ vì lòng nhân ái và cũng vì thái độ can đảm không hề sợ bạo lực của cha. Giữa cảnh tượng từng ngày từng giờ cả trăm, cả ngàn người bị lột quần áo, xô đẩy vào lò hơi ngạt để nhận cái chết một cách nhục nhằn tức tưởi, cha Maximilian vẫn tỏ ra bất chấp trước những đòn thù ác độc của bọn cai ngục, lớn tiếng khích lệ mọi người: "Anh em đừng sợ! Chúng ta sẽ không bao giờ khuất phục bạo quyền. Chúng không thể tiêu diệt ý chí của dân tộc Ba lan". Và chính thái độ can trường không sợ hãi này đã thúc đẩy vị linh mục giầu lòng nhân ái tự nguyện chết thay cho một người bạn tù khác vì thấy anh ta còn trẻ, có gia đình vợ con cần phải sống để có ngày được trở về đời sống tự do trong xã hội văn minh.
Với đức Gioan Phaolô II, ngay trong những lời đầu tiên sau khi được Thiên Chúa chọn làm người cầm đầu Giáo hội, trên bao lơn đối diện công trường thánh Phêrô, Ngài đã lớn tiếng nói với một tỉ tín hữu Công giáo năm châu là: "Anh Chị Em đừng sợ!" Tháng 6 năm 1979 khi trở lại viếng thăm quê hương Ba lan của Ngài lần thứ nhất, vị cha chung của thế giới Công giáo vẫn không ngừng lập đi lập lại lời nhắn nhủ trên đây trong những dịp nói chuyện với cả triệu đoàn viên Công đoàn Đoàn kết và giới trẻ Ba lan. Là người đã sống qua hai chế độ độc tài tàn ác nhất thế kỷ là chế độ phát xít Đức và chế độ cộng sản trong quá nửa đời trước khi được Thiên Chúa đặt để vào ngôi vị cầm đầu Giáo hội Công giáo, hơn ai hết đức Gioan Phaolô II đã hiểu rõ tác dụng ghê gớm của sự sợ hãi. Nó đánh gục và xoi mòn lần hồi tất cả mọi ý chí, nghị lực của con người. Nó biến con người thành những kẻ hèn hạ, không còn biết đến nhân quyền, nhân phẩm là gì. Cũng vì căn bệnh sợ hãi, người ta tự co rút lại không còn nghĩ tới ai khác mà chỉ biết có cái tôi nhỏ nhoi, ti tiện của mình. Chính từ đấy, mọi cuộc tập họp để tạo nên sức mạnh chung đều bị tan vỡ.
Vì hiểu rằng sự sợ hãi là căn nguyên sâu xa, và cũng là căn nguyên chính khiến cho 40 triệu đồng bào của Ngài phải tiếp tục kéo dài kiếp sống nô lệ trong vòng cương tỏa của chủ nghĩa cộng sản quốc tế suốt nửa thế kỷ qua, do đó đức Gioan Phaolô nắm vững yếu quyết duy nhất giúp cho tương lai đất nước Ba lan là mọi người phải vượt thắng được căn bệnh này để có thể đương đầu với mọi đe dọa của cường quyền bạo lực dù phát xuất từ Varsovie hay từ điện Cẩm linh.
Lời tâm sự sau đây của Zbigniew Bujak (người đã từng bí mật thành lập một nghiệp đoàn thương mại ngoài vòng pháp luật và đã bị chế độ săn đuổi, bị công an Ba lan thẩm vấn nhiều phen) sau khi được nghe đức Gioan Phaolô thuyết giảng, được chạm vào ánh mắt, nụ cười lạc quan, tin tưởng của Ngài, đã chứng minh tác dụng giây chuyền của lời khích lệ đừng sợ hãi. "Những nỗi sợ hãi nảy sinh trong tôi từ khi bắt đầu cuộc vận động đấu tranh chống chế độ độc tài và mối quan tâm về đoạn đường trước mặt, trước đây từng ám ảnh tôi thường xuyên. Nhưng khi bắt gặp nụ cười và ánh mắt của đức Thánh Cha, bỗng dưng tôi thấy mọi nỗi sợ hãi cùng những ưu tư ấy biến mất."[3][74]
Là người đã chọn cha Maximilian Kolbe và Giáo chủ Gioan Phaolô II làm gương mẫu cho đời mình, trong khi cùng các công nhân trong Công đoàn Đoàn kết theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền của dân tộc Ba lan, linh mục Jerzy Popieluszko thường tâm niệm không có một sức mạnh nào khiến cho cha phải chùn bước, ngoại trừ sự phản bội: phản bội chính mình, phản bội lý tưởng của mình và phản bội anh em, phản bội giáo hội, tổ quốc. Bởi lẽ theo cha Jerzy thì mặt trái của sự phản bội chính là sự sợ hãi cường quyền bạo lực!
Trung tuần tháng 12 năm 1981, các lãnh tụ đầu não của Công đoàn Đoàn kết phải rút vào bóng tối vì những đợt khủng bố man rợ của công an. Riêng những cán bộ Công đoàn thuộc nhà máy Varsovie thoát khỏi màng lưới bố ráp của chế độ đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện sự có mặt của nhau tại căn phòng của cha Jerzy. Họ tìm đến với cha vì biết cha không hề sợ hãi. Trên vách căn apartment của cha treo một tấm bản đồ Ba lan vĩ đại có đánh dấu tất cả những nhà tù giam giữ những cán bộ Công đoàn rải rác khắp nước. Khi có người hỏi là thực hiện một bức bản đồ như vậy cha không sợ sao thì được cha Jerzy trả lời: "Chỉ những kẻ cầm quyền đã dựng nên những trại giam này mới là kẻ phải sợ hãi".
Một ngày kia, một công nhân tìm tới cha Jerzy với nét mặt vừa buồn rầu vừa bối rối. Anh thú thật với vị linh mục trẻ là vì áp lực và hăm dọa anh đã phải ký vào tờ bạch khế nhận làm chỉ điểm cho công an nhà nước. Sau khi thỏa thuận về phương thức giải quyết để gỡ rối cho người công nhân, vị linh hướng của Công đoàn đã dùng chính câu chuyện của anh để đưa vào bài thuyết giảng hình ảnh của lòng trung tín và nguy cơ phản bội vì sợ hãi.
Ông lớn tiếng kêu gọi các công nhân bảo vệ người bạn can đảm và tiếp tay với anh trong việc khước từ những nhượng bộ tinh thần, vì theo cha Jerzy, để "chiến thắng áp bức, trước hết cần phải chiến thắng sự sợ hãi!"Kết quả quyết định của cha Jerzy thật bất ngờ: khi nội vụ được công khai hóa, công an nhà nước cộng sản Ba lan không những phải ngậm miệng làm thinh mà còn phải ngầm bảo vệ người công nhân này vì sợ nếu có gì xảy ra cho anh chính chế độ sẽ bị mang tiếng!
Vào lúc đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan phác họa kế hoạch thủ tiêu linh mục Jerzy theo lệnh của quan thày Mạc Tư Khoa, trong thánh lễ Cầu Cho Quê Hương hôm 26-8-1984 (ngót hai tháng trước ngày cha bị công an mật thảm sát và liệng xác xuống hồ), cha đã lớn tiếng tuyên bố trước cả chục ngàn giáo dân là "Chúng ta không phải sợ hãi điều gì. Chúng ta chỉ sợ sự phản bội!" Trong một dịp khác cha nói:
"Tôi sẵn sàng chờ đợi điều tệ hại nhất....vì không có gì đáng sợ ngoài sự phản bội!" [4][75]
Sóng vỗ lớp sau như lớp trước.
Những gì đã xảy ra trong một nước Ba lan cộng sản hai thập niên trước cũng đang tái diễn trong lòng giáo hội Công giáo và quê hương Việt nam hôm nay. Khuôn mặt lẫy lừng của cha Jerzy Popieluszko, người mục tử can trường nhỏ bé của Công đoàn Đoàn kết tại thủ đô Varsovie hai mươi năm trước đang phản chiếu trên những tên tuổi Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi và quần chúng giáo dân Nguyệt biều, An truyền trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và quyền làm người trên đất nước Việt nam từ hơn nửa năm qua. Sự liên tưởng dẫn tới sự so sánh kể trên. Thực ra, dù ở Đông Âu, ở Nam Mỹ, ở Trung hoa hay ở Việt nam thì những thôi thúc của Tin Mừng nơi con cái Chúa, con cái của tự do vẫn chỉ là một. Những gì linh mục Lý, linh mục Giải, linh mục Lợi và quần chúng giáo dân Nguyệt biều, An truyền đã, đang và sẽ phản ứng trước những thế lực sự ác hiện nay chỉ là hoa quả tất yếu của Tin Mừng, của một niềm tin vàng đá.
*
CHÍN
Sẵn Sàng Chờ Điều Tệ Hại Nhất!
Trước khi chế độ cộng sản Ba lan sụp đổ dẫn tới sự cáo chung hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản quốc tế vào cuối thập niên 90, đã có sự đóng góp công lao, ý lực kể cả máu đào của biết bao công dân đất nước này, trong đó bao gồm cả những giám mục và linh mục Công giáo. Trong thời gian tuyên bố tình trạng thiết quân luật, ít nhất đã có một giám mục và một tu sĩ Ba lan bị cộng sản thủ tiêu dưới hình thức ngụy tạo những tai nạn xe cộ trong đó có bóng dáng của bọn công an mật của Varsovie. Đó là đức cha Kazimierz Kluz và thày dòng Honoriusz Kowalezyk.
Chính linh mục Jerzy Popieluszko cũng đã may mắn tránh được hai vụ tai nạn tương tự do nhà nước dàn dựng vào mùa hè năm 1984, không kể vụ nổ bom trong phòng ngủ của cha vào năm 1982, trước khi điều ông mệnh danh là tệ hại nhất xảy ra. Đêm 19-10 năm 1984 cha Jerzy đã bị ba sĩ quan mật vụ Ba lan bắt cóc rồi bạo hành đến chết và liệng xác xuống hồ gần sông Vistula cách thủ đô Varsovie 30 dậm để mong phi tang! Trước đó, để trấn an mối âu lo của thân nhân, bằng hữu, Cha jerzy âm thầm lập lại niềm xác tín của ông như sau: "Là linh mục, tôi phải theo đuổi con đường công
chính đến cùng.... Và điều tệ hại nhất họ có thể gây ra cho tôi là giết chóc về thể xác!"
Nhìn lại đoạn đường của linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý trong cuộc vận động đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền Việt nam lâu nay, có nhiều chỉ dấu cho ta thấy ông đã đi theo tiếng gọi của Tin Mừng Chúa Giêsu mà người mục tử trên đây của Giáo hội Công giáo Ba lan cũng đã đi qua hai thập niên trước. Xuyên suốt dọc dài 26 năm kiên trì tranh đấu của cha, với bao phen bị theo dõi, đe đọa, quản chế, vào tù ra khám, và qua những tuyên ngôn, những lời chứng, lời kêu gọi cùng những lời tuyên bố quyết liệt và dứt khoát khơi nguồn từ châm ngôn TỰ DO HAY LÀ CHẾT!, dư luận trong và ngoài nước đã nhìn ra khía cạnh khác biệt nền tảng trong cuộc đấu tranh của cha Lý lần này nếu đem đối chiếu với tất cả những cuộc vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt nam từ trước đến nay. Trong tác phẩm Hiện Tượng Nguyệt Biều, gs Đỗ Mạnh Tri viết: "Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ sau Nguyễn Văn Lý không thể như trước Nguyễn Văn Lý nữa" [5][76].
Và khuôn mặt tiếp nối lý tưởng của linh mục Tađêô không ai xứng đáng hơn linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, người mục tử được tù nhân lương tâm danh tiếng là đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặt tay truyền chức chui vào một ngày mưa gió tại nhà thờ Giang xá, giáo phận Sơn tây cách đây vừa chẵn hai thập niên. Cũng như linh mục Jerzy Popieluszko và linh mục Nguyễn Văn Lý, ngay từ phút giây được xức dầu để hân hạnh chia sẻ thánh chức linh mục của Chúa Giêsu, người mục tử họ Phan đã thâm cảm rằng: là linh mục ông có bổn phận theo đuổi con đường công chính đến cùng cho dù có phải chấp nhận điều tệ hại nhất là sự chết!
Người ta đọc được mối thâm cảm này nơi ông qua những câu ông phát biểu trong các cuộc phỏng vấn đó đây, qua một trời tâm sự ông gửi gấm trong những vần thơ chất ngất hào khí của đức tin và dạt dào tình yêu đối với tha nhân và giáo hội, cùng những điều ông nói thẳng vào mặt những cán bộ cộng sản khi thẩm vấn ông.
Trong buổi làm việc tại đồn công an Phước Vĩnh ngày 9 tháng 3 năm 2001 với hai cán bộ công an nhà nước là Trần Hồng Lam và Nguyễn Trân, trả lời những câu hạch hỏi về mối liên hệ giữa ông và cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của linh mục Nguyễn Văn Lý, cha Phan Văn Lợi nói: "Tôi không có thói quen khai báo về những liên hệ bạn bè. Các chiến hữu của các anh, khi đứng trước kẻ thù, có khai về các đồng chí của mình không? Tôi cũng vậy. Tôi yêu cầu các anh lần chót là đừng bao giờ hỏi tôi về đệ tam nhân, cũng như đừng hỏi là tôi đã giúp cho cha Lý như thế nào. Các anh không có quyền được biết điều này. Các anh muốn xử lý: quản chế, cầm tù, hay xử bắn tôi, tùy các anh. Tôi chẳng có gì để mất cả! Là người tu hành, đối với tôi sống hay chết đều như nhau. Ngồi tù hay ở ngoài đời, tôi đều có thể làm chứng nhân và ngôn sứ".
Kể từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4, linh mục Phan Văn Lợi tiếp tục bị gọi tới đồn công an thành phố nhưng cha quyết định giữ im lặng tuyệt đối, sau khi viết một bản tuyên cáo trao cho nhân viên thẩm vấn với nội dung như sau: "Tôi, linh mục Phêrô Phan Văn Lợi tuyên bố rằng: 1/ Những gì cần khai báo tôi đã khai báo đầy đủ. 2/ Những ý kiến và lập trường cần bày tỏ tôi đã bày tỏ rõ ràng. 3/ E-mails không có giá trị pháp lý, vì có thể thật cũng như có thể giả. Đọc lén e-mail là xúc phạm quyền bí mật thư tín đã nói trong Hiến pháp và công ước quốc tế về nhân quyền. 4/ Hạch xách tôi về chuyện gửi e-mail là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, dựaa trên điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Vì thế tôi sẽ giữ im lặng đẩ phản đối chuyện áp bức một công dân và đàn áp tôn giáo qua một linh mục là tôi".
Chiều ngày 6 tháng 4, vì bực tức trước thái độ im lặng tuyệt đối của linh mục Phan Văn Lợi, để trừng phạt và với thâm ý khủng bố tinh thần, hai công an thẩm vấn đã ra lệnh cho cha Lợi phải trở lại đồn làm việc ngày hôm sau là ngày thứ Bảy kể cả những ngày kế tiếp nhằm Tuần Thánh chuẩn bị mừng lễ Phục sinh của người Công giáo. Giữ vững nguyên tắc không nói, cha Phan Văn Lợi viết xuống cho công an hiểu là ông dứt khoát không trở lại ngày hôm sau cũng như trong suốt Tuần Thánh vì còn phải chu toàn bổn phận thiêng liêng của người linh mục.
Vì muốn chứng tỏ uy quyền, trung tá công an Phạm Đức Thuận nói như ra lệnh: "Ngày mai, Thứ Bảy anh phải đi 'làm việc'. Ngoài ra, không có bổn phận thiêng liêng nào quan trọng bằng bổn phận của người công dân đối với nhà nước hay bổn phận khai báo với cơ quan công an". Trước thái độ hống hách của công an Thuận, cha Lợi đã bày tỏ thái độ dứt khoát của ông khi cầm bút viết: "Tôi nhất định không đi! Các anh có muốn bắt tôi thì cứ bắt. Bắt cha Lý hơi khó vì cha còn có 800 bổn đạo bảo vệ ngài. Bắt tôi dễ hơn nhiều, vì bên cạnh tôi chỉ có cha mẹ già và đứa em gái yếu đưối của tôi mà thôi!" [6][77]
Dưới tiểu đề "Ta Không Có Gì Để Mất" trong một bài thơ dài "Ta Không Có Gì Để....", của linh mục Phan Văn Lợi, người ta đọc được những vần thơ cảm khái đầy khí phách anh hùng, dũng liệt của những ai dám sống theo tinh thần tự do của Thần Khí và nội dung siêu thoát của Tin Mừng, bất kể sống chết sau đây:
Thiên Chúa đã đủ cho ta: trọn vẹn, dồi dào,
Mất quyền lợi ư? Ta muốn bị coi là hạng người nào?
Mất mạng sống ư? Tôn sư ta cũng là người như thế!
Mất an nhàn ư? Tổ tiên ta cũng đâu sá kể!
Với niềm tin: công lý tất thắng gian tà,
Niềm mến yêu đức Giêsu hiến mình tử nạn,
Niềm cậy trông sức mạnh của Thánh thần sự thật.
......"
Ý tưởng sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ niềm tin Kitô và quyền sống, quyền tự do của con người nơi linh mục Phan Văn Lợi còn được tìm thấy trong những câu kết thúc bài "Chứng Nhân" như sau:
"Con sẽ làm chứng nhân bằng cái chết,
Nếu đó là ân huệ Chúa thương ban,
Dẫu thân con thật bất xứng vô vàn,
Một cái chết trong cô đơn sầu tủi,
Một cái chết trong âm thầm, tăm tối,
Để vinh quang, quyền lực Chúa bừng lên,
Để người người không thẹn với tổ tiên,
Và bạo lực lui dần vào bóng tối".
Trong một lá thư dài gửi giáo sư Đỗ Mạnh Tri, linh mục Trần Xuân Tâm và cá nhân người viết qua mang lưới điện toán ngày 5 tháng 6 năm 2001 từ cố đô Huế, linh mục Phan Văn Lợi nhấn mạnh: "...Cha Giải và tôi lúc này thì xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nếu Chúa chưa cho phép thì chẳng ai đụng tới mình được cả. Còn nếu Chúa muốn để chuyện 'mệnh hệ' xảy tới, thì đó là hồng ân, xin cảm tạ và chúc tụng danh Ngài. Một tuần trước khi bị bắt, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý đã nói với tôi những lời sau đây: 'Nếu bây giờ mà chúng ta chết thì cũng đã hoàn thành sứ mệnh. Chúng ta đã nói những gì cần nói và đã làm những gì cần làm rồi.'"
Trong một điện thư khác gửi cùng ngày cho anh Nguyễn Duy Sinh thuộc nhóm thánh Tôma Thiện, cha Lợi viết: "Mình vẫn còn sống đây (nghĩa là chưa bị bắt) đang ở nhà, ngày đêm có từ 10 đến 20 công an túc trực 'bảo vệ an ninh'. Từ đầu tháng tư, mình bị quản chế nghiêm nhặt, nhưng không văn bản, chẳng đi đâu được. Ra khỏi nhà vài bước là có 'bạn dân' dàn chào! Mọi liên lạc do đó rất khó khăn, kể cả bằng e-mail. Địa chỉ e-mail cũ thì bị chúng nó phá. Cũng may là còn có những người bạn can đảm (hầu hết là giáo dân, vì các cụ nhà mình chắc bị ngăn chặn kỹ!) giúp gửi và nhận e-mail ...nên tạm thời lâu lâu còn liên lạc được với người thân bên ngoài...."
*
MƯỜI
Những Chứng Nhân Tử Đạo Mới
Trong những thế kỷ trước, biết bao lần tiền nhân ta đã chứng tỏ cho quyền lực thế gian thấy rõ niềm tin vàng đá của các ngài bằng cách vui vẻ và hiên ngang chấp nhận cái chết. Bất chấp mọi cực hình dã man, tàn bạo của vua quan thời phong kiến, trong những điều kiện và thời điểm khác nhau, hàng trăm ngàn tín hữu Việt nam thuộc đủ mọi giai tầng xã hội đã can đảm lấy máu mình để làm chứng cho đức tin Công giáo. 117 chân phước được đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị nhân danh Giáo hội hoàn vũ suy tôn lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 chính là biểu tượng sáng ngời cho niềm tin son sắt của tiền nhân ta.
Trong thực tế, những hình thái trực tiếp bách đạo và chịu tử đạo như thời xa xưa ngày nay không còn nữa. Giữa một thế giới mở rộng, được gọi là văn minh trong đó những quyền năng phổ quát được quy định thành những văn kiện, và trên nguyên tắc, buộc mọi thể chế chính trị phải tôn trọng, nhưng những thế lực thù nghịch với tôn giáo vẫn tìm ra trăm phương nghìn kế thâm độc nhằm bóp chết quyền tự do tín ngưỡng của con người. Kinh nghiệm cay đắng của hơn nửa thế kỷ sống dưới chế độ độc tài toàn trị vô thần cộng sản, người tín hữu Công giáo Việt nam đã phải trải qua biết bao gian nan khốn khó trong nỗ lực duy trì, bảo vệ và phát triển niềm tin.
Ngay từ khi cướp được chính quyền, ngoài mặt những người cộng sản luôn miệng tuyên bố là họ tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tư tưởng tự do tín ngưỡng của người dân. Hơn thế, điều này còn được quy định trên giấy trắng mực đen trong hiến pháp của chế độ. Sau ngày thôn tính được miền nam, họ còn công khai tuyên bố nhìn nhận tất cả những tuyên ngôn, những công ước quốc tế ấn định những quyền năng căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, nói vậy nhưng trong thực tế không phải vậy!
Sau cái gọi là cách mạng mùa thu năm 1945, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhà cầm quyền bắt đầu tìm mọi thủ đoạn thâm độc để kiểm soát và khống chế hầu truy diệt các tôn giáo. Riêng với giáo hội của Chúa Kitô, họ áp dụng biện pháp chia để trị một cách tinh vi. Trước hết, nhân danh quyền dân tộc tự quyết, một mặt họ trục xuất lần hồi các giáo sĩ thừa sai người ngoại quốc, mặt khác họ vuốt ve lòng tự ái dân tộc của một số linh mục, tu sĩ và giáo dân bản xứ. Với thủ đoạn này, ngay từ bước đầu họ đã thành công phần nào trong việc lôi kéo được một thiểu số linh mục, tu sĩ nhẹ dạï, và qua nhóm này họ đã hình thành một tổ chức tay sai mệnh danh là Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo ở miền bắc. Tổ chức này chính là tiền thân của cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước sau tháng tư năm 1975 ở miền nam.
Chính cái tổ chức, mà theo cách gọi tên của giáo sư Nguyễn Ngọc Lan là tổ chức trung gian gây rối này đã là căn nguyên tạo ra biết bao đau thương, thống khổ cho giáo hội Công giáo Việt nam từ mấy chục năm qua. Nó đã trở thành công cụ, một thứ bàn tay nối dài của đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản, giúp chúng thực hiện lần hồi dã tâm bóp nghẹt mọi sinh hoạt trong giáo hội. Cả trăm cả ngàn cơ sở tôn giáo, từ trường học, nhà thương, chủng viện, trú sở các dòng tu đã bị tịch thu dưới hình thức cưỡng bách dâng hiến. Từ đấy, việc tuyển sinh, truyền chức linh mục, đặt để giám mục đã bị cấm đoán nghiệt ngã vừa bằng bao lực vừa bằng những thủ đoạn gian dối, lọc lừa. Song song với những hành vi dọa nạt, khủng bố bằng vũ lực, họ giương lên những chiếc bẫy êm ái, nhằm xoi mòn lòng kiên nhẫn cũng như lập trường người tín hữu, nhất là những thành phần đầu não trong Giáo hội.
Qua trung gian của UBĐKCG một cơ cấu nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc do đảng và nhà nước cộng sản dựng lên, một tiền lệ xấu bắt đầu nảy sinh. Đó là mọi chuyện lớn nhỏ trong giáo hội đều phải xin phép đểå được nhà nước cho phép. (Xin phép tổ chức hội nghị thường niên của HĐGM. Xin phép nhà nước phê chuẩn danh sách ứng viên đi tu. Xin phép chế độ được truyền chức linh mục. Xin phép nhà nước duyệt bài sai cử một linh mục cai quản một giáo xứ.
Xin phép xây, sửa nhà thờ. Xin phép qua Rôma hoặc xuất ngoại đây đó. Nói chung, tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong giáo hội đều phải xin phép!) Dĩ nhiên việc cho phép kèm theo những điều kiện để được chấp thuận, bằng không họ sẽ thẳng tay bác bỏ! Từ chuyện xin phép và cho phép đã dẫn tới những cảnh chạy chọt, lo lót khiến cho kẻ có quyền thêm cớ để coi thường các đấng bậc trong giáo hội và gia tăng những biện pháp đàn áp, không chế những sinh hoạt cần thiết trong đời sống đức tin. Khi xuất hiện những tệ trạng này thì có nhiều bằng chứng cho thấy lần hồi cốt lõi của niềm tin Kiô giáo đã bị xoi mòn, để rồi sớm muộn một ngày nào đó sẽ bị băng hoại. Khi ấy, nếu không có ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, không cần phải có tài tiên tri người ta cũng thấy trước là tương lại Giáo hội Việt nam sẽ đi về đâu?
Vì biết rõ bản chất tệ hại của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo nên ngày 8 tháng 3 năm 1982, Thánh bộ Giáo sĩ đã chính thức gửi tới Hội đồng Giám mục Việt nam một tuyên cáo với nội dung "cấm các giáo sĩ, các linh mục làm chính trị, không được thành lập và tham gia các hiệp hội có tính cách chính trị". Tuân hành tinh thần tuyên cáo trên đây, thuở sinh thời đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền Tổng giám mục giáo phận Huế đã nghiêm cấm các linh mục không được gia nhập UBĐK.
Đấy là lý do khiến nhà cầm quyền cộng sản đã cưỡng bách ngài tới sở Công an Thừa thiên 'làm việc' tổng cộng 120 ngày trong thời gian từ đầu tháng tư đến giữa tháng 10 năm 1984. Khi bị chất vấn về điều nghiêm cấm này hôm 15-10-84, đức cha Điền đã thẳng thắn nhắc lại nội dung tuyên cáo đồng thời nhấn mạnh là ngài phải tuân hành luật lệ của Thiên Chúa hơn luật lệ của con người. Chỉ một sự kiện này đã đủ cho người ta thấy thực chất của cái gọi là UBĐKCGYN không gì khác hơn là một tổ chức trung gian tay sai của chế độ!
Sự liên tưởng khiến người viết những giòng này nhớ tới câu trả lời rành rọt của đức cha Nguyễn Minh Nhật với tư cách Chủ tịch HĐGMVN trong cuộc phong vấn của báo Églises d'Asie đầu năm 1991. Khi được hỏi là đức cha nghĩ gì về UBĐKCG, ngài trả lời nguyên văn bằng Pháp ngữ như sau: "Le comité (d'Union de catholiques Patriotes) détient l'unique journal catholique du Sud-Vietnam. Cependant l'un comme l'autre doivent être considérés plutôt comme des organes de l'Etat. Les articles du journal sont toujours en faveur de la politique gouvernementale et sont très souvent critiques vis-à-vis de l'Eglise. Ils ne donnent pas une idée juste de l'Eglise du Vietnam...Deux des représentants (du Comité) m'ont apporté une lettre dans laquelle ils se plaignent d'être soupconnés à la fois par le gouvernement et par la hiéarchie catholique qui les considère comme un instrument de contrôle du gouvernement. Je leur ai répondu que ces soupcons étaient fondés. Il ont perdu la confiance des catholiques" [7][78]
(Tạm dịch: UBĐKCG nắm tờ báo Công giáo duy nhất (tờ Công giáo & Dân Tộc). Cả hai (UB và tờ CG & DT) phải được xem là những bộ phận của nhà nước. Những tiết mục trong tờ báo luôn luôn nghiêng về phía nhà cầm quyền trong khi thường xuyên chỉ trích giáo hội. Nó không cung ứng cho người đọc một ý niệm trung thực về giáo hội... Hai đại diện (của Ủy ban này) đã trao cho tôi một bức thư trong đó các đương sự than phiền là một mặt họ bị nhà cầm quyền nghi ngờ và mặt khác lại bị giáo quyền coi họ như một công cụ trong tay nhà nước. Tôi đã cho họ biết là những sự hoài nghi đó có nền tảng, bởi vì họ đã mất lòng tin của những tín hữu Công giáo rồi.)
Những sự kiện phức tạp trên đây đã khiến cho những người đang sống trong lòng giáo hội Công giáo ở quê nhà muốn sống thực niềm tin cũng như muốn bảo vệ và phát triển niềm tin của mình càng ngày càng trở nên khó khăn trong cảnh ngộ trên đe dưới búa hiện nay. Các linh mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải và những giáo dân Nguyệt biều, An truyền và biết bao tín hữu vô danh khác đang là những kẻ lội ngược giòng. Nói cách khác, họ không chấp nhận thái độ a tòng với sự ác, với kẻ thù của niềm tin và đang chịu tử đạo từng ngày, từng giờ dưới nhiều dạng thức khác nhau cho dẫu bị bạo quyền gán cho những tội danh không liên hệ gì tới những hành vi làm chứng tá cho niềm tin kitô giáo của họ. Điều mỉa mai là họ còn bị chính những đồng đạo của mình, kể cả một thiểu số trong hàng giáo phẩm, nhân danh điều gọi là đường hướng, chính sách cao xa của giáo hội để mỉa mai, chỉ trích và để biện minh cho thái độ ngoảnh mặt làm thinh trước những đòn thù mà chế độ độc tài toàn trị cộng sản Hànội không ngừng giáng xuống những giáo dân và giáo sĩ đã và đang can đảm làm chứng cho Tin Mừng kể trên!
*
MƯỜI MỘT
Khi Cha Lợi Suy Tư Về Tử Đạo
Như đã nói, những người còn muốn sống thực niềm tin và muốn bảo vệ và phát triển niềm tin của mình trên quê hương hôm nay, tuy không phải vươn cổ chịu chém đầu hay phanh thây như tiền nhân xưa, nhưng quả thực họ đang phải chấp nhận tử đạo từng ngày, từng giờ dưới nhiều dạng thức khác nhau. Ngày linh mục Nguyễn Văn Lý bị 600 công an vũ trang cộng sản thằng thúc đem đi tống ngục đã chẳng làm ông ngạc nhiên. Hơn một phần tư thế kỷ trước, sau cơn địa chấn 30 tháng 4 năm 75 chụp xuống thân phận giáo hội và quê hương, ông đã rời Sàigòn lặn lội ra Huế chấp nhận ở lại trong hỏa ngục đỏ khi biết trước những đoạn đường chông gai đang chờ trước mặt. Mười năm tù đày khốn khổ tiếp theo những thời khoảng bị quản chế, bị làm khó dễ trăm bề đã chẳng đốn ngã được linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý.
Cuối năm 2000, nhân kỷ niệm 6 năm bản Tuyên ngôn mười điểm, một lần nữa ông lại đứng lên trực diện với bạo quyền cộng sản, cùng giáo dân các xứ Nguyệt biều, An truyền và những linh mục đồng tâm đồng chí trương cao khẩu hiệu TỰ DO HAY LÀ CHẾT! Hơn ai hết, cha Lý cũng như các linh mục Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi và giáo chúng Nguyệt biều, An truyền đang quyết liệt đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho quyền sống và quyền làm người trên quê hương Việt nam đã nhìn thấy trước đoạn đường tử đạo của mình. Riêng với người mục tử họ Phan, con đường này đã được vẽ ra trong tâm hồn thi sĩ của ông từ những ngày nào xa lắm. Cảm nghiệm một cách sâu xa tâm tình các bậc tiền nhân tử đạo ngay từ buổi bình minh của giáo hội Việt nam, linh mục Phan Văn Lợi đã viết bài "Lời Trần Tình Của Vị Tử Đạo" với những vần thơ cảm khái như sau:
"Đường phụng sự Chúa ta đi,
Vua quan lộng quyền đứng ra chặn lối!
Ta không rút lui sợ hãi,
Không quỳ gối van lơn,
Không hối lộ mua đường,
Nhưng cương quyết hỏi cho ra nhẽ"
Đấy là âm hưởng lời trần tình ngay thẳng đầy hào khí của tiền nhân tử đạo ngày xưa. Nhưng đấy cũng là tâm sự của người mục tử đang hiên ngang tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu và đạo của Ngài hôm nay, giữa những ngày tháng đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Trước sự lộng hành của một chế độ phi nhân bản, vô tôn giáo, đang thi hành những thủ đoạn lọc lừa gian giối để ru ngủ niềm tin của người tín hữu Chúa Giêsu, người thơ họ Phan đã gửi tấm lòng trung liệt của ông vào những vần thơ:
"Ta đâu nghĩ quyền tự do tôn giáo,
Quyền làm người là ân huệ thí ban,
Do 'lòng tốt' của kẻ nắm quyền,
Để nức nở khen lao rối rít!
Ta chẳng ngồi chờ 'trên ban giấy phép',
Chẳng bằng lòng với khuôn khổ áp đặt bất công,
Lên sinh hoạt đạo, việc bổ nhiệm thủ lãnh cộng đồng,
Việc chiêu sinh, đào luyện hàng linh mục, tu sĩ!
Vì lợi ích các linh hồn, ta quyết chí,
Những gì công khai được thì sẽ công khai,
Nhược bằng không, thì cứ bí mật làm 'chui'
Con cái Chúa luôn tự do, có gì mà lo sợ!
Ưu tư của ta là vấn đề nhân sự,
Có những tông đồ can đảm chứng nhân.
Chứ không là cơ sở bề thế khang trang,
Linh đình rước xách, huy hoàng lễ hội!
....."
Trong trái tim linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, sống và thực hành niềm tin Kitô giáo giữa xã hội loài người hôm nay không phải chỉ là bảo vệ Giáo hội, là chống lại những thế lực phá hoại đức tin Công giáo, mà hơn thế còn phải là bàn tay nối dài của Chúa Giêsu làm sáng lên sứ điệp của Người gói ghém trong Tin Mừng thánh Luca đoạn 4, câu 18,19: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa".
Khơi nguồn từ lời Kinh Thánh trên đây, bước đường tranh đấu gian khổ của linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi không chỉ giới hạn trong phạm vi Giáo hội hoặc quyền lợi của nhà thờ mà còn quảng đại vươn tới tha nhân, tới quyền sống, quyền tự do của con người, nói chung. Vì quan niệm rộng rãi như vậy, cũng trong bài thơ kể trên, linh mục Lợi viết:
"Ta chẳng bo bo chăm lo quyền lợi,
Của cộng đồng, của đạo giáo ta thôi,
Nín câm trước những vi phạm quyền người,
Lo cho con người cũng là lo cho con Chúa".
Hình ảnh người tử đạo trong tôn giáo thường được con cháu Thái dương thần nữ đồng hóa với hành vi của những phi công trong phi đội thần phong của Nhật bản từng anh dũng hi sinh mạng sống lái phi cơ lao vào ống khói các tàu chiến đồng minh trong thế chiến thứ hai. Hình ảnh này cũng được những người Mác-xít Lê-nin-nít đem sánh ví với những anh hùng liệt sĩ trong chế độ cộng sản, những kẻ từng ôm bom chấp nhận cho nổ banh xác khi nhảy vào xe tăng của quân thù. Những người phát xít cũng như những người cộng sản đều cố tình không nhận ra một khía cạnh khác biệt nền tảng giữa những người chấp nhận cái chết cho một niềm tin tôn giáo với những người hi sinh mạng sống cho một ý thức hệ chính trị trong đời thường. Sự khác biệt đó là: một đàng chấp nhận cái chết khi lòng vẫn đầy ắp lửa hận thù trong khi một đàng cũng chấp nhận cái chết nhưng với tinh thần bao dung, tha thứ và tràn ngập yêu thương.
Những vần thơ sau đây trong bài "Lời Trần Tình Của Vị Tử Đạo" của linh mục Phan Văn Lợi đã nói lên trọn vẹn sự khác biệt nền tảng ấy.
"Nhưng dẫu gánh chịu ngàn muôn khốn đốn,
Ta vẫn không nguyền rủa kẻ gia hình,
Không dùng bạo lực đáp trả cường quyền,
Không nắm đấm đưa lên đòi nợ máu!
Không truyền lệnh trả thù cho con cháu,
Không đe dọa làm ma ám hiện về,
Không trù ẻo một cái chết thảm thê,
Cho kẻ tước của ta tự do, mạng sống.
Lòng ta hằng yêu thương và trông ngóng,
Những kẻ bách hại ta hiểu một điều:
Họ đã quên đi yếu tính của con người,
Là tôn trọng, yêu thương, giúp nhau tìm chân lý.
Bởi thế, với ơn Chúa, ta đà quyết chí,
Sống thẳng, nói thật, chết hiên ngang.
Để những kẻ áp bức bạo tàn,
Biết hồi tâm mà suy nghĩ lại".
[1][72] Nội dung vở kịch Dâng Con Cho Mẹ đại khái như sau: Một cặp vợ chồng nhà kia có hai con (một đứa đã 18 tuổi, còn đứa kia mới mấy tháng người mẹ bồng trên tay) chở nhau trên hai chiếc xe đạp từ Huế ra La Vang với ý định dâng hai con cho Mẹ, hứa xin cho chúng đi tu sau này. Ra đến Mỹ chánh thì công an chặn lại, bị phạt vì chở quá tải (ông chồng chở bà vợ trong khi bà vợ lại ẵm đưa con trên tay). Trong lúc miễn cưỡng phải ngừng lại bên đường thì có một xe chở các nữ tu cũng bị chặn lại vì đi ra ngoài tuyến đường được phép. Nhất quyết không trở lại Huế theo lệnh công an, mọi người hợp ý quỳ xuống bên đướng hướng về La Vang cầu nguyện. Trước tình thế ấy, công an đành phải cho mọi người lên xe đi tiếp. Ra đến nơi cặp vợ chồng này gặp một cặp vợ chồng trẻ khác bế theo một đứa con trai nhỏ với cùng một ý hướng. Tất cả cảm động cùng quỳ bên nhau hướng lên đài Đức Mẹ La Vang với lòng thiết tha khấn hứa xin "Dâng Con Cho Mẹ". Vở kịch khiến người ta liên tưởng tới cuộc hành hương do cha Lý hướng dẫn trước đó không lâu. Và đấy là lý do khiến Cha Lợi và bốn cựu chủng sinh bị bắt.
[2][73] Xin đọc chi tiết bản tường trình ở phần hai bao gồm những chứng từ của cha Phêrô Phan Văn Lợi.
[3][74] "Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tượng Đức Gioan Phaolô II" – Biên khảo của Trần Phong Vũ, Tin Vui xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 7-1997, trang 136.
[4][75] Đọc trong phần ba, phụ lục bản địch Việt ngữ bài tường trình của John Fox "Murder of a Polish Priest" đăng trên Reader's Digest số phát hành tháng 12-1995. Bản dịch này xuất hiện lần đầu trên tạp chí Đường Sống số dặc biệt phát hành nhân dịp tưởng niệm 30 tháng 4 năm 1986 và sau đó được đưa vào soạn phẩm "Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tượng Đức Gioan Phaolô II" từ trang 515 đến trang 539.
[5][76] "Hiện Tượng Nguyệt Biều" của Đỗ Mạnh Tri, do Tin Vui ấn hành tháng 3-01 tại Hoa Kỳ, trang 87-88.
[6][77] Bản tường trình từ Huế ngày 6-4-01 trong phần thứ hai, Chứng Từ Của Linh Mục Phan Văn Lợi.
[7][78] Nhật ký 1990-1991 của Nguyễn Ngọc Lan do nhà xuất bản Tin ở Paris ấn hành, trang 237. Chứng từ này cũng được đưa vào bài đọc lại Nhật ký NNL trong tác phẩm "Một Thoáng Nhìn Về..." trang 476.