Friday, September 11, 2009

Chúng ta học được gì qua hành động tự sát của DGM John Joseph ?


http://www.vietcatholic.net/pics/PAKISTAN_-_0507_-_Mons__John.jpg

 

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ

QUA HÀNH VI TỰ SÁT CỦA GIÁM MỤC JOHN JOSEPH?

 

* Lề luật trong Giáo Hội Công Giáo nói gì về hành vi tự sát?

* Đức Giám Mục John Joseph tự tìm cái chết để phá vỡ

  "nền văn hóa thinh lặng" trước sự ác.

* Chúa Giêsu đến không phải để phá bỏ nhưng để hoàn chỉnh Lề luật.

* Bài học hôm nay

Trần Phong Vũ

 

Giáo lý Giáo Hội Công Giáo về tự sát

 Số 2280: Mỗi người chịu trách nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống [….] Chúng ta không có quyền định đoạt về mạng sống của mình.

Số 2281: Tự sát nghịch với khuynh hướng tự nhiên … Lỗi phạm nặng nề đến tình yêu chính đáng đối với bản thân. Tự sát còn xúc phạm đến tình yêu đối với người thân cận […] Tự sát đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa hằng sống

Số 2282:  […] Luân lý cấm cộng tác vào việc tự sát. Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm.

Số 2283: Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ […] Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.

 Hai tác giả Lê Thiên và Lê Tinh Thông đã trích dẫn những đoạn giáo lý của GHCG trên đây trước khi bắt đầu bài viết về trường hợp tự sát của đức cha John Joseph, Giám mục Chính tòa Giáo phận Faisalabad, trong mục Gương Sống Đạo Giữa Đời do hai anh phụ trách trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số 70 phát hành tháng 9 năm 2007. Dựa vào những chi tiết về cuộc đời, quá trình bảo vệ nhân quyền và nhất là tâm thức của người mục tử đầy lòng yêu thương và quả cảm trong Giáo Hội Công Giáo Pakistan, người viết bài này muốn cùng độc giả suy tư, bàn giải và rút ra một bài học cho đất nước, cách riêng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay.

 I.- Quyền tối thượng của Thiên Chúa trên sự sống

 Sự sống của con người đến từ Thiên Chúa và do Thiên Chúa định đoạt. Điều Răn Thứ Năm trong Thập Điều ghi rõ: Chớ Giết Người!. Điều răn này bao hàm luôn cả luật cấm không được tự ý lấy đi mạng sống của chính mình (tự sát).

 Như thế, trên nguyên tắc, hành vi tự sát là một trọng tội được qui định rõ ràng bằng giấy trắng mực đen trong sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Từ Điều Răn Thứ Năm trong Thập Điều, Giáo Hội cũng coi hành vi phá thai là giết người và ngăn cấm người mẹ không được triệt hủy bào thai trong lòng bà ở bất cứ giai đoạn nào, dù biện minh thai nhi là phần thân thể của chính mình để tự cho mình cái quyền được giữ lại hay giũ bỏ.

http://www.irw.org/upload/images/pakistan043008.jpg

 Cùng một tâm thức như thế, người thày thuốc không được áp dụng y thuật để giúp người mắc những chứng bệnh nan y tìm kiếm cái chết êm dịu cho đương sự.

Tuy vậy, qua hai số 2282 và 2283 trong sách giáo lý, Giáo Hội Công Giáo mở ra một cái nhìn khác cho khách bàng quan khi nghĩ về số phận chung cuộc của những người tự ý kết liễu đời mình. Giuda Iscariot, một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu đã treo cổ tự tử sau khi nhận 30 đồng bạc của giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy để bán đứng Chúa Giêsu cho kẻ ác. Hiểu giáo luật một cách vô cảm, khô cứng, người ta thường mang định kiến là với hành vi treo cổ tự sát, Giuda đã mất linh hồn, sa hỏa ngục đời đời. Nó gần như một chuyện đương nhiên không cần tranh cãi!

 Nhưng nếu được trang bị bằng cặp mắt nhân hậu của Chúa Giêsu để nhìn sâu vào tâm trạng đớn đau tuyệt vọng của Giuda, với vai trò định mệnh làm môi giới cho kẻ ác đóng đinh Chúa Giêsu, khi chứng kiến tận mắt cảnh Thày mình bị đem đi luận giết, người tín hữu vẫn có được những ý nghĩ bao dung là lòng thương xót bao la của Thiên Chúa sẽ có cách cứu vớt ông vào phút chót. Bởi vậy sách giáo lý mới ghi thêm rằng:

"Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ". Và  "Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm".

 II.- Giám Mục John Joseph: Một trường hợp ngoại lệ,
một tiếng nói Ngôn Sứ họa hiếm trong thời đại chúng ta

 Những chi tiết có được về cuộc đời, sự nghiệp, những thành tích đấu tranh kiên trì nhằm bảo vệ công lý, tự do, nhân quyền của đức cha John Joseph, Giám mục cai quản Giáo phận Faisalabad ở Hồi Quốc, nhất là căn nguyên sâu xa và mục tiêu cao cả khiến ngài quyết định bắn vào đầu, tự sát ngày 06-5-1998 tại tiền đình tòa án của thành phố Sahiwal, cho thấy cái chết của ngài là một trường hợp ngoại lệ, mang một ý nghĩa khác.

Đức cha tự tìm cái chết cho ngài không phải vì quá âu lo, tuyệt vọng hay rối loạn tâm thần. Ngài cũng không có điều gì phải đau đớn, ân hận như trường hợp Giuda Iscariot. Trái lại, khi nổ súng tự kết liễu sinh mạng của mình, ngài ở trong một tâm thái hoàn toàn bình an, sáng suốt hơn tất cả bao giờ.

Sự kiện đức cha John Joseph tự sát vượt lên trên mọi phán đoán thông thường. Trong ngót hai chục năm với cương vị mục tử, ngài đã nói, đã làm thật nhiều cho công lý và nhân quyền trên quê hương Pakistan của ngài.

http://www.middleeastwindow.com/images/articles/pakistan.jpg

Để đánh giá đúng mức được tấm gương can đảm phi thường của người cầm đầu Giáo phận Faisalabad, chúng ta cần đặt vào bối cảnh Pakistan, nơi Đạo Hồi được coi như quốc giáo, trong đó các giáo trưởng có toàn quyền sinh sát và chi phối mọi luật lệ trong xứ.

Đấy là một trong những tiếng nói Ngôn Sứ họa hiếm trong thời đại chúng ta. Và cái chết của đức cha là tiếng nói quyết liệt cuối cùng, vang động, tiếng nói có giá trị chọc thủng màn đêm của thứ "văn hóa vô cảm", thứ "văn hóa câm lặng", thứ "văn hóa thỏa hiệp với sự ác" của con người hôm nay. (Cái tôn giáo tàn độc, bất khoan dung ở Pakistan 10 năm trước, trên một khía cạnh nào đó, đâu có khác gì chủ nghĩa độc tài, độc đảng, vô tôn giáo trên đất nước chúng ta hiện nay!)

 Chào đời ngày 15/11/1932 tại Khuspur, Pakistan nơi phần đông dân chúng theo Hồi Giáo, từ thuở thiếu thời, chàng thiếu niên John Joseph đã quyết định lựa chọn bậc sống tu trì. Ngày 18/01/1960, cha thụ phong linh mục và chẵn 20 năm sau được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Faisalabad, Pakistan. Khi ấy ngài 48 tuổi. Hơn ba năm sau, nhằm ngày 09-01-1984, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Faisalabad. Trong suốt thời gian cai quản Giáo phận Faisalabad, đức cha John Joseph luôn là người giữ giải quán quân trong lãnh vực tranh đấu bảo vệ nhân quyền, và kể từ năm 1984 cho đến khi tự tìm cái chết ngày 06/5/1998, thọ 66 tuổi, ngài từng liên tục nắm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Công lý & Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan.

 

Trong một Tuyên ngôn công bố ngày 24-8-2001, Ủy Ban Toàn Quốc về Công Lý & Hòa Bình Pakistan cho hay:

"Đức Cha John Joseph, 66 tuổi, Giám mục Công giáo Giáo phận Faisalabad và là nhà hoạt động nổi tiếng cho nhân quyền, đã tự sát bằng súng ngay tại hành lang tiền đường Tòa án ở Sahiwal (cách thủ đô Islamabad Pakistan 700 kilômét) giữa lúc Tòa án đang mở phiên xét xử một vụ án vào khoảng 9 giờ 30 tối ngày 06/5/1998, để phản đối bản án tử hình ngày 27/4/1997 dành  cho anh Ayub Massih về tội danh gọi là phạm thượng đối với đạo Hồi. Ayub Massih là một Kitô hữu trẻ thuộc giáo phận của Đức Cha John Joseph. Anh bị hành quyết ngày 06/11/1997 do kết quả của bản án bất công nêu trên".

Tiếp theo, bản Tuyên Ngôn đã tóm tắt những thành tích đấu tranh cho công lý và nhân quyền của ngài, đặc biệt trong những năm cuối đời, kể từ đầu thập niên 90 khi Điều 295-C trong Bộ Hình Luật của Pakistan được tu chính để đổi án phạt tù thành tử hình những ai bị qui kết là xúc phạm đạo Hồi. Đây là thời gian rất nhiều người dân Pakistan vô tội, trong số có người theo Tin Lành hoặc Công Giáo, đã bị sát hại cách oan uổng. Tuyên Ngôn ghi nhận:

 "Đức giám mục John Joseph đã từng lãnh đạo hai cuộc biểu tình phản đối toàn quốc của Cộng đồng Kitô giáo, và cả tuyệt thực, để dương cao chính nghĩa bảo vệ công lý và nhân quyền. Cuộc phản đối thứ nhất diễn ra năm 1992 nhằm chống lại một nghị quyết của chính quyền Pakistan bắt buộc ghi tín ngưỡng tôn giáo vào thẻ căn cước. Người Kitô hữu và các thành phần thiểu số khác nhận thấy thẻ căn cước mới là một âm mưu của Nhà nước Pakistan tạo nên kỳ thị và gây khủng bố, gia tăng số nạn nhân trong các nhóm tôn giáo thiểu số.

"Cuộc phản đối toàn quốc lần thứ hai của ngài diễn ra năm 1994 cực lực chống lại việc hành quyết ông Manzoor Masih, một Kitô hữu bị kết tội phạm thượng khi cuộc hành quyết được thực hiện bên ngoài tòa án sau phiên tòa ngày 05/4/1994.

"Ngày 20/3/1998, Đức Giám mục John Joseph cầm đầu một cuộc mít tinh liên tôn đoàn kết Kitô hữu tổ chức tại Vienna (Áo quốc), trong đó có sự tham dự của các giới chức trong hàng giáo phẩm Công Giáo cũng như Tin Lành. Ngài thuyết giảng một bài nói lên tình trạng bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan, đặc biệt là sự tác hại của đạo luật về tội phạm thượng. Đức Giám mục nói: 'Chúng tôi phản đối đạo luật ấy bởi vì nó là một cản trở lớn cho mối quan hệ giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo. Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng, và hình thức đấu tranh sẽ tùy cơ ứng biến'".

 Cuộc vận động cho công lý và nhân quyền lần cuối này của đức cha John Joseph diễn ra hơn 4 tháng sau khi người Kitô hữu thuộc Giáo phận của ngài tên Ayub Massih bị hành quyết. Hơn một tháng sau, vào buổi trưa ngày 06-5-1998, với dáng trầm tư, đức cha John Joseph từ chối ăn uống và yêu cầu linh mục Yaqoob Farooq đi cùng với ngài tới Tòa án nơi đã xử tử hình Ayub Masih sáu tháng trước đó. Khi gần tới nơi, đức cha bảo cha Yaqoob ngừng lại, để mình ngài tiến lên tiền đình tòa án. Ít phút sau, nghe tiếng súng nổ chát chúa, cha Yaqoob vội vã chạy tới chỗ Đức Cha mới hay ngài đã tự bắn vào đầu và chết ngay lập tức.

 III.- Một cái chết làm rúng động lương tâm nhân loại

 Tháng 5-2007 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm tròn 9 năm ngày đức cha John Joseph quyên sinh, một hội nghị đã khai diễn tại Faisalabad trong hai ngày liên tiếp (05 & 06-5-2007). Dịp này mọi người, mọi giới đã nhất loạt lên tiếng ngợi ca tinh thần vị tha, thái độ quả cảm, đầy lòng yêu thương và luôn hi sinh, quên mình của ngài. Hãng thông tấn AsiaNews từ Faisalabad cho rằng vị giám mục quá cố của Giáo phận Faisalabad -Đức Cha John Joseph- là "tiếng nói của những người không có tiếng nói, là tấm gương anh dũng phụng sự Tin Mừng". Sự hy sinh của ngài là "tiếng kêu trong hoang địa thổi bay chiếc mạng vải của thinh lặng mà chủ nghĩa cực đoan đã chụp phủ lên".

Trong dịp này, cả hai cộng đồng Công giáo và Hồi giáo cùng tập họp với nhau tại Faisalabad để làm lễ truy niệm năm thứ chín ngày ngài lìa đời. Người ta ghi nhận đây là một dấu hiệu tích cực cho triển vọng cải thiện mối liên hệ giữa các tín hữu thuộc hai tôn giáo và là hoa trái đầu mùa do cái chết của đức cha John Joseph mang lại.

Đức cha Joseph Coutts, đương kim Giám mục Giáo phận Faisalabad quả quyết rằng giám mục John Joseph "luôn luôn hiến thân chống lại mọi bách hại nhằm vào đoàn chiên của mình. Ngài thể hiện việc hiến dâng ấy một cách đầy ý thức và tinh thần phụng sự. Một sự dấn thân đầy niềm tin và tinh thần trách nhiệm. Nhân cách trổi vượt của ngài là mẫu gương sáng chói để chúng ta kiên trì đấu tranh cho nhân quyền, hòa bình và công lý".

Còn Cha Aftab James, Giám đốc Văn phòng Giáo phận thuộc Ủy ban Toàn quốc về Đối thoại Liên tôn và Hợp nhất Kitô giáo, thì nói: "Đức Cha John Joseph là tiếng nói của những người dân Pakistan bị phân biệt đối xử. Ngài đánh vỡ cái nền văn hóa thinh lặng (he broke the culture of silence) và ngài đã lên tiếng chống lại giới cực đoan trong nước khi mà chẳng có ai dám lên tiếng như vậy. Chúng ta đừng hạ thấp cuộc đấu tranh vĩ đại của ngài bằng cách chỉ mở những hội thảo và truy điệu hàng năm mà thôi. Trái lại, chúng ta hãy đưa tinh thần đấu tranh của ngài thâm nhập vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta".

Còn theo bà Shamim Khataq, một luật sư Hồi giáo, thì Giám mục John Joseph chính là một "Shaheed-e-Azam – một vị tử đạo vĩ đại, và là người bạn của mọi người bất kỳ thuộc tôn giáo nào". Bà Khataq nói: "Tôi yêu mến và kính trọng ngài thật nhiều bởi vì ngài luôn luôn nói về phẩm giá của con người. Tôi nhớ ngài suốt đời".

 

IV.- Yêu thương: luật tối thượng trong Đạo Chúa Giêsu

 Trong một bài giảng vào khoảng cuối thập niên 80 ở Sàigòn, linh mục Nguyễn Khảm[1] nói: khi đã hoàn tất luật yêu thương, người ta có thể bất chấp mọi lề luật. Đọc bài viết về trường hợp đức cha John Joseph tự sát 9 năm trước ở Pakistan, nhớ lại nội dung lời giảng thuyết trên đây của cha Khảm, người viết tìm vào Kinh Thánh và đọc được hai đoạn sau đây trong Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Ga-Lát:

"Tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này: 'Người phải yêu người thân cận như chính mình'" (Gl: 5.15)

"Nếu anh em để cho thần khí[2] hướng dẫn thì anh em không còn bị lệ thuộc vào lề luật nữa" (Gl: 5.19)

Tin Mừng theo Thánh sử Mát-Thêu cũng ghi lại những lời dạy sau đây của Chúa Giêsu:

"Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Chúa Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-siêu thấy vậy, mới nói với Chúa Giêsu: 'Ông coi, các môn đệ của ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát'. Người đáp: 'Các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi…..Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ' ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày Sa-bát.

"Chúa Giêsu bỏ đó mà đi vào hội đường của họ. Tại đây, có người bị bại một tay. Người ta hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát không"' Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: 'Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sa-bát mà lại không mà kéo lên sao? Mà người thì quí hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sa-bát được phép làm điều lành'". (Mt: 12,1-12)

 Dưới mắt phàm nhân, đức cha John Joseph đã phạm tội trọng vì đã công nhiên chối bỏ Điều Răn Thứ Năm trong Thập Điều. Ngài đã nổ súng vào đầu để tự hủy mạng sống của mình, điều chỉ có Thiên Chúa mới có quyền định đoạt. Là người đã được vinh dự chia sẻ thiên chức linh mục của Chúa Giêsu –Vị-Linh-Mục-Thượng-Phẩm-Đời-Đời-, hơn tất cả ai khác, đức cha ý thức rất rõ điều đó. Và với trạng thái tâm hồn thật thanh thản, bình an, với ý thức thật sáng suốt, ngài đã lựa chọn cho mình cái chết bằng cách tự sát.

Tự sát để xé toang màn đêm tăm tối của sự im lặng,

Tự sát để đánh thức lương tri con người.

 Đoạn đời phía trước của người mục tử này được đan kết bằng những hoa trái của yêu thương, được chiếu sáng bởi Thánh Thần Thiên Chúa (Thần Khí) để bất chấp gian nan nguy hiểm, không mệt mỏi lao mình vào cuộc đấu tranh cho công lý và nhân quyền, như chủ chiên dám quên mình để bảo vệ chiên con giữa bày sói dữ. Hiển nhiên, đức cha John Joseph là người đã nắm bắt được tinh hoa của Lời Thiên Chúa để thấy được giá trị vô đối của lòng yêu thương vượt lên trên mọi lề luật, nhất là khi lề luật được tô vẽ, giải thích bởi thái độ xu phụ cường quyền, bạo lực và lòng vị kỷ với ẩn ý phục vụ những mục tiêu thấp hèn của con người.

Nhìn sự việc bằng cặp mắt của Chúa Giêsu -Đấng Yêu Thương-, Đấng đã từ bỏ Ngôi Trời để chia sẻ phận người và đã chết treo trên Thập Giá chỉ vì yêu, Đấng đã nhân danh Chúa Cha nói với những người Pharisiêu ngày xưa rằng: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ", chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa và giá trị hành vi tự hủy của người mục tử mang tên John Joseph của Giáo Hội Pakistan, một Giáo Hội nhỏ bé, cô đơn giữa một thế giới đầy dẫy hận thù, không khoan nhượng.

Từ đấy, chúng ta cũng hiểu được tâm trạng cô đơn và nỗi bức xúc khôn nguôi của cố HY Trịnh Như Khuê qua những đêm ngày dài cầu nguyện với những bước chân xoi mòn sân thượng của tòa TGM Hànội sau tháng 7 năm 1954, của cố TGM Nguyễn Kim Điền sau ngày lá cờ biểu tượng cho tù đày, chết chóc tung bay trên thành phố Huế, của cố HY Nguyễn Văn Thuận trong 13 năm trong ngục tù cộng sản và của các linh mục Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi trong cuộc chiến đấu với những thế lực bạo tàn, gian dối trên quê hương hôm nay, nơi cha Lợi, cha Lý đã từng ra tù vào khám, cha Chân Tín từng bị quản chế và cha Giải cùng chia chung cảnh ngộ cùng quẫn của những tù nhân lương tâm không ở tù.

 V.- Từ chuyện người, ngẫm chuyện nhà

 Trong thâm tâm, người viết muốn dành những giòng cuối này để nhân cái chết bi hùng của đức cha John Joseph cùng người đọc suy tư về cảnh ngộ đau thương, bất hạnh[3] của Giáo Hội và Quê Hương chúng ta hôm nay. Những nỗi e ngại sẽ bị những ai đó khoác cho tội danh là chống phá Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chống phá Giáo Hội Việt Nam, nên chúng tôi đành tạm kết thúc ở đây để nhường quyền phán xét và nhận định cho quí độc giả.

 Nam California, Hoa Kỳ đầu thu 2007

Trần Phong Vũ


[1] Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, linh mục Nguyễn Khảm nổi tiếng là một nhà thuyết giảng tài ba. Cha thường giảng ở nhà thờ Đức Bà và các nhà Dòng quanh khu vực Sàigòn. Nội dung những bài giảng với ý nghĩa thâm sâu này của cha thường được thu băng và chuyển ra hải ngoại. Vào thời gian ấy, nhóm Gioan Tiền Hô, gồm những anh em chủ biên nguyệt san Đường Sống (1980-1992) và nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân ngày nay, đã sang lại hàng loạt để chia sẻ với bà con trong cộng đồng tị nạn ở hải ngoại. Theo Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan thì nhiều lần cha bị Nhà Nước cấm giảng vì nội dung bất lợi cho chế độ.

[2] Thần Khí biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa Ngôi Ba, Đấng tượng trưng cho Tình Yêu và Lòng Mến.

[3] Xin đọc lại lá thư của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gửi linh mục Nguyễn Thái Hợp và CL:B Phaolô Nguyễn Văn Bình ngày 22-7-2007 và là thư ngài gửi linh mục Nguyễn Tấn Khóa, Chủ tịch UBĐKCGVN cách đâ mấy năm. Được biết nộI dung lá thư này được coi là "đứa con song sinh" của một văn thư do HĐGMVN gửI kín cho nhà cầm quyền CSVN trước đó.