Thursday, September 10, 2009

Tôi đọc Nhật Ký Truyền Giáo của Cha Piô Ngô Phúc Hậu


TÔI ĐỌC NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO

CỦA CHA PIÔ NGÔ PHÚC HẬU

                               
(bài 4)                                        Trần Phong Vũ

 

            Trong lá thư viết riêng cho người đọc Nhật Ký gửi về tòa soạn Diễn Đàn Giáo Dân đề ngày 15-11-01, một độc giả ký tên là Phạm Duy Phương viết:"tôi rất thích loạt bài 'Tôi Đọc Nhật Ký Truyền Giáo Của Cha Piô Ngô Phúc Hậu' do ông phụ trách. Cách đây mấy năm tôi cũng đã có dịp đọc qua cuốn nhật ký này. Tôi nhớ mang máng có nhiều đoạn cha Hậu đã ghi lại những chi tiết mà nếu trí nhớ của tôi không tồi thì nó gợi cho người giáo dân nghĩ tới những vấn đề nhức nhối đang đặt ra trong lòng Giáo hội Việt nam hiện nay. Xin ông coi lại và nếu tìm được những đoạn có nội dung như thế, tôi mong được ông chia sẻ những suy tư của ông……"

            Trước hết, người đọc Nhật Ký xin tạ lỗi cùng ông Phạm Duy Phương. Quả thật chúng tôi đã mắc phải cùng một trật hai lỗi lớn. Thứ nhất là không đọc kỹ. Vì thế dẫn tới sự sai sót đương nhiên, thứ hai là không nêu được những ghi nhận của tác giả nhật ký liên quan tới những vấn đề thời sự nóng bỏng trong lòng Giáo hội chúng ta hôm nay như ông Phạm đã viết. Để chuộc lại thiếu sót kể trên, kể từ số báo đầu năm 2002 này, chúng tôi sẽ cố gắng lật tìm những sự kiện cùng những suy tư của tác giả nhật ký liên hệ tới những vấn đề thời sự đang xảy ra chung quanh cuộc sống chúng ta.

http://nhasachttgmhanoi.com/pic/prods/633820747521361584.gif

            Thật may mắn, người đọc đã không phải mất công tìm tòi phí thì giờ vô ích. Chỉ với một chương ngắn 4 trang từ trang 76 đến 79 mang tiêu đề 'Công Bằng Xã Hội', cha Piô đã cung ứng cho chúng tôi không phải một mà tới bốn đề tài lớn liên quan tới yêu sách chính đáng mà độc giả họ Phạm đã nêu ra trong lá thư trên đây.

 

            Nơi trang 78, tác giả nhật ký viết.

            "Cái Răng……

            Hôm nay mình ghé chủng viện Cái Răng. Phòng đầu tiên mà mình bấm chuông là phòng cha giáo Chương. Cha giáo đang duyệt phim.

            - Cha Piô coi phim 'Les Missions' chưa?
- Về phim ảnh thì mình dốt đặc cán mai, dài cán thón[1][79] . Bác tóm tắt giùm coi. Hết sức vắn tắt thôi.

            - Phim mô tả cảnh thực dân da trắng tấn công các bộ lạc da đỏ. Các nhà truyền giáo thì có hai thái độ: thái độ một, đứng hẳn về phía người da đỏ, cầm vũ khí chống lại thực dân. Thái độ hai, khước từ bạo lực, chỉ rao giảng và cầu nguyện. Nhưng cuối cùng thì thực dân tấn công và tiêu diệt tất cả.

Hàng giám mục địa phương báo cáo về Tòa Thánh như sau:

'Hàng giáo sĩ chúng tôi đã đứng ra bênh vực người da đỏ, chống lại thực dân. Có người dùng bạo lực, có người dùng lời cầu nguyện. Cả hai đều đã chết. Họ đã chết, nhưng dường như họ vẫn sống. Còn chúng tôi, hàng giám mục thì vẫn còn đang sống. Chúng tôi đang sống, nhưng dường như chúng tôi đã chết!'

Nội dung chuyện phim cùng với giọng truyền cảm của cha giáo Chương làm mình xúc động. Có lẽ mình còn phải suy nghĩ đề tài này nhiều năm nữa."

 Cách đây khá lâu, tôi đã có dịp coi phim 'Les Missions'. Nhưng vì cuộc sống xô bồ, có quá nhiều chuyện để lo toan, suy nghĩ nên gần như tôi đã quên hết, không nhớ nội dung cuốn phim nói gì, ngoại trừ những màn chém giết thô bạo của những kẻ khát máu trên đường săn tìm thuộc địa. Những lời kể chuyện của cha giáo Chương làm cha Piô xúc động. Và tôi, người đọc những dòng nhật ký trên đây cũng nghẹn ngào xúc động theo.

http://www.tiengnoigiaodan.net/nktg/02chahau.jpg

Cha Piô Ngô Phúc Hậu xúc động về những cảnh tượng bi đát, thê thảm trong  phim. Hơn thế nó còn là đề tài khiến cha phải suy nghĩ thêm trong nhiều năm nữa. Thông thường khi chứng kiến hoặc nghe kể lại tình tiết một câu chuyện thương tâm, mấy ai mà nén được lòng xúc động. Cơn xúc động sẽ tăng lên thập bội nếu nó lại là tấm gương phản chiếu những gì đã và đang xảy ra chung quanh xã hội mà mình đang sống. Phải chăng tâm trạng của cha Piô ở trong hoàn cảnh này?

Đã đành hiện tại không có những cảnh giết chóc tàn nhẫn như trong phim ảnh. Tuy nhiên, nguyên nhân và hậu quả của lòng tham, của bạo lực thì chuyện ngày xưa hay chuyện ngày nay cũng chỉ là một. Biết bao ruộng vườn, cơ nghiệp, tài sản của lương dân, kể cả những bất động sản thuộc quyền sở hữu của các tôn giáo đã bị chế độ  độc tài toàn trị cộng sản Việt nam trưng thu dùng làm nơi đóng quân, kho chứa hàng, thậm chí còn được cải biến thành những nơi giải trí thiếu lành mạnh tại nửa phần đất nước ở miền bắc sau năm 1954 và tại miền nam sau năm 1975.

Dù sao, đối với các tôn giáo, đấy cũng chỉ là những thứ thuộc về vật chất, chưa hẳn đã khiến người trong cuộc quan tâm. Nó là lý do khiến nhiều vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, cách riêng giáo hội Công giáo, sau khi cộng sản tiến vào Sàigon 26 năm trước, đã tự nguyện hiến cho nhà nước những cơ sở vật chất của giáo hội với ảo tưởng sẽ không bị khống chế, lấn lướt về mặt tinh thần, thiêng liêng để được tự do giữ đạo và hành đạo. Nhưng sự thể hoàn toàn trái hẳn.

 Càng ngày những người cộng sản càng thọc sâu bàn tay can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của các giáo hội, từ việc tuyệt đối cấm đoán không cho in ấn, phổ biến sách báo, tài liệu tới chủ trương xen lấn cả vào việc điều hành Giáo hội, nhất là việc tuyển chọn, đào tạo giáo sĩ, truyền chức, cắt cử linh mục. Những tiêu chuẩn về khả năng, nhân cách, đức độ của ứng viên linh mục, kể cả giám mục, không còn hoàn toàn do giáo quyền ấn định mà phải tùy thuộc vào chuyện cho phép hay không cho phép của thế quyền! Đấy chính là căn do khiến cho cơn xúc động của tác giả nhật ký dâng cao, đến nỗi ông nhủ lòng là nó sẽ còn là đề tài cho ông suy nghĩ nhiều năm nữa.

Cùng một tâm trạng như cha Piô, hôm nay, người đọc nhật ký cũng không nén được lòng mình khỏi bồi hồi xúc động. Có khác chăng là cơn xúc động này quá mới mẻ và nóng bỏng. Nó gợi nhớ tới những gì vừa công khai vừa âm thầm đang diễn ra trong lòng giáo hội chúng ta hiện nay. Lúc này.

Bối cảnh làm nền cho bức tranh tạo nên cơn xúc động của tác giả nhật ký tuy đau buồn nhưng chưa trọn vẹn. Nó mới chỉ có một nửa. Ông mới chỉ có điều kiện để thấy cảnh tượng đám đông quần chúng thấp cổ bé miệng, trong đó bao gồm cả các tôn giáo, bị bạo lực xô vào chân tường. Nhưng chưa tới lúc cho ông cảm nhận được đến tận cùng cơn xúc động khi chứng kiến trong hàng giáo sĩ  như ông có những người đã can đảm đứng lên đối đầu với cường quyền, bạo lực, hết dạ tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền, nhân phẩm Việt nam, không phải bằng gươm súng nhưng bằng phương thức bất bạo động, tương tự như những nhà truyền giáo trong phim 'Les Missions' chỉ với niềm tin và lời cầu nguyện dám đương đầu với bạo lực, với vũ khí của thực dân để bảo vệ quyền sống và quyền tự do cho người dân da đỏ.

Điều khác là kết cục sau đó các nhà truyền giáo này đã bị thực dân thẳng tay giết chết còn những mục tử bạn của tác giả nhật ký truyền giáo như các linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi cùng với đám đông giáo dân Nguyệt biều, An truyền ở Huế và những trí thức Công giáo ở Hànội, Sàigòn như luật sư Nguyễn Văn Minh, các giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm, Nguyễn Chính Kết trên đất nước Việt nam hôm nay mới chỉ bị chặn đường, cắt mọi phương tiện liên lạc với xã hội bên ngoài, bị bao vây kinh tế, bị mời đi 'làm việc' hết ngày này qua ngày khác, bị quản chế, bị tống giam và bị đem ra xét xử bằng luật rừng.

Nhưng chuyện ngày mai ra sao, ngoài Thiên Chúa, ai mà biết được ! Có điều chắc chắn ai cũng biết là ngay khi vừa tái phát động cuộc tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền nhân phẩm Việt nam cuối năm 2000 vừa qua, cha Nguyễn Văn Lý và các bạn ông đã nêu cao khẩu hiệu Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết!

Có lẽ chi tiết trong cuốn phim 'Les Missions' đã gây nhiều xúc động nhất cho người nghe kể là cha Piô, và người đọc nhật ký của cha, hàm súc nơi nội dung bản tường trình của hàng giám mục địa phương gửi về Tòa Thánh sau đó. Sau khi ngậm ngùi ghi nhận là 'hoï -tức lớp giáo sĩ của các ngài- đã chết, nhưng dường như họ vẫn sống', những tác giả của bản tường trình là hàng giám mục bản quyền đã can đảm, và trong nỗi ân hận dày vò, thẳng thắn thú nhận rằng 'Còn chúng tôi, hàng giám mục thì còn đang sống. Chúng tôi đang sống, nhưng dường như chúng tôi đã chết!'

Nhẩm lại đoạn nhật ký trên đây một lần nữa, người đọc âm thầm tự hỏi. Nếu cha Piô Ngô Phúc Hậu còn tiếp tục ghi lại những trang nhật ký của ngài tới thời điểm này, không biết cha sẽ nghĩ gì và sẽ ghi lại những gì về những điều tai nghe mắt thấy đang diễn ra trong lòng giáo hội Việt nam hôm nay, giây phút này? Bối cảnh ảm đạm của bức tranh quê hương làm nền cho cơn xúc động của cha vào thời điểm đoạn nhật ký trên được ghi lại khi nghe tường thuật những tình tiết bi hùng chứa đựng trong cuốn phim 'Les Missions', lúc này đã được bổ túc khá trọn vẹn.

http://ngothelinh5.tripod.com/nvl/LM_NguyenVanLy_02.jpghttp://www.ledinh.ca/Bai%20PV%20LM%20Nguyen%20Huu%20Giai%202009%20A%201.jpghttp://www.ledinh.ca/Bai%20Phong%20Van%20Linh%20Muc%20Phan%20Van%20Loi%20Tu%20Duc%20Quoc.jpg

Vì đứng chung hàng ngũ với những giáo dân thấp cổ bé miệng ở Nguyệt biều chống lại chủ trương cướp đất nhà thờ của đảng và nhà nước cộng sản, cũng như vì không chấp nhận thảm cảnh Giáo hội mãi mãi bị tròng chiếc giây thòng lọng trên đầu trên cổ nên các linh mục Lý, Giải, Lợi đã trở thành đối tượng săn đuổi, bách hại triền miên của chế độ vô thần. Riêng cha Lý sau nhiều phen bị quản chế, bị bắt bớ, giam cầm, ngày 19 tháng 10 năm 2001, Hànội đã dùng luật rừng rú để kết án ngài thêm vừa tù ở vừa quản chế trong 20 năm! Cùng lúc, các cha Giải và Lợi cũng đang bị hăm dọa tống vào nhà đá bất cứ lúc nào.

Nếu trong phim 'Les Missions', vì một lý do nào đó, các giám mục địa phương đã án binh bất động, thủ khẩu như bình trước những hành vi đàn áp, bóc lột tàn nhẫn dân da đỏ của bạo quyền thực dân, để mặc cho hàng giáo sĩ của mình bênh đỡ kẻ khốn cùng trong cô đơn và sau đó đã bị giết đến người cuối cùng, thì ngày nay tuồng như bài học đau thương ấy lại đang tái diễn trong giáo hội của Chúa Giêsu nơi quê hương Việt nam khốn khó.

Trong suốt hơn một năm qua, kể từ khi cha Tađêô Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo với nhiệt tình ủng hộ của hai cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi và giáo chúng Nguyệt biều, An truyền với bao nhiêu tai ương do guồng máy công an trị của bạo quyền cộng sản giáng xuống (khủng bố, dọa nạt, bao vây kinh tế, cắt đường dây điện thoại, tịch thu sách vở, máy vi tính, triệu tập đi 'làm việc' với công an, ra lệnh theo dõi, quản chế, bắt bớ, giam cầm và kết án bất công), tuyệt nhiên hàng giáo phẩm không hề một lần chính thức lên tiếng bênh vực, kể cả giáo quyền Huế là nơi có trách nhiệm trực tiếp với các nạn nhân!

Một câu hỏi được đặt ra là không biết quý đức cha trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khi nào coi phim 'Les Missions' chưa ? Và nếu chưa thì liệu khi đọc đoạn nhật ký trên đây của cha Piô Ngô Phúc Hậu có lúc nào lương tâm các ngài cũng bị dằn vặt, cắn rứt như hàng giám mục trong cuốn phim này không? Bởi vì cho dẫu bị lâm cảnh tù đày khốn khổ như cha Nguyễn Văn Lý, bị làm khó dễ, bị tước bỏ mọi quyền tự do như các cha Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, bị đe noi, khủng bố và bị cắt đứt mọi phương tiện sinh nhai như giáo chúng Nguyệt biều, An truyền, như những trí thức Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Chính Kết thì dường như những giáo sĩ và giáo dân này vẫn đang sống thong dong, thoải mái trong tinh thần tự do tuyệt đối của con cái Chúa.

Còn các đấng bậc trong giáo hội thì sao? Tâm hồn, trí não các ngài đang ở trạng thái nào? Câu trả lời đúng đắn và trung thực nhất cho những vấn nạn này chỉ có thể tìm thấy nơi những người trong cuộc. Như hàng giám mục trong cuốn phim 'Les Missions' dã công khai trả lời trong bản báo cáo Tòa Thánh.

Trần Phong Vũ 

2002

 http://www.songhuong.com.vn/imagesach/lon/02.40.10.16.07.07.jpghttp://www.dunglac.org/upload/book/1248321028.jpg

 



[1][79] Cán thốn: có lẽ là tiếng địa phương vùng Cái Răng vùng Cà mau, nam Việt để chỉ cán cuốc chăng? Tục ngữ miền bắc có câu: dốt đặc cán mai, ngu lòi cán cuốc.