Từ "NGƯỜI TÍN HỮU TỐT" tới "NGƯỜI CÔNG DÂN TỐT" Trần Phong Vũ
I- Dẫn nhập
Ngày 24-8 vừa qua, bỗng dưng báo chí và các cơ quan truyền thông nhà nước CSVN nhất loạt lên tiếng kết án các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân Thái Hà. Họ còn mượn huấn từ của đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gửi phái đoàn các giám mục Việt Nam trong dịp viếng thăm Vatican ngót hai tháng trước đó để hỗ trợ cho những lời kết án hàm hồ với nhiều gian ý. Cùng ngày, trên mạng lưới VietnamNet, tờ báo điện tử được dư luận coi là công cụ phát ngôn bán chính thức của Hànội, người ta đọc được bài viết của Hiền Anh với tiêu đề "Một tín hữu Công giáo tốt là một công dân tốt".
Tiêu đề này đã được tác giả bài viết rút ra trong huấn từ của người cầm đầu GHCG hoàn vũ: "Về phần mình, các giáo dân Công Giáo cần chứng tỏ -qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích,- rằng một tín hữu Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt..." (Trích huấn từ của đức Bênêđictô XVI đọc trước phái đoàn 29 GMVN ở Vatican ngày 27-6-09). Xin độc giả đặc biệt chú ý tới cụm từ "qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích" trong văn mạch của huấn từ để hiểu điều cốt yếu này như là mấu chốt, là mối liên hệ tương tác bất khả ly giữa "một người tín hữu tốt" và "một người công dân tốt".
Từ nhận định trên đây, đọc qua nội dung bài viết của Hiền Anh trên VietnamNet, độc giả, không phân biệt tôn giáo, sẽ thấy ngay được dụng ý đen tối muốn lập lờ đánh lận con đen của tác giả, -chính danh là của guồng máy cầm quyền trong chế độ CSVN.
Trong bài này, người viết sẽ lần lượt trình bày khái quát thế nào là "người tín hữu tốt" và thế nào là "người công dân tốt", để từ đấy nhìn vào chiều sâu và chiều rộng của vấn đề liên quan tới đời sống của người dân trong bối cảnh quê hương và dân tộc cùng với những hiện tượng nghịch thường nối dài từ biến cố tòa Khâm Sứ, giáo xứ Thái Hà, Hànội tới biến cố xứ Tam Tòa giáo phận Vinh hiện nay.
II.- Thế nào là "người tín hữu tốt"?
Một cách khái quát: người tín hữu tốt là người sống trong khuôn khổ giới luật Yêu-Thương của Thiên Chúa. Trả lời câu cật vấn do các luật sĩ trong thời Ngài đặt ra là "giới răn nào trọng nhất", Chúa Giêsu nói: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể các lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn đó" (Mat. 22 – 36,40). Như thế, bên cạnh bổn phận phụng thờ và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, để nên trọn lành, người tín hữu Kitô còn có trách nhiệm phải yêu thương tha nhân như yêu chính bản thân mình. Thiếu một trong hai là thiếu tất cả (vì giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất). Tha nhân là người khác, là những cá thể thứ hai, thứ ba, là những người chung quanh mà những ai theo Chúa có trách nhiệm liên đới phải quan tâm, bệnh đỡ khi cần. Nó không phải là một trách nhiệm tùy tiện, có cũng được mà không cũng không sao. Trái lại, nó là một động thái phát xuất từ tâm tình hiệp thông, liên đới sâu xa, mật thiết giữa người với người –hơn thế- giữa những người con chung của Thượng đế.
Những tư tưởng trên đây được khơi nguồn sâu xa từ giao ước cũ và được hoàn tất bởi chính Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian để mở đầu kỷ nguyên Tân Ước. Sau bốn mươi ngày chay tịnh, vượt qua mọi cám dỗ của những thế lực trần gian, Chúa Giêsu bước vào Hội đường Nazarét, mở sách Tiên tri Isaia gặp đoạn Tin Mừng sau đây:
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải phóng người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa". (Luc. 4 – 18,19).
Đấy là tóm tắt nhiệm cục cứu thế của Thiên Chúa Ngôi Hai. Và đấy cũng là lộ trình đã được Thiên Chúa mạc khải từ thuở đời đời cho những ai chọn bước theo Ngài.
III.- Thế nào là "người công dân tốt"?
Những bài học sơ đẳng về vai trò và trách nhiệm của người công dân đã dạy cho chúng ta những gì? Trước hết và trên hết là tinh thần yêu nước, thương dân. Đã sinh ra làm người trên mặt đất, bất cứ ai cũng đều có một Tổ Quốc để bảo vệ và một dân tộc với những di sản quý giá để yêu thương và gìn giữ[1]. -Một Tổ Quốc, một dân tộc mà trong quá trình dựng lập, tô bồi và phát triển với những giai đoạn chìm nổi phế hưng còn ghi lại biết bao công trình tim óc của những bậc tiền nhân anh dũng.
Từ đấy, lòng ái quốc, thương dân không còn là những ý niệm trừu tượng. Trái lại nó đã được cụ thể hóa bằng tri thức, thái độ và những hành vi biết ơn đối với những thế hệ đi trước, trong đó không thiếu những anh hùng, liệt nữ đã dày công hãn mã, đã đổ máu đào để xây dựng nên giang sơn, đất nước. Cũng từ đấy nó trở thành chất keo gắn bó với trách nhiệm liên đới giữa quá khứ với hiện tại, giữa người đồng thời và những thế hệ con cháu trong tương lai.
Trong thời chiến tranh loạn lạc, hơn ai hết, người công dân tốt hiểu được trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Những ý niệm về mối liên hệ "môi răng" xuyên qua những châm ngôn, tục ngữ: "nước mất" hẳn "nhà tan" (quốc phá, gia vong), "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" (Sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước dù kẻ tầm thường nhất cũng phải chia phần trách nhiệm), "giặc đến nhà, đàn bà phải đánh"… đã trở thành chuẩn mức để đo lường tinh thần dấn thân của người công dân trong cơn quốc biến.
Trong thời thái bình, an lạc, người công dân tốt ý thức được vai trò và bổn phận thiêng liêng của mình là phải hết lòng đóng góp công lao sức lực cho dân, cho nước, cho nhân quần, xã hội. Ở cương vị người công dân Công Giáo –nhất là công dân trong một thế giới mở rộng hôm nay, khi những ý niệm về tự do, dân chủ, công bằng, nhân ái và các quyền căn bản của con người đã trở thành chuẩn mức chung cho mọi dân tộc--, thì họ không thể nhắm mắt đóng góp một cách mù quáng cho những thể chế, những guồng máy cầm quyền phản dân, hại nước, đi ngược trào lưu chung của thế giới. Trong trường hợp này, một cách tích cực, người công dân có lòng với đất nước còn có trách nhiệm phải cùng mọi công dân khác đâu lưng đấu cật, chung sức chung lòng, đấu tranh xây dựng một cơ chế cầm quyền biết tôn trọng quyền lợi chung của quốc gia dân tộc.
IV.- Mối liên hệ nhân quả, không thể tách rời giữa "người tín hữu" và "người công dân"
Trong cuộc tiếp kiến 29 giám mục Việt Nam hôm 27-6 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có lý do chính đáng, dựa trên những thực tế cùng những thực chứng trong đời sống đức tin để qua các giám mục chuyển tới 7 triệu tín hữu Công giáo Việt Nam lời dạy của ngài là "một tín hữu (Công giáo) tốt cũng là một công dân (Việt Nam) tốt".
Không viện dẫn tới những luận lý trừu tượng mang tính triết học hay thần học xa vời, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của thế giới Công giáo chỉ căn cứ vào những gì thiết thân, thật gần gũi, thật cụ thể "qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích" được rút ra từ giáo lý căn bản của Giáo Hội để nói lên mối liên hệ nhân quả, tương tác, mang tính đương nhiên, không thể tách rời giữa bổn phận thiêng liêng của người tín hữu đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội Công Giáo và trách nhiệm cụ thể của người công dân đối với quốc gia, dân tộc trong đời thường.
Chính từ mối liên hệ bất khả ly này khiến ngài xác tín là: khi người tín hữu Công Giáo luôn sống thực với niềm tin của mình, đi theo lộ trình mà từ thời Cựu Ước Thiên Chúa đã mặc khải cho họ (và khi khởi đầu kỷ nguyên Tân Ước, đã được tái xác định bởi chính Đấng Cứu Thế về sứ mạng rao giảng Tin Vui cho người nghèo khó, giải thoát kẻ bị gông cùm hay người bị áp chế…), thì hẳn rằng họ cũng không thể sống, tư duy hay hành động khác khi đặt mình vào cương vị người công dân.
Căn cốt của đạo Công Giáo là Bác Ái, là yêu thương chan hòa, rộng khắp: yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và yêu anh chị em như yêu chính mình. Một khi đã có tấm lòng bác ái như thế, người tin Chúa không thể chấp nhận lối sống quay quắt, gian ngoan, xảo quyệt, thiếu ngay lành thiện hảo --- không phải chỉ trong những giây phút tham dự hay cử hành những nghi thức phụng vụ trong giáo đường, mà ngay trong đời sống thường nhật, khi tiếp xúc với tha nhân, từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội. Và từ quan niệm sống ấy, khi chuyển vào hành động, người tín hữu sẽ nhận ra ngay trách nhiệm và bổn phận của mình trong việc mưu tìm công đạo và thiện ích cho chính bản thân cũng như cho những người chung quanh.
Đấy là con đường người tín hữu phải bước theo trong cuộc hành trình dương thế để mưu tìm hạnh phúc miên viễn đời sau. Cuộc hành trình dương thế ấy không phải đâu xa mà chính là bối cảnh cuộc sống của mỗi người trong phạm vi cá nhân, gia đình, trong mối liên hệ giữa người với người, giữa người công dân đối với quốc gia, xã hội. Có điều cung cách phản ứng và hành xử vai trò công dân của người tín hữu không phải lúc nào cũng giống nhau. Với một quốc gia trong đó những quyền năng căn bản của con người được tôn trọng, sẽ không thiếu cơ hội cho mọi công dân, không phân biệt giai cấp, thành phần hay dị biệt tôn giáo, chính kiến, đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng chung.
V.- Ứng dụng vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay
Sau tháng tư năm 1975, toàn thể lãnh thổ Việt Nam bị áp đặt dưới chế độ cộng sản độc tài chuyên chính. Quyền tư hữu và tất cả mọi quyền tự do căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của hơn 80 triệu đồng bào đều bị thâu tóm vào trong tay một thiểu số đảng viên cộng sản.
Những người nắm quyền sinh sát trên đất nước Việt Nam hôm nay đã công nhiên minh thị là họ đang trụ trên những quyền lực tăm tối của một xã hội đen. Họ thống trị đất nước và dân tộc bằng vũ khí, bằng sắt máu được hỗ trợ bởi một hệ thống luật lệ rừng rú, bất khoan dung đối với tất cả những nguyện vọng chính đáng mà con người lẽ ra phải được hưởng dụng. Kết quả nhìn thấy là toàn thể đất nước ta hôm nay đã biến thành một thứ nhà tù vĩ đại.
Ngoài những trại giam thật sự được dựng lên khắp nước để cầm chân và đày đọa những thành phần kiên trì đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam (gồm đủ mọi thành phần, từ các nhà tu hành tới những người trí thức như luật sư, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, kể cả thành phần khố rách áo ôm, chân lấm tay bùn), trên khắp mọi miền đất nước hôm nay, từ thành thị tới nông thôn, từ miền đồng bằng tới các vùng sâu, vùng xa, mọi tầng lớp dân chúng đang phải gục đầu chấp nhận một cảnh sống o ép, khổ đau, thiếu thốn trăm bề.
Hệ quả đau thương nhìn thấy là hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ đã phải bán sức lao động ra nước ngoài, trong số không biết bao bé gái vị thành niên đã phải dấn thân vào nghề mãi dâm để tìm kế sống cho gia đình. Trong nhiều năm qua, trên đường phố Sàigòn, Hànội, mỗi ngày người ta bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn những Dân Oan kéo nhau tới các công sở nhà nước để khiếu kiện, vì bị mất nhà, mất đất, không công ăn, việc làm, vì nạn cường hào ác bá thời đại ở địa phương. Đấy là chưa nói tới mối hiểm nguy đang đe dọa sự an toàn lãnh thổ: đảng và nhà nước CSVN đang nhắm mắt rước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc là Trung Hoa Đỏ vào xâm chiếm đất nước ta.
Từ những thủ đoạn lấn chiếm biên giới, cướp trắng Trường Sa, Hoàng Sa, ngăn cấm đe dọa sinh mạng ngư dân Việt không cho họ ra khơi đánh cá ngay trên hải phận của mình, tới việc đưa cơ giới công nhân vào vùng Cao Nguyên khai thác mỏ Bô-Xít, bất chấp những nguy cơ về hủy hoại môi trường, hủy hoại văn hóa, đe dọa an ninh quốc gia. Điều nghịch lý là tất cả những hành vi trịch thượng của quân cướp nước kể trên đã được sự mặc nhiên chuẩn nhận của đảng và nhà nước CSVN khi họ thẳng tay đàn áp, khủng bố, bắt bớ những thanh niên, sinh viên tham gia biểu tình chống chính sách bành trướng của Bắc Kinh và các nhà báo khi lên tiếng về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa hoặc vấn đề khai thác mỏ Bô-xít ở Tây Nguyên.
Như bóng tối kỵ ánh sáng, những kẻ ác độc không chấp nhận người hiền lương, ngay từ những ngày đầu mới du nhập vào đất nước ta, chủ nghĩa cộng sản đã tự đặt mình vào thế đối kháng với mọi tôn giáo. Bằng những thủ đoạn khác nhau, khi công khai khi ngấm ngầm, đảng và nhà nước CSVN tìm mọi thủ đoạn để hủy diệt niềm tin tôn giáo nơi người dân: Phá hủy giáo đường, chùa miếu, thánh thất để những người tin không có nơi thờ tự; bắt bớ, giam cầm những nhà tu, những chức sắc thuộc mọi tôn giáo; trưng thu đất đai, tài sản và các cơ sở của các tôn giáo, bao gồm bệnh viện, cô nhi viện, trường học và các nhà dưỡng lão do các giáo hội quản trị. Họ tưởng làm như vậy là có thể tiêu diệt được niềm tin nơi người dân. Nhưng họ đã lầm. Sau hơn một nửa thế kỷ thống trị miền Bắc, niềm tin tôn giáo vẫn sống mãnh liệt trong lòng người. Những cuộc vận động đấu tranh ôn hòa bằng lời cầu nguyện của hàng ngàn, hàng vạn giáo dân ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà dưới sự hướng dẫn công khai của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và sự đồng tình của đức TGM Hànội Ngô Quang Kiệt trong hai năm trước, cùng với sự kiện nhiều trăm ngàn giáo dân ba tinh Nghệ-Tĩnh-Bình thuộc giáo phận Vinh vài tháng qua nhất tề đứng lên cầu nguyện cho Tam Tòa là những bằng chứng thật cụ thể.
Cho dù với những thủ đoạn hèn hạ, nhơ nhuốc, vì muốn chứng tỏ uy quyền (dù là uy quyền của kẻ cướp!), vì muốn giữ thể diện (dù là thể diện của tập đoàn Mafia Đỏ!) và cũng vì lý do thâm sâu là "không được ăn thì đạp đổ", đảng và nhà nước CSVN đã miễn cưỡng lần lượt biến khu đất tòa Khâm Sứ, khuôn viên nhà thờ Thái Hà thành cái gọi là "Công Viên Xanh" như họ đang làm ở Tam Tòa lúc này… thì nó vẫn chứng tỏ cho công luận trong và ngoài nước thấy rõ sự thảm bại của một nhà nước đã hoàn toàn mất lòng dân, những người dân luôn sống lương thiện, bác ái, sẵn sàng dấn thân làm việc cho công ích và cho phúc lợi của con người.
VI.- Khi báo chí, truyền thông trở thành công cụ của một đảng độc tài
Với người dân miền Bắc hơn 50 năm và người dân miền Nam ngót 35 năm sống trong chế độ cộng sản, mọi người đã có quá nhiều kinh nghiệm về vết nhơ của cái gọi là báo chí và truyền thông. Trong khi cả trăm năm trước, thế giới tự do đã tôn vinh báo chí, truyền thông là Đệ Tứ Quyền, -quyền thứ tư của con người-, theo sau các quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp trong hệ thống điều hành guồng máy quốc gia, thì tại các nước cộng sản, cách riêng tại Việt Nam, nó chỉ là một thứ công cụ của đảng và nhà nước cộng sản để khóa miệng, bịt mắt người dân.
Tạm gác một bên những chuyện cổ tích của mấy chục năm trước. Chỉ cần nhìn vào cung cách hành sử quyền thứ tư của hơn 600 tờ báo và hàng chục đài phát thanh, phát hình ở Hànội, Sàigòn qua những biến động ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà và gần đây ở Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, những người ít theo dõi thời cuộc nhất cũng đã nhận ra tính nô bộc, bất cố liêm sỉ của những tay bồi bút, và qua đó của cả một tập đoàn thống trị đang trụ trên những quyền lực bất chính của một xã hội đen ở Việt Nam ngày nay.
Không cần phải có trí nhớ tốt, mọi người đều chưa quên những trò nhào nặn, cắt xén chữ nghĩa của các tay phù thủy trong làng báo Hanội để xuyên tạc những lời tuyên bố công khai có bài có bản của đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội hồi năm ngoái. Gần đây nhất là vụ Tam Tòa, trong đó ai cũng nhận ra chủ trương và thái độ nhất loạt xếp hàng theo chỉ thị đảng và nhà nước cộng sản của báo chí, truyền thông trong nước.
Cảnh tượng đau lòng khi giáo dân, linh mục bị an ninh nhà nước đội lốt du đãng đánh trọng thương phải vào bệnh viện và cảnh 2, 3 trăm ngàn giáo dân lũ lượt tìm về cầu nguyện cho Tam Tòa ở Xã Đoài không hề được loan tin trên các báo đài. Trong khi ấy, họ lại trắng trợn đưa tin, trưng dẫn hình ảnh về điều nhà nước và các cơ quan an ninh nói là "lương dân tự phát" đang chửi bới, hành hung những giáo dân bị cột cho tội phá rối cuộc trị an của nhà nước!
Thật ra, đấy chỉ là phản ứng của những kẻ cùng đường. Bởi vì, với những phương tiện thông tin tân tiến ngày nay, qua hệ thống internet toàn cầu, qua hệ thống điện thoại di động có thể vửa gửi tiếng nói vừa gửi hình ảnh tới người thân ở trong cũng như ngoài nước, nhất là qua những nhà báo quốc tế mà vì lý do bất khả kháng không thể ngăn cấm triệt để, trường hợp những giáo dân, linh mục bị đả thương, chuyện hàng trăm ngàn giáo dân tìm về cầu nguyện tại Xã Đoài đã được loan truyền rộng rãi khắp nơi, rồi từ khắp nơi dội ngược về quốc nội để cho chính người dân trong nước được nghe, được thấy.
Chẵn 30 năm trước, trong chuyến viếng thăm quê hương Ba Lan của ngài lần thứ nhất, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã làm rung rinh guồng máy cộng sản quốc tế, mặc dầu với chủ trương bưng bít sự thật, cơ cấu kiểm soát và khống chế báo chí truyền thông của Ba Lan đã tìm hết cách để giới hạn việc đưa tin về những lời tuyên tín cùng những hoạt động của ngài. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cuối cùng, những tiếng nói của yêu thương và của lương tâm công chính vẫn đến được với người dân Ba Lan và nói chung người dân tại các quốc gia Đông Âu, để như những hạt giống ươm ủ trong lòng đất, ngót mười năm sau, theo chân Ba Lan, toàn bộ các nước Đông Âu, bao gồm cả cái nôi của chủ nghĩa cộng sản quốc tế là Liên Bang Sô Viết đã theo nhau sụp đổ[2] để cho Hoa Tự Do đua nhau nảy mầm kết trái.
Cho nên, cung cách lập lờ đánh lận con đen của tác giả Hiền Anh khi trích câu "Một tín hữu Công giáo tốt là một công dân tốt" trong đáp từ của ĐGH Bênêđictô XVI nói với 29 giám mục Việt Nam để dùng làm tiêu đề cho bài viết công bố trên VietnamNet ngày 24-8 vừa qua vẫn không ngoài chủ trương bóp méo ngôn từ để lèo lái công luận. Nó không lừa được ai. Hơn thế nó còn có tác dụng ngược đối với những ai am tường tư duy và lối sống niềm tin của những tín hữu Công Giáo chân chính.
Nếu đọc hết mạch văn trong đoạn đáp từ kể trên của vị Giáo Chủ, chúng ta sẽ thấy, trước khi nhấn mạnh tới mối liên hệ tương tác "một tín hữu Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt", ngài không quên đề cập lối sống niềm tin của người tín hữu là "dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích" -những thứ hoàn toàn đi ngược với chủ trương và đường lối hành sử của người cộng sản-, để làm tiền đề cho cụm từ tiếp theo..
Những người muốn bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình ở Việt Nam ngày nay, trong số có 7 triệu tín hữu Công Giáo, đang phải đối diện với biết bao gian nan thử thách. Họ muốn thể nghiệm tinh thần yệu thương với đồng bào, đồng đạo, nhưng tất cả mọi phương tiện đều bị bóc lột trắng tay. Sau các Thánh đường, Chùa chiền, Thánh thất là nơi đào luyện con người biết sống tử tế, các nhà thương, bệnh xá, viện cô nhi, viện dưỡng lão cũng bị cướp sạch. Họ muốn sống ngay lành, lương thiện và chỉ vẽ cho con em và các thế hệ đi sau sống ngay lành, lương thiện, có văn hóa, biết lẽ phải trái ở đời và để biết yêu chuộng và mưu cầu công ích, công lợi cho tha nhân, nhưng cả một hệ thống trường ốc đồ sộ, từ mẫu giáo tới đại học do Giáo hội làm chủ đều bị nhà nước trưng thu, các nhà giáo dục chân chính bị xua đuổi, cầm tù.
Khi giáo dân ở Hànội tụ tập cầu nguyện đòi nhà nước trả lại tòa Khâm Sứ, trả lại đất đai, tài sản của giáo xứ Thái Hà, khi hàng trăm ngàn giáo dân Vinh cầu nguyện cho Tam Tòa thì các cơ quan an ninh, công an, cảnh sát với vũ khí, chó săn và bọn du thủ du thực đã tìm cách đàn áp thẳng tay. Vẫn chỉ là trò hề "không ăn được thì đạp đổ" . Rập khuôn những kịch bản rẻ tiền ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà năm trước, đảng và nhà nước CSVN -với sự tiếp tay của những loại chiên ghẻ, đã bị sa vào bả lợi danh, núp sau chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa từng bị ĐGH Biển Đức 16 nhiều lần cực lực lên án- lại đang muối mặt đưa xe ủi đất tới Tam Tòa để trong sớm chiếu biến nơi đây thành một thứ chứng tích dị dạng mà họ gọi là "Công Viên Xanh"!
Và để lấp liếm hành vi tồi tệ này, cả một hệ thống báo chí và truyền thông đã được Hànội vận dụng, không ngoài mục tiêu đánh lạc hướng dư luận. Từ đấy đã có bài viết của Hiền Anh trên VietnamNet ngày 24-8 vừa qua
Tạm kết I
Không phải ngẫu nhiên mà trong phần mở đầu Lời Chủ Chăn tháng 9-2009 với tiêu đề "Giáo dục Kitô giáo và Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội" công bố chỉ một ngày sau đó (ngày 25-8-2009), HY Gioan Baotixinta Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn, cũng đã trích lại lời nhắn nhủ "Người công giáo tốt là người công dân tốt" của ĐGH.
Sau khi nhấn mạnh là "Ngày 8.7.2009, trước cử toạ nhiều ngàn người thuộc nhiều quốc gia quy tụ trong Hội trường Phaolô VI, cạnh đền thờ Thánh Phêrô, chính Ngài đã giới thiệu Thông điệp đó (TĐ Bác Ái trong Chân Lý) như chỉ nam cho sự phát triển con người thành người tốt góp phần xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu, trong công lý và hoà bình. Chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình, là bốn giá trị trụ cột của Tin Mừng. Xây nhà - nhà riêng hay nhà chung, nhà thờ hay nhà nước - trên bốn giá trị trụ cột đó là xây nhà trên nền đá vững chắc, và nhà sẽ tồn tại vững bền qua mọi thử thách của thời gian", người cầm đầu TGP Sàigòn đã đưa vào bài viết nguyên văn lời giới thiệu Thông Điệp kể trên của ĐGH để thay cho những gì ngài muốn thông đạt tới các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân trong TGP.
Sau đây là những trích đoạn gói ghém những tư tưởng cốt yếu trong lời giới thiệu này:
"… tình yêu trong chân lý là động lực chính cho sự phát triển đích thực của mỗi người cũng như của toàn thể nhân loại. Chính vì thế, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về xã hội xoay quanh nguyên lý "Bác Ái trong Chân Lý". Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hoá. Là nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con người…"
"… Theo như tin tức được phổ biến rộng rãi trong những ngày tháng gần đây, tình hình thế giới liên tục làm xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng, và chướng kỳ của những bất bình đẳng rõ ràng đang tiếp tục tồn tại bất chấp những nỗ lực trong thời gian qua…"
"… Thông điệp nhắc lại những nguyên tắc căn bản cần thiết cho công cuộc phát triển con người trong những năm sắp đến. Những nguyên tắc đó gồm có trước hết là mối quan tâm đến sự sống con người, được coi như trọng tâm của công cuộc phát triển chính thực; thứ đến là sự tôn trọng tự do tôn giáo là điều luôn luôn gắn liền với sự phát triển con người…"
"… Rõ ràng là vai trò và quyền hạn chính trị của các nhà nước cần được thận trọng thẩm định lại vào một kỷ nguyên mà bối cảnh kinh tế, giao thương và tài chính của thế giới hạn chế quyền lực tối cao của họ…"
"… lương tâm phải được huấn luyện và phải biết chú tâm đưa những tiêu chuẩn luân lý vào trong phác thảo những dự án. Nhiều người lên tiếng nhắc nhở rằng những quyền con người phải đi đôi với những nghĩa vụ làm người, bằng không quyền đó có nguy cơ trở nên độc tài…"
"… Tôi nguyện cầu cho người tín hữu đang hoạt động trong lãnh vực kinh tế và chính trị, hiểu rằng chứng từ Tin Mừng của mình thật sự quan trọng trong nhiệm vụ phục vụ đất nước và thế giới hôm nay…" (Những đoạn tô đậm là do người viết).
Giữa những hàng chữ trên đây, chúng ta hiểu người cầm đầu Giáo Hội Công Giáo Thế Giới muốn nói gì với những anh em tín hữu của ngài, cách riêng với người tín hữu công dân Việt Nam, trong đó bao gồm cả hàng giáo phẩm. Và một cách nào đó, ngài cũng gián tiếp nói với những nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, dĩ nhiên có đảng và nhà nước CSVN.
Tạm kết II
Bài viết của tác giả Hiền Anh xuất hiện trên VietnamNet cùng lúc với sự kiện báo chí truyền thông Hànội mở lại chiến dịch bôi bác và kết án các linh mục Dòng CCT và giáo dân trong vụ tòa Khâm sứ và Thái Hà trước đây. Nó cũng trùng hợp với nguồn dư luận được loan truyền rộng rãi trong những ngày qua là đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, đã đệ đơn từ chức TGM Hànội (?). Người ta chưa quên được lá bài chủ yếu của đức cha trong vụ này.
Câu hỏi đặt ra là những sự kiện trên đây có liên hệ gì tới những hiện tượng nghịch thường qua màn kết bất ngờ không ai chờ đợi của biến cố Tam Tòa và vai trò tương lai của Chủ tịch HĐGMVN Nguyễn Văn Nhơn, TGM Huế Nguyễn Như Thể, giám mục giáo phận Đà Nẵng Châu Ngọc Tri là những vị được tác giả Hiền Anh đặc biệt nêu tên trong phần mở đầu bài viết của ông?
Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem
Trần Phong Vũ, Nam California, ngày Thứ Năm 03-9-2009
[1] Xin đọc bài Con Có Một Tổ Quốc của cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (đã được phổ nhạc) [2] Sau đây là một đoạn trích trong tác phẩm "Giao Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại" của TPV do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành lần đầu năm 2005, tái bản lần thứ nhất năm 2006 (trang 148-149): "…Trong khi nhà nước cộng sản tại Varsovie tìm mọi cách để mong hạn chế tối đa ảnh hưởng của truyền thông quốc nội đối với cuộc viếng thăm mục vụ tại Ba Lan lần thứ nhất của Đức Gioan Phaolô II, thì sự có mặt của hơn 1,000 ký giả và phóng viên quốc tế đã tạo nên những hậu quả trái ngược. Với những bản tường trình kèm theo những hình ảnh sống động, giới truyền thông ngoại quốc đã bổ túc cho khán thính giả Ba Lan biết thêm những gì mà báo chí, truyền thanh, truyền hình nhà nước cố tình cắt xén không muốn cho họ thấy. Mặt khác, nó cũng loan truyền rộng rãi cho thế giới, đặc biệt là dân chúng tại các quốc gia Đông Âu như Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Lỗ Ma Ni, kể cả Liên Bang Xô Viết, thấy tận mắt, nghe tận tai những gì đang xảy ra tại một quốc gia đồng minh của họ. Kể từ ngày thứ ba, 04 tháng 6 năm 1979, cuộc viếng thăm trở thành một cuộc hành hương chiến thắng của vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo đối với chính những đồng bào của ngài. Hàng triệu người dân Ba Lan hãnh diện bước đi trong niềm phấn khởi hướng về Đức Gioan Phaolô II, vị chủ chiên và cũng là người đồng hương ái quốc của họ. Tất cả những biện pháp giới hạn của nhà nước đã trở nên chuyện dã tràng xe cát. Không những nó tỏ ra không hữu hiệu mà còn là những biểu chứng phản tuyên truyền. Những rào cản do công an cảnh sát thiết lập trên khắp đoạn đường 18 dậm dẫn tới Czestochowa nhằm kiểm tra, đồng thời tìm cách giới hạn số người tới dự kiến đã hiển nhiên trở thành tang chứng của một chế độ độc tài, đảng trị. Mặt khác, những biện pháp kiểm duyệt áp đặt trên các cơ quan truyền thông, nhất là tuyền hình nhằm ngăn chặn sự theo dõi của dân chúng Ba Lan bên ngoài Czestochowa, không những vô hiệu mà còn gợi thêm sự tò mò muốn tìm hiểu biến cố có một không hai của quần chúng. Xảo thuật nhằm giới hạn tầm quan sát của khán giả vào một mình Giáo Chủ Gioan Phaolô Đệ Nhị và giới thân cận của ngài trên các lễ đài chỉ làm cho tình trạng thêm tồi tệ, khi mà từng chập, những người theo dõi vẫn nghe được những tràng vỗ tay như biển động của đám đông quần chúng sau những lời tuyên tín hùng hồn của vị Giáo Chủ Công Giáo hoàn vũ…"
|