Mùa Xuân,
Đọc BÊN GIÒNG SÔNG HẰNG
Tác giả: VIỄN ĐẰNG CHU TÁC.
Người dịch: NGUYỄN VĂN THỰC
Người đọc: TRẦN PHONG VŨ
TỔNG QUAN
Sau khi đọc lại lần thứ ba, ý định viết về tác phẩm Bên Giòng Sông Hằng đã đến với tôi một cách mãnh liệt không thể cưỡng lại.
Nhưng sẽ phải bắt đầu từ đâu?
Đấy là câu hỏi làm tôi băn khoăn mỗi khi ngồi trước bàn viết. Bởi lẽ từ cách hành văn, bố cục, dựng chuyện tới những suy tư sâu sắc phảng phất những ý tưởng trừu tượng thuộc phạm trù triết học và thần học, tác giả đã đưa đẩy người đọc ra khỏi đời thường để dấn sâu, dấn xa vào cõi mịt mùng của thế giới siêu linh, thế giới tôn giáo, với những bí ẩn ngàn đời vô phương lý giải. Bản dịch cuốn sách chỉ vỏn vẹn 310 trang mà gói ghém cả một khung trời thâm u huyền bí của Á Châu cổ kính ít nhiều còn rơi rớt lại đến ngày nay. Bây giờ. Lúc này.
Biết bao tình tiết với biết bao mẩu đời sống cùng những tâm thức, những cảm nghiệm khác nhau, kể cả đối nghịch nhau, tròng tréo, quấn quýt, đan quyện vào nhau, đã được tác giả lồng vào nội dung tác phẩm. Điểm nổi bật đáng quan tâm nằm trong chủ ý của Viễn Đằng Chu Tác là mọi tư duy, tác động của nhân vật, ngoại cảnh trong toàn bộ tác phẩm đều quy về một mối. Đó là những quắt quay, trăn trở của con người trước những nan đề bất di dịch, từng được đặt ra từ thời cổ đại và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: con người được sinh ra, lớn lên, sống để làm gì? và khi chết sẽ đi về đâu?
Với một cuốn sách có nội dung lớn rộng và sâu xa, uyên áo như thế thì đâu là điểm khởi đầu, và bằng cách nào người đọc có thể gói ghém những suy tư, những nhận xét, dù hết sức chủ quan, hạn hẹp của mình trong vài ba trang báo?
Mấu chốt câu chuyện xoay quanh những thao thức của tác giả, xuyên qua những nhân vật của ông, về thế giới bên kia cuộc sống, về thân phận con người, về mối liên hệ giữa con người và vạn vật cỏ cây mà không khí u mặc, linh thánh bên giòng sông Hằng được coi là điểm hẹn, là cái nút thắt mở của câu chuyện.
Để sửa soạn bước vào cái chiều sâu thăm thẳm, bí nhiệm của con sông huyền hoặc ấy, tác giả đã dành quá nửa tác phẩm để đào xới tâm tư một số nhân vật điển hình. Mặc dù không am tường ngôn ngữ Nhật để đối chiếu nguyên tác, nhưng qua ngòi bút uyển chuyển, tài tình, rất Á đông và nhất là nghệ thuật vận dụng khả năng ngôn ngữ đặc chất Việt Nam của dịch giả Nguyễn Văn Thực, người đọc hy vọng nắm bắt được phần nào những tư tưởng sâu lắng bên trong và đàng sau tác phầm.
Trước hết, phải nói ngay rằng, người đọc vô cùng tâm phục lối dựng truyện và nghệ thuật dẫn truyện, giới thiệu nhân vật của tác giả Viễn Đằng Chu Tác. Những nhân vật chính, phụ tuần tự xuất hiện một cách lớp lang như trên màn ảnh cùng những gặp gỡ tuồng như tình cờ sau đó của họ trong chuyến hành hương Ấn Độ để mở vào những ngõ ngách phức tạp, bí ẩn của những người trong cuộc, đã chứng tỏ tài năng trác tuyệt của tác giả về nhiều phương diện. Mỗi nhân vật là một thế giới. Họ khác nhau, xa nhau nhưng cũng rất giống và gần nhau. Bởi lẽ họ cùng chia sẻ những hạnh phúc, đớn đau, những âu lo, hy vọng, những băn khoăn, thao thức chung khi đối diện với cái hằng cửu của những thế lực vô hình và cái mong manh của kiếp người, của muông thú, cỏ cây.
TÁC GIẢ & NHỮNG NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM
Qua tiểu sử, Viễn Đằng Chu Tác được giới thiệu như một nhà văn lớn trong văn học Nhật, từng nhiều lần được giới thiệu tranh giải Nobel văn chương. Ông cũng là tín đồ Công giáo, rửa tội từ năm 12 tuổi để từ đó phải 'khổ sở' vì 'làm kẻ có đạo' –khổ sở nhưng vẫn không nguôi lòng tin tưởng tuyệt đối vào mối đạo của mình-. Cho đến khi chết ông còn nuôi khát vọng được nghỉ yên 'ở Trường Kỳ, chiếc nôi của Giáo hội Công giáo Nhật Bản' (trang 13).
Ở khía cạnh này, nhân vật Đại Tân chính là hình ảnh phóng lớn của Viễn Đằng Chu Tác. Ông mượn Đại Tân để gửi gấm niềm khao khát kiếm tìm một hình bóng Giêsu xuyên qua một nền thần học ứng hợp với tâm thức dân tộc Phù Tang của tổ tiên ông. Đấy cũng là khao khát của nhiều nhà thần học thuộc các Giáo hội Công giáo và Tin Lành châu Á hiện nay, trong đó bao gồm một số tư tưởng gia Nhật bản, Trung hoa, Ấn độ, kể cả Việt nam.
Từ đấy, nếu người đọc hết lòng thán phục Viễn Đằng Chu Tác trên cương vị tiểu thuyết gia, thì đàng khác cũng có những điều cần xét lại khi nhìn ông qua lăng kính thần học Thiên Chúa giáo. (Và điều này thôi thúc người đọc muốn đào sâu trong phần cuối trước khi kết thúc bài viết). Một nhân vật khác sắm vai trò không kém phần quan trọng trong tác phẩm là nhân vật nữ Mỹ Tân Tử. Lề lối suy tư và cung cách hành xử dị thường, ngược ngạo của Mỹ Tân Tử chính là chất xúc tác giúp làm nổi bật lên cá tính, con người Đại Tân. Nếu Đại Tân là linh hồn của tác phẩm thì Mỹ Tân Tử là chất liệu, là xương thịt làm nên những gì tác giả muốn thể nghiệm khi viết Bên Giòng Sông Hằng.
Mỹ Tân Tử, khuôn mặt nữ tiêu biểu cho lớp thanh thiếu niên Nhật tôn thờ chủ nghĩa hư vô. 'Vào thời điểm này, các phong trào nổi loạn của sinh viên đã dần dần tàn lụi; phần nhiều các sinh viên bị rơi vào tình trạng tinh thần trống rỗng' (trang 56).
Viễn Đằng Chu Tác đã cắm mốc cho bối cảnh sinh hoạt của những nhân vật trong tác phẩm của ông như thế. Như nhiều người trẻ cùng thế hệ, người con gái này đã trải qua những năm tháng dài trống rỗng và cô đơn. Để phá vỡ nỗi cô đơn, trống rỗng ngày đêm dày vò tâm não, với bản chất thích nổi loạn thêm vào lời xúi biểu của đám sinh viên nghịch ngợm đang theo học tại trường đại học do một dòng nam Công giáo điều hành ở Đông Kinh, Mỹ Tân Tử chĩa mũi dùi phá phách vào anh chàng có đạo tên Đại Tân. Có điều khác với lũ bạn, cô đã có những suy nghĩ và hành động quá độ mà tuồng như cô không thể tự kiểm soát.
Cô phá Đại Tân không phải vì chính con người chàng sinh viên khờ khạo này mà là cái tôn giáo anh theo, hơn thế, là đấng mà anh hết dạ tôn thờ '...lần này, người cô trêu ghẹo không phải Đại Tân, nhưng là Đức Chúa Trời mà Đại Tân đang tin' (trang 60). Với sự đồng lõa của mấy người bạn trong băng phá phách, Mỹ Tân Tử phục rượu Đại Tân vì cô biết rõ là '...rất khó mà chơi anh chàng này được, mình phải phục rượu mới thành' (trang 64). Tiếp theo là những màn tống tình rồi đưa điều kiện 'Bắt đầu từ ngày hôm nay anh đừng đến Kultur Heim nữa! Có thế tôi mới cho anh làm người tình của tôi....Từ hôm nay trở đi –Mỹ Tân Tử làm như tình cờ ép sát đùi mình vào đùi Đại Tân- anh đừng có đi cầu nguyện nữa' (trang 70).
Và con mồi khờ khạo Đại Tân đã ngu ngơ sa vào lưới nhện! Thế nhưng, bất mãn và cô đơn vẫn tiếp tục hiện hữu trong cõi sâu thẳm của tâm hồn cô. Ngay giây phút người sinh viên ngu ngơ bị quyến rũ bắt bỏ đạo đang chúi mũi trên vùng ngực trần của Mỹ Tân Tử thì cô lại âm thầm tự nhủ lòng: phải đi kiếm cho ra một cái gì. Một cái gì đó có cội, có nguồn đích thực (trang 78). Nhưng suốt cuộc hành trình đuổi bắt vô vọng ấy cô đã chẳng bao giờ thỏa mãn. Mỹ Tân Tử lấy chồng –một người đàn ông lương thiện, bình thường như mọi người-, những tưởng có thể lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn. Nhưng rồi cô đã ly dị sau khi nhận thức rằng mình chính là hiện thân của điều nhà văn Phước Hằng Tồn đã diễn tả trong cuốn "Nhật Ký Của Horatio": 'Tôi không có khả năng yêu người thực sự. Chẳng bao giờ và chẳng thể yêu ai!' (trang 176).
Khi thử nghiệm lấy chồng, cô muốn sống đời sống bình thường như mọi người, muốn một ý nghĩa cuộc đời giản dị như ý nghĩa mà chồng cô và những bạn của chồng gán cho: golf, tennis, xe ôtô tối tân...lương thiện, không trộm cắp giết người, thành công trong nghề nghiệp....dâu thảo, vợ hiền....Nhưng, thảm kịch của vấn đề là với tâm thức Mỹ Tân Tử, sống như vậy là vô nghĩa, không đáng sống -Điển hình một cách hài hước, quá độ, và đáng ghét cho lối sống này là vợ chồng Tam Điều, đôi tân hôn cùng tham dự chuyến hành hương-.
Sống như vậy là không đi tìm nữa. Mà với cô, cô không thể không đi tìm. Ngay Đại Tân cũng không phải là đối tượng kiếm tìm của cô. Cô đưổi bắt Đại Tân không phải vì chính con người anh, mà vì một cái gì đó chưa rõ nét trong đáy lòng cô. Củ Hành chẳng hạn.
'–Xin lỗi nếu cô không thích cái danh xưng Chúa mà muốn đổi ra tên khác cũng chẳng sao. Gọi là Cà Chua hay Củ Hành cũng được thôi. – Được rồi. Thế thì Củ Hành là cái gì của anh vậy?' (trang 98)*.
Khi nghe Củ hành mời gọi, Đại Tân hồn nhiên như trẻ thơ trả lời: xin vâng. Cùng lúc ấy, con người thuần lý, bướng bỉnh Mỹ Tân Tử quyết liệt chống đối. Nhưng cô đã không hiểu rằng: sâu thẳm bên trong hành vi chống đối Thiên Chúa là một cách tin có Thiên Chúa. Nếu thật sự tin không có Chúa thì chống làm gì? Trong phút giây dìm mình ở giòng sông Hằng, Mỹ tân Tử đã âm thầm cầu nguyện. Lần đầu trong đời cô tự thú: 'Lời cầu nguyện có vẻ như thật tâm đó, cô cũng không rõ đang hướng về ai. Hướng về Củ Hành, người đã đón nhận Đại Tân chăng, hay là về một cái gì đó Vô Thủy Vô Chung, Cao Vời Khôn Ví?' (trang 303). Đấy là kinh nghiệm bất ngờ đối với chính bản thân cô. Nó giống như một thúc đẩy, một gọi mời của vô thức. Không cưỡng lại được. Đại Tân bỏ Chúa để thần phục Mỹ Tân Tử nhưng không bỏ được, vì Chúa không bỏ Đại Tân. Mỹ Tân Tử muốn xóa Chúa đi nhưng không nổi vì càng xóa càng hiện rõ trong tâm can sự thiếu vắng. Hư vô, cô đơn nơi Mỹ Tân Tử là một thứ sa-mạc-tâm-hồn. Và phải chăng đấy là thảm kịch của đời cô?
Đại Tân, chàng sinh viên Công giáo ngoan đạo, tới nguyện đường cầu nguyện mỗi chiều, lúc nào cũng mang bộ đồng phục lỗi thời, tính tình nhút nhát, đỏ mặt khi đối diện người khác phái, nhưng có một tấm lòng bao dung, hòa ái lạ thường. Có điều chẳng ai ưa bộ mặt quá trang nghiêm lúc nào cũng tỏ ra muốn làm vui lòng người khác của anh. 'Tôi thì xưa nay vẫn vậy đó! Cố gắng hòa đồng với mọi người nhưng rồi chẳng đi đến đâu; chỉ làm cho mọi người mất vui!' (trang 69). Có thể nói rằng Mỹ Tân Tử và Đại Tân là hai thực tại đối nghịch của đời sống nhưng lại cùng bị hấp lực của một đối tượng ở xa, ở ngoài tầm tay lôi cuốn. Lôi cuốn đến không cưỡng lại được. Đó là một hình bóng, một ảo ảnh, một cái gì cao xa ví như một lý tưởng tuồng như không có thực trong đời. Có khác chăng là cách tiếp nhận và phản ứng của hai người không giống nhau, nếu không nói là đối kháng nhau. Điểm tương đồng rõ nét nhất nơi hai nhân vật này là họ cùng đối diện trước một tâm cảnh cô đơn như nhau: 'Tôi vốn dĩ cô đơn nên tôi muốn nói chuyện với cô cũng là kẻ cô đơn' (trang 182). Trong một bức thư viết cho Mỹ Tân Tử từ một nhà dòng vùng Galilê, Đại Tân đã thú nhận như thế.
Trước hấp lực vô hình của tôn giáo, Đại Tân đặt để một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào Người ấy, vào Củ Hành. Niềm tin tuyệt đối này đã khắc sâu trong trái tim Đại Tân, đến nỗi ngay cả khi đứng bên bờ vực của sa ngã, bị Mỹ Tân Tử cưỡng bách bỏ đạo để được làm người tình hờ giai đoạn của nàng, anh vẫn một mực tuyên xưng 'Dù tôi bỏ Chúa đi nữa....thì Ngài vẫn không bỏ tôi' (trang 68).
Về phần Mỹ Tân Tử, từ chốn sâu thẳm của cõi lòng, nàng tha thiết 'muốn tìm cho ra một cái gì, một cái gì có cội có nguồn' -cái cội nguồn đã thôi thúc cô hơn một lần đuổi theo cái bóng vô hình vô tướng ẩn khuất trong cái bóng hữu hình của Đại Tân, chàng sinh viên có bộ mặt ngu ngơ khờ khạo, không có một nét nào hấp dẫn mà một thời cô ra sức quyến rũ để hành hạ cho bõ ghét rồi đá đi như một miếng giẻ rách: 'Và bây giờ, lại cứ luần quần đi kiếm cái anh chàng Đại Tân giữa thành phố cô đến thăm này. Có điều là trong những hành vi ngớ ngẩn đó, cô mơ hồ cảm thấy cô đang ước ao cái gì đó. Một ẩn số X bổ túc cho bản thân cô. Nhưng ẩn số X ấy là gì tới bây giờ cô cũng chưa biết được' (trang 258)).
Trong khi ấy, cô vẫn tiếp tục phản ứng theo thú tính một cách ngổ ngáo đến độ tàn nhẫn mà chính cô cũng không thể tự kềm chế. (Nhìn Thỉ Dã, chồng cô đi vào giấc ngủ một cách hồn nhiên vô tư sau khi làm tình, Mỹ Tân Tử bất mãn liên tưởng tới nhân vật Thérèse trong cuốn tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux của Francois Mauriac. Tâm trạng cô chồng lên tâm trạng mịt mùng, bi thiết của Thérèse, bởi vì từ trong ý nghĩ cũng như cảnh ngộ, cô nhận ra mình giống nhân vật nữ này quá.
Và người chồng hiền lành chơn chất của cô cũng rập khuôn với Bernard, chồng Thérèse như hình với bóng. Trong một giây bất định, cô muốn ra tay hạ sát chồng cô như Thérèse đã làm với Bernard. Cũng tương tự như trong chuyến hành hương Ấn Độ. Khi tình nguyện ở lại thành phố để làm người y tá bất đắc dĩ săn sóc ông Mộc Khẩu, một đồng hương trong đoàn, nhìn người đàn ông già bệnh hoạn đang chìm trong giấc ngủ mệt nhọc, ý tưởng giết chóc cũng đột nhiên lướt nhanh trong đầu Mỹ Tân Tử).
Trong thời gian phá phách ở đại học, vì tò mò và cũng vì muốn thấy tận mắt Đại Tân đã thần phục cô mà bỏ cầu nguyện, một buổi chiều, Mỹ Tân Tử tìm đến Kultur Heim, ngôi nguyện đường cổ kính trong khuôn viên đại học. Giữa không khí trầm lắng của nhà nguyện, tình cờ cô mở cuốn Kinh Thánh gặp đoạn 53, câu 3-4 trong sách Isaia:
'....Ngài không duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải để ý, không có vẻ gì đáng làm cho chúng tôi mến chuộng. Ngài bị khinh khi, và là đồ phế bỏ của người đời, con người đớn đau và những ốm o xo bại, như một kẻ có gặp chúng tôi thì lo giấu mặt, bị khinh khi, và chúng tôi đã chẳng đếm xỉa. Trái lại, chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang, chính các khổ đau của chúng tôi, Ngài đã vác....' (trang 71).
Nhẩm đọc đoạn sách Thánh, Mỹ Tân Tử cảm thấy khinh khi và chán ngán những kẻ tin vào nó. Nhưng cô không ngờ rằng sau này có lần hồi tưởng lại lời văn tẻ nhạt trên đây lại làm cho cô bồi hồi xúc động tự hỏi: 'Tại sao mình lại cứ đi kiếm Con Người ấy?' Và Mỹ Tân Tử đẩy xa những suy tư thầm kín của cô: 'Hình ảnh của nữ thần Chàmundà chồng lên Con Người ấy, và trên Con Người ấy, bóng dáng của Đại Tân nhìn từ phía sau, thật tội nghiệp, lại phủ lên. Khi nghĩ lại cô thấy như cô đang theo sau Đại Tân, truy tầm một cái gì đó mà không hay, nhưng đó là một người đàn ông 'chẳng có gì duyên dáng, oai vệ' mà cô đã ruồng rẫy, dù anh ta là một kẻ mà cô xử dụng như một món đồ chơi nhằm thỏa mãn cái tính tự tôn của mình, nhưng rồi bây giờ, chính Con Người ấy đang làm tổn thương cô' (trang 251-252).
Rõ ràng nhân vật nữ này đã đồng hóa Đại Tân với Củ Hành. Trước đó, trong khi cùng ông Chiểu Điền đi tìm tông tích Đại Tân tại thành phố có giòng sông Hằng chảy qua, để giải thích cho người đồng hành về sự kiện 'trên đời này thiếu gì những chuyện không thể hiểu được', cô nói: '- Thì tôi đang nghĩ đến cái việc người bạn tôi đang làm trong thành phố này. Con người ấy nếu nhìn theo cái nhìn của bàn dân thiên hạ, thì đúng anh ta đang đi làm cái chuyện điên rồ, nhưng....khi đến đây, tôi không thể coi đó là những hành động điên rồ được nữa' (trang 235).
Lại cũng một loại điên rồ của tình-yêu-thập-giá? (Điều mà Đại Tân với tư cách một Linh mục Công giáo làm lúc bấy giờ là từ sáng đến tối lần mò trong các hang cùng ngõ hẻm, kể cả những ổ ăn chơi, tìm kiếm những tiện dân trong cơn hấp hối, vác họ trên vai, đưa tới những trạm chờ chết để ủi an săn sóc, và nếu là người đã chết thì giúp họ thực hiện điều tâm nguyện cuối đời là được hỏa thiêu hoặc thủy táng trên giòng sông Hằng.
Chính trong phút giây làm cái công việc mà kẻ bàng quan cho là điên rồ như thế thì Đại Tân âm thầm cầu nguyện: 'Ngài đã vác thập tự giá leo lên núi Sọ. Ngày hôm nay, con cũng đang dõi theo bước chân Ngài....Ngài đã vác những đau thương của muôn người lên đỉnh Golgotha, bây giờ con cũng đang bắt chước Ngài. Ngài ơi!' (trang 278). Một cách nào đó, phải chăng Viễn Đằng Chu Tác đã phóng lớn và rập khuôn con người, hành vi của Mẹ Têrêxa Calcutta để chồng lên nhân vật Đại Tân trong tác phẩm của ông? Dĩ nhiên là ở một góc cạnh khác, một mục tiêu khác, không giống với bản chất, lý tưởng của người nữ tu mà thuở sinh thời đã được cả thế giới coi là thánh sống.
Ngoài hai nhân vật chính trên đây, Viễn Đằng Chu Tác còn đưa vào tác phẩm ba mẫu người hoàn toàn khác nhau về nhiều phương diện nhưng đều gặp nhau ở một điểm là giúp tác giả củng cố và làm sáng lên những luận điểm triết học và thần học mà ông muốn biện giải.
Nhân vật thứ nhất là ông Cơ Biên, một mẫu người chồng Nhật Bản mà ở bất cứ vòm trời Châu Á nào cũng có. Mẫu người luôn xem nhẹ mối liên hệ phu thê, coi vợ như một nhánh rễ phụ, một người có bổn phận phải phục vụ gia đình như một cái bóng mờ nhạt, một nghiệp dĩ. Nhưng khi hay tin vợ mắc chứng nan y chỉ còn sống được vài ba tháng, ông cảm thấy hụt hẫng, cuống cuồng lo lắng đến quên ăn mất ngủ và muốn làm mọi cách để chuộc lại những thờ ơ thiếu sót của mình với người bạn đời chung thủy. Và lời trăn trối hàm hồ của vợ ông trong phút lâm chung đã trở thành một ám ảnh khôn nguôi, thôi thúc ông lặn lội qua vùng trời Ấn Độ xục xạo tìm hậu thân của bà, cho dù tự thâm tâm ông không hề tin vào thuyết luân hồi, vào chuyện con người có thể tái sinh trong kiếp khác.
'– Em....biết chắc....em sẽ được tái sinh ở một nơi nào đó trong thế giới này. Mình nhớ đi kiếm em....gặp em....Mình hứa đi!....Mình hứa đi mình! Lời trăn trối trong cơn mê sảng đó của bà cứ văng vẳng bên tai ông. Nhưng ông không thể tin vào những chuyện huyền hoặc như vậy, bởi vì, cũng như nhiều người Nhật khác, ông là người vô tín ngưỡng, và cho rằng chết là hết!' (trang 32). Nhưng khi vợ chết ông mới khám phá ra rằng chết là chết!
Có điều: chó chết hết chuyện, nhưng người chết thì chuyện hình như vẫn còn dài –dài như mối bận tâm của con người trước sự huyền nhiệm của lẽ tử sinh-. Vì sống là sẽ phải chết nên sống mới thành bi đát. Vợ chết, ông Cơ Biên mới thấy mình thật sự sống. Trước kia ông sống bên cạnh cuộc đời, bên cạnh vợ, tức ngoài lề sự sống. Bây giờ ông hành hương qua Ấn để tìm kiếm. Ông ảo tưởng là tìm kiếm hậu thân của vợ mà thật ra là tìm lại, khám phá lại chính ông.
Nhân vật thứ hai là ông Chiểu Điền, một nhà văn chuyên viết truyện nhi đồng. Thế giới truyện của ông là cỏ cây, chó mèo, chim chóc. Thuở thiếu thời, để trốn nỗi cô đơn, day dứt vì cha mẹ tối ngày lục đục và cuối cùng dẫn tới bỏ nhau, chú bé Chiểu Điền trút nỗi cô đơn, buồn sầu của chú vào tai con Mực. Sau này lớn lên lấy vợ, thành nhà văn, ông tiếp tục tự thu nhỏ lại trong nỗi cô đơn của riêng mình để chỉ bầu bạn, tâm đắc, nhỏ to, tâm sự với những con Tê, con Nhồng.
Thoát chết trong một cuộc giải phẫu thập tử nhất sinh, nghe vợ cho biết con Nhồng đã chết vào đêm ông trên bàn mổ, ông đã không khỏi bàng hoàng với ý nghĩ mơ hồ là nó đã thế mạng cho ông. Và đấy là động cơ thôi thúc ông ngu ngơ tham dự cuộc hành hương Ấn Độ chỉ với mục tiêu duy nhất là đi thăm những cơ sở bảo vệ các loài muông thú trên đất Ấn. Như một hành vi xuất phát từ vô thức, trong khi cùng Mỹ Tân Tử len lỏi bên giòng sông Hằng, ông tìm mua bằng được một con nhồng chỉ để phóng sinh, coi đấy như một việc vay trả, trả vay.
Nhân vật thứ ba là ông Mộc Khẩu, một cựu chiến binh Nhật trong đệ nhị thế chiến. Đương sự đã trải qua những ngày đêm kinh hoàng lúc tàn quân Nhật bị rượt đuổi tan tác trong rừng già Miến Điện, chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn cái chết đau thương của đồng đội vì đói khát, tật bệnh hoặc tự kết liễu đời mình trong phút giây quá tuyệt vọng giữa những cơn mưa lũ, với hình ảnh thây người nằm ngổn ngang, trong đó có những kẻ còn sống nhưng dòi bọ đã bắt đầu rúc rỉa khắp châu thân. Chính ông những tưởng cũng phải bỏ thây nơi xứ lạ nếu không nhờ Trủng Điền, người bạn chiến đấu trung kiên đã hết lòng giúp đỡ bằng cách săn sóc, khích lệ, chia sẻ phần ăn đạm bạc cuối cùng cho ông.
Nhiều năm sau gặp lại bạn cũ và cũng là người ơn, ông phát hiện nơi Trủng Điền, con người mang vác cả một trời tâm sự ngổn ngang, u uẩn, tối ngày say sưa như hũ chìm đến nỗi phải nằm bệnh viện vì bị thổ huyết nhiều phen. Biết mình khó tránh khỏi lưỡi hái tử thần, một hôm Trủng Điền đã tâm sự với bạn điều bí ẩn khiến anh đau lòng phải tìm quên bên ly rượu: gặp bước đường cùng trong cuộc lui binh năm ấy, vì cần có một cái gì nhét vào bụng cho qua cơn đói, anh đã nhắm mắt ăn thịt một người, một đồng đội! Trước giây phút lâm chung, Trủng Điền đã được một thanh niên thiện nguyện người Âu có tín ngưỡng Thiên Chúa giáo tên Gaston giải tỏa những ẩn ức trong lòng, và anh đã ra đi với nét mặt bình an thanh thản.
Theo gót đoàn hành hương, ông Mộc Khẩu đặt chân đến xứ Ấn không ngoài tâm nguyện thực hiện một lễ cầu siêu cho những đồng đội của ông đã khuất bóng, tại chính quê hương Đức Phật, cho dẫu đạo Phật lúc này chỉ còn là thiểu số so với Ấn giáo và đạo Hồi '...tôi muốn đến chùa để làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong, nhưng tôi lại không biết, ở Ấn, tín đồ Phật giáo lại ít đến thế. Mặc dầu nước này là nơi Đức Thích Ca đã sinh ra, thế mà bây giờ là một quốc gia theo Ấn giáo!' (trang 281).
Vượt lên tất cả những nhân vật chính phụ trên đây là một nhân vật khác được tác giả nhân cách hóa tới tuyệt đỉnh. Dó là Giòng-Sông-Hằng, giòng sông với nguyên nghĩa là Thiên Đường Lai, từ Trời, từ Thiên Đường chảy xuống, giòng sông được Đại Tân mệnh danh là Giòng-Sông-Củ-Hành, Giòng-Sông-Tình-Yêu, Giòng-Sông-Chuyên-Chở-Sự-Sống-Đời-Đời. Cùng với tượng nữ thần Chàmundà, nó là mạch máu, là trái tim của tác phẩm, là hấp lực huyền bí lôi cuốn những nhân vật của Viễn Đằng Chu Tác tìm về, để ít nữa, một lần tìm gặp lại chính mình.
VÀI NHẬN XÉT CHỦ QUAN
Như đã viết ở phần đầu, Đại Tân chính là hình bóng của Viễn Đằng Chu Tác. Ông xử dụng nhân vật này để giải tỏa nỗi khổ tâm làm người có đạo của ông. (Phải chăng đây là nỗi khổ tâm và cũng là nỗi bất hạnh của những mẫu người trót mang cái tư duy mẫn cảm, khúc mắc được gọi tên là khôn ngoan, thông thái để vô tình đánh mất tâm hồn trẻ thơ nguyên thủy, một trong những điều kiện tất yếu hầu dễ dàng tiếp nhận ơn sủng trong cuộc hành trình Đức Tin? 'Hãy để những trẻ nhỏ đến cùng Thày, vì nước Trời thuộc về những ai nên giống như chúng (Mt: 19. 14). '....con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho người bé mọn' (Lc: 10. 21) Và phải chăng đấy cũng là khuôn mặt thứ hai của điều Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại gọi tên là Sự Điên Rồ Của Thánh Giá?)
Từ đấy, người đọc đi tới kết luận: những suy tư, phản ứng và cung cách hành xử của Đại Tân chuyên chở chính con người và tâm thức tác giả Bên Giòng Sông Hằng.
'Sẽ có ngày tôi trở về Nhật bản..... Tôi sẽ đào sâu suy tư về một Kitô giáo ứng hợp với tâm thức Nhật bản' (trang 102). Vào một buổi trưa bên bờ sông Saôn, Lyon, Pháp quốc, Đại Tân đã âm thầm tâm sự với Mỹ Tân Tử như thế. Rõ ràng khi dàn dựng nội dung câu chuyện Bên Giòng Sông Hằng, tác giả nuôi tham vọng khoác cho tác phẩm của ông giá trị lập thuyết gợi ý cho viễn tượng hình thành một nền thần học cá biệt cho Á Châu, cách riêng cho Giáo hội Công giáo Nhật mà trong đó ông là một thành phần. Nền thần học ấy phải dung chứa hoặc ít nhất là lý giải được những tín ngưỡng khác nhau trên lục địa mênh mông huyễn hoặc này, trong đó bao gồm Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo v.v...
Một nền thần học như thế, theo tư duy tác giả được phát biểu qua nhân vật Đại Tân, không thể rập khuôn theo kiểu cách Âu châu là phân biệt rạch ròi, minh bạch giữa cái Thiện và cái Ác. 'Tôi không thể phân biệt Thiện, Ác rạch ròi như những người ở đây được, Tôi nghĩ là trong Thiện có Ác mai phục, trong Ác có Thiện nằm vùng....' (trang 101).
Xét riêng về phương diện đức tin, dù những người sùng đạo nhất cũng phải ngả mũ trước niềm tin thiết thạch không dời đổi của Đại Tân. Nó được nuôi dưỡng và lớn lên nơi nhân vật này trong khung cảnh gia đình, giữa vòng tay và hơi ấm của tình mẫu tử. '....từ những ngày còn nhỏ, nhờ mẹ tôi, tới nay tôi vẫn còn tin tưởng, chính là sự ấm áp nơi mẹ. Hơi ấm từ tay mẹ nắm, hơi ấm của thân thể khi được mẹ ôm ấp, hơi ấm tình thương, hơi ấm khi mẹ chẳng bỏ rơi tôi, dù so với các anh chị, tôi là một thằng ngố. Mẹ luôn kể về Củ Hành, như có lần tôi đã nói với cô. Nhưng vào những ngày xa xưa đó, mẹ còn dạy cho tôi biết rằng Củ Hành là một khối rất ấm áp –hay nói ngắn gọn- Củ Hành là Tình Yêu. Khi tôi bắt đầu tuổi lớn khôn, tôi mất mẹ. Lúc này tôi mới hiểu ra rằng, suối nguồn ấm áp nơi mẹ là một mặt của Củ Hành, và rốt cuộc cái mà tôi tìm kiếm, chính là Tình Yêu của Củ Hành....' (trang 175).
Đọc những giòng tâm sự của Đại Tân, người viết không thể dằn lòng nghĩ tới niềm tin chơn chất của những bà mẹ quê Việt nam muôn thuở. Niềm tin ấy đã chảy theo giòng sữa, đã lan tỏa từ hơi ấm của trái tim yêu thương những người mẹ hiền để lưu chuyển, thấm nhập vào đàn con, để cũng giống như Đại tân –đúng hơn, như Viễn Đằng Chu Tác-, khi bị thử thách vẫn mạnh dạn tuyên xưng là 'cho dù tôi có bỏ Chúa, thì....Ngài cũng không khi nào bỏ tôi'.
Có điều tréo cẳng ngỗng là trong khi cái cốt lõi hồn nhiên chơn chất trang bị cho Đại Tân một niềm tin vàng đá như thế thì gánh nặng của tảng đá tri thức (!) trong đầu anh -một thứ tuy là tối thiết để Đức Tin khỏi biến thành mê tín, nhưng trong nhiều trường hợp, nếu những kẻ tìm kiếm Đức Tin lại quá lệ thuộc vào trí óc, vào sự thông tuệ của mình thì nó lại là thứ rào cản vô hình che mắt con người nhìn ra khuôn mặt thật mang hình tượng điên rồ của Chân Lý- đã đẩy anh vào mê cung của những lý luận thần học trộn lẫn triết học vô bổ, đưa tới những mâu thuẫn, giằng co không cần thiết, để bất đắc dĩ trở thành kẻ rối đạo! Vì thế anh cứ loay hoay khổ sở với những đối kháng cào xé trong anh.
Ở điểm này tôi hoàn toàn chia sẻ những suy tư của Giáo sư Triết học Đỗ Mạnh Tri. (Một cách thật tình cờ, từ hai phương trời cách biệt, cả hai chúng tôi cùng đọc Bên Giòng Sông Hằng vào một thời điểm). Trong một lá thư trao đổi trên e-mail mới đây, Giáo sư Tri viết: 'Đại Tân hay tác giả đã lẫn lộn đức tin với một thứ thần học nào đó'. Sự lẫn lộn này trong thực tế đã bộc hiện rõ nét trong khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu khai diễn tại Vatican cách đây không lâu.
Vì tiên quyết thần học là cứu cánh, là cốt lõi, là yếu tố nền tảng soi dẫn đức tin, hơn thế, là điều kiện cần và đủ cho đức tin nên có ý kiến đặt ra là phải có một nền thần học riêng cho từng châu lục, hơn thế, cho từng quốc gia, để làm kim chỉ nam cho công cuộc truyền bá Tin Mừng! Một cách gián tiếp để nói lên tính cách độc tôn, quả đoán của quan niệm này, Đỗ Mạnh Tri viết:
'....ngay bên Âu châu, có được mấy người học thần học?Đức tin có thể diễn tả qua thần học một phần nào, nhưng đức tin diễn tả trước hết trong cuộc sống của con người. Đức tin của người Âu châu cũng như của bất cứ ai, được trang bị phần nào bằng lý trí, nhưng trước hết bằng những gương sống, những thánh đường, nhà thương, trường học....và trên hết, bằng ơn Chúa. Mẹ Têrêxa không phải là một nhà thần học. Các nữ tu Việt nam hẳn cũng chẳng mấy ai biết đến thứ kiến thức xa xỉ này....'
Điều người ta gọi là Phép Lạ Đại Hàn qua sự bùng nổ của niềm tin Kitô tại phần đất này trong vài thập niên gần đây, với con số hàng trăm ngàn người cải đạo theo Công Giáo hoặc Tin Lanh hàng năm, đã chứng nghiệm tính trung thực hàm xúc trong những nhận định kể trên của Giáo sư họ Đỗ. Lối giảng dạy thiết thực, cung sách sống và làm chứng Tin Mừng gần gũi quần chúng nghèo hèn của hàng Giáo phẩm cũng như của tập thể tín hữu Đại Hàn đã sắm vai trò then chốt để làm nên phép lạ tại phần đất Á châu này. Họ đâu cần cầu viện tới một thứ thần học nào khác ngoài tự thân Tin-Mừng-Cho-Người-Nghèo-Khó, thứ Tin Mừng mà dù Đông hay Tây, Âu hay Á cũng chỉ là một. Đó là Tin Mừng mang diện mạo yêu thương, bần hàn, tận tụy phục vụ tha nhân của Chúa Giêsu, khuôn mặt Củ Hành của Đại Tân.
Đề cập tư duy của Đại Tân là 'không thể phân biệt Thiện – Ác rạch ròi như những người ở đây được', với kinh nghiệm nửa thế kỷ sống trên đất Pháp -là du học sinh, sinh viên, là người giảng dạy môn triết- Đỗ Mạnh Tri nêu nhận định riêng của ông: 'Có những người Pháp nghĩ như thế, nhưng đâu có phải mọi người Pháp đều nghĩ như thế! Lại một định kiến tầm thường. Mà có thiếu gì những người Nhật hay Việt nam cứ khăng khăng phân biệt Thiện Ác rạch ròi! Địch – Ta, Chính – Tà....'
Nhân đây, người đọc Bên Giòng Sông Hằng thấy cần phải thương xác một lần về cách ứng xử niềm tin của nhân vật Đại Tân, đặc biệt trong thiên chức Linh mục của anh. Nếu xét về mặt Tin, chúng ta đồng ý là khó ai qua mặt Đại Tân thì trong cách sống niềm tin của nhân vật này dường như người ta lại phát hiện những điều không ổn. Qua tác phẩm, ta thấy Đại Tân là một Kitô hữu thuần thành, hơn thế lại can đảm đáp lời mời gọi đi tu một cách quyết liệt trong cái thong dong tự do của con cái Chúa. Trong lần gặp lại Mỹ Tân Tử thời gian tu học ở Lyon, anh đã không ngần ngại bộc lộ tâm trạng vui mừng và biết ơn cô, vì nhờ cô mà anh quyết định bước vào cuộc sống tu trìø. Chính anh đã tâm sự: '....Chúa, như một ảo thuật gia, biến hóa được mọi sự, kể cả sự yếu hèn và tội lỗi của tôi' (trang 97).
Thông thường khi đã lựa chọn đi tu thì phải trải qua một tiến trình đào luyện. Muốn được đào luyện chu đáo thế tất không thể không thông qua ngưỡng cửa của hệ thống học đường, chủng viện trong Giáo hội. Nhưng với Đại Tân thì khác. Ngay từ những ngày ngu ngơ bước vào chủng viện, vì bị dằn vặt bởi những mâu thuẫn nội tâm, anh đã có ý tưởng muốn thoát ly Giáo hội. '....cái mà tôi tìm kiếm chính là Tình Yêu của Củ Hành chứ không phải những tín điều phát xuất từ miệng của cái gọi là Giáo hội' (trang 175).
Phát biểu như thế nhưng Đại Tân vẫn nhận mình là Linh mục Công giáo và ít nhiều anh vẫn giữ những quy luật căn bản của Giáo hội. Sau khi rời tu viện sống giữa những Sàddhu (những tín đồ Ấn giáo về già thoát ly gia đình đi vào đời tu khổ hạnh lang thang), mỗi sáng trước khi dấn thân vào các ngõ ngách để mang vác những xác chết đem ra sông Hằng, Đại Tân vẫn chăm chỉ dâng lễ Misa theo truyền thống Giáo hội Công giáo. Cùng lúc ấy, anh tiếp tục cách sống niềm tin bên lề Giáo hội! Phải chăng đấy là phản ứng cương ngạnh phát xuất từ một trạng thái tâm hồn chất chứa quá nhiều mâu thuẫn, bất nhất, thứ mâu thuẫn, bất nhất của những nhà thần học nuôi quá nhiều ảo tưởng?
Về điểm này, Giáo sư Tri nhận định: 'Đại Tân sống như ngoài Giáo hội. Trong Giáo hội có chỗ đứng cho Đại Tân. Nếu không có, Đại tân phải giành lấy chỗ đứng cho mình. Vì cho dù với tất cả mọi tật xấu, Giáo hội vẫn là phương tiện Thiên Chúa dùng để đến với nhân loại. Không ai có thể là Kitô hữu một mình....Trở lại vấn đề thần học, câu nói đáng chú ý nhất đối với tôi là một nhận xét của Mỹ Tân Tử khi nàng nghe Đại tân nói như thì thầm với mình về Kitô Củ hành: 'Đại tân thì thầm như đang đọc chuyện từ một cuốn truyện tranh đang mở cho những em bé nghèo hèn nghe'. Chúng ta đều là những em bé nghèo hèn.
Thần học chẳng qua là suy nghĩ về niềm tin của mình. Thần học Kitô giáo suy nghĩ về cuộc đời, về những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Cứu Thế. Dĩ nhiên, khi suy nghĩ không thể cho vào ngoặc cả một truyền thống cổ kính và đa dạng của các Giáo hội Kitô giáo. Nhưng để suy nghĩ, không nhất thiết cứ phải vịn vào triết học, dù là triết học Á đông. Mà Á đông nào nhỉ? Tôi thích một Đại Tân đọc chuyện. Kinh Thánh -Tân Ước, Cựu ước- phần lớn là những câu chuyện. Những câu chuyện kể về thân phận con người, về cội nguồn và cứu cánh, về ý nghĩa của cuộc đời, của cái có, cái không. Vì một mầu nhiệm nào, trải qua bao thế kỷ, những câu chuyện ấy đã và vẫn được lắng nghe như một Lời mạc khải.... '
Từ những suy tư của triết gia họ Đỗ, người đọc liên tưởng tới một đoạn trong bài của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan viết trong thời gian có cuộc tranh luận về vấn đề tuyên Thánh cách đây hơn 10 năm: 'Nói Chuyên Tử Đạo Với Ông Nguyễn Khắc Viện'. Bài viết nằm trong bối cảnh truyền đạo và tin đạo của tiền nhân Việt Nam, nhưng về ý nghĩa nó giúp lý giải thêm cho Phép Lạ Đại Hàn và phần nào góp phần củng cố cho luận điểm trên đây của Đỗ Mạnh Tri.
'Điều may mắn cho lịch sử Giáo hội chúng tôi là suốt giòng lịch sử của mình, vẫn còn tồn tại một đường hướng truyền giáo khác, đúng như lời dạy của Chúa Giêsu hơn: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, đến với từng người mù, kẻ què, người phong hủi, kẻ bệnh tật....Và đây là chỗ một Kitô hữu như tôi có thể thật vui vẻ và thật hiên ngang trước lời nhận xét của Clémentin: Ở Việt Nam cái khuynh hướng để tạo nên một Constantinus đã hoàn toàn thất bại, chẳng đi tới đâu. Cha ông chúng tôi trong đức tin hầu hết là tầng lớp 'vô sản mạt hạng', thành phần cùng khổ, thất học, trắng tay, không quyền lực, không của cải trên đất nước này. Tin Mừng quả đã được rao giảng cho người nghèo khó, đúng theo ý Chúa. Và chính 'tầng lớp vô sản mạt hạng' đó đã chết vì đạo (chứ như những đạo trưởng đã ôm đồng hồ quả lắc vào triều hoặc như Pigneau de Béhaine thì đã dễ gì được chết vì đạo?).
LỜI KẾT CỦA NGƯỜI ĐỌC SÁCH
Chiều kích tư duy của tác giả cũng như những suy nghĩ, tác động của nhân vật trong tác phẩm quá mênh mông, trải rộng trong khi khả năng của người đọc chỉ có giới hạn lại phải gói gọn trong vài trang báo, cho nên bài viết hẳn không tránh khỏi nông cạn và thiếu sót. Tuy nhiên, điều chúng tôi có thể xác quyết là, gạt qua một bên những nhận định có tính chủ quan về cá tính nhân vật và về những lấn cấn trong lãnh vực thần học, tác phẩm Bên Giòng Sông Hằng của Viễn Đằng Chu Tác, qua nghệ thuật chuyển ngữ 'rất Á đông, rất Việt Nam' của Nguyễn Văn Thực, xứng đáng là một tuyệt phẩm mà tất cả những ai yêu sách, say mê nét đẹp u trầm, bí nhiệm của Á châu, không thể bỏ qua.
Riêng với những tâm hồn thường đặt cao chiều kích tâm linh của kiếp người thì, theo thiển kiến, Bên Giòng Sông Hằng là một lời mời gọi, một dịp suy tư và chiêm niệm. Không phải mấy tiếng đồng hồ phù du trầm mình trong mấy trăm trang sách, mà là..... cả một đời.
* Từ "Củ Hành" được nhân vật Đại Tân dùng để nói tới Chúa hay Chúa Giêsu trong tác phẩm khi đối thoại với nhân vật Mỹ Tân Tử, vì lẽ cô này thường tỏ ý khó chịu, không muốn nghe anh lập đi lập lại danh xưng Chúa.