Thursday, July 30, 2009

Im Lặng, Đồng Loã: Giáo Hội hay Giáo Phẩm ?

IM LẶNG, ĐỒNG LÕA: GIÁO HỘI HAY GIÁO PHẨM?
 

Quan điểm của nhà văn Trần Phong Vũ trong cuộc trao đổi với nhà báo Thiên Ân[1]

trên đài Phát thanh VAB sáng Thứ bảy 21-4-2007

 

Thiên Ân: Thưa quí thính giả,

Như đã thông báo trước, nhân dịp tưởng niệm 30 tháng Tư, chúng tôi sẽ mở những cuộc trao đổi với các thức giả trong cộng đồng tị nạn về những vấn đề thời sự hiện nay. Vị khách mời của chúng tôi hôm nay là nhà văn Trần Phong Vũ từ nam California. Ông là một trong những nhà bình luận uy tín về những vấn đề tôn giáo. Trước tháng 4 năm 75, ông là bình luận gia của hệ thống truyền thanh Việt Nam Cộng Hòa. Điều này cho thấy ông không chỉ am tường về những vấn đề tôn giáo, mà cón là một nhà bình luận sâu sắc quán triệt những vấn đề thời sự trong và ngoài nước. Bây giờ chúng tôi xin được nói chuyện với nhà văn Trần Phong Vũ.

 

Thưa ông, hồi cuối tháng 3, hình ảnh từ Toà Án ở Huế xuất hiện dồn dập trên mạng thông tin toàn cầu trông có vẻ là một hình ảnh vừa thê thảm mà lại vừa khôi hài. Thê thảm vì một nhà tu bị bắt, bị còng và bị 3 anh công an sát khí đằng đằng, súng ống dùi cui đầy đủ, vừa xốc vừa lôi ra trước toà. Nhưng nó bỗng dưng biến thành khôi hài - bởi nó cho thấy bạo lực không cần thiết của những người có quyền trong chế độ - khi can nhân ốm yếu và hầu như vô phương tự vệ đó bị anh công an to con lớn xác nhào tới bịt miệng để ngăn ông tiếp tục hô to những lời lẽ chống đối chế độ. Tôi xem hình ảnh đó và thấy như thế cho nên xin mở đầu bằng câu hỏi là chính ông, khi xem hình, cảm nghĩ của ông như thế nào khi thấy LM Nguyễn Văn Lý bị đối xử tàn tệ như vậy?
    http://www.dcvonline.net/php/images/102008/tranpv.jpg

Trần Phong Vũ: Thú thật với ông và quý thính giả, cảm giác đầu tiên của tôi là sự kinh ngạc đến sững sờ. Trong một giây, tôi mất hẳn tự chủ, không tin ở mắt mình nữa. Cùng một lúc tôi nghĩ ngay tới những trò đùa giai chuyên ghép hình để chọc cười khán giả của những tay chơi video tài tử.  Nhưng đến khi mở email, được đọc những bản tường trình về vụ án cha Lý ở Huế lấy từ những hãng thông tấn quốc tế uy tín, tôi mới tin đấy là sự thật.

Sự kiện này nói lên điều gì?
 
Để tìm ra câu trả lời chính xác ông cần biết, tôi vốn là người Bắc. Với tuổi đời năm nay đã trên bảy chục, tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng về cái căn tính gian ngoan, xảo quyệt, nói không thành có, biến trắng thành đen của những người cộng sản. Ấy thế mà khi theo dõi đoạn phim rất ngắn quay cảnh cha Lý hai tay mang còng số 8, bị xô đẩy như một con thú hoang, sau đó khi ngài cất tiếng, lại bị một tên công an nhà nước đưa bàn tay hộ pháp bịt miệng ngài trước mắt hàng trăm người, trong đó có cà các nhân viên ngoại giao và các ký giả quốc tế, tôi đã phải kinh ngạc đến độ sững sờ. Nó cho thấy tính cách man rợ, quái dị có một không hai, trong lịch sử tư pháp của loài người tự cổ chí kim.
 
http://4vietnam.org/vne/2009/BanDocViet/DanApTonGiao/LmNguyenVanLy/LmNguyenVanLy.png
 

Tôi tự hỏi, với một người đã quá quen với những trò dã man,bịp bợm của cộng sản như tôi mà còn cảm thấy bất ngờ như thế, thì thưa ông, với những người dân trong các quốc gia văn minh người ta sẽ nghĩ sao? Từ câu hỏi này, thú thật với ông, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ, muốn cúi mặt khi nghĩ mình cùng một màu da, tiếng nói, cội nguồn với loài dã thú mang bộ mặt người ở Hànội, ở Bắc Bộ Phủ.

 

Thiên Ân: Thưa ông, theo như đã được ghi nhận từ khi các LM như Cha Lý hoặc Cha Lợi, bắt đầu lên tiếng phản kháng cho đến giờ, Hội Đồng GM, hay nói chung là giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trong nước lẫn Toà Thánh, là cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo Hội ... đều không hề lên tiếng. Theo ý ông, có phải đó là cách chứng tỏ giới lãnh đạo giáo hội không đồng ý với hành động có tính phản kháng của các LM? Và liệu đó có phải là đường lối của giới lãnh đạo giáo hội trước bạo quyền?
 
http://hdgmvietnam.org/Images/News/TinTucGiaoHoiVietNam/GMVNGHCGTG_Full_427171.jpg
 
Trần Phong Vũ: Truy cho đến cùng, câu hỏi của ông chỉ có những Giám Mục mới có được câu trả lời chính xác. Nhưng vì ông đã trực tiếp đặt ra cho tôi, tôi xin trả lời với tất cả sự dè dặt và sự hiểu biết giới hạn của tôi.
 
Trước hết, chúng ta cần phân biệt: đường lối của Giáo Hội Công Giáo và cung cách suy nghĩ, hành sử mang tính cá nhân của những người đại diện Giáo Hội là các Giám Mục. Theo tôi, bất cứ lề lối suy nghĩ, hành sử, kể cả những lời phát ngôn nào, cho dẫu là từ các Giám Mục, để có thể được coi là nằm trong đường lối của Giáo Hội thì nó phải phản ánh trọn vẹn được yếu tính của niềm tin Kitô giáo. Khi nói tới giá trị của con người theo quan điểm Giáo Hội CG, đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mệnh danh "Con Người là Đường Đi Của Giáo Hội". Nói cách khác cho dễ hiểu, Con Người là mục tiêu, là đối tượng, là đích điểm hàng đầu Giáo Hội Công Giáo phải phục vụ.
 
Phân biệt rạch ròi như vậy, với tư cách người tín hữu Công Giáo, thú thật với ông, tôi cảm thấy có một cái gì không ổn trước thái độ im lặng của hàng giáo phẩm Việt Nam trước sự kiện cha Lý bị đối xử bất công, mất nhân phẩm như vậy! Bởi vì, cứ tạm gác tư cách linh mục, công dân Nguyễn Văn Lý cũng là một nhân vị, một con người với tất cả những yếu tính cần được tôn trọng, bảo vệ và bênh vực trước những thủ đoạn bất công, bất nhân của chế độ trút lên đầu ngài.
 
http://ngothelinh5.tripod.com/nvl/LM_NguyenVanLy_02.jpg
 

Mà cha Lý đã làm gì nên tội? Có chăng ngài chỉ nhân danh tư cách của người công dân trước nạn nước, hơn thế, tư cách của người linh mục để cất lên tiếng nói ngôn sứ của mình trước những bất công, băng hoại của một xã hội đang bị thống trị bởi một chế độ tham tàn. Những bất công băng hoại từng khiền cả những khuôn mặt lớn của đảng của chế độ như tướng Trần Độ, như giáo sư Hoàng Minh Chính, như tiến sĩ Nguyễn thanh Giang, như đại tá Phạm Quê Dương, như phó tiến sĩ Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, như người đảng viên lão thành Vũ Cao Quận phải cất cao tiếng nói đối kháng, bất chấp những đòn thù của chế độ.

 

Thiên Ân: Thưa ông, có rất nhiều dẫn chứng được trích từ lịch sử đã được nêu lên để chứng tỏ vuốt ve bạo quyền chỉ làm cho bạo quyền đó thêm ngoan cố và tự mãn để càng ngày càng tác hoạ nhiều hơn thôi. Giới lãnh đạo giáo hội tất nhiên là những người thấu đáo lịch sử và có viễn kiến, vậy thì theo ý ông, giáo hội im lặng và đôi khi lại còn có vẻ đồng ý với hành động của nhà cầm quyền là vì lí do gì? Các Ngài nhìn thấy nhiều điều mà chúng ta không thấy chăng?
 
Trần Phong Vũ: Trước hết, tôi thấy cần phải chính danh điều ông nói rằng Giáo Hội không những im lặng mà đôi khi còn có vẻ đồng ý với hành động của nhà cầm quyền. Tôi xin phép nói lại cho rỏ là đã có những cá nhân Giám Mục có thái độ như thế, nhưng không thể nói tổng quát là Giáo Hội như thế.
 
Ông hỏi lý do. Xin trả lời: có nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là vì tâm trạng sợ hãi. Chính cố TGM Nguyễn Văn Bình trước khi được Thiên Chúa gọi về cũng phải thú nhận là cho đến cuối đời Ngài vẫn còn sợ. Sợ ai? Sợ cộng sản, sợ guồng máy sắt máu của chế độ độc tài, độc đảng! Đấy là nhược điểm lớn nhất và cũng là căn tính khó chữa trị nhất của con người qua mọi thời đại. Hiểu như vậy nên trong toàn bộ Thánh Kinh, có tới 336 lần Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các môn đồ của Ngài là: Các con đừng sợ hãi!
 
Lý do thứ hai, vì muốn "nín thở qua sông", muốn giữ sự yên ổn để xây dựng giáo phận, lo cho giáo dân. Lý do thư ba, tôi phải nói thật và nói thẳng là cũng có những vị vì bị hủ hóa, bị mua chuộc khiến cho "há miệng mắc quai", không đủ dũng lược để vượt lên trên những eo sèo nhân thế để dám cất cao tiếng nói của lương tâm mình nên đành phải buông trôi theo sự đưa đẩy của giòng nước. Cuối cùng cũng có một thiểu số đã cam tâm bán mình cho kẻ ác. Đấy là một sự thật. Có thể có nhiều người nghĩ như tôi, trong số có những người Công giáo, nhưng không dám nói ra vì cái ám ảnh "vạch áo cho người xem lưng". Sau chót, tôi không tin thái độ làm thinh của các Giám Mục như điều ông nói là các ngài nhìn thấy nhiều điều mà chúng ta không thấy.
 

Dù sao, bên cạnh những trường hợp vừa nêu, trong hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, tôi vẫn tin rằng còn có nhiều vị xứng đáng. Và dĩ nhiên, tôi đặt để rất nhiều hi vọng vào những vị này.

 

Thiên Ân: Như đã thưa trong lời giới thiệu và vì biết ông là một giáo dân, tôi e câu hỏi nầy sẽ khó cho ông nhưng tôi vẫn muốn đặt ra và chỉ mong ông trả lời trong tư cách một công dân quan tâm tới đất nước mình thay vì là một giáo dân. Ông nghĩ sao về chuyện cho tới giờ nầy, 2 nhà lãnh đạo cao cấp nhứt của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhứt là Hoà Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ vẫn giữ nguyên lập trường tranh đấu và vẫn tiếp tục đòi quyền tự do tín ngưỡng dù hai vị vẫn luôn luôn chịu áp lực nặng của công an và vẫn bị quản thúc, ở Quảng Ngãi đối với HT Huyền Quang và ở Saigon đối với HT Quảng Độ?
 
Trần Phong Vũ: Dù với tư cách công dân, hay với tư cách người tín hữu Công Giáo, tôi không hề có một mặc cảm nào để có thể công khai bày tỏ lòng khâm phục hai vị Cao Tăng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Với hòa thượng Quảng Độ tôi còn chia sẻ một niềm hãnh diện vì được là người đồng hương Thái Bình với ngài.
 
Thái độ khảng khái, lòng can đảm và sự kiên trì trong cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại sự ác để bảo vệ sự tinh ròng của tôn giáo nơi các ngài khiến tôi vô cùng cảm kích. Tuy nhiên, ở đâu, trong tổ chức nào cũng có những cái bất toàn. Trong lãnh vực tôn giáo cũng không có luật trừ.
 
Vì thế, nếu trong Giáo Hội Công Giáo của tôi có những giáo sĩ, giáo phẩm xót xa khi chứng kiến những hiện tượng tiêu cực trong Giáo Hội của mình, thì tôi tin chắc quý Thày Quảng Độ và Huyền Quang cũng đau đớn không kém khi phát hiện trong hàng ngũ tăng sĩ Phật Giáo có những phần tử như sư ông Nhất Hạnh hay một vài vị thượng tọa tài ba tôi chưa tiện nêu danh tính, từng được coi là tương lai, là rường cột của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bỗng dưng gần đây có những hành vi, thái độ đáng ngờ là đã đầu hàng chế độ.

 

Thiên Ân: Trong lịch sử liên hệ giữa tôn giáo và CS, tôi thực sự không thấy có khi nào nhà nước CS – sau khi thiết lập đầy đủ các cơ chế cầm quyền – mà lại chấp nhận đạo, bất cứ đạo nào. Theo ông thì Toà Thánh Vatican hi vọng điều gì khi quyết định (sẽ) thiết lập bang giao với chế độ CS Hà Nội?
 
Trần Phong Vũ: Qua câu hỏi của ông, tôi thấy có bổn phận phải đánh tan một ngộ nhận tai hại. Cần nhận thức rằng: Vatican là một quốc gia đúng nghĩa trong cộng đồng thế giới nhưng đồng thời, trước và trên hết cũng là biểu tượng của một tôn giáo lớn, tức Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Trên căn bản này, nếu tôi không lầm thì từ xưa tới nay chưa bao giờ Vatican tự ý đoạn giao với một quốc gia nào, cho dẫu quốc gia ấy có những hành vi thù nghịch với Giáo Hội.
 
http://seeker401.files.wordpress.com/2009/03/2087215-a_storm_over_the_vatican_pic_off_the_web-vatican_city.jpg
 
Ở cương vị một tôn giáo lớn, Tòa Thánh muốn duy trì sự hiện diện của mình ở khắp mọi nơi. Như ở Việt Nam chẳng hạn. Tháng 7 năm 1954 ở miền Bắc và sau này ở miền Nam vào tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đã đơn phương cắt đứt liên hệ ngoại giao với Vatican. Đấy là điều ngoài ý muốn của Tòa Thánh.
 
Sứ mạng của Giáo Hội Chúa Kitô là thánh hóa trần gian. Cho nên trong nỗ lực thiết lập bang giao với bất cứ quốc gia nào, Vatican không có vấn đề chọn lựa. Càng những nơi được coi là xấu xa, tệ lậu, nói rõ hơn là càng ở những quốc gia độc tài đầy dẫy những tệ trạng như tham nhũng, thối nát, bất công, dân chủ, nhân quyền, nhân phẩm bị chà đạp càng cần có sự hiện diện của Giáo Hội Công giáo.
 

Hiểu như thế, ông sẽ tìm được lý giải cho câu hỏi ông đặt ra.

 

Thiên Ân: Hồi trước, khi cuộc vận động xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới chưa có kết quả, chúng ta đã thấy nhà nước CS có vài hành động có vẻ như cho phép người dân tự do hành đạo; nhưng rồi sau đó lại bùng ra những vụ đàn áp dữ dội các tín đồ Tin Lành trên cao nguyên. Có nghĩa là trong lúc đang vận động công luận quốc tế mà người CS còn ra tay đàn áp tín đồ thô bạo đến thế thì theo ông, bây giờ, sau khi dường như đã được quốc tế chấp nhận, được chứng minh bằng việc cho VN gia nhập WTO, thì tín ngưỡng nói riêng, và các nhân quyền căn bản nói chung ... còn mong gì sẽ được nhà cầm quyền VN tôn trọng hay không?
 

Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ chúng ta vẫn có quyền hi vọng. Một khi đã phải chấp nhận mở ra với thế giới bên ngoài, tức là chấp nhận trò chơi dân chủ, Cộng sản Việt nam sẽ không thể nào cưỡng lại được xu thế chung. Tất cả những phản ứng điên cuồng gần đây, theo tôi chỉ là những phản ứng quá độ, cho thấy những mâu thuẫn nội tại mà đảng và nhà nước cộng sản Việt nam đang phải đối diện.

Tôi muốn nói tới những đụng độ giữa hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ trong hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước hiện nay. Nếu họ còn tiếp tục chính sách khủng bố, đàn áp các tín đồ các tôn giáo và các nhà dân chủ, tôi tin rằng họ sẽ gặp phản ứng mạnh từ những đối tác trong tổ chức WTO mà họ vừa gia nhập. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem.

 

Thiên Ân: Thật là không dễ chút nào cho những người đang sống trong lòng chế độ nổi lên tranh đấu đòi chế độ dành cho người dân những quyền sống căn bản của con người (thật ra là những quyền mà nhà nước CS đã cam kết tôn trọng). Từ nơi chốn tạm cư an toàn và dễ chịu của chúng ta ở đây, tôi ngại sẽ gây ra dè bỉu nếu có người nghe chúng ta hô hào những người trong nước đứng lên tranh đấu  - bởi vì lịch sử chứng minh rằng chỉ có những cuộc đấu tranh quyết liệt ngay trong nước mới có thể buộc bạo quyền thay đổi chính sách. Nhưng giả tỉ, giả tỉ thôi, chúng ta không hô hào người trong nước đứng lên tranh đấu, thì tất cả chúng ta, trong tư cách những người VN còn nặng lòng với quê hương mình, có thể làm được gì để buộc nhà cầm quyền trong nước ngưng chà đạp nhân quyền?
 
Trần Phong Vũ: Theo tôi, chúng ta không nên bận tâm về những lời chỉ trích hay thái độ dè bỉu của của một số người trong cộng đồng chúng ta. Không ai chối cãi rằng nguồn lực chính yếu để thúc đẩy cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, trong đó có tự do tôn giáo là 83 triệu người dân ở quốc nội. Tuy nhiên, có phải vì thế mà ba triệu đồng bào ở hải ngoại có quyền đóng vai trò của kẻ bàng quan, khoán trắng cho đồng bào ở trong nước?
 
Vì thế, ngoài nỗ lực chuyển lửa về để giúp đồng bào giải trừ được sự sợ hãi, dám đứng lên giành lấy quyền sống và quyền tự do của mình, mỗi người Việt ở hải ngoại còn phải gánh lấy trách nhiệm vận động dư luận các quốc gia trong thế giới tự do, giúp họ nhận chận được bộ mặt thật của chế độ bạo tàn, độc tài độc đảng cộng sản mà tấm hình linh mục Lý bị bịt miệng trước phiên tòa xử ngài hôm 30-3 vừa qua là một lợi khí bén nhọn giúp chúng ta làm được công việc ấy.
 
http://www.vietcatholic.net/pics/ChaLyBiBitMom.jpg
 

Khi có dịp về thăm bà con, họ hàng, bè bạn trên quê hương, chúng ta cũng đừng quên lợi dụng tất cả những cơ hội thuận tiện để mở mắt, mở tai, mở trí mọi người thấy được giá trị của con người trong những xã hội dân chủ tự do.

 

Thiên Ân: Tôi thấy có một lần khá lâu trước đây, hình như là HDGM ở VN đã kêu gọi "giáo dân hãy sống phúc âm trong lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc". Giả tỉ ông đang sống trong nước và nghe những người chăn bầy dạy dỗ như thế thì liệu ông sẽ hành xử như thế nào?
 
Trần Phong Vũ: Tôi thành thực nghĩ rằng khi đưa ra khẩu hiệu này, các Giám Mục thời cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 cưu mang nhiều mỹ ý và thiện ý. Thực ra, ý nghĩa đích thực của những cụm từ "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc" hay "đồng hành với dân tộc" đâu có gì là trái đạo lý? Có chăng là ở thái độ và cách hiểu lệch lạc, bệnh hoạn của những người cộng sản luôn đồng hóa dân tộc với xã hội chủ nghĩa hay với đảng cộng sản.
 
http://www.vietcatholic.net/pics/TGMNguyenKimDien.jpg
 

Tôi còn nhớ trong hai năm đầu sau khi miền nam bị cộng sản thôn tính, chính đức cha Nguyễn kim Điền, TGM Huế đã cố gắng dẹp mọi tư kiến cũng như mọi nghi kỵ trong tinh thần hợp tác để cùng nhau góp phần xây dựng đất nước. Ngài đã công khai kêu gọi giáo dân dưới quyền ngài tích cực tham gia vào những công cuộc chung. Hiển nhiên ngài hiểu câu châm ngôn "Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc" và "Đồng Hành Với Dân Tộc" theo ý nghĩa đích chực của nó. Nhưng sau hai năm thử nghiệm ngài đã nhận ra là đảng và nhà nước chỉ muốn mọi người hiểu dân tộc là đảng cộng sản, là Xã Hội Chủ Nghĩa. Do đó ngài đã quyết liệt chống lại để cuối cùng như lời đồn đại lúc bấy giờ là ngài đã bị đầu độc.

 

Thiên Ân: Như đã thưa, đàn áp các tôn giáo là một hành động đều khắp của nhà cầm quyền và đối với mọi tôn giáo. Nhưng trông cách xử sự, ít nhứt cũng là ở những hành động công khai, thì nhà nước dường như có vẻ dễ dãi với Công Giáo. Theo ông thì điều đó có phải là một mưu đồ của nhà cầm quyền nhằm gây chia rẽ giữa các tôn giáo trong nước – nhứt là giữa Phật Giáo với Công Giáo – hay không?
 
Trần Phong Vũ: Đúng. Trên bề mặt quả Giáo Hội Công Giáo có vẻ như được ưu đãi so với các tôn giáo khác. Tôi muốn nói tới những sự kiện trước mắt mà ai cũng thấy như chuyện nhà thờ được xây cất khắp nơi, các buổi lễ lạt được tổ chức rầm rộ khặp nơi, các chức sắc trong Giáo Hội được tự do ra ngoại quốc như đi chợ. Sự hoài nghi của công luận như ông vừa phản ánh là khi tỏ ra dễ dãi với Giáo Hội Công Giáo, nhà cầm quyền cộng sản có hậu ý gây sự nghi kỵ, chia rẽ giữa các tôn giáo, nhất là giữa Phật Giáo và Công Giáo, để từ đấy họ dễ dàng thao túng, quả không sai. Chính bản thân tôi cũng có ý nghĩ như thế.
 
Có điều nhìn sâu vào bên trong và đàng sau sự việc, chúng ta phải đặt câu hỏi rốt ráo là những ưu đãi bề ngoài ấy sẽ mang lại hậu quả như thế nào đối với Giáo Hội? Tốt hay xấu? khi mà những vấn đề cốt lõi trong đạo như vấn đề nhà nước vẫn tiếp tục can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Giáo Hội, thí dụ như duyệt xét danh sách ứng sinh vào chủng viện, đòi phảI có ý kiến trong việc phong chức, thuyên chuyển linh mục, bổ nhiệm giám mục v.v…

Tôi nghĩ, không chỉ riêng người Công giáo mà cả tín đồ các tôn giáo khác cũng cần phải sáng suốt nhận ra điều này để khỏi rơi vào bẫy cộng sản mà thêm nghị kỵ, đấu đá lẫn nhau.

 

Thiên Ân: Sử dụng một cụm từ quen thuộc của báo giới Mỹ, xin hỏi là ông có nhìn thấy một chút "ánh sáng le lói cuối đường hầm" sau 32 năm kìm kẹp hay không? Hay nói cách khác, liệu có khi nào, trong tương lai gần hay xa, dân VN được hưởng đầy đủ các quyền sống căn bản của con người, trong đó quan trọng nhứt là quyền tự do tín ngưỡng dưới chế dộ CS hay không?
 
Trần Phong Vũ: Cái quy luật "Cùng tắc biến. Biến tắc thông" là quy luật ngàn đời. Tôi nghĩ rằng dân tộc mình đã khổ quá rồi. Với người miền Nam như ông vừa nói đã 32 năm, nhưng với người miền Bắc thì đã hơn nửa thế kỷ phải dìm mình trong đêm đen tăm tối, phải gánh chịu những khổ đau oan trái dưới một chế độ tàn độc nhất trong lịch sử loài người… thì hẳn cũng có lúc phải được thượng đế đoái thương cho có cơ may được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
 
Theo dõi thời cuộc hẳn ông và quý thính giả cũng đều nhận ra rằng, trước công luận quốc tế, chưa bao giờ Hànội tự trang bị cho mình một bộ mặt nham nhở, nhơ nhớp như hiện nay. Chỉ trong mấy tháng đầu năm, sau khi Nguyễn Tấn Dũng từ Vatican trở về, đảng và nhà nước CS đã ngầm cho tay chân đập phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Nho Quan, Ninh Bình.
 
Tiếp theo  là vụ cha Lý bị các lực lượng an ninh nhà nước bao vây ở Tòa TGM Huế, bị cô lập ở họ đạo Bến Củi rồi bị kết án 8 năm tù ở, 5 năm quản chế. Cuốn phim ngắn ghi lai hình ảnh linh mục Lý hai tay mang còng số 8, bị đám công an vũ trang cộng sản xô đẩy như con thú hoang, sau đó lạI bị một tên công an mặc thường phục bịt miệng khi ngài phát ngôn, do hãng thông tấn AFP thu được để ngày sau đó được truyền đi khắp thế giới, theo tôi, sẽ dóng góp rất nhiều cho những chuyển biến trong chính tình Việt nam trong những tháng ngày sắp tới
 

Thái độ can trường của linh mục Lý, quyết định phản cung bất ngờ của 4 người trẻ thuộc đảng Thăng Tiến giữa phiên tòa ở Huế hôm 30-3 vừa qua chắc chắn sẽ có tác dụng khiến 83 triệu đồng bào trong nước giảm đi sự sợ hãi để dám vùng lên chống lại những thế lực của sự ác để mở đường cho đất nước ta, dân tộc ta tiến vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên dân chủ, tự do, hòa bình và an lạc. Và đấy là điều mọi người Việt nam đều mong mỏi và hi vọng.

 
Trần Phong Vũ
21-4-2007


[1] Thiên Ân là một nhà báo kỳ cựu ở Sàigòn. Ông từng phục vụ nhiều năm tại các đài BBC và VOA.