Thursday, July 30, 2009

Đọc lại Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan

ĐỌC LẠI NHẬT KÝ NGUYỄN NGỌC LANhttp://www.lambich.net/forum/userpix/3_Nguyen_Ngoc_Lan_1.jpg

Trần Phong Vũ,
Nguyệt San Hiệp Nhất tháng 2 và tháng 3 năm 1994 - Hoa Kỳ)


Tại sao đọc lại?

Như tôi  đã thành thực  thú nhận trong  lần đọc thứ  nhất: đọc để chia sẻ cảm thức của mình cho người khác về nội dung hai tập Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan quả là một công việc khó khăn -những khó khăn khiến  người đọc  nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì  cảm thấy dường như không thể vượt qua- Cũng vì thế, trước khi kết thúc bài viết, như một phản ứng  của vô thức, của một nỗi ân  hận không tên, tôi đã tự nhủ thầm  là sẽ tìm dịp đọc lại tác phẩm này ít là một lần nữa. (Thời Điểm Công Giáo  liên tiếp hai  số 23 và  24 phát hành tháng 10-11 và tháng 12 năm 1993).

Không ngờ những ý nghĩ được ghi lại trong một  giây bất chợt ấy lại trở thành một ám ảnh thường xuyên trong tâm óc tôi.

Và bây giờ, sau những ngày dài trăn trở, niềm ân hận trong tôi đã được gọi tên. Trước hết, nó mang danh tánh lời  thú nhận sự mềm yếu, kém cỏi của người đọc đã vì một căn nguyên thầm kín nào đó mà bỏ sót -hoặc cố tình bỏ sót?- những  đường nét lớn được coi là quan trọng, góp phần làm nên  giá trị Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan. (Trong những dòng kế tiếp của bài chia sẻ này, hy vọng người viết sẽ có cơ hội tra vấn lại  chính mình, đối chiếu với những thực tế khách quan nhận được, để đưa ra ánh sáng cái căn nguyên thầm kín ấy).

Thế nên, yêu cầu thứ nhất  đòi buộc tôi đọc lại tác phẩm này chính là để gián tiếp tạ lỗi cùng tác giả cũng như tất cả quý vị và quý bạn  đã theo dõi bài đọc thứ nhất xuất hiện trên Tạp Chí Thời Điểm Công Giáo trước đây.

Trên một góc cạnh khác, nỗi ân hận ấy còn được gọi tên, được tô đậm xuyên qua những phiền trách của đám đông thân hữu thuở thiếu  thời, và nhất là qua sự xuất hiện bất ngờ của một  khuôn mặt không mấy xa lạ đối với chúng tôi, và đã được Nguyễn Ngọc Lan hơn một  lần đề cập trong hai tập Nhật Ký của ông với những suy nghĩ buồn  nhiều hơn vui. Vì thế, ngoài yêu cầu thứ nhất trên  đây, việc đọc lại Nhật Ký NNL đối với tôi còn là một đáp trả không thể thiếu cho những ý muốn, những đòi buộc chính đáng của bằng hữu, của những người cùng chung chí hướng, và nếu nhìn  trên một bình  diện rộng lớn hơn, cũng có thể là khát vọng chung  của quảng đại quần  chúng tín hữu Công  Giáo trong và ngoài nước.

Tưởng cũng cần ghi thêm rằng, cho  dù có nỗ lực đến đâu chăng nữa thì kết quả thâu lượm được trong lần đọc thứ hai này cũng sẽ rất giới hạn, và hẳn nhiên cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Có điều giữa sự giới hạn của tầm nhìn cùng những thiếu sót trong suy luận tất hữu ấy, tôi có thể đoan quyết cùng quý vị và quý bạn là tất cả những  gì được ghi nhận ở đây đều  phát xuất từ sự chân thành và ngay thẳng -  sự chân thành  và ngay thẳng  nơi một con người có niềm tin và hằng tha thiết trong việc bảo vệ và phát huy niềm tin ấy.

Với tiền đề đã được mặc nhiên lựa chọn nhằm giải tỏa nỗi ân hận của riêng mình, tôi sẽ gói ghém mục tiêu lần đọc lại này vào việc nhận diện những tổ chức, những cá nhân trung gian đã và đang "tự nguyện làm  con thoi" cho Đảng và Nhà Nước CS  để gây nhiễu Giáo Hội Công Giáo quê nhà. Và khi vấn đề nhức nhối này được đề cập thì ngay lập tức nổi bật lên khuôn mặt thực nhầy nhụa của cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công GiáoYêu Nước Việt Nam(UBĐKCGYNVN) với hình ảnh những con rối xoay  quanh tổ chức này  mà ngay từ những trang đầu Nhật Ký, Nguyễn Ngọc Lan đã nói tới.


Cuống Rốn Của Ủy Ban... Đầu Gối

Trước hết, một câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguồn gốc và nguyên do sự ra đời của UBĐKCGYNVN? Để  trả lời câu hỏi  này, chúng ta lật trang 98 Nhật Ký 1989-1990 ghi ngày 11 tháng  8 năm 1989. Ở đây, Nguyễn Ngọc Lan đã lược thuật  lời LM Phạm Hân  Quynh trong cuộc phỏng vấn  của báo La Croix ở thủ  đô Pháp quốc.  Được biết, Cha Quynh từng bị Cộng Sản cầm tù  và quản thúc trong ngót 30 năm trường ở miền Bắc và mới được trả tự do hồi cuối năm 1988 chỉ vì quyết liệt chống  lại chủ trương can thiệp thô  bạo của chúng vào nội bộ Giáo Hội Công Giáo.

 Nguyễn Ngọc Lan viết: "Đặc biệt trong bài phỏng vấn, Linh  Mục Quynh đã cho biết,  vào năm 1960, ông đã bị bắt giữ vì đã ra mặt chống lại cái gọi là Ủy  Ban Liên Lạc Công Giáo". Là người luôn luôn chủ trương là nếu  cần có sự  đối thoại giữa  Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước Cộng Sản thì sự đối thoại ấy phải được thực hiện trên căn bản bình đẳng, tương kính và trực tiếp mà không cần phải qua một thứ trung gian nào, do đó Cha Quynh quyết liệt "chống lại vai trò  trung gian gây  nhiễu của Ủy  Ban Liên Lạc  Công Giáo để giới hạn ảnh hưởng không tốt đẹp của nó về phía người Công Giáo." Vẫn trong bài phỏng vấn của báo La Croix, Cha Quynh cho biết là mặc dầu "người ta đã giải tán  Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo...nhưng sau đó lại lập ra một tổ chức  mới gọi là UBĐKCGYNVN" [20][37]

 http://www.dcvonline.net/php/images/022009/lmPHQ.jpg
                  Lm Phạm Hân Quynh

 Tiết lộ trên đây của Linh Mục Phạm Hân Quynh cho người ta thấy cái gọi là UBĐKCGYNVN ngày nay chính là thối thân của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo  do bạo quyền Cộng Sản  nặn ra cách đây 40 năm. Và hiển nhiên nó chỉ là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản xuyên qua cái mặt nổi là Mặt Trận Tổ  Quốc để Nhà Nước giật giây hầu dễ dàng can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Giáo Hội Công Giáo.

Cũng nơi trang  98 Nhật Ký 1989-1990, tác giả  thuật lại cuộc gặp gỡ Linh Mục Phạm Hân Quynh trong bữa ăn do cha Mai Xuân Hậu khoản đãi. Dịp này, Cha Quynh kể  lại rằng: "Hồi trước, nhân một chuyến về thăm Hànội, ông Nguyễn Mạnh Hà đã nói thẳng với giới lãnh đạo Nhà Nước Cộng Sản rằng: các ông có cái đầu, Công Giáo chúng tôi cũng có cái đầu. Tại sao từ bao nhiêu năm nay, các ông chỉ ham nói với cái... đầu gối của các ông thôi?"

 Như thói quen, sau khi ghi lại câu hỏi móc họng của Nguyễn Mạnh Hà theo lời Cha Phạm Hân Quynh thuật lại, tác giả Nhật Ký nêu lên nhận xét riêng của ông: "Hình ảnh cái đầu gối này thật thú vị: Uûy ban..... đầu gối!"


Ủy Ban Đoàn Kết... Hết Yêu Nước!

Có hiểu  được nguyên lai,  gốc gác và lý do thầm kín đưa tới sự hình thành cái quái thai UBĐKCGYN  như trên, người ta mới thấu rõ tại sao tập thể tín hữu  Công Giáo trong nước,  từ ngoài Bắc cho chí trong Nam, triệu người như một, đều có chung một cách gọi mỉa mai giành cho một số tu sĩ  có "thành tích" trong cái Ủy Ban "đầu gối" kia là "tu sĩ quốc doanh".  Nó cũng tương tự như một thứ cửa hàng, siêu thị,  cơ sở, hoặc một sản phẩm,  một vật dụng do guồng máy Đảng và Nhà Nước nặn ra, làm chủ, và có toàn quyền sai khiến, sinh sát!

Thật ra, không phải chỉ người tín hữu Công Giáo Việt Nam mới có cái nhìn như thế đối với thiểu số  tu sĩ làm tay sai cho Nhà Nước Cộng Sản. Tư tưởng này còn được phản ảnh trong dư luận quần chúng và báo giới quốc tế. Ở những trang cuối Nhật Ký 90-91, Nguyễn Ngọc Lan đã ghi lại nội dung bài viết của Michel Tauriac trên một tờ báo lớn của Pháp là tờ Paris  Match  số  phát hành ngày 23/5/1991.

Theo Nguyễn Ngọc Lan thì  bài báo đã phản ảnh "một cái nhìn khá  chính xác và  đầy đủ về hoàn cảnh của người Công Giáo hiện giờ ở Việt Nam. Quả là  ngày càng khó bưng bít được những gì dưới ánh sáng mặt trời. Đưa bàn  tay che mặt trời... hay đưa mươi ông linh mục "quốc doanh" ra bưng bít thì cũng thế thôi!". Nguyễn Ngọc Lan ghi tiếp: "Hai từ 'quốc doanh' Michel Tauriac ghi ba chớp ba nhoáng thế  nào mà lại thành  "kinh doanh".  Nhưng 'Prêtres nationalisés' mà là 'linh mục kinh doanh' thì cũng đúng. Các ông ấy chẳng qua vẫn buôn  thần bán thánh. Và hơn nữa, từ mấy năm nay, vì buôn bán đồ dổm ngày càng không khá được và không có tương lai, đang quay sang kinh doanh theo nghĩa đen ngày càng nhiều..."

 Trước đó, tác giả ghi lại một chi tiết trong Bản tin tham khảo của UBĐKCGYNVN thành phố HCM số 22 ngày 24-30/4/89, theo đó thì trong buổi phát  thanh ngày 15/4/89 Đài Chân Lý  Á Châu loan tin: "tại Trung Quốc, giáo dân không  tín nhiệm những linh  mục trong hội Công Giáo Ái Quốc." Sau khi cẩn thận ghi lại tin  trên vào Nhật Ký, tác giả bàn thêm: "Công Giáo Ái Quốc! Nôm na là... Công Giáo yêu nước, có phải thế không, thưa các ngài UBĐKCGYNVN"?[21][38]

Phải chăng vì cái ám ảnh không đẹp của từ "yêu nước" mà trong dịp bế mạc cái gọi là "đại hội toàn quốc lần thứ hai những người Công Giáo Việt Nam xây dựng và Bảo Vệ Tổ Quốc, Bảo  Vệ Hòa Bình" ngày12/10/90, "người ta" đã công bố "quyết định từ nay tên mới của tổ chức sẽ là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam" mà Nguyễn Ngọc Lan gọi mỉa là "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam... hết yêu nước!"[22][39]


Từ Danh Xưng Tới Thực Chất


Dù sao sự so sánh cùng những lời mỉa mai trên đây vẫn chỉ là sự so sánh và mỉa mai nằm trong phạm vi những ngôn từ, những danh xưng, tên gọi. Vấn đề quan trọng và chủ yếu nằm trong cốt lõi, đường hướng, chủ trương  và hành động của chính cái  tổ chức mang những danh xưng, tên gọi ấy. Về điểm này, chúng ta sẽ có nhiều dịp được tác giả hai tập Nhật Ký chứng minh qua những sự kiện cụ thể cùng những điều tai nghe mắt thấy của ông.

http://hoa-hao.com/hinh/LinhMuc00.jpg

Nơi trang 58 Nhật Ký 1989-1990, Nguyễn Ngọc Lan đã ghi lại nội dung một bài báo đăng trên tờ Saigon Giải Phóng ngày 12/5/1989 với tiêu  đề "Người nghèo, y  tế nghèo và những nỗi thương tâm". Bài báo ghi nhận một sự thật phũ phàng trong một nước gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa: "Dù muốn dù  không, chúng ta cũng phải buộc lòng thừa nhận rằng hầu hết các bệnh  viện, tùy theo mức độ khác nhau, đều  có chuyện  "miễn giảm cho người giầu có, và tận thu những người nghèo"(!). Ở một đoạn khác, bài báo viết:"Nếu như giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn từ tay một số người "hiệu lực như thần" thì cũng  chính giấy đó lại trở nên  không mấy tác dụng khi nằm trong tay người nghèo khổ thực sự!"


Sau khi ghi lại mấy đoạn chủ yếu  của bài báo như trên,  tác giả Nhật Ký đặt câu hỏi: "Mấy anh  Linh Mục bi bô thần học giải phóng trên tờ Công Giáo và Dân Tộc có dám mở mắt ra trước những thực trạng như vậy không?"[23][40]

Cũng trong Nhật Ký 1989-1990, nơi trang 180, 181, Nguyễn Ngọc Lan đã chép lại những ghi nhận của Thái Duy trên tờ Sàigon Giải Phóng dưới tiêu đề "Đôi điều suy nghĩ về kỳ họp Quốc Hội vừa kết thúc".

Thái Duy viết: "Tại  kỳ họp Quốc Hội năm 88, chị  Giàng A Dụ, dân tộc Mèo  đã nói:... khi  còn đang đánh  Mỹ, bà con các dân tộc ở tỉnh chị cực  khổ, chị gặp bao giờ cũng  động viên ráng chịu đựng đến ngày giải phóng. Sau khi đã giải phóng cả nước, chị lại động viên bà con ráng  chịu cực khổ vài năm nữa để  còn giành tiền xây dựng lại đất nước. Tới nay đã giải phóng 13 năm rồi mà bà con vẫn thiếu muối, bệnh  tật vẫn như xưa, mù chữ  trở lại rất đông, lãnh đạo xã cũng có người mù chữ, đường sá chẳng có hoặc hư hỏng chẳng sửa chữa, chị không còn biết nói thế nào với bà con. Chẳng lẽ cứ nói dối mãi". Gặp lại  chị kỳ họp thứ  6 này, tôi hỏi  chị có phát biểu  ý kiến không thì chị  trả lời: tôi chẳng nói nữa. Năm ngoái tôi đã nói, nhưng từ đó đến nay đã một năm, chẳng hơn trước chút nào!"

 Tiếp đó, tác giả ghi vào Nhật Ký của ông nỗi thất vọng ê chề của một phụ nữ Việt Kiều  qua sống ở  Canada từ năm hai tuổi trở về thăm đất nước để phải chứng  kiến một đất nước  tan hoang, nghèo khó. Lập lại câu  nói của chị Giàng A Dụ là  "chẳng lẽ cứ nói dối mãi", tác giả đưa ra ý nghĩ riêng  của ông: "Ít ra chị Giàng A Dụ kia vẫn còn một chút lương tri. Khác hẳn mấy ngài Linh Mục của tờ báo Công Giáo và Dân Tộc."

Mấy ngài Linh Mục đó là ai và tờ Công Giáo và Dân Tộc có được coi là cơ quan  ngôn luận của Giáo Hội Công  Giáo Việt Nam không? Rải rác trong hai tập Nhật Ký, Nguyễn  Ngọc Lan đã cung ứng cho người đọc một câu trả lời thật chính xác.

Đó là các "linh mục"  kiểu Phan Khắc Từ,  Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm... và chân tướng của tuần  báo Công Giáo và Dân Tộc  không gì khác hơn  là cái loa của UBĐKCGVN, hay nói cho chính danh hơn là công cụ của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản VN. Mời độc giả lật qua những  giòng Nhật Ký ghi ngày 20/1/1991 trang 237 trong tập Nhật Ký 1990-1991 để thấy rõ bộ mặt thật của cái gọi là UBĐKCGVN và tiếng nói của họ là tờ Công Giáo và Dân Tộc. Bộ mặt thật này không phải do Nguyễn Ngọc Lan vẽ ra, mà chính là do Đức Cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát hiện khi lên tiếng trả lời cuộc phỏng vấn của báo Église d'Asie.

http://gpnt.net/images/dcnhatxl.JPG
                       DGM Nguyễn Minh Nhật

Đề cập  cái gọi là UBĐKCGVN,  Đức Cha Chủ Tịch đã thẳng thắn trả lời nguyên  văn bằng Pháp  ngữ như sau:  "Le Comité (d'Union  des Catholiques  Patriotes)  détient  l'unique  journal Catholique du Sud-Viet-Nam. Cependant l'un comme  l'autre doivent  être considérés plutôt comme des organes de l'État. Les articles du journal sont toujours en faveur de la politique gouvernementale et sont très souvent critiques vis-à-vis de  l'Église. Ils  ne donnent pas une idée juste de l'Église du Vietnam...."

 Ở một đoạn khác, Đức Cha Nguyễn Minh Nhật còn nhấn mạnh rằng: "Deux des représentants (du Comité) m'ont apporté une lettre dans laquelle  ils se  plaignent d'être soupconnés à la fois par le gouvernement  et par  la hiérachie  catholique qui  les considère comme un instrument de contrôle du gouvernement. Je leur ai répondu que ces soupcons  étaient fondés. Ils ont perdu  la confiance des catholiques."

 Ghi lại lời phê phán của một  tín hữu Công Giáo  Pháp là: "với những chứng liệu như thế còn đòi gì hơn" tác giả Nhật Ký viết: "Năm 1989, khi thấy Phạm Hân Quynh trả lời báo La Croix, chúng ta (tác giả Nhật Ký và LM Chân Tín)  đã tiếc là chưa có một Giám Mục VN nào đi  nước ngoài đã nói được  như vậy. Bây giờ, vị  Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục VN đã có tiếng nói thật thích đáng"[24][41]

 Đặt giả thiết là nếu Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan tiếp tục ghi tới kỳ hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám Mục VN cuối năm 1993 (từ 18 đến 26/10/1993) thì hẳn rằng tác giả sẽ không thể bỏ qua sự kiện hàng Giáo Phẩm trong nước đã công nhiên bác khước vai trò và sự hiện diện của tuần báo Công Giáo và Dân Tộc. Được biết, trong một kiến nghị gửi Võ Văn Kiệt, người cầm đầu chính phủ VNCS ngày 26/10/1993 sau khi kết thúc khóa họp,  Hội Đồng GMVN đã đưa ra 16 yêu sách bao gồm  3 lãnh vực: Mục vụ, nhân sự  và các cơ sở trong Giáo Hội.  Trong yêu sách thứ  tư, các Đức Giám Mục đòi hỏi phải được xuất bản một tạp chí "để thông tin,  phản ảnh các sinh hoạt và trình bày giáo lý của Giáo Hội" vì lẽ "Hiện nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo Công Giáo nào."

 Khi HĐGMVN nhất  trí xác định là "hiện nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo Công Giáo nào" thì quả thật đã quá rõ ràng là dưới mắt các vị chủ  chăn của chúng ta, sau ngót 20 năm ngạo ngược tiếm danh Công Giáo để làm mưa làm gió, cái  gọi là tuần báo Công Giáo và Dân Tộc chưa bao giờ được các Ngài cũng như hơn 6 triệu tín hữu trong nước coi là tiếng nói của Giáo Hội.

 

Mặt Trái Của Tờ Công Giáo Và Dân Tộc

Tại sao các Đức Giám Mục Việt Nam lại nghĩ rằng cho đến nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo nào? Câu trả  lời tìm thấy quá rõ ràng qua lời tuyên  bố của Đức Cha Nguyễn Minh Nhật trong cuộc phỏng vấn của báo Église d'Asie được trích dẫn ở đoạn trên. Câu trả lời cũng có thể được tìm thấy qua phần đầu bức thư của giáo sư  Nguyễn Ngọc Lan gửi những người chủ trương tuần báo Công Giáo và Dân Tộc ngày 26/6/1985 mà ông đã trích vào Nhật Ký như sau:


"Chỉ căn cứ vào những gì tôi  đã thấy trong 1/10 số báo Công Giáo và Dân Tộc mà  tôi đã đọc (kể cả số 40 không  bao giờ tới tay độc giả), tôi dám nghĩ  rằng 10 năm Báo Công Giáo và  Dân Tộc vừa qua đã cung cấp dư thừa chất liệu cho một Tây Dương Gà Tồ Bí Lục..."


 Chú thích  của người đọc: Nguyễn  Ngọc Lan nhái lại  tựa đề "Tây Dương Gia  Tô Bí Lục"  một cuốn sách  do tập đoàn  Cộng Sản trong nước tung ra trong chiến dịch bôi bác Giáo Hội Công Giáo nhân dịp Tòa Thánh quyết định tôn phong 117 anh hùng Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, và gần đây được một nhóm tay sai ở hải ngoại phụ họa.[25][42]


Rõ ràng là khi so sánh nội dung tuần báo Công Giáo và Dân Tộc với loại ấn phẩm tồi tệ kiểu TDGTBL, Giáo  Sư Nguyễn Ngọc Lan muốn người đọc hiểu rằng trước sau tờ CG  và DT chỉ là một thứ công cụ của Đảng và Nhà Nước đã tiếm lạm  danh nghĩa Công  Giáo để lũng đoạn và gây nhiễu tập thể Công Giáo mà thôi.


Trong phạm vi một bài điểm sách, người viết không thể trích dẫn được hết những  chứng tích, ít nhất là những chứng tích được NNL ghi vào Nhật Ký của ông. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào những bí ẩn chung quanh hai số Công Giáo và Dân Tộc: số 40 đề ngày 4/4 - 10/4/1976 (bị  tịch thu) và số kép 40-41  đề ngày 28/3 -10/4/76 (số đặc biệt  sửa sai) người ta  có thể đọc được  nơi những người chủ trương tờ báo và cũng là linh hồn của cái gọi là UBĐKCGYNVN như Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Thiện Cẩm... hai đặc điểm sau đây:

- Thứ nhất  là thái độ  tự bôi xóa  tư cách người  tín hữu (và dĩ nhiên là cả tư cách LM).

- Thứ hai là thái độ lệ thuộc hoàn toàn vào sự sai khiến của Đảng và Nhà Nước CS.

Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong bài viết nhan đề "Các Đức Giám Mục VN hôm  nay với Thư Chung của các Đức  GM Đông Dương năm 1951". Bài  này ký tên  Hương Giang và được đăng trên số 40 vừa phát hành thì bị tịch thu, sau đó được "sửa sai" để đăng lại trên số kép 40/41 ký tên Trương Bá Cần (được biết Hương Giang là bút hiệu của Trương Bá Cần).

 Trên số 40: "Đọc toàn bộ Thư Chung về Thống Nhất ngày 22/11/1975, người ta  thấy Đức TGM Nguyễn  Văn Bình đã có chiều hướng đi tới khá rõ rệt. Nhưng đây chỉ là tiếng nói của một TGM và tiếng nói đó không phải luôn luôn rõ ràng  và dứt khoát. Có lúc người ta có cảm tưởng  như Đức TGM Nguyễn  Văn Bình muốn tránh  né. Trong bài nói trên máy truyền hình đêm 24/12/1975, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gửi lời chào mừng đặc biệt đến các vị lãnh đạo Cách Mạng (thay vì nói: lãnh đạo Đảng và Nhà Nước). Trong tài liệu học tập về bầu cử quốc  hội chung cả nước, Đức TGM Nguyễn Văn  Bình kêu gọi các LM, tu  sĩ và toàn  thể tín hữu  phải "nhìn nhận  sự lãnh đạo của Cách Mạng" (thay vì nói: sự lãnh đạo của Đảng).


"Thực ra đây không  phải chỉ là vấn đề từ ngữ,  mà là vấn đề thái độ và lập trường..."

Sau khi số 40 bị tịch thu, đoạn văn trên đây đã được chỉnh lại để đăng trên số 40/41 như sau: "Đọc toàn  bộ Thư Chung về  Thống Nhất ngày 22/11/1975,  người ta thấy Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã có chiều hướng đi tới khá rõ rệt. Thực ra, vấn đề là thái độ và lập trường. Thực vậy, Thư Chung năm 1951, với những nhận định sai lạc  về người Cộng Sản và Đảng Cộng Sản đã giam hãm người Công Giáo  Việt Nam trong một lập trường và thái độ chống cộng rất tai hại.  Nay nếu vì tế nhị không muốn nói rằng những nhận định của các Đức  Giám Mục Đông Dương năm 1951 là sai lầm, thì  các Đức GM Việt Nam  hôm nay cũng phải nói  rõ ràng những nhận định của mình về người  CS và Đảng CS một cách rõ ràng và dứt khoát, không mập mờ và không tránh né..."

Cả một đoạn dài trên số 40, từ "nhưng đây chỉ là... cho đến (thay vì nói: sự lãnh đạo của Đảng)", đã "được" nhóm đầu não chủ trương tờ Công Giáo và  Dân Tộc thừa lệnh cấp trên "tự  ý" đục bỏ (!) để uốn lưỡi viết lại khi tái đăng trên số kép 40-41.

Sau khi đối chiếu  để giúp độc giả thấy rõ sự  khác biệt giữa hai đoạn văn trên, tác giả Nhật Ký kết luận: "Như vậy là số 40 của tờ Công Giáo và Dân  Tộc đã bị tịch thu chính là  vì đã sốt sắng quá độ. May mà phía Nhà Nước đã tỏ ra tỉnh táo hơn, chứ nếu không có cú thắng lại đó thì đám ăn hại  đái nát này chỉ vài ba năm sau sẽ sẵn đà "dứt khoát" như thế mà lên tiếng đòi Đức Cha Bình phải xin được kết nạp vào Đảng CSVN  luôn".[26][43]

Chú thích của người đọc Nhật Ký: Xin lưu ý độc giả là những đoạn để trong  ngoặc đơn (thay vì nói: lãnh đạo Đảng và Nhà Nước) là những đoạn  nhấn mạnh nằm trong  bài viết của số  40 bị tịch thu. "Linh Mục Quốc  Doanh" Trương Bá Cần đã đóng  vai trò "phán quan" của Đảng CS để "lên lớp" Đức Cha Bình là muốn tránh né, không dứt khoát tư  tưởng nên mới dùng chữ "lãnh đạo Cách  Mạng" trong khi theo "ông ta" thì phải dùng những từ ngữ "chính xác" hơn là "lãnh đạo Đảng và Nhà Nước".


Cháy Nhà Ra Mặt... Chuột

Đọc qua những chứng từ trên đây, người tín hữu CGVN ở hải ngoại, nhất là  những người ít  có dịp theo dõi tình hình Giáo Hội quê nhà, sẽ không khỏi giật mình sửng sốt. Tuy nhiên, đối với bà con trong nước, có lẽ chẳng mấy ai  ngạc nhiên. Bởi lẽ giản dị là sau ngày CS  làm chủ miền  Nam thì vàng  thau, chân giả  đã được phân biệt rõ ràng.  Sau cơn "cháy nhà", những khuôn mặt "chuột" đã để lộ nguyên hình. Nếu trong  quảng đại quần  chúng, người ta phát hiện những cán bộ CS có tầm cỡ  từ lâu đã "nằm vùng" trong các cơ quan chính quyền và quân đội cấp cao, thì trong hàng ngũ giáo sĩ Công Giáo cũng có một thiểu số tu sĩ công nhiên biến thành công cụ của  Đảng và Nhà Nước CS.

Chính  thiểu số này đã xúi bẩy một nhóm giáo dân a dua, nhẹ dạ biểu tình trước Tòa TGM Sàigon vào những ngày đầu Sàigon mới bị nhuộm đỏ,  đòi trục xuất Đức Khâm Mạng Tòa Thánh và chống đối lại việc bổ nhiệm Đức TGM Phó Nguyễn Văn  Thuận, mở đường cho bạo quyền CS bắt giam và đầy ải Ngài trong hơn mười năm, trước  khi cưỡng bách Ngài phải lưu vong ra ngoại quốc. Cũng chính nhóm "Tu Sĩ Quốc Doanh"  trong cái tổ chức gọi là UBĐKCGVN  mà cái loa của họ là tờ  tuần báo Công Giáo và Dân Tộc đã  "nối giáo cho giặc", chỉ đường vẽ lối cho CS tước đoạt các cơ sở của  Giáo Hội, kể  cả Thánh Đường,  Tòa Giám Mục, trường ốc, tu viện, trong đó có Giáo Hoàng Chủng Viện mà cho tới ngày 26/10/93,  Hội Đồng Giám Mục VN còn  lên tiếng đòi  trả lại nhưng vẫn không được bạo quyền CSVN đáp ứng.


Những suy nghĩ trên đây đã được tác giả Nhật  Ký chứng minh khi ông nhắc  lại lời lẽ huênh hoang của một vài  "LM Quốc Doanh" vỗ ngực tự nhận là "LM cán bộ". Trong một cuộc  thẩm vấn tại Sở Công  An, khi bị hạch hỏi  là tại sao khi đi  lễ không xin phép, Nguyễn Ngọc Lan đã thẳng thắn trả lời rằng: "Tôi xin  lưu ý các ông: giữ đạo không xin  phép là truyền thống của người Công Giáo chúng tôi. Các ông cứ nhờ các Linh Mục cán bộ của các ông (Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích đã chẳng từng huênh hoang nhận họ vừa là Linh Mục  vừa là cán bộ!) tìm xem trong toàn bộ Tân Ước có chữ "xin phép"  không? Các Kitô hữu thuở ban đầu đã "chui" dưới hầm mộ để giữ đạo "chui". Vì thế, nếu chúng tôi "xin phép" để giữ đạo thì đâu còn phải đổ máu trong suốt 20 thế kỷ?"

http://hon-viet.co.uk/VT_LmQuocDoanhHuynhCongMinh.jpg
      Lm cán bộ Huỳnh Công Minh

Riêng Huỳnh Công Minh, không một  tín hữu Công Giáo nào trong chế độ Cộng Sản VN quên được lời tuyên bố  "để đời" vì tính cách "phản đạo" của ông ta trước quốc hội CS  hồi tháng 7  năm 1976 với tư cách là một "Linh Mục Dân Biểu": "Bá cáo  chính trị càng  làm cho  tôi  xác tín hơn  nữa rằng: con người mới, xã hội  mới mà mọi người đều mơ ước,  mà mọi người tin vào Chúa Kitô Giêsu  mãi mơ ước, con người mới đó,  xã hội mới đó không thể có được, không bao  giờ có được nếu  không có Đảng Lao Động Việt Nam,  đội tiền phong của giai cấp  công nhân lao động."[27][44]

Dĩ nhiên không phải trong sớm chiều, một tu sĩ có thể trở thành tay sai CS, để đến nỗi bị giáo dân mỉa mai là "tu sĩ quốc doanh", và nhất là  lại còn trơ tráo tự  nhận mình "vừa là LM  vừa là cán bộ!" mà lại là cán bộ cộng sản! Tất cả đều có những  căn nguyên sâu xa của nó. Trước khi đọc tiếp Nhật Ký Nguỵễn Ngọc Lan đồng thời đi tìm những căn nguyên sâu xa để đi đến việc phân loại và nhận diện thiểu số tu sĩ mất  căn này, tưởng cũng cần phải đọc lại một câu  trả lời đầy khôn ngoan và cẩn trọng của Đức TGM Nguyễn Văn Thuận khi Ngài trả lời cuộc phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám Đốc hãng Thông Tấn Công Giáo APIC của Thụy Sĩ hôm 20/10/1993. Khi được hỏi về cảm nghĩ của Đức TGM trước sự  kiện UBĐKCG và tờ Công Giáo và Dân Tộc tỏ ra thân thiện với nhà cầm quyền CSVN, thì Ngài trả lời như sau:

"Điều chắc chắn  là Giáo Hội tại Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống còn.  Có những người Công Giáo cộng  tác với chính quyền, nhưng rất khó mà phán đoán về họ từ bên ngoài, nhất là khi tất cả đều biến  chuyển mau lẹ. Nói  một cách khách quan,  tôi không thể phán đoán, vì từ nhiều năm nay tôi không còn ở trong nước nữa. Một số người  tự nguyện cộng tác, một số  khác đôi khi tìm những giải pháp dung hợp, những  phương tiện để  làm việc một  cách dễ dàng hơn. Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt đó. Tôi không phán xét những người làm việc với chính phủ. Họ có những lý do của họ: một số người vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm  những dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác  hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối  với tôi, điều quan trọng là  ý kiến của Tòa  Thánh, và Tòa Thánh  dạy phải tuân theo luật Chúa."

http://thanhcavietnam.info/BaiGiangTT/ChungNhanVaHyVong/DHY.PXNguyenVanThuan-Full.jpg
          DHY Nguyễn Văn Thuận

Đọc qua những lời lẽ trên đây của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, những người có lòng tin không thể không tìm thấy ân huệ và ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu trong  đó. Đấy là tiếng nói công chính, đầy bao dung, che chở, phát xuất  từ tấm lòng của một vị chủ chăn nhân từ, khả ái. Chính từ đấy cũng mở ra cho người đọc thấy những suy nghĩ cẩn trọng được cân nhắc chín chắn nơi một con người luôn sống trong âm thầm cầu nguyện, gắn  bó mật thiết với Chúa Kitô và luôn lo lắng cho tiền đồ quê hương và Giáo Hội.

Câu trả lời của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận thật đáo lý. Đối với những tín hữu cũng như tu sĩ  cộng tác với nhà cầm quyền Cộng Sản thật khó mà phê phán về họ từ bên  ngoài. Nhưng, xuyên qua những suy nghĩ  của Đức TGM,  người ta thấy nổi bật lên  ba hạng người đang nhân danh tư cách Công Giáo để hợp tác với bạo quyền Cộng Sản trong nước lâu nay. Hạng thứ nhất gồm những thành  phần tự nguyện (tự nguyện vì ngả theo chủ thuyết Mác-xít-Lê-nin-nít, hoặc tự nguyện vì bị Cộng Sản gài vào thế chẳng đặng đừng phải chạy theo chúng?). Hạng thứ hai là những người tạm thời chấp nhận thỏa hiệp với bạo quyền ở một mức độ nào đó để mong tìm sự dễ dãi cho những công việc mục vụ. Và sau chót gồm những thành phần xu thời, thiếu căn bản  của niềm tin, là những kẻ "gió chiều nào che chiều ấy."

Trong đoạn  chót của bài phỏng  vấn, Đức Cha phát  biểu là "Không nên  lên án  tất cả  những người ấy". Và  để xác  định quan điểm riêng, Ngài nhấn mạnh: "Đối với  tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh,  và Tòa Thánh dạy  phải tuân  theo luật của Giáo Hội."

Như thế đã quá rõ ràng. Những lời chỉ dạy của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn  Thuận có thể được dùng làm cái khung giúp chúng ta phát hiện chân tướng của những khuôn mặt tu sĩ đang bị bà con tín hữu trong nước gán cho danh hiệu là "Linh Mục quốc doanh." Người tín hữu Công giáo chưa quên được những đòi buộc của Tòa Thánh là các giáo sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị.

 Khi nói tới chuyện phán đoán hành vi, tư cách của người khác, lập tức chúng  ta liên tưởng ngay tới câu  37 đoạn VI  Phúc Âm Thánh Luca trong Bài Giảng Trên  Núi. Chúa nói:  "Đừng đoán xét  ai để khỏi bị đoán xét; đừng luận phạt ai để khỏi bị luận phạt."

Lời Chúa trên  đây cộng với cái quan niệm lâu đời của người bình dân Việt Nam  là "đừng vạch áo cho người  xem lưng" hoặc "tốt đẹp khoe ra, xấu  xa đậy lại" thường đã trở  thành một thứ bình phong cho người ta nhắm mắt làm ngơ trước những cảnh trái tai gai mắt ở đời, kể cả những cung cách hành  sử đi ngược lại luân thường, đạo lý do một thiểu số "con sâu"  nào đó đang "làm rầu nồi canh" Giáo Hội và Quê Hương!

Chính  người đang  viết những  giòng này cũng không tránh khỏi cái mặc cảm "vấp phạm" khi  vừa chớm ý định lật ngược cái  mặt tối từng là  căn nguyên xô đẩy  một vài "linh mục" vào con  đường hợp tác  với Chủ Nghĩa Vô Thần Cộng  Sản, một chủ nghĩa đã xếp loại tôn giáo là "thuốc phiện của nhân dân", nhất là khi một  trong những khuôn mặt  này lại ít nhiều có liên hệ tình cảm với mình  (liên hệ tình đồng môn trong  nhiều năm ở bậc trung học và cùng chia sẻ với  nhau một thời những tình tự quê hương, cảnh ngộ). Cái mặc cảm này đã trở thành một thứ rào cản lớn nhất, khó vượt qua nhất, làm nên cái não trạng muốn thoái thác, đưa tới sự trì hoãn  của bài viết mà lẽ ra nó phải tới tay người đọc từ lâu. Và trước khi tìm được một quyết định  dứt khoát, người viết đã trải qua một cuộc tra vấn miên trường, tưởng như bất tận.

http://www.geos.ed.ac.uk/homes/s0094539/remarkable_forest.preview.jpg

Những buổi sáng mờ sương lắng vào tâm tình cầu nguyện trên đường tới sở  làm. Những phút giây âm thầm quì lặng trước Thánh Thể. Những Thánh Lễ rưng rưng đón Chúa vào lòng. Những giờ kinh tối với vợ con. Những lần thức giấc nửa khuya, đối diện với cái thinh lặng của đêm đen, lắng nghe tiếng réo gọi thầm câm của lương tri người tín hữu.

Và  những tra vấn hoài hoài như thế không chỉ ngừng lại trong những cuộc đối thoại mang tính cách riêng tư. Nó còn là những chia sẻ công khai với một nhóm anh  chị em thân thiết cùng đi chung một con đường, cùng theo đuổi chung một  khát vọng, một lý tưởng trong suốt cái chiều dài của hơn một thập niên qua. Nó cũng bao gồm cả những giây phút trân quí lắng nghe qua đường giây điện thoại những  ý kiến, những lời  chỉ dạy của một số linh mục thân quen, của những anh em tín hữu bậc thầy, cả về hai mặt kiến văn và đức độ.

Cuộc tra vấn dai dẳng ấy đã góp phần củng cố quyết định cuối cùng của người viết xuyên qua những nguồn sáng soi đường được ghi nhận sau đây.

Trước hết,  cái quan niệm "tốt đẹp khoe ra, xấu xa  đậy lại""đừng vạch áo cho người xem lưng" cùng với thời gian ngày nay đã trở thành  lỗi thời, lỗi thời ngay từ  trong mối quan hệ vật lý giữa con người thế tục, và càng lỗi thời hơn trong mối quan hệ tâm lý, tinh thần và siêu nhiên giữa những thành  phần cùng cưu mang một niềm tin tôn giáo. Chiều hướng muốn trực diện để xét lại đến tận gốc rễ một số vấn đề  gai góc trong lòng các Giáo Hội địa phương, như vấn đề liên hệ tình dục với trẻ em của thiểu số trong giới tu sĩ Hoa Kỳ hiện nay là một trong những minh chứng cụ thể cho thấy  cách nhìn mới của Giáo Hội vào thời điểm này. Sự kiện mới đây Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố Thông Điệp "Vinh Quang Chân Lý" cũng mở ra cho mọi người nhìn thấy quyết tâm của Đấng kế vị Thánh Phêrô muốn duy trì và bảo vệ truyền thống cao đẹp nguyên thủy của Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Trong một chiều hướng như thế, thì những phán đoán, nhận định nhằm mục đích gạn đục khơi trong giữa các thành  phần, các chi thể của Giáo Hội hẳn phải là những việc làm chính đáng và cần thiết. Từ ý tưởng này hẳn chúng ta nhận ra ngay cách sống  thẳng thắn của những tiếng nói chân thực của Linh Mục Chân Tín, của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Lan và của biết bao giáo sĩ, giáo dân vô danh khác đang can đảm cất  lên từ lòng Giáo Hội đau thương nếu  có trở thành những mũi gai nhọn  làm cho những phần tử xu thời, chạy theo bạo quyền để kiếm chác phải nhức nhối, bực bội thì cũng không phải là điều ngạc nhiên.

Có chăng điều đáng  ngạc nhiên là ngay trong cộng đồng Công Giáo hải ngoại đã xuất hiện  một vài khuôn mặt có ý định mon men trở về nước để kiếm ăn qua cây cầu  mọt ruỗng là UBĐKCGVN,  mà ảnh hưởng vai trò con  thoi của "Linh Mục  Quốc Doanh" Thiện Cẩm gần đây đã là một dấu chỉ cho thấy.

Những suy nghĩ lan man khiến người viết liên tưởng tới câu: "Tôi sẽ nhìn nghiêng nếu bạn tôi chột mắt". Câu danh ngôn này đã từng được dùng làm đề tài cho những luận đề luân lý bậc Trung  Học ở Việt Nam trong suốt bao nhiêu năm trước 1975. Và trong những cách nhìn và cách suy nghĩ khác nhau, vừa thông minh vừa sâu sắc, những người trẻ Việt của  những thập niên  50, 60, và đầu 70 đã phát hiện nhiều  khía cạnh  đáng cho người khác,  nhất là những người  lớn quen lối sống ton hót, nịnh bợ, "gió chiều nào che chiều ấy", muốn được lòng tất cả, luôn là một vật tròn, không góc cạnh, lăn  đâu cũng được, phải suy nghĩ  mà tự thẹn.

Nếu từ ngữ "chột mắt" được giới hạn ở nghĩa đen, thì sự chọn lựa cách "nhìn nghiêng" có thể coi là một cử chỉ tế nhị, biểu lộ tâm  tình yêu thương, thông  cảm, kính trọng bạn để tránh cho bạn  cái mặc cảm của kẻ  tật nguyền. Nhưng  khi diễn dịch  qua nghĩa bóng để hiểu "chột mắt" là một nhược điểm, một  thói xấu, một hành vi bất xứng phát hiện trong cách ăn ở, cư xử của bạn, thì khi ấy, thái độ "nhìn nghiêng"  không gì khác hơn  là một thái độ  a tòng, một cử chỉ đồng  lõa, hay ít  ra cũng  là  một thái độ  lẩn tránh, thiếu thành tín đối với bạn bè.

Từ Lời Chúa được trích dẫn ở đoạn trên: "Đừng đoán xét ai để khỏi bị đoán xét;  đừng luận phạt ai để khỏi  bị luận phạt", người đọc Nhật Ký Nguyễn  Ngọc Lan bỗng dưng nhớ tới  một câu khác của Chúa Kitô, câu 29 cũng thuộc đoạn VI Phúc Âm Thánh Luca: "Ai vả má bên này, anh em  hãy đưa má bên kia  cho họ nữa. Và ai  cướp áo ngoài của anh em, thì đừng cản họ lấy áo trong nữa."

http://thanhcacongdong.com/hinhalbum/files/2/2/1/Christ-Gethsemane3-DelParson.JPG

Những  lời Hằng  Sống trích  dẫn trên  đây nằm trong toàn bộ Bài Giảng Trên Núi về Tám Mối Phúc Thật của Chúa Kitô. Tựu trung Chúa dạy tín  hữu theo Ngài  đức khiêm hạ,  biết yêu thương tha nhân, chấp nhận sự thua thiệt về phần  mình. Với nội dung bác ái, khiêm nhường, sẵn sàng bôi xóa cái "tôi" để cho người  khác được trổi vượt lên, ta thấy xuất hiện một đòi hỏi khác không kém phần quan trọng đối với người tín hữu trên đường theo Chúa.

"Tôi" có thể vì lòng khiêm nhường, vì yêu thương anh em mà chấp nhận thua thiệt, nhưng nếu  sự thua thiệt  ấy lại xảy  ra cho chính  anh em "tôi", nhất là khi những người anh em ấy lại là một tập thể  đông đảo, những  kẻ không  quyền lực, không tiếng nói thì hẳn rằng "tôi" không thể không lên tiếng, không thể  không làm gì để bênh đỡ họ. Đó là trường hợp "má tôi" không bị  "vả", nhưng lại là "má của những  người anh em tôi" bị "vả",  và "áo  ngoài tôi"  không bị "cướp" mà là "áo ngoài của anh em tôi" bị tước đoạt. Lúc ấy "tôi" phải hành xử ra sao cho phù hợp Lời Chúa? Hẳn  rằng tôi sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ để mặc cho anh em tôi bị kẻ xấu hành hạ bằng cách "vả" hết  má phải đến má trái, "cướp"  hết áo ngoài lại toan tính đoạt  luôn cả áo  trong! Đức bác ái và tình  liên đới trách nhiệm đòi buộc "tôi" phải  có một tiếng  nói, một hành  vi tương xứng để bảo vệ anh em tôi...

Dịch qua trường hợp "đoán xét"  hoặc "phê phán" cũng tương tự như thế. Hành  vi "bới lông tìm  vết", xoi bói đời  tư của người, hầu tìm ra những sở hở, khiếm khuyết để chê bai, chỉ trích quả là một hành vi xấu  xa, đê tiện, nhất là  khi hành vi này lại  được thực hiện với ý đồ đen tối. Nhưng giả như việc làm sai trái của đối tượng bị dư luận xét đoán, phê bình đã trở thành công khai, hoặc ít ra cũng đã có nhiều người biết,  và nhận ra những di hại lớn lao của nó đối với cá nhân cũng như tập thể, thì sự lên tiếng báo động thiết tưởng không những không có gì đáng trách mà còn là một thiện chí đáng được khuyến khích và đề cao.

Những Con Số.... Và Những Khuôn Mặt Tiêu Biểu

Thật khó mà biết được con số đích xác những "ông" linh mục đã chính thức  tham gia cái gọi là UBĐKCGVN. Ngay từ khi Tòa Thánh chưa lên tiếng  phủ nhận tính cách đại diện Công Giáo của cái Uûy Ban kia, những con số được nêu  ra cũng không có gì đáng tin cậy. Đoạn Nhật Ký sau đây của Nguyễn  Ngọc Lan giúp chúng ta thấy được mặt trái của vấn  đề và lý do tại sao tổ  chức "giáo gian" này đã bị bà con tín hữu trong nước tẩy chay.

"Linh mục Hoan, giáo phận Phan Thiết, vừa được chứng kiến một... phép lạ. Số là trước kỳ đại hội  của Ủy Ban ĐKCG hết yêu nước vừa rồi, hai linh mục giáo phận Phan  Thiết, Hoan và Cung đã được mời đi dự. Hai anh  em hỏi ý kiến Đức Cha Huỳnh  Văn Nghi thì Đức Cha chỉ mỉm  cười, không trả lời. Hai anh lúng túng  mãi, không biết nên đi hay không. Đến ngày lên máy bay đi Hànội  thì anh Hoan bị đau bụng còn anh  Cung nhức đầu và đều "không đi  được". Thế rồi sau khi Đại Hội bế mạc,Hoan lại  thấy tên mình  nằm trong danh sách năm mươi  mấy linh mục được bầu  vào các cơ cấu của  Ủy Ban. Hẳn phép  lạ này không phải là trường  hợp duy nhất. Có vậy mới hiểu được tại sao UBĐK lần họp  Đại Hội nào cũng bầu bán hàng bốn năm chục linh mục thế mà Võ Thành Trinh lại thú nhận với Đức Hồng Y R. Etchegaray là cả nước chỉ có vài chục thành viên của cái Uûy Ban đó!"[28][45]

Hơn nửa năm trước, trả lời câu hỏi của linh mục Francesco Strazzari ký giả tờ báo Công Giáo Bologna của Ý về số tu sĩ tham gia Ủy Ban Đoàn Kết, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nói "những người thực sự  theo Ủy Ban chỉ có năm,  bảy người mà thôi."[29][46] Trong số  năm, bẩy thành viên cốt cán  ấy, ngoài những  Võ Thành Trinh, Phan Khắc Từ, Trương Bá  Cần, Huỳnh Công Minh còn có những Vương Đình Bích, Thiện Cẩm...

Chỉ cần điểm  qua "thành tích" của những "tu  sĩ quốc doanh" trên đây ta có thể xếp họ vào loại "tự nguyện" làm tay sai cho Đảng và Nhà Nước để  bôi bác, chống phá Giáo Hội. Bên cạnh những phần tử thật sự "tự  nguyện", chúng ta có thể đoan  quyết mà không sợ lầm lẫn là có một  số đã bị Cộng Sản nắm được  những nhược điểm trong đời tư, do đó đã bị đẩy vào cái thế bất đắc dĩ phải "tự nguyện". Điển hình cho những  khuôn mặt này ta có thể kể  tới Phan Khắc Từ và Thiện Cẩm.

 

Riêng Phan Khắc Từ, vào những năm cuối thập niên 80, những chuyện kín nhiệm về  đời tư của ông bắt đầu được dư luận chú ý khi một nhóm giáo dân công khai gửi văn thư lên Đức Cha Bình và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đích  danh tố giác  là ông ta đã vi phạm luật sống độc thân. Trong Nhật  Ký ngày 28/11/1989, sau khi ghi lại những lời  đồn đại của giáo  dân Sàigon chung quanh việc họ Phan mời cán bộ đảng viên tới ăn "thôi nôi" con của ông, Nguyễn Ngọc Lan đưa ra nhận định như sau:

 

 "Chuyện Phan Khắc Từ sau khi trở thành công  khai phía cán  bộ, bây giờ  về phía giáo  dân, ít nữa cũng trở  thành chuyện 'dân gian'  rồi đó." Ngoài ra,  trong buổi "làm việc" tại  Sở Công An Duyên Hải,  khi bị cật vấn là  tại sao chống UBĐKCG và Phan Khắc Từ, Cha Chân Tín  đã trả lời rằng: "Về UBĐK thì ngay từ  đầu tôi được mời làm phó chủ  tịch nhưng tôi từ chối và chống lại việc thành lập. Còn ông Từ, giáo dân không chấp nhận một người vừa làm linh mục vừa có vợ con sống lén lút!"

Cho nên  chẳng ai lấy làm  ngạc nhiên trước thái độ hết lòng với Đảng và Nhà Nước của "ông LM  dân biểu" này khi "ông ta" muối mặt đóng vai trò thuyết khách toan  tính dụ khị những tu sĩ khác đi vào con đường bất chính. Trong Nhật Ký 1989-1990, Nguyễn Ngọc Lan viết: "Hồ Minh Điệp xác nhận chuyện Phan Khắc Từ nói về anh ấy là đúng. Từ hồi đó,  PKT đã khuyến khích anh  là cứ tiếp tục học  thêm vài năm làm  linh mục rồi "làm việc". Thậm chí 'đời sống tư' nếu cần cũng sẽ được thu xếp và bảo vệ".[30][47]

Người ta không hiểu có bao nhiêu "tu sĩ" đã được "thu xếp và bảo vệ đời sống riêng tư" như vậy để rồi phải cam tâm làm tay sai cho chế độ?

Quả thật đúng như Phúc Âm Thánh Matthêu đoạn 10 câu 26: "Không có gì ẩn  khuất mà không bị lộ, không  có gì kín đáo mà không được thấu biết." Bên cạnh chuyện "phòng  the" của Phan Khắc Từ được cả nước biết  đến, trong những  năm gần đây,  dư luận đồng bào Công Giáo tại Sàigon cũng đã bàn tán nhỏ to về những hành vi mờ ám của một vài tu sĩ "quốc doanh" khác, trong đó có "ông" Thiện Cẩm.

Khi Người Linh Mục Tự Đánh Mất Căn Cước

Trong hai tập Nhật Ký 1989-1990  và 1990-1991, Nguyễn Ngọc Lan đã nhiều lần đề  cập thành tích "theo đóm ăn  tàn" của Thiện Cẩm. Do tế nhị và cũng vì những khía  cạnh không đẹp trong đời tư của ông "Linh Mục  Quốc Doanh" này chưa được công  khai hóa nên  tác giả Nhật Ký không  hề nói tới, ngoài những chi  tiết cho thấy thái độ nhiệt  thành, hồ hởi của ông ta khi cùng với Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện cùng các nhà nghiên cứu lịch sử của Hànội công khai lên tiếng bài bác việc phong thánh.

Ngày 6/6/1989, Nguyễn Ngọc Lan  đã ghi vào nhật ký của ông nội dung bài viết của Nguyễn Vĩnh Phúc đăng trên tờ Thông Luận số tháng 7 và tháng 8 năm1988, trong đó có một  đoạn như sau: "Vào dịp lễ phong Thánh tháng 6 này, một cuộc bút chiến đã xẩy ra giữa một bên  là Nguyễn Khắc Viện,  Thiện Cẩm... và một  bên là Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng, Chân Tín."[31][48]

Ranh giới giữa hai phe "bút chiến" được phân định rõ ràng, trong đó Thiện Cẩm đứng chung chiến tuyến với Nguyễn Khắc Viện, một lý thuyết gia thượng thặng của các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam.

Cũng trong cuộc thẩm vấn tại Sở Công An  Duyên Hải, khi được hỏi là tại sao UBĐK  ủng hộ nhà nước còn cha Chân  Tín và Nguyễn Ngọc Lan  lại chống đối, cha  Chân Tín  đã thẳng  thắn trả lời rằng: "UBĐK ăn theo Nhà Nước và còn xúi dại. Tôi có  đề cập đến Ủy Ban này ở  quận 3 khi  phân tích lập  trường của Ủy  Ban xuyên qua sự trình bày của ông Thiện Cẩm. Ngoài ra, trong buổi "làm việc" của ông Giám  Đốc VHTT, tôi cũng  đã lên án UBĐK  đã làm thày dùi..."[32][49]

 "Ông" Thiện Cẩm đã trình bày lập trường UBĐK về vấn đề phong Thánh ra sao thiết tưởng dư luận trong và ngoài nước đều đã quá rõ, khi mà "những bài tham luận của Thiện Cẩm, của Trương Bá Cần" luôn luôn  xuất hiện bên cạnh danh tính của "các  nhà nghiên cứu lịch sử của Hànội".

Với một con người có lập trường  gần gũi với Đảng và Nhà Nước như vậy, chúng  ta không lấy làm lạ khi đọc nơi trang 178 Nhật Ký 1990-1991 ghi ngày 30/11/1990, Nguyễn Ngọc Lan đã tiết lộ cho hay là trong ba  buổi tĩnh tâm tại nhà thờ  Đồng Tiến, cha Nguyễn Văn Khảm được mời giảng nhưng bị gạt đi vì lý do đã ủng hộ Cha Tín và Nguyễn Ngọc Lan, và "điều lý thú  hơn nữa là 'người ta' không gạt bỏ một cách tiêu cực, mà lại tích cực đề nghị mời... Thiện Cẩm!"

Trong khi về phía Nhà  Nước, "tu sĩ quốc doanh" Thiện  Cẩm được chiếu cố một  cách trân trọng và tận tình  như vậy, thì Cha Hiển, Bề Trên Dòng Thánh Thể lại không  muốn cho các Đệ Tử nhà Dòng học Thần  Học với  "ông" linh  mục  Đaminh  chi  Lyon này![33][50] Đề cập trường hợp Thiện Cẩm, một tín hữu Công Giáo thuộc diện H.O vừa mới  định cư tại Quận Cam đã ngao ngán nói một câu để đời: "Khi người Linh Mục đã tự đánh mất 'căn cước' của mình thì còn có điều gì họ không dám làm nữa!"

"Căn cước" của người linh mục là gì nếu không là ba nhân đức căn bản: KHÓ NGHÈO, KHIẾT TỊNH, VÂNG LỜI phát xuất từ niềm tin tuyệt đối nơi Đức Kitô, vị  Linh Mục Tiên Khởi và đời đời. Khi chính thức tuyên nhận lời khấn trong nghi lễ  Truyền Chức Thánh, người Linh Mục nghiễm nhiên trở thành để tử đích truyền của Con Thiên Chúa Hằng Sống, và tuyên tín Ngài là "gia nghiệp của đời con".

Một khi  đã nhận "Chúa là  gia nghiệp" đời mình thì không còn có một thứ gì trên cõi tạm này có thể thay thế được. Tuy nhiên, đối với những "tu sĩ quốc doanh" cỡ Phan Khắc  Từ, Thiện Cẩm, sự thể không phải luôn luôn được hiểu như vậy.

Chỉ Vì Mặc Cảm Và Kiêu Căng

Một buổi tối, kẻ viết  bài này cùng với anh Trần  Tấn Toan, nguyên Nghị sĩ VNCH, một người bạn thân  từ thời niên thiếu, và cũng  là người không xa lạ với "ông"  Thiện Cẩm, tới thăm một linh mục bậc thầy cũng thuộc Dòng Đaminh chi Lyon. Mục  đích cuộc thăm viếng này, ngoài tình nghĩa cũ, còn là để phối kiểm lại một vài chi tiết liên quan tới bài viết. Trong một phút tình cờ, vị linh  mục cho hay là đã nhiều lần  "ông" Thiện Cẩm hí hửng khoe là đã được gặp riêng các lãnh tụ Cộng Sản cao cấp, khi thì với Võ  Văn Kiệt, khi thì với  Đỗ Mười. Sau khi tiết  lộ điều này, cha âm  thầm nói lên nhận xét  riêng:

 

Tôi nghĩ có lẽ  vì một thứ mặc cảm nào  đó mà Thiện Cẩm mới có những  lời lẽ khoe khoang tầm thường như thế, chứ các anh  coi một người đã là linh mục của Đức Kitô, đấng được tuyên  xưng là "Vua  trên hết các  vua, Chúa trên hết các chúa" thì việc gặp gỡ Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười có gì là vinh hạnh mà phải hí hửng khoe khoang?


Điều tiết  lộ trên đây khiến cả Toan  và người viết bài này đều liên tưởng tới một chi tiết trong bài "Sứ mệnh của tuổi chúng ta" của Thiện Cẩm đăng trên tập Hương Xưa, kỷ yếu của Cựu Học Sinh Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh phát hành năm 1968 tại Sàigon (Kỷ yếu này do BS. Nguyễn Hữu  Trác làm chủ nhiệm và người  viết bài này làm chủ bút với sự đóng góp bài vở của nhiều anh em có mặt tại  Hoa Kỳ như Trần Tấn Toan, Nguyễn Đức  Tuyên, Nguyễn Đức Liên,  Phạm Văn Thiếp, Vũ Đình Thiệp, Nguyễn Thị Thêu, Đỗ Tất Tế, Lê Văn Trang, Đoàn Thanh Liêm, Mai Như Mạnh, Đinh Lưu Nhã, Phương Thảo, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Kao Thăng....).

 

Có một đoạn trong bài "Sứ Mệnh Của Tuổi Chúng Ta"  Thiện Cẩm viết: "Tôi không  chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản, tôi không ủng hộ Mao Trạch Đông,  nhưng tôi dám mạnh  dạn nói rằng tôi  phục đường lối cách mạng của  ông ta, vì ông ta  có lẽ là người đầu  tiên và duy nhất từ trước tới nay dám nghĩ và chủ trương rằng Cách Mạng chỉ có thể là cách  mạng khi nó là cách mạng tư  tưởng, cách mạng văn hóa."

Ghi lại chi tiết này, người viết  muốn làm một cuộc kiểm thảo đến nơi đến chốn về thái độ "khâm phục" của ông Thiện Cẩm đối với Mao Trạch Đông, nhưng nghĩ kỹ lại  thôi, vì xét thấy không cần thiết. Bởi lẽ không phải chờ tới nay mà từ lâu ai cũng  đã rõ họ Mao là người như thế nào và cái gọi là "cách mạng văn hóa" của ông ta ra sao rồi.

Cũng trong  cuộc gặp gỡ khuya hôm ấy, vị linh mục bậc thày Dòng Đaminh chi Lyon còn nói một câu thật thấm thía: "Những điều các anh hỏi, tôi cũng  có nghe thiên hạ nói xì xào,  to nhỏ hồi còn ở Sàigon. Phần  tôi, tôi không  thể nói thêm  điều gì với  các anh. Mong các anh hiểu cho. Bề gì tôi cũng cùng một Tu Hội với đương sự..."

Sau khi  chia tay Cha, cả hai chúng tôi đều chia sẻ với nhau ý nghĩ là tuy Ngài không thêm điều gì, nhưng như thế cũng là quá đủ rồi.  (Người viết tự ý bỏ đi hơn 20 trang)

 

Trần Phong Vũ 

 

 [20][37] Nhật Ký 1989-1990, tr. 98, ngày 11 tháng 8 năm 1989

[21][38] Nhật Ký 1989-1990, tr. 56, ngày 12/5/1989

[22][39]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 132, ngày 13/10/1990 

[23][40] Nhật Ký 1989-1990, tr. 58, ngày 12/5/1989 

[24][41] Nhật Ký 1990-1991, tr. 237, ngày 20/1/1991 

[25][42] Nhật Ký 1989-1990, tr. 151, ngày 25/11/1989 

[26][43]  Nhật  Ký 1989-1990, tr. 151-152, ngày 25/11/1989 

[27][44] Bản Tin TTX/VN ngày 7/7/1976 

[28][45]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 177, ngày 30/11/1990 

[29][46]  Nhật Ký 1989-1990, tr. 209, ngày 28/2/1990

[30][47] Trang 210, ngày 1/3/1990

[31][48] Nhật Ký 1989-1990, tr. 66, ngày 6/6/1989

[32][49]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 60, ngày 17/7/1990

[33][50] Nhật Ký 1989-1990, tr. 223, ngày 27/3/1990

http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/sources/2009/05/15/10/61071242359787.jpg