Thursday, July 30, 2009

Suy nghĩ về bài viết J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội)

                                                                                        
Suy nghĩ về "những suy nghĩ" trong bài viết
       của tác giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội)
 

Trần Phong Vũ

 
Vài lời trước khi bắt đầu: Trên VietCatholicNews ngày 19-5-2007, người ta đọc được một bài viết có tựa đề "Vài suy nghĩ về việc xây cất các công trình tôn giáo hiện nay ở Việt Nam". Tác giả bài viết là  J.B Nguyễn Hữu Vinh, đề ngày 15-5-2007 tại Hànội. Đọc qua nội dung có người tỏ dấu ngạc nhiên vì đây là một trong những bài viết hiếm thấy trên trang lưới do linh mục Trần Công Nghị làm chủ vì nó không phù hợp với chủ trương cổ võ giáo dân Việt ở hải ngoại đóng góp cho những công trình xây cất các nhà thờ tại Việt Nam, nhất là trong thời gian rất gần đây, linh mục Nghị còn đích thân phỏng vấn một số giám mục nhân dịp các ngài qua Hoa Kỳ mở các cuộc quyên góp tiền bạc với mục tiêu tương tự.
 
Gác qua một bên điều ngạc nhiên vừa kể, người viết những giòng này muốn thẩm định giá trị những suy tư của tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh để từ đấy mạnh dạn nêu lên vấn đề trách nhiệm của các giới thẩm quyền trong Giáo hội Công giáo trong nước cũng như vai trò của các cơ quan truyền thông do các giáo sĩ ở hải ngoại chủ trương hiện nay.

 

I.- Nội dung bài viết:

 Tác giả tập trung những suy nghĩ của ông vào 4 điểm chính:
1/ Nhu cầu xây dựng nhà thờ sau nhiều thập niên bị hư hao, đổ nát.
2/ Những điều bất cập.
3/ Những hệ lụy mà Giáo hội phải gánh chịu.
4/ Một vài đề nghị xây dựng. (Mời quí độc giả tìm đọc nguyên văn
             bài viết trên VietCatholicNews ngày 19-5-2007).

Nhu cầu trùng tu và xây dựng lại các giáo đường ở Việt nam là một nhu cầu không ai có thể phủ nhận. Nó thôi thúc người tín hữu giáo dân ở trong cũng như ngoài nước phải đặc biệt quan tâm. Tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh đã nhấn mạnh điều này trong bài viết của ông. Nhưng, với những kinh nghiệm cụ thể của một người "đã từng tham gia thiết kế nhiều công trình cho các Giáo phận", ông đã thẳng thắn nêu lên "những điều bất cập" dẫn tới những "hệ lụy", không chỉ tạo nên những hậu quả không hay về mặt vật chất mà còn có nguy cơ xoi mòn đời sống đức tin của giáo dân, làm băng hoại những giá trị căn cốt trong Đạo của Chúa Giêsu.

 

II.- Vài suy nghĩ của người viết những giòng này:

Trước hết, đây là một bài viết rất có giá trị. Với lòng yêu mến Giáo hội chân thành, kèm theo những ưu tư, trăn trở về hệ quả tai hại của ngọn trào đua nhau xây cất nhà thờ rầm rộ, vô tổ chức "như nấm sau mưa", bất chấp qui luật, trong Giáo hội quê nhà hiện nay, tác giả đã can đảm vượt ra khỏi sự dè dặt thường lệ để nói lên những suy nghĩ chân thực của ông.

 
http://cakhuclenden.net/TaiLieuDD/GxSuoiMo/XayMongNhaTho2.JPG

1/ Những tấm lòng đáng trân trọng của con cái Chúa: Tác giả ghi nhận:

"Để có những Thánh đường to đẹp, rộng rãi làm vinh danh Thiên Chúa trong các sinh hoạt tôn giáo và văn hóa hàng ngày, người Công giáo Việt Nam đã chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, hi sinh rất nhiều công, của, bằng mồ hôi nước mắt khó nhọc của mình làm ra. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều giáo dân cả chục năm trời hi sinh mọi công việc gia đình, cá nhân, đề lo lắng cho việc xây dựng Thánh đường. Những người con xa xứ đã không tiếc công sức, đã gom góp tiền của để gửi về góp sức chung tay xây dựng nên những công trình đáng tự hào đó"

Đấy là một sự thật. Giữa người tín hữu giáo dân, dù ở trong hay ngoài nước, không hề có sự khác biệt. Tất cả đều hết lòng với Giáo hội Mẹ. Nó thể hiện qua những hi sinh, đóng góp to lớn cho việc xây dựng những cơ sở phụng tự tại quê nhà.

 
http://www.simplevietnam.com/uploads/NAM%20DINH/Nhatho/Phunhai4.jpg
 
2/ Trăn trở trước những hiện tượng bất cập cùng những hệ lụy đau lòng:

 * Chỉ biết đập phá, nhưng ít thấy trùng tu, bảo tồn! Nói tới những hiện tượng bất cập, tác giả viết:

"Việc xây dựng các Thánh đường và công trình tôn giáo nói chung hiện nay đang ồ ạt theo kiểu "phong trào". Có nơi nhà thờ cũ, hỏng, phá đi xây nhà thờ mới, có nơi nhà thờ lớn, phá đi xây lại lớn hơn. Việc trùng tu, bảo tồn là ít thấy dù công trình đó có một giá trị văn hóa, lịch sử trải qua cả trăm năm, cũng như có những công trình được đúc kết bằng tinh hoa văn hóa của dân tộc, của cha ông, nhưng sau bao năm bị bào mòn bởi thời gian, bị xuống cấp không được tu sửa, nay bỗng nhiên trở thành phế thải và đập đi để xây lại.
 

 "Tôi từng đến một ngôi Thánh đường bằng gỗ, tường xây bao quanh được thiết kế thi công công phu, tỉ mỉ. Những hoa văn sơn son thếp vàng, những chi tiết kiến trúc nhuần nhuyễn, mang đậm tính nhân văn tôn giáo của từng thời kỳ lịch sử mà thời đại ngày nay và mãi mãi chắc khó lòng xây dựng được. Nhưng nó sắp bị phá đi để xây lại một ngôi nhà thờ lớn hơn bằng bê tông cốt thép[1]. Theo chúng tôi, đó chưa hẳn đã là điều hay".

 

* Sự hiểu biết của Linh mục là chân lý! Nhờ có dịp đi nhiều nơi, được quan sát tận mắt những công trình đập, phá, xây nhà thờ tại nhiều Giáo phận, tác giả xót xa ghi nhận:

"Rất nhiều công trình xây dựng theo ngẫu hứng…, bất chấp kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc. Rất nhiều Thánh đường đã được xây dựng theo ý chủ quan của Cha xứ, Ban Hành Giáo hoặc người tài trợ mà bất chấp một thực tế là lãng phí rất nhiều tiền của một cách vô lý.
 
Nhiều ngôi Thánh đường và công trình tôn giáo đã được giao cho những người không có chuyên môn, kỹ thuật về kiến trúc, xây dựng để thiết kế và thi công, thậm chí có nhiều Thánh đường được xây dựng theo kiểu "học mót". Hễ thấy một chi tiết vui mắt ở đâu đó thì bê nguyên về, bất chấp tính logic và ngôn ngữ kiến trúc…. họ đã không biết rằng, những công trình không được xây dựng theo đúng quy trình kỹ thuật một cách khoa học, thì sự lãng phí đối với công trình còn lớn hơn gấp nhiều lần chi phí đó, và nguy cơ nứt nẻ, hư hỏng, sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chi phí sửa chữa, làm lại là một con số lớn hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, nếu chẳng may công trình sụp đổ khi đang thi công hoặc sử dụng với đông người, hậu quả sẽ là không nhỏ, và khi đó, ai là người chịu trách nhiệm?… chính các vị Linh mục, cũng có ảo giác rằng: Giữa đám dân quê, mọi ý kiến của mình, hiểu biết của mình là chân lý, mọi quyết định của mình là sáng suốt.
 
Do vậy, công tác xây cất các công trình, nhiều vị cũng bất chấp những vấn đề về kỹ thuật và nguyên tắc khoa học, tự nêu ý tưởng, tự xây, tự làm bằng những ý tưởng của mình mà không nghĩ rằng: Mọi lĩnh vực cần có những quy luật chuyên môn của nó".
 
 http://files.myopera.com/xuankhanhxl/blog/Picture%20209.jpg
 
* Lệ thuộc vào những thế lực cho tiền! Bên cạnh những hành vi "tự biên tự diễn" kiểu "múa gậy vườn hoang" của linh mục, tác giả bài viết cũng phát hiện một sự kiện ngược đời khác. Đó là có những Thánh đường được xây cất và hoạch định ngoài nhu cầu và hoàn cảnh địa phương mà hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của những thế lực tài trợ. Không thấy tác giả nói đến những thế lực này là ai, trong hay ngoài nước, tư nhân hay công quyền? Mời độc giả theo dõi trích đoạn sau đây trong bài viết của tác giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh:
 
"…Chúng tôi cũng đã đến nơi xây dựng ngôi Thánh đường được người dân ở đó cho là tốn kém nhất, nhiều tiền của nhất khu vực miền Bắc… Toàn bộ công trình từ móng đến tường, mái là một khối bê tông khổng lồ. Tất cả các chi tiết thi công từ ván khuôn, dàn giáo đến quy trình thi công nhất nhất tuân theo những quy định và phương pháp "không giống ai" trong nền xây dựng Việt Nam hiện tại. Một công trình tốn kém khủng khiếp, nếu theo tư duy xây dựng Việt Nam hiện nay. Theo những phép tính đơn giản, ngôi nhà thờ này, kinh phí đắt gấp năm bảy lần những ngôi nhà thờ khác cùng diện tích sử dụng.
 
 Khi được hỏi "Những quy định đó do ai đưa ra, người dân đều trả lời "Do người tài trợ quyết định". "Nhưng tại sao phải theo những quyết định không giống ai đó?" thì được trả lời: "Nếu không nghe, họ cắt tài trợ cho công trình".
 

 Khi ra về chúng tôi không khỏi băn khoăn. Phải chăng khi có tiền, bất cứ người nào cũng có thể chi tiền để xây dựng Thánh đường với những "ý tưởng" không giống ai, dù nó tốn kém như cách tiêu tiền của "Công tử Bạc Liêu" trong tiểu thuyết để rồi buộc những người dân bản địa phải chấp nhận?"

 

* Những "Thánh đường Tâm hồn" bị hủy hoại! Vẫn với những suy tư, trăn trở về những khía cạnh bất cập cùng những hệ lụy do cao trào đua nhau đập, phá để xây cất nhà thờ ồ ạt "như nấm sau mưa" hiện nay, tác giả viết:

"Với người Công giáo, Thánh đường là trung tâm sinh hoạt tôn giáo. Thánh đường càng to, càng đẹp, thì người Công giáo càng hãnh diện và tự hào. Nhưng nhiều khi chúng ta quên mất một điều rằng: Thánh đường đẹp đẽ nhất cho Thiên Chúa ngự, chính là tâm hồn mỗi người".
 
http://www.xaluan.com/images/news/Image/2009/01/28/1233187302.img.jpg
 
Vì bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất mà quên mất điều hệ trọng ấy nên đã dẫn tới những gương mù qua những hiện tượng phản Tin Mừng: những ngôi giáo đường nguy nga, đồ sộ được xây cất giữa cảnh sống cơ hàn, nghèo đói của đám lê dân thiếu ăn, thiếu mặc, ngày đêm chui rúc trong những căn nhà ổ chuột với mái tranh, vách đất. Điều chua xót và nghịch lý là không ít những giáo dân cùng chia sớt cảnh sống nghèo hèn như thế đã vì đức vâng lời linh mục, từng đổ mồ hôi, công sức để góp phần xây dựng nhà thờ!
 
Chưa hết. Để có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại về tài chánh, về phép tắc xây cất, người ta –bao gồm cả giáo sĩ và những thành phần trong ban hành giáo trực tiếp lo chuyện xây cất nhà thờ-, đã phải ép mình, khép chặt con mắt lương tâm, làm những chuyện khuất tất, gian dối, trái sự thật và lẽ công bằng! Nói rõ hơn là phản chứng, là đi ngược lại những điều cốt lõi của đạo Chúa Giêsu.
 
Người viết những giòng này thâm cảm được tâm trạng xót xa đau đớn của tác giả khi phải công khai nói lên những điều bí ẩn, thiếu lương thiện, phản Tin Mừng sau đây:
 
"…Nhiều nơi, để xây dựng Thánh đường và các công trình tôn giáo, các giáo xứ, giáo phận đã phải dùng rất nhiều dự án xin tài trợ của các tổ chức và cá nhân cho việc phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đồng… như giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội… Nhưng khi có được những đồng tiền đó, đã không sử dụng đúng mục đích của dự án đã nêu mà dùng cho việc xây dựng các Thánh đường nguy nga lộng lẫy. Phải chăng, điều đó là bình thường với người Công giáo, khi chúng ta phải nêu những tấm gương về Sự thật và làm chứng cho Sự thật? Việc biến các dự án khác cho xây dựng Thánh đường, phải chăng là không có vấn đề gì? Theo chúng tôi, ít nhất điều đó đã là sự dối trá khó có thể chấp nhận dù với một ý tưởng và mục đích tốt".
 
Tuy tác giả bài viết không công khai nói ra, nhưng người đọc ông không thể không nghĩ tới ý tưởng hàm ngụ của từ ngữ "xây cất" trong nhân gian, đặc biệt trong xã hội Việt nam thời cộng sản. Vì có "xây" mới có "cất", cho nên cần phải "xây", "xây" thật nhiều, với bất cứ giá nào để có cơ hội "cất" nhiều. Cất gì, mọi người Việt nam chúng ta đều đã hiểu.
 
Hệ lụy kéo theo hệ lụy! Từ chuyện du di gian dối, dùng những khoản tiền xin được cho những chương trình giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế vào việc xây Thánh đường nhằm thỏa mãn óc cạnh tranh "nhà thờ của xứ ta phải to, phải đẹp, phải nguy nga, lộng lẫy hơn nhà thờ của xứ bên cạnh", người ta còn nghĩ ra trăm phương nghìn kế để vượt qua cửa ải "xin cho" hầu có được tấm giấy phép trong tay, để xây nhà thờ và cũng để "cất" hầu thỏa mãn lòng tham không đáy. Từ đấy, vô hình chung người ta đã nhân danh những gì cao đẹp trong tôn giáo của mình để tiếp tay nuôi dưỡng tham những, nuôi dưỡng những tệ đoan trong một xã hội vốn đã có quá nhiều tệ đoan như xã hội Việt nam dưới chế độ cộng sản từ nhiều thập niên qua.
 

Với cách suy nghĩ ngay thẳng bình thương của người công dân và cũng là của con cái Giáo hội, tác giả thẳng thắn nghĩ rằng:

"Việc xây cất các công trình tôn giáo là một nhu cầu chính đáng của cộng đồng Công giáo. Việc cấp phép là điều đương nhiên các cấp chính quyền của dân phải làm"

Bởi lẽ giản dị là:

"Thời đại hiện nay, mọi người sống theo Hiến Pháp và Pháp luật như hệ thống chính trị xã hội yêu cầu…"
 
Có điều nhìn vào thực tế trước mắt, những người lo việc xây cất nơi phụng tự cho tôn giáo mình ở quê nhà đã không có được sư lương thiện cần và đủ mà chính tôn giáo mình đòi hỏi phải có, nhất là không có được cái dũng lược và sự ngay thẳng tối thiểu để chấp nhận điều thách đố của lương tâm: thà không có nhà thờ to rộng mà vẫn giữ được sự trong sáng của tâm hồn, thà không được phép xây cất hơn là phản lại đạo làm người, đi ngược lại giáo lý tôn trọng sự thật và cách hành sử công chính trong đạo Chúa. Do đó, tác giả bài viết đã phải đau xót ghi nhận là:
 

"…nhiều nơi, sự minh bạch, công khai không được bảo đảm, dẫn đến những nghi kị trong cộng đồng đối với những người có trách vụ. Và thật đáng tiếc, có khi, có nơi, khi xây xong Thánh đường rộng rãi, bề thế, thì mất đi hoặc đã tổn hại nhiều Thánh đường khác quan trọng hơn, đó là TÂM HỒN NGƯỜI TÍN HỮU….. nhiều nơi vẫn làm chui, làm lén khi đi làm những thủ tục cấp phép, tạo điều kiện cho những quan chức nhà nước tham nhũng, nhận hối lộ…việc xây dựng các công trình đã gần như một cuộc tranh đua. Để có điều kiện vận động tiền của, được cấp phép, được đi nước ngoài xin tài trợ… thậm chí có những khi có vị đã chấp nhận im lặng trước những điều vô lý của cá nhân, của xã hội địa phương với rất nhiều hiện tượng bất công, tham nhũng cũng như nhiều tệ nạn khác với phương châm "im lặng là vàng" mà người Công giáo làm chứng cho sự thật không được phép im lặng."

 

III.- Đôi điều suy nghĩ chót tiếp theo những đề nghị của tác giả bài viết:

Sau khi trưng dẫn sự kiện không đẹp với những hệ lụy còn kéo dài qua phong trào xây cất Thánh đường ào ạt lâu nay ở trong  nước, để kết thúc bài viết, dù dè dặt nhưng tác giả cũng đã thẳng thắn nêu lên một số đề nghị cụ thể:
 
"Nên chăng, để có thể có một trật tự cũng như tránh những hệ lụy không cần thiết, mỗi Giáo phận cần có một Ban Phụ trách về xây dựng các công trình trong Giáo phận. Ở đó, có thể tập trung những trí thức Công giáo và không công giáo, để tư vấn cho các Giáo xứ, Giáo họ làm nên những công trình văn hóa tôn giáo có giá trị cho Giáo Hội và đất nước. Hiện nay, hàng ngũ trí thức Công Giáo không phải là ít trong các lĩnh vực của xã hội, kể cả lĩnh vực xây dựng cơ bản. Cái chính là chúng ta có tập hợp họ lại hay không. Kể cả khi cần thiết, nên thành lập một Công ty tư vấn Thiết kế các công trình tôn giáo cho Giáo phận. Công ty đó bao gồm cả các Luật sư, sẽ tư vấn cho các Giáo xứ, giáo họ trong việc thực hiện các quy định, điều luật trong lĩnh vực xây dựng cũng như nhiều lĩnh vực khác trong các hoạt động tôn giáo của mình.
 

Nên chăng, mỗi giáo phận đều nên có những quy định cụ thể về việc xây cất, huy động các tiềm năng và nguồn lực cho việc xây dựng các Công trình của Giáo Hội theo những tiêu chí cụ thể, không để tiếp diễn hiện tượng mạnh ai nấy làm, manh mún và không hiệu quả như hiện nay.

Và một điều cần hơn là Giáo phận luôn nhắc nhở mọi người thấm nhuần rằng: Ngôi Thánh đường đẹp nhất cho Thiên Chúa ngự, chính là tâm hồn mình".

 

Tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh đã trình bày những suy tư của ông tại Hà Nội, ngay giữa lòng quê hương Việt nam yêu dấu, một quê hương đã và đang bị đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa độc tài, độc đảng, vô tôn giáo từ nhiều thập niên qua. Người viết những giòng này chân thành cám ơn ông. Mặc dầu đang phải sống trong cảnh cá chậu chim lồng, ông vẫn can đảm vượt khỏi chính mình, vượt khỏi cái tâm lý sợ hãi bị những thế lực trong đạo, ngoài đời  trù giập, vượt khỏi cái ám ảnh thường tình từ bao nhiêu đời nay do mặc cảm "vạch áo cho người xem lưng", để một lần dám: đầu cao mắt sáng, mạnh dạn nói lên những mặt tối trong Giáo hội quê nhà hôm nay.
 
Bài viết đề ngày 15-5-2007. Hiển nhiên là rất mới, rất thời sự. Nó nói lên rằng: cảnh đập phá, xây cất Thánh đường ồ ạt, vô kỷ luật, phi nguyên tắc (cả nguyên tắc đời lẫn nguyên tắc đạo lý) như "nấm sau mưa" theo nhận định của tác giả bài viết, không chỉ diễn ra 10 năm, 20 năm trước, mà ngay hôm nay, lúc này, giữa những năm tháng đầu của ngàn năm thứ ba.
 
Giáo hội Công giáo từ xưa vốn được nhìn nhận như là một tổ chức, một cơ cấu có kỷ cương, trật tự, được điều hành chặt chẽ từ trên xuống dưới. Ngoài ra, vâng lời, tùng phục còn được coi là một nhân đức nếu không muốn nói là một đòi buộc, ít nữa là trong giới giáo sĩ, tu sĩ.[2]
 
Cai quản các giáo xứ, các họ đạo là các linh mục. Nhiều giáo họ, giáo xứ kết thành giáo hạt do một linh mục Quản hạt coi sóc. Đơn vị căn bản là Giáo phận do Giám mục, trên danh nghĩa là người đại diện Chúa Giêsu cai quản đoàn chiên. Tất cả các Giám mục qui tụ dưới cái dù rộng lớn là Hội Đồng Giám Mục, trong đó mỗi vị được phân công vào các Ủy ban lo về tín lý, giáo lý, văn hóa, giáo dục, xã hội, kể cả các ban ngành chuyên môn.
 

Trong phần đề nghị, tác giả viết: "…mỗi Giáo phận cần có một Ban Phụ Trách về xây dựng các công trình trong Giáo phận…" Không hiểu tác giả có làm công việc vô ích là đẩy vào cánh cửa đã mở sẵn chăng? Nếu chúng tôi không lầm thì lâu nay tại mỗi tòa Giám mục và cao hơn là HĐGM đều đã có một Ủy Ban chuyên môn lo vấn đề này (?). Tuy nhiên, kể cả trường hợp không hoặc chưa có một cơ cấu như thế thì hiện tượng đập, phá, xây cất nhà thờ, vận dụng tiền bạc vô kỷ luật, thiếu chỉ đạo đưa tới những hoạt cảnh bất cập cùng những hệ lụy đau thương như bài tường thuật của tác giả J, B Nguyễn Hữu Vinh cũng khiến người ta phải nêu lên nhiều câu hỏi.

- Không lẽ cả đến những vấn đề cá biệt, riêng rẽ, không liên hệ gì đến chính trị, đến sự an nguy của chế độ như vấn đề trùng tu, xây cất Thánh đường mà những Đấng Bậc có thẩm quyền trong Giáo hội cũng đành "thủ khẩu như bình", không có tiếng nói?
 
- Phải chăng Giáo hội Công giáo tại quê nhà hôm nay, sau nhiều thập niên bị khống chế bởi chủ nghĩa vô thần, duy vật chất đã phát sinh những cá nhân linh mục –thậm chí cả giám mục- đã tự đánh mất uy tín và phẩm cách của mình, đưa tới cảnh tượng hỗn loạn, mặc ai muốn làm gì thì làm, bất chấp lệnh lạc, bất chấp cả những ràng buộc của lương tâm con cái Chúa?
 
- Và phải chăng cái kịch bản vừa khôi hài vừa nghịch lý trong hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước cộng sàn Việt nam là "trên bảo dưới không nghe" đã lấn sân để xâm nhập vào cả những cơ cấu, những chi thể trong lãnh vực thần quyền, làm nảy sinh những cảnh tượng bát nháo, múa gậy vườn hoang như trong bài viết?
 

Trước cảnh tượng "kẻ ăn không hết, người lần không ra", trước những ngôi Thánh đường nguy nga đồ sộ mà kinh phí xây cất lên tới cả triệu mỹ kim (tương đương với hàng chục tỷ đồng VN), người viết những giòng này không thể không liên tưởng tới những căn nhà tranh vách đất được dùng làm nơi cầu nguyện dâng lễ của bà con tín hữu miệt Cái Răng, Cái Rắn vùng Cà Mau, Đồng Tháp từng được cha Ngô Phúc Hậu, tác giả Nhật Ký Truyền Giáo mệnh danh là những "chuồng thờ"! Một câu hỏi nhức nhối khác được đặt ra: trong tình huống ấy: đâu là tình liên đới, chia sẻ giữa những người được gọi là con cái Chúa? Nếu cần qui trách thì biết qui trách cho ai? Giáo dân? Giáo sĩ hay Giáo phẩm?

Trong Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội) của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố cách đây chẵn 20 năm, đoạn 31 Ngài viết: "… Trong trường hợp túng thiếu, không được dành ưu tiên cho việc trang trí dư thừa tại những ngôi thánh đường và cho những đồ thờ phượng quí giá; trái lại, có thể buộc phải bán đi những của cải đó để có đồ ăn, thức uống, áo quần và nhà ở cho những kẻ thiếu thốn"

"Kẻ thiếu thốn" còn được Giáo hội quan tâm như vậy, thì việc san sẻ những khoản chi tiêu quá phí phạm vào việc xây dựng những ngôi nhà thờ đồ sộ ở những nơi có thừa mứa phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của giáo dân nghèo ở những vùng sâu, vùng xa ở nơi thôn ổ hay vùng cao nguyên chắc chắn phải là một bổn phận bắt buộc. Trước những thao thức ấy, đâu là vai trò của người làm truyền thông Công giáo?

Trộm nghĩ: là một tờ báo điện tử có bề thế, có phương tiện lại do một linh mục làm chủ -hơn thế, lại còn công khai tự phong là "Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam" và đang nuôi tham vọng lớn là kết hợp tất thảy các cơ quan truyền thông mang màu sắc Công giáo (báo in, báo trên mạng, báo nói, báo hình) dưới cái dù gọi là "Liên Hiệp truyền Thông Công Giáo Việt Nam", sau khi đã bước tới một bước là dám gồng mình đăng một bài viết có dư vị đắng đót như bài viết của tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh từ trong nước gửi ra, không lẽ lại chỉ bó mình ngừng lại ở nhiệm vụ thông báo, đưa tin mà không có một lời bàn nào hầu góp phần thăng tiến Giáo hội trên quê hương?

Sợ rằng quá muộn màng chăng? Nhưng dù muộn hẳn vẫn còn hơn không.
 

Xa hơn một chút, người viết cũng không thể không nghĩ tới những cơ quan truyền thông Công giáo khác cũng do các giáo sĩ chủ trương như các nguyệt san Dân Chúa Mỹ châu, Úc châu, Âu châu, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Trái Tim Đức Mẹ, Hiệp Nhất và các mạng lưới mang danh Công giáo khác đã và đang xuất hiện "như nấm sau mưa" ở hải ngoại hiện nay

Trước bầu khí im lặng ngột ngạt do sự lây lan của hiện tượng "bị bịt miệng" hoặc "tự bịt miệng" của những tiếng nói lẽ ra phải nói, người tín hữu giáo dân, dù biết rõ thân phận nhỏ bé, khiêm tốn của mình, vẫn không còn có chọn lựa nào khác hơn là phải cất tiếng, cho dẫu có vì thế mà bị miệng đời có ác ý gán cho là "chống cha", mà "chống cha" lại thường được giảng giải là "chống Chúa"!!!

 

Viết những giòng này, chúng tôi không khỏi xúc động tưởng nghĩ tới hình ảnh những mục tử, những nữ tu, những giáo lý viên giáo dân đã và đang ngày đêm lăn lộn tại những vùng sâu, vùng xa trên quê hương Việt Nam để đem ánh sáng Tin Mừng đến cho những thành phần nghèo khó, thấp cổ bé miệng. Những nhà truyền giáo cô đơn nhưng quả cảm này không cần những Thánh đường vật chất nguy nga, đồ sộ cho bằng nỗ lực xây dựng trong âm thầm những Thánh-Đường-Tâm-Hồn nơi mỗi cá thể mà họ gặp gỡ hôm nay.
 
Người viết cũng nghĩ tới dự phóng của đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức về một mô hình Giáo hội tương lai, một Giáo hội không còn hệ tại vào những cơ cấu qui mô, đồ sộ hữu hình, mà là những nhóm nhỏ, những cộng đồng nhỏ nhưng sinh động, gồm những người tin, luôn lấy sự yêu thương, tín thác làm hành trang cho sứ mạng truyền bá Phúc Âm, rao giảng Nước Trời.
 
Trần Phong Vũ

Suy tư nhân Lễ kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi 2007

 



[1] Điều đáng tiếc –có thể vì lý do tế nhị- ở đây cũng như trong suốt bài viết, tác giả thường tránh né không cho biết nơi chốn của những ngôi Thánh đường mang giá trị văn hóa, lịch sử đã bị triệt hạ để thay thế bằng những kiến trúc mới.

 

[2] Điều đáng buồn và cũng hết sức nghịch lý là tuồng như chuyện "vâng lời" chỉ dành "độc quyền" cho quần chúng giáo dân, trong khi giáo sĩ, giáo phẩm lại có vẻ như có "luật trừ", dẫn tới hệ lụy khác là trì kéo đức tin của người tín hữu xuống sà sà ngọn cỏ: họ không có được niềm tin cá vị với Thiên Chúa là đấng họ tôn thờ mà được lọc qua trung gian hàng giáo sĩ, giáo phẩm. Do đó, khi thấy những dấu hiệu phản Tin Mừng nơi những "thần tượng" này, họ dễ dàng đánh mất đức tin, hoặc coi đức tin là thứ có thể du di hay thỏa hiệp, kể cả du di, thỏa hiệp với những điều bị coi là tội ác!