Thursday, July 30, 2009

Đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan (phần 2/2)

        http://www.lambich.net/forum/userpix/3_Nguyen_Ngoc_Lan_1.jpg

ĐỌC NHẬT KÝ  NGUYỄN NGỌC LAN   (phần 2/2)

  Trần Phong Vũ
 Thời Điểm Công Giáo
tháng 10-11 và tháng 12 năm 1993 - Hoa Kỳ)
 
(tiếp theo)  Trong Nhật  Ký 1989-1990 trang 80,  81 ngày 17 tháng  8 năm 1990, NNL cũng đã  ghi lại một vụ buôn có dính líu đến nhiều cơ quan, đơn vị Nhà Nước do Bỉnh Họt chủ  mưu. Từ tháng 3 đến tháng 5 Bỉnh Họt tổ chức 8 chuyến buôn lậu "với số lượng hàng trị giá 4 tỷ 353 triệu đồng và thu gom trốn thuế  một lượng hàng là 8 tỷ 677 triệu đồng" (13 tỷ tương đương với  3 triệu Mỹ kim  vào thời điểm đó). Trong khi ấy, Bùi Việt Quang, Ủy Viên Thường Vụ huyện Châu Thành đã dùng tàu trinh sát của tỉnh  đội Kiên Giang có trang bị vũ khí và điện đài tổ chức đi Kampuchia và Singapore buôn lậu 23 lần với 35 chuyến tàu, với số hàng lậu  trị giá 15 tỷ 141 triệu đồng. Khi bị truy tố  ra tòa, để biện hộ  cho việc buôn lậu của  mình, đồng lõa của Bỉnh  Họt và Bùi Việt Quang là  Bùi Anh Dũng, nguyên Giám Đốc công ty  kinh doanh tổng hợp Kiên Giang  đã trả lời: "Cả tỉnh đi buôn  lậu chứ đâu  phải mình tôi"...  Và khi tòa  hỏi là "theo anh, người  buôn lậu phải  đi lén lút  hay công khai?"  thì y trả lời: "Dạ phải đi lén lút... đàng hoàng chứ (!)"

Riêng Bùi Việt Quang cũng nêu ra trước tòa những sự kiện cho thấy việc buôn lậu của anh ta là: "Đàng hoàng" như khi tàu vô tới cửa khẩu, công an biên phòng xét và đã biết rõ, trên tàu lại có công an và thuế vụ áp tải,  đến khi hàng về  lại được chứa ở kho hải quan, kho tài chánh.....Sau khi ghi nhận những  chi tiết trên đây, tác giả Nhật Ký bồi thêm một câu  ngắn gọn: "Buôn lậu như thế  quả là... lén lút đàng hoàng![1][18]"

  Bên cạnh những chuyện buôn lậu "lén lút... đàng hoàng" như trên, Nhật Ký NNL còn ghi lại một chuyện hy hữu khác là "...trước kia người ta cũng  ăn mà không phá. Còn  bây giờ ăn mà phá, chưa nói tới chuyện ăn bừa bãi, ăn nhiều hơn v.v..." Được hỏi thêm người biết chuyện giải thích:"Ngày trước thầu xây cất căn nhà lầu 100 bao xi măng  thì nhà thầu đòi được 150 bao, xây đủ 100 bao để nhà chắc chắn  mà vẫn "ăn" được 50 bao. Còn bây giờ người ta thi đua nên nhà xây vẫn cần 100 bao thì người ta đòi xây với 70 bao  thôi rồi chỉ xử dụng 50 bao,  để "ăn" 20 bao. Thế là nhà mới ở đã nứt, dột và tương lai là không bảo đảm".  Tác giả bàn thêm: "Móc túi anh nhà giầu và móc túi anh nhà nghèo quả là có khác nhau".

Cho đến nay không còn ai nghi ngờ gì về sự  dốt nát, kém cỏi của giới lãnh đạo CSVN. Chủ trương coi trọng "hồng" hơn "chuyên", nói rõ là ưu đãi người  có đảng tịch  hơn là người  có kiến thức, có chuyên môn, đã bộc lộ một cách trắng trợn từ trên xuống dưới. Từ lâu chúng ta đã nghe tới chuyện  một ông hoặc bà y tá "vườn" chưa học qua trình độ Trung Học nhưng vì nhu cầu của đảng cần có một người để làm  Giám Đốc bệnh viện, Nhà Nước  đã phong cho ông, bà đó tước hiệu "bác sĩ". Hậu quả ra sao ai cũng có thể đoán biết.

Trong guồng máy quản trị kinh tế, vì xử dụng những thành phần quá kém cỏi vào vai trò lãnh đạo cũng đã tạo nên những hậu quả bi đát khó có thể tưởng tượng được.

Cuối năm 1989 tờ  Lao Động Chủ Nhật đã tiết lộ  tin Tổng Giám Đốc Liên Hiệp Sản Xuất Nhập Khẩu Long An Huỳnh Văn Kiệu tự sát vì làm ăn thua lỗ hàng chục tỷ bạc, trong khi hàng năm vẫn báo cáo "láo" để lấy thành tích.

Huỳnh Văn  Kiệu là ai?  HVK tức Sáu Kiệu vốn là  một cán bộ quân báo. Trước  khi chuyển ngành y  là Thiếu Tá Phó  Tham Mưu Trưởng tỉnh đội Long An, trình độ lớp 6  bậc Tiểu Học. Ấy thế mà lần hồi đương sự  được đề bạt  lên chức  Giám  Đốc rồi Tổng  Giám Đốc với quyền hành bao trùm các công ty thực phẩm, liên hiệp công ty thủy hải sản, liên hiệp xuất nhập khẩu tổng hợp với 25 đầu mối kinh tế lớn nhỏ...  Ông ta lại còn  kiêm nhiệm chức vụ  Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Xuất Khẩu Lương Thực Việt Nam....

Với vai trò và  quyền hành lớn lao như thế mà  trình độ kiến thức mới ở năm cuối bậc Tiểu Học thì chuyện gây lỗ lã khiến "con số nợ mới của ông ở  các đơn vị trong tỉnh lên tới  25 tỷ" là chuyện dĩ nhiên mà thôi.[2][19] Chưa hết, nơi  trang 211 cùng ngày, tác giả  còn ghi thêm một vài sự kiện  hy hữu khác  như "một chị  bán hột vịt  lộn, nhờ có chút nhan sắc đã được Giám Đốc của  xí nghiệp hợp doanh hàng xuất khẩu thành phố Mỹ Tho đề bạt làm kế toán trưởng!" Và một nhân vật khác tên Lê Văn Hoàng là người chỉ có  quá trình học đạo với  ông Đạo Dừa ở Cồ Phụng cũng được nâng lên  tới chức vụ Giám Đốc  mà hậu quả là sau vài năm ở chức vụ  này đã gây thiệt hại cho cơ quan 13 tỷ 200 triệu đồng!

Với cung cách  dùng người như thế, người ta  không lấy làm lạ khi mà thế  giới đã bước vào kỷ nguyên không gian thì  tại Việt Nam thời CS "xe lửa tốc hành"  Hànội-Hải Phòng di chuyển 100 cây số (lối 60  dặm) "chỉ mất có 2 giờ  30 phút", tức là mỗi giờ "lết" được hơn  30 cây số (khoảng  20 dặm)[3][20]

Với những bước tiến "nhảy vọt" như thế tưởng đã đủ để cực tả cảnh sống khó khăn,  rách nát  của quảng đại ngót 70 triệu đồng bào trong nước hiện nay.

Dưới tiêu đề "Những đứa trẻ kiếm sống trong đêm", báo Tuổi Trẻ số đề ngày 5  tháng 3 năm 1991 viết: "Càng về khuya các chợ cá Hòa Bình, Xóm  Củi...càng hoạt động nhộn nhịp. Len lỏi trong cuộc sống về đêm ở  các khu chợ cá là gần 80 em  dưới 15 tuổi với nghề "lượm cá". Tác giả Nhật Ký nhận định: "Những  đứa trẻ được nói tới trong bài báo có khác gì những đứa bé được Karl Marx mô tả? Nhưng đây là giữa xã hội gọi là XHCN và ở  vào một thời điểm cuối  một thế kỷ khác!"[4][21] Hậu quả khiến đám trẻ phải lăn lộn kiếm sống về đêm một cách cực nhọc như thế không phải chỉ vì những khó khăn, suy sụp về kinh tế mà còn vì hậu quả của một hệ thống giáo dục bị xuống cấp một cách thê thảm khiến cho chúng bị đẩy ra đường phố quá sớm.

Hệ thống giáo dục  bị xuống cấp ra sao, chúng ta hãy đọc mẩu tin đăng trên tờ SGGP số phát hành ngày 27 tháng 12 năm 1990: "Ở quận nọ để mở rộng kinh doanh, người  ta đem bán...cả trường học. Cái trường xui xẻo bị đem phát mãi  phải dời qua một cái trường khác. Rồi cái trường khác đó lại phải "di tản" qua một cái trường khác nữa..."[5][22]

Tác giả cũng làm một con tính cho thấy lương một ông thầy dạy Anh Văn cho trường Nhà Nước là 32  ngàn đồng một tháng, và nếu có con đi học chỉ vừa đủ trả học phí  cho một đứa học mẫu  giáo, đấy là chưa kể "nay mai còn phải tính thêm 10.000 ăn  sáng và 7, 8.000 tiền  học  thêm  mấy  món  năng  khiếu..."[6][23]

 Một điều nghịch lý đối với một nước XHCN là trong khi số trẻ ghi danh vào trường Nhà Nước giảm vì "các khoản thu ở nhà trẻ mẫu giáo cao vượt quá mức đảm đương  của một số  gia đình lao động và cán bộ công nhân viên" theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ  ngày 30 tháng 9 năm 1989 thì  "các lớp mẫu giáo do  các nữ tu mở ra  khá ồ ạt năm nay lại không thiếu trẻ gửi". Lý do được viện dẫn thật dễ hiểu vì các trường của  các nữ tu lấy học phí  nhẹ, không quá 20.000 đồng lại có thể trả góp. Các gia đình nghèo được giảm hoặc miễn phí. Cuối trang Nhật Ký, NNL nhận định: "Như thế là các  trường mẫu giáo dân lập của các nữ tu  lại đang thực hiện đường lối XXCN hơn hẳn các trường mẫu giáo của Nhà Nước XHCN!"[7][24]

Thêm một khía cạnh nghịch lý nữa là:"...hầu  hết các bệnh viện, trong mức độ khác nhau, đều có chuyện "miễn giảm cho người giàu có" và "tận thu những người nghèo khổ"! Sau khi  nhận định như  trên, báo SGGP  ngày 12 tháng  5 năm 1989 viết tiếp: "Nếu  như giấy xác nhận hoàn cảnh  khó khăn từ tay một số người "hiệu  lực như thần" thì cũng chính  giấy ấy lại trở nên không mấy tác dụng nếu nằm trong tay người nghèo khổ thực sự." Vẫn lời bàn thêm của tác giả Nhật Ký: "Mấy anh LM bi bô "Thần Học Giải Phóng".....có dám mở mắt ra trước những thực trạng như vậy không?[8][25]

Giáo dục xuống cấp kéo theo những suy đồi về mặt xã hội, về luân lý và đạo đức.

Sau khi ghi  lại những con số ghê rợn do Trung Tâm Dân Số...kế hoạch hóa gia đình đưa ra thì riêng ở thành phố HCM tình hình nạo phá thai tăng "đáng kể" trong 10 năm qua (1980: 37.491 vụ; 1985: 94.617 vụ; 1987: 126.676; 1989: 141.903 vụ) NNL nêu lên câu hỏi: "Phải chăng lịch sử sau này sẽ  ghi nhận "thành công" rõ rệt nhất của chế độ từ 15 năm nay là... tăng không ngừng và "tăng đáng kể" số nạn nạo phá thai?"[9][26]

Nhìn về tương lai lâu dài, người ta không khỏi lo nghĩ tới họa diệt chủng. Trong khi vì tệ nạn nạo phá thai, số trẻ sơ sinh càng ngày càng giảm sút thì thiểu số những đứa trẻ được sinh ra trong xã hội CS cũng chẳng may mắn gì hơn. Theo bộ trưởng Y Tế Phạm Song thì "một nửa  số trẻ con dưới 5 tuổi trong  nước bị suy dinh dưỡng, 70% phụ nữ có thai bị thiếu máu, một nửa trẻ em bị mù lòa vì thiếu sinh tố 4."[10][27]

Trên tờ New Yorker số ngày 24  tháng 5 năm 1993, Neil Sheehan có đề cập nạn mãi dâm gia tăng tại thành phố Hồ và các đô thị lớn. Nhật Ký 1989-1990 của NNL cũng  đã ghi lại nơi trang 54 ngày 28 tháng 4 năm 1989 như sau: "Báo SGGP trang 1:  làm thế nào để ngăn chặn tệ  nạn mãi dâm đang có chiều hướng phát triển tại  thành phố? Đó là  đề tài cuộc tọa đàm do Hội Liên  Hiệp Phụ Nữ Thành Phố tổ chức sáng ngày 2 tháng 4". "Theo báo này thì hiện thành phố có khoảng 100 tụ điểm với khoảng 10 ngàn gái mãi dâm..."

Trước tình trạng xã hội đi xuống như thế thì chuyện con đập chết mẹ cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Ngày 11 tháng 3 năm 1991, báo Tuổi Trẻ loan tin: "Bà Ơn  ở Hải Hưng đã đánh chết mẹ ruột của mình. Khi được hỏi lý do tại sao thì bà trả lời tỉnh bơ: "Gìà và bẩn thỉu, không giúp ích gì được cho con cái thì cần phải đánh chết". Bài  báo kết luận bằng nhận xét: "Đất nước nghèo đói rồi sẽ có  ngày khá hơn. Luật pháp  lỏng lẻo rồi ra sẽ  chỉnh đốn qui củ, nhưng luân lý, đạo đức là cái giềng mối của dân tộc mà hư hỏng thì phải nhiều thế hệ mới khôi phục được...và trong lịch sử loài người đã từng có những dân tộc bị xóa sổ vì đạo lý suy đồi."[11][28]

Giống như một lời lăng mạ ném vào bộ mặt chế độ, trước đó hai ngày báo Tuổi Trẻ cũng ghi lại một câu chuyện cười ra nước mắt khác:"Giữa năm 1990, nhân dân  phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm, Hànội, đã chứng  kiến một sự kiện hi  hữu. Một cán bộ đã  tổ chức đám ma cho con chó của mình một cách linh đình. Chiếc ô tô con đi đầu chở quan tài con chó. Chiếc  xe tang thứ hai chở vợ chồng ông chủ và cuối cùng là xe ca chật ních bạn bè nhân viên của ông. Hôm ấy, "ông chủ"  đã cho toàn thể cán  bộ công nhân viên đơn  vị ông nghỉ để  đi đưa đám ma  con chó. Tiệc ma  chay có trên 10  mâm cỗ linh đình..."[12][29]

Hiển nhiên, giá trị con người như "Bà mẹ bà Ơn" trong XHCN không được bằng... con chó của... những cán bộ Nhà Nước.

"Lửa không được nhen
Đèn không được thắp
Chó không được nuôi
Giữ nhà đêm đêm thay chó là người"
Nguyễn Duy "Tím chiều hoang biền  biệt" Thanh Niên 3-10  tháng 3 năm 1991. [13][30]

Bởi sao mà thân phận con người tối tăm, thê thảm như thế? Câu trả lời tìm  thấy trong bài thơ "Những ngày thường đã cháy lên" của Bùi Minh Quốc đăng trên tạp chí Đất Quảng số 57.

"Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi những thằng đểu còn trong Đảng
....
X
ương máu các Người nhào nên đất nước
Từ dưới mồ trừng mắt nhìn lên
Ai đổ máu xương cho Đảng cầm quyền?
Khi bọn đểu còn nằm Đảng
....
"Đồng chí: - tiếng ấm nồng máu đỏ
Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này?
"Đồng chí" -dao đã nằm ếm nhẹm giữa lòng tay!
Mưu mô đã xong và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy!
 
Khí trời, khí trời mỗi ngày ta thở
Bị ô nhiễm bởi bao lời dối trá
Phổi ta nám rồi - ta dẫu có làm sao!...
 
Nhưng lũ trẻ, trời ơi, lũ trẻ!
Chúng lớn lên sẽ hít thở thế nào?
Nếu dối trá vẫn chồng lên dối trá?
Khi bịp bợm còn vung muôn trò xiếc vô hình
Khi ngu dốt còn kết thành thế lực ..."[14][31]
Thời gian hình thành hai tập Nhật Ký của Nguyễn Ngọc Lan cũng là thời gian nổ ra những biến cố trọng đại ở Đông Âu, ở Nga Sô. Cũng vì thế những chuyển động ở Ba Lan, ở Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ, Đức, ở Liên Sô đã được tác giả  cẩn trọng ghi vào Nhật Ký của ông kèm theo những suy nghĩ về cung cách đối xử lúng túng của giới lãnh đạo ở Việt Nam.
 
Qua những phương tiện truyền  thông còn có thể nắm bắt được như báo Pháp, báo Nga, các đài truyền thanh, truyền hình và thư từ của bằng hữu khắp nơi, ông đã bám sát từng bước những cuộc tông du vận động hòa bình của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tác giả cũng không quên nương theo những tin tức nói lên sự phục hồi của niềm tin tôn  giáo ở Đông Âu, ở  Nga sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ kéo vào hiện tình "ngột ngạt" của Giáo Hội Việt Nam trước những trò chơi cút bắt của Nhà Nước CS qua cái tổ chức trung gian do họ dựng lên là UBĐKCG trước có cái đuôi là yêu nước và sau đó đã bị cắt đi.

Nơi trang 239-240 Nhật Ký 1990-1991, ngày 24 tháng 1 năm 1991 Nguyễn Ngọc Lan ghi lại nội dung một bài trên tờ Liên Sô Ngày Nay số tháng 11 năm 1990, theo đó  hiện nay đang có phong trào gọi là "phong trào thanh toán... "nạn mù tôn giáo" ở Liên Sô". Tác giả ghi lại cảm tưởng của ông sau khi đọc bài báo trên: "CHXHCNVN vào cuối những năm 70 đã cho cả thế giới biết là mình đã thanh toán nạn mù chữ, để rồi mươi năm sau lại  nhìn nhận là vẫn còn hằng triệu người mù chữ ở Việt Nam. Còn Liên Sô thì sau 70 năm nỗ lực thanh toán...tôn giáo, bây giờ lại có phong trào...thanh toán..."nạn mù tôn giáo".

Trong một đoạn khác, Nguyễn Ngọc Lan ghi lại lời Thượng Phụ Alexis: Thánh lễ được cử  hành tại nhà thờ chính tòa  Đức Mẹ Hồn  Xác Lên Trời  ở Kremlin và cuộc  rước kiệu từ đó tới nhà thờ Chúa Thăng Thiên là "dấu hiệu hi vọng cho Mát-cơ-va và cho toàn  Liên Sô". Cả hai thánh đường này đã bị CS xâm chiếm làm kho hàng từ năm 1917 và mới được hoàn trả. Dịp này, thị trưởng Mát-cơ-va cũng lên tiếng tuyên bố: "Chính quyền Mát-cơ-va đã tìm lại được khuôn mặt nhân bản của mình". Cảm nghĩ ghi thêm của NNL: "Một lời thú nhận thú vị: Tôn giáo...nhân bản, chứ không phải là tôn giáo... thuốc phiện nữa."[15][32]

Trước đó  nơi trang 116,  ngày 25 tháng 9 năm 90,  tác giả ghi nhận tin về dự luật tôn giáo của Cộng Hòa Liên Bang Nga. Dự luật này được coi là còn  tiến bộ hơn  Dự Luật tương  tự của Liên Sô: "giải tán Ban Tôn Giáo, cấm Nhà  Nước không được can thiệp vào nội bộ của giáo hội."

Nhìn vào chính sách của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam thì cũng như các tôn  giáo khác, GHCG  vẫn còn gặp khó khăn về mọi mặt: việc tuyển chọn chủng sinh, truyền chức linh mục, vấn đề xuất bản sách báo Công Giáo vẫn bị kiểm soát  với những  giới hạn  khắt khe, nghiệt ngã. Cụ thể hơn hết là  các linh mục đã gặp nhiều trở ngại trong khi rao giảng Tin Mừng mà sự  kiện Cha Chân Tín bị  bắt đi đày là một điển hình rõ nhất.

Trong cuộc tĩnh tâm của Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Vũ Khởi Phụng được chỉ định giảng, nhưng nhà cầm quyền thành phố HCM chống lại vì lý do: Cha Phụng  đã phổ biến 3 bài giảng Sám Hối của Cha Chân Tín khi ra Hànội và nhất là đã có  ý kiến liên quan tới biện pháp đày Cha Chân Tín và quản thúc Nguyễn Ngọc Lan.[16][33]
 
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnchurch/saigon/gmkhamsg.jpg
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

"Đến lượt anh Khảm được mời đi... làm việc ba ngày. Anh Khảm là LM thụ phong sau  75, từ 3, 4 năm  nay làm cha phó ở  Nhà Thờ Chính Tòa... Hồi  tháng 11 năm 1989,  anh Khảm được mời giảng tĩnh tâm cho họ đạo Đồng Tiến nhân dịp lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhưng đã bị "treo". Bây giờ thì người ta tới cho LM Đặng, thư  ký tòa TGM biết là LM Khảm sẽ không được giảng tĩnh tâm cho các chị Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán vì ba lý do:

1. Đã lên tiếng  ủng hộ LM Chân Tín và ông NNL  sau vụ 16 tháng 5 năm 1990.

2. Đã làm dân chúng mất lòng tin vào Đảng và Nhà Nước.

3. Đã gây chia rẽ tôn giáo (?)[17][34]
 
http://www.catholicnews.com/jpii/images/jphome1.jpg

Theo lời kể lại của bà con mới  ra hải ngoại sau này, ta được biết trong những buổi thuyết giảng dịp mùa Chay và Giáng  Sinh cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 tại các họ đạo chung quanh vùng Sàigon, Gia Định, Cha Khảm thường nói tới vai trò của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong biến cố Đông âu.

Dựa vào nhận định của vị Cha Chung, có lần LM  Khảm đã đặt  ra trước cử tọa  của ông, mà phần đông là giới trẻ, một câu  hỏi là qua sự kiện nhà độc tài Lỗ mới một tuần trước còn hùng hổ, hung hãn đem quân đi đàn áp nhân dân vậy mà chỉ một tuần sau đã bị bắn chết, chúng ta đọc được điều gì? Và ông tự trả lời: "Qua đó chúng ta đọc được là  con người hôm nay khao khát tự  do, khao khát dân chủ, khao  khát công bằng, và vì thế họ không thể nào chấp nhận được những chế độ độc tài, áp bức"

Khi đề cập đoạn đầu Phúc Âm Thánh Gioan, mà theo các nhà chú giải Thánh Kinh  ngày hôm nay thì Thánh Gioan  có ý muốn  nói tới một công cuộc  tạo dựng mới, trong  đó Chúa Kitô được sai đến để xây dựng một vũ trụ mới, một thế giới, một xã hội mới với những con người mới...Cha Khảm lập lại là: "Khi người ta  khao khát công bằng, khao khát dân chủ, tự do thì có nghĩa là người ta khao khát một cuộc sống mới khao khát một xã hội mới và  một thế giới mới. Và trong  nỗi khao khát ấy, người ta khám phá ra rằng: Tôn giáo không phải là thuốc phiện của nhân dân... nhưng chính Đức Giêsu Kitô mới là Đấng đem đến cho con người có một nẻo đường đi đến sự sống thật sự."

Khi CS mời... làm việc, nhất là  đem đi đày đọa hoặc áp dụng biện pháp quản thúc  cho một Linh Mục, họ thường  buộc cho là đã "nói" chính trị, "làm" chính trị  chống lại chế  độ, mà không  bao giờ biết đến vai trò "Ngôn sứ" của Linh Mục trong Giáo Hội. Trong thư viết từ nơi đày ải gửi Nguyễn Ngọc Lan ngày 16 tháng 3 năm 1991, Cha Chân Tín đã lập lại nội dung bài giảng thứ tư trong loạt bài giảng về Sám Hối nhân mùa Chay 1990.
 
Trong bài này Cha đã minh định vị thế và  vai trò của người Linh Mục hôm  nay là "phải tiếp tục sứ mạng mà Chúa  giao phó cho Giáo Hội là nói lên Lời của Thiên Chúa,  dù có bị  bách hại. GH phải nói lên Lời của Thiên Chúa, lúc thuận cũng như lúc nghịch, nhất là trong nghịch cảnh... Vậy trên đất nước chúng ta, Linh Mục đại diện GH  có quyền và có bổn phận đề cập vấn đề chính trị. Đây không phải là LM làm chính trị hay  nói chính trị  vì bè phái,  mà là nói  về chính trị, phê phán chính  trị trên quan điểm  đức tin...Giáo Hội có quyền phê phán để  bảo vệ người  dân. Như vậy LM có quyền và phải nói lên điều đó..."[18][35]

 Đọc Nhật Ký 1990-1991 của Nguyễn Ngọc Lan cũng có thể nói là đọc lại cuộc đối thoại giữa tác giả và nguyên chủ nhiệm tạp chí Đối Diện. Bởi vì ngoài những ghi nhận thường lệ, trong ngót 400 trang của tập này là những bức thư trao đổi giữa hai người, trong đó riêng LM Chân Tín gửi cho Nguyễn Ngọc Lan 41 bức thư. Đặc điểm tìm thấy ở đây là nối tiếp sáng kiến của Đức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền là ghi lại nguyên vẹn những lời đối thoại với các viên chức Nhà Nước trong suốt mấy tháng bị mời..."làm việc" rồi công bố cho toàn thể giáo dân Tổng Giáo Phận Huế trong các thư chung, cả Cha Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan cũng đã tường thuật ngọn ngành các cuộc vấn đáp của họ với cán bộ các cấp trong chính quyền CS, từ Thứ Trưởng Nội Vụ trở xuống. Và  tất cả đã  được NNL ghi  vào nhật ký  của ông như  một chứng từ cho hậu thế.

Những nghi vấn mà người giáo dân Việt Nam ở hải ngoại thường đặt ra chung quanh những cái chết có vẻ không bình thường xảy ra trong hàng Giáo Phẩm Việt Nam  từ sau 75 lại  cũng là những nghi vấn của các  tín hữu trong nước, mà tác  giả Nhật Ký 1990-1991 là một. Nhắc lại sự  kiện Đức Hồng Y Trịnh  Văn Căn từ trần hồi  2 giờ 30 ngày 18 tháng 5 năm 1990 sau một cơn đau tim "đột ngột", Nguyễn Ngọc Lan ghi thêm những suy nghĩ đã ám ảnh tâm trí ông: "...Đức Hồng Y đã từ trần sau một  cơn đau tim "đột ngột". Như  Hòa Thượng Trí Thủ một ngày sau vụ ni sư Trí Hải và  Thày Tuệ Sĩ... Như Đức Cha Lãng năm 1988..."[19][36]
http://danchuausa.net/images4/90518dhycan1.jpg
DHY Trịnh Văn Căn

Và, có lẽ phải nói thêm là...như sự ra đi bất thình lình của Đức Cha Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục Huế trước đây!

                               https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg9gdLSP0xovMV8CeWwxcI7trwbCMgpql2x8hJbmhiV9sKbl-ESnmbkB4FKthuu2qX147e8FhWcQSWGi7uuzeXgC4b-MHZhKXEpXb4A5qCqNHFkGwa6s9QxCK7ZZ7qk4XY-DrhmaR600to/s400/tonggiammuc+nguyenkimdien.jpg     
                              ĐGM Nguyễn Kim Điền                       
 
Trên đây, chỉ là một phần rất nhỏ những gì tôi đọc được trong hai tập Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan, mà phần rất nhỏ ấy lại toàn là những sự kiện mang màu sắc ảm đạm  có tính cách tiêu cực, nếu được nhìn trên một khía cạnh nào đó. Nhưng Nhật  Ký Nguyễn Ngọc Lan không phải chỉ có thế.  Bên cạnh những áng mây  mờ, báo trước những  cơn mưa  giông còn có những tiếng hát của loài chim, tiếng ca vui của hy vọng, trong đó không thiếu những nụ cười, cho dẫu là những nụ cười có hàm chứa những giọt lệ, nhưng là những giọt lệ của yêu thương, ánh lên niềm Tin-Bất-Diệt của con cái Chúa.

Người đọc Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan muốn nói tới sự hiện diện của một thứ tình yêu chân thật giữa anh em, bằng hữu, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái. Những nét đẹp thiên thần, hồn nhiên, thơ dại của bé Nguyễn Ngọc Lan Chi. Những buổi hàn huyên  tâm sự, những buổi  ăn  nhậu thân  tình của đám bằng  hữu  trong nhóm "khi-li-khi-tô" (Khi ly bia, khi tô phở). Những cánh thư được nối kết giữa hai bờ đại dương của những Hồ Đỉnh, những cô Loan, chú Tri, những cô Hằng, chú Đức...Tất cả đã hòa quyện vào nhau để  đưa người đọc vào một  thế giới đầy âm thanh và màu sắc. Giữa những giọt lệ vẫn ánh lên những nét cười.

"Thư anh Nguyễn Hứu Tấn Đức viết hôm Chúa Nhật 3 tháng 2, 1991 ba ngày sau  khi đưa chị  Hằng vào phòng hồi sinh (!) và năm ngày trước khi chị qua đời: "Cầu nguyện xin cho Hằng thoát nạn lần này nữa, và nếu không thoát được thì cũng xin Chúa  ban cho ơn cuối cùng được chết lành".

"Vẫn là lời cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Và sự vô dụng của khoa học với những dây điện, ống dẫn thuốc chằng chịt và hai cái máy vô hồn."

"Hai trang thư thật buồn. Vậy mà anh Đức vẫn viết thêm được những dòng tái bút như thế này: "Thiệp chúc Tết Lan Chi vẽ đẹp lắm, màu chọn lại nhiều ý nghĩa. "Mây xanh" như mẹ cháu (Thanh Vân), chữ ký Lan Chi  màu tím như màu áo các cô gái Huế (quê của ba), chú Đức, cô Hằng  vàng như mặt trời, giang tay  đứng trên đất xanh lá mạ, lại có năm con chim đỏ bay giữa trời và mây...Vài bữa nữa cô Hằng tỉnh dậy xem sẽ thích lắm."

Và... tác giả Nhật Ký ghi thêm: "Lòng tin vẫn đi xa hơn khoa học. Tình yêu vẫn mạnh hơn nỗi  chết. Âm thanh Halleluya vẫn vang trùm tất cả. Và một trời màu sắc và ánh sáng."

 Đóng lại trang  cuối cùng trong hơn 650 trang Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan, trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy tự bằng lòng với chính mình. Nhưng văng vẳng đâu  đó từ thẳm sâu tiềm thức,  tôi nghe vang  vang những ý nghĩ băn khoăn,  tiếc nuối một điều gì mà nhất thời chưa thể gọi tên. Dường như  khi đọc, tôi chưa phát hiện  được những đường nét căn bản mà tác giả thực tâm muốn gửi gấm qua tác phẩm của ông.

Và, như một  thôi thúc chẳng đặng đừng, tôi  tự hứa thầm với lòng mình là sẽ tìm dịp đọc lại Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan, ít là một lần nữa.

Trần Phong Vũ
Miền Nam California, Mùa Vọng 1993.
---------

[20][37] Nhật Ký 1989-1990, tr. 98, ngày 11 tháng 8 năm 1989

[21][38] Nhật Ký 1989-1990, tr. 56, ngày 12/5/1989

[22][39]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 132, ngày 13/10/1990 

[23][40] Nhật Ký 1989-1990, tr. 58, ngày 12/5/1989 

[24][41] Nhật Ký 1990-1991, tr. 237, ngày 20/1/1991 

[25][42] Nhật Ký 1989-1990, tr. 151, ngày 25/11/1989 

[26][43]  Nhật  Ký 1989-1990, tr. 151-152, ngày 25/11/1989 

[27][44] Bản Tin TTX/VN ngày 7/7/1976 

[28][45]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 177, ngày 30/11/1990 

[29][46]  Nhật Ký 1989-1990, tr. 209, ngày 28/2/1990

[30][47] Trang 210, ngày 1/3/1990

[31][48] Nhật Ký 1989-1990, tr. 66, ngày 6/6/1989

[32][49]  Nhật Ký 1990-1991, tr. 60, ngày 17/7/1990

[33][50] Nhật Ký 1989-1990, tr. 223, ngày 27/3/1990

 http://files.myopera.com/tiengkeutronghoangdia/blog/noel12.jpg