Thursday, July 30, 2009

Lê Thị Công Nhân: Người Con Cưng của Thượng Đế

 

LÊ THỊ CÔNG-NHÂN
NGƯỜI CON CƯNG CỦA THƯỢNG ĐẾ

 

Trần Phong Vũ

 

Đôi lời của người viết: Trung tuần tháng 9-2007, khi bị chủ tịch Quốc hội Ba Lan, ông Bogdan Borusewicz hạch hỏi ráo riết về tình trạng tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục bị chà đạp, điển hình là những nhà tranh đấu bất bạo động như linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công-Nhân bị bắt bớ và kết án phi pháp, thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng đã hứa là sẽ để cho cô Công-Nhân qua sống ở Ba Lan. Nhân sự kiện trên, người viết mong được tỏ bày vài cảm nghĩ về cô thiếu nữ trí thức trẻ tuổi, yếu đuối có trái tim nhân hậu của người Kitô Hữu qua chứng từ của chính cô và một vài khuôn mặt đấu tranh trong nước.
http://www.voanews.com/vietnamese/images/lethicongnhan.jpg

 

* "Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam."

* "Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi."

* "Chính Đấng Tạo Hóa –Thượng Đế– đã sinh ra tôi…"

* "Tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, đối với dân tộc Việt Nam và đối với Đấng Tạo Hóa đã sinh ra tôi."

 

I.- Khởi từ một tên gọi:
 
Cho đến hôm nay, Lê Thị Công-Nhân đã trở thành một tên tuổi lớn. Không phải lớn vì cô là một luật sư trẻ tuổi, tài ba. Cũng không phải lớn vì cô đã được cả thế giới biết đến. Theo quan điểm riêng của người viết những dòng này thì chính cái nhân cách phi thường ẩn giấu đàng sau vóc dáng mảnh mai, yếu đuối một trái tim nhân hậu, một thái độ can đảm, một ý chí kiên cường, bất khuất của một con người có niềm tin son sắt nơi Thượng Đế, Đấng tạo dựng muôn loài vạn vật, đã khiến cho tên tuổi của cô trở nên vĩ đại, lẫy lừng và sáng chói.
 
Tên Công-Nhân của cô được ghép lại bởi hai từ: Công-Bằng và Nhân-Ái.
 

Đây không phải là điều bịa đặt hay suy diễn chủ quan của người viết. Nó đã được nói ra từ cửa miệng của người đã cưu mang Lê Thị Công-Nhân, đã sinh ra cô và đã có công nuôi dạy cô nên một mẫu người đáng trọng đáng nể như ngày nay. Được biết, khi có kẻ tò mò muốn rõ vì sao một thiếu nữ trí thức có nhân dáng thanh cao, trong suốt và một vẻ đẹp hồn nhiên như thiên thần lại có tên là Công-Nhân, bà Trần Thị Lệ cho biết: vì sống dưới một xã hội lưu manh, gian dối, bất công và độc ác bà kỳ vọng sau này con gái bà ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình nên đã rút gọn hai từ Công-Bằng & Nhân-Ái để đặt tên cho cô là "Công-Nhân".

Từ đấy cái tên định mệnh này đã chi phối trọn vẹn cuộc đời cô bé.
 
http://www.vobibaccali.org/images/ltcn2.jpg

 

Ra đời năm 1979 tại Tiền Giang, phần đất của miền nam nước Việt, năm nay cô bé vừa tròn 28 tuổi. Như vậy là trong ngót ba thập niên đầu đời, Lê Thị Công Nhân đã sống và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản độc tài, độc đảng, phi nhân và tàn ác. Nhưng giống như bông sen, cô bé tuy sống "gần bùn" nhơ mà chẳng hề bị tiêm nhiễm bởi cáí "hôi tanh" của "mùi bùn". Được như thế chính là nhờ nhân cách và công lao dưỡng dục của một bà mẹ đạo đức từng thừa hưởng môi trường tự do, dân chủ, phóng khoáng trong suốt nửa đời trước, khi may mắn sống và được giáo dục dưới chế độ miền nam trước tháng tư năm 1975.
 

Lớn lên, Lê Thị Công Nhân ra Hànội gthi danh vào đại học. Ước vọng của cô là trở thành một luật sư giỏi để mai ngày mang sở học và tâm huyết của mình bênh đỡ giới công nhân, lao động cùng khổ. Cô tốt nghiệp Cử nhân Luật khóa K22 (1997-2001) và sau hai năm chuyên ngành cô trở thành luật sư thực thụ, hành nghề tại Văn Phòng luật sư Thiên Ân (Ơn Trời) của luật sư Nguyễn Văn Đài. Từ đấy, lý tưởng tranh đấu cho một xã hội công bằng và nhân ái đã trở thành niềm đam mê âm thầm nhưng mãnh liệt trong trái tim nhân hậu của người nữ trí thức trẻ.

 

2.- Như vàng ròng trong lửa đỏ:
 
Trong suốt mấy năm đầu của ngàn năm thứ ba, khi linh mục Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam, cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều nhà dân chủ khác, Lê Thị Công-Nhân bắt đầu viết những bài tham luận trực diện chỉ trích chế độ độc tài cộng sản về những hành vi xâm phạm quyền sống, quyền làm người của giới lao động trong nước. Cô kịch liệt tố cáo tổ chức Tổng Công Đoàn Việt Nam, một cơ cấu do đảng và nhà nước bảo trợ để ngầm kiểm soát và khống chế công nhân. Những bài viết của cô đã được loan truyền rộng rãi trên các mạng lưới thông tin toàn cầu cùng với những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh quốc tế dành cho cô. Sự kiện này đã chọc giận chế độ.
 
Và giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly: cô chính thức gia nhập Khối 8406 do linh mục Nguyễn Văn Lý khởi xướng, công khai nhận làm phát ngôn nhân đảng Thăng Tiến, được mời qua Ba Lan tham dự hội nghị thành lập tổ chức yểm trợ phong trào bảo vệ người lao động Việt Nam[1]. Mạng lưới công an, mật vụ bắt đầu khép chặt gọng kìm giám sát quanh cô. Tất cả mọi đường đi nước bước của luật sư Lê Thị Công-Nhân đều được con mắt của đảng và nhà nước cộng sản bám sát từng phút giây. Từ đấy, những buổi gọi là "làm việc" với cơ quan an ninh Hà Nội ngày càng nhiều.
 

"Gió sẵng mới hay cây cỏ cứng",

và "Lửa thử vàng, gian nan thử sức".
 
Chính những cơn phong ba, bão tố đổ xuống liên tiếp trên thân phận người thiếu nữ nhỏ bé, yếu đuối như cánh hoa trước gió này đã chứng nghiệm giá trị những câu tục ngữ trên đây của tiền nhân. Trước những lời vừa phủ dụ vừa hăm dọa của người thẩm vấn tại Sở Công An Hànội hay trước câu hỏi của phái viên các đài RFI, BBC, VOA, RFA, câu trả lời của người nữ luật sư trẻ Lê Thị Công-Nhân vẫn không hề thay đổi về nội dung cũng như âm sắc. Trầm tĩnh, gan dạ, minh bạch và dứt khoát. Đấy là cái gan dạ, minh bạch, dứt khoát phát xuất từ một lập trường quốc gia dân tộc chuyên nhất: nhất quyết không lùi bước trước cường quyền bạo lực, không lý tới sự an toàn sinh mạng của bản thân.
 

3 giờ 40 phút sáng (giờ Việt Nam) ngày 26-2-2007[2], nhờ các tổ chức đấu tranh hải ngoại nối mạng, cùng với nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn, người nữ trí thức trẻ tuổi họ Lê đã có dịp cất lên tiếng nói kiên cường, quả cảm nhưng đầy ắp tình người của cô trong một cuộc biểu tình của đồng hương tại nam California, Hoa Kỳ. Với cách phát ngôn nghiêm trang, chậm rãi như để cân nhắc từng chữ, từng lời khiến người nghe cảm nhận được đến tận cùng nỗi xúc cảm dâng đầy trong tâm hồn người nói, cô cho hay:

"Chỉ còn hơn 3 tiếng đồng hồ nữa thì tôi sẽ bị công an thẩm vấn tại số 87 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội là trụ sở của công an tại đây. Đây là lần công an Hà Nội gửi giấy triệu tập lần thứ bốn so với lần triệu tập gần đây nhất mà tôi đã kiên quyết khước từ không đi, và rất có thể ngày mai họ sẽ đến áp giải tôi đi thẩm vấn…"
 
Ở một đoạn khác, Lê Thị Công-Nhân phát biểu tiếp:
 
http://dantoc.net/wp-content/uploads/nhan-1073.jpg
 
"Tôi là thành viên cuối cùng trong 4 thành viên công khai của Đảng Thăng Tiến Việt Nam được công an triệu tập làm việc chính thức, tính từ sau Tết âm lịch cho đến nay. Và thật sự tôi cũng không đoán trước được cụ thể những việc gì có thể xảy ra với tôi. Nhưng tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là:
 
Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi. Tôi không thách thức nhưng Cộng Sản Việt Nam nếu đã hạ quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân Việt Nam và muốn tiếp tục dìm đất nước Việt Nam trong một sự tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về mặt văn hóa kéo dài cho tới tận đời con cháu của chúng ta cũng như của chính người Cộng sản thì tùy họ có quyền hành xử với những cái gì mà họ có. Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù. Nhưng tôi xin khẳng định một lần nữa: đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra."
 
Ẩn sâu trong lời khẳng định sau chót, hẳn đã được cân nhắc chín chắn, trên đây, người ta đọc được dự phóng xa hơn của Lê Thị Công-Nhân. Tù đày chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra thì còn gì khác hơn là cái chết mà chế độ có thể trút xuống tấm thân yếu đuối của cô? Và như thế, hàm ngụ trong đó, người nữ luật sư trẻ đã gián tiếp cho đồng bào trong và ngoài nước, kể cả kẻ thù của cô hiểu rằng: không chỉ tù đày, mà cả khi phải thí mạng sống của chính mình để bảo toàn lập trường và nhân cách, cô cũng dứt khoát không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp hay đầu hàng những thế lực của sự ác.
 
Điều này gợi nhớ tới tấm gương kiêu dũng của linh mục Jerzy Popieluszko, linh hướng tình nguyện của tổ chức Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan trong những năm đầu thập niên 1980. Vào những giờ phút căng thẳng bị các lực lượng an ninh vũ trang của chế độ cộng sản Varsovie tìm cách ám hại hòng làm bặt đi tiếng nói đối kháng đầy uy lực của cha, linh mục Popieluszko đã tâm sự với những đoàn viên Công Đoàn Đoàn Kết là: cho dù có phải chấp nhận cái chết thì mọi nỗ lực của cha chỉ có một mục tiêu duy nhất là tiếp tục con đường đấu tranh ôn hòa cho quyền sống và quyền tự do của người dân Ba Lan.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgVZBYssCaeQUC1lYF_jlBdwMtsTEbwhr79PwKuG-HuoC9lNZwqsiRn0LhCzQI65FjjVGvf-6LuvzzvkcXOC-1l7Du-zTIgZJEfaAzvPe9m9fuma6nCwC1vNFGZf986ecYaDdmg97BN54A/s400/LeThiCongNhan.jpg
 
3.- Vượt trên tư cách con người là tâm tình của Con Cái Chúa:
 
Những động lực thúc đẩy người nữ luật sư mang tên Lê Thị Công-Nhân quyết liệt dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ Việt Nam, bất chấp sự an toàn sinh mạng của chính mình, ngoài tư cách con người còn do sự thôi thúc từ lương tâm của người Con Chúa. Cũng trong dịp được nối mạng để lên tiếng tỏ bày ý chí và quyết tâm tranh đấu của mình với công luận trong và ngoài nước sáng sớm hôm 26-2-2007, một thời gian không lâu trước khi bị bắt, cô đã công khai xác định những nhân quyền căn bản mà cô có, không phải ai khác mà chính Thượng Đế đã trao ban cho cô từ thuở đời đời. Và vì thế cô quyết tâm bảo vệ. Cho mình cũng như cho hơn 80 triệu đồng bào trong nước. Cô nói:
 
"Không ai hơn, chính Đấng tạo hóa -Thượng đế đã sinh tôi ra trên cõi đời này nhờ qua một thể xác đó là mẹ tôi và cha tôi, và tôi đã được sinh ra là một con người thì tôi có đầy đủ những nhân quyền cơ bản mà Thượng đế -Đấng tạo hóa đã ban cho tôi, chứ không phải là người mẹ người cha xác thịt đã sinh ta tôi trên đời. Và tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, đối với dân tộc Việt Nam và đối với Đấng tạo hóa đã sinh ra tôi."
 
Nói tới cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, cô đã có những lời lẽ thiết tha, đầy tín thác như sau:
 
"Tình hình hiện nay của phong trào đấu tranh dân chủ ở Quốc nội hiện đang rất ngặt nghèo, đúng như lời anh Nguyễn Khắc Toàn vừa trình bày. Bởi vì, một trong những người lãnh tụ xuất sắc nhất cho phong trào đấu tranh dân chủ bất bạo động và ôn hoà của chúng ta là Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị bắt giữ và giam cầm từ ngày 18 tháng 2 cho đến nay. Và đến ngày hôm nay thì Linh mục Nguyễn Văn Lý đã chính thức bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khởi tố theo khoản c, điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam là tội tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN.
 
http://www.tdngonluan.com/graphic/bantin_lmnguyenvanly/Lm_Nguyen_Van_Ly_03.jpg
 
Ông là một trong những người sáng lập và lãnh đạo của khối 8406, và là người cố vấn và ủng hộ rất tích cực và hiệu quả cho Đảng Thăng Tiến Việt Nam. Vai trò của Linh mục Nguyễn Văn Lý cũng như đạo đức và khả năng chiến đấu của ông thì chúng ta cũng không cần phải nói nhiều. Đó là một tấm gương sáng chói không chỉ được những người yêu chuộng dân chủ tự do và hoà bình của Việt Nam tôn vinh, mà ông còn được cả thế giới ghi nhận bởi những công lao và thành tựu mà ông đã cống hiến bằng cả cuộc đời của mình cho phong trào đấu tranh dân chủ ở trong nước, và là người Cha vô cùng kính yêu của tôi, ý tôi muốn nói ông là linh mục, là "cha" trong Công Giáo."
 

Cho nên, những người nghe tâm sự cô có thể khẳng quyết mà không sợ sai lầm rằng chính nhờ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo qua những bài học trong Phúc Âm đã hun đúc nên con người, nhân cách và tâm thái Lê Thị Công-Nhân, thúc đẩy cô dấn thân tranh đấu không mỏi mệt, chống lại những thế lực của sự ác trên quê hương Việt Nam hôm nay. Nói tóm lại: chính Lời Chúa đã là nguyên động lực, là chất men và là sức mạnh nâng đỡ cô, giúp cô vượt thắng được những mưu toan phỉnh gạt, dụ dỗ của kẻ thù, quyết tâm đương đầu với mọi chông gai, thử thách trong đời.

 

4.- Lượng giá của những nhà dân chủ trong nước:
 
Từ những năm 2004-2005, sự xuất hiện bất ngờ như ánh sao băng giữa trời tăm tối của người nữ luật sư trẻ họ Lê trong cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, nhân phẩm ở quốc nội đã cuốn hút sự chú ý của mọi người, mọi giới, trong cũng như ngoài nước. Qua những bài viết sắc bén ký tên Lê Thị Công-Nhân đọc được trên NET kèm theo tấm hình một "cô bé" trang phục áo dài trắng trinh nguyên với khuôn mặt trẻ thơ, đôi mắt trong suốt cùng với nội dung những lời lẽ mềm mỏng nhưng quyết liệt trong những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh RFA, RFI, VOA, BBC, dư luận người Việt trong các cộng đồng tị nạn khắp thế giới bắt đầu xôn xao bàn tán về cô.
 
Trong niềm phấn khởi trước hiện tượng nở rộ của cao trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam ở quốc nội trong những năm đầu thiên niên thứ ba, bà con ở hải ngoại còn cảm thấy phấn khởi trước dấu hiệu cho thấy giới trí thức trẻ trong nước đã công khai nhập cuộc mà sự có mặt của luật sư Lê Thị Công-Nhân là một điển hình rực rỡ.
 
Hào quang và hấp lực của người thiếu nữ trí thức họ Lê đối với quần chúng –kể cả những nhân sĩ, trí thức, những người đang trực tiếp gắn bó với cao trào đấu tranh lâu nay– không chỉ giới hạn nơi nội dung những bài cô viết, những ngôn từ cô phát biểu hay hành vi, thái độ kiêu dũng của cô trước bạo lực… mà nó còn toát ra từ nhân dáng yếu đuối, nhỏ nhoi bừng lên nét đẹp hồn nhiên, thánh thiện trẻ thơ như thiên thần nơi cô gái được sinh ra ở tỉnh Tiền Giang, phần đất của miền Nam nước Việt 28 năm về trước. Người viết xin trích lại chứng từ của một vài khuôn mặt điển hình trong số nhiều nhà dân chủ ở quốc nội đã viết về cô.
 
Trong một bài nhan đề "Hãy Làm Một Cái Gì Để Không Ân Hận" được phổ biến rộng rãi trên các trang báo điện tử sau khi luật sư Lê Thị Công-Nhân bị cộng sản cầm tù, nhà văn và cũng là chiến sĩ yêu chuộng tự do, dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng đã thố lộ những suy tư của ông khi gặp cô và mẹ cô –bà Trần Thi Lệ– như sau:
 
http://www.vantuyen.net/imgupload/im11961683961.jpg
 
"Khi Lê Thị Công Nhân xuất hiện, chúng tôi ngắm cô từ xa với thứ tình cảm trộn lẫn giữa kính trọng, quý mến và quan ngại. Nhìn Lê Thị Công-Nhân, tôi ao ước được nhìn thấy cô trên sàn diễn thời trang, trên kịch trường hoặc một cuộc thi hoa hậu chứ không phải giữa vòng vây dày đặc của mật vụ Hà Nội. Thế nhưng, cuộc đời là thế! Từ một mẩu xương sườn của ông Adams, Chúa Trời đặt Jeane Darc xuống mặt đất, dù là chốn trần ai, nhưng không phải để chết, thế mà cô đã chết như một liệt nữ cho nền tự do của nhân dân Pháp. Lê Thị Công Nhân lọt vào giữa chúng tôi với một chiếc khăn len rộng màu trắng vắt hờ qua đầu, một thân hình nhỏ nhắn trong bộ váy áo màu đen xám sang trọng và nụ cười trẻ trung, tự tin, thông minh cùng một bàn tay dịu dàng. Với riêng tôi cô nói thêm bằng thanh đới trong trẻo, dịu dàng và tin cậy:
- Cháu có đọc những bài viết của chú!
 
Tôi ước được nắm chặt bàn tay cô thật lâu. Đó là một chiếc lá xanh non của một thân cây xanh non nổi bật giữa hàng ngàn thân cây còn xanh mà đã tàn úa tâm hồn và ý chí đang qua lại ngoài kia vì bị đầu độc bởi học thuyết cộng sản từ trong ghế nhà trường hoặc bị ném vào chiếc máng bố thí bổng lộc của chính quyền, hoặc bị nhào nặn thành nô lệ của nỗi sợ cường quyền, thành những viên bi óng ánh trên truyền hình, trên sàn thời trang, trong hộp đêm và các kỳ thi tuyển Speaker... đặng thay tấm khăn voan che đậy một xã hội ô nhục.
 
Tôi không có can đảm để nói với Lê Thị Công Nhân rằng tôi ước có một người con gái như cô; bởi ngoài tư chất là một người con gái dịu dàng, xinh đẹp, thông thái, có học vấn, Lê Thị Công-Nhân còn mang tư chất của một nhân vật của cộng đồng đau khổ và đang biết phản kháng, một thủ lĩnh tinh thần cho ngay cả lớp đã có tuổi như tôi nữa.
 
   Ngay tại nhà tôi đây; lần thứ hai tôi được gặp cô. Đó là ngày mồng bốn tết Đinh Hợi, sau sự kiện công an Hà Nội đàn áp các nhà dân chủ trẻ tại Văn phòng luật sư Thiên Ân. Bà Trần Thị Lệ (thân mẫu) và LS Lê Thị Công-Nhân đã mang đến gia đình tôi một hân hạnh to lớn. Không phải chỉ có tôi, vợ tôi và những anh em dân chủ Hải Phòng có mặt hôm ấy, phải ngỡ ngàng, bối rối; mà hai người bạn của vợ tôi, nghe vợ tôi giới thiệu cũng phải sửng sốt. Lúc ấy ông Nguyễn Mạnh Sơn đã rỉ tai tôi khen rằng tôi đã "tổ chức được một buổi gặp gỡ để đời". Nào tôi có công gì trong ngày hôm ấy. Chúng tôi phải cảm ơn Chúa. Chúa đã cho chúng tôi được hội ngộ một lần nữa với cô và lần đầu tiên với mẹ cô.
 
   Tiết trời hôm ấy nóng ấm khác hẳn tiết trời của những cái tết đã qua cộng với không khí nồng nhiệt của những con người chấp nhận hiểm nguy đấu tranh cho lý tưởng dân chủ gặp nhau tạo ra, khiến vợ tôi phải bật quạt máy. Mẹ con LS Lê Thị Công Nhân ăn rất ít. Với Lê Thị Công-Nhân, lúc đó tôi chỉ biết cô đã 28 tuổi, chưa xây dựng gia đình; sau này tôi còn biết thêm khi cô chưa hoạt động dân chủ không ít thanh niên thức giả đã coi cô là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Rồi tất cả cụp đuôi quay gót khi người chủ vượt qua được cái ngưỡng sợ hãi để bước vào con đường phấn đấu cho nền dân chủ của đất nước, còn họ thì không.
 
Một ai đó nhắc lại câu trả lời phỏng vấn của bà Trần Thị Lệ trước đài RFA: "Không có lý do nào để một đảng muốn thành lập lại đi xin phép một đảng khác". Lê Thị Công Nhân nói rất ít để nhường lời cho mẹ. Với giọng Nam bộ, thanh, mỏng dễ nghe, vừa sang trọng vừa khiêm nhường bởi được giáo dục trong nền văn hóa nhân bản của chế độ cũ phi cộng sản, bà Lệ kể lại cho chúng tôi nghe những lần công an Hà Nội chất vấn bà về hoạt động dân chủ của con gái và cái cách trả lời lại họ, vừa bảo vệ được lý tưởng của con, vừa mềm mỏng và thấu tình đạt lý.
 
http://www.vantuyen.net/imgupload/im11958027491.jpg
 
"Con gái tôi có chính nghĩa! Con gái tôi là người yêu nước, yêu nhân dân Việt Nam..." Đó là những câu của bà tôi còn nhớ từ đài RFA. Ai trong chúng ta không có một người mẹ! Ai trong chúng ta không nhận được sự yêu thương lo lắng của người mẹ trên từng bước đi chập chững cho đến tuổi dựng vợ, gả chồng, tránh xa chông gai, hệ lụy để yên ổn làm ăn, chăm sóc gia đình?.
 
Nhưng chấp nhận đặt đôi chân mỏng mảnh như tơ lụa trên con đường dân chủ đầy chông gai và hiểm họa này, mấy ai có một người con như LS Lê Thị Công Nhân và một người mẹ như bà? Đấy phải chăng là hình mẫu của người con gái Việt Nam Anh hùng và một người mẹ Việt Nam Anh hùng trong một tương lai không xa, đạp đổ hình ảnh phi nhân tính và thô lậu của những "người mẹ Việt Nam anh hùng" made in cộng sản mụ mị tiễn con vào chốn nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn trong cuộc nội chiến Bắc–Nam gây bao đau thương di hận.
 
   Cuộc vui nào cũng có hồi kết. Khi chỉ còn lại chúng tôi, ông Vũ Cao Quận so sánh Lê Thị Công Nhân với một chiếc li pha lê, trong suốt, mỏng manh. Ông nói rằng với một người hoạt động dân chủ, ông luôn ao ước có cô, một cô gái xinh đẹp, thông minh, can trường trong lực lượng, một bông hoa giữa gió sương phũ phàng để có cái noi gương và có cái bảo vệ. Nhưng với tâm trạng của một người bố, ông không thể đành lòng để Lê Thị Công-Nhân nhiều phen phải "trần trụi giữa bầy sói" khi bước vào con đường hoạt động chính trị. Còn tôi ví Lê Thị Công Nhân như một viên kim cương quý hiếm đã được mài giũa rực sáng lên, cả trong đời thường và trong môi trường chính trị
 
   Sau buổi hội ngộ hôm ấy, chúng tôi lần lượt bị công an Hải Phòng "mời làm việc". Sẽ chẳng có bài viết này nếu vào chiều ngày 07-3 tôi không được tin luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công-Nhân bị bắt qua bản tin và bình luận của giới đĩ bút, đĩ mực trong nước.
 
http://www.vietnamdaily.com/danchuvn/2008-06-02-18-23-42/Ban%20Tuyen%20Ngon%20Nhan%20Quyen%20Toan%20Cau_files/image001.jpg

 

   Bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sau vụ bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý đầu tết Đinh Hợi, khép những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ này vào tội danh "tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" chính quyền cộng sản đã phơi bày bộ mặt nham hiểm, đổi trắng thay đen vi phạm Hiến Pháp, vi phạm Công Ước Nhân Quyền Quốc Tế mà họ đã ký kết. Vì các vụ bắt giam này xảy ra sau khi được gia nhập WTO, ký được hiệp định thương mại Việt–Mỹ, được rút tên ra khỏi danh sách LHQ quan tâm về tôn giáo nên mang nặng thêm yếu tố "khỏi vòng cong đuôi" của một chính đảng tồn tại bằng lừa đảo.
 
   Như chúng ta đã biết, tất cả các nước (trừ 4 nước cộng sản còn sót lại) không ở đâu và một chính đảng nào được phép dùng bạo lực đàn áp một chính đảng khác; cũng không một chính phủ nào dám coi việc chỉ trích chính phủ là "chống lại nhà nước". Tương tự như vậy không còn một lực lượng cảnh sát nào và ở đâu là công cụ của một chính đảng đàn áp một đảng đối lập. Tôi tha thiết kêu gọi ĐCSVN và lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam hãy suy nghĩ thật nghiêm túc hành vi họ đang làm để không bị mang tiếng là một chính đảng man rợ cùng một công cụ rừng rú trong sinh hoạt chính trị cộng đồng nhân loại. Bạo lực đang và sẽ bị loại trừ hoàn toàn khỏi đời sống chính trị và xã hội loài người (trừ xã hội loài vật). Với Lê Thị Công-Nhân, tôi kêu gọi các người hãy thận trọng.
 
   "... nhưng có lẽ nào chúng ta chỉ có thể làm được đến thế!? Thế giới văn minh phát triển về nhân văn, nhân quyền, văn hóa và kinh tế không lẽ chúng ta chỉ làm được như vậy đối với công cuộc đấu tranh giành nhân quyền, dân chủ và tự do của người Việt Nam chúng tôi!?". Tôi xin nhắc lại đoạn kêu gọi này của nữ luật sư LÊ THỊ CÔNG NHÂN từ Hà Nội gửi qua cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại Nam California trước khi cô bị bắt; và xin gửi thêm vào đó tiếng nói của tôi với toàn thể anh chị em hoạt động dân chủ trong nước, cộng đồng người Việt Nam yêu quý của tổ quốc đang sinh sống ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức quốc tế đồng cảm với sự đau khổ của đại đa số nhân dân Việt Nam và chính phủ, quốc hội các nước quan tâm đến Việt Nam rằng: "Hãy làm một cái gì đó để không ân hận!"

   Hải Phòng, đêm 9 tháng 3 năm 2007."

 

 http://www.rfi.fr/actuvi/images/115/15nguyenxuannghia200.jpg
nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
 
Phụ họa với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, trong một bài viết ngắn công bố ngày 08-3-2007, người công dân cựu chiến binh già Vũ Cao Quận[3] đã nói về người thiếu nữ trí thức tài danh này bằng những lời lẽ thấm thía, đầy tình nghĩa dồng bào, tình nghĩa đồng chí và nhất là tình nghĩa "cha con", làm xúc động lòng người như sau:
 
"Với Lê Thị Công Nhân tôi chỉ là một người dưng, một ông già qua đường. Tôi không được phép dám coi cháu như một đứa con gái của mình. Nhưng khi nghe tin Đài và con bị bắt, lòng tôi quặn đau, căm phẫn và vô cùng lo lắng cho con hơn cả con gái của mình. Vì con gái tôi nó vốn là đứa yếu đuối, nhút nhát. Nếu bị bắt, nó sẽ cam lòng khuất phục.
 
Còn con, là đứa con gái bé bỏng nhưng đầy lòng can đảm, nhà cầm quyền cộng sản sẽ tiêu diệt đến cùng lòng dũng cảm của con. Vì theo chúng những kẻ đang chăn dắt một đàn cừu, tính dũng cảm không phải là điều cần có của bất cứ một con nào trong bày cừu. Và nó sẽ thản nhiên đẩy con trần trụi cho bày sói cắn xé.
 

Trời ơi! về "tội chính trị" chốn pháp đình cộng sản không phải là nơi có thể mua bán, đổi chác. Tôi thì nghèo, mà đổi chác thì họ cần tiền, tiền và tiền.Còn cái mạng già gần cả một cuộc đời góp phần xây nên cái chính quyền này chỉ là vật vô dụng không đổi chác được. Nếu có thể tôi sẽ xin chịu tù, chịu án thay cho con. Tôi biết viết những dòng này chỉ là những mơ ước hão huyền!

Tôi chỉ là một công dân già, không chức quyền, không tiền bạc và không hề có một chút gì để nhân danh cả. Tôi chỉ có tấm lòng của một người cha để nhân danh, tôi tha thiết kêu gọi:

- Ông Tổng Thống Mỹ.

- Các Ông, các Bà Tổng Thống, Thủ Tướng của Liên Minh Châu Âu.

- Các Bà Nữ Hoàng.

- Đức Nhật Hoàng tôn kính và Thủ Tướng Nhật Bản.
 
Nếu tất cả các vị tôn kính còn chút nước mắt xin hãy nhỏ xuống vì Lê Thị Công Nhân, vì một đứa con gái Việt Nam bé bỏng, yếu ớt. Hãy rủ lòng thương nó như thương một đứa con tội nghiệp mà các vị mạnh mẽ lên tiếng buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay cho nữ luật sư Lê Thị Công Nhân cùng luật sư Nguyễn Văn Đài chỉ vì 2 luật sư này đã"phạm tội" san sẻ truyền đạt những điều cao thượng, bác ái thuộc về "Dân chủ và Nhân quyền" của nước Mỹ, của nước Pháp, của George Washington, Thomas Jefferson, Franklin Roosevelt, Abraham Lincoln, Bill Clinton, George Bush, của Montesquieu… cho thế hệ trẻ Việt Nam tội nghiệp đang bập bõm về dân chủ và về cái quyền được làm người.
 

Đằng sau lưng tôi dựa chỉ là cái chết, nhân danh cái chết, tôi xin quỳ xuống van xin các vị, van xin lòng nhân ái của bốn phương trời:

"Hãy vì thân phận nhỏ nhoi của một bé gái ở đất nước VN xa xôi còn đầy khốn khổ này!.
http://www.dcvonline.net/php/images/032006/vcq01.jpg
Người công dân già Việt Nam: Vũ Cao Quận

 

5.- Hình ảnh người con gái nhỏ họ Lê đang nói gì trong tôi?
 
Khi đọc những lời tuyên bố của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân ghi chép lại thành văn, được gửi lên mạng lưới điện toán toàn cầu, hoặc xuất hiện trên mặt báo, cũng như nhiều người, tôi không nén được lòng xúc động. Nhưng khi được trực tiếp lắng nghe tiếng nói của cô qua cuốn băng thâu lại, niềm xúc cảm trong tôi tăng lên gấp trăm lần. Cung cách phát âm ngập ngừng, chậm rãi của cô cho người nghe bắt gặp trong đó tất cả cái e ấp thường tình của người con gái Việt Nam sống trong khuôn khổ lễ giáo từ một gia đình mực thước đạo hạnh, lần đầu phải lên tiếng nói về những điều trọng đại vượt quá sức mình.
 
Có lẽ lúc nói cô không khóc, nhưng qua âm sắc khi xúc động, lúc nghẹn ngào ẩn giấu đằng sau ngôn từ, người nghe vẫn thấy, vẫn cảm được từng giọt lệ như đang ứa ra từ đôi mắt nai ngây thơ, vô tội của cô. Nó mang hình tượng những giọt sương đêm mong manh đọng trên những cánh hoa hồng giữa cơn giông bão.
 
"Tù đày vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất!!!"
http://www.sea-dc.org/files/luat-su-LTCN.jpg
 
Vì lý tưởng công bằng, nhân ái, Lê Thị Công-Nhân thản nhiên chấp nhận cảnh tù đày, và dưới mắt cô nhà tù (mà theo ngôn ngữ riêng của cô là "nhiệm sở mới"), chưa phải là điều ghê gớm nhất, tồi tệ nhất. Đàng sau cánh cửa nhà giam với tất cả những hình cụ man rợ như gông, cùm, xiềng xích và những hành vi tra tấn tinh thần cùng thể chất, cô nhìn thấu suốt cả màn kết thúc bi thảm là cái chết đang chờ đợi cô. Nhưng cô không hề chùn bước. Bới vì cô không hề sợ hãi trước cường quyền bạo lực. Bởi vì Tình Yêu nơi cô vượt trên nỗi chết. Và bởi vì cô được ơn soi dẫn, được nâng đỡ bởi một niềm tin siêu nhiên, tuyệt đối, một niềm tin tôn giáo, một niềm tin đến từ Thiên Chúa.
 
Câu hỏi tầm thường đối với một người tầm thường như kẻ viết những giòng này là: điều gì, động lực nào đã khiến một thiếu nữ 28 tuổi xuân thốt ra được những lời tuyên xưng quyết liệt, dứt khoát và can đảm trên đây? Câu trả lời tìm thấy là nó chỉ có thể được làm nên bằng ý thức trách nhiệm và nhất là Tình Yêu của người công dân nặng lòng đối với Đất Nước, với Dân Tộc, và hơn hết thảy là sự cảm nhận sâu thẳm của người Con Chúa đối với Đấng đã ban tặng cho mình cái quyền được sống và được làm người. Và một khi đã cảm nhận như vậy, làm sao có thể dửng dưng trước sự kiện anh chị em mình, đồng bào ruột thịt của mình bị đánh cắp tự do, bị tước đoạt nhân quyền?
 

Một câu hỏi lớn đặt ra: với tư cách công dân, tôi đã làm gì cho đất nước, dân tộc tôi và ở cương vị người tín hữu Công Giáo tôi nghĩ gì và phải làm gì cho Giáo Hội của tôi?

 
Trần Phong Vũ

Tiểu Sài Gòn, ngày 15-10-2007

 



[1] Hồi đầu năm nay, sau khi được cấp visa xuất ngoại tham dự hội nghị yểm trợ phong trào lao động ở VN, Lê Thị Công-Nhân chuẩn bị sẵn sàng để đáp phi cơ qua thủ phủ Ba Lan. Vào lúc cô đã an vị trên máy bay thì công an nhà nước xuất hiện và cưỡng bách cô phải ở lại.

[2] Thời gian cả hai LS Công-Nhân và Nguyễn Văn Đài chưa bị bắt và cũng là thời gian linh mục Nguyễn Văn Lý chưa bị đem ra tòa kết án, dẫn tới 'xì-căng-đan' cha bị công an nhà nước "bịt miệng".

[3] Tác giả tập hồi ký "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2006, từng tự nhận là "Người Lính Già" đã chiến đấu nhiều năm dưới quyền chỉ huy của tướng Trần Độ, người ông luôn kính trọng coi là bậc thày nên khi viên tướng này bị đảng và nhà nước CS bạc đãi vì lên tiếng công khai xét lại, ông đã bày tỏ thái độ bằng cách viết bài và lên tiếng đối kháng. Muốn có sách xin độc giả hỏi các thư quán Việt ngữ địa phương hoặc liên lạc với chúng tôi ở tòa soạn Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân.