Tuesday, July 7, 2009

VIỄN ẢNH VỀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG "BẰNG LỜI CẦU NGUYỆN" TẠI VIỆT NAM

Trần Phong Vũ

I.- "Sự im lặng của biển cả"

Nhằm phản biện lời kêu gọi các nhà văn trong và ngoài nước ngồi lại với nhau để "góp phần vào nỗ lực hòa hợp hòa giải dân tộc" của tác giả Tô Nhuận Vỹ trong bài viết trên mạng lưới Talawas dịp Giáng Sinh 2007 vừa qua, với tư cách một người cầm bút trong cộng đồng tị nạn, bác sĩ Trần Văn Tích đã mượn ý từ một chương sách có tên là "Le Silence de la mer" để đặt cho bài viết của ông: "Sự Im Lặng Của Biển Cả".

Về một phương diện nào đó, hình ảnh này diễn tả phần nào bầu khí im lặng ngột ngạt đến khó hiểu trong hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam trước những hiện tượng băng hoại kinh khiếp về những giá trị đạo đức, nhân luân trong xã hội Việt Nam thời cộng sản (khi mà những sự kiện chống lại con người như thế vốn là mục tiêu, là đích điểm hàng đầu đòi buộc những môn đệ Đấng Cứu Thế phải quan tâm). Đến nỗi những mục tử như linh mục Nguyễn Văn Lý[1], Chân Tín, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi phải cất lên tiếng nói Ngôn Sứ của mình, cho dẫu có phải chấp nhận những đòn thù hiểm độc. Đến nỗi từng đoàn lũ những người Dân Oan "nhếch nhác" từ khắp các miền quê trên ba miền đất nước phải kéo nhau về Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng Hànội, về các hè phố Sàigòn để ăn vạ.

Tuy nhiên, như bác sĩ Nguyễn Văn Tích nhận định "sự im lặng của biển cả mà sự tĩnh lặng chỉ là bề ngoài", hiện tượng "không lên tiếng công khai" của các nhà lãnh đạo trong GHCGVN lâu nay phải chăng cũng mang một dạng thái tương tự? Bên dưới cái bề mặt phẳng lặng của đại dương trong một ngày đẹp trời, vẫn ẩn tàng những đợt sóng ngầm có khả năng nổi cơn thịnh nộ bất cứ lúc nào. Và phải chăng, điều này đã lý giải cho những ước vọng, những khát khao bỏng cháy tiềm ẩn bên trong và đang sau làn sóng cầu nguyện của tập thể tín hữu Công Giáo đang lan tràn trên khắp lãnh thổ sau lá thư luân lưu của đức cha Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội ngày 15-12-2007 vừa qua?

II.- Từ Hànội đến Sàigòn

Trong bài "Mùa Xuân của Giáo Hội"[2] người viết từng nhận định: "Cầu nguyện là bản chất của người Kitô hữu…, là một cuộc đối thoại thân mật, không ngừng nghỉ giữa con ngưởi với Thiên Chúa…, là sợi giây nối liền giữa đất và trời, giữa con người với Thiên Chúa, nâng con người lên gần Đấng Tối Cao để Ngài đáp ứng những khát vọng của họ, giúp họ giải quyết những vấn nạn ngoài tầm tay của mình".

Trong những ngày cuối năm 2007 và đầu năm 2008, nhiều ngàn tín hữu Công Giáo ở Hànội, ở Sàigòn đã tựu tập lại trong khuôn viên giáo đường, tu viện để cùng nhau thắp nến cầu nguyện. Những buổi cầu nguyện như thế đã khởi sự từ ngày 18-12-2007 kéo dài suốt thời gian vọng Giáng Sinh qua đầu năm mới dương lịch và nhiều tuần sau đó tại tòa tổng giám mục Hànội, tràn qua khu vực tòa Khâm Sứ cũ, tiếp theo là nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Hà Đông.

Tại Sàigòn, tối Thứ Sáu 11-01-2008, khoảng trên 4000 giáo dân cũng đã tựu về khuôn viên nhà Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng để hiệp thông ý cầu nguyện với đồng bào đồng đạo của họ trên đất Bắc. Trong dịp này, một Thánh Lễ đã được cử hành trang trọng với sự đồng tế của 23 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và 2 linh mục Dòng Đa Minh.

Vì cầu nguyện là bản chất của người Kitô hữu. Do đó, trong chốn riêng tư, nơi gia đình cũng như ở giáo đường, người tín hữu Công Giáo Việt Nam đã không ngớt cầu nguyện. Ngoài tâm tình ngợi ca, cảm tạ Thiên Chúa, họ còn nài xin những ơn cần thiết cho cá nhân, gia đình, Giáo Hội, Tổ Quốc và nói chung, cho cộng đồng nhân loại.

Làn sóng cầu nguyện từ Hànội tràn vào Sàigòn từ lễ Giáng Sinh đến nay, có lúc số giáo dân lên tới 4, 5 ngàn người và hàng trăm linh mục, tu sĩ, mang một màu sắc khác, với nội dung và mục đích rõ rệt. Với tính cách tập thể, người tín hữu Công Giáo tổng giáo phận Hànội xin Thiên Chúa lay chuyển trái tim chai đá của những người cộng sản vô thần để họ qui hoàn tài sản và đất đai tòa Khâm Sứ cũ cho Giáo HộI mà họ đã cướp đoạt lâu nay.

Trong khuôn viên Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, ý cầu nguyện của tập thể gíáo dân vươn tới một tầm mức cao hơn. Với sự hướng dẫn của quí linh mục, tu sĩ, buổi canh thức thắp nến của hơn 4000 tín hữu tối Thứ Sáu 11-01 và tối Thứ Tư 23-01-08 hướng vào ý chỉ cầu nguyện cho Hòa Bình và Công Lý. Lên tiếng trong đêm canh thức cầu nguyện, hát kinh Hòa Bình lần đầu tại khuôn viên nhà Dòng, linh mục Vũ Khởi Phụng minh nhiên nói với đám đông tín hữu của ông về tình trạng công lý không được coi trọng, đời sống tâm linh bị suy thoái, nhân phẩm, nhân quyền của người dân đã bị chà đạp. Cha nói nguyên văn như sau: "Xã hội hôm nay đã đánh mất tâm linh, lại không còn công lý. Vì thế nhân phẩm con người không còn được tôn trọng, các quyền căn bản của con người không còn được duy trì và bảo đảm đúng nghĩa !"

Cha Phụng cao giọng kêu gọi đám đông tín hữu trước mặt là hãy:

"Cầu nguyện cho xã hội chúng ta được đi vào thế giới của sự thật, thế giới của nhân phẩm. Hãy đặt niềm tin nơi Thiên Chúa để từ đấy thiết định niềm tin nơi con người... Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với tâm hồn nghèo khó, với tâm hồn hiền lành, với tâm hồn khát khao công bằng và chân lý. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với trái tim biết thương xót những con người nghèo hèn, bé mọn, chưa bao giờ được sống đích thực với nhân phẩm của mình".

Từ Việt Nam, trong một bài viết gửi lên mạng lưới toàn cầu Fiat 408 hai ngày sau, cha Lê Quang Uy, một linh mục trẻ cũng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã viết như sau:
"Thành ra, biểu tình của người Công Giáo chẳng phải là để đòi mấy mảnh đất, mấy khu nhà dinh thự, cho dẫu những mảnh đất ấy to tiền, những khu nhà ấy dùng được bao nhiêu là việc có ích đến đâu đi nữa. Cái chính yếu lại là đòi cho công lý và hòa bình phải được thực thi.

Chiến tranh không còn nhưng chưa có hòa bình thật sự đâu. Có cả một rừng luật và nghị quyết nhưng cũng chưa có công lý tử tế đâu. Mà tôn giáo chân chính nào cũng vậy, luôn luôn mời gọi sống yêu thương nhân ái, nên nếu có phải biểu tình và đấu tranh thì luôn luôn là bất bạo động, ôn hòa, bao dung. Vì thế người Công Giáo chỉ có thắp nến cầu nguyện và hát Kinh Hòa Bình suốt mấy tuần nay mà thôi!

Đừng nghĩ như thế là yếu, là hèn, hay là không tưởng! Không đâu, nó mạnh ở chỗ đặt hết tin tưởng vào một Chúa ở trên cả Đảng, trên mọi thứ quyền lực bạo liệt nhất của thế gian. Và nó cũng mạnh ở chỗ có khả năng liên kết được với mọi người, lay động được lòng người, những người ở các tôn giáo khác nhau và cả nơi những người vô thần, những người Cộng Sản thứ thiệt.

Không tin, xin đọc lại bài I-sai-a của ngày hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa. Thiên Chúa, qua miệng Ngôn Sứ I-sai-a, giới thiệu trước về một Đấng sẽ đến để cứu muôn dân rằng ( Is 42, 1 tt ):

'Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ... Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu... Người sẽ làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm'.

A ! Có đó tất cả những bà buôn thúng bán bưng bị dẹp lòng lề đường, những bác đi đổ rác bị đe dọa tịch thu xe ba gác, những chị xa quê bán ngô luộc sắp thất nghiệp, những anh công nhân bị vắt kiệt sức lao động, tất cả cánh dân nghèo cùng khổ bị bức bách đều có mặt ở nơi Giê-su, Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, ở trong những ngọn nến sáng, ở trong từng lời hát Kinh Hòa Bình. 'Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí: Ơn An Bình...'" (Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 13.1.2008 – Fiat 408)



Hưởng ứng lời mời gọi của chủ chăn, hàng hàng lớp lớp những tín hữu Công Giáo tổng giáo phận Hànội đã thắp nến cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình tại tòa Khâm Sứ cũ, tại nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Hà Đông để đòi lại phần đất đai, cơ sở đã bị bạo quyền cưỡng đoạt. Và để tỏ tình liên đới với bà con đồng đạo trên đất Bắc xa xôi, người tín hữu Công Giáo ở Sàigòn, nơi một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng hiệp dâng Thánh Lễ với linh mục, cũng thắp nến cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình, một mặt để đòi lại cơ sở vật chất vốn của Giáo Hội, nhưng mặt khác còn nhân danh Tin Mừng, nhân danh Tình Thương, nhân danh những thành phần thấp cổ bé miệng trong xã hội để đòi lại nhân phẩm và những quyền năng căn bản của con người.

Mong rằng đấy chính là những biểu hiện khởi đầu của những đợt sóng ngầm ẩn tảng bên dưới cái bề mặt im lặng của đại dương.

Thử tưởng tượng: nếu những giáo xứ, những họ đạo, những tu viện tại 25 giáo phận Công Giáo trên khắp ba miền đất nước cùng có những buổi cầu nguyện ôn hòa như thế (và nhất là: nếu có sự hưởng ứng tương tự đồng loạt của các tín hữu thuộc các hệ phái Tin Lành, của PGVNTN, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài) thì chuyện gì sẽ xảy ra?

III.- Những phản ứng tiệm tiến có tính toán.


Đứng trước làn sóng đối kháng ôn hòa mang tính thánh thiêng bằng cầu nguyện của tập thể tín hữu Công Giáo, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã bị du vào một tình huống vô cùng khó khăn, nan giải. Với cao trào Dân Oan tìm về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hànội và các đường phố Sàigòn ăn vạ đòi đất cũng như với những cuộc biểu tình của sinh viên chống Trung Cộng ăn cướp hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa, dù cũng là những nan đề hết sức nhạy cảm, nhưng họ còn có thể nhân danh này nọ để muối mặt dùng những biện pháp vũ phu.

Nhưng trước những buổi cầu nguyện với nội dung thuần túy tôn giáo, chỉ diễn ra một cách ôn hòa tuyệt đối trong khuôn viên những nơi thờ tự thì không dễ gì họ dám vọng động, khi mà Việt Nam của những năm đầu ngàn năm thứ ba không còn là Việt Nam của thế kỷ trước. Có chăng sẽ chỉ là những lệnh miệng cho những cấp nhỏ làm càn, để rồi sau đó, khi gặp phản ứng mạnh còn có đường đổ vấy để chạy tội. Vụ cho tay chân đấp phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Nho Quan cách nay ít lâu là một thí dụ điển hình.

Trong thế tiến thối lưỡng nan[3] , từng bước một, đảng và nhà nước bắt buộc phải dùng lại những thủ đoạn quen thuộc là hù dọa, đe noi, khởi đầu bằng ngôn từ, chữ nghĩa để mua thời gian, hầu áp dụng những đòn ly gián, gây nghị kỵ làm nản lòng giáo dân bằng những mưu thuật gian ác. Trả lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh BBC sau hôm Nguyễn Tấn Dũng tới thăm đức TGM Ngô Quang Kiệt là liệu sự kiện này có dẫn tới kết quả là nhà cầm quyền trả lại khu đất tòa Khâm Sứ cũ cho tổng giáo phận Hànội không, trưởng ban tôn giáo chính phủ là Nguyễn Thế Doanh đã mạnh miệng quả quyết là không có chuyện đòi cũng như không có chuyện trả, vì đất đai là tài sản của quốc gia do nhà nước quản lý!


Đến khi thấy những lời tuyên bố mang tính hù dọa của Nguyễn Thế Doanh không đạt được kết quả, trái lại, dường như tình hình lại trở nên căng thẳng hơn, ngày 11-01-2008, phó chủ tịch UBND thành phố Hànội Ngô Thị Thanh Hằng đã gửi văn thư số 273 UBND-VX đến đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGMVN và đức cha Ngô Quang Kiệt TGM Hànội với những lời lẽ gắt gao cáo buộc những cuộc tập họp cầu nguyện của giáo dân ở tòa Khâm Sứ cũ cũng như ở nhà thờ Thái Hà là vi phạm luật pháp, là làm xáo trộn trật tự công cộng. Vì hiểu được thủ đoạn thăm dò của nhà cầm quyền nên ba ngày sau, tòa TGM Hànội đã gửi văn thư số 08-VT/TGM 003, quyết liệt phản bác tất cả những luận cứ của bà Hằng.


Ngày Thứ Sáu 25-01, chủ trương hù dọa để "rung cây nhát khỉ" tiến thêm một bước. Một vụ hành hung công khai đã xảy ra trong khuôn viên tòa Khâm Sứ. Công an chìm địa phương rượt đuổi, đánh đập một nữ giáo dân người miền núi trong khi bà đang dâng hoa và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Để tiếp cứu nạn nhân, một số giáo dân đã phá sập cổng tràn vào và 4 người đã bị bạo hành, trong số có luật sư Lê Quốc Quân, người từng bị công an bắt giam và mới được trả tự do, bị gây thương tích ở tai. Tiếp theo, UBND Hànội đã ra hạn cho giáo dân phải triệt hạ Thánh giá, ảnh tượng trong khuôn viên tòa Khâm Sứ cũ (!).

Nhìn chung, người ta có cảm tưởng như nhà nước sẽ có biện pháp mạnh đối với chiến dịch cầu nguyện đòi tài sản, đất đai và xa hơn là nhân quyền và công lý của tập thể tín hữu Công Giáo hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người đã có kinh nghiệm về cộng sản, hiểu được tâm lý "mềm nắn rắn buông" của họ, sẽ nhận ra nó vẫn chỉ là những dòn thăm dò có tính toán mà thôi.

Đúng ngày xảy ra vụ bạo hành của công an chìm, khi ông JB Nguyễn Hữu Vinh nêu câu hỏi với đức TGM Ngô Quang Kiệt là: "Nếu như bất chấp điều đó, công an, cảnh sát cứ đàn áp, cứ bắt bỏ tù những người cầu nguyện thì sao thưa Cha? Cha có tính đến khả năng đó không?". Ngài đã thẳng thắn trả lời như sau: "Tôi không nghĩ Nhà nước làm những điều đó với giáo dân cầu nguyện ôn hòa, bất bạo động khi nhà nước luôn nêu cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Như đã nói ở trên, cầu nguyện là đời sống, là hơi thở của người tín hữu Kitô để hiệp nhất với Thiên Chúa. Không ai có quyền cấm giáo dân cầu nguyện".


Ngài khảng khái nói tiếp: "Nhưng nếu có ai phải bị bắt vì cầu nguyện, bị đi tù, tôi sẽ đi thay họ vì tôi là người kêu gọi họ cầu nguyện".[4]

Dư luận đánh giá cao thái độ cứng rắn và dứt khoát của người cầm đầu tổng giáo phận Hànội. Ý chí nhất tâm ủng hộ những buổi cầu nguyện của giáo dân Hànội của các giám mục Nguyễn Văn Hòa. Giáo phận Nha Trang, Vũ Văn Thiên, Giáo phận Phát Diệm, Đặng Văn Ngân, Giáo phận Lạng Sơn và nhiều chủ chăn thuộc các giáo phận khác, bộc hiện qua nội dung những văn thư gửi đức TGM Ngô Quang Kiệt trong những ngày qua, đã nói lên điều ấy.

IV.- Một chuyện bất bình thường?

Giữa lúc làn sóng cầu nguyện đang lan rộng khắp nơi, đặc biệt là ở Sàigòn, thì một sự kiện mới xuất hiện gây nhiều nghi kỵ và tranh cãi. Đó là nội dung những bài nhật ký của đức cha Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình ghi lại vai trò trung gian điều giải của ngài. Câu hỏi được công luận đặt ra là với tư cách gì đức cha Sang đã sắm vai trò "con thoi" giữa "Ông-Nhà-Nước" và đức cha Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội? Trong nhật ký ngày 21-01-08, chính đức cha Sang phân bua như sau "tôi không phải là người trung gian chính thức giữa đôi bên, mà chỉ được cụ Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt ủy quyền miệng cho tôi đi thu xếp công việc này mà thôi."

Dư luận tỏ ý hoài nghi tính xác thực của điều GM Sang úp mở nói là được TGM Kiệt "ủy quyền miệng". Người ta cho rằng: nếu cần phải nói gì với nhà cầm quyền, với vị thế sẵn có, đức cha Kiệt có thừa cơ hội và điều kiện để nói rõ quan điểm của mình, nhất là trong ngày cuối năm 2007, thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng đã đích thân tới thăm ngài. Điều cần ghi nhận là cho đến nay chưa có một lời xác nhận chính thức nào của tòa TGM Hànội về vai trò trung gian của đức cha Sang.


Có hai giả thiết: một là giám mục Nguyễn Văn Sang ỷ mình có những liên hệ tốt với nhà nước[5] nên đã tự đứng ra gánh lấy trách nhiệm. Hai là ông đã được nhà nước "tiểu di" hoặc "bật đèn xanh" để làm công việc này, dĩ nhiên với những tính toán riêng. Có điều dù ở trường hợp nào thì qua nội dung những trang gọi là nhật ký được công bố rộng rãi trên các mạng lưới, ai cũng nhận ra những lời đưa đẩy của giám mục Sang và những giải pháp do ông đề nghị chỉ có tác dụng gỡ cho nhà nước khỏi thế bí, hay nói theo kiểu ví von của người bình dân Việt Nam là "vẽ đường cho hươu chạy".

Và như thế, vô hình chung đã tạo nên thế bất lợi cho chiến dịch cầu nguyện vận động cho công lý và nhân quyền của người tín hữu Công Giáo. Nhất là xét về nhân cách và quá khứ của giám mục Sang xuyên qua những chứng từ còn lưu lại bằng giấy trắng mực đen của chính ông[6] người ta càng có thêm nhiều lý do để hoài nghi thiện chí và thái độ của đương sự trong vụ này.

V.- Bài học "cầu nguyện" của Ba Lan

Nhớ lại những căn nguyên sâu xa đưa tới sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan ngót 20 năm trước, người ta chưa quên là vào những giai đoạn cam go nhất, tập thể công nhân trong Công Đoàn Đoàn Kết cũng như người dân Ba Lan đã tìm lại được sức mạnh, niềm tin để vượt thắng sự sợ hãi bằng lời cầu nguyện, bằng tâm tình yêu mến Giáo Hội và quê hương Ba Lan của họ, qua lối sống đạo đức, luôn gắn bó với Thiên Chúa và tấm gương can trường của người mục tử ốm yếu, linh hướng của Công Đoàn: cha Jerzy Popieluszko.

Khi nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan ban bố "tình trạng chiến tranh" vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, một mặt cha Jerzy tìm mọi cách để che chở các lãnh tụ Công Đoàn tại đào và giúp đỡ phương tiện sinh sống cho vợ con họ, mặt khác, cha bắt đầu tổ chức những thánh lễ Misa được gọi tên công khai là "Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Quê Hương" ngay tại giáo đường Stanislaw dành cho mọi người dân Ba Lan.


Và trong rất nhiều Chúa Nhật, thánh lễ do linh mục Jerzy Popieluszko cử hành và giảng thuyết đã lôi cuốn hàng chục ngàn người tham dự, trong đó bao gồm tất cả mọi tầng lớp nhân dân tại thủ đô Varsovie kể cả những vùng xa xôiu hẻo lánh, từ giời lao động cùng khổ tới các văn gia, nghệ sĩ, trí thức. Số người tham dự đông đến nỗi tràn ra cả bên ngoài giáo đường.

Đề cập sức mạnh của lời cầu nguyện và ảnh hưởng những bài thuyết giảng của linh mục Jerzy, trong một bài viết của John Fox[7] có đoạn ghi lại như sau:

"Một số công nhân hầm mỏ từ miền nam Ba Lan quá xúc động khi hay tin về những Thánh Lễ đặc biệt này đã đánh liều tìm về tham dự. Nhưng khi họ nhìn thấy vóc dáng nhỏ bé, ốm yếu của cha Jerzy trên bàn thờ họ không khỏi thất vọng vì cảm thấy như bị đánh lừa. Họ tự nhủ: Vị linh mục này không có vẻ gì là người anh hùng mà họ đã vẽ ra lâu nay trong trí tưởng tượng.

Nhưng khi cha Jerzy bắt đầu thuyết giảng thì giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, giống như lời cầu nguyện đầy tín thác nơi quyền năng Thiên Chúa của Cha, tuy không hùng hồn, không có ngôn từ, cử chỉ nào mang tính kích động, nhưng lại hàm súc trong đó một sự lôi cuốn lạ thường, một sức mạnh tuyệt vời. Cha nói không giấu giếm những điều mà họ thực tâm cảm thấy và mong mỏi được nói nhưng không thể thốt ra bằng lời. Họ muốn "vùng dậy một lần sau nhưng đau đớn ê chề và tủi nhục" như lời cha Jerzy nói với họ: "bởi vì các bạn không thể bị khuất phục một cách bất công bởi bất cứ quyền lực bất chính nào của thế gian. Các bạn chỉ có một Đấng để quì gối là Thiên Chúa mà thôi".

Vẫn theo John Fox thì khi một nhà báo Tây phương nêu lên câu hỏi là những Thánh Lễ cầu nguyện cho quê hương như thế có cần thiết không vì nó có thể gây nguy hiểm cho linh mục Jerzy Popiekuszko thì một công nhân nhà máy thép ờ Varsovie đã trả lời với tất cả tâm tình tín thác của anh như sau:

"Người ngoại cuộc, và nếu là người không có niềm tin, sẽ không thể nào hiểu được những lời cầu nguyện và những Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương quan trọng như thế nào đối với chúng tôi. Nó còn cần thiết hơn cả miếng cơm, manh áo".

Noi theo sáng kiến của cha Jerzy, những buổi cầu nguyện và Thánh Lễ mang nội dung cầu cho Giáo Hội và đất nước Ba Lan đã được rất nhiều linh mục tổ chức tại các giáo xứ xa xôi trên toàn lãnh thổ. Nó đã trở thành một trong những yếu tố hàng đầu vực dậy Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, xua tan nỗi sợ hãi kinh niên trong lòng người dân sau nhiều thập niên bị chủ nghĩa vô thần cộng sản không chế. Và đấy cũng là nguyên động lực dẫn tới sự sụp đổ của chế độ độc tài Varsovie, kéo theo sự tan rã giây chuyền của khối cộng sản Đông Âu và sau chót, đến tận hang ổ cuối cùng của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít là Liên Bang Xô Viết đầu thập niên 90.

Từ những "Thánh Lễ Cầu Nguyện cho Quê Hương" của các tín hữu Công Giáo Ba Lan do linh mục Jerzy khởi xướng, chúng ta liên tưởng tới lời kêu gọi cầu nguyện trong lá thư luân lưu của đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt gửi các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân tổng giáo phận Hànội ngày 15-12-2007 và những buổi tập họp để cầu nguyện của các tín hữu địa phương có lúc lên tới 5000 người trong thời gian qua.

Những gì người dân ba Lan, trong đó tuyệt đại đa số là tín hữu CG đã phải gánh chịu trước đây cũng là những chuyện đã và đang xảy ra hàng ngày cho 84 triệu đồng bào ta hôm nay. Đất đai, sản nghiệp của tư nhân bị cướp đoạt. Trường học, bệnh xá, các cơ sở xã hội và cả nơi thờ phượng của các tôn giáo bị trưng thu dùng vào những việc bất chính. Và, hơn hết thảy, mọi quyền tự do, dân chủ, nhân phẩm và quyền làm người của tuyệt đại đa số 84 triệu đồng bào đã bị bạo quyền tước đoạt trắng trợn.

Người dân Ba Lan đã phản ứng bằng nhiều phương tiện, nhất là bằng lời cầu nguyện, bằng "Những Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương". Và họ đã thắng.

Nhìn về đất nước chúng ta, đã có những nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các tôn giáo. Sự kiên trì của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, các giáo phái Tin Lành và Công Giáo qua tiếng nói kiên cường của các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các linh mục Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, mục sư Nguyễn Hồng Quang, cụ Lê Quang Liêm v.v….

Sự xuất hiện của Khối 8406 và sự góp mặt của các nhà dân chủ thuộc mọi lứa tuổi. Từ những vị lão thành như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, trung niên như Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Xuân Nghĩa tới những người trẻ như Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân; Đặc biệt là sự lên tiếng một cách can trường của các sinh viên thuộc các đại học ở Hànội, Sàigòn trong những cuộc biểu tình chống hành vi xâm chiếm các hải đảo Trường sa và Hoàng Sa của Trung Cộng, bất chấp mọi áp lực thô bạo của những kẻ đã cam tâm bán đất, dâng biển cho kẻ thù..

Giữa bối cảnh ấy, những buổi cầu nguyện, hát kinh hòa bình của giáo dân tổng giáo phận Hànội tại tòa Khâm Sứ cũ, tại giáo xứ Thái Hà, giáo xứ Hà Đông và lan tới các giáo phận miền Trung, miền Nam, điển hình là những buổi cầu nguyện ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế, đã và đang mở ra một niềm hi vọng mới cho 84 triệu người dân Việt Nam hiện nay.

Khi những buổi cầu nguyện của giáo dân đã vượt lên trên mục tiêu đòi lại tài sản, đất đại, các cơ sở, kiến trúc của Giáo Hội bị nhà nước cướp đoạt trắng trợn từ nhiều thập niến qua, để hướng tới mục tiêu cao cả hơn là: phục hồi những lý tưởng tự do, công lý, nhân quyền và nhân phẩm cho người dân thì hẳn nó không còn thu hẹp ở mức độ cá nhân, cục bộ mà đã trở thành vấn đề của Quốc Gia, Dân Tộc.

Với lá thư kêu gọi của đức TGM Ngô Quang Kiệt ngày 15-12-2007, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã thực sự trở về với sứ mạng căn cốt là phục vụ con người. Bởi vì như đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh nhiều lần: "Con người là 'đường đi', là 'đích điểm phục vụ hàng đầu' của Giáo Hội Công Giáo". Những cơn sóng ngầm ẩn tàng dưới lòng đại dương bắt đầu nổ ra, đã và đang phá vỡ cái bề mặt tĩnh lặng lâu nay

Viễn ảnh một cuộc Cách Mạng "Bằng Lời Cầu Nguyện" ở Việt Nam.

Trong những năm tháng gần đây, trên thế giới đã có những cuộc "Cách Mạng Da Cam", "Cách Mạng Nhung" nhằm triệt tiêu những thể chế độc tài để thiết định một xã hội công bằng nhân ái, trong đó mọi quyền tự do, dân chủ của con ngưởi phải được phục hồi và tôn trọng. Đặc điểm chung của những cuộc cách mạng này là nó đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của quảng đại quần chúng qua những buổi tập họp ôn hòa, bất bạo động trên đường phố, nơi công viên, chốn học đường hoặc trong xưởng thợ. Với những giai cấp, thành phần khác nhau nhưng cùng có chung một mục tiêu, họ tìm đến với nhau bằng những tấm lòng trong sáng và yêu thương, không vũ khí, không gậy gộc.

Tương tự như thế, chiến dịch cầu nguyện tại tòa Khâm Sứ cũ ở Hànội sau đó tràn vào Sàigòn của hàng ngàn giáo dân Công Giáo trong suốt thời gian qua, đã diễn ra trong một bầu khí thánh thiêng và ôn hòa tuyệt đối. Như đã nói: thử tưởng tưởng tượng một chiến dịch cầu nguyện như thế đồng loạt diễn ra tại khắp các nhà thờ Công Giáo thuộc 25 giáo phận trên toàn lãnh thổ, nhất là lại được sự hưởng ứng của hàng hàng lớp lớp những thành phần dân chúng trong các cộng đồng tín hữu thuộc các tôn giáo bạn như các hệ phái Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Sau các cuộc "Cách Mạng Da Cam", "Cách Mạng Nhung", lịch sử mai ngày hẳn sẽ nói tới một cuộc cách mạng khác ở Việt Nam: "Cách Mạng Bằng Lời Cầu Nguyện".
Dĩ nhiên, mọi thành công hay thất bại trên đời đều có những điều kiện đi kèm. Trong buổi nói chuyện với ông Nguyễn Văn Khanh, phái viên đài RFA hôm Thứ Sáu 25-01 vừa qua, khi được hỏi: liệu chiến dịch cầu nguyện của giáo dân hiện nay có khả năng đạt được kết quả mong muốn không, chúng tôi đã trả lời đại cương như sau:

"Chìa khóa sự thành công hiện nay trong tay các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam . Về phía người tín hữu, sự kiện họ nồng nhiệt hưởng ứng lời mời gọi của chủ chăn, tích cực tham gia đông đảo những buổi cầu nguyện đòi nhà cầm quyền cộng sản trả lại đất đai, tài sản của Giáo Hội, phục hồi công lý, nhân quyền và nhân phảm cho 84 triệu đồng bào trong nước, là một biểu chứng hùng hồn cho thấy tinh thần kỷ luật và thái độ vâng phục của họ. Vì thế, thành bại của chiến dịch cầu nguyện lúc này chỉ còn tùy thuộc nơi những thành phần có trách nhiệm trong Giáo Hội. Nếu tất cả đều rụ lại nơi lập trường chuyên nhất và dứt khoát của người cầm đầu Tổng giáo phận Hànội, cùng nhận chân được chủ trương hù dọa và sách lược mua chuộc, gây chia rẽ, "mềm nắn rắn buông" của nhà cầm quyền cộng sản, nhất là luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ "thọc gậy bánh xe"của những thứ "con thoi" không cần thiết trong nội bộ thì lo gì đại cuộc không thành công".

Vả chăng, khi cuộc vận động đấu tranh ôn hòa cho những mục tiêu cao cả là phục hồi quyền tự do dân chủ và nhân quyền nhân phẩm của dân tộc Việt Nam thì hẳn rằng nó đã vượt ra ngoài và lên trên những quyền lợi riêng của cá nhân để trở thành cuộc vận động đấu tranh chung của toàn dân, bao gồm mọi giai cấp, mọi thành phần, mọi tôn giáo, thì viễn ảnh một cuộc cách mạng dân tộc chắc chắn sẽ ở trong tầm tay của mọi người.

Trần Phong Vũ
Nam California, ngày 26-01-2008
----------------------------------------

[1] Ngay khi linh mục Lý bị bạo quyền cộng sản khủng bố, bị bắt, bị truy tố ra tòa, bị công an CS bịt miệng khiến dư luận quốc tế công phẫn, hàng giáo phẩm vẫn không có một tiếng nói.

[2] Trên nguyệt san DĐGD số Xuân Mậu Tý 2008 và trên Đàn Chim Việt các ngày 17/19-01-2008.

[3] Nếu không có phản ứng nào thì phong trào sẽ lây lan, không chỉ trên khắp các giáo phận Công Giáo từ Bắc chí Nam mà còn là một mời gọi tín đồ các tôn giáo khác có những hành vi tương tự. Trái lại, nếu phản ứng mạnh bằng vũ lực chắc chắn chỉ chuốc lấy những tai hại khó lường!

[4] Bài phỏng vấn này của ông JB Nguyễn Hữu Vinh được công bố trên nhiều trang lướI của các tổ chức Công Giáo.

[5] Chỉ vài ba năm sau khi miền Nam sụp đổ, khi giám mục Sang còn là linh mục đã được xuất ngoại và là người có nhiều liên hệ với nhà cầm quyền CS. Ông là một trong hai giám mục ngay lúc sinh tiền được trao tặng Huân Chương "cao quí" của nhà nước.

[6] Trong bài "Báo Động Tình Trạng Tôn Giáo Ở Việt Nam" công bố trên mạng lưới Đàn Chim Việt cuối năm 2007, tác giả Nguyễn văn Lục viết:

"Xin trích dẫn một cuốn sách của giám mục Nguyễn Văn Sang, một cuốn sách làm nhiều người Thiên Chúa giáo xấu hổ khi phải đọc. Biết làm sao, ở đâu cũng có người ngay lành và kẻ không ngay lành. Cuốn sách chỉ có hai mục đích: xưng tụng mình và tán tụng chế độ.

Sau này, trong cuốn băng thu lại buổi nói chuyện ở Thị Nghè về chuyến đi Roma. Lm Sang khoe là cả chuyến bay, chỉ có mình Lm là có thông hành ngoại giao. Chỉ mất 5 phút là khai báo xong mọi thủ tục. Từ Đức Giáo Hoàng, Hồng y ở Roma đều khen ông trẻ, năng động, khéo quá. Trong buổi khai mạc Hội nghị truyền giáo, Lm Sang kể lại lời phát biểu của Hồng y Rossi: "sau cùng ngài hướng về phía tôi nói: 'chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của giám mục Nguyễn Văn Sang'… Cả hội trường vỗ tay như pháo nổ, hoan hô và chào mừng những đứa con của giáo hội VN và của đất nước anh hùng vừa chiến thắng ngoại xâm" (trang 38-39).

Kể ông Hồng y này cũng thuộc bài nhanh thật, biết xử dụng chữ Đất nước anh hùng? Hay phải chăng chỉ là chữ nghĩa của Giám mục Nguyễn Văn Sang gán vào miệng ông Hồng y?

"Lm Nhật Bản thì khen tôi nói tiếng Pháp rõ ràng và hay lắm, lại nói được tiếng Anh, tiếng Đức.. Kem Ý ăn vừa ngon ngọt, vừa bổ khiến tôi đâm nghiện, không mấy ngày không ăn.. Thấy họ, tôi tiếc cho đời mình không có điều kiện để học hành kỹ càng đến nơi đến chốn… Song nhiều lần, tôi cũng tự an ủi mình và nói đùa với nhau: Chả gì ta cũng tốt nghiệp đại học nhân dân, 25 năm sống trong long dân tộc, dưới chế độ xã hội chủ nghiã, hỏi có bằng nào hơn không?" (Trang 61)

Thật là ngượng.
"Tôi gặp một anh lính nguỵ, tôi nảy ra ý định thử chàng lính ngụy một phen, bèn hỏi thẳng anh ta:
- Cậu đã ra Bắc học tập cải tạo, cậu thấy sự đạo ngoài đó ra sao?
Anh lính nhìn tôi một lúc rồi hăng hái nói:
- Hết trơn đạo rồi còn đâu, mấy ông Lm, bà phước vô khám hết trơn à. Nằm ở trại Hỏa lò suốt ba tháng trời, tôi hổng nghe tiếng chuông nhà thờ, chùa chiền gì hết.

Mấy ông Lm bụm môi cười không nổi. Còn tôi, cáu quá, muốn bạt tai anh lính ngụy mấy cái, vì dám đưa tin thất thiệt cả với "ông cụ đạo miền Bắc" chính cống đang đứng trước mặt hắn, xong tôi lại thương hại, chỉ vì hắn muốn xin ăn trong những ngày lang thang trên đất khách quê người, nên đành phải tung tin thất thiệt đó ra. Thôi cũng tha thứ cho những con người đáng thương đó".

Ai cần được tha thứ và ai đáng thương hơn ai?

"Tôi coi cuốn phim: Những chặng đường lịch sử… Nhưng hình ảnh cuối trong phim như làm tim tôi ngưng đập. Rõ ràng có cảnh tôi làm lễ và giảng lễ đêm sinh nhật năm 1972 ở nhà thờ Lớn Hà Nội.. Ôi, hình ảnh khiêm tốn của tôi được chọn để ghi vào những chặng đường lịch sử của Dân tộc, mà tôi có công lao gì đâu. Cuốn phim này cũng được chiếu rộng rãi trong cả nước, nên mọi người đều thấy tôi đêm đó mặc lễ phục trắng, thêu những bông huệ tười đẹp, và họ đến thăm tôi, ca ngợi..."

Đôi lời của người viết: Cuốn sách nói tới ở đây có tựa đề là "Hành Hương & Thăm Viếng" của GM F.X. Nguyễn Văn Sang cuốn 1 & 2 do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ở VN ấn hành. Để kiểm chứng, chúng tôi đã cố gắng tím bộ sách này và ban đầu không khỏi ngạc nhiên khi thấy có nhiều chi tiết được tác giả Nguyễn Văn Lục trích dẫn hơi khác hoặc không có, kể cả số trang cũng không ăn khớp. Mở tới trang cuối tôi mới vỡ lẽ: bộ sách tôi đang có trên tay được in lại ngày 01-6-2003 có ghi rõ là "sửa lại tại Thái Bình" trong khi ấn bản nguyên thủy in tại Hànội tháng 6-1983, tức là đúng 20 năm trước. Và như vậy có thể nhà văn NVL đã căn cứ vào ấn bản đầu.

Cũng xin trích vài chi tiết trong bộ mới đã sửa lại để rộng đường dư luận: "Tôi bước vào tòa Đại Sứ như bước vào mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc, nơi ấm áp tình thương của tất cả những người đồng bào ruột thịt" (trang 33 cuốn 1) "Cả hội trường vỗ tay như pháo nổ hoan hô và chào mừng những đứa con của Giáo Hội Việt Nam và của đất nước anh hùng" (trang 41 cuốn 1)

"Tôi cười nói với các Ngài một câu châm ngôn 'Sự gì có liên hệ cho sự đấu tranh cho con người, cho hạnh phúc phồn vinh của họ thì không xa lạ với đất nước chúng tôi" (trang 49 cuốn 1) "Thấy họ, tôi tiếc cho đời mình không có điều kiện để học hành kỹ càng đến nơi đến chốn một vấn đề, một ngoại ngữ, thì lấy bằng cấp này khác. Song nhiều lần tôi tự an ủi mình và nói đùa với nhau: 'Chả gì ta cũng đã tốt nghiệp Đại Học Nhân Dân, 25 năm sống trong lòng dân tộc, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hỏi có cái bằng nào hơn'" (trang 61 cuốn 1)

"Ngài nói tiếng Pháp rất trôi chảy…rất thích thú khi nghe tôi kể cho Ngài nghe về Việt Nam kháng chiến chống ngoại xâm" (trang 69 cuốn 1) "Thú thật đã lâu lắm tôi mới được một bữa ăn ngon miệng… trong ngôi nhà tượng trưng cho Tổ Quốc thân yêu… chung bàn với người đại diện Chính quyền VN yêu mến vừa chân thành vừa trân trọng…

Trong bữa ăn, Đại Sứ thân ái hỏi thăm tình hình bên nhà… Bước lên xe từ giã tòa nhà thân thiết tượng trưng cho Tổ Quốc mến yêu, tôi ra về, trong lòng cảm thấy lâng lâng". (trang 73/74 cuốn 1) "Tôi trả lời có ý đùa cô chiêu đãi viên: Đừng có căn cứ vào da vàng mũi thấp mà bảo ai cũng là người Nhật cả… Tôi là người Việt Nam, Việt Nam Điện Biên Phủ đây" (trang 122 cuốn 1)

"…trước khi tới Paris, tôi đã nghe nói các người Việt Nam ở đây thuộc nhiều thành phần, quan điểm chính trị rất khác nhau… tôi quyết định sẽ dè dặt trong việc tiếp xúc với họ…. hễ có ai gọi giây nói cứ bảo tôi đi vắng …, trừ bên tòa Đại Sứ Việt Nam.." (trang 126 cuốn 1) "Tôi rất xúc động vì đã nghe tên Đại Sứ là một nhân vật thế giá đại diện cho VN ở nước Pháp văn minh lịch sự này đã lâu, nay mới được gập mặt.

Đại Sứ rất lịch thiệp, dịu dàng mời tôi ngồi xuống cạnh ông trên divant, song tôi vẫn đứng nói mấy câu chào kính Đại Sứ và các vị trong tòa nhà tượng trưng cho đất nước anh hùng của tôi…" (trang 132 cuốn 1) "Xe điện ngầm ở Pháp có đã lâu đời không được tiện nghi sạch sẽ… Nghe nói ở Mátxcơva có tàu điện ngầm với những ga bến sang trọng, đẹp đẽ vào hạng nhất thế giới…" (trang 148 cuốn 1)

Và còn nhiều nhiều những chi tiết tương tự ở cuốn 1 cũng như cuốn 2 nhưng người viết không dám làm mất thêm thì giờ quí báu của độc giả.

[7] "Murder of a Polish Priest" của John Fox đăng trên tạp chí Reader's Digest tháng 12-1985. Tìm đọc phần chuyển ngữ trong chương XXVIII tác phẩm "Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại" của Trần Phong Vũ, do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành tháng 5-2005 và tái bản lần thứ nhất tháng 5-2006.