TỐNG CỰU NGHINH TÂN
Ông Bush ra đi – Ông Obama kế nhiệm
Chuyện đã qua và chuyện sắp tới
Sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng Thống Dân Chủ Barrack Obama ngày Thứ Ba 20-01-2009, ông George W. Bush, vị Tổng Thống HK thứ 43 thuộc đảng Cộng Hòa đã trở về tư thất ở Dallas bang Texas để khởi đầu nếp sống thường nhân của ông. Và lịch sử sau này sẽ phê phán những việc ông đã làm cho xứ sở này trong hai nhiệm kỳ 8 năm vừa qua.
Với ông Obama, sau chiến thắng vẻ vang trên đường tiến vào Nhà Trắng để trở thành vị Tổng Thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nhiều khó khăn đang mở ra trước mặt ông. Không phải chỉ là những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh gây ra, mà còn là những vấn đề nhức óc khác ông sẽ phải đương đầu. Lợi thế của ông là hiện đảng Dân Chủ đang kiểm soát cả hai viện Quốc Hội. Lợi thế khác của ông -dù mang tính tiêu cực- là, ít nữa về mặt kinh tế tài chánh, cùng với thế giới ông kế thừa một tình trạng suy thoái đến tận đáy (theo kiểu nói VN: cạn ao bèo đến đất), để rồi dù có phục hồi được ít hay nhiều vẫn có thể được coi là thành thích của nhiệm kỳ đầu ở cương vị TT của ông. Nhưng không phải vì thế mà ông có thể tháo gỡ dễ dàng được những nan đề trước mặt.
Đứng trên cương vị những công dân có niềm tin Kitô giáo, chúng ta thử duyệt lại cách khái quát quan điểm, lập trường của cựu Tổng Thống George W. Bush, những việc ông đã làm và những di sản ông để lại nhằm bảo vệ và củng cố nếp sống tinh thần cho người dân Hiệp Chủng Quốc, và trên bình diện cao hơn là cho cộng đồng nhân loại. Xuyên qua những lời tuyên bố quá độ trong thời gian tranh cử của liên danh Obama - Biden, nhất là những chuyển động tại quốc hội mà đảng Dân chủ đang ở thế thượng phong cùng với đường lối, chính sách đã và đang được phác họa trước và sau ngày 20-01-2009 giúp chúng ta thấy gì để hy vọng và âu lo trong 4 năm cầm quyền sắp tới của tân Tổng Thống Barrack Obama?
Tám năm cầm quyền của TT Bush:
Trái với ông Bill Clinton, ông George W. Bush không phải là vị Tổng Thống may mắn. Cái không may đầu tiên của ông là ông đã thay thế một người tiền nhiệm gặp quá nhiều vận hên. Sự thịnh vượng và ổn định của nước Mỹ trong hai nhiệm kỳ của ông Clinton không hoàn toàn do tài kinh bang tế thế của ông mà là do ảnh hưởng giây chuyền của tình hình thế giới sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ.
Khi ông Bush lên kế nhiệm ông Clinton, nước Mỹ bắt đầu đi vào một chu kỳ khác. Chu kỳ suy thoái chung trên toàn thế giới. Trong thời gian ấy lại phải liên tiếp đương đầu với hai cuộc chiến: cuộc chiến A Phú Hãn, cuộc chiến Iraq và vụ khủng bố 9-11. Cạnh đó là những cuộc đối đầu dai dẳng với Iran, Bắc Hàn và cuối nhiệm kỳ 2 là cuộc khủng hoảng tài chánh mang tính toàn cầu, trong đó vô hình chung, Mỹ Quốc trở thành kẻ đứng mũi chịu sào.
Trong bài diễn văn cuối cùng từ giã nhân dân Mỹ quốc, ông Bush đã khiêm tốn nhìn nhận những khó khăn của đất nước và chân thành cầu chúc cho người kế nhiệm của ông thành công trong sứ mạng điều khiển con thuyền quốc gia. Ông có những lý do chính đáng để công khai lên tiếng bảo vệ những thành quả mà guồng máy chính quyền do ông lãnh đạo đã ghi được trong 8 năm ở ngôi vị người cầm đầu cơ quan hành pháp tối cao của Mỹ quốc. Đối với tình trạng suy thoái chung, kể cả những khuyết điểm và nhược điểm, thì cá nhân ông Bush –bao gồm cả đảng Cộng Hòa của ông-, phải gánh chịu do định luật: trăm dâu đổ đầu tằm!
Tuy vậy, một cách khách quan, không ai có thể phủ nhận được công lao của cựu TT George W. Bush trong việc bảo vệ an ninh cho xứ sớ này mà những ám ảnh, những đe dọa thường xuyên sau vụ khủng bố 9-11 khiến cho người dân không khỏi âu lo, sợ hãi. Thực tế là đã không có một cuộc khủng bố nào xảy ra trên toàn nước Mỹ trong những năm qua như nhiều người dự đoán sau vụ 9-11. Ông Bush cũng là người quan tâm nhiều tới lãnh vực giáo dục. "No child left behind" –không trẻ em nao bị bỏ bê- đã trở thành phương châm cho chính sách giáo dục của chính quyền Bush trong hai nhiệm kỳ vừa qua.
Riêng về mặt tinh thần, tâm linh, trong suốt 8 năm cầm quyền, cựu Tổng Thống George W. Bush luôn trung thành với những chuẩn mức về luân lý, đạo đức đã được lưu truyền trong suốt chiều dài hơn hai trăm năm dựng nước. Chính ông đã góp phần tích cực vào việc giới hạn phần nào tệ trạng sát hại thai nhi trên đất tnước này qua những quyết định can đảm, bất chấp sự chống đối của dư luận do xu thế thời thượng thích chạy theo lối sống buông thả, vô luân của con người, nhất là giới trẻ, hôm nay.
Cho dù là một người sống đạo theo truyền thống Tin Lành, nhưng cựu TT George W. Bush luôn tỏ ra gần gũi với Giáo hội Công giáo. Trong hai nhiệm kỳ làm chủ nhân tòa Nhà Trắng, rất nhiều lần ông đã gặp gỡ và tham khảo ý kiến trực tiếp với cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI và công khai chia sẻ với các ngài về quan niệm đạo đức, bảo vệ sự sống của con người, đặc biệt trong những lần người cầm đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ viếng thăm Hiệp Chủng Quốc.
Vào những ngày cuối cùng trước khi chuyển giao quyền hành cho tân Tổng Thống Barrack Obama, ông Bush đã công khai biểu tỏ một cử chỉ cao đẹp và đầy ý nghĩa. Bản tin ngày 13-01-2009 của hãng Thông Tấn Công Giáo CAN cho hay, một tuần trước khi giã từ Nhà Trắng trở lại đời sống thường nhân, ông George W, Bush vị Tổng Thống thứ 43 của HK đã chính thức chọn ngày 16-01 hàng năm làm NGÀY TỰ DO TÔN GIÁO và coi đấy như biểu tượng cho nếp sống tinh thần của người dân Hiệp Chủng Quốc. Dịp này ông đã nhắc lại ý nghĩa lịch sử của Nghị Quyết Virginia năm 1786 về Tự Do Tôn Giáo cũng như Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhằm bảo đảm cho mọi công dân được thọ hưởng quyền lựa chọn tín ngưỡng mà mình tin theo, bên cạnh những nhân quyền cơ bản khác.
Nhắc lại tình cảnh khốn cùng của những nạn nhân từng phải sống lưu vong vì chính sách kỳ thị tôn giáo trong quá khứ đã tìm đến với nước Mỹ, vị Tổng Thống thứ 43 nhấn mạnh tới truyền thống yêu chuộng tự do của thế hệ cha ông đã gầy dựng nên Hiệp Chủng Quốc. Ông nói: Nhân dân Hoa Kỳ luôn sát cánh và là bạn của những người bị áp chế vì bất đồng về lý do tôn giáo cũng như hết thảy những ai có niềm tin trên toàn thế giới, nhất là những ai chỉ vì muốn bảo vệ niềm tin mà phải sống kiếp lưu vong. Ông nhấn mạnh: "Tự do không thể được coi như một thứ ân huệ do nhà nước ban phát, cũng không phải là một thứ quyền lợi chỉ dành riêng cho người dân Mỹ quốc. Hơn thế, tự do là quyền năng tiên thiên của mỗi cá nhân, không phân biệt phái tính hay trẻ già, dành cho tất cả mọi con người trên mặt đất, trong đó quyền được tự do tôn giáo là quyền năng quan trọng nhất".
Lên tiếng về sự kiện này, Đức Cha Charles Chaput Tổng Giám Mục Denver cho rằng Tổng Thống Bush đã thâm cảm được uớc nguyện sâu xa của mọi tầng lớp tín hữu khi công bố ngày 16 tháng 1, 2009 là Ngày Tự Do Tôn Giáo. Ngài cầu mong tất cả những vị kế nhiệm ông cũng sẽ dành cho tự do tôn giáo một sự trân trọng và sự bảo đảm như thế.
Tân TT Barrack Obama và những nan đề trước mặt
Xét chung, tuyệt đại đa số người dân Mỹ cho rằng vấn đề lớn nhất vị Tổng thống thứ 44 phải quan tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông là vấn đề kinh tế. Quả vậy, cuộc khủng hoảng tài chánh dẫn tới tình trạng phá sản của hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, địa ốc, kỹ nghệ xe hơi, kéo theo con số thất nghiệp ngày càng tăng tốc đến mức báo động, đã đặt ra cho chính quyền mới do ông Barrack Obama lãnh đạo trách nhiệm bằng mọi cách phải vực dậy nền kinh tế đang trên bờ vực thẳm hiện nay.
Phải nói ngay rằng chính vì điều này mà ông Obama, một người Mỹ da màu đầu tiên được vinh dự bước vào tòa Nhà Trắng. Nói cách khác, chính vì khẩu hiệu "THAY ĐỔI" (CHANGE) của ứng cử viên đảng Dân chủ đưa ra trong suốt thời gian vận động tranh cử khiến người dân Mỹ nghĩ rằng ông sẽ có cây đũa thần đem lại cơm ăn áo mặc cho họ và vì thế đã dồn phiếu cho ông.
Nhưng, sau khi đắc cử, xuyên qua đường lối, chính sách và cung cách chọn lựa, sắp xếp nhân sự của tân TT Barrack Obama, nhất là trong khóa họp Quốc Hội vừa qua, một Đạo Luật Tự Do Lựa Chọn (Phá Thai) (viết tắt là FOCA) đã được giới thiệu, người ta có cảm tưởng: đảng Dân Chủ và trực tiếp là tập thể lãnh đạo bộ phận hành pháp tối cao của nước Mỹ trong 4 năm tới, được sự yểm trợ của khổi dân cử chiếm đa số ở Quốc hội, nghĩ rằng 53% cử tri dồn phiếu cho ông Obama biểu thị một cuộc trưng cầu dân ý về một chuyện gì khác hơn là chuyện thay đổi thiết thực liên quan tới vấn đề cơm ăn, áo mặc.
Nói trắng ra là tuồng như người ta cố tình gán cho kết quả cuộc bầu cử ngày 04-11-2008 ý nghĩa của một cuộc trưng cầu mang màu sắc ý thức hệ nhằm hủy diệt nền văn minh sự sống núp dưới chiêu bài tôn trọng điều gọi là Quyền Tự Do Lựa Chọn, bất chấp những hệ quả man rợ của luật này xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con người, cụ thể là phẩm giá của người phụ nữ và quyền được sinh ra, được làm người của hàng triệu thai nhi hàng năm.
Cảm tưởng trên đây đã bộc bạch công khai trong Bản Tuyên Ngôn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sau hội nghị mùa thu, được Hồng Y Chủ Tịch Francis George công bố hôm 12-11 vừa qua.
Sau khi chào mừng và mong đợi làm việc với tân Tổng Thống Barrak Obama cùng các vị dân cử của Quốc Hội mới vì lợi ích chung của mọi người, Tuyên Ngôn của các Giám Mục Công Giáo Mỹ đã vạch rõ những hệ quả khốc hại một khi đạo luật về Tự Do Lựa Chọn được thông qua[1], các Giám Mục nhận định:
"Phá thai là một thủ tục y khoa giết người, và những hậu quả tâm lý và tinh thần khắc sâu trong nỗi ưu phiền và trầm cảm của nhiều người, cả nữ lẫn nam. Các giám mục đều đồng tâm, bởi vì trên hết, các ngài phải ngay thẳng.
Cuộc bầu cử mới đây đã được quyết định chính yếu do mối quan tâm về kinh tế, lo lắng mất việc làm và nhà ở cũng như an ninh tài chánh cho các gia đình, ở đây và khắp thế giới. Nếu cuộc bầu cử bị xuyên tạc về ý thức hệ xem như đó là một cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự đoàn kết mà Tổng Thống vừa đắc cử và tất cả mọi người Mỹ mong muốn vào giai đoạn khủng hoảng này sẽ không thể nào đạt được. Sự phá thai không những giết chết những em bé chưa sinh ra; nó còn phá hủy trật tự hiến pháp và thiện ích chung, chỉ được đảm bảo khi nào sự sống của mỗi con người được luật pháp bảo vệ. Những chính sách ủng hộ phá thai, những mệnh lệnh hành pháp và lập pháp sẽ thường xuyên hung hăng gạt ra ngoài xã hội hàng chục triệu người Mỹ, và nhiều người coi đó như một sự xâm phạm quyền tự do hành đạo của họ".
Trước khi kết thúc, bản tuyên ngôn viết:
"Chúng tôi cầu nguyện cho Tổng Thống đắc cử Obama và gia đình của ông cùng những ai đang cộng tác với ông để đảm bảo một sự chuyển tiếp êm thắm trong chính quyền. Nhiều vấn đề cần được sự chú ý lập tức bởi "người canh gác" của chúng ta vừa đắc cử (TV 127). Xin Chúa chúc lành cho Tổng Thống và quốc gia chúng ta".
Bài này được viết tới dòng cuối khi tân TT Barrack Obama vừa kết thúc ngày làm việc thứ nhất của ông vớI tư cách người cầm đầu cơ quan hành pháp tối cao của nước Mỹ. Duyệt qua nội dung bài diễn văn ông Obama đọc sau khi tuyên thệ nhậm chức lúc 12 giờ trưa hôm Thứ Ba 20-01-2009 (giờ HTĐ), người ta thấy hơn một lần ông đã đề cập tới Kinh Thánh.
Ông nói:
"Chúng ta vẫn là một quốc gia non trẻ, nhưng như Kinh Thánh nói, đã tới lúc bỏ sang một bên những điều nông nổi. Đã đến lúc tái xác nhận tinh thần kiên nhẫn của chúng ta, nhằm chọn lựa một lịch sử tốt đẹp hơn, nhằm hướng tới món quà quý giá, ý tưởng cao đẹp vốn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc".
Một câu hỏi được đặt ra là tân TT Barrack Obama có thật sự tin khi ông nhắc lại nhưng tư tưởng cao đẹp hàm ẩn trong Lời Chúa về những quyền năng thiêng liêng mà con người có quyền được hưởng hay không? Và khi nhấn mạnh hai chữ mọi người ông có bao hàm luôn cả những thai nhi còn nằm trong lòng mẹ không?
Ở một đoạn khác trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách vị Tổng Thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc, ông tuyên bố:
"Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội, thì các người hãy nghe đây: tinh thần của chúng ta mạnh hơn của các người, các người không thể bẻ gãy ý chí của chúng ta, các người không thể tồn tại lâu hơn chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các người".
Ai cũng hiểu rằng lời cảnh cáo trên đây của tân Tổng Thống Mỹ Barrack Obama nhắm vào những thế lực chủ trương khủng bố sát hại người vô tộI, để từ đấy, nhân danh sức mạnh và lòng dũng cảm của người dân Hiệp Chủng Quốc, ông xác định ý chí kiên trì, sắt thép, không khoan nhượng của một siêu cường hàng đầu quyết thắng kẻ thù. Điều người ta tự hỏi là không hiểu trong đáy thẳm tâm tư, ông có cảm nhận rằng kẻ khủng bố, kẻ giết người vô tội không chỉ là những thế lực cuồng tín từng sản sinh ra những tên liều mạng ôm bom tự sát, những gã phi công điên cuồng, mù quáng đã lao phản lực cơ vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ năm trước, gây nên những cái chết thảm khốc cho hàng ngàn thường dân vô tội?!!!… hay còn là những bàn tay đồ tể được che phủ dưới những tấm áo trắng trong các bệnh viện phá thai, để từng phút từng giây lấy đi hơi thở và sự sống của hàng trăm ngàn trẻ thơ, không cho chúng được thấy ánh sáng mặt trời?!!!
Lên tiếng gần đây, đức Hồng Y Laghi nói:
"Người ta phải đợi xem ông ta hành động liên quan như thế nào đến việc quan tâm đối với những cam kết căn bản – điều mà đối với chúng ta vô cùng quan trọng – để bảo vệ con người và sự sống thiêng liêng của con người từ lúc thụ thai cho đến lúc nằm yên trong lòng mộ."
Là những tín hữu luôn trung thành với giáo huấn của Giáo hội Công giáo, mỗi người chúng ta hãy kiên tâm chờ đợi và đừng quên sức mạnh của Lời Cầu Nguyện cùng Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng trao ban Sự Sống.
[1] Mời đọc lại nguyên văn Tuyên Ngôn đăng trên nguyệt san DĐGD số kép 85-86 phát hành tháng 12-2008/01-2009 nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu.