Nhân mùa Chay thánh:
SUY NGHĨ VỀ ĐỨC BÁC ÁI CÔNG GIÁO
Trần Phong Vũ
* Chúa Giêsu dạy: "nếu bị ai vả má phải hãy giơ cả má trái… ai muốn lấy áo ngoài hãy để cho lấy cả áo trong… hãy yêu kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em"
* Lời Chúa trên đây ứng dụng vào trường hợp kẻ bị bạo hành, trấn lột là chính tôi.
* Nhưng khi người bị bạo hành, trấn lột không phải là tôi, mà là người khác, là bà con, anh em, đồng bào tôi, mà tôi có thái độ khiếp nhược, thụ động 'cháy nhà hàng xóm bình chân như vại' thì vô hình chung tôi đã phản lại Tin Mừng, đi ngược tinh thần bác ái CG.
* Một vài suy tư chân thật và rốt ráo về những hiện tượng phản chứng đang xảy ra trong lòng Giáo hộI Việt nam, ngay cả trong hàng ngũ những Đấng-Bậc làm Thày.
ĐẶT VẤN ĐỀ:
Cốt lõi của đạo Công giáo là đức Bác Ái, nói nôm na là lòng Yêu Thương giũa người và người. Nó là một vế sóng đôi với vế thứ nhất là Mến Chúa. Nếu sự hiểu biết của chúng tôi không sai thì đức từ bi cũng sắm một vị trí quan trọng trong nhà Phật.
Còn nhớ trong một bài viết mang tiêu đề "Tôi Là Phật Tử Theo Cách Riêng Của Tôi", nhà văn nữ Dương Thu Hương đã công khai bày tỏ thái độ không đồng tình với cung cách hành sử đức Từ Bi của tuyệt đại đa số người Phật tử. Theo bà, muốn hành sử đúng đắn đức Từ Bi, không thể chỉ bằng vào những cảm ứng của trái tim mà còn phải cầu viện tới sự soi sáng của trí tuệ và phải biểu lộ ra bằng hành động chống lại sự ác. Là người không cùng tôn giáo với bà, tôi không dám đi xa hơn.
Có điều tôi phải cám ơn nhà văn nữ này. Chính nhờ những suy tư của bà trong bài viết trên đây đã giúp tôi hiểu thêm được tính đa diện, thâm thúy và những khúc mắc cần được soi sáng hàm ngụ bên trong từ Bác Ái của đạo Công giáo, mà vì có những người, hoặc vô tình hay hữu ý hiểu sai, đã dẫn tới không ít những hệ lụy trong lòng Giáo hội của tôi hôm nay. Từ đấy, nó đã gây ra nhiều tranh cải chỉ vì cách hiểu và ứng dụng đức Bác Ái thiếu rạch ròi, quân bình, sáng suốt và khôn ngoan tối thiểu trong đám đông quần chúng tín hữu Công giáo, trong đó không loại trừ hàng Giáo phẩm.
KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ ĐỨC BÁC ÁI
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thày, Thày bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài…(Mt. 5 – 38.40).
Cũng trong đoạn 5 từ câu 43 đến câu 45, Thánh Sử Matthêu còn ghi lại lời Chúa như sau:
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Còn Thày, Thày bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính…"
Những lời răn dạy trên đây của Chúa Giêsu đã nói lên trọn vẹn tính nhưng không, bao la, không biên giới của đức Bác Ái Công giáo. Tình cảm và thái độ tỏ bày lòng yêu thương ở đây đã vượt lên trên và ra khỏi những tương quan bình thường, giữa những kẻ nếu không phải là người thân kẻ thuộc thì cũng là những người không làm điều gì ác với mình… để vượt lên trên và vươn tới cả những kẻ thù nghịch từng có những hành vi ngược đãi mình.
Trong một dịp khác, đáp lại câu hỏi của Thánh Phêrô là phải tha thứ bao nhiêu lần, bảy lần chăng?, Chúa Giêsu nói: Phải tha thứ không chỉ bảy lần…mà tha thứ bảy mươi bảy lần bảy". Ý Chúa muốn nói là phải tha thứ nhưng không, mãi mãi, vô điều kiện.
Ngoài ra, Đức Giêsu còn dạy về lòng bác ái tích cực qua dụ ngôn "Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó" (Lc 16,19-31). Ông phú hộ này đã bị phạt trầm luân không phải vì đã đối xử tàn ác với kẻ ăn mày nhưng chỉ vì đã dửng dưng trước nỗi khổ của anh ta. Dụ ngôn này minh họa cho lời phán quyết của Thiên Chúa -vốn cũng nằm trong một dụ ngôn khác: "Cuộc phán xét chung" (Mt 26,31-46)- đối với những kẻ ác trong ngày chung thẩm: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời... vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom" (Mt 25,41-43). Rõ ràng ở đây, lý do để bị kết án cũng chính là những việc đã phải làm mà không làm, nói cách khác là chính thái độ dửng dưng trước mọi đau khổ của tha nhân.
PHẢI HIỂU THẾ NÀO VỀ LỜI DẠY BẢO CỦA CHÚA GIÊSU?
Vì lòng kiêu căng, đố kỵ và những yếu đuối của con người bình thường, không ai có thể tự hào là đã thể nghiệm được cách sống bác ái, khiêm tốn, thứ tha tròn đầy như lời Chúa dạy trên đây trong khi thể nghiệm mối liên hệ giữa người với người trong xã hội. -một xã hội phức tạp, trong đó bao gồm đủ mọi hạng người, kẻ làm ơn cho ta cũng như người gây oán cho ta-. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận giá trị hàm ngụ trong Phúc âm. Nói cách khác, Lời Chúa trên đây phải luôn mãi là đèn soi, đuốc sáng cho mỗi người tín hữu noi theo trên bước đường theo chân Chúa.
Nhà văn nữ Dương Thu Hương có những lý do riêng của bà để nói về sự cần thiết của trí tuệ trong cách hành sử lòng từ bi của người Phật tử. Phần chúng tôi, người viết những giòng này, sẽ không viện dẫn câu Kinh Thánh "Hãy hiền lành như con bồ câu; nhưng cũng hãy khôn ngoan như con rắn" để làm lý chứng bác khước quan điểm, thái độ và cách hành xử tinh thần bác ái nặng về cảm tính và mang tính tiêu cực, thụ động hiện đang rất phổ biến trong lòng Giáo hội tôi lâu nay. Dứt khoát sự khôn ngoan của con cái loài người ở đây không có chỗ đứng, dù rằng sự khôn ngoan ấy cũng từ Thiên Chúa mà có, và trong rất nhiều cảnh huống con người không những cần mà còn phải dùng tới. Chúng tôi muốn được nhìn thẳng vào ý nghĩa đích thực của từ bác ái để nói lên những suy tư có thể rất cạn cợt của mình về yếu tính lời chỉ dạy của Chúa Giêsu khi nhắc nhở những kẻ theo ngài phải thể nghiệm tinh thần yêu thương, tha thứ tuyệt đối với tha nhân –kể cả tha nhân là kẻ thù-, bằng hình ảnh ví von cụ thể, quá độ là: khi bị tát má phải hảy giơ má trái cho họ tát, cũng như khi bị kiện để: lột áo ngoài thì hãy cho luôn cả áo trong.
Đối tượng lời dạy bảo của Chúa Giêsu theo Thánh Sử Matthêu, trực tiếp là mười hai tông đồ, và gián tiếp là tất cả những ai đã chọn bước theo chân ngài. (Tuy nói chung, nhưng cũng như mọi dịp khác, ngài như nói riêng với từng người).
Nói cách khác, lời dạy của Chúa Giêsu nhắm vào cá vị mỗi đối tượng mà ngài trao đổi, ngài nói với, tức là Ngôi Thứ Hai, là các tông đồ, là anh, là chị, là em, là chúng ta…."Thày bảo anh em", chứ không phải là tha nhân, là người khác, (người khác đối với các tông đồ, đối với tôi, với anh, với em, với chúng ta), được hiểu là Ngôi Thứ Ba.
Phân biệt rành rẽ, rạch ròi, khúc chiết như vậy, chúng ta thấy: cho dẫu cá nhân tôi (hoặc anh, hoặc chị, hoặc em) bị xúc phạm như bị tát má trái (hiểu rộng là bị lăng nhục, bị bạo hành, đánh đập, kìm kẹp, tù đày…) hoặc bị kiện để lột áo ngoài (hiểu rộng là bị cưỡng chế, cướp bóc, trấn lột tiền bạc, đất đai, tài sản), thì vì lòng bác ái, vị tha của con cái Chúa, tôi phải có thái độ hiền lành, khiêm nhường, bao dung, tha thứ, và dứt khoát không có hành vi đáp trả kiểu: răng đền răng, mắt đền mắt.
Điều Chúa Giêsu không hoặc chưa nói tới ở đây theo trình thuật kể trên của Thánh sử Matthêu là ngưòi bị tát má trái… hoặc kẻ bị lột áo ngoài… không phải là các tông đồ hay là anh, là chị, là tôi… tức là những người Chúa trực tiếp muốn răn dạy, mà là những nạn nhân khác, ngoài tôi: là Ngôi Vị Thư Ba, là thân nhân, anh em, hàng xóm, đồng bào của tôi, của anh, của chị, của em…. (Xin đọc thêm những tư tưởng hàm ngụ của Chúa Giêsu trong Phúc âm khi ngài nói tới sự thưởng phạt trong ngày cánh chung).
Từ suy diễn kể trên, một câu hỏi khác được đặt ra: trường hợp kẻ "bị tát" "bị kiện để lấy áo ngoài" không phải là "tôi" mà là người khác (tha nhân), là anh chị em, là đồng bào, đồng loại của tôi thì tôi sẽ phải phản ứng ra sao cho phù hợp với đức Bác Ái của Con Cái Chúa?
Để có câu trả lời rốt ráo chúng ta cần nhớ lại hai dụ ngôn "Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó" và "Cuộc phán xét chung", qua đó, Chúa Giêsu còn dạy phải có hành vi tích cực để cứu giúp những ai lâm vào bất cứ những cảnh khốn cùng nào, từ nghèo đói cơm ăn áo mặc đến nghèo đói nhân phẩm tự do, từ nạn nhân của thiên tai đến nạn nhân của nhân tai, bởi lẽ như lời một tác giả tu đức nổi tiếng: "Đối nghịch với bác ái là dửng dưng chứ không phải là thù hận".
Vậy liệu tôi có thể nhắm mắt, bưng tai, bóp chết lương tri, khoanh tay đứng nhìn người khác đang là nạn nhân của bất công, của cường quyền, bạo lực bằng cách viện dẫn hoặc tránh né những Lời Chúa trong những dịp khác nhau kể trên? Lương tri của một loài thụ tạo linh ư vạn vật và tâm tình bác ái, vị tha của Con Cái Chúa có cho phép tôi có thái độ "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" hay không?
Như thế, tôi sẽ phải phản ứng ra sao cho phù hợp?
Hàm ẩn trong câu hỏi đã có câu trả lời.
(Tưởng cũng cần mở dấu ngoặc để nói thêm là phản ứng để khỏi mang tiếng là kẻ bàng quan, vô cảm và để sống theo tinh thần bác ái của con cái Chúa không hề có nghĩa là lúc nào cũng phải dùng bạo lực mà còn bằng những phương tiện ôn hòa, bất bạo động tương tự như những gì các linh mục Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải đã và đang hành sử lâu nay trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo. Hẳn nhiên, về đòi buộc yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, kẻ ác đã làm hại mình cũng không thể chỉ tỏ bày theo lối thụ động bằng cách im lặng, khiến đương sự tiếp tục dấn sâu vào con đường lầm lạc, vì như thế là có lỗi với đức ái của con cái Chúa. Trong trường hợp này, sự lên tiếng phản kháng hoặc chống lại, mang ý nghĩa tích cực là nhân danh tình yêu thương cả kẻ thù, can ngăn họ đừng tiếp tục có hành vi tội ác, tích cực hơn, về phương diện truyền giáo, để mở đường cho họ ăn năn, xám hối để trở về với Chúa).
NHỮNG THỰC TẾ ĐAU LÒNG TRONG GHCGVN HÔM NAY
Phải can đảm, thẳng thắn và thành thực nhìn nhận rằng có không ít tín hữu Công giáo, ở trong cũng như ngoài nước, vì vô tình hoặc cố ý, đang nhân danh đức bác ái mà chúng tôi mạo muội mệnh danh là đức bác ái "mù lòa" để khỏa lấp, để che đậy, biện minh cho những hành vi, thái độ nhu nhược, xúc phạm trầm trọng tới cốt lõi của niềm tin Kitô, thậm chí cả tinh thần bác ái theo nghĩa đích thực, tinh ròng của từ này!
Ta phải yêu thương kẻ thù, bao gồm cả kẻ thù CS, như Lời Chúa dạy, khi hậu quả những hành vi tạo nên oán thù chỉ gây hại cho bản thân ta. Nhưng khi những hành vi ấy tác động tới sự an nguy của đám đông, của đồng bào, của quốc gia, dân tộc –thậm chí của Giáo hội, của niềm tin- thì cũng vì yêu thương ta phải hành sử cách khác. Một mặt để ngăn ngừa sự tác hại lan rộng, mặt khác để cho kẻ thù khỏi dấn sâu thêm vào con đường lầm lạc. Điều sau này giúp thể nghiệm lòng yêu thương kẻ thù một cách thiết thực hơn là lôi kéo họ ra khỏi sai lầm, ra khỏi tội ác, ra khỏi nguy cơ trầm luân hỏa ngục.
Nhưng thực tế thì vô số Kitô hữu vẫn không làm như vậy. Vì bị mua chuộc, bị hủ hóa? Vì muốn yên thân? Vì nuối tiếc địa vị được 'ăn trên ngồi trước', những cảnh giàu sang, lợi lộc đang được hưởng? Vì đã trót bán mình, bán linh hồn cho những thế lực trần gian? -Ai biết?
Làm sao hiểu được thái độ im lặng của những Đấng-Bậc Làm Thày trong Giáo hội trước tình trạng băng hoại trầm trọng của xã hội Việt Nam ngày nay? Căn nguyên nào và những ai là thủ phạm đã xô đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào những thảm trạng: thối nát, tham nhũng (điển hình như vụ PMU 18), sa đọa, bạo hành, con số thanh thiếu niên hút xách, nghiện ngập, nhiễm HIV, chết vì bệnh liệt kháng ngày càng gia tăng đến mức báo động kèm theo tệ trạng phá thai thả giàn trên đất nước chúng ta hiện nay, đến nỗi thế giới và cả không ít những thành phần cốt cán trong đảng CS sau khi phản tỉnh, đã phải lên tiếng?
Thử nhìn vào những trường hợp điển hình đã và đang gây nhức nhối trong lòng Giáo Hội và Xã Hội Việt Nam gần đây.
A.- Trường hợp đảng và nhà nước CSVN trắng trợn xuống tay đàn áp các tín đồ và các giáo sĩ thuộc Giáo hội Tin Lành Menonite ở Tây nguyên và ngay tại Sàigòn.
B.- Trường hợp các tín đồ Phật giáo Hòa hảo, Cao đài, các cao tăng Phật giáo VNTN như các hòa thương Huyền Quang, Quảng Độ bị giam cầm, quản chế, khủng bố.
C.- Trường hợp những thành phần đấu tranh bất bạo động cho lý tưởng tự do, dân chủ, cho nhân quyền, nhân phảm trên quê hương hiện đang bị bạo quyền Hànội đàn áp một cách thô bạo. Cụ thể là các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã bị công an nhà nước bắt giam ngày 06-3 và tiếp đó kỹ sư Đỗ Nam Hải bị nhà chế độ bất nhân dùng dòn tình cảm gia đình để không chế anh tạm thời hòa hoãn với bạo quyền.
D.- Trường hợp giới lao động nghèo khổ bị bóc lột khiến nổ ra hàng trăm cuộc đình công với sự tham dự của cả trăm ngàn công nhân ở Sàigòn, Gia Định và khắp nơi trên lãnh thổ trong vài năm qua nhưng đã bị nhà nước ếm nhẹm, không giải quyết lại còn tiếp tay với tư bản ngoại quốc đạp họ xuống đất đen!
E.- Trường hợp hàng trăm, hàng ngàn dân oan từ khắp ba miền đất nước lũ lượt kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hànội để khiều kiện và đã bị công an nhà nước xua đuổi, đánh đập tàn nhẫn trong những ngày đầu năm âm lịch, nhất là trong dịp có hội nghị APEC vừa qua.
Những trường hợp oan khốc trên đây không rõ các Giám Mục ở trong nước có âm thầm can thiệp với giới hữu quyền của chế độ không, nhưng thực tế cá nhân người viết chưa hề nghe nói tới một phản ứng cụ thể nào từ phía các ngài.
Theo trình thuật của Thánh sử Luca, đoạn 4, câu 18-19, sau khi kết thúc 40 ngày chay tịnh, khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu bước vào Hội đường Do thái, mở sách Tiên tri Isaia, gặp đoạn Tin Mừng sau đây: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…"
Đọc xong, Chúa Giêsu gấp sách lại, nghiêm trang nhìn mọi người và nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe"
Đấy là giáo lý Yêu Thương, là con đường cứu độ của Chúa Giêsu, hàm ẩn một cách tích cực trong đức Bác Ái Công giáo. Và đấy cũng là tư tưởng dẫn đạo, là lộ trình cho mục tiêu và sứ vụ hàng đầu của GHCG hoàn vũ trong cuộc lữ hành trần thế.
Chẵn 20 thế kỷ, cho dẫu đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách trong khi bước theo chân Chúa Giêsu, Giáo hội Công giáo vẫn hãnh diện và minh nhiên tự nhận là Giáo hội của người nghèo, của kẻ bị cô thế, áp bức, tù đày. Và trong kho tàng giáo huấn vốn bám rễ sâu xa trong Kinh Thánh và Phúc Âm, GHCG hoàn vũ luôn qui chiếu mọi lời giảng dạy vào những hành vi, cử chỉ, lời nói và những nẻo đường của Ngôi Hai Thiên Chúa, kể từ giây phút ngài khởi đầu cuộc sống công khai cho tới khi chấp nhận khổ hình thập giá để hoàn thành chương trình cứu độ.
Từ những suy nghĩ kể trên, liên tưởng tới sự im lặng đến khó hiểu của hàng Giáo phẩm Việt Nam lâu nay trước nỗi bất hạnh của hơn 80 triệu đồng bào, cụ thể là những giáo đồ, giáo sĩ, tăng sĩ thuộc các tôn giáo bạn đã và đang bị bách hại bởi tập đoàn thống trị cộng sản độc tài, độc đảng, vô tôn giáo, cùng với những giáo sĩ và bằng hữu thân sơ chia sẻ chung một tâm thức, người viết những giòng này không khỏi thắc mắc, âu lo.
Trở về với những biến cố liên hệ trực tiếp tới người và việc trong lòng Giáo hội quê nhà, chúng ta thấy nổi bật lên hai biến cố mang tính thời sự lớn sau đây.
A.- Thứ nhất là vào đúng ngày mồng một Tết Đinh Hợi vừa qua, hàng trăm công an vũ trang nhà nước đã tới bao vây tòa TGM Huế nơi linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đang bị "quản chế tại gia". Sau một tuần biến cơ sở tôn giáo của tổng Giáo phận Huế thành một thứ nhà tù giam giữ linh mục Lý, công an đã bắt ngài đưa về đồn thẩm vấn và sau đó đã đày ải người mục tử này tại giáo họ Bến Củi, nơi cách xa cố đô ngót 30 cây số. Từ đấy đến nay, Giáo đường này cũng mặc nhiên bị nhà nước cộng sản coi là một thứ nhà tù để giam giữ phạm nhân của họ!
B.- Biến cố thứ hai là Thánh tượng Pietà ở Đồng Đinh, Nho Quan, Phát Diệm bị viên chức nhà nước CSVN dập phá tan nát: đầu Đức Mẹ và đầu Chúa Giêsu bị chém lìa khỏi cổ, tay chân Chúa và tay Mẹ bị xà beng đâp bể thảm thương! (Người Việt Nam quen gọi là tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Đây là phó bản bức tượng nổi tiếng do nhà danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo thực hiện từ thế kỷ 15 được tôn thờ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican. Tượng mô tả tâm trạng đau đớn tột cùng của Mẹ Maria lúc vừa đón nhận tấm thân bầm dập, đẫm máu của Chúa Giêsu, con Mẹ từ Thập Giá vào lòng. Từ hơn 5 thế kỷ qua. Bức tượng danh tiếng này đã trở thành biểu tượng của niềm tin trong lòng những tín hửu Công giáo hoàn vũ, cách riêng 7 triệu người Công giáo Việt nam vốn có lòng yêu mến và sùng kính Mẹ.).
Dư luận đã nói tới một vài phản ứng xuất phát trong hàng Giáo sĩ và Giáo phẩm trong nước. Nhưng điều đáng buồn lại là những phản ứng không đáng và không nên có.
Về những gì liên quan tới chuyện linh mục Nguyễn Văn Lý bị cộng sản cô lập và sẽ đưa ra tòa ngày 30-3 cùng với những ngôn từ và phản ứng của bề trên trực tiếp của cha Lý, xin độc giả theo dõi các bản tin liên hệ gửi ra từ Huế, từ giáo họ Bến Củi. Người duy nhất có thể làm sáng tỏ vấn đề này là TGM Huế Nguyễn Như Thể. Trong khi ấy, từ tổng giáo phận Sàigòn, linh mục Huỳnh Công Minh với tư cách người phát ngôn của TGM/HY Phạm Minh Mẫn, đã ngang nhiên khẳng định là "linh mục Nguyễn Văn Lý không đấu tranh cho tự do tôn giáo, mà chỉ đấu tranh cách chung chung" (!!!). Lời tuyên bố quyết đáp này rõ ràng sẽ có tác dụng "mở đường cho hươu chạy", tạo thêm lý chứng cho thứ pháp luật rừng rú của Hànội kết án linh mục Lý sau này. Dù mong manh nhưng người ta vẫn hy vọng lời tuyên bố vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là xuyên tạc kể trên, của ông "linh mục quốc doanh" này không ảnh hưởng tới tâm thức của phái đoàn Tòa Thánh trong những cuộc thương thảo vừa qua với Hànội. Một cây bút chuyên
"viết mà chơi" ở quận Cam, kẻ từng được coi là cặp bài trùng với linh mục Trần Công Nghị và là người phát ngôn bán chính thức của TGM Huế cũng vừa tung ra một bài viết bôi bác các nhà dân chủ ở quốc nội, cách riêng linh mục Nguyễn Văn Lý.
Về biến cố Thánh Tượng Pietà ở Đồng Đinh, Nho Quan bị đập tan nát chưa thấy GM Phát Diệm lên tiếng. Nhưng qua tin của ViệtCatholic do linh mục Trần Công Nghị làm chủ, người ta đọc được lời tuyên bố lạ lùng phát ra từ cửa miệng TGM Ngô Quang Kiệt: Nên SỬA lại tượng và nên KHÉP vụ này lại (!!!)
Còn nhớ khi trùng tu Thánh Địa Đức Mẹ La Vang trước đây, người có trách nhiệm cao cấp tại TGP Huế đã chủ tâm giữ lại một số kiến trúc tàn phế được coi là di tích những "tội ác chiến tranh" do bom Mỹ gây ra. Cho dẫu vì muốn chiều theo thâm ý của đảng và nhà nước cộng sản hay do sáng kiến riêng mà TGM Nguyễn Như Thể có quyết định trên thì việc làm này cũng bình thường, không có gì đáng chỉ trích. Ấy thế mà trong biến cố động trời hôm 30-01-07, chỉ 5 ngày sau khi TT/CS Nguyễn Tấn Dũng qua Vatican bệ kiến đức GH Bệnêđictô XVI: Thánh Tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Đồng Đinh bị CSVN đập phá tan nát thì TGM Ngô Quang Kiệt lại kêu gọi giáo dân sửa tượng và đóng lại nội vụ!
Dù là những tín hữu giáo dân bình thường cũng phải đặt ra câu hỏi là phải chăng chỉ những việc làm nào có lợi cho đảng và nhà nước cộng sản thì quý ngài mới làm, nhược bằng trái lại thì cho qua luôn? Bảo trì những di tích do bom Mỹ gây ra tại thánh Địa La Vang thì được. Còn giữ lại những dấu vết xúc phạm tới biểu tượng niềm tin của bà con tín hữu Đồng Quan, và nói chung của 8 triệu người CGVN như ý nguyên sâu xa của mọi người thì lại bị phủ nhận! Thế là thế nào? Trong khi viết những giòng này, chúng tôi được tin dư luận đồng bào Công giáo trong và ngoài nước đang dấy lên một phong trào đòi duy trì nguyên trạng bức tượng Pietà bị CS tàn phá, như một chứng tích cho những thế hệ sau này thấy rõ bản chất vô đạo, phi nhân tính của cộng sản.
ĐÔI LỜI TẠM KẾT
Mọi chuyện xảy ra trong đời thường, vì lý do nào đó, người ta có thể du di, thỏa hiệp hay tương đối hóa. Riêng trong lãnh vực đức tin thì theo thiển kiến: Không! tuyệt đối không.
Trở về với chủ đề bài viết liên quan tới quan niệm và cung cách hành sử đức bác ái của người tín hữu Chúa Giêsu, chúng tôi xin khẳng định: Với tâm tình khiêm nhường thật trong lòng, dù rất khó có thể thực hiện trọn vẹn giáo huấn của Chúa, nhưng trên bước đường hoàn thiện, như mọi tín hửu, tôi phải nỗ lực tối đa để vui lòng chấp nhận mọi điều xỉ nhục, xúc phạm về thể chất cũng như tinh thần tới cá nhân tôi Nhưng khi sư xỉ nhục, xúc phạm ấy xảy ra cho người khác (tha nhân) như anh em, đồng bào tôi, thì cũng vì đức bác ái của Con Cái Chúa, bắt buộc tôi phải có phản ứng thích nghi. Dĩ nhiên khi phản ứng tôi sẽ phải chấp nhận trả giá. (Như cố giám mục Nguyễn Kim Điền đã trả giá và như các linh mục Lý, Lợi, Chân Tín và những tín hữu giáo dân như Nguyễn Chính Kết đã hoặc sẽ phải trả giá). Nếu không, tôi sẽ mang tội là vì khiếp nhược, vì bả lợi danh, vì thái độ xu phụ kẻ mạnh, đã có những suy nghĩ, thái độ và hành vi thể hiện cung cách du di, thỏa hiệp hoặc tương đối hóa niềm tin của mình.
Để thay cho kết luận của một bài viết chưa nói hết được niềm thao thức của chính mình, chúng tôi xin mượn những lời sau đây của linh mục Đỗ Văn Lực trong bài "Trái Tim Chưa Ngủ Yên" đăng trên DĐGD số tân niên phát hành tháng 3-07 vừa qua:
"Thế mới hay GHVN thiếu những thợ gặt lành nghề. Vẫn không đủ những người có khả năng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn và bị áp bức. Thời nào cũng thế, GHVN đầy dẫy những con người đồng lõa với bọn giàu sang và thế lực trong các cơ chế đàn áp. Những người bị áp bức hầu như nằm ngoài sự quan tâm của Giáo hội. Chỉ có những người nghèo mới là đối tượng của Tin Mừng hay sao? Người nghèo chỉ là một trong những thành phần bị cơ chế bất công đàn áp. Những hoạt động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn. Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do liên lạc, hội họp, di chuyển … đến nỗi trở thành mù điếc những thông tin cần thiết và đói khát nhân quyền thì sao? Họ chiếm chỗ nào trong mối quan tâm của GHVN? Những đối tượng Tin Mừng, như ngôn sứ Isaia loan báo, đều là những nạn nhân của đủ thứ đàn áp bất công. Nếu không quan tâm và tranh đấu cho quyền làm người, GHVN sẽ đem Tin Mừng qua nẻo đường nào cho dân tộc?".
Trần Phong Vũ
Nam California ngày 15-3-2007