Wednesday, June 17, 2009

CHO DÙ GIỮA "SA MẠC"

VẪN CÒN CÓ NHỮNG "TIẾNG KÊU"


Nhân đọc lá thư ngày 18-12-08 của đức Giám Mục Vĩnh Long

& bài viết của LM Nguyễn Ngọc Tỉnh, Dòng Phanxicô


Trần Phong Vũ


I.- Những "sa mạc" trong lòng người!


Sa mạc hay hoang địa là hình ảnh của những vùng lãnh thổ hoang vu, sỏi đá, khô cằn, nơi chỉ có nắng, gió, những trận bão cát kinh hoàng và sự sống tuồng như hoàn toàn ẩn mặt. Nhưng, những từ "hoang địa, sa mạc" được dùng trong Kinh Thánh còn để chỉ những tâm hồn chai đá, những xã hội vô luân, những chế độ bạo tàn, nơi đạo đức và tình thương không có cơ hội nẩy lộc đâm chồi. Đấy là hình ảnh "hoang địa, sa mạc" trong lòng người, trong xã hội Do Thái vào cuối thời Cựu Ước mà Tiên Tri Isaia nói tới: "Có tiếng kêu trong hoang địa, rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng" (Mt: 3,3)


Hơn nửa thế kỷ tại miền Bắc và hơn 30 năm tại miền Nam, chủ nghĩa độc tài bất nhân cộng sản cùng những kẻ khai sinh và nuôi dưỡng nó đã biến toàn thể lãnh thổ Việt Nam thành một thứ "hoang địa", một thứ "sa mạc" theo nghĩa bóng, theo nghĩa tinh thần. Con người vẫn có đấy, dù vật vờ, lay lất. Và do bản năng sinh tồn, vẫn tiếp tục sống và sinh sôi nẩy nở. (Theo thống kê, trên cả nước Việt Nam ngày nay dân số đã lên tới 85 triệu, nhưng thử hỏi trong số ấy có bao nhiêu người được sống đúng với tư cách và phẩm giá con người?).


Trên danh nghĩa, họ vẫn được coi là những con người. Hơn thế, lại còn được tôn phong làm "chủ"! Nhưng trên thực tế, tuyệt đại đa số đã bị bạo quyền cộng sản tước đoạt mất nhân cách, phẩm giá và quyền làm người để biến thành một thứ bày đàn, cúi đầu tuân theo sự vận hành của một cơ chế bất nhân, vô đạo. Số đông tuy có mắt mà không được nhìn thẳng, có tai mà không được nghe lời chân thật, có miệng mà không có quyền nói lên những điều phải nói, có trái tim mà không được rung lên những khát vọng ngay chính của mình!


* Vì căn tính bất nhân, guồng máy của đảng và nhà nước cộng sản coi mạng sống con người như cỏ rác. Biết bao sinh linh đã bị sát hại thảm thương trong những vụ cải cách ruộng đất ở miền Bắc đầu thập niên 50, trong biến động Mậu Thân ở Huế năm 1968, trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị năm 1972 và trên con đường trải dài xương trắng máu đào mang tên kẻ tội đồ dân tộc là "đường mòn Hồ Chí Minh" trong cuộc chiến thôn tính miền Nam liên tiếp trong mấy thập niên.


* Vì chủ trương vô tín ngưỡng, vô đạo lý, ngay từ những ngày đầu sau khi thôn tính được một nửa lãnh thổ vào năm 1954, đảng và nhà nước cộng sản đã dùng tất cả những thủ đoạn thâm độc nhất nhằm bóp chết hồn tính Việt Nam mà mục tiêu hàng đầu là truy diệt mọi tôn giáo, tín ngưỡng. Lần lượt tài sản của các giáo hội (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo) như trường ốc, nhà thương, các sơ sở xã hội đều bị nhà cầm quyền trưng thu. Bề mặt nói là để dùng vào những mục tiêu công ích, nhưng thực tế: trước hết là nhằm vắt cạn sức sống của các tôn giáo và thứ hai là để thỏa mãn lòng tham vô đáy của những kẻ có quyền lực và vũ khí trong tay.


Hầu hết những cơ sở, đất đai này bị trao qua nhượng lại để dùng vào mục tiêu kinh doanh, buôn bán! Song song với việc trưng thu tài sản, đất đai và những cơ sở giáo dục, y tế, xã hội, nhằm bóp chết những điều kiện sống còn và phát triển của các giáo hội, họ còn ban hành những luật lệ phi pháp để ngăn cản việc đào tạo những thành phần lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo. Ban đầu mang tính triệt để. Nhưng kể từ sau khi cái nôi của chủ nghĩa cộng sản quốc tế ở Đông Âu và Liên Bang Xô Viết bị sụp đổ, miễn cưỡng họ phải nới lỏng đôi chút nhưng vẫn không từ bỏ việc can thiệp trắng trợn vào nội bộ các giáo hội. Với Công giáo, họ cho phép mở lại một vài chủng viện với số chủng sinh giới hạn đồng thời phải qua những biện pháp gạn lọc, kiểm soát tinh vi của hệ thống cán bộ, công an nhà nước, từ giai đoạn tuyển sinh cho tới việc truyền chức linh mục, bổ nhiệm giám mục!


Và như thế, vô hình chung cả xã hội đã bị tha hóa để trở nên khô khốc, vô cảm. Toàn thể lãnh thổ và 85 triệu người dân từ Bắc vô Nam đã bị cơ chế độc tài, độc đảng, vô tín ngưỡng điều kiện hóa để biến thành một thứ sa mạc hoang vu, chết chóc theo nghĩa tinh thần.


II.- Trước khi Tổng Giám Mục Hànội cất tiếng


Rất lâu trước tiếng kêu của đức cha Ngô Quang Kiệt ngày 15-12-2007 dẫn tới những buổi thắp nến hát Kinh Hòa Bình, cầu nguyện đòi đất đai tài sản, -và qua đó đòi công lý, nhân quyền- của hàng hàng lớp lớp giáo dân ở tòa Khâm sứ, ở giáo xứ Thái Hà… cũng đã có những tiếng kêu trầm thống cất lên đây đó, với cung bậc khác nhau. Đầu tiên là tiếng kêu thầm lặng không thể ra lời của Hồng Y tiên khởi Trịnh Như Khuê giữa trời đêm trên sân thượng tòa TGM số 42 phố Nhà Chung, Hànội[1]. Tiếp đến là tiếng kêu của đức cha Nguyễn Kim Điền TGM Huế. Âm vang tiếng kêu kiên cường, bi thiết ấy vừa cất lên đã bị mất hút tại sở công an Bình Trị Thiên trong suốt 120 ngày ngài được "mời làm việc".


"Tôi xin thông báo cho anh chị em rõ sự việc của tôi là như vậy[2], để một lần nữa cám ơn anh chị em đã cầu nguyện cho tôi 'biết nói khi phải mở miệng… và dạn dĩ thông báo màu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả' (Eph. 6:19-20). Tại Mileto, Phaolô trên đường về Giêrusalem đã nói với các niên trưởng Êphêsô rằng: 'Tôi không biết được những gì xảy đến cho tôi, trừ ra là Thánh Thần chứng thật cho tôi rằng: xiềng xích, lao tù đang chờ đợi tôi, nhưng mạng sống tôi, tôi không quan tâm miễn sao là tôi chạy xong quãng đường đời… và hoàn tất sứ vụ Chúa Kitô ủy thác…'" (TĐCV 20:23-24)


"… Tuy là chủ chăn, nhưng tôi không còn có thể đi thăm viếng từng Cộng Đoàn, từng Họ Đạo… để nói lời khích lệ nữa. Tuy nhiên, anh chị em biết là Giám Mục của anh chị em đang thấy trước mặt mình mỗi ngày từng ngôi nhà thờ, và canh cánh trong lòng từng Họ Đạo, từng Cộng Đoàn: Tôi hằng cầu nguyện và hiến tế với anh chị em. Xin nhắc anh chị em 'hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình' (Eph. 4:1) 'Hãy hăm hở duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần' (Eph. 4:3). Còn về tương lai 'anh chị em hãy phấn chấn lên trong Chúa, trong mãnh lực quyền phép của Ngài' (Eph.6:10).


(Trích đoạn Thư Chung của đức TGM Nguyễn Kim Điền gửi các linh mục, tu sĩ, giáo dân ngày 17-10-1884 sau 120 ngày "làm việc" với công an nhà nước.)


Kết cuộc là một cái chết bí ẩn đã đến với người mục tử nhân lành xuất thân Dòng Tiểu Đệ hơn 3 năm sau đó tại một bệnh viện do nhà nước điều hành ở Sàigòn! Rồi những tiếng kêu khác tiếp tục cất lên. Cho dẫu vẫn chỉ là những tiếng kêu thất thanh vẳng lên giữa sa mạc. Linh mục Chân Tín. Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Các linh mục Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Nguyễn Văn Lý để kết thúc với phiên tòa bịt miệng diễn ra ngày 30-3-2007, chẵn 8 tháng 15 ngày trước khi đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt gửi thư mời gọi giáo dân dưới quyền ngài cầu nguyện.


III.- Tiếng kêu của Giám Mục Vĩnh Long


Ngày 15-12-2008[3], đức cha Nguyễn Văn Tân, giám mục Vĩnh Long đã gửi một thư luân lưu tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận bày tỏ những ưu tư của ngài trước sự kiện nhà cầm quyền cộng sản dùng bạo lực cưỡng chiếm đất đai và cơ sở thuộc tu viện của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô. Nội dung lá thư đã cực tả tâm trạng xót xa, tuyệt vọng của ngài trước viễn ảnh một tu viện bị biến thành chốn ăn chơi giải tri và khi lên tiếng ngài hiểu rõ rằng có thể nó chỉ là Tiếng Kêu trong Sa Mạc! Sau đây là nguyên văn lá thư:


TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 Đường 3 tháng 2
P.1 Thị Xã Vĩnh Long - VIỆT NAM
Tel: (070) 3824016
Email: tgmvinhlong@gmail.com


Vĩnh Long, ngày 18.12.2008


Kính gởi: Các Linh Mục, Các Tu Sĩ Nam Nữ Và Anh Chị Em Giáo dân Giáo Phận Vĩnh Long

Anh Chị Em thân mến,


Bảy tháng trước đây, vào ngày 18.5.2008, tôi đã lên tiếng bày tỏ nỗi thống khổ của các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô, của tất cả Anh Chị Em và của tôi nữa, sau khi Chính Quyền Tỉnh Vĩnh Long công bố, ngày 9.5.2008, quyết định sẽ xây dựng khách sạn trên phần đất tại số 3 đường Tô Thị Huỳnh, trước kia là Nguyễn Trường Tộ, có cơ sở của Tu Viện Dòng Thánh Phaolô, đã bị đập phá bình địa vào năm 2003.


Hôm nay, tôi lại phải lên tiếng một lần nữa, sau khi được biết ngày 12.12.2008, Chính Quyền Tỉnh Vĩnh Long thông báo 'Việc xây dựng quãng trường nhằm phục vụ lợi ích công cộng' tại phần đất nói trên (Thông Báo số 163/TB-UBND, ngày 12.12.2008 ).


Thật là chua xót đối với các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô cũng như đối với tất cả Anh Chị Em, đối với tôi nữa. Làm sao không cảm thấy xót xa, khi thấy mình đã bị mang tội danh giả tạo là 'đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối Cách Mạng giải phóng dân tộc' trong thời gian hơn 31 năm qua, bị đuổi ra khỏi Tu Viện với hai bàn tay trắng, rồi phải nhìn thấy cảnh hoang tàn của Tu Viện mà biết bao chị em của mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức để xây dựng từ hơn một thế kỷ qua; và sẽ còn phải nhìn thấy nơi tu luyện, nơi cầu nguyện và phục vụ bác ái của các chị bị biến thành chỗ giải trí vui chơi.


Có thể tiếng nói của tôi hôm nay cũng sẽ là 'tiếng kêu trong sa mạc' (Matthêu 3,3). Xem ra tiếng nói của quyền lực đã lấn át tiếng nói của công lý, của lương tâm, nhất là trong thời đại mà người ta coi trọng vật chất hơn đạo đức, hơn nhân nghĩa. Nhưng tôi cần phải nói lên, để các thế hệ mai sau được biết và không cười nhạo chúng tôi là hạng người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói.


Trong niềm hiệp thông của Hội Thánh Công Giáo, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Phận, cho Anh Chị Em của mình đang gặp khó khăn.


Nhân dịp cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau nài xin Thiên Chúa ban cho thế giới được hưởng một nền Hòa Bình viên mãn được xây dựng trên công lý, trên đạo nghĩa.


Tôma Nguyễn Văn Tân,

Giám Mục Vĩnh Long


Có thể, như đức cha Tân dự đoán, tiếng nói của ngài sẽ chì là "tiếng kêu trong sa mạc" đối với một chế độ bất nhân, vô cảm. Tuy nhiên, thực tế nó vẫn tạo nên những chấn động lớn trong tâm hồn những người thiện chí. Bài viết của linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh[4], Dòng Thánh Phanxicô khó khăn đề ngày 22-12 được các linh mục DCCT phổ biến mới đây đã phản ánh trọn vẹn điều đó.


Sau khi trích lại đoạn thư "Có thể tiếng nói của tôi…..có miệng mà không nói", cha Tỉnh viết:


"Những lời lẽ của Đức Cha cho thấy Đức Cha không thể ngậm miệng làm thinh trước bao nhiêu bất công, gian dối. Đức Cha cũng không còn ngán thứ quyền lực chỉ bô bô "Vì dân, cho dân", nhưng cuối cùng chỉ là những lời nói ở đầu môi chót lưỡi. Đức Cha mạnh mẽ lên tiếng, có thể Đức Cha sẽ gặp khó khăn: không được đi nước ngoài (đồng nghĩa với không có tiền viện trợ), không được cấp phép xây dựng, không được tổ chức những cuộc lễ linh đình…

Nhưng nếu đó là cái giá phải trả để ta được hoàn toàn tự do phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh, để ta được thật sự đồng hành với dân tộc, thì con nghĩ cái giá đó đáng cho chúng ta chấp nhận. Với lại suy cho cùng: có những cuộc rước xách linh đình, rầm rộ, có những cơ sở tổ chảng chưa hẳn đã đáng cho ta mừng vui, nếu thay vì đào tạo được những mục tử theo tinh thần Chúa Ki-tô, ta chỉ sản xuất ra được những quan chức thạo việc hành chính. Nhưng cái đáng sợ là trả lời sao đây cho các thế hệ mai sau khi họ nhìn lại lịch sử để thấy lãnh đạo của mình, như lời Đức Cha nói: có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói!"

Đề cập điều phải "sợ cái đáng sợ", người mục tử Dòng Thánh Phanxicô khó khăn đã lập lại những đoạn trong sách Ê-dê-ki-en được Hội Thánh mời gọi suy gẫm trong suốt tuần lễ XXV vừa qua: "Anh em thấy không, im lặng nguy hiểm biết chừng nào!… Bởi vì nhiệm vụ của chúng ta là không được im lặng" (Tuần XXV, Thứ Tư, Cuốn 2, trang 573-574). Và "Vậy tất cả các mục tử hãy ở trong Vị Mục Tử duy nhất, hãy nói lên tiếng nói duy nhất của Vị Mục Tử đó, để đàn chiên nghe và đi theo Vị Mục Tử của mình. Ước gì nơi Vị Mục Tử duy nhất này, mọi người chỉ nói một tiếng nói, chứ không nói những tiếng khác nhau" (Tuần XXV, Thứ Sáu, trang 581-582).


Cha Tỉnh viết tiếp:


"Con không còn nhớ ở một chỗ nào đó, khi nói đến mục tử làm thinh không lên tiếng lúc cần phải lên tiếng, thánh Âu-tinh đã gọi các mục tử này là những con chó câm!"


Người ta cũng chưa quên rằng trong tác phẩm Muối Cho Đời, khi còn là Hồng Y, đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã từng nhắc lại tư tưởng trên đây để nghiêm khắc cảnh cáo những đấng bậc trong Giáo hội không dám cất tiếng để nói lên tiếng nói của lương tâm, của lẽ phải, của Tin Mừng là những hạng "chó câm".


IV.- Những vấn nạn chưa được giải đáp

Cũng trong bài viết mang nội dung hồi âm lá thư của đức cha Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Vĩnh Long gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận bày tỏ tâm trạng ưu tư, đau đớn của ngài trước sự kiện nhà nước cướp đoạt đất đai của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh viết:


"Khi Đức Cha tự ví mình như tiếng kêu trong sa mạc, con cảm nhận được nỗi cô đơn của Đức Cha. Có điều con nhớ cách đây một hai năm gì đó, Uỷ Ban Truyền Thông của HĐGM ra mắt khá rầm rộ. Nhưng xem ra đây chỉ là một cỗ máy có thể rất tốt, nhưng coi như chưa vận hành. Giá mà tiếng nói của Đức Cha được Uỷ Ban này tiếp sức, để đến được với cộng đồng dân Chúa không những trong nước nhưng còn ở nước ngoài, chắc chắn Đức Cha sẽ được một sự hỗ trợ rất lớn".


Cá nhân người viết những giòng này đã hơn một lần bàn tới những hiện tượng bất cập trong Giáo hội Công giáo quê nhà mà điển hình là hiện tượng thiếu vắng sự nhất trí trong HĐGMVN thông qua khá nhiều trường hợp. Trong thời đại tin học ngày nay, truyền thông đương nhiên sắm một vai trò vô cùng quan trọng trong hầu hết các sinh hoạt, ngoài đời cũng như trong đạo. Việc khai sinh một bộ phận như Ủy Ban Truyền Thông cạnh HĐGMVN là một sáng kiến hay, đúng lúc và rất cấp thiết. Đề cập cái căn nguyên sâu xa dẫn tới tình trạng thiếu tình hiệp thông và tình liên đới trong Giáo hội –giữa các dòng tu, giữa ba tổng giáo phận và nói chung giữa các Giám Mục trong HĐGMVN-, người mục tử Dòng Thánh Phanxicô khó khăn viết tiếp:


"Ngày xưa người ta hay nói đến sách lược "chia để trị" của thực dân Pháp. Xem ra sách lược đó đang được Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam sử dụng cách tuyệt vời. Về phía các Dòng Tu, thì chẳng hạn Dòng Phan-xi-cô ở Thủ Đức, Dòng Đa-minh ở đường Nguyễn Thông, và mới đây nhất là Dòng Tên ở đường Lý Chính Thắng: các cơ sở nhà dòng đã được trả lại toàn bộ hay một phần. Và "bánh ít đi, bánh quy lại", các Dòng đó có lẽ cảm thấy mang ơn Nhà Nước rồi, nên cũng phải ứng xử với đối tác sao cho coi được, có thể cũng vì vậy mà không muốn dây mình vào việc của người khác(!?) Và thế là đất đai tài sản các dòng cứ từ từ bị gặm nhấm: Hết Thiên An ở Huế, đến Saint Paul Sài Gòn, rồi Saint Paul Vĩnh Long, và hôm nay đến các chị Nữ Tử Bác Ái Sài Gòn. Đất đai các giáo phận cũng chung một cảnh ngộ như thế!"


Kinh nghiệm đau xót kể trên của cha Tỉnh khiến người ta liên tưởng tới sự im lặng đến khó hiểu của đức cha Nguyễn Như Thể, TGM Huế và của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigon trong những ngày chủ chăn và giáo dân tổng giáo phận Hànội thọ nạn vừa qua. Riêng Sàigòn, ngay cả khi các chị em Nữ Tử Bác Ái trở thành nạn nhân trực tiếp của chế độ vào những ngày cuối năm 2008 người ta cũng không hề nghe thấy một động tĩnh nào từ phía người có trách nhiệm cao cấp nhất trong tổng giáo phận miền Nam! (Hẳn nó cũng không ra ngoài cái kết quả của chủ trương "chia để trị" do guồng máy cầm quyền của đảng và nhà nước cộng sản tạo nên như cha Tỉnh đề cập trong bài viết của ngài. Đấy là chưa nói tới những đòn "thọc gậy bánh xe" của những "linh mục cán bộ"[5] trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo và ống loa của nó là tờ tuần báo Công Giáo & dân Tộc).


Không ai có thể ngờ được rằng câu tục ngữ quen thuộc "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại!" lại có thể ứng vào một số những thành phần lãnh đạo trong một tôn giáo như Giáo hội Công Giáo, một Giáo hội vốn để cao lòng yêu thương và tinh thần liên đới trách nhiệm. Sự kiện càng trở nên mỉa mai, chua xót hơn khi "nhà hàng xóm" ở đây không phải ai xa mà chính là những chi thể trong Giáo hội, khác chăng chỉ là giữa tu hội này với tu hội khác, giữa tổng giáo phận này với tổng giáo phận khác!


Kết thúc bài viết, cha Nguyễn Ngọc Tỉnh nêu thêm một vấn nạn khác:


"Câu hỏi đặt ra là tại sao đến giờ này, GHVN không có được một tiếng nói chung? Ta đang hướng đến việc phong chân phước cho đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ Ban Công Lý & Hoà Bình của Toà Thánh. Tất cả các HĐGM trên thế giới và hình như tất cả các Dòng lớn đều có Uỷ Ban này, chỉ trừ Việt Nam. Cách đây mươi mười lăm năm, không ai dám nghĩ đến chuyện này. Nhưng thời thế đã thay đổi. Nếu hôm nay Giáo Hội Việt Nam không đặt vấn đề thì đâu có lý do để đổ lỗi cho Nhà Nước. Còn nếu đặt vấn đề mà Nhà Nước từ chối không cho lập Uỷ Ban Công Lý & Hoà Bình, thì thế giới sẽ thấy, mọi người sẽ thấy. Và khi đó, câu hỏi đặt ra, không riêng gì cho người Công Giáo, nhưng là cho hết mọi người Việt Nam: Một chính quyền sợ công lý, không muốn có công lý, không muốn thực thi công lý, liệu chính quyền đó có còn đáng tồn tại nữa không".


Vấn nạn do cha Tỉnh đặt ra trên đây khiến chúng tôi không khỏi liên tưởng tới trường hợp đức cha John Joseph, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trong GHCG Pakistan[6]. Với tư cách này, ngài đã kiên trì tranh đấu chống lại những hành vi xâm phạm nhân quyền trầm trọng do thái độ kỳ thị tôn giáo, phân biệt đối xử trong cung cách thi hành luật pháp của nhà cầm quyền Pakistan gây ra. Trong bản Tuyên Ngôn về Công Lý & Hòa Bình công bố ngày 24-8-2001, UBCL&HB của HĐGM Pakistan đã ghi lại một số thành tích tranh đấu cho công lý và hòa bình của cố Giám Mục John Joseph trước khi ngài tự sát trước pháp đình ngày 06-5-1998 (Coi lại chú thích 6) để phản kháng một bản án bất nhân của nền tư pháp Hồi kết tội chết cho một giáo dân của ngài:


"Đức giám mục John Joseph đã từng lãnh đạo hai cuộc biểu tình phản đối toàn quốc của Cộng đồng Kitô giáo, và cả tuyệt thực, để dương cao chính nghĩa bảo vệ công lý và nhân quyền. Cuộc phản đối thứ nhất diễn ra năm 1992 nhằm chống lại một nghị quyết của chính quyền Pakistan bắt buộc ghi tín ngưỡng tôn giáo vào thẻ căn cước. Người Kitô hữu và các thành phần thiểu số khác nhận thấy thẻ căn cước mới là một âm mưu của Nhà nước Pakistan tạo nên kỳ thị và gây khủng bố, gia tăng số nạn nhân trong các nhóm tôn giáo thiểu số.


"Cuộc phản đối toàn quốc lần thứ hai của ngài diễn ra năm 1994 cực lực chống lại việc hành quyết ông Manzoor Masih, một Kitô hữu bị kết tội phạm thượng khi cuộc hành quyết được thực hiện bên ngoài tòa án sau phiên tòa ngày 05/4/1994.


"Ngày 20/3/1998, Đức Giám mục John Joseph cầm đầu một cuộc mít tinh liên tôn đoàn kết Kitô hữu tổ chức tại Vienna (Áo quốc), trong đó có sự tham dự của các giới chức trong hàng giáo phẩm Công Giáo cũng như Tin Lành. Ngài thuyết giảng một bài nói lên tình trạng bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan, đặc biệt là sự tác hại của đạo luật về tội phạm thượng.


Đức Giám mục nói: 'Chúng tôi phản đối đạo luật ấy bởi vì nó là một cản trở lớn cho mối quan hệ giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo. Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng, và hình thức đấu tranh sẽ tùy cơ ứng biến'".


Đúng như nhận định của cha Nguyễn Ngọc Tỉnh, giả dụ Ủy Ban Truyền Thông bên cạnh HĐGMVN không vì những lý do bí ẩn nào đó để trở thành một "cỗ máy" bất động, biết can đảm sắm đúng vai trò của mình thì hẳn rằng những ống loa tuyên truyền của nhà nước đã không có thái độ "múa gậy vườn hoang", mặc tình xuyên tạc những tin tức chung quanh vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà, nhất là bóp méo lời tuyên bố công khai của đức TGM Ngô Quang Kiệt để bôi nhọ ngài. Và với chức năng ấy, Ủy Ban sẽ trở thành một cơ quan ngôn luận chuyên chở quan điểm chính thức của Giáo hội Việt Nam, tránh được những khó khăn cho thế giới bên ngoài khi muốn phối kiểm lại những tin tức liên quan tới Giáo hội.


Đàng khác, nếu bên cạnh HĐGMVN hiện diện một Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình được đặt dưới sự chỉ đạo của một Giám Mục can trường, quả cảm, gương mẫu, dám nói, dám làm như đức cha John Joseph, chủ tịch UBCL&HB Pakistan, thì hẳn rằng hoàn cảnh Giáo hội và đất nước ta đã ra khác. Sẽ không thể có cảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị xét xử trong một phiên tòa ô nhục hôm 30-3-2007 với hình ảnh ngài bị công an nhà nước bịt miệng! Cũng thế, sẽ không thể có chuyện những người đại diện dân dám bạo ngôn, bạo hành đối với đám đông giáo sĩ và bà con giáo dân đang cầu nguyện một cách ôn hòa, bất bạo động. Và dĩ nhiên sẽ không thể có chuyện đất đai, tài sản của tòa Khâm sứ, của giáo xứ Thái Hà vì không chia chác được để tư túi đã biến thành công viên với thời gian kỷ lục chỉ trong một ngày!


Trong điều kiện ấy, hẳn đức cha Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Vĩnh Long khi viết thư gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân dưới quyền ngài sẽ không còn phải mang tâm trạng xót xa tuyệt vọng nghĩ rằng tiếng nói của ngài có thể sẽ chỉ là Tiếng Kêu Trong Sa mạc!


Dẫu sao, đối với mọi người, nhất là với các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long, sự lên tiếng của đức cha cũng đã hàm súc một giá trị khích lệ và an ủi rất lớn. Ít nữa, trong sa mạc vẫn còn có tiếng kêu.

Một câu hỏi tiếp được đặt ra: trong "sa mạc im lặng" của Huế và Sàigòn, biết đến bao giờ giáo dân xứ An Bằng và các Nữ Tử Bác Ái mới nghe được những tiếng kêu tương tự?


Trần Phong Vũ

Nam California

ngày đầu năm 2009



[1] Người ta kể rằng, trong suốt những năm dài bị cầm chân không được đi thăm con chiên tại các giáo phận miền Bắc, hàng đêm ngài lên sân thượng tòa TGM Hànội để âm thầm suy tư và cầu nguyện. Những bước chân của ngài đã xoi mòn một vòng tròn chung quanh khoảnh sân rêu phong bụi bậm.

[2] Trong 120 ngày "làm việc" người thẩm vấn hạch hỏi (1) "Tại sao phổ biến Tuyên Cáo của Thánh Bộ Truyền Giáo và Giáo Luật mới là những văn kiện đi ngược lại chính sách nhà nước?" câu trả lời là "Tôi không thể làm khác vì tôi phải tuân giữ luật Giáo hội tôi"; (2) "Tại sao chống lại UBĐKCG là tổ chức được nhà nước bảo trợ?" câu trả lời là :Tôi xác định khi luật pháp thế trần nghịch lại luật Thiên Chúa và Hội Thánh, thì cũng như các Thánh Tông Đồ xưa và các Thánh Tử Đạo của mọi thế hệ, tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta" (Thư chung ngày 17-10-1984 của ĐTGM Nguyễn Kim Điền)

[3] Một trùng hợp hi hữu: vừa trọn một năm tính từ ngày đức cha Ngô Quang Kiệt TGM Hànội gửi thư mời gọi giáo dân tham gia cầu nguyện đòi đất và đòi công lý ở tòa Khâm sứ, ở giáo xứ Thái Hà mở đầu cho những biến cố lớn trong suốt năm qua.

[4] Cuối bài viết tác giả minh danh ghi: LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm. Email: pascaltinh@gmail.com để những độc giả nào thắc mắc về nội dung bài viết có thể liên lạc với ngài.

[5] Do Tứ Nhân Bang: Minh-Cần-Từ-Bích vỗ ngực tự nhận.

[6] Một GHCG thiểu số giữa một đất nước tuyệt đại đa số theo đạo Hồi như Pakistan mà còn hiện hữu một Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình từ mấy thập niên qua thì sự vắng bóng Uỷ Ban này trong HĐGMVN quả là một hiện tượng khác thường. Đọc thêm bài "Chúng ta học được gì qua hành vi tự sát của ĐGM John Joseph?" của TPV trên DĐGD số 71 phát hành tháng 10-2007