Thursday, June 18, 2009

Cuộc tông du Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Vài suy nghĩ về cuộc tông du Hoa Kỳ

của Đức Thánh Cha BIỂN ĐỨC XVI

 

Trần Phong Vũ

 

Cuộc viếng thăm mục vụ tại Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ ngày 15 đến ngày 20-4-2008 đã để lại trong tâm tình người dân Hiệp Chủng Quốc nhiều dấu ấn lạc quan và tin tưởng. Trước hết, nó làm thay đổi toàn bộ cách nhìn của mọi người, mọi giới về hình ảnh vị lãnh đạo tinh thần tối cao hiện nay của thế giới Công giáo. Thứ đến, sự hiện diện của ĐTC đã mang lại một bầu không khí mới mẻ và phấn khởi cho GHCG địa phương.

Từ cuộc tông du mục vụ này của ĐTC Biển Đức XVI, người tín hữu Công giáo Việt Nam có thể rút ra được những bài học nào trong thời điểm khó khăn và phức tạp hiện nay của Giáo hội quê nhà?



 

I.- Hình ảnh mới mẻ của ĐTC

 

Sau khi ĐTC Biển Đức XVI được Hồng Y Đoàn chọn làm người kế vị Thánh Phêrô để thay thế cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ba năm trước, không phải chỉ dư luận thế giới bên ngoài, mà ngay trong nội bộ Giáo hội Công giáo đã có những thành kiến mang tính tiêu cực về ngài. Với đôi mắt hằn sâu trên gương mặt khắc khổ, hình ảnh vị đương kim Giáo Hoàng dễ dàng bị mờ đi khi người ta hổi tưởng lại diện mạo thư giãn, tươi vui, hiền hòa, dễ mến của vị Giáo Hoàng quá cố gốc Ba Lan. Ngoài ra, do thành kiến tự nhiên, dư luận thường bị ám ảnh về quá khứ của ngài: một công dân Đức từng có mặt trong đoàn thanh niên của nhà độc tài khét tiếng Hitler năm 16 tuổi thời đệ nhị thế chiến, và sau này trong suốt 24 năm lại được cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tín nhiệm trong chức vị Bộ trưởng Thánh Bộ Đức Tin[1][1].

 

Qua cuộc du hành mục vụ tại Hoa Kỳ trung tuần tháng 4-2008, đương kim Giáo chủ Giáo hội Công giáo đã xuất hiện trước công luận thế giới với một khuôn mặt hoàn toàn mới: khuôn mặt đích thực của một vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo đã thoát ra khỏi cái bóng vĩ đại của người tiền nhiệm, với đầy đủ cá tính, nhân cách của một con người tài ba, đạo hạnh, đầy bản lãnh, đồng thời gột rửa được những thành kiến về quá khứ. Thái độ trân trọng, chân thành yêu mến Giáo hội, yêu mến con người, tinh thần cởi mở, hòa đồng với các tôn giáo bạn, tấm gương can đảm trực diện với những hiện tượng tiêu cực trong Giáo hội qua những cuộc tiếp xúc thẳng thắn của ngài với các chính khách, các nhà giáo dục, đại diện giới trẻ trong học đường, ngoài xã hội và các nạn nhân từng bị một thiểu số linh mục, tu sĩ xúc phạm nhân phẩm trong thời thơ ấu… đã trả lại cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI con người thực của ngài. Và qua ngài, mọi người, mọi giới thấy được dung mạo sáng ngời của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật, cho yêu thương, cho hòa bình và công lý.

 

II.- Những bài học lớn cho Giáo hội Việt Nam

 

A.- Bài học can đảm:

Bài học thứ nhất chúng ta học được nơi Vị Cha Chung là tấm gương can đảm dám trực diện với những sự thật đau lòng trong Giáo hội. Ngay khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo giới trên phi cơ cũng như lúc tiếp xúc với nạn nhân các vụ xâm phạm tình dục do giới giáo sĩ gây ra và khi lên tiếng trước các giới chức trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, ĐTC Biển Đức XVI đã công khai bày tỏ tâm trạng đau buồn, xấu hổ của ngài. ĐTC không biện hộ quanh co. Ngài minh nhiên nhìn nhận đấy là một vết nhơ trong lòng Hội Thánh. Với tư cách người đại diện Chúa trong Giáo hội lữ hành, ngài thành khẩn xin các nạn nhân tha thứ.

 

Nhìn về tương lai, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của thế giới Công giáo thiết tha kỳ vọng nơi Giáo hội Công giáo Hoa kỳ, nói riêng, và Giáo hội hoàn vũ, nói chung, có được một cộng đoàn tu sĩ, linh mục thánh thiện. Ngài nhấn mạnh: thà rằng có ít linh mục nhưng là những linh mục tốt lành, thánh thiện còn hơn là có nhiều nhưng lại lộn sòng trong đó những thành phần mục tử thiếu tiêu chuẩn đạo đức, những "con sâu" chỉ tạo nên những đau thương, tủi nhục cho Hội Thánh. Ý tưởng này hoàn toàn trùng hợp với quan niệm của người Đông phương: "quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Hiển nhiên ĐTC đã can đảm gạt bỏ mối âu lo thiếu hụt giáo sĩ vốn đã trở thành một ám ảnh kinh niên đối với các Giáo hội Âu Mỹ,

 

Nhìn về Giáo hội quê nhà, chúng ta không khỏi liên tưởng tới những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra khắp nơi trong hàng ngũ giáo sĩ thuộc mọi hệ cấp. Con người vốn dĩ yếu đuối. Trong khi bất hạnh lại phải đối diện từng phút từng giây với những thủ đoạn gian manh, hiểm độc của kẻ thù, nên những hiện tượng tiêu cực này ở trong nước, so với những Giáo hội trong thế giới tự do, càng trầm trọng hơn. Ngoài những sa đọa, vấp phạm về ba nhân đức nền tảng của người tu[2][2], còn là sự vong thân, tự đánh mất niềm tin nơi một số giáo sĩ, dẫn tới tệ trạng làm tay sai cho bạo quyền, gây nên những hệ quả vô cùng tai hại cho tập thể. Sự kiện một vài giáo phẩm bị Tòa Thánh buộc rời khỏi hàng ngũ GM trong mấy năm gần đây là những chỉ dấu đầy hy vọng. Tuy nhiên, vẫn còn hiện hữu không ít những vấp phạm công khai trong giới linh mục quê nhà về cả hai phương diện luân lý cũng như tín lý.

 

Trong ba thập niên qua, dư luận trong và ngoài nước đã bàn bạc khá nhiều về trường hợp một linh mục công khai có vợ, có con mà vẫn tiếp tục được làm mục vụ ngay tại giáo phận Sàigòn! Nếu sự trung tín là một đòi buộc bất khả tương nhượng trong mối liên hệ phu thê ở đời thường trong hôn nhân Công giáo, thì trách nhiệm phải chung thủy của người linh mục với Giáo hội –hơn thế, với Chúa Giêsu, vị linh-mục-thượng-phẩm-đời-đời, Đấng đã chia sẻ Thánh chức linh mục cho họ-, nếu không hơn thì cũng không thể kém. Thái độ vô trách nhiệm của giáo quyền liên hệ, mặc nhiên nhắm mắt làm ngơ trước hành vi vấp phạm công khai này thật khó có thể chấp nhận. Nó không chỉ tạo gương mù cho tập thể giáo dân, khiến họ coi đấy như một nguyên cớ để biện minh cho lối sống buông thả, bất trung, đi ngang về tắt, coi rẻ giá trị hôn nhân Công giáo của mình, mà còn là một mời gọi, một khuyến khích tệ hại đối với những tu sĩ khác.

 

Sách vở, tài liệu cũng đã hơn một lần trích dẫn lời "tuyên tín"[3][3] công khai với chủ thuyết Mác-xít-Lê-nin-nít của một linh mục từng là Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Sàigòn và là Tổng Đại Diện tại một Tổng Giáo Phận lớn nhất nước! Có người nêu giả thuyết là có thể vị giáo sĩ kia đã xưng thú lỗi lầm trong tòa cáo giải. Và như thế có thể coi như ông đã xong mình trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội! Tuy nhiên, trộm nghĩ: khi lời "tuyên tín" được phát biểu công khai trước bàn dân thiên hạ và được ghi lại thành văn trong thông tấn xã, báo chí nhà nước, thì khi biết mình sai lỗi cần xin ơn tha thứ, hối nhân cũng phải công khai lên tiếng để làm hòa với Thiên Chúa, giải tỏa thắc mắc với đồng đạo, đồng bào.

 

Trước thái độ thẳng thắn, can đảm của Vị Cha Chung trong chuyến du hành mục vụ Hoa kỳ vừa qua, phải chăng đã đến lúc những thành phần có trách nhiệm trong Giáo hội Việt Nam dám trực diện với những vấn đề gai góc, tiêu cực để một lần dứt khoát tạo lại bầu khí trong lành nội bộ, hầu xứng đáng với danh hiệu là một Giáo hội đã trưởng thành.

Trên một khía cạnh khác, thái độ thẳng thắn, can đảm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng gợi nhớ tới câu nói cửa miệng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ trước, mỗi khi lên tiếng với giới trẻ, với những thành phần là nạn nhân của cường quyền, bạo lực, nhất là trong những dịp về thăm Ba Lan suốt thời gian quê hương và đồng bào, đồng đạo của ngài còn bị đặt dưới ách thống trị bạo tàn của chủ nghĩa cộng sản.

"Các con đừng sợ!" "Anh chị em đừng sợ!"

 

Âm vang lời khích lệ trên đây không chỉ ngừng lại trên đất nước và Giáo hội Ba Lan, giúp người công dân xứ sở này, trong đó tuyệt đại đa số là người Công Giáo, can đảm đứng lên làm lịch sử ngót hai thập niên trước. Dưới hình thức này hay hình thức khác, nó vẫn còn đang tạo nên những chấn động giây chuyền tại những nơi quyền sống, quyền tự do, bao gồm quyền tự do tôn giáo của con người đang bị bạo quyền chà đạp và tìm mọi thủ đoạn để truy diệt một cách tinh vi và thâm độc. Trong đó có đất nước và Giáo hội Việt Nam của chúng ta. Để mọi người, mọi giới, nhất là những tín hữu của Chúa Giêsu, những người đã nhận Phép Rửa, ý thức được trách nhiệm trọng đại của mình, vượt thoát ra khỏi sự sỡ hãi thường tình của con người, mạnh dạn nắm tay nhau, vai chen vai, đứng lên chống lại những căn nguyên gây nên tội ác để cùng nhau đóng góp công lao và thiện chí xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái trên quê hương Việt Nam hôm nay, trong đó mọi người biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

 


B.- Bài học về vần đề giáo dục:

Trong diễn từ đọc trước tập thể giáo sư, sinh viên thuộc hệ thống đại học Công giáo Hoa kỳ, ĐTC Biển Đức XVI nói: "Giáo dục là một thành phần trong toàn bộ sứ mạng của Hội Thánh trong việc rao giảng Tin Mừng".

Ngài nhấn mạnh: "Không một trẻ em nào có thể bị khước từ quyền giáo dục về Đức Tin, và chính việc giáo dục này sẽ nuôi dưỡng linh hồn của quốc gia".

 

Phải chăng vì đã ý thức được tầm mức quan trọng và thiết yếu của vấn đề nên trong những năm gần đây các Giám mục Việt Nam đã hơn một lần tỏ ra quan tâm tới lãnh vực giáo dục. (Đã có những thư luân lưu, những buổi tọa đàm đây đó về vấn đề này). Điều đáng nói, và cần phải nói, là sự quan tâm kiểu này tuồng như chưa đúng mức, nếu không muốn nói rằng nó chỉ là một phản ứng, một việc làm tắc trách cho có mà thôi. Sau tháng 4-1975, cũng như các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã bị tước bỏ toàn bộ mọi năng quyền tham gia, đóng góp vào việc giáo dục giới trẻ.

 

 Không phải chỉ giới hạn nơi hệ thống giáo dục ngoài đời mà còn bị triệt để ngăn cấm cả việc giáo dục, đào tạo những tu sĩ, linh mục tương lại của Giáo hội! Toàn bộ các chủng viện, các trường ốc từ mẫu giáo đến đại học do Giáo hội điều hành và làm chủ đã bị nhà nước chiếm đoạt. Sau mấy chục năm kiến nghị, đòi hỏi, cho đến nay, người Công giáo trong nước mới chỉ được phép mở trường dạy mẫu giáo! Riêng trong lãnh vực đào tạo linh mục, trong vòng ngót 20 năm gần đây, nhà nước đã cho phép mở lại một số chủng viện với những điều kiện khắt khe, phi tình lý! Ngoài những giới hạn nhỏ giọt về con số chủng sinh do mỗi giáo phận được phép gửi vào chủng viện, họ còn đòi bằng được quyền duyệt xét danh sách ứng sinh đi tu và đưa môn học về chủ thuyết Mác-xít vào chương trình giảng dạy![4][4]

 

Trong điều kiện ngặt nghèo và tệ hại như thế, việc bày tỏ thái độ quan tâm bằng những văn thư, những nhận định, những buổi tọa đàm về giáo dục không, chưa đủ. Vấn đề tiên quyết là phải vượt khỏi sự sợ hãi thường tình để dám can đảm đặt lại vấn đề về cái quyền tiên thiên của người được giáo dục cũng như quyền của người làm giáo dục, nhất là khi giáo dục được coi như một phương thế cần thiết cho việc truyền giáo vốn là sứ vụ hàng đầu của Hội Thánh như nhận định của Đức Thánh Cha.

Cũng trong diễn từ đọc trước các giáo sư hàng đầu trong hệ thống giáo dục CG Hoa Kỳ, đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn nhấn mạnh:

"Sứ vụ chính của Hội Thánh là truyền giáo, mà trong đó các cơ quan giáo dục đóng vai trò chủ yếu, phù hợp với ước vọng của quốc gia là phát triển một xã hội thực sự xứng đáng với nhân phẩm Hội Thánh không bao giờ mệt mỏi trong việc duy trì những phạm trù luân lý đúng và sai, nếu không làm như vậy, hy vọng sẽ bị phôi pha, úa tàn, nhường chỗ cho những toan tính vị lợi thực dụng lạnh nhạt, là điều coi con người không hơn gì con tốt trên một bàn cờ tư tưởng nào đó. Đối với diễn đàn giáo dục, việc phục vụ (diakonia) chân lý có một ý nghĩa cao vời hơn trong một xã hội mà tư tưởng thế tục đang xẻ đôi chân lý và Đức Tin. Sự chia cắt này đưa đến một khuynh hướng coi chân lý ngang hàng với kiến thức, và theo một não trạng thực chứng, trong đó người ta loại bỏ siêu hình học, chối từ nền tảng của Đức Tin và tẩy chay sự cần thiết của một quan điểm luân lý. Chân lý còn có ý nghĩa hơn kiến thức: hiểu biết chân lý đưa chúng ta đến việc khám phá ra sự tốt lành.".

 

Theo ĐTC, cái xã hội mà tư tưởng thế tục đang xẻ đôi chân lý và Đức Tin là xã hội Hoa Kỳ. Nhưng nếu nhìn về xã hội Việt Nam dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản thì Chân Lý và Đức Tin không chỉ bị xẻ đôi, mà còn bị chà đạp, bị phủ nhận bằng những thủ đoạn tinh vi, tàn ác. Với xã hội Hoa kỳ, ĐTC còn coi diễn đàn giáo dục mang ý nghĩa cao vời như thế thì trong bối cảnh xã hội Việt Nam, khi mà toàn bộ hệ thống giáo dục bị đảng và nhà nước cộng sản độc quyền lũng đoạn và khống chế thì việc phục hồi chức năng giáo dục của Giáo hội càng trở nên quan trọng và cấp trhiết hơn gấp bội.

 


C/ Bài học về Nhân quyền:

Trong bài diễn văn quan trọng đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân cuộc viếng thăm mục vụ tại Hoa kỳ vừa qua, ĐTC Biển Đức XVI đã tỏ ra hết sức quan tâm tới vấn đề Nhân quyền. Theo ngài thì:

 

"Chủ để mà chúng ta đặc biệt tập chú trong năm nay, là việc đánh dấu kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền Con người. Văn kiện này là kết quả của sự hội tụ của các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, tất cả đều động viên bởi ước vọng chung là đặt để con người vào trung tâm của các thể chế, luật lệ và các công tác của xã hội, và xem con người là thiết yếu cho thế giới của văn hóa, tôn giáo và khoa học".

 

ĐTC nhấn mạnh:

"Mỗi một quốc gia có bổn phận trước tiên bảo vệ nhân dân của đất nước mình khỏi các vi phạm nặng nề và liên tục các quyền con người, cũng như khỏi hậu quả của các khủng hoảng nhân đạo, thiên nhiên hay nhân tạo. Nếu các Quốc gia không thể bảo đảm việc bảo vệ như vậy, công đồng quốc tế phải can thiệp nhờ các phương tiện mà Hiến chương Liên hiệp Quốc cung cấp và các phương tiện quốc tế khác…

"… Lột bỏ quyền con người sẽ có nghĩa là giới hạn phạm vi và nhường cho quan niệm chủ nghĩa tương đối, theo đó ý nghĩa và diễn dịch các quyền có thể thay đổi và tính phổ quát của chúng có thể bị từ khước nhân danh các quan điểm văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí tôn giáo khác nhau. Sự khác biệt to lớn các quan điểm này không được cho phép làm vẩn đục sự kiện rằng không chỉ các quyền là phổ quát mà cả con người cũng là chủ thể của các quyền đó".

 

Giáo huấn trên đây của vị lãnh đạo tinh thần tối cao của thế giới Công giáo nhắm vào hai đối tượng trực tiếp. Thứ nhất là tổ chức Liên Hiệp Quốc với tư cách là một cơ cấu quốc tế mà lý do hình thành và hiện hữu là để thi hành chức năng gìn giữ và bảo vệ những quyền năng căn bản và thiêng liêng của con người.


Một khi phát hiện nhà cầm quyền một quốc gia nào đó có hành vi xúc phạm và coi rẻ nhân quyền thì với tư cách trọng tài, LHQ có trách nhiệm phải can thiệp. Đối tượng thứ hai là một số những quốc gia hội viên còn khư khư duy trì thể chế độc tài –nhất là mấy nước cộng sản cuối mùa còn sót lại, trong đó có Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam-, nơi ngườI ta còn nhân danh chủ nghĩa quân phiệt, giáo điều, độc tài, độc đảng để giải thích nhân quyền một cách tùy tiện để mặc tình hủy diệt quyền sống và quyền tự do của con người.

 

Xuyên qua nội dung diễn từ trên đây, một cách gián tiếp, với tư cách Giám mục Rôma, rõ ràng là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn hàm ý nhắn nhủ hàng Giáo Phẩm trong các HĐGM địa phương về trách nhiệm đối với sự an toàn đời sống vật chất cũng như siêu nhiên của con cái Hội Thánh và của con người, nói chung. Đối với Giáo hội Công giáo, sự an toàn sinh mạng của con người từ lúc mới hoài thai trong lòng mẹ cho đến khi chết phải được tôn trọng tuyệt đối. Trong rất nhiều diễn văn, tông thư, hay thông điệp, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhấn mạnh: Con người là mục tiêu tối thượng, là đích điểm phục vụ hàng đầu của Giáo hội.

 

Ở vị trí người công dân tín hữu Công giáo Việt nam –cách riêng HĐGMVN-, lời nhắn nhủ trên đây của ĐTC Biển Đức XVI mang ý nghĩa gì nếu không phải là một lời mời gọi khẩn thiết buộc mọi người chúng ta không thể đóng mãi vai trò bàng quan tọa thị, làm ngơ khi chứng kiến tình trạng tồi tệ về nhân quyền và nhân phẩm trên quê hương hiện nay. Cảnh cáo về hệ quả tai hại của những hành vi xâm phạm nhân quyền mà không được khắc chế, ĐTC nhấn mạnh:

"…nạn nhân của hà khắc và thất vọng, tư cách con người của họ bị vi phạm mà không bị trừng phạt, đã dễ dàng trở thành mồi ngon cho tiếng gọi của bạo lực…"

 

ĐTC nói:

"Quyền con người, như thế, phải được tôn trọng như là một diễn đạt của công bình, và không đơn thuần chỉ vì chúng bị ép buộc phải thi hành qua ý muốn của các người làm luật (…) giao phó hoàn toàn cho các Nước riêng biệt, với luật pháp và thể chế của họ, trách nhiệm cuối cùng để đạt đến các khát vọng của con người, của cộng đồng và của toàn thể các dân tộc, có thể sẽ có hiệu quả loại bỏ tính khả dĩ của một trật tự xã hội tôn trọng tư cách và quyền của con người

(…) Quyền con người, dĩ nhiên, phải bao gồm quyền tự do tôn giáo (…) Các quyền liên quan đến tôn giáo lại càng cần được bảo vệ nếu chúng thấy có va chạm với ý thức hệ thế tục thắng thế hoặc với quan điểm tôn giáo đa số của một bản chất duy nhất. Bảo đảm toàn phần tự do tôn giáo không thể bị giới hạn trong việc tự do thực hành việc thờ phượng mà phải đưa sự xem xét thích hợp đến chiều kích công khai của tôn giáo, và từ đó đến khả năng để các tín hữu tham gia phần của họ trong việc xây dựng trật tự xã hội".

 

Tư tưởng trên đây của ĐTC Biển Đức XVI khơi gợi cho chúng ta nhớ tới tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo trên đất nưóc Việt Nam hiện nay. Rập khuôn đường lối chính sách của quan thày Bắc Kinh, mỗi lần bị các chính phủ hoặc các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án về những vi phạm trầm trọng cùng những giới hạn khắt khe về quyền tự do và quyền làm người, trong đó có tự do tôn giáo, đảng và nhà nước CSVN luôn bám lấy những thứ gọi là luật lệ, thể chế, tập tục "riêng biệt" ở địa phương để phủ nhận tính phổ quát của những năng quyền tự nhiên này, đồng thời biện minh cho hành động của họ.

 

Trong điều kiện như thế, ngoài chờ đợi vào sự can thiệp và sức ép của các cơ cấu bên ngoài (chính quyền các quốc gia tự do trên thế giới, các tổ chức nhân quyến quốc tế, tổ chức Liên Hiệp Quốc, kể cả Tòa thánh), hẳn rằng người công dân tín hữu Công giáo, cách riêng các đấng bản quyền trong Giáo hội Việt Nam không thể trốn trách nhiệm thiêng liêng của mình bằng cách nói lên tiếng nói ngôn sứ của mình để xác lập tinh thần tôn trọng cách tuyệt đốI của Giáo HộI vào quyền sống, quyền tự do của con người. Giảnb dị vì: con ngườI là đường đi, là đích điểm phục vụ hàng đầu của Giáo HộI Chúa ở trần gian.

 

Trần Phong Vũ

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2008

 

                                                                                  



[1][1] Một cơ cấu chuyên lo việc canh chừng, gìn giữ mọi mối giềng trong Giáo hội Chúa. Với thái độ và cách suy tư trần tục, các thành phần trong Giáo Hội thường nhìn người coi sóc cơ cấu này tương tự như cách nhìn không mấy thiện cảm của giới học sinh nhìn các giám thị dưới mái trường họ theo học.

[2][2] Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục

[3][3] "Tôi xin phép nói lên tâm tình của một linh mục Công Giáo đối với báo cáo chính trị 'Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa'. Báo cáo chính trị làm cho tôi thêm xác tín rằng mẫu con người mới, mẫu xã hội mới mà Quốc Hội sẽ đề ra cho toàn dân thực hiện trong giai đoạn lịch sử này, chẳng những không có gì mâu thuẫn với tôn giáo, với tín ngưỡng chân chính, trái lại còn rất phù hợp với Tin Mừng của Chúa Kitô Giêsu. Báo cáo chính trị còn làm cho tôi xác tín thêm hơn nữa rằng, con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, mà mọi người tin vào Chúa Kitô Giêsu mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó, không thể có được nếu không có đảng Lao Động Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo và tổ chức. Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ..." (TS/DĐGD tô đậm)

 

[4][4] Trong Tờ Trình III của người tín hữu giáo dân tên Nguyễn Văn Chất (tự Chuyên) gửi các Giám Mục, anh viết: "Không một ai có thể chấp nhận một chương trình học tập có nội dung triệt tiêu lẫn nhau. Có thể nói rằng chưa hề có một tổ chức nào chấp nhận một loại trường lớp có nội dung vừa để xây dựng vừa để phá hoại mục tiêu của tổ chức. Không ai mời kẻ nghịch hằng muốn tru diệt mình làm công tác giáo dục tư tưởng cho nhân viên của mình. HD8GMVN đang chấp nhận điều kiện quá phi lý đó với chủng viện. Đây là một cớ vấp phạm ghê gớm cho mọi thành phần con cái Giáo hội về đức tin và quyền năng quan phòng của Thiên Chúa. Phải chăng vì Chúa bất lực nên Giáo hội mới chấp nhận những điều kiện phi lý là dựa vào vô thần để phát triển Giáo hội! Kinh nghiệm Giáo hội dạy: "Lạy Chúa! Xin hạ kẻ nghịch của Hội Thánh xuống", nhưng các Đấng lại mời cán bộ vào giảng dạy tại chủng viện" (Trích "Hai Diện Mạo Một Tấm Lòng" trong tác phẩm "Ba Mươi Năm CGVN Dưới Chế Độ CS - 1975-2005" do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân và PTGDVNHN, Cơ Sở Đức Quốc ấn hành năm 2005).