Thursday, June 18, 2009

VÀI NÉT VỀ "SẮC LỆNH VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TTXH" CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II & HIỆN TRẠNG TRUYỀN THÔNG XHCG TẠI VN

Nhân cuộc Hội Ngộ với chủ đề "Kiếm Tìm & Sống Linh Đạo TTCG" của nguyệt san DĐGD Chúa Nhật 15-6-08, xin lược trích những điểm cốt lõi trong Sách Lệnh Về Các Phương Tiện truyền Thông của Thánh CĐ Vaticanô II" đồng thời dựa vào bản tường trình của linh mục An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn duyệt qua vài nét cơ bản về hiện tình của ngành TT trong GHVN ngày nay.

I.- VÀI NÉT TRONG "SẮC LỆNH VỀ TTXH"

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, Sắc Lệnh gồm hai chương.

Chương I: Phương tiện Truyền Thông Xã Hội

Vì được Chúa Kitô thiết lập, GH nhận thấy mình cũng có bổn phận phải dùng các phương tiện Truyền Thông Xã Hội để loan báo ơn Cứu Chuộc và dạy con người biết sử dụng chúng một cách đúng đắn.

Về Luật luân lý, để sử dụng đúng đắn những phương tiện này, mọi người cần hiểu biết các nguyên tắc luân lý và áp dụng cách trung thành.

Về Quyền thông tin, mọi người đều có quyền thông tin và được thông tin, nhưng điều quan trọng là mỗi người cần tự tạo cho mình một lương tâm ngay chính. Những người sử dụng, nhất là giới trẻ phải tập quen điều độ và kỷ luật trong việc hưởng dụng những phương tiện này. Trách nhiệm luân lý chính yếu đối với việc sử dụng đúng đắn những phương tiện TTXH qui về các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, các nhà dàn cảnh, sản xuất, người xuất vốn, người phân phối, những người buôn bán, phê bình.

Về vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích. Nhà nước có nhiệm vụ bệnh vực bảo đảm sự tự do đích thực của các phương tiện TTXH.

Chương II: TTXH và việc Tông Đồ:

Mọi con cái Giáo hội cần đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn phải hết sức hăng say sử dụng những phương tiện TTXH vào các công việc tông đồ khác nhau. Các Chủ Chăn phải cấp tốc chu toàn phận sự của mình trong lãnh vực này. Trước hết, phải cổ võ báo chí, truyền thanh, truyền hinh lành mạnh do chính người Công giáo khởi xướng và điều hành. Phải nỗ lực trong việc khuyến khích và nâng đỡ các cơ quan TT Công giáo.

Cần dồn nỗ lực vào việc huấn luyện, đào tạo những chuyên viên TTXH, kể cả người hưởng dụng, về ý thức cũng như chuyên môn.

Sắc lệnh của Thánh Công Đồng nhấn mạnh:

"Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời Cứu Rỗi bị trì trệ, cản trở vì những khó khăn kỹ thuật hay thiếu phương tiện tài chánh, vốn rất lớn lao, mà các phương tiện TTXH đòi hỏi phải có. Vì thế, Thánh Công Đồng nhắc nhở mọi người có bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các báo chí, các đài phát thanh, phát hình và phim ảnh nhằm mục tiêu chính yếu là bảo vệ sự thật, cung cấp nền giáo dục Kitô cho mọi người. Thánh Công Đồng cũng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể, các cá nhân có khả năng trong lãnh vực kinh tế, kỹ thuật, hãy rộng lòng dùng tài nguyên và kinh nghiệm của mình để nâng đỡ những phương tiện này khi chúng phục vụ nền văn hóa đích thực và việc tông đồ."

Sắc lệnh cũng khuyến khích việc tổ chức Ngày Truyền Thông trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế.

II.- HIỆN TÌNH TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG GHCGVN

"Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội phải xem xét lại về mục vụ và văn hoá để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhập vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận sứ điệp của Tin Mừng" (x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Gregis, số 30, 2003; Tông thư Sự phát triển nhanh chóng về Công nghệ Truyền thông, số 8, ngày 24-1-2005). Lời nhắn nhủ trên đây của ĐTC Gioan Phaolô II như đang mời gọi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội quan tâm đến truyền thông.

Những lời lẽ trên đây được lm Nguyễn Ngọc Sơn trích dẫn để làm nền cho bài tường trình vế "Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội tại VN". Bài viết dựa vào những dữ kiện tính tới năm 2005. Sau khi duyệt qua tình trạng chung của các ngành Truyền Thông Xã Hội tại Việt Nam ngày nay -từ sách, báo, tới truyền thanh, truyền hình kể cả các phương diện ấn loát, thư viện, internet-, linh mục An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn bắt đầu nhìn vào nội tình TTXHCGVN (lược trích).

1.- Đặt vấn đề :

Đứng trước hiện trạng truyền thông xã hội tại Việt Nam, người Kitô hữu chúng ta tự hỏi Giáo Hội nên làm gì và có thể làm gì để đáp ứng với những nhu cầu và những vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân Chúa. Chúng tôi chưa có câu trả lời cũng như những giải pháp cụ thể vì đó là việc vượt quá khả năng của chúng tôi.

2.1. Sách Công giáo

Kể từ khi thành lập Nhà Xuất bản Tôn giáo thuộc 'Ban Tôn giáo Chính phủ', ngày 29-4-1999, các sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hoá phẩm thuần tuý tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đều qua con đường này để đến với độc giả, tín hữu. Từ năm 1999-2003, Nhà xuất bản này đã xuất bản 714 ấn phẩm, 205 văn hoá phẩm với 4,2 triệu bản in trong đó Phật giáo: 490, Công giáo 140, Tin Lành: 45, Phật giáo Hoà Hảo: 26, Cao Đài: 2, Hồi Giáo: 3 (x. NXB Tôn giáo, Bản tin tổng kết, 4-2004).

Riêng năm 2004, Công giáo có 58 ấn phẩm so với 150 của Phật giáo, 2 của Cao Đài, 5 của Phật giáo Hoà Hảo và 1 của Hồi giáo.

Trong lĩnh vực sách Công giáo, những sách xuất bản chính thức chỉ là một phần rất nhỏ so với các sách in không chính thức.

Trong tình trạng hiện nay hầu hết những sách Công giáo không thông qua sự kiểm duyệt của Giáo Hội về mặt giáo lý để có Nihil Obstat và Imprimatur, nên đã có một số những tài liệu không đúng với giáo lý đức tin Công giáo.

Nhận định: Người Công giáo Việt Nam chúng ta nên gìn giữ truyền thống tốt đẹp của cha ông: sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ cũng như nền văn minh Kitô giáo qua rất nhiều những tài liệu sách báo bằng tiếng Hán, tiếng Nôm, tiếng Việt còn lưu lại cho đến ngày nay. Các xứ đạo hoặc cá nhân nên bảo tồn những sách cổ hoặc có thể lưu trữ trong nhà truyền thống của giáo phận hay của Giáo hội Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) nên thành lập một quỹ bảo trợ để in ấn và phổ biến những tài liệu cổ này cho mọi người được biết như linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng, thuộc tổng giáo phận TP.HCM, đã dịch hàng trăm sách Nôm cổ trong mấy năm qua.

2.2. Báo Công giáo

Cả nước hiện nay có gần 6 triệu người Công giáo nhưng số lượng phát hành của báo Công giáo có thể nói là rất ít so với báo chí nói chung. Miền Bắc có tuần báo Người Công giáo Việt Nam với số lượng in khoảng 2.500 bản. Miền Nam có tuần báo Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành từ 13.000-15.000 bản và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành 3.500 bản. Cả hai tờ báo này do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo chịu trách nhiệm.

HĐGM Việt Nam cũng có một bản tin chính thức với giấy phép của Cục Báo chí, tên là Bản tin Hiệp Thông, phát hành hai tháng một kỳ với số lượng in 2000 bản.

Nếu so sánh với nguyệt san Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo mỗi tháng ra 9.000 bản và được dùng làm tài liệu đào tạo huấn luyện cho các tăng, ni, Phật tử, chúng ta cần đặt lại vấn đề đổi mới cho Bản tin Hiệp Thông này. Tuần san Giác Ngộ của GHPG phát hành 5.000 bản.

Nhiều toà giám mục cũng phát hành nội bộ những bản tin vắn gồm thư mục vụ của Giám mục giáo phận, một số những tin tức quan trọng, những bài giảng Chúa nhật và những thông báo cần thiết và số lượng từ vài chục đến vài trăm bản mỗi tháng.

Nhận định: Nhiều người tín hữu Việt Nam chưa hiểu tầm quan trọng của báo chí Công giáo và ảnh hưởng mãnh liệt của nó trong nội bộ Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Theo Giáo huấn của Công đồng cũng như của Toà Thánh cần phải tích cực ủng hộ và giúp đỡ các tờ báo Công giáo để có thể giới thiệu Tin Mừng cho mọi người. Bản tin Hiệp thông cần phải đổi mới cả hình thức lẫn nội dung để người giáo dân cảm nhận được đây là tờ báo của họ chứ không phải chỉ dành cho linh mục, tu sĩ. Điều này mời gọi sự cộng tác của nhiều thành phần dân Chúa trong hoàn cảnh thiếu thốn và hạn chế của tờ báo hiện nay.

2.3. Cơ sở in Công giáo

Trước năm 1975, ở miền Nam có một vài cơ sở in lớn của Công giáo như Nguyễn Bá Tòng Ấn loát Công ty (NAC) hoặc do người Công giáo quản lý như Kim Châu, sau đó được Nhà nước tiếp quản và một số nhà sách tự đứng ra in ấn và phát hành các sách báo Công giáo như nhà sách Đa Minh, Thánh Gia… ở TP. HCM.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn cơ sở in nào, nhưng một số người Công giáo vẫn liên kết với các công ty in để thực hiện các ấn phẩm Công giáo. Nhiều tư nhân Công giáo mở các cơ sở đóng sách, photocopy, in lụa và đã góp phần thực hiện các ấn phẩm này.

2.4. Thư viện Công giáo

Ở Việt Nam hiện nay, Giáo hội Công giáo chưa có thư viện chính thức về thần học Công giáo. Nhiều toà giám mục chưa lưu ý đến vấn đề này để lập ra một nơi tra cứu cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân về sách báo. Các xứ đạo cũng nên có những tủ sách Công giáo và khuyến khích việc đọc sách cho mọi người, nhất là cho giới trẻ.

2.5. Phim ảnh Công giáo

Ở Việt Nam hầu như chưa có phim ảnh chính thức của Giáo hội Công giáo. Một vài cá nhân cũng chuyển dịch hay lồng tiếng Việt các phim ảnh có giá trị như Cuộc đời Đức Giêsu, Mẹ Têrêsa Calcutta hoặc các phim Kinh Thánh có nội dung giáo lý. Các phim này được phổ biến nội bộ với số lượng phát hành không nhiều, vì việc sao chép, in lại một cách bất công vẫn còn xảy ra hoặc do không muốn mất thời gian chờ đợi để có giấy phép chính thức.

2.6. Truyền thanh Công giáo

Giáo hội Việt Nam không có đài phát thanh riêng. Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin qua các chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Vatican và Đài Chân lý Á Châu (Veritas of Asia) phát đi từ Philippines.

Trần Phong Vũ